Séc công nhận người Việt là sắc dân thiểu số
Hôm nay, chính phủ Séc đã chính thức công nhận người Việt là dân tộc thiểu số. Đây là dân tộc thiểu số thứ 14 ở Séc, và là sắc dân châu Á đầu tiên được thừa nhận.
Cộng đồng người Việt tại Séc đã nhiều năm tranh đấu cho quyền được công nhận của mình. Cùng với quyết định này, người Việt có thể sẽ nhận được nhiều ưu đãi, thậm chí là kinh phí cho việc phát triển và giữ gìn văn hóa. Tiếng Việt cũng được chú trọng hơn và được sử dụng như một ngôn ngữ dân tộc thiểu số.
Điều đặc biệt, người được lựa chọn đại diện cho Việt Nam trong Hội đồng các dân tộc thiểu số là ông Phạm Hữu Uyển. Ông Uyển là cựu sinh viên du học tại Tiệp Khắc từ những năm 80s và từng là một trong những thành viên đầu tiên của tờ báo Diễn Đàn(1) – một trong số vài tờ báo Việt ngữ của Đông Âu theo xu hướng dân chủ trong thập niên 90s. Hiện ông là thành viên của nhóm Văn Lang. Hội Văn Lang trong thời gian qua đã có những đóng góp nhất định cho việc cổ súy cho dân chủ và nhân quyền. Hồi năm ngoái, Thỉnh nguyện thư của hội gửi tới Ủy ban Châu Âu lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã nhận được nhiều chữ ký của người Việt tại EU, cũng như của nhiều cựu thành viên Nhóm Hiến Chương 77.
Được biết, ông Phạm Hữu Uyển từng đoạt giải Prix Irene (www.prixirene.cz) năm 2012 cho những hoạt động về nhân quyền và gắn kết các cộng động tại cộng hòa Séc.
Có khoảng 70 ngàn người Việt cư trú hợp pháp tại Séc. Tổng số người Việt cả hợp pháp và bất hợp pháp có thể lên tới 100 ngàn.
Séc là nước đi tiên phong trong việc công nhận người Việt là dân tộc thiểu số. Cộng đồng người Việt tại Ba Lan và nhiều nước khác cũng tranh đấu để trở thành dân tộc thiểu số, nhưng cho tới nay chưa có kết quả.
© Đàn Chim Việt
————————————————–
(1) Diễn Đàn tồn tại trong 3 năm từ 1990 tới 1993, sau đó phải đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sức ép từ phía Đại sứ quán Việt Nam.