WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bản hướng dẫn DOC và áp lực độ nóng Biển Đông

Trong bối cảnh các bên đều cần có một văn bản chính trị để hạ nhiệt ở Biển Đông như Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC thì việc tìm ra một công thức thỏa thiệp là bắt buộc.

Ngày 21 tháng 7 năm 2011, tại Bali – Indonesia, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao AMM 44, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC). Đây được xem là nỗ lực của các bên liên quan trong việc kiềm chế và quản lý‎ các tranh chấp trên Biển Đông, đang trở nên căng thẳng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của Cộng đồng quốc tế nhất là từ nửa đầu năm 2011.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan cho rằng thỏa thuận này là một thành tựu ngoại giao quan trọng, việc áp dụng bản Hướng dẫn sẽ tạo ra tiến trình qua đó đối thoại có thể phát triển và lòng tin lẫn nhau giữa các bên tranh chấp sẽ được thiết lập.

Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia cho rằng, cam kết về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC sẽ thuyết phục thế giới rằng hai bên có thể tránh được xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Việc kết thúc các quy tắc chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhận ra những lợi ích chung.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: “Kết quả này thể hiện quyết tâm, lòng tin và khả năng của Trung Quốc và ASEAN cùng nhau thúc đẩy hòa bình và ổn định trong Biển Nam Trung Hoa bằng việc thực hiện DOC”[1]…

China Daily ngày 27/7/2011 viết: “Lần đầu tiên, cơn bão trên Biển Đông trong suốt hai tháng qua bắt đầu có dấu hiệu dịu lại. Kết quả đáng ca ngợi này đại diện cho cam kết của các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp để giải quyết vấn đề theo con đường song phương và trong hòa bình”.[2]

Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh cho rằng “đây là một khởi đầu tốt và có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục cùng nhau đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự ổn định, lòng tin trong khu vực”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định, bản hướng dẫn là “một bước đi đầu tiên quan trọng” tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.[3]

Không nghi ngờ gì, Bản quy tắc hướng dẫn là một văn bản đạt được đúng lúc, góp phần làm giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông trong những tháng qua. Bản quy tắc là sự kéo dài của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trên con đường khó khăn đi đến một thoả thuận mang tính ràng buộc pháp lý – Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhưng cũng có thể là một sự trì hoãn kéo dài tình thế hiện hữu trên Biển Đông. Tất cả tùy thuộc vào sự chủ động, kiên quyết đấu tranh và thiện chí hợp tác của các bên có quyền lợi ở Biển Đông.

Từ DOC đến Bản Quy tắc hướng dẫn

DOC là văn bản song phương có sự tham gia của nhiều bên đầu tiên của khu vực trong quản lý và kiềm chế tranh chấp Biển Đông.[4] Tranh chấp này được biết đến như tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu thế kỷ, và với các bên tranh chấp khác trong nửa cuối của thế kỷ XX cho đến nay.

Tranh chấp Biển Đông gồm ba loại: tranh chấp chủ quyền các đảo, tranh chấp phân định biển (phân định biển liên quan đến các đảo có tranh chấp và phân định biển không liên quan đến tranh chấp chủ quyền) và tranh chấp về sử dụng và bảo vệ môi trường biển (các quyền tự do hàng hải, về đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, tranh chấp về môi trường biển, về nghiên cứu khoa học biển). Các tranh chấp này đan xen nhau, phụ thuộc lẫn nhau, chịu ảnh hưởng quan hệ giữa các siêu cường trong và ngoài khu vực, làm tranh chấp ngày càng phức tạp, khó giải quyết.

Sau hai lần Trung Quốc sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 cùng sự kiện hợp đồng thăm dò khu vực bãi ngầm Tư Chính giữa Trung Quốc và công ty Mỹ Crestone nằm trên thềm lục địa Việt Nam năm 1992, ASEAN mới có sáng kiến ngăn ngừa đầu tiên với Tuyên bố Biển Đông năm 1992[5]. Tuyên bố này lần đầu tiên kêu gọi các bên tranh chấp cùng ASEAN xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) như một biện pháp xây dựng lòng tin của khu vực.[6]

