Miền hư ảo [21]
Tiếp theo các chương: I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI, XVII, XVIII, XIX và XX
Chương 21: Ngã blog – Đêm mồng bảy có trăng lưỡng nghi
(Lại kể tiếp chuyện con trai nối dõi của Đường Sơn ghé qua nhà. Vì có một đứa trong diễn đàn tự nhiên nhảy ngang vô gây rối ren, nên ngã phải nhắc lại cho mọi người nhớ mà quay về thời điểm cách đây hai mươi lăm năm)
Khi ngã nghe Đường Sơn tiểu tử nhắc tới tên Mã Tiền thì sống lưng lạnh toát, đoán là có chuyện sinh sát bất thường. Ngã liền thoái thác:
- Bổn nương bình sinh không muốn can thiệp chuyện ân oán giang hồ.
Thằng nhỏ khăng khăng hỏi ngược lại:
- Người có chuyện oan ức đau đớn muốn nhờ cậy, lẽ nào cô cô vẫn cứ không giúp?
Ngã đành lòng nói nước đôi, nhưng vẫn cứ không muốn dính dấp tới tên ma đầu Mã Tiền:
- Chuyện này không biết thực hư ra sao nên khó lòng giúp đỡ được.
Không ngờ thằng nhỏ điềm tĩnh gật đầu:
- Được rồi. Tiểu tử kể cho cô cô nghe. Biết tới đâu thì kể tới đó.
Rồi nó chậm rãi kể:
*
Mã đại hiệp với thân phụ của tiểu tử là chỗ anh em kết nghĩa, ân tình sâu nặng. Hôm gia gia vượt ngục, Mã đại hiệp tiên đoán biết là có sự cố, nhưng vì về không kịp thời nên mới xảy ra chuyện đau thương.
Mã đại hiệp từ Cao Nguyên đón xe về Chợ Lớn, tới ngay nhà bà vú tìm tiểu tử, nhưng bà vú nói, gia gia đã về đón tiểu tử đi từ hơn bốn giờ trước. Mã đại hiệp vội vã chạy về Đường Sơn gia trang để đón đầu, nhưng khi tới được nơi gia gia đã treo cổ lên chùm đèn pha lê giữa phòng. Tiểu tử bị gia gia cho uống thuốc ngủ đặt nằm trên giường, trong chính căn phòng treo màn cửa đỏ, bỗng nhiên có người lay gọi. Mơ màng tỉnh dậy chỉ thấy tối đen, hoá ra mắt mình đã bị vải đen bịt kín. Lại nghe tiếng Mã bá bá nói bên tai:
- Tiểu điệt, gia gia ngươi tự ải chết rồi. Ta vì tới trễ mà để xảy ra cớ sự thảm thương này.
Tiểu tử bị bịt mắt nên không rõ sự tình, chỉ cố vùng vẫy muốn thoát ra, nhưng bàn tay của bá bá cứng như sắt thép. Bá bá lại nói.
- Nhà người không được nhìn thi thể của gia gia, không thể đem mối hận thù này theo mãi bên mình mà huỷ hoại cả cuộc đời.
Dần dà theo lời kể của bá bá, tiểu tử mới biết, gia gia vì quá phẫn uất mà trốn về Đường Sơn gia trang tự ải, tự giam oan hồn mình trong tử lộ, tự biến thành ma quỷ nơi Quái Khảm để trả thù kẻ thất tín. Sở dĩ gia gia mang tiểu tử theo là muốn tiểu tử nhìn thấy tận mắt cái chết thảm khốc của gia gia mà khắc cốt ghi tâm dốc lòng dốc sức trả thù cho gia gia. Nhưng bá bá vì thương xót cho cơ nghiệp nhà Đường Sơn nên muốn cứu tiểu tử ra khỏi vòng ân oán. Bá bá nói:
- Sư đệ ta vì quá phẫn uất mà hành xử thiếu cân nhắc, để lại di hoạ khó lường. Nhà ngươi phải khóc thật to, gào thật lớn, cho nỗi oan khiên này thấu tận thiên đình, cho vong hồn gia gia thức tỉnh mà tự tìm đường thoát khỏi bát quái trận đồ.
Tiểu tử nghe lời bá bá, giữ khăn bịt mắt, gào khóc thảm thiết suốt nửa ngày bên xác gia gia. Lúc đó, bá bá chỉ ngồi im kế bên chứ không nói năng gì. Tới giữa trưa, khi toán bộ đội gỡ mìn đổ quân xuống thì đám người hiếu kỳ cũng hết kéo về phía con đường chính.
