WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sông chảy về Biển Mẹ

Gửi Nhà văn Đào Hiếu – Người đứng giữa hai lằn đạn!

Thuấn rời Vancouver, vào một buổi sáng màu chì, mưa xiên xiên phủ ngợp thành phố.

Thuấn cầm lái, hớp từng ngụm càfê từ tay vợ đưa sang, mắt thong thả nuốt từng đoạn đường trên xa lộ hun hút, như một con trăn lớn vô hình.

Thuấn đang trên đường trở về Edmonton, sau bốn năm xa thành phố này.

Lũ trẻ ca hát vang rân trong lòng xe rộng. Thuấn vui vui, gõ nhịp hát theo chúng, lòng nao nao…

Mười sáu năm trước, một buổi sáng với cái lạnh 30 âm độ C, bước chân phiêu lưu đầu tiên của Thuấn, dừng lại Edmonton, tỉnh bang Alberta, sau một năm ở đảo chờ đi định cư.

Năm ấy, Thuấn 19 tuổi.

Ngày đầu tiên bước xuống phi trường, một nơi chốn xa lạ, nhìn tuyết phủ ngập cánh đồng, cây cỏ, phố thị, Thuấn thích thú vô cùng.

Vì thế, dạo ấy, mỗi khi trời lập đông, tuyết vừa đổ xuống trải một lớp trắng mỏng mềm mại, tự dưng lòng Thuấn chợt rộn rã.

Thuấn, yêu tuyết vô cùng.

Thuấn yêu tuyết, cũng như yêu người anh đang yêu lúc bấy giờ, khi họ rủ nhau đi trượt tuyết vào những ngày nghỉ học. Họ sánh vai,  ngồi trên một con tàu sắt như hình hộp nhỏ, có dây cáp kéo lên đỉnh núi cao đầy tuyết trắng bát ngát, gió bạt ngàn lạnh cắt da. Từ trên ngọn núi cao ấy, đôi tình nhân trẻ vung gậy, lao vun vút xuống cánh đồng bên dưới, hòa lẫn tiếng cười hả hê của những kẻ đang yêu nhau,  vọng lại khắp núi rừng. Hoặc những cuối tuần, họ đi câu trên một mặt hồ rộng lớn,  đã đóng băng sâu hơn thước nước. Ở đó, họ đậu xe, căn lều, đục thủng lớp băng dầy, to như miệng bát, bằng một loại khoan quay tay. Những sợi cước ngắn ngủn, được thả xuống để câu các chú cá đói mồi, suốt mấy tháng mùa đông. Trên mặt hồ đóng băng, rộng, họ ăn uống, tâm sự, vui đùa và làm tình trong túp lều nhỏ,  luôn rung phần phật mỗi khi gió thổi. Và cũng trên mặt hồ rộng mênh mông này, với những ngọn gió nóng khô khốc,  tù túng, bị chặn bởi ngọn Rocky Moutain trải dài sang phần đất Mỹ, họ dong thuyền câu cá những tháng vào hè.

Tuổi trẻ là thế. Thuấn vô tư, tràn đầy sức sống. Anh không vướng mắc những quá khứ đã thổi qua đời người. Có chăng, chỉ còn là những hệ lụy rơi rớt lại, lao xao trên những sinh hoạt quanh anh.

Rồi, những đứa con xinh xắn, bụ bẫm ra đời. Chứng tích của những tháng ngày hai vợ chồng Thuấn yêu nhau cuồng nhiệt trong túp lều nhỏ,  giữa mặt hồ đóng băng vào những tháng mùa đông, trên chiếc thuyền nhỏ buông neo dật dờ ở mặt hồ phẳng lặng, những tháng hè…

Và, theo thời gian khắc nghiệt của đời sống,  cũng phải được lập ra trong khuôn khổ gia đình với hai mặt con. Thuấn buông neo, cột con thuyền gia đình vào đời sống cộng đồng ở những cuối tuần, như anh đã buông neo con thuyền, sau, những cuộc giao hoan mỏi mệt.