Việc gia nhập ASEAN của Việt Nam và vụ đụng độ Mischief (Đá Vành khăn) giữa Philippin và Trung Quốc trong cùng năm 1995 đã là những chất xúc tác đưa hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của sự phô trương sức mạnh quân sự của người láng giềng phương Bắc buộc phải có những bước đi kiên quyết trong lĩnh vực này. Năm 1996 ASEAN chính thức thống nhất đề xuất xây dựng văn bản COC cho khu vực. Lúc đầu Trung Quốc không chấp nhận đàm phán xây dựng một COC với l‎ý do ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố hợp tác hướng tới thế kỷ 21 ký tháng 12/1997 tại Kuala Lumpur.[7] Sau khi tuyên bố đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa năm 1996 vi phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc thông qua luật đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998, lệnh cấm đánh bắt cá từ năm 1999 nhằm củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc làm các nước khác lo ngại và khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang và chiếm đóng mới ở Biển Đông. Đài Loan thông qua luật lãnh hải và vùng tiếp, giáp năm 1998, luật đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1999. Malaysia chiếm thêm Én Đất và Bãi Thám hiểm tháng 6/1999. Việt Nam và Philippin tăng cường củng cố các vị trí đã chiếm giữ.

Bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông lúc đó buộc các nhà ngoại giao khu vực phải sớm có một giải pháp. Các bộ quy tắc ứng xử Philippin – Trung Quốc và Philippin – Việt Nam trong năm 1995 là cơ sở để ASEAN đề nghị Trung Quốc tiến hành đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử chung ASEAN – Trung Quốc.

Thế nhưng các cuộc đàm phán giữa các bên chỉ đi đến một kết quả nửa đường – Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002 sau hơn 2 năm đàm phán và 10 năm nung nấu ý tưởng. Các khó khăn trong xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử COC như phạm vi áp dụng, quy định về việc không xây dựng các cấu trúc mới trên những đảo, đá, bãi ngầm hay tính ràng buộc pháp lý đã dễ dàng bị bỏ qua để đi đến Thỏa thuận tạm hài lòng tất cả các Bên. Không phải là COC như mục tiêu hướng đến mà là DOC 2002 với hy vọng làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Thế nhưng một sản phẩm đẻ non khó có thể làm tranh chấp giảm bớt. Các bên đều lợi dụng tính lỏng lẻo trong các quy định chung của DOC 2002 nhằm ngụy biện cho các hoạt động tăng cường hiện diện của mình trên Biển Đông. Hiệp định thăm dò địa chấn Trung – Phi 2004 là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với nguyên tắc thông báo cho nhau trong DOC[8], đe doạ phá vỡ nền tảng củaTuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002. Sự thay thế Hiệp định này bằng “Thoả thuận ba bên về tiến hành thăm dò địa chấn biển chung trong khu vực xác định tại biển Đông” 2005, do sự đấu tranh kiên quyết của Việt Nam, cũng chỉ mang lại bình yên trong thời gian ngắn. Dàn khoan Kantan-03 và tàu nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập hoạt động trên thềm lục địa đất liền Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép buộc các hãng dầu khí nước ngoài đang có Hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phải ngừng công việc. Thành phố Tam Á bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa được thiết lập cũng như vụ rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Hoàng Sa đã làm dấy lên sự biểu lộ bất bình của người dân Việt Nam vào tháng 12/2007. Đài Loan mở rộng chiếm đóng Bãi Bàn Than và lên kế hoạch xây đường băng trên đảo Ba Bình. Đề xuất 6 dự án trong khuôn khổ DOC 2002 không được thực hiện.[9] ASEAN và Trung Quốc bất đồng về nguyên tắc 2 trong dự thảo Hướng dẫn thực hiện DOC.

Tình hình biển Đông thực sự nóng bỏng từ năm 2009 khi vào tháng ba, tàu Mỹ Impeccable đụng độ với tàu Trung Quốc và vào tháng năm khi Trung Quốc phản đối việc trình hồ sơ chung ranh giới thềm lục địa Việt Nam – Malayssia và hồ sơ của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa trước thời hạn ngày 13/5/2009 mà Liên hợp quốc ấn định. Công hàm phản đối của phái đoàn Trung Quốc ngày 7/5/2009 có đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò” yêu sách 80% diện tích Biển Đông trên cái gọi là cơ sở lịch sử. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa bản đồ này ra trước cộng đồng quốc tế. Sau đó, Trung Quốc áp dụng một loạt biện pháp để xác lập “đường lưỡi bò” trên thực tế.

Năm 2010 là sự đối đầu giữa những tuyên bố về “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở Biển Đông làm Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội thêm nóng bỏng. Đặc biệt, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã buộc tội Mỹ can thiệp và đe nẹt các nước láng giềng “TQ là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là một sự thực”. Trung Quốc đơn phương mở rộng thêm thời gian cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 15/5 đến 31/8 hàng năm và tăng cường bắt giữ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, Philippin đang hoạt động hợp pháp trên Biển Đông.

