WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hoa Kỳ và vấn đề đưa quân sang Việt Nam năm 1961

Bài này viết nhân dịp 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas 22-11-1963

war-of-vn
Sở dĩ tôi gọi là vấn đề vì nó chưa có gì cả, nó không phải là kế hoạch, chủ trương hay dự tính mà chỉ là bản tường trình và đề nghị của Tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của Tổng thống. Trong bản tường trình này Taylor có đề nghị đưa quân tác chiến qua giúp miền nam Việt Nam nhưng đã bị Bộ trưởng quốc phòng McNamara và Tổng thống Kenndey bác bỏ thượng tuần tháng 11-1961.

Năm 1961, tôi học tiếng Anh tại Trường Sinh ngữ Sài Gòn, một hôm ông giáo sư Mỹ tên Philippe cho cả lớp bàn thảo về tình hình Việt Nam, để tìm hiểu thời sự và thực hành tiếng Anh. Ông giáo sư nói báo chí tại Mỹ đăng những hàng chữ tít lớn về tình hình Việt Nam , đó là mối quan tâm hàng đầu tại Mỹ, theo ông nước Mỹ muốn đưa vũ khí sang giúp miền nam VN nhưng cũng rất e ngại khối 600 triệu người Trung Cộng phía bắc.

Diễn tiến

Vấn đề này đã được MacNamara và các nhà sử gia Mỹ đề cập, chi tiết có khác nhau nhưng đại thể đều giống nhau như đã nói ở trên. Trước hết tôi xin dẫn lời McNamara, sau đó sẽ là ý kiến các sử gia khác.

Theo ông, Tổng thống Eisenhower (Jan1953-Jan 1961) cho rằng nếu Đông dương mất về tay CS sẽ là mối đe dọa Mỹ nhưng người Mỹ không muốn đưa quân vào (1). Năm 1954 Eisenhower nói nếu Đông Dương mất, Đông Nam Á sẽ mất theo y như ván cờ Domino, Mỹ đã thỏa thuận với khối SEATO (2) để bảo vệ Đông Dương và đã bơm 7 tỷ viện trợ quân sự kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa từ 1955-1961.

Năm 1956 khi còn là thượng nghị sĩ, Kennedy đã nói VN là bàn đạp của Thế giới tự do, ta không thể bỏ VN. Năm 1961 khi McNamara làm Bộ trưởng quốc phòng, Sô viết tăng cường liên kết với Cuba, khiêu khích Tây phương tại Bá Linh, Mỹ mới lo vấn đề VN. TT Eisenhower chú trọng tới Lào, cho đó là vị trí trọng yếu của Đông Nam Á, mất Lào, Thái Lan, Miên VN sẽ bị đe dọa, ông chủ trương phải bảo vệ Lào dù phải có chiến tranh. Tháng 8-1961 tình hình Lảo tồi tệ. Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk trong một cuộc họp tại tòa Bạch Ốc khuyên tiếp tục thương thuyết bằng ngoại giao rồi sẽ dùng quân sự bảo vệ Đông Dương dưới chương trình khối SEATO. Kế hoạch cần 30,000 quân chiến đấu do các nước đã ký kết trong đó có Anh, Pháp, Mỹ… cung cấp nhưng Anh, Pháp cho biết họ sẽ không gửi quân. Mùa thu 1961, du kích từ miền Bắc gia tăng xâm nhập vào Nam , Kennedy gửi Maxwell Taylor, Walt Rostow (Ủy viên Hội đồng an ninh quốc gia) sang Việt Nam để lượng giá tình hình.

Trở về Mỹ Taylor và Rostow làm tường trình nói phải gia tăng viện trợ, gửi nhiều cố vấn, trang bị và cả quân tác chiến, chuyển tiếp từ giai đoạn cố vấn sang giai đoạn tham chiến.

Ngày 8-11-1961 McNamara trình Tổng thống về đề nghị của Taylor , Rostow và khuyên theo đuổi mục tiêu. Mấy ngày sau McNamara hối tiếc đã vội ủng hộ Taylor , ông đổi ý. Ngày 11-11 McNamara thảo luận cùng Dean Rusk rồi gửi Tổng thống một tường trình chung bác bỏ đề nghị gửi quân tác chiến qua VN. McNamara nhận định nếu quân đội VNCH chiến đấu hữu hiệu, có thể sẽ không cần quân Mỹ vào. Nếu họ chiến đấu yếu quân đội Mỹ cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ giữa khối dân chúng không thiện cảm với họ.

Kennedy lấy cà hai bản tường trình này vào cuộc họp hôm đó. Ông nói rõ không muốn đưa quân vào VN một cách vô điều kiện để cứu vãn sự sụp đổ của miền nam VN và thẳng tay bác bỏ đề nghị đưa quân tác chiến vào.(3)

Mấy ngày sau, hôm 15-11-1961 tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia Tổng thống nhắc lại sự nghi ngờ đề nghị đưa quân vào VN. Ông e ngại tham gia cùng lúc hai mặt trận ở bên kia trái đất mà tình hình VN trái ngược với Triều tiên. Tại Triều Tiên sự xâm lăng đã rõ ràng nhưng ở VN còn mơ hồ. Đó là một trường hợp nặng nề khi can thiệp tại 10,000 dặm xa xôi, giúp 200,000 quân chính phủ chống 16,000 du kích, đã tốn hàng tỷ bạc mà chưa có kết quả. Kennedy không tin Mỹ sẽ được khối Liên phòng Đông nam Á (SEATO) ủng hộ, rõ ràng là ông không muốn vậy, buổi họp không có kết thúc.

McNamara sau đó truyền đạt quyết định của Tổng thống cho các cấp chỉ húy quân sự tại Ngũ giác đài vá các cấp chỉ huy chiến trường VN: Đô đốc Felt, Tư lệnh Thái bình dương, Tướng McGarr. Tháng sau, tại cuộc họp đầu tiên ở Hạ Uy Di, McNamara cho họ biết quân tác chiến Mỹ sẽ không được gửi tới VN.

Nhưng cơ bản của vấn đề chưa được giải thích rõ ràng nên người ta vẫn tranh cãi trong nội bộ chính phủ cho tới cái chết của Kennedy hai năm sau. Ngày 13-1-1962, Bộ Tham Mưu Liên Quân gửi McNamara một văn thư nhờ đệ trình lên Tổng thống, họ nói gửi quân tác chiến Mỹ sang VN sẽ ngăn được VNCH khỏi sụp đổ và thúc dục ông tiến hành. Các Tướng Tham mưu trưởng tin rằng hành động này gắn liền với mục tiêu giúp nam VN khỏi rơi vào tay CS mà Hoa Kỳ đã đề ra. McNamara cho là họ sai lầm ở chỗ chưa có quyết định căn bản.

Ngày 27-1 McNamara trình văn thư lên Tổng thống Kennedy với lời phê “Tôi chưa thể thỏa thuận quan điểm các vị Tham mưu trưởng cho tới khi đã có kết quả của chương trình huấn luyện tại miền nam VN hiện nay”.