Cả hai bắt đầu hết thích tuyết. Họ ghét tuyết, khi những đòi hỏi vật chất, áo quần,  từ những đứa trẻ bắt đầu lớn nhanh như thổi. Và dĩ nhiên, ngoài căn nhà đã mua, cần phải có chiếc xe mới hơn đủ sưởi ấm mỗi sáng sớm chở lũ trẻ tới trường. Thời giờ dành cho yêu nhau của họ, bắt đầu ngừng lại, khi đứa con thứ ba ra đời.

Đời sống cứ thế trôi chầm chậm – ở xứ tuyết lạnh và buồn. Thong thả. Buồn nản. Nhưng một thời gian sau đó, Thuấn chợt khám phá,  một sự mới lạ đang đâm chồi nẩy mầm trong cái thằng lập dị là anh, thích suy nghĩ vu vơ, huyễn mộng. Rằng, không khí quanh đây, ở thành phố này, dường như thiêu thiếu, nhợt nhạt đối với anh, ngoài vật chất luôn dư thừa.

Mãi 12 năm sau, Thuấn mới khám phá ra mình thiếu cái gì!?

Thật vậy. Anh thấy thiếu cái không khí quê hương.

Có quá muộn màng chăng?

Thuấn rời Edmonton, không tiếc nuối. Anh đi, không báo trước bạn bè.

Hôm Thuấn cấm bảng bán nhà, thằng bạn thân thuở từ Việt Nam, vượt biên cùng một chiếc tàu bé tí, cùng ở một thành phố trong ngày đầu định cư; cùng mua nhà ở một xóm nhỏ xa thị phố, ở cách nhau bốn căn, kéo vợ con chạy sang. Hoan hỏi,  với khuôn mặt mất bình tĩnh:

- Mày bán nhà?

- Ừ, bán nhà. – Thuấn đáp, ngạc nhiên nhìn bạn.

- Bán. Rồi mày đi đâu?

Đi đâu ư?  Tôi đi tìm những cái huyễn mộng, tôi đã thiếu trong 12 năm qua. Tôi dọn về Vancouver, một thành phố thi thoảng có tuyết, khí hậu tương đối ôn hòa, với cái nắng không khô khốc như ở Edmonton, nhờ gió từ ven bờ Thái Bình Dương thổi vào. Ở đó, có bốn mùa rõ rệt, cây lá đơm bông kết trái. Có những cơn mưa lướt thướt, kéo về thành phố khi khí trời vừa lập đông, đất dậy mùi ngai ngái. Có những nhánh sông nhỏ, cùng chảy ra biển, không như ở Edmonton, chỉ những ao hồ bao la, tù đọng. Và có cả những tiếng côn trùng gõ nhịp hài hòa cùng đất trời như quê hương tôi: Diên Khánh, Nha Trang.

- Dọn về Vancouver… – Thuấn nhìn bạn dò phản ứng.

- Ở đó, khí hậu không khắc nghiệt như ở đây. – Anh tiếp.

- Còn việc làm? Mày đang có. Sao lại bỏ?

- Bỏ hết. Tao quyết định bỏ Edmonton, vì nó không còn quyến rũ tao nữa. Dĩ nhiên, cuộc sống lưu vong, chỗ nào vẫn thế. Nhưng mà…

- Mày lúc nào cũng lạ đời! Đang có công ăn việc làm, nhà cửa đàng hoàng, con cái đầy đủ, lại bỏ đi. Nghĩa là sao? Mày bỏ đi, rồi còn tao? – Hoan nổi cộc bất ngờ.

- Mày mới là thằng lạ đời! Mày cũng có vợ con, có những lo toan, những thao thức riêng, có những cái của mày, không liên quan đến tao, thì cái việc tao đi, ăn nhậu gì đến mày?

- Thuấn, mày chưa hiểu ý tao. -  Hoan than vãn.

Thuấn im lặng, không cãi lại như thói quen với thằng bạn thân nhất này. Anh hiểu chứ. Bạn bè mấy chục năm, chơi nhau từ bé làm sao Thuấn không hiểu. Nhưng chẳng lẽ…

- Ô kê! Tùy mày. Nếu đã bỏ Edmonton, thì đừng bao giờ trở lại nữa. Mày là một thứ da vàng tha hóa, học theo đời sống Âu-Tây của những thằng da trắng bội ơn. Chỗ nào, có cánh đồng cỏ xanh mướt, ở đó có bọn mày. Bọn mày, mặc nhiên bỏ nơi đã sinh ra, đã dung dưỡng từ bấy lâu nay, để đi tìm cánh đồng cỏ tươi mát khác, mặc nó đang vàng cháy… – Hoan bỏ về.