Khi đó, Bá bá mới dẫn tiểu tử theo đường hầm bí mật vòng ra lối sau. Trong phòng ngủ của gia gia có xây đường thoát hiểm, đường này dẫn xuống lòng đất có nhiều ngõ ngách dẫn ra mọi nơi trong đầm lầy. Con đường này chỉ có gia gia và bá bá biết, kẻ lạ vô đó rất dễ bị lạc trong bát quái trận đồ mà bị giam hãm tới chết trong lòng đất.
Bá bá dẫn tiểu tử vô tới cửa hầm thì mở khăn bịt mắt. Con đường tối tăm, ẩm ướt, chật hẹp, loanh quanh độ nửa giờ mới thoát được ra gò đất giữa đầm. Từ đó nhìn về nhà thuỷ tạ rõ mồn một, tiểu tử nhìn thấy toán gỡ mìn đang tiến vô tới khoảng sân trước, sau đó thì họ khuất sau bờ tường của đại sảnh. Bá bá để cho tiểu tử quỳ lạy gia gia lần cuối, rồi hai bác cháu men theo những gò đất vượt đầm lầy trốn sang rừng cao su. Băng hết cánh rừng cao su, lần theo mấy xóm nhà tôn là ra tới dốc Gà Quay.
Chuyện sau đó, tiểu tử không nhớ rõ lắm, chỉ biết, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong lòng xe tải chở hàng về Cao Nguyên. Từ đó tiểu tử thay tên đổi họ, ở lại Cao Nguyên học hành cho tới năm mười tám tuổi thì được bá bá đưa về lại Sài Gòn, lo lót cho đi học lớp mười hai ở trường Lê Hồng Phong. Bá bá dặn kỹ, phải chơi thân với thằng con trai quan tổng đốc học cùng lớp, và tìm mọi cách rủ nó nộp đơn thi vô trường Đại Học Nông Lâm.
*
Ngã nhìn khuôn mặt sáng láng của nó dưới bóng đèn, chợt nghĩ, thằng nhỏ này mà vướng vô vòng oan nghiệp oán thù để rồi huỷ hoại cả cuộc đời thì thật là tội nghiệp. Không ngờ Mã Tiền mang tiếng tàn độc trên giang hồ mà trong lúc hoạn nạn lại hành xử minh bạch như vậy. Ngã hỏi nó:
- Tại sao bá bá của nhà ngươi ra vô Đường Sơn gia trang dễ như trở bàn tay lại để cho nhà ngươi đi tìm bổn nương nhờ cậy?
- Mã bá bá đã lớn tuổi, từ lâu muốn rửa tay gác kiếm, tiểu tử được bá bá nuôi cho ăn học tới lúc trưởng thành, nay phải tự mình giải quyết chuyện ân oán ngày xưa. Duyên nghiệp tới đâu thì tự mình gánh trả, quyết không dám làm phiền bá bá. Lúc sinh thời, có lần gia gia nói với tiểu tử, nhà thuỷ tạ nằm ngay Long Mạch, xây theo hình Thần Quy để tương trợ cho Thần Long phương Nam. Đầu rùa hướng về phía nam, thân mang Lạc Đồ, xung quanh có Thiên Tiên Bát Quái bảo bọc.
Ngã mới nghe thủng chuyện đã giật mình, vụ nhà thuỷ tạ hình con rùa quả là kỳ yếu. Ngã cắt lời, hỏi:
- Gian nhà phía nam là đầu con rùa thật sao? Năm 74 ở đó bị Việt Cộng đặt mìn phá sập. Ai biết được bí mật của gia gia nhà ngươi mà hạ độc thủ?
Khuôn mặt thằng nhỏ như bị một tát tai, nó đau đớn lặng đi trong giây lát, rồi lại cố bình tĩnh khẽ khàng nói:
- Ngoài gia gia và Mã bá bá ra, còn một người thứ ba biết được điều này. Người đó rất gần gũi với gia gia lại cũng thông hiểu dịch học. Nhưng xin cô cô cho phép tiểu tử giữ riêng nỗi khổ tâm này.
Ngã không chấp trách mà gật đầu ưng thuận. Thằng nhỏ thấy vậy lòng xem chừng cũng nguôi ngoai. Nó kể tiếp:
- Bát quái đồ trên đầm lầy hiện nay đã bị huỷ hoại hoàn toàn, hệ thống đường hầm bên dưới chắc cũng không còn. Nhà thuỷ tạ như con rùa cô độc giam trong thế trận âm hàn của mấy hồ nuôi đỉa. Người am hiểu bát quái trận cũng không cách nào vượt qua hồ đỉa và bốn trạm canh để vô nhà thuỷ tạ.