Ngoài sự trình bầy của Bộ trưởng quốc phòng McNamara, các nhà sử gia cũng đã bàn về chuyện này như sau.

Theo Stanley Karnow (4) tháng 5 năm 1961, Tổng thống Kennedy cử Phó tổng thống Johnson sang VN. Ông ta nói Tổng thống Diệm là Winston Churchill của Á châu, khi về Mỹ ông cho biết nếu mất VN sẽ mất luôn Đông nam Á và người Mỹ sẽ phải chiến đấu tại bờ biển San Francisco.

Khi còn ở VN ông có đề cập vấn đề đưa quân tác chiến Mỹ vào giúp VN mà ông Diệm rất e ngại vì sẽ mất chủ quyền, vấn đề chuyển quân này kéo dài cả năm cho tới tháng 10-1961 khi Kennedy cử Maxwell Taylor sang VN.

Theo lời khuyên của Johnson ông Diệm gửi thư cho Kennedy xin tăng quân từ 100,000 tới 170,000 người, để thực hiện chương trình này cần nhiều cố vấn, trang bị và viện trợ tài chính.

Taylor và Rostow được gửi tới Sài Gòn đề lượng giá tình hình, Kennedy nói rõ ông muốn giúp miền nam khả quan hơn nhưng nhắc Taylor biết người VN và chính phủ phải chịu trách nhiệm về số phận đất nước họ. Tóm lại ông không muốn đưa quân vào nhưng cũng không muốn mất miền nam VN.

Taylor tới Sài Gòn giữa tháng 10-1961, trước khi ông đến, Việt Cộng tấn công mạnh tại Phước Thành (5), Darlac, gây thiệt hại nặng. TT Diệm tuyên bố tình trạng tổ quốc lâm nguy. Ông nói với đại sứ Nolting có thể đón nhận lính tác chiến Mỹ như tượng trưng sự hiện diện và yêu cầu ký hiệp ước quân sự song phương giữa Mỹ và VNCH.

Tại Washington, Bộ Tham Mưu Liên Quân đề nghị gửi quân tác chiến, họ được William P.Bundy, Phụ tá bộ trưởng quốc phòng ủng hộ, họ lý luận những chiến dịch tấn công mạnh sẽ giúp chính phủ VNCH hiệu quả hơn. Kennedy tìm cách làm xẹp những áp lực này, ông bèn nghĩ ra một kế cho đăng trên tờ The New York Times bản tin “Cấp lãnh đạo Ngũ giác đài không muốn gửi quân tác chiến qua Đông nam Á”. Bài báo khiến ông Diệm yên lặng.

Sau hai tuần ở VNCH, Taylor và nhóm chuyên viên làm tường trình, họ nhắc lại thuyết Domino, cảnh cáo nếu mất VN sẽ mất Đông nam Á rồi đề nghị gia tăng cố vấn, viện trợ ba phi đội trực thăng để giúp VNCH phục hồi. Taylor đề nghị gửi 8,000 quân tác chiến cải trang làm lính tiếp vận cứu trợ bão lụt tại đồng bằng sông Cửu Long. Tại Washington McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân bác bỏ đề nghị của Taylor nêu lý do gửi 8,000 quân sang VN không thay đổi cán cân mà có thể bị sa lầy. Họ đề nghị đưa sáu sư đoàn khoảng 200,000 người qua. Đề nghị khiến Kennedy khó xử, ông sợ Quốc hội sẽ ác cảm với Ngũ giác đài, ông không muốn gửi nhiều quân như vậy.

Kennedy khuyên McNamara cùng với Dean Rusk soạn một tường trình nhẹ nhàng hơn giúp viện trợ ông Diệm và hoãn lại việc gửi quân, ông sợ sẽ đi tới leo thang ví như khi uống rượu, uống một ly rồi sẽ muôn uống thêm ly nữa. Sự thực việc can thiệp vào VN ngày càng mạnh, cố vấn gửi tới ngày càng nhiều, tiền viện trợ cho VN được giữ kín vì nó vi phạm hiệp định Genève và để dấu người dân Mỹ.

Sử gia Bernard C. Nalty nói (6) tháng 5-1961 Phó tổng thống Johnson thăm VN đề nghị gửi quân sang tham chiến hoặc ký hiệp ước quân sự hai bên nhưng ông Diệm từ chối cả hai đề nghị, ông muốn giữ chủ quyền đất nước. Tình hình quân sự ngày càng tồi tệ, bốn tháng sau, vào ngày 18-9-1961, Việt cộng tấn công Phước Thành, giết tỉnh trưởng và 75 quân lính khác khiến ông Diệm hoảng đề nghị phía Mỹ ký hiệp ước quân sự. Ông Diệm cho Tổng thống Mỹ biết tinh thần quân dân miền nam xuống thấp vì họ sợ Mỹ bỏ rơi như Lào. Từ giữa tháng 5-1961, mười bốn nước hội đàm tại Genève để trung lập hóa Lào.

Ngày 11-10 Kennedy cử tướng Maxwell D. Taylor, cố vấn quân sự và Tiến sĩ Walt W. Rostow, phụ tá đến VNCH nghiên cứu tình hình. Trở về nước hai người cho biết an ninh miền nam VN nghiêm trọng nhưng vẫn cứu vãn được nếu Mỹ nhanh chóng nâng cao tinh thần người miền nam. Họ khuyên Tổng thống tăng viện trợ và gửi quân tham chiến.

Kennedy và các cố vấn mới đầu cứu xét việc gửi một số quân tác chiến tượng trưng nhưng đối với hiện tình họ bác bỏ dựa trên cơ bản thắng lợi là do người VN, Mỹ chỉ viện trợ và huấn luyện thôi.

Tác giả Marilyn B. Yuong nói về vấn đề này như sau (7): Eisenhower để lại cho Kennedy miền nam VN bị du kích bao vây và Lào khuynh tả. Khi rời tòa Bạch Ốc Eisenhower khuyên Kennedy đưa quân chiếm Lào để khỏi bị CS chiếm nhưng Bộ Tham Mưu Liên Quân cho là không thể thực hiện được. Họ nghĩ ít nhất phải cần tới sáu chục ngàn quân, vả lại có thể khiến Trung cộng tràn vào hoặc đưa tới chiến tranh nguyên tử, kinh nghiệm thất bại vịnh Con Heo tháng 4-1961 khiến Kennedy sợ thất bại ở Lào. Người Mỹ không tin tưởng người Lào cho rằng họ khó mà giúp Mỹ chống CS. Từ giữa tháng 5-1961, mười bốn nước thảo luận trung lập hóa Lào tại Genève, Tổng thống Kennedy cho rằng bảo vệ VN tốt hơn Lào, các cố vấn của Kennedy nhận định nam VN là một đất nước có tổ chức, quân đội của họ chiến đấu tốt có lợi cho Mỹ. Cố vấn an ninh Mc George Bundy báo cho Bộ ngoại giao biết Tổng thống đặt VN như ưu tiên hàng đầu cần hành động.