Thuấn nhìn vợ, nhìn bạn đang giận dỗi quay đi.

Tôi không phải là loại người, chỉ vì những cánh đồng cỏ xanh tìm đến. Mà dù có đi nữa, cũng thật là tự nhiên! Tôi chỉ là một kẻ tha phương, ăn nhờ ở đậu. Nhưng tôi cũng không muốn giải thích những trăn trở của một thằng tha hương lập dị như tôi, mong bạn hiểu.

Sau hai tuần nghỉ hè ở Vancouver, cùng vợ con, Thuấn trở về Edmonton mướn xe, mướn người dọn về thành phố mới, cách Edmonton những ngàn hai cây số. Anh giao hẳn nhà cho luật sư lo.

Hôm Thuấn tuyên bố với thằng bạn thân: “Tao sẽ dọn về Vancouver vào cuối tuần”. Hoan chỉ buồn, không một tiếng hở môi, lẳng lặng về nhà. Tuy nhiên, vợ chồng Hoan cũng tiễn vợ chồng Thuấn một buổi tiệc nhỏ trong buồn tẻ, thiếu cả tiếng trẻ con. Tụi nhỏ ở tầng dưới căn nhà đang chia nhau những đồ chơi, những hình nhân bằng nhựa, có tên do chúng đặt ra. Và, hai thằng người lớn chia nhau những giọt rượu bất tận, hai ‘bà chằn’ (họ thường thân mật gọi nhau như thế!) thủ thỉ suốt đêm.

&

Thuấn trở về Edmonton vào buổi sáng, khi mặt trời vừa mở mắt, nhìn mọi vật bên dưới bằng tia nắng vàng nhạt yếu ớt, bệnh hoạn, giăng kín sương mù. Một thứ bệnh hoạn của đất trời khi giao mùa. Sương mù bao khắp, báo hiệu một mùa đông khác sắp kéo về thành phố. Anh nhìn hàng cây Maple Leafs, đang từ từ trần trụi, rụng dần những cánh lá vàng đã chuyển sang màu đỏ sẫm, đứng bệ vệ khoe lớp vỏ đen, cứng sần sùi, nứt nẻ bọc quanh thân cây, khắp con đường xuyên ngang thành phố. Tự dưng, sự háo hức, Thuấn muốn dành cho Edmonton tan biến. Bao nhiêu kỷ niệm buồn, vui nay kéo về tràn đầy ký ức, vốn nhạy cảm của anh.

Và Thuấn chợt biết, thành phố này, đã chết trong anh từ lâu, ít nhất bốn năm về trước, khi quyết định rời bỏ nó.

Thuấn chỉ vui, rất vui khi những đứa trẻ còn nhận ra nhau. Chúng la toáng lên, gọi tên nhau, bá cổ nhau líu lo.

- Hey. Tí. Tao thức và đợi mày suốt đêm. Coi nè! Thằng này tên… – Thằng bé kể một loạt tên những hình nhân Ninja.

- Chị Ti. Con Hélen vừa mua con chó nhỏ đẹp lắm. Nó tên Nicky.

Đại khái là thế. Lũ trẻ kéo nhau đi xem con chó nhà bà hàng xóm, như dạo nào tụi nó chạy rong khắp xóm. Chúng hồn nhiên và mạnh dạn. Ở đây, mới là quê hương thật sự của chúng. Không như cha mẹ chúng, đã phải nhận nơi đây làm quê hương thứ hai. Vài cái đầu thò ra bên các cửa kính, mặt họ thoáng khó chịu, khi nghe những tiếng khá ồn ào vào buổi sáng sớm cuối tuần. Nhưng liền đó, ở ánh mắt họ tỏ niềm vui khi thấy Thuấn bất chợt trở về xóm nhỏ này.

- Hi, Thuấn! Cậu khỏe không? Mới về à? Chúc một “vacation”  vui vẻ nhé! – Và họ kéo khung kính nhỏ; thản nhiên, hiền hòa.