Ngã nghe tới đó thì cười sằng sặc. Đúng rồi, kẻ tầm thường là sao vượt qua được chốn âm hàn hiểm độc đó. Xưa kia Đường Sơn xây nhà thuỷ tạ trên đầm lầy cũng đâu ngờ tới chuyện có kẻ cao tay xây đầm đỉa án ngữ âm dương. Mà loại đại ma đầu như Mã Tiền dẫu có muốn dùng độc dược giết hết đỉa trên đầm cũng vô phương. Mấy cái đầm rộng hàng mẫu, lại sâu hàng mét, bao nhiêu chất độc mà bỏ xuống đó cho vừa.
Lưới Trời lồng lộng. Oán thù sôi sục bao năm binh lửa, chưa đủ hay sao. Ngã mới nói thằng nhỏ:
- Thiếu hiệp vô đó làm chi nữa? Dĩ đức báo oán, oán ấy tiêu tan. Dĩ oán báo oán, oán ấy chồng chất.
Thằng nhỏ không chần chờ nói luôn một mạch:
- Dĩ đức báo oán hà như? Dĩ đức báo đức. Dĩ trực báo oán.
Ngã giật mình, thằng này đối đáp cương trực như vậy quả là người trung tín. Trong Luận Ngữ, ở chương Hiến Vấn có đoạn: “Dĩ đức báo oán hà như?” Tử viết : “Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”. Ngã hiểu là, có người hỏi: “Lấy đức báo oán, có được không?” Khổng tử nói : “Vậy thì lấy gì báo đức? Hãy lấy sự chính trực để báo oán, và lấy đức để báo đức”.
Ngã thở dài, cũng trả lời gã bằng một câu trong Luận Ngữ:
- Tri kỳ bất khả nhi vi chi giả. Kẻ biết việc bất khả thi mà vẫn cứ làm. Ấy mới là người quân tử.
Nói rồi, ngã rót trà mời nó. Vừa uống chén trà bần hàn nguội lạnh, ngã vừa giải thích cho nó cách qua đầm đỉa.
*
Đỉa là giống lưỡng cư, có thể vừa sống dưới nước lẫn trên cạn. Trong Đông Y, loại đỉa nhỏ nuôi trên đầm này gọi là Thuỷ Điệt. Đỉa trong Nam dược theo Lĩnh Nam bản thảo có vị mặn, tính bình, tác dụng phá trưng, tiêu tích, chữa trị nhọt độc, phong lở, nguyệt kinh bế. Giống Thuỷ Điệt này có nguồn gốc từ những vùng đầm lầy Nam Mỹ, là giống trùng độc cực kỳ hung dữ chuyên hút máu động vật. Những khi đói khát, chúng bò cả lên bờ tấn công người và thú. Bởi vậy mà từ khi xây dựng trại nuôi đỉa xuất khẩu người ta cũng đem giống cỏ ngu mỹ nhơn này về rải khắp đồi Thủ Đức. Đám công nhân trại đỉa, chiều chiều hay cắt cỏ ngu mỹ nhơn về thả xuống hồ. Ngu mỹ nhơn thuộc họ anh túc, có chứa chất morphin gây mê, để cho đỉa bớt phá phách.
Giống đỉa nuôi trên đầm này còn là loài lưỡng nghi, nửa âm nửa dương, không như những loài đỉa hữu tính khác sinh sản bằng trứng, bọn Thuỷ Điệt này sinh nở vô tính không cần đực cái.
Bình thường giống đỉa này thuần dương hung hãn khát máu ghê ghớm lắm.
Lại bàn về Dịch. Trong khoảng trời đất này, gì cũng là sự mầu nhiệm của Thái Cực Âm Dương. Từ thuở hai Nghi chưa chia, trời đất mù mịt một bầu Thái Cực, nhưng thực ra hai Nghi, bốn Tượng, tám Quẻ cũng đã rõ ràng trong đó. Lại nghe Chu Hy nói: “Dịch có Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng, Tứ Trượng sinh Bát Quái (tức là tám Quẻ).”
Lấy Quẻ mà nói, Âm Dương được xem là hai vạch:
Vạch liền (Nghi dương)
và vạch đứt (Nghi âm)
Nghi dương + Nghi âm = Lưỡng nghi
Dương là một (một vạch), là số lẻ. Các số lẻ ba, năm, bảy, chín đều là số dương, thuộc về số Trời.
Âm là hai (hai vạch), là số chẵn. Các số chẵn hai, tư, sáu, tám đều là số âm, thuộc về số Đất.