Tháng 5-1961 phó Tổng thống Johnson được cử sang Sài Gòn, để năng cao tinh thần ông Diệm, Johnson ca ngợi ông là một Winston Churchill của châu Á. Johnson đưa thư của Kennedy bầy tỏ sự ủng hộ VNCH, giúp đỡ miền nam chống CS . Khi về Mỹ ông nói phải giữ VN hay chấp nhận thất bại rồi rút về phòng thủ tại bờ biển San Francisco . Johnson thúc dục Kennedy.
“Để bảo đảm sự giúp đỡ của Quốc hội cho cuộc chiến lâu dài, tốn kém giúp ông Diệm thắng CS, ta cần làm dịu sự sợ hãi của ông Diệm về việc quân Mỹ sang chiến đấu tại VN, ông Diệm không muốn thế trừ khi địch công khai xâm lược”.

Việt Cộng ngày càng gia tăng lực lượng, một số viên chức nội các Kennedy đề nghị gửi quân tác chiến vào ngay nhưng chưa có chủ trương thống nhất. Walt W. Rostow muốn gửi 25,000 quân tuyển từ các nước khối SEATO để ngăn chận đich tại vùng khu phi quân sự. Nếu không có kết quả sẽ cho mở chiến tranh du kích tầm cỡ lớn của Mỹ tại miền Bắc, có thể chiếm Hải phòng. Nhưng Phụ tá thứ trưởng ngoại giao cho biết khoảng từ 80-90% du kích xâm nhập là người miền Nam.

Tháng 10-1961 Kennedy gửi cố vấn quân sự Taylor tới VN, trong vòng một tuần ông gửi điện tín về khuyên Tổng thống gửi quân tới ngay để cho Đông nam Á thấy Mỹ quyết tâm chống CS xâm lăng. Tình hình ngày càng tồi tệ, phản ứng nhanh của Mỹ có thể tiết kiệm thời gian. Đề nghị của ông gồm đưa 8,000 quân tác chiến sang giả dạng cứu lụt để ông Diệm khỏi mặc cảm là quân tác chiến, tăng cường cố vấn Mỹ cho mọi cấp quân đội cũng như chính phủ, tăng huấn luyện địa phương quân, tăng mạnh viện trợ trực thăng, oanh tạc cơ, máy bay trinh sát cùng các chuyên viên vận hành, bảo trì.

Trước khi Taylor đi VN, Hilsman (Giám đốc nha nghiên cứu Bộ ngoại giao) sau bốn tháng nghiên cứu khuyên phối hợp các hành động dân sự, tình báo, cảnh bị, lực lượng chống du kích kiểu cảnh sát hơn là dùng quân đội. Rostow đề nghị gửi 5,000 quân tới vĩ tuyến 17.

Robert Komer (Ủy viên Hội đồng an ninh QG) cũng đồng ý đề nghị gửi quân qua ngay, phải đưa quân qua nhanh trước khi nó mở rộng như cuộc chiến Triều Tiên. McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân nói rõ hơn việc phải làm, cần phải gửi quân qua VN, trước hết là tám ngàn người trá hình cứu lụt như Taylor đề nghị và sau cùng cần một lực lượng lớn 205,000 người. Cố vấn Mc George Bundy đồng ý gửi quân tác chiến như một bàn đạp nhưng chỉ giới hạn một sư đoàn thôi.

Không phải mọi người đồng ý hết, Averelle Harriman (Phụ tá Bộ trưởng ngoại đặc trách Viễn đông sự vụ), Chester Bowles (Thứ trưởng ngoại giao), John Galbraith (Đaị sứ Mỹ tại Ấn độ), Abraham Chayes (Cố vấn ngoại giao).. lại chủ trương có thể thương thuyết về VN như đang đàm phán về trung lập hóa Lào. Chayes cho rằng chính phủ ông Diệm sắp sụp đổ về chính trị chứ không phải quân sự và đề nghị của Taylor chỉ giải quyết vấn đề quân sự, Chayes cảnh báo nếu Tổng thống đưa quân tác chiến qua, ông cũng phải chuẩn bị leo thang cỡ như tại Triều Tiên.

Tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia ngày 15-11-1961 Kennedy không chấp thuận gửi quân sang VN (ở đây tác giả Marilyn B Young cũng trích lại sách của McNamara như đã nói trên nên tôi không nhắc lại). Marilyn nói quyết định sau cùng của Tổng thống về bản tường trình của Taylor cho thấy ông vừa do dự và cả quyết. Sau này Chayes cho biết vấn đề đàm phán bị bác bỏ vì không đủ người ủng hộ, vấn dề gửi quân ngay cũng bị bác bỏ. Nhưng Đoàn viện trợ quân sự Mỹ được đưa lên hàng Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự Mỹ tại VN (MACV). 12 đại đội trực thăng được gửi qua , tăng số cố vần Mỹ, Khi Kennedy vào Tòa Bạch Ốc có 800 quân nhân Mỹ tại VN, cuối 1961 lên 3,000, năm 1962 lên 11,000.

Về vấn đề này tác giả Nguyễn Kỳ Phong (8) cũng nói tương tự như các nhà nghiên cứu trên: Giữa 1961 chính sách ngoại giao Mỹ về VN bước sang giai đoạn quan trọng, đầu năm 1961 VC gia tăng xâm nhập, phá hoại, Tổng thống Diệm tuyên bố tình trạng Tổ quốc lâm nguy. Walt Rostow đề nghị Kennedy gửi 25,000 quân thuộc khối SEATO đến VNCH để tuần hành tại biên giới Ai Lao và khu phi quân sự để ngăn CS xâm nhập . Kế hoạch đã bị Ngũ giác đài phủ nhận lý do đóng quân rời rạc dễ bị tấn công.

Giữa tháng 10-1961 Tổng thống Kennedy cử Taylor và Rostow tới VN để lượng giá tình hình, trong thời gian tại VN Taylor có đề nghị với ông Diệm chấp nhận 8,000 quân tác chiến Mỹ vào VN dưới hình thức cứu lụt nhưng ông Diệm không đồng ý vì sợ vi phạm Hiệp định Genève và nhất là sợ mất chủ quyền. Hai tuần sau phái đoàn về Mỹ trình tổng thống bản tường trình mà phần cuối có đề nghị gửi quân tác chiến sang VN nhưng bị Kennedy y bác bỏ cho là chưa cần gửi quân trong lúc này.

Nhận xét và kết luận

Theo lời Bộ trưởng quốc phòng McNamara và các nhà nghiên cứu, cuối năm 1961 Tướng Maxwell Taylor là người đề nghị đưa quân tác chiến sang VN nhưng tường trình bị McNamara và Kennedy bác bỏ. Lý do chính Kennedy nêu ra là cơ bản của vấn đề người VN phải tự chiến đâu cho nước họ, Hoa Kỳ chỉ viện trợ và huấn luyện. Sở dĩ Kennedy không cho đưa quân tác chiến vào VN vì e ngại phải lo một lúc hai mặt trận ở bên kia vòng trái đất gồm TriềuTiên và VN. Tại VN Cộng quân chỉ đánh du kích chưa tấn công xâm lăng như tại Triều Tiên, cuộc chiên không giới tuyến, mơ hồ. Tóm lại Kennedy sợ vi phạm hiệp định Genève và sợ bị sa lầy.