Hai gã đàn ông bá vai kéo nhau vào nhà. Thuấn vỗ vỗ cái bụng phệ của bạn nhạo báng. Hoan cười, quên những lời trách móc bạn. Anh thú nhận:

- Tụi mình bắt đầu già rồi, ông ạ! Đời sống là một cái guồng giết người.

- Già!? Ba mươi sáu tuổi, sao gọi là già? – Thuấn cười cười, khuyến khích bạn. Anh biết rằng, thằng bạn thân đang bắt đầu đủ trưởng thành để thay đổi cách nhìn đời, nhìn người; không còn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ như trước. Mà bằng ánh mắt dè dặt hơn. Thay đổi cả cách xưng hô, khi cả hai đã con cái đùm đề, bắt đầu vào ngưỡng cửa trung học năm nay.

&

Trời đã gây gây lạnh, dù còn sót những vạt nắng dịu dàng. Những cơn gió khô khốc mùa hè vẫn thổi, nhưng đã sang cái lạnh, mang hơi hớm từ ngọn Rocky Mountain cao ngút, trốn trong mây xám, tuyết không bao giờ tan suốt mấy tháng hè.

Hoan nằm ngửa trên ghế xếp, uống bia. Cạnh anh, những vỏ chai lăn lóc. Cuộc sống tỉnh lẻ và khí hậu miền cao, tạo anh thói quen yên lặng, thích nhậu nhẹt cuối tuần, hơn là những xông xáo vào những sinh hoạt sau các ngày cực nhọc ở hãng.

Không chỉ riêng Hoan, bên hông nhà hàng xóm, hai vợ chồng Bill cũng nằm phơi nắng, uống bia. Hoan biết, vợ chồng Bill vẫn còn luyến tiếc cái nắng hiếm hoi, còn đọng lại khi thời tiết đang trở mình. Thi thoảng, gã da trắng trẻ bên kia rào, hỏi vọng sang mấy câu giao thiệp, vô thưởng vô phạt. Hoan lơ đãng trả lời, anh nâng chai bia mời gã. Hoan mải suy nghĩ và theo dõi Thuấn tự nãy giờ, đang chăm chỉ lật, trở những miếng sườn nướng trên lò.

Hoan thấy thằng bạn thân thay đổi nhiều. Trước kia, Thuấn hoạt bát bao nhiêu, nay trầm và ít nói bấy nhiêu. Về đây đã một tuần, Thuấn chỉ nằm nhà và chẳng muốn đi đâu, ngay cả thăm bạn bè cũ. Đôi lúc, Hoan nhắc nhở Thuấn liên lạc với một số bạn bè sau nhiều năm không gặp. Thuấn ừ hử, nhấc phone, rồi lại bỏ xuống..

- Có những khi, bạn bè không hẳn cần thiết để gặp lại, sau một thời gian xa cách. Bây giờ, người ta không nâng niu tình bạn như những ngày vất vả, vừa hội nhập. Càng ở xứ này lâu, kinh nghiệm dạy rằng càng nên ít bạn bè!

Hoan nghe vậy, đành chịu.

Vạt nắng chiều,  mệt mỏi lùi dần về ngủ trong mây xám, rớt lại những tia nắng màu vàng cam khuất sau hàng cây trắc bá, cắt nửa sân sau nhà, thành hai vạch nối liền nhau, xiên xẹo. Hoan nhìn Thuấn, thấy mặt bạn loang lổ thêm ra, do ánh lửa từ dưới lò bập bùng hắt lên.

Ngọn gió đầu thu lạnh se sắt, khi nắng nhạt dần, tàn lụn cuối trời. Hoan cảm thấy không khí nặng nề. Anh hỏi:

- Sao ông lại về đây?

- Nhớ Edmonton thì về, chứ sao! – Thuấn vẫn chăm chỉ, lật những miếng sườn đang cháy xém; không nhìn bạn.

- Tôi không tin ông nhớ Edmonton mà về đây. Phải có cái gì thôi thúc? Vancouver sát biên giới Mỹ, nếu có đi nghỉ hè, ông chọn California hơn là ở đây.