Nhằm đêm mồng bảy âm lịch, địa sinh nhị hoả, thiên thất thành chi. Đó là lúc đất lấy số hai để sinh ra lửa sáng, trời lấy số bảy để tác thành. Đêm mồng bảy, trăng bán nguyệt do Trời Đất cơ ngẫu sinh ra.
Trong đêm mồng bảy, loài Thuỷ Điệt nổi hết lên mặt nước, đón ánh trăng lưỡng nghi, hấp thụ khí âm dương, để tự đứt đôi nhân thành hai. Khi một nghi dương liền lạc đứt đôi thì biến thành một nghi âm , bởi vậy, nhằm đêm trăng bán nguyệt giống đỉa thuần âm, nên có phần nào yếu ớt nhu thuận.
Lại theo quan điểm cổ xưa, Thái Cực tượng trưng âm dương bằng hình đen – trắng. Âm là màu đen, là phía không có ánh sáng, ở trong bóng tối. Dương là màu trắng, là phía sáng sủa.
Trăng lưỡng nghi là hai mảnh âm dương, bên có ánh sáng và bên chìm trong bóng tối. Hai mảnh sáng tối ôm xoắn lấy nhau. “Chỗ phần đen đầy đặn là chỗ phần trắng tiêu hao, ngược lại chỗ phần trắng đầy đặn là chỗ phần đen tiêu hao. Có thể hiểu là, âm thịnh lần thì dương suy lần, ngược lại dương thịnh lần thì âm cũng suy lần. Chỗ phần đen đầy đặn có một điểm trắng, chỗ phần trắng đầy đặn có một điểm đen. Khi âm cực thịnh thì có một mầm dương (điểm trắng) xuất hiện, khi dương cực thịnh thì có một mầm đen (điểm đen) xuất hiện. Như vậy, chẳng những âm dương hoà quyện bổ xung cho nhau mà trong âm còn có dương, trong dương còn có âm “(*). Trong cái ác có cái thiện, trong cái thiện có cái ác. Trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may. Trong sinh có tử, trong tử có sinh.
Đêm trăng bán nguyệt, tuy đỉa nổi đầy hồ nhìn rất ghê rợn, nhưng đó là lúc duy nhất có thể vượt qua đầm lầy. Giống đỉa hung hãn này trong kỳ nhân đôi thì thường không tấn công con mồi, nhưng bản chất khát máu của chúng vẫn còn ghê ghớm lắm. Lại nữa, đỉa là giống dơ bẩn luôn thích những thứ ô uế, nhưng xa lánh những thứ sạch sẽ. Muốn lội qua đầm đỉa đêm mồng bảy chỉ có những kẻ cực âm, đó loại đồng trinh chưa bao giờ gần gũi đàn ông.
Loại đồng trinh qua hồ đỉa đêm mồng bảy không khó gì, nếu không thấy sợ, không thấy gớm thì cứ cột chặt áo quần mà ngóc đầu bơi qua. Tuy nhiên, hai cái hồ lớn phía sau nhà thuỷ tạ có giăng dây kẽm gai bên dưới nước, bơi qua rất nguy hiểm. Chỉ cần bị cào sướt đổ ra chút máu là triệu triệu con đỉa thức tỉnh, nổi cơn thèm khát xông ào ào tới tấn công, khi đó có muốn thoát cũng đã muộn. Hai cái hồ phía trước tuy không có giăng dây kẽm gai nhưng thắp đèn sáng choang lại thường xuyên có bảo vệ ôm súng ngồi trên chòi canh gác cả đêm. Tụi bảo vệ này được quan tổng đốc dung dưỡng nên hung ác vô thường, thấy động là bắn, bất kể dưới nước hay trên cạn. Lão Thể có lần trúng đạn ngay bả vai, may mà gần bờ để còn kịp lết vô. Vừa leo lên được, quay lại nhìn xuống nước đã thấy từng dề đỉa theo mùi máu kéo tới thật kinh hồn khiếp vía. Bởi vậy, phải núp trong mấy lùm bụi chờ bảo vệ đổi ca hay bỏ trạm gác thì mới bơi qua được.
Qua một mình đã khó vậy mà muốn đưa người khác theo thì còn khó hơn. Đồng trinh lội qua được hồ đỉa thì phải tới cái hồ nhỏ nằm cạnh trạm canh, thả thức ăn xuống dụ hết đỉa vô đó. Hồ này kêu là hồ mồi, nghĩa là nơi chiều chiều tụi công nhân đổ gà vịt sống xuống cho đỉa. Đỉa từ tám cái hồ lớn nghe mùi máu tươi sẽ bơi tới, dồn vô hết trong hồ mồi, khi đó đồng trinh kia chỉ cần thả tấm cửa ngăn xuống, nhốt đỉa lại trong đó. Chuyện này thật ra gian nan lắm, vì hồ mồi nằm ngay cạnh trạm canh.