Trên đây hai tác giả Stanley Karnow và Marilyn B Young có nói kế hoạch đưa 8,000 quân sang VN bị McNamara và Bộ Tham Mưu Liên Quân bác bỏ, họ đề nghị đưa 200,000 quân sang VN. Về điểm này hoàn toàn không thấy McNamara nói thế, tôi nghĩ hai tác giả có sự nhầm lẫn, McNamar không bao giờ chủ trương can thiệp quân sự trực tiếp mà ngược lại ông có khuynh hướng bàn ra và chính ông đã ảnh hưởng tới Kennedy.

Sau này McNamara nói thêm về quan điểm của mình, xin sơ lược như sau:

Nhìn lại biên bản buổi họp hôm ấy (15-11), rõ ràng là quyết định (không gửi quân) của chúng tôi vẫn còn hợp lý. Tại sao người ta không đặt năm câu hỏi cơ bản nhất là có phải mất VN sẽ mất Đông nam Á hay không? Nó đe dọa an ninh Tây phương không? Cuộc chiến qui ước hay du kích sẽ diễn ra? Ta có thể thắng khi quân Mỹ chiến đấu cùng với người VN không? Trước khi đưa quân vào VN ta có cần tìm giải đáp cho những câu hỏi trên không?

Mặc dù trong những tháng đầu của năm 1961, Hoa Kỳ tiến lại với VN có tính rời rạc, đa số các viên chức tòa Bạch Ốc, cả Kennedy và McNamara đều tin rằng chỉ có người VN mới giải quyết được vấn đề. Người Mỹ chỉ có thể giúp họ bằng huấn luyện và viện trợ tiếp liệu nhưng chúng tôi không thể chiến đấu cho họ.
Rồi ông kết luận

“Nếu chúng tôi đã làm như vậy thì toàn thể lịch sử của thời đại đã có thể đổi khác”
(Had we held to it, the whole history of the period would have been different) (9)

McNamara không tin tưởng nhiều vào thuyết Domino và đặt giả thuyết nếu Hoa Kỳ không đưa quân vào VN giữa năm 1965 dưới thời Johnson thì chưa chắc họ đã sa lầy, ông ta chủ trương chỉ viện trợ vũ khí mà không can thiệp bằng quân sự.
Mấy tuần qua, trang mạng damau.org và tuần báo Sài Gòn Nhỏ có đăng bài của tác giả Đinh Từ Thức “50 năm sau biến cố 1 tháng 11, 1963: Xét lại nguyên nhân và hậu quả”

Trong bài có đoạn nói.

“Tuy nhiên, về nguyên nhân của cuộc đảo chánh, có một “huyền thoại” cần xét lại.
Trong suốt 50 năm qua, đã có rất nhiều người, nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết ở đây, gồm cả những “bình luận gia”, “học giả” hay “sử gia”, hầu như ai cũng nói giống nhau, như một sự thật hiển nhiên, không cần dẫn chứng, là Mỹ đảo chánh để có thể mang quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, vì ông Diệm chống lại việc này. Theo “huyền thoại” này, Mỹ phải lật ông Diệm như loại bỏ một chướng ngại vật, để có thể đổ quân vào VN. Đặc biệt là khẳng định này thông dụng trong dư luận người Việt, nhưng hầu như không được nhắc tới trong tài liệu và sách báo của Mỹ. Tôi chỉ được biết vài ba cuốn sách của Mỹ nói tới điều này, nhưng lại căn cứ từ sách báo Việt ngữ.
(ngưng trích)

Sau đó ông Đinh từ Thức đã phủ nhận huyền thoại này và cho là sai lịch sử.

Theo ý kiến của tôi việc chính phủ Kennedy làm đảo chính lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa để đưa quân vào VN không đúng. Trước hết cuộc đảo chính diễn ra cuối năm 1963 dưới thời Kennedy nhưng một năm rưỡi sau Hoa Kỳ mới thực sự đưa quân vào VN, bắt đầu từ giữa năm 1965 dưới thời Johnson, đó không phải là chủ trương của Kennedy, mỗi Tổng thống có chính sách riêng. Lý do thứ hai Kennedy và McNamara không chủ trương dấn thân nhiều vào VN, không gửi quân tham chiến như đã nói trên

Ngoài ra ông Đinh Từ Thức cũng bác bỏ nhận định cho rằng chính phủ Kennedy áp lực ông Diệm để được lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Theo tôi biết điều này hoàn toàn sai sự thực, Kennedy không bao giờ muốn thế. Giai đoạn này người Mỹ không chủ trương dấn thân nhiều ở VN, thậm chí như đã trình bầy còn có một số ý kiến của vài cố vấn khuyên nên rút ra khỏi VN, trong đó McNamara, người có nhiều quyền lực đã nói phong phanh không tin tưởng vào cuộc chiến này cho lắm.
Phía VN, Tổng thống Diệm chống đối việc Mỹ đề nghị đưa quân tác chiến vào nhưng đó chỉ là ý kiến riêng của cố vấn Taylor và Phó tổng thống Johnson khi họ sang VN, Tổng thống Kennedy không chủ trương như vậy. Tuy nhiên như đã nói trên ông Diệm chỉ chống đối Mỹ đưa quân sang VN trong giai đoạn khi mà cuộc chiến còn là du kích vì sợ sẽ bị tố cao vi phạm Hiệp định Genève, nhưng ông không chống đối trong trường hợp CSBV tấn công xâm lăng như tại Triều tiên.

Như đã nói trên khi VC đánh lớn, tấn công Phước Thành ban ngày giết tỉnh trưởng khiến ông Diệm hoảng và cũng đã đề nghị Hoa Kỳ ký Hiệp ước quân sự đôi bên vì sợ bị Mỹ bỏ rơi như Lào. Nói tóm lại việc ông Diệm chống Mỹ đưa quân vào miền nam không phải là chống tuyệt đối 100% như nhiều người nghĩ mà tùy theo tình thế.

Năm 1965 dưới thời Johnson tình hình quân sự tại miền nam VN nguy kịch hơn thời Kennedy rất nhiều, BV đưa các đơn vị chính qui xâm nhập miền nam mở rộng chiến tranh. Tháng 4-1965 Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân lực) đưa tin tức bi đát khiến người Mỹ nản lòng “CS kiểm soát đa số thôn quê, chúng tôi chỉ giữ các thành phố chính, địch sắp tràn vào, rất cần quân Mỹ can thiệp” (10). Theo Trung tướng Ngô Quang Trưởng khoảng thời gian này mỗi tuần VNCH mất một tiểu đoàn và một quận, nếu không có sự can thiệp của quân đội Mỹ, miền nam sẽ mất trong vòng 6 tháng (11).