- Chỗ nào cũng vậy, ông ơi! Mỹ, Canada như nhau. Cũng bao nhiêu kiến trúc đó, cũng bao nhiêu khuôn mặt lạ hoắc đó, cũng bao nhiêu sinh hoạt lập lại nhàm chán đó…

- Biết vậy! Nhưng ở Cali, người Việt đông, phố xá đầy rẫy, hơi hớm Việt Nam nhiều hơn chứ. Qua bên ấy chơi, cũng như về thăm Sài Gòn trong tầm mắt! – Hoan nheo mắt nhìn bạn. Anh tu nửa chai bia còn lại, hết tận đáy, vất vỏ, lấy chai khác trong thùng đưa bạn.

- Chỗ nào người Việt đông, chỗ ấy lao xao và nhất là nhiều phiền nhiễu. Tôi không thích Cali là thế! – Thuấn nhận chai bia, trả lời.

- Còn Vancouver?

- Vancouver?

- …

- Vancouver cũng vậy. Người Việt khá đông. Và cũng khá nhiều chuyện bực bội chẳng khác gì Cali, dù mức độ ít lao xao hơn.

Cả hai lặng lẽ uống. Chợt Hoan khơi mào:

- Ông nghĩ sao mà chọn viết lách?

- Ông biết? -  Thuấn ngạc nhiên.

- Có đọc truyện ông, đăng rai rãi trên các báo. – Hoan tự nhiên.

- Buồn. Vui. Viết lăng nhăng… – Thuấn lơ đãng trả lời, tắt gaz, đậy lò nướng, nhìn cánh đồng quen thuộc, cỏ vàng cháy, bên kia con lộ nhỏ, bằng đất, sau nhà.

- Ông cũng biết cái nghề ấy bạc bẽo lắm mà. Theo chi vậy?

- Bạc bẽo, nhưng vui! Cả một nghiệp dĩ phải mang, ông ơi! Còn có cơ hội theo nó hay không cũng tùy… – Thuấn ngần ngừ không muốn giải thích. Anh bỏ đĩa thịt nướng xuống cạnh Hoan, mời bạn.

- Tùy gì?

Thuấn im lặng uống hết ly bia, rót tiếp…,

Giữa tôi và Hoan làm bạn hơn ba mươi năm. Tôi không lấy làm khó chịu khi hắn đạp chân vào đời tư tôi. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những dằn vặt khó tâm sự cùng bạn bè. Khi dọn về Vancouver, tôi nghĩ mình đang đi tìm một không khí quê hương đã mất mát. Và rõ ràng, tôi đã tìm về nguồn. Tôi đã có những “cái” tôi muốn tìm. Và khi có những cái đã tìm được, những thao thức khác lại kéo đến.

Những tháng đầu về Vancouver, nhìn mưa lướt thướt đi ngang thành phố, tôi nhớ da diết Diên Khánh, Nha Trang của tôi. Cũng cơn mưa lê thê, nhiều ngày ẩm ướt trong suốt mấy tháng mùa đông như quê tôi. Và sau cơn mưa tạnh, tôi thấy mình khó ngủ, vì tiếng côn trùng rên rỉ sau 12 năm được nghe lại. Có nhiều đêm, dù ban ngày đi làm mệt mỏi, tôi cứ thao thức, chóng mắt, vảnh tai nghe tiếng côn trùng ra rả. Tôi bung mền, len lén, đi đến mở cửa sổ nghe chúng đàn hát. Ôi, chúng hát sao mà hay thế! Không khác chi lũ côn trùng ở quê tôi! Cũng chin chít, cũng rin rít, cùng nhau hòa tấu một bản nhạc đồng điệu giữa đất trời. Tôi nghe chúng hát, chúng gõ và mườmg tượng, ấy là tiếng thở thổ ngơi trên chính quê hương mình. Tôi hít khí trời về đêm, cho căng buồng phổi, cho nó chứa đầy mùi ngai ngái của đất. Và biển nữa. Tôi sống gần biển. Đêm nghe tiếng vỗ của sóng, tôi mường tượng đang bơi giữa vũng biển Nha Trang thân thuộc, dọc đại lộ Duy Tân, hoặc dưới cánh rừng thông ngút ngàn của bãi biển Đại Lãnh.