Đỉnh điểm của căng thẳng là vào nửa đầu năm 2011. Tháng 3/2011 Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu địa chất khảo sát bình thường của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Tháng 5/2011 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking 02 trong vùng biển cách đất liền Việt Nam 120 hải lý. Đây là hành động nghiêm trọng bởi theo Công ước Luật Biển 1982, tại điều khoản 57 và 76 thì các quốc gia ven biển được quyền có vùng đặc quyền kinh tế rộng ít nhất 200 hải lý và vùng thềm lục địa ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng ra, (nếu điều kiện địa chất địa mạo cho phép) 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500m, phù hợp với các quy định của Công ước. Các cuộc vi phạm này đã dẫn đến những cuộc biểu tình tự phát biểu lộ tinh thần yêu nước giữ gìn chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam suốt 7 chủ nhật liên tiếp của tháng 6-7/2011.

Những lời trấn an xây dựng tàu sân bay chỉ để huấn luyện không làm ai tin tưởng. Sự phô trương sức mạnh “cơ bắp” của Trung Quốc với các nước nhỏ và những đòi hỏi vô lý về đường lưỡi bò đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế cũng như những bất bình trong dân chúng các nước nhỏ và làm tổn hại chính hình ảnh của Trung Quốc đổi mới trên trường quốc tế.

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông, xung đột biên giới Thái Lan – Cămpuchia đã trở thành những thách thức cho ASEAN đang trên đường xây dựng một Cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phồn vinh, đủ sức giải quyết những vấn đề nội bộ.

Trong một bối cảnh như vậy, việc cần có một thành quả chính trị làm hạ nhiệt cơn sốt Biển Đông là một đòi hỏi bức bách với các bên. Những điều kiện của 9 năm trước cho ra đời DOC 2002 dường như lại tái hiện ở mức cao hơn trong việc thông qua Bản quy tắc hướng dẫn DOC.[10] Từ Đối thoại Shangri-la cho đến cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN ADMM+ trong tháng 5/2011 và các cuộc họp SOM chuẩn bị cho AMM 44 và ARF 18 trong tháng 6/2011, đâu đâu cũng thể hiện yêu cầu sớm có một bản COC như biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh Biển Đông lại nổi sóng.[11] Sáu vòng đàm phán của Nhóm làm việc ASEAN-Trung Quốc về hướng dẫn thực thi DOC từ 2005 với 20 đề nghị Sửa đổi, trao qua đổi lại buộc phải kết thúc.

Trong bối cảnh như vậy, Bản quy tắc hướng dẫn cũng chỉ là một bước đi nhỏ tính từ thời điểm thông qua DOC 2002 trên con đường đầy gập ghềnh gian khó để đạt được mục tiêu COC trong năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC 2002. Điều này thể hiện rõ trong nội dung của Bản quy tắc hướng dẫn so với các nguyên tắc được nêu trong DOC 2002.

Nội dung Bản Quy tắc hướng đẫn DOC 2002

DOC gồm 10 điểm[12] đã được bổ sung thêm bằng Bản Quy tắc hướng dẫn 8 điểm[13] nhằm làm rõ thêm những nội dung trong các điểm của DOC. Các điểm này là :

1. Việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước phù hợp với các điều khoản trong DOC.
2. Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC.
3. Việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng.
4. Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
5. Các hoạt động ban đầu được cam kết trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin.
6. Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và tiến tới hiện thực hóa COC.
7. Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan.
8. Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được thông báo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc.
Tại cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm làm việc ASEAN – Trung Quốc về thực thi DOC tổ chức ngày 4-5/8/2005 tại Manila, Philipppin, dự thảo của ASEAN gồm 7 điểm:
1. Việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước phù hợp với các điều khoản trong DOC.
2. ASEAN sẽ tiếp tục thực tiễn hiện có của mình về tham vấn giữa các thành viên trước khi gặp Trung Quốc.
3. Việc thực hiện DOC cần được dựa trên các hoạt động hoặc các dự án được xác định rõ ràng.
4. Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
5. Các hoạt động ban đầu được tiến hành trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin.
6. Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và tiến tới hiện thực hóa DOC.
7. Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận theo DOC, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan.[14]

(Còn nữa)

Trong phần hai của bài viết, tác giả đi sâu phân tích những điểm được và chưa được của Bản Quy tắc hướng dẫn DOC, từ đó đánh giá vị trí của văn bản này trên con đường tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC có tính ràng buộc pháp lý.
[*] Bài viết tham dự Hội thảo “Việt nam và các nước ASEAN trước thử thách, Singaporre 20-21/8/2011.
Tác giả xin ngỏ lời cám ơn những ý kiến đóng góp quý báu của Nguyễn Thị Thanh Hà, Nguyễn Đăng Thắng, Giáp Văn Dương để hoàn thiện bài viết.