Tướng Westmoreland nhiều lần khẩn hoản xin tăng quân và Tổng thống Johnson đã gửi nhiều quân tác chiến đến VN từ 184,000 năm 1965 lên tới 530,000 năm 1968. Sở dĩ như vậy vì miền nam không đủ hỏa lực, nhân lực để tự vệ, Hoa kỳ không viện trợ đầy đủ cho miền nam VN.

Năm 1985, Nixon viết No More Vietnams, tại chương cuối cùng Third World War ông rút ra bài học từ cuộc chiến VN. Nixon nói (12) từ năm 1969 ông đã nhận định do kinh nghiệm từ cuộc chiến VN, Mỹ sẽ không gửi quân đi tham chiến. Do đó ông đã xây dựng Học Thuyết Nixon chủ trương trong tương lai trừ khi một siêu cường (Nga, Tầu) đưa quân can thiệp trong cuộc chiến, Hoa Kỳ sẽ không gửi quân tác chiến. Người Mỹ sẽ theo đường lối của Sô viết, chỉ gửi viện trợ vũ khí mà không đem quân vào can thiệp, nước bị tấn công phải tự chiến đấu. Sô viết đã chiếm được nhiều nước mà chỉ đứng ngoài giật giây.
Chủ trương của Nixon như trên đây chỉ là lý thuyết.

Nhiều người nói Hoa kỳ không cần phải gửi quân tác chiến sang VN mà chỉ cần viện trợ đầy đủ vũ khí, người miền nam có khả năng thắng cuộc chiến chống CS. Nhưng thực ra vấn đề không đơn giản như người ta tưởng, trong quá khứ, Mỹ cung cấp vũ khí, chiến cụ cho các nước đồng minh không bao giờ tương đương với viện trợ quân sự của Nga và Trung cộng cho các nước bạn của họ. Năm 1950 Bắc Triều Tiên với dân số chỉ bằng nửa Nam Triều Tiên nhưng đã được Nga, Trung Cộng giúp nhiều vũ khí tràn xuống chiếm miền nam khiến Mỹ phải đem quân vào. Năm 1954, theo Tướng Navarre trong Agonie de l’Indochine, Pháp thua trận Điện Biên Phủ vì lực lượng và hỏa lực địch do Trung Cộng giúp quá mạnh mà viện trợ của Mỹ không thể giúp Pháp cứu vãn tình thế. (13)

Cuộc chiến VN giai đoạn từ 1960, 1961 cho tới 1975, như ta đã thấy miền nam vẫn cần sự can thiệp của quân tác chiến Mỹ hoặc yểm trợ của B-52 vì không đủ hỏa lực và lực lượng để tự vệ, Hoa Kỳ đã không viện trợ đầy đủ cho VNCH.

Sở dĩ như vậy vì phía Thế giới tự do chỉ có một mình Mỹ gánh vác trách nhiệm viện trợ cho các nước bạn trong khi phía bên kia cả Nga sô, Trung Cộng và các nước Cộng sản Đông Âu cùng hiệp lực giúp đồng minh của họ. Lại nữa ngân khoản đề nghị viện trợ của chính phủ Mỹ phải đưa ra Quốc hội duyệt xét, bàn tới bàn lui, thường là bị cắt xén trong khi chính quyền CS không cần phải đưa ra Quốc hội, họ muốn giúp đồng minh bao nhiêu cũng được.

Từ đầu chí cuối cuộc chiến VN, CS quốc tế đã giúp BV một khối hàng viện trợ vĩ đại như dưới đây.(14)

Tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí

Về chi tiết: 3 triệu 600 ngàn khẩu súng bộ binh; 65,626 súng chống xe tăng; 27,960 khẩu súng cối; 2, 430 khẩu pháo hỏa tiễn; 2,165 khẩu đại bác; 3,229 khẩu cao xạ; 19,836 hỏa tiễn phòng không; 2,209 xe tăng, thiết giáp; 458 máy bay chiến đấu; 82 tầu hải quân; 148 tầu vận tải….

Nhiều người chỉ trích Hoa kỳ đưa nửa triệu quân vào VN những năm 1965- 1968 làm mất chính nghĩa của cuộc chiến, xâm phạm chủ quyền VN nhưng đó là chuyện bất khả kháng, để cứu nguy miền nam họ không có con đường nào khác. Họ đưa quân vào để cứu miền nam VN, gần sáu mươi ngàn quân Mỹ đã hy sinh chết thay cho người miền nam. Nếu trường hợp Hoa Kỳ không đưa quân sang VN mà chỉ viện trợ quân sự thì quân đội VNCH sẽ phải chịu tổn thất nhân mạng thêm lên hàng trăm nghìn người, tổng số binh sĩ tử trận sẽ lên tới ba trăm nghìn hay hơn nữa mà cũng chưa chắc đã thắng được cuộc chiến.
Có giả thuyết cho rằng Kennedy bị tài phiệt chế tạo vũ khí giết vì không muốn tham dự cuộc chiến VN, đúng sai thì chưa biết nhưng nó cho thấy một sự thực, ông muốn rút quân nhân Mỹ ra khỏi VN.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

—————————————————-

(1) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam (in 1995) trang 31, 32
(2) Liên phòng Đông nam Á
(3) In Retrospect, trang 39
(4) Vietnam A History trang 267, 268, 269, 270
(5) Ngày 18-9-1961 hai tiểu đoàn VC chiếm tỉnh lỵ Phước Thành trọn một ngày, giết tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và 10 công chức, tổng cộng có 17,000 cán binh xâm nhập miền nam. Ngày 18-10-1961 Tổng thống VNCH ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc. (Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1955-1963, trang 228,229)
(6) The Vietnam War trang 67
(7) The Vietnam Wars 1945-1990, trang 78-82
(8) Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, trang 151-155
(9) In Retrospect trang 39, 40
(10) Marilyn B. Young The Vietnam wars 1945-1990, trang 142
(11) Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, in 2007, trang 16, 17.
(12) No More Vietnams trang 217
(13) Agonie de l’Indochine trang 251-255
(14) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006; Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh; Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121

31 Phản hồi cho “Hoa Kỳ và vấn đề đưa quân sang Việt Nam năm 1961”

  1. nguyenquang says:

    Về căn cứ Cam Ranh, Tiến Sĩ Hammer- trong cuốn sách “A Death in November ” – còn cho biết: “Tổng Thống Diệm nói rằng người Mỹ đã nhiều lần yêu cầu ông cho phép được quyền thiết lập một căn cứ Hải và Không Quân thường trực (pemanent) tại Vịnh Cam Ranh và đến năm 1961 thì họ càng hối thúc mạnh hơn. Trong một cuộc kinh lý vào tháng 7 năm l962, Tổng Thống Diệm đã chỉ vào dãy núi Trường Sơn kề cận Vịnh Cam Ranh và nói rằng: “người Mỹ muốn lập một căn cứ ở đó nhưng mà tôi sẽ không bao giờ chấp thuận việc này”.