Và tôi thấy, dường như còn thiếu một cái gì nữa! Quanh quẩn đâu đây? Trong tâm hồn tôi? Nó làm tôi ray rứt. Nhưng tôi tìm mãi không ra. Tôi bắt đầu mất ngủ, nhiều đêm. Những đêm mất ngủ, tôi bắt đầu tìm đến thú vui đọc sách nhiều hơn, siêng hơn. Và, sau đó, tôi bất chợt biết mình cầm viết. Một cảm xúc dâng trào, tìm đến như dục dã tôi. Tôi cứ viết. Cắm cúi viết. Tôi viết mải mê, những gì đã thành hình trong trí, từ khi tôi rời bỏ quê hương. Mà nơi ấy, đã dung dưỡng tôi nửa chặng đường đi của Đời. Đến một hôm, tôi khám phá ra rằng, đã tìm ra cái mà tôi thấy thiếu từ bấy lâu nay khi về Vancouver. Ấy là tôi chọn viết văn. Tôi viết văn, kể chuyện, để tự mình tìm về cội nguồn đã bị đánh mất một thời gian khá dài. Viết văn, có nghĩa, tôi tìm về cộng đồng, như một loài thú lạc bầy, đi hoang khi nghe tiếng gọi của ngàn.

Tôi viết để giải tỏa những nhớ thương tha hương cho chính tôi. Tôi chưa nghĩ sẽ san sẻ đến mọi người. Vì, chính tôi cũng chưa giải tỏa nổi, làm sao đến được người khác? Và tôi nghĩ, tôi chưa hẳn là một nhà văn đích thực của chữ nghĩa, dù rằng đã có tác phẩm được in. Tôi nghĩ, mình chưa có số vốn liếng chữ nghĩa quá hàm súc của một dân tộc, khi mà nữa cuộc đời đang đi đã gửi lại quê hương bằng một trí nhớ thời trai trẻ. Tôi chưa đủ kinh nghiệm sống, đời sống đích thực của một nhà văn. Với tôi hai chữ ‘Nhà Văn’ nó quá lớn lao! Tôi chưa sống nổi với cây bút của mình. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ đích thực, là người phải sống nổi với ngòi viết và cây cọ của chính họ. Tôi thì chưa! Tôi đang ở dưới con dốc còn lắm chông gai, ngập ngừng, lẫn e dè. Và những khi ngừng bước để thở, ngửng đầu nhìn lên ngọn đồi cao, tôi thấy đầy dẫy những nghệ sĩ đích thực đã lên tới đỉnh đồi và có người đã qua bên kia con dốc khuất mình trong yên lặng, nhưng vinh quang.

Với tôi, chữ nghĩa còn quá nhiều trừu tượng, giống như bản chất ham hố nơi con người. Chưa khắc kỷ chính bản thân, để nhìn đời sống, sự việc, cách hành xử mẫn cảm và lòng bác ái đối với tha nhân, thì làm sao tôi có thể điều khiển chữ nghĩa khi nó còn thuộc về triết lý, về nhân sinh quan? Chỉ hy vọng rằng, những gì tôi đã viết, đến được các độc giả cũng có nỗi niềm tương tự.

Tôi trở về Edmonton, tìm một không khí thoáng mát hơn. Nhưng những kỷ niệm của một đời sống tha hương làm tôi ngỡ ngàng.

- Ông gặp nhiều điều bất mãn trong sinh hoạt, đời sống, văn nghệ? – Dường như Hoan đọc được đầu óc Thuấn.

- Không hẳn thế!

- Và ông về đây? – Hoan ranh mãnh cười.

Thuấn im lặng, lấy vài cục nước đá bỏ vào ly, rót bia. Chập lát anh mới nói:

- Về thăm gia đình ông, được chưa nào?

Hoan bật cười ha hả, sau hớp bia sóng sánh, đầy bọt.

- Chỉ có những thằng mới tập viết lách lăng nhăng như mày, mới học đòi giang hồ vặt, lê la đây đó. Tao khuyên mày, đừng tập thói quen đó! Hãy chuyển lối suy nghĩ, để viết. Cộng đồng này, có quá nhiều cái để viết. Mày chẳng phải đi đâu xa, cho mệt xác; suy nghĩ chi nhiều cho mệt óc. Nó đầy rẫy khắp nơi! Còn tao chỉ mong mày, có viết, viết cho chính xác, tôn trọng chính ngòi bút mình, đừng bố láo và cường điệu sự việc.

- Mày lại đi xa vấn đề! Tao về thăm gia đình mày mà… – Thuấn cố xoay câu chuyện.

