Vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa thành Đông Nam Á
Cuộc vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa hay Nam Hải thành biển Đông Nam Á do Nguyễn Thái Học Foundation phát động, thu được gần mười nghìn chữ ký người Việt trong và ngoài nước.
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp Tác Vì An Ninh Và Phát Triển Trong Khu Vực”, Việt Nam tổ chức buổi hội thảo quốc tế lần thứ nhì về biển Đông trong hai ngày 11 và 12 tháng này.
Đối với người Việt Nam trong nước cũng như trên khắp thế giới, biển Đông, mà trên bản đồ ghi là biển Nam Trung Hoa hay biển Nam Hải, là nơi tàu thuyền Việt Nam được quyền đi lại, ngư dân Việt được quyền đánh bắt cá trong hải phận của mình, nhất là khu vực gần hai vùng tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng từ mấy năm trở lại đây, Trung Quốc thường xuyên gây khó khăn, cấm đoán, tịch thu tàu bè cũng như bắt giữ ngư phủ Việt Nam vì cho là xâm phạm hải phận của họ. Đó là chưa kể những khoản thời gian trong năm mà Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá tại một số khu vực trên biển Đông.
Đó cũng là lý do khiến Nguyễn Thái Học Foundation, một tổ chức của người Việt ở Hoa Kỳ, khởi sự những cuộc vận động của họ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Nam Hải, còn gọi là biển Nam Trung Hoa.
Ông Lý Kinh Dương, chủ tịch hội đồng quản trị, cũng là một trong những người sáng lập tổ chức, cho biết:
“Nguyễn Thái Học Foundation được thành lập năm 2005, có mục đích duy trì và phát huy tinh thần Nguyễn Thái Học, một nhà cách mạng của Việt Nam. Mục đích thứ hai là góp phần đào tạo những thế hệ mang tinh thần và trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Chúng tôi hoạt động về mặt văn hóa, giáo dục và xã hội và cả những vấn đề liên quan đến Việt Nam.”
Vận động của Nguyễn Thái Học Foundation
Tháng Hai năm nay, Nguyễn Thái Học Foundation phát khởi cuộc vận động yêu cầu NGS tức National Geographic Society của Hoa Kỳ điều chỉnh một chi tiết trên bản đồ: “Bởi vì bản đồ của họ về Đông Nam Á và biển Đông thì trên vùng Hoàng Sa họ ghi chú quần đảo này là của Trung Hoa mà Việt Nam đang tranh chấp. Đó là lý do mà Nguyễn Thái Học Foundation đưa ra cuộc vận động hồi tháng Hai vừa rồi.”
Mục tiêu của Nguyễn Thái Học Foundation khi đó là mười nghìn chữ ký, và chỉ trong khoảng mười ba ngày thì đã có mười nghìn người ủng hộ:
Tàu đánh cá của ngư dân VN. RFA photo “Khi số người ký tên được khoảng ba nghìn thì bên NGS đã biết và đưa ra hai thông cáo. Thông cáo thứ nhất họ nói đó là sai sót của họ cho nên sẽ nghiên cứu vấn đề bởi đó là thủ tục, phải đưa qua Ủy Ban Bản Đồ của NGS. Đến mấy hôm sau, khi con số chữ ký đã lên đến tám chín nghìn gì đó thì họ ra thông cáo thứ hai, đồng ý bỏ cái ghi chú là đảo này do Trung Quốc chiếm đóng và Việt Nam thì đang tranh chấp. Giờ chúng ta thấy trên bản đồ là họ chỉ ghi chữ Paracel Islands thôi, không ghi chú thích như trước kia nữa.”
Tháng Năm 2010, Nguyễn Thái Học Foundation bắt đầu cuộc vận động thứ hai, yêu cầu quốc tế gồm mười một nước Đông Nam Á, Ủy Ban Bản Đồ Đại Dương của Liên Hiệp Quốc và mười Hội Địa Lý trên thế giới trong đó có Hội Địa Lý của Hoa Kỳ mà vừa rồi Nguyễn Thái Học Foundation đã làm cuộc vận động lần thứ nhất, để thay đổi tên gọi từ biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á.