  2. nguyenquang says:

    Trong tác phẩm “From Trust to Tragegy” , Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting : Cho đến lúc này cáo buộc quan trọng nhất của TT NDD là ngườì Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ông ta không muốn người Mỹ đoạt lấy trách nhiệm của Việt Nam. Ông ta không muốn quân lực Mỹ chiến đấu cho nền độc lập và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ông bảo tôi: “Nếu chúng tôi không tự mình thắng cuộc chiến này với sự viện trợ vô giá của qúy quốc thì như vậy chúng tôi sẽ thua và thua là đáng đời”. Ông ta vô cùng cương quyết trong vấn đề này vì ông ta cảm thấy rằng nếu chính phủ Nam Việt Nam trở nên lệ thưộc vào Hoa Kỳ thì như vậy chứng tỏ luận cứ của Việt Cộng là đúng. Việt Cộng thường nói rằng: “Nếu các anh cúi đầu thần phục Hoa Kỳ thì các anh sẽ thấy các anh đúng chỉ là thuộc địa của Mỹ cũng như 75 năm về trước Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp.”

  3. tung says:

    Nhân Vybui nói về đánh giá đúng chế độ Ngô đình Diệm, xin nói
    -Phe chống chỉ nếu những cái xấu xa, độc ác của chế độ Diệm mà lờ đi những cái hay, cái tốt ông Diệm đã làm cho miền nam VN như nói Diệm là bạo chúa
    -Phe bênh chỉ nêu những cái hay cái tốt mà lờ đi những cái xấu, những người quá hăng hái ca tụng chế độ thậm chí cón sửa cả lịch sử nữa, “Ngô tổng thống là người yêu nước , giữ chủ quyền không cho Mỹ đổ quân vào nên nó giết” . Ai không tin sẽ bị nghe chửi
    Làm cho’ gì có chuyện đó, nó đâu có thèm vào, làm như cái miền nam VN quí giá lắm, nhiều vàng bạc lắm nó phải vào để no’ hốt của.
    Không nên bàn về Ngô đình Diệm là hay hơn, chỉ tranh cãi thô tục vô ích, chẳng hay ho gì

  4. thao le says:

    Tôi là người VN và đang sống ở Vn và Tôi Yêu Việt Nam !

  5. nguyenquang says:

    ***40 năm sau cuộc đảo chánh, năm 2003, nhà báo Bùi Tín viết : Giờ đây chúng ta đã có những bằng chứng về lập trường của ông Ngô Đình Diệm: chống thực dân Pháp, giành lại quyền nội trị đầy đủ, không muốn Hoa kỳ can thiệp sâu, chống lại việc ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ và nước ngoài vào.

    Ông đã phải trả giá bằng cả sinh mạng mình cho lập trường dân tộc ấy.

    ***Tiến sĩ Tôn Thất Thiện – “Khi tướng Võ Nguyên Giáp và những đồng chí của ông gặp Ông McNamara ở Hà Nội tháng 11 năm 1995, họ nói rằng: “Chính sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả của cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm [sự hiện diện] Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên” .

    • vybui says:

      Cám ơn bạn ” nguyenquang” về những thông tin trong việc phân tích, đánh giá “lực lượng 2 bên”, chống và binh nền Đệ Nhất Cộng Hoà và TT Ngô Đình Diệm. Đại đa số những điểm đó là đáng tin cậy.

      Không rõ bạn và quý độc giả có bao giờ đặt câu hỏi, tại sao sau nửa thế kỷ, khi nền Đệ Nhất CH và TT NĐD đã ra “người thiên cổ” mà phe chống đối vẫn vận hành một bộ máy với công xuất cao nhất để bêu xấu, để nhục mạ, để dựng đứng những chuyện chưa hề xảy ra cho cá nhân vị TT, cho chính quyền Đệ I Công Hoà? Phải chăng dưới mắt họ, ông Diệm chỉ là tên độc tài, khát máu, giết người chống đối ông ta, kẻ kỳ thị tôn giáo đánh phỉ nhổ? Phải chăng trong suốt 9 năm nền Đệ I CH không làm được một điều gì ích lợi cho quốc gia dân tộc? Sao chỉ thấy họ điên cuồng mạt sát, kể tội, chưa có lấy một dòng nói lên một chút công lao?
      Hãy hình dung ra một trường hợp (tương tự), giả sử chế độ CS đã sụp đổ tại VN thì 40, 50 năm sau, chế độ mới, hay con cháu chúng ta có cần tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục đánh phá chế độ CS như họ và những nhóm tay sai cuả họ đang làm với TT NĐD và Đệ I Cộng Hoà? Chế độ mới và con cháu chúng ta không còn việc gì để làm ư? Nếu đã là “chính nghìã”, đã tiêu diệt một chế độ độc tài, hại dân hại nước, đã được toàn dân và dư luận thế giới ủng hộ, tại sao họ không đủ “tự tin” hãnh diện bước qua một giai đoạn mới, ưỡn ngực, ngẩng đầu đi tới mà vẫn phải hành xử như còn đang đối đầu với kẻ thù, NĐD và chế độ cuả ông? Trả lời những câu hỏi này là tìm ra được đâu là sự thật.

      Tại sao đến thời điểm này những học giả, sử gia ngoại quốc vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về cá nhân ông Diệm, về chế độ mà ông đứng đầu về những liên hệ với chính quyền Mỹ dưới hai đời TT Mỹ ( Edward Miller là một thí dụ mới nhất). Hẳn là vẫn còn những gì chưa thoả đáng, chưa hiểu hết về chế độ và con người ông Diệm, hoặc là những học giả, những nhà nghiên cứu trước đây chưa “công bình’ đủ cho chế độ ông Diệm nên phải xét lại, hay lúc đó những tài liệu trong các văn khố còn chưa được bạch hoá nên bây giờ cần bổ sung. Nói chung việc đánh giá về cả chế độ lẫn cá nhân TT Diệm vẫn…chưa hoàn tất, vẫn còn có những điều phải ‘lật tới lật lui”…để trả sự thật về với… sự thật.

      Khi đề cập tới lực lượng đang vẫn còn điên cuồng chống ông Diệm và chính quyền do ông lãnh đạo, như ta biết, họ có tổ chức, có phương tiện, có đầy đủ nhân sự, có đường lối và nhất là có…LÃNH ĐẠO. Để ý một chút, chúng ta thấy lực lượng này là những kẻ từng chung giường, chung chăn chung gối trước đây, CSVN và một nhóm LỢI DỤNG DANH NGHIÃ PHẬT GIÁO. Những trang mạng trong và ngoài nước, các người cộng tác đều là những bộ mặt dùng chiêu bài Phật Giáo để che đậy cho mục đích đen tối. Theo tiết lộ cuả ông Nguyễn Văn Hoá, chủ bút của Tạp Chí Giao Điểm thì CS chỉ huy (tổng quát) , một nhóm “công giáo Bắc kỳ di cư chống công giáo’(?) đang khuynh loát tờ báo và một số “phật tử chân chính’ như ông ta, như Trần Chung Ngọc( !!!) thì đang ra sức “bảo vệ” Phật Giáo! Nhìn thành phần nhân sự và một số cơ quan truyền thông mà độc giả “nguyenquang” trích dẫn thì xem ra chả có ma nào là PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH, chẳng có cơ quan truyền thông nào có mục đích chính là phục vụ cho Phật sự. Dùng danh nghĩa Phật giáo mà không phục vụ phật giáo thì họ phục vụ ai?
      Mong đợi gì ở một lực lượng đen tối như thế! Làm gì có chuyện CÔNG-TỘI phân minh? Dưới mắt họ, chế độ Đệ I CH chỉ là những tội ác, xấu xa, đáng nguyền rủa!