- Tao hơi thắc mắc đa! Gần hai ngàn năm trăm cây số; mày chỉ lên đây ngồi uống bia với tao một tuần, rồi lại trở về?

Tuy Hoan nói thế, nhưng Thuấn thấy trong ánh mắt bạn long lanh, cảm kích.

- Ừ, chỉ có thế!

- Thằng lạ đời! Dzô… cái đi mày!

&

- Daddy! Cây táo nhà mình đã ra trái. Táo nhiều lắm! – Đứa con gái chín tuổi, níu áo Thuấn, khoe.

- Cây táo nào? – Thuấn giật mình, nhìn con.

- Cây táo tôi tặng khi ông mua căn nhà mới. Ông còn nhớ không? – Hoan đỡ lời.

-  À, à… Cây táo đó… Khi ấy nó cao ngang đầu con gái tôi bây giờ. Mới đây đã mười năm. Thật nhanh, không như mình tưởng…

Hoan chợt  nói.

-  Tôi quên nói ông nghe việc này. Cái nhà ông nó có ‘huông’, Thuấn ạ! Từ khi ông đi, đã qua tay ba chủ. Cứ dọn vào rồi lại dọn ra, đôi lúc cả mấy tháng không ai ở. Mùa hè, tụi nhỏ qua bên ấy hái táo về ăn. Táo sai trái lắm. Ông bước qua bển thăm căn nhà cũ, xem sao.

Thuấn ừ ử, chẳng muốn qua thăm căn nhà, gia đình anh từng sống nhiều năm dài. Những đứa con anh, đã sinh ra và lớn lên nơi đây. Nhưng đứa con gái cứ kéo tay Thuấn mãi, anh đành gượng gập đi theo. Hoan đứng dậy, cầm theo mấy chai bia, vừa đi ngất ngưỡng, vừa tu.

Thuấn đi vòng ngoài quanh căn nhà. Trên con đường trải sỏi trắng, hai bên hông nhà,  những nụ hoa cuối mùa đã tàn rữa. Cây anh đào trước sân trơ lá, khẳng khiu. Thuấn yêu cây này lắm. Nó hiếm, khó trồng. Khí hậu nơi này quá khắc nghiệt. Thuấn nhìn qua khung cửa kính lớn, thấy bên trong vẫn không thay đổi. Phòng khách trống trơn, nhà ăn cũng trống trơn, không bàn ghế. Khi Thuấn rời căn nhà này, mọi thứ đều  trống trơn. Nên khung cảnh bên trong, chẳng gợi nơi anh một kỷ niệm gì ngoài bộ óc trống trơn. Chỉ có bên ngoài, sau nhà, là còn nguyên vẹn những gì anh để lại. Một căn nhà nhỏ, Thuấn dựng lên cho các con chơi, vắt ngang trên cao chảng ba cây thông, có thang leo bằng những bánh vỏ xe cao su nhỏ đong đưa mỗi khi trèo. Một căn khác nhỏ hơn, nay cánh cửa đã gãy, nằm xiên xẹo, ngay bên dưới gốc thông, dành cho con chó phóc Nhật-bản, vợ chồng Thuấn mua tặng các con trong một mùa Noel buồn tẻ. Cây táo giờ cao to, tàn xum xuê phủ rợp một góc sân râm mát. Những trái táo thối, lẫn xanh, vàng, còn sót lại cuối mùa, rụng đầy gốc.

Thuấn đứng nhìn cảnh cũ, cảm khái vô vàn. Đoạn anh đưa tay trỏ sang bên kia đường, chỉ cái sân cement rộng lớn nằm giữa ngôi trường tiểu học đóng cửa im ỉm, bảo Hoan:

- Ông còn nhớ cái sân cement kia chứ?

Hoan gật đầu, im lặng.

Ngôi trường tiểu học này, các con Hoan và Thuấn từng học qua nhiều năm. Cũng nơi đây, cả hai gia đình, cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn. Hoan còn nhớ, cứ mỗi mùa đông đến, sau ngày làm việc, gia đình anh và Thuấn chia làm hai phe, đua nhau thi trượt tuyết, đánh Hocky; la hét, cười đùa vang rân một góc trường. Và, khi những ánh đèn điện trong sân trượt tắt, ai về nhà nấy.