Cô Nguyễn Hoài Nhã Trân, trưởng ban báo chí của Nguyễn Thái Học Foundation, nói đây là cuộc vận động online:
“Đến nay thì đã suýt soát được chín ngàn tám trăm chữ ký. Điều đáng quí là không phải chỉ người Việt trong và ngoài nước mà còn có những người bạn ngoại quốc ở các nước khác. Chúng tôi thấy từ Âu Châu như Pháp, Anh, rồi những nước xa xôi như New Zealand và Australia. Có những người từ bên Nhật, ngay cả Na Uy, Thụy Điển và những người ngoại quốc ở Mỹ hay Canada, hoặc là cả người Spanish chứ không phải chỉ người Việt Nam mà thôi.
Trong phần góp ý thì có những ngừơi nói phải làm như thế nào như thế nào để lấy nhiều chữ ký hơn, nhưng mà Nguyễn Thái Học Foundation chí đơn phương đưa lên Internet chứ không có phương thức nào khác hơn. Thành ra những số chữ ký đó là thật lòng người ta ủng hộ, người ta ký thì mới được như thế.
Ý kiến của mọi ngừơi đối với cuộc vận động đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á ra sao? Từ California, Anthony Nguyễn, đã ký vào thỉnh nguyện thư của Nguyễn Thái Học Foundation từ những ngày đầu, nói rằng với anh đây là việc làm có ý nghĩa:
“Tôi thấy vùng biển đó là vùng biển của Đông Nam Á chứ không phải vùng biển của nước Trung Hoa, cho nên đổi là đúng chứ không có gì sai hết, nó hợp lý nên tôi rất là ủng hộ. Dĩ nhiên nếu đổi như vậy thì về biên giới về lãnh thổ và lãnh hải nó cũng rõ ràng hơn, vấn đề chủ quyền vấn để biển của Việt Nam được rõ ràng hơn, nứơc Trung Hoa không thể nói vùng biển đó là của Trung Hoa được. Tôi nghĩ nếu đọc bản tin của Nguyễn Thái Học Foundation trên Internet thì hầu như ai nấy cũng ủng hộ hết. Hy vọng ở Việt Nam nếu họ có thể đọc hay nghe được những tin tức về vấn đề này và ủng hộ thì đó là điều đáng mừng.”
Ủy viên ngoại vụ của Liên Hội Người Việt Canada, ông Lê Duy Cấn:
“Tôi thấy tên South China Sea không còn thích hợp nữa. Hồi xưa ngừơi ta đặt tên đó thì ngừơi ta chỉ để ý Tàu là nứơc lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, mà thực ra bây giờ biển gọi là South China Sea thì được tất cả các nước chung quanh đó dùng, thành ra đặt tên biển Đông Nam Á tức là South East Asia Sea thì nó thích hợp hơn.
Khi tôi ký vào thỉnh nguyện thơ đó thì tôi cũng hy vọng tất cả người Việt chúng ta đồng ý, và tất cả những nước chung quanh như Malasia, Indonesia, Philippines cũng ủng hộ mình trong chuyện đó. Điểm thứ hai là nếu thế giới đồng ý với sự đổi tên đó thì Trung Quốc không thể nói đó là vùng ảnh hưởng của họ được.”
Đồng quan điểm với ông Lê Duy Cấn, cô Hà Quyên, giáo viên trường Việt ngữ Tây Sơn ở Ottawa:
“Theo Hà Quyên hiểu, xưa nay có tên biển Nam Hải là họ so với phía Nam của Trung Quốc. Cái tên Nam Trung Quốc là dựa vào địa thế Trung Quốc là nước lớn, thành thử người ta cứ nhìn vào cái gì dễ nhận biết nhất người ta đặt tên đó thôi. Điều đó làm cho chính Trung Quốc lợi dụng, coi như đó là sở hữu. Trung Quốc đã lợi dụng cái tên đó và thế lớn của đất nước họ để uy hiếp những nước nhỏ bé hơn ở phía dưới. Những vấn đề ngư dân của mình hay là họ không cho ngư dân của mình đánh cá như lúc trước là quá đáng, không thể chấp nhận được.”
Bạn trẻ trong nước nghĩ gì?