[1] Remarks by Foreign Minister Yang Jiechi at the ARF Foreign Ministers’ Meeting, 2011/07/24 , http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/y…zh/t842183.htm
[2] China Daily 27/7/2011.
[3] Hoàng Phương Loan, Hạ nhiệt Biển Đông và trò chơi hai mặt, Tuần Việt Nam, ngày 27/7/2011.
[4] Governments of the Member States of ASEAN and the Government of the People’s Republic of China, Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (Phnom Penh, November 4, 2002), http://www.aseansec.org/13163.htm
[5] Khoản 4 của Tuyên bố “khuyến nghị tất cả các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á như là cơ sở để hình thành một bộ luật ứng xử quốc tế đối với Biển Nam Trung Hoa”. Văn bản có tại http://www.aseansec.org/1196.htm
[6] Nguyen Hong Thao, “Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea”, Ocean Development and International Law, 32:105-130, (2000).
[7] Joint Communique of The 29th ASEAN Ministerial Meeting (AMM), Jakarta, 20-21 July 1996, mục 11 “endorsed the idea of concluding a regional code of conduct in the South China Sea which will lay the foundation for lone[sic] term stability in the area and foster understanding among claimant countries.”
Nguyen Hong Thao, “Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea”, Ocean Development and International Law, 32:105-130, (2000).
[8] Điểm 6 của DOC: “mọi hoạt động, dự án triển khai phải có sự thống nhất của tất cả các bên liên quan”. Xem nguyên văn tiếng Anh có trong Nguyen Hong Thao, “The 2002 Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea: A Note” Ocean Development & International Law 34 (2003): 279-285.
[9]Nguyen Hong Thao and Ramses, “A New Legal Arrangement For the South China Sea?, Ocean Development & International Law(American), 2009, Vol. N.40: 4, 333 – 349.
[10] Indra Harsaputra, China ‘agrees’ to immediate peace in S. China Sea, The Jakarta Post, 2 June, 2011.
[11] Dina Indrasafitri, ASEAN defense meeting ends with declaration, The Jakarta Post, 19 May 2011.
[12] Về phân tích nội dung DOC xem Thanh Hà – Đăng Thắng, “Ngẫm về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/201…u-o-bien-dong- ; Nguyen Hong Thao, “The 2002 Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea: A Note” Ocean Development & International Law 34 (2003): 279-285; Wu Shicun and Ren Huaifeng, “More than a Declaration: A Commentary on the Background and the Significance of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea” Chinese Journal of International Law 3 (2003): 311-19.
[13]Jakarta Post, “South China Sea Guidelines Agree” 21 July 2011;

http://www.mfa.gov.cn/chn/pds/ziliao…m2/t844329.htm

Hoàng Anh, Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc…-hop/1849-1849 .
[14] Nguyen Hong Thao and Ramses, “A New Legal Arrangement For the South China Sea?, Ocean Development & International Law(American), 2009, Vol. N.40: 4, 333 – 349.

Tác giả: Việt Long

Nguồn: Vietnamnet

1 Phản hồi cho “Bản hướng dẫn DOC và áp lực độ nóng Biển Đông”

  1. khaymouk says:

    ban huong dan Doc chi tam thoi yen ,nhung vietnam phai chuan bi cho tinh huong xau nhat
    vi bien dong co yen hay day song chi co mot nuoc duy nhat ho muon yen hay muon day song
    con cac nuoc Asean thi vi quyen loi nao do cua moi nuoc ma Asean se khong thong nhat
    con cac nuoc khac cung tuy thuoc theo quyen loi cua moi nuoc
    vietnam can dung ngoai giao de ket lai nhung quoc gia co loi ich chung de nang do lan nhau
    vietnam can ket than nhung quoc gia co quyen loi va chien luoc chung de co nhieu ban de khi gap nguy
    thi co nguoi giup,nhung can nhat vietnam can doan ket Dan toc,khong ai thuong Dat nuoc vietnam bang nguoi vietnam.

Phản hồi