Từ khi gia đình Thuấn dời về Vancouver, Hoan ít khi lai vãng đến sân trường này. Vả lại, xóm nhỏ này, chỉ còn lại gia đình Hoan.

- Hay ông dọn trở về đây đi? Ở đây, bây giờ nhiều việc, nhà cửa, mọi thứ đều rẻ hơn Vancouver.

-  Hoan nhìn bạn, mắt long lanh hy vọng.

- Tôi nghĩ, tôi không thể nào sống, khi ở đây không có hơi hớm quen thuộc như quê hương mình.

- Nhưng ở Vancouver, có quá nhiều phiền toái…

-  Tôi biết chứ! Cộng đồng nào, mà không có những phiền toái! Tôi tự nguyện đi tìm về nguồn, là chấp nhận, đi tìm thú đau thương trong cuộc sống nhầy nhụa này. – Thuấn ngừng nói, anh nhìn ngôi trường tiểu học đang mờ dần dưới bóng hoàng hôn trải khắp.

- Nhưng…

Hoan định nói tiếp điều gì đó, Thuấn ngắt lời:

- Cám ơn thịnh tình, ông dành cho gia đình tôi. Tôi đã quyết định rồi! Ông đừng khuyên can. Chiều mai tôi trở về…

Hoan tu chai bia một hơi cạn đáy. Chợt nhiên, Hoan tức tối, ném chai bia vào vũng tối trước mặt. Anh khật khưỡng bước đi và bật cười như điên dại.

Thuấn cảm thấy lành lạnh. Anh dắt con rời căn nhà cũ, không một luyến tiếc…

Thuấn chợt khóc, như Hoan đang cười điên dại…

Phụ chú:

(…)

1.

… Thuấn mơ hồ, nghe tiếng gọi về Nguồn, đang mãnh liệt chảy trong anh.

Mọi Nguồn, đều chảy về Sông; mọi Sông, đều tuôn ra Biển; – Biển lớn! Biển lớn – là Mẹ! Mẹ, bao dung tất cả!

Và Thuấn cứ bước. Bước đều… cùng con…

2.

Có những Nguồn, những Sông, đặc quánh đen kịt, hôi hám, bẩn thỉu, nhiễm độc từ Hóa Chất Con Người thải ra, như thời đại quay cuồng bây giờ, như một mốt mới tha hóa, vì những lợi nhuận ít ỏi và lòng tham vô đáy, bằng những trang quảng cáo…  Những; Nguồn ấy, những Sông ấy, đã không tuôn chảy ra Biển.

Chúng tự Chết, trên những trang giấy, (Chi Họ biết!)

3.

Thuấn tưởng tượng, đang đi trên một cánh đồng bát ngát đầy hoa.

Trong muôn sắc, đủ loài hoa ấy, anh chợt nhận ra: có một loài hoa cứt lợn, xấu xí, nằm lẫn lộn vài nơi trên cánh đồng bao la, đẹp, đầy hoa dại thơm ngát tính đồng quê, chân chất mộc mạc chưa bị dị ứng thời cuộc!

Thuấn hăng hái… bước.

4.

Mỗi con người – cả nhà văn, nghệ sĩ, trí thức, bác học… – đều có sự giả dối – tối thiểu! -. Họ – tự – biết!

Chúng ta cầm viết, có dám nhìn lại chính mình? Dù ở bất cứ thời đại nào, chính quyền nào!

Chúng ta là con của Biển!

5.

Thuấn hăng hái bước đều và nhanh hơn nữa, cùng con…

Biển ngàn năm, triệu triệu ngàn năm!

Năm tỷ năm của trái đất, cùng Biển! Và Biển – vẫn hiền hòa, bao dung đúng nghĩa.

Còn Thuấn, vừa mới năm mươi tuổi của Biển!

6.

Thuấn nghĩ, dường như… Anh đang xa lìa Mẹ Biển!?

Kết:

Thuấn:

Mẹ Biển ơi! Cho con làm Người đúng nghĩa nhất, trong thời đại: Con Người hạ đẳng hơn con Thú Người!

Khởi thảo 1995, viết lại 28/11/1999, hoàn tất 03/11/2008. Vancouver.

© Vũ Đình Kh
© Đàn Chim Việt Online 2009

Phản hồi