Thục, một bản trẻ ở Việt Nam, biết đến và ký vào thư vận động của Nguyễn Thái Học Foundation qua Internet, nêu trường hợp Ấn Độ Dương và biển Nhật Bản để chứng minh rằng:
“Từ trước đến nay người ta vẫn thường gọi Ấn Độ Dương và biển Nhật Bản, nhưng cũng đâu có nghĩa đó là biển của Ấn Độ hay của Nhật Bản. Nhưng người Trung Hoa với âm mưu bành trướng, muốn lấn đất lấn biển của người khác, lại lộng giả thành chân, coi biển đó thuộc chủ quyền của mình. Nếu tên biển được đổi, thì nó phá vỡ cái âm mưu lộng giả thành chân đó của Trung Quốc.
Cái thứ hai, làm được việc này là bảo đảm quyền lợi của cách quốc gia Đông Nam Á trên biển Đông Nam Á, bảo vệ quyền khai thác thủy sản của các nước trong vùng và quyền tự do hàng hải của tất cả tàu bè trên thế giới.”
Được hỏi những ngừơi trẻ trong nước, thí dụ bạn bè của cô, có biết và có ủng hộ cuộc vận động này không, Thục đáp:
“Em đã gởi thông tin này cho nhiều người và có hai ba người bạn của em ủng hộ và đã tham gia ký tên. Nhưng mà một số người khác thì tỏ ra như không biết gì, em thật sự thất vọng với thái độ đó. Em không biết những bạn khác thì sao, tại vì bạn bè của em nó như vậy, nhưng chắc bạn của người khác thì sẽ khác. Cho nên nếu chị hỏi những bạn sinh viên khác thì có cái nhìn đa chiều hơn.”
Và bạn sinh viên khác đó là một người ở miền Trung, cô Minh:
“Tôi biết đến Nguyễn Thái Học Foundation vì tôi thường xuyên lên mạng. Tình cờ một lần trên Facebook của người bạn tôi thấy được và đọc được. Tôi thấy họat động này khá là thiết thực nên tôi vào xem. Mục tiêu của họ là năm trăm ngàn chữ ký thì hiện giờ chỉ mới có được chín ngàn tám trăm bảy mươi ba chữ ký, có nghĩa là chưa đầy 2% so với mục tiêu.
Tuy nhiên sắp tới đây họ sẽ đệ trình mười ngàn chữ ký đầu tiên đến mười một nước Đông Nam Á, Ủy Ban Bản Đồ Đại Dương của Liên Hiệp Quốc và Hội Địa Lý của mười quốc gia. Theo tôi việc này sẽ tác động một phần nào đó đến việc có thể đổi tên biển Nam Trung Hoa trở thành biển Đông Nam Á. Mặc dù vậy con đường để mà đạt được mục tiêu có lẽ vẫn còn rất là xa.”
Vậy thì chiến dịch vận động đổi tên biển của Nguyễn Thái Học Foundation phải chăng quá đơn phương và quá khó, Minh trả lời một cách gián tiếp:
Thục, một bạn trẻ trong nước “Vừa ngày 24 tháng Mười mới đây, tại cuộc họp giữa ASEAN với Hoa Kỳ, tổng thống Philippines là ông Aquino cũng có nói một câu là việc đổi tên biển Nam Trung Hoa trở thành biển Đông Nam Á sẽ góp phần để nói rằng đây không phải biển của Trung Quốc mà là tài sản chung của Trung Quốc và các nước ASEAN.”
Minh nói qua lời tuyên bố của nguyên thủ Philippines thì cô hiểu ông Aquino đang đề cập tới DOC, bản thỏa thuận về qui tắc hành xử trên biển Đông, mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết với nhau.
Từ điểm này, người bạn trẻ trong nước khẳng định, rằng cuộc vận động của Nguyễn Thái Học dù còn xa còn khó, vẫn có sức tác động khiến chính phủ và thế giới quan tâm hơn đến vấn đề chủ quyền thực sự trên biển Nam Trung Hoa hiện nay.
Nguồn: Thanh Trúc, phóng viên RFA
Dong y, vung bien nay khong phai cua Tau Cong. Doi ten thanh Bien Dong Nam A la hop ly.
Ý kiến rất hay, nhưng làm thế nào để đóng góp ?
Gửi chữ ký đi đâu?
Cứ việc có lợi cho Tổ Quốc VN là ta làm. Việc bất lợi cho Tổ Quốc thì nhất định không làm.
Đó là bổn phận của người VN chân chính & lành mạnh.