      Đối lại, những người thuộc “phe bênh vực” TT Diệm và chế độ của ông, họ không thể hành xử như thế lực kia, họ không thể vu cáo, dựng chuyện, hay ném đồ dơ hay chửi bậy… . Họ là những Hoàng Ngọc Thành, Thân Thị Nhân Đức, Phạm Văn Lưu, Nguyễn Hữu Duệ, Vĩnh Phúc… nhất là Minh Võ, họ xét đến cả công lẫn…’tội”, cả những khuyết điểm lẫn công trạng, họ không nhìn cộng rác ở đây, đó… để đánh giá toàn thể căn nhà. Trái lại, thế lực “bóng tối” chỉ thấy nhà toàn rác rưởi, sâu mọt…! Một cuộc ‘đấu khẩu” giữa một bên là những kẻ cực đoan, nói không cần biết mình nói gì, nói lấy được để tâng công với CHỦ, với một bên là những người ôn hoà chỉ tìm chứng cớ để trình bày, thì rõ ràng bên to miệng, lớn giọng có vẻ như đang thắng thế.

      Hãy thử bình tĩnh đặt những câu hỏi:
      -Ai là người dứt khoát với nền quân chủ mang nặng quá khứ hủ lậu cản bước tiến bộ?
      - Ai là người biết lợi dụng thế lực Mỹ để tống khứ 100 năm tàn tích thực dân?
      -Ai là người đặt nền móng cho một chế độ công hoà đầu tiên của nước Việt có Hiến Pháp với các định chế dân chủ?
      - Chề độ nào đem lại cho nông dân đất đai canh tác qua Cải Cách Điền Địa, khuyến nông? (So với chế độ CS miền Bắc với Cải Cách Ruộng Đất thì chương trình nào đem lại lợi ích?)
      -Chế độ nào mở mang, xây dựng một nền giáo dục nhân bản ngang tầm với các quốc gia tiền tiến. Các Viện, Trường Đại Học không thua kém các quốc gia trong vùng?
      -Chế độ nào xây dựng một quân đội chính quy cuả một QG độc lập, có chủ quyền để bảo vệ lãnh thổ?
      - Trên bình diện đối ngoại, phải chăng uy tín của VN đã dần dần được nâng lên, gần 80 nước công nhận, tuy chưa được gia nhập LHQ, nhưng đã có mặt ở hầu hết các tổ chức cuả LHQ?
      và………….v.v…

      Phải chăng đấy chỉ toàn là những… rác rưởi cần quét sạch, chôn vùi?

      Lầm lẫn, khuyết điểm cuả ông Diệm, cuả chế độ cũng nhiều không kém có lẽ độc giả đã biết, đã nghe đầy tai.

      “KHÔNG BINH , KHÔNG CHỐNG, CHỈ YÊU CẦU ĐÁNH GIÁ CÔNG BẰNG!”

      • nguyenquang says:

        Xin trả lời hai bạn VyBui và Trần Ngọc : ” Đồ tể” Ngô Đình Diệm mang nhiều “nợ máu” với “nhân dân” – xin xem tài liệu trích dẫn bên dưới – hèn chi đến nay vẫn bị chửi rủa, xuyên tạc là đúng rồi :

        Trong tài liệu Phản Bội Hay Chân Chính do cán bộ cộng sản Lê Văn Chấp soạn thảo có đoạn viết như sau:“Thành tích chống Cộng của mật vụ Ngô Đình Cẩn/Dương Văn Hiếu (Đoàn Công Tác Đặc Biệt) thật kỳ diệu. Chúng đánh thẳng vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Ủy 5, Tỉnh ủy Thừa Thiên, Thành ủy Huế, rồi Đà nẵng. Tiến xuống miền Nam, chúng tấn công Đặc Khu ủy Sài gòn Chợ lớn, Thủ biên, Cần thơ. Nổi bật nhất là mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược (TBCL) của ta trải suốt từ Bến Hải đến Sài gòn chỉ có một năm” .

        Trong bài “Nhớ Đồng Chí Lê Duẩn “, Võ văn Kiệt thuật lại rằng Việt Minh đã để lại Miền Nam 60000 đảng viên . Đám cán bộ và đảng viên này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Duẩn, Bí thư Xứ Ủy Nam Bộ. Vào ngày cuối cùng của thời hạn tập kết ở Cà Mau, sau khi giả bộ lên tàu tập kết, Lê Duẩn đã tìm cách rời khỏi tàu vào lúc nữa đêm để ở lại .

  6. Thuộc hệ Thổ, sở hữu thân thể cường tráng với giáp trụ dầy và khả năng phòng thủ cao đây là nhân vật chịu đòn cận chiến tốt nhất. Tuy chậm chạp do ảnh hưởng bởi giáp trụ nhưng bù lại mức sát thương của vũ khí mà đấu sĩ sử dụng luôn thuộc hàng cao nhất.

  7. trungnguyen says:

    Bài này không đề cập vấn đề tôn giáo, ta không nên đi sâu vào gây chia rẽ
    Kẻ được hưởng lợi nhiều nhất là bọn VC

  8. nguyenquang says:

    HAI PHE : Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10 dương lịch, khi gần đến ngày kỷ niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ ra lệnh lật đổ và hạ sát, trên báo chí và nhất là trên Internet, “cuộc chiến” lại diễn ra giữa phe “bênh” và phe “chống” ông Diệm. Phe “bênh” tổ chức lể truy điệu và viết bài ca tụng “công đức” của ông Diệm, còn phe “chống” kể “tội ác” của ông Diệm và Thiên Chúa Giáo .

    LỰC LƯỢNG CỦA HAI BÊN

    Phe ChỐng CÓ LÃnh ĐẠo

    Những thành phần chống ông Diệm đã hình thành được một nhóm chủ đạo luân phiên gây chiến như Trần Chung Ngọc, Cao Huy Thuần, Hồ Đắc Xuân, Lê Cung, Vũ Ngự Chiêu, Hoàng Văn Giàu (Hoàng Nguyên Nhuận), Nguyễn Mạnh Quang, Charlie Nguyễn (đã chết), Bùi Kha, v.v. Còn các thành phần trợ chiến như Nguyễn Hữu Ba, Trần Quang Diệu, Bảo Quốc Kiếm, Võ Văn Sáu, Lê Nguyên Long, Lê Xuân Nhuận… nhiều vô số kể.