Lúc cửa ngăn được thả xuống thì ngoài mấy đầm đỉa đã trống trải, những người khác có thể cột ống quần, tay áo thiệt kỹ rồi bơi chó qua.
Sở dĩ cô mẹ con cô Bắc qua được đầm đỉa là cũng nhờ cách này.
*
Thằng nhỏ nghe nói tới đó thì chấn động, dù nó cố giữ bình tĩnh nhưng cái chén trà trong tay nó suýt nữa tuột khỏi tay:
- Cô cô… cô cô nói, Bắc thường ra vô trại đỉa hay sao?
Ngã cười thành tiếng:
- Tiểu hiệp tưởng con nhỏ đó tu hành hay sao mà không yêu đương gì. Loại con gái vẻ ngoài hiền thục như nó mà bản lĩnh ghê ghớm lắm. Thù cha quyết phải trả. Nó mà lấy được đám của cải trong nhà Đường Sơn thì cũng đem ra tế cha.
Thằng nhỏ vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Không ngờ hai mẹ con Bắc lại táo tợn như vậy.
Ngã lắc đầu:
- Con nhỏ Bắc thường chỉ đi qua hồ đỉa một mình. Vì chuyện nhốt đỉa lại rất dễ bị phát hiện. Nếu ngã không lầm, Sáu Hận có lối đi riêng.
- Lối nào? – Thằng nhỏ lật đật hỏi liền.
- Ngã không biết nổi. Lúc sau này Sáu Hận dành hết thời gian nghiên cứu bát quái đồ, sự hiểu biết đã tiến xa hơn ngã một bực.
- Nhưng bát quái đồ của gia gia ngày trước đã bị phá huỷ hoàn toàn.
- Sáu Hận là người làm được những chuyện không ai làm được. Gia gia ngươi và cả Mã Tiền chưa bao giờ là đối thủ của người đờn bà này. Dù ngươi né tránh câu hỏi của ta, ai là kẻ năm 74 đặt mìn trong nhà thuỷ tạ đả thương tử huyệt, đẩy võ lâm Nam Phần vô chỗ diệt vong, nhưng câu trả lời không phải là khó đoán. Sáu Hận lấy người tài xế của Đường Sơn để che mắt thế gian, đem chuyện tổ chức sắp xếp cài người vô Nam Thương tiêu cục để thêu hoa dệt gấm lý tưởng. Chỗ là nhơn tình của gia gia ngươi, nhưng y lại là loại mỹ nhơn đưa đường dẫn lối rồi lạnh lùng đẩy người vô chỗ chết.
Thằng nhỏ nghe tới đó thì xúc động ứa nước mắt, nhưng nó là đứa khôn ngoan biết tìm cách chế ngự cảm xúc. Nó mím môi một lúc thì hỏi một câu thiệt lạ:
- Cô cô có biết gì về thân thế của Bắc không?
Ngã lạ lùng hỏi lại:
- Biết cái gì chớ?
- Bắc là con gái của gia gia.
Ngã cũng giật mình:
- Chuyện này ta không biết nổi.
Nó gượng cười rót đầy hai ly trà, uống một ngụm rồi chấp tay nói:
- Đa tạ cô cô chỉ giáo. Nếu tiểu tử có làm gì thất lễ xin cô cô tha thứ cho.
Ngã khoát tay:
- Ta chẳng chấp nhứt gì bọn hậu sinh. Hôm nào rảnh rỗi, ngươi cứ ghé qua đánh với ta ván cờ.
Nói rồi ngã cũng nâng chén trà lên nhấp một ngụm. Miếng nước trà cam thảo vừa chui qua cổ họng bỗng thấy trời đất chao đảo. Ngã định quát lên: “Thằng con rùa mất dạy.” Nhưng cổ họng khô cứng, rồi liền sau đó thấy trời đất tối đen, không còn biết gì nữa.
© Lưu Thủy Hương
© Đàn Chim Việt
———————————————–
Comments (1 total)
Ngã
Chú thích:
* Đoạn này diễn theo – Kinh Dịch – Đạo của người quân tử- của Nguyễn Hiến Lê.
Hình ảnh minh hoạ trong bài lấy từ mạng:
http://tintuc.xalo.vn/00504436096/rung_minh_vao_trai_nuoi_dia_o_nga.html