    Trái lại, những thành phần bênh ông Diệm không có tổ chức, chỉ hành động theo sáng kiến cá nhân. Như chúng ta đã biết, nhóm Cần Lao đã hoàn toàn bị tan rã sau khi ông Diệm bị giết. Những thành phần Cần Lao nồng cốt được ông Diệm tin cậy như Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu, Tôn Thất Đính, Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu… đã bị CIA mua chuộc, biến thành “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (cụm từ của Tổng Thống Johnson), làm đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm, sau đó làm mất miền Nam. Số còn lại lo đi kiếm chỗ để yên thân. Trái lại, rất nhiều người không liên hệ gì đến Đảng Cần Lao hay chế độ Ngô Đình Diệm, có người còn chưa sinh ra khi ông Diệm bị giết, thấy những chuyện nhiễu nhương, đã nhảy ra đòi “phục hồi” uy tín cho ông Diệm, nhưng họ hầu hết là không có lãnh đạo, thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, nên thường bị phe chống ông Diệm đưa vào “mê hồn trận”.

    Phe ChỐng CÓ NhiỀu PhƯƠng TiỆn

    Đa số các bài viết của nhóm chống ông Diệm và chống Công Giáo đều được in thành sách hay đưa lên các websites như sachhiem, giaodiemonline, chuyenluan, Virtual Archivist, talavas blog, v,v,. Một số websites của các trung tâm Phật Giáo cũng đã yểm trợ cho phe này như quangduc.com, buddismtoday.com, thuvien-thichnhathanh.org, old.thuvienhoasen.org, v.v.

    Phe chống ông Diệm cũng biết Bách Khoa Toàn Thư Mở “vi.wikipedia.org” (phần tiếng Việt) của Wikimedia Foundation, Inc., gồm đa số các thành phần trẻ, biết rất ít về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Họ làm theo quan thầy chỉ bảo, cứ thấy có sự kiện được dẫn chứng là cho phổ biến, không cần biết đúng hay sai, nên phe chống ông Diệm đã mượn diễn đàn “vi.wikipedia.org” để phổ biến nhiều tài liệu bịp bợm chống VNCH, nhất là Đệ Nhất Cộng Hoà.

    Sau khi được “vi.wikipedia.org” phổ biến như tài liệu tham khảo, phe chống ông Diệm lại quy chiếu vào những tài liệu bịp bợp đó để viết bình luận (như trường hợp Đào Văn Bình)!

    Trái lại, phe bênh ông Diệm gần như không có phương tiện nào để phổ biến các tài liệu và quan điểm của họ, ngoại trừ các diễn đàn Internet.

    Phe ChỐng HÀnh ĐỘng CÓ ChiẾn ThuẬt

    Chiến thuật quen thuộc nhất của phe chống ông Diệm là luôn liên kết các hoạt động của ông Diệm với Thiên Chúa Giáo để kích động lòng hận thù tôn giáo. Trong chiến tranh Việt Nam, Thích Trí Quang và nhóm Phật Giáo đấu tranh luôn dùng chiến thuật này để kích động Phật tử đứng lên đấu tranh. Sau chiến tranh, khối Phật Giáo đấu tranh ngày càng tan rã, nhóm chống ông Diệm lại càng phải kích động lòng hận thù tôn giáo để thu hút các thành phần Phật Giáo cực đoan còn lại đứng về phía họ để kéo dài sự tồn tại.

    Chiến thuật thứ hai của phe chống ông Diệm là đưa ra những sự kiện hay vấn đề vớ vẫn để cho những người thiếu bản lãnh “tức khí” nhảy ra tranh luận. Khi nói vấn đề này chưa xong, chúng lại bày ra chuyện khác, đưa “đối phương” vào “mê hồn trận,” kéo dài trận chiến ra vô tận. Có những vấn để trả lời dứt khoát rồi, chúng lôi ra lại!

    CÓ SỰ TiẾp Tay CỦa ĐẢng CSVN

    Nhóm chống ông Diệm còn được nhà cầm quyền CSVN ở trong nước tiếp tay rất đắc lực. Các văn công Việt Cộng đã được lệnh viết rất nhiều bài mô tả chế độc Ngô Đình Diệm là ác ôn, gia đình trị. Nhóm Phật Giáo tiếp tay cho họ dĩ nhiên được hoan nghêng và yểm trợ tích cực.

    Cuốn “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của nhóm Đỗ Mậu và cuốn “Giáo Sĩ Thừa Sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam” của Cao Huy Thuần đã được nhà cầm quyền CSVN cho in lại và phổ biến rộng rãi trong nước, một số được đưa ra hãi ngoại. Mới đây, các cơ quan truyền thông hải ngoại đã phát hiện: Bùi Hồng Quang, một trong những người chủ trương tạp chí Giao Điểm, đã được Cục An Ninh Xã Hội thuộc Tổng Cục An Ninh ở trong nước cho phép in tạp chí Giao Điểm ở trong nước và cấp Giấy phép mang số 1020/A41(P4) ngày 20.12.2007 cho đưa ra nước ngoài với mục đích được ghi rõ là “tuyên truyền vận động đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta”.

    Các báo chí và websites ở trong nước cũng đã và đang phổ biến nhiều bài của nhóm chống ông Diệm ở trong nước cũng như hải ngoại, chẳng hạn: Bất Ngờ, Sinh Viên Huế 1963 – Hồi Ức của Nguyễn Đắc Xuân, Mùa Phật Đản Đẫm Máu 63 của Vũ Ngự Chiêu, Cuộc Cách Mạng 01-11-1963 của Hoành Linh Đỗ Mậu, Ngựa Non Háu Đá của Trần Đình Hoàng, Nhân Dân Miền Nam Hân Hoan Chào Mừng Cách Mạng 1/11/63 của Chuyển Luân, Kenedy là Người Đằng Sau Cái Chết Của Ngô Đình Diệm của Nguyễn Văn, Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963 của Lê Cung, v.v.

    ( Trích )

    • Trần Ngọc says:

      Cám ơn nguyenquang đã cho biết những chi tiết về bọn tay sai CS ở hải ngoại được núp dưới cái bóng tôn giáo, mục đích gây chia rẽ và làm suy yếu cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hầu có lợi cho CS.

  9. nguyenquang says:

    Ngày 10 tháng 11 năm 1995 trong buổi họp chuẩn bị cho hội nghị Mỹ-Việt (Cộng) vào cuối năm 1996, để rút ra những bài học cho cuộc chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội, theo ký giả Keith B. Richburg của tờ Washington Post thuật lại cuộc họp nói trên vào hôm sau thì “ông McNamara đã lấy làm thích thú đến say mê” ( fascinating) nhận thấy rằng vài giới chức cao cấp trong chính quyền Hà Nội, (trong buổi họp có mặt tướng Võ Nguyên Giáp), đã bảo cho McNamara biết ông Diệm là người yêu nước (nationalist) và giả sử như ông Diệm còn thì có lẽ ông ấy đã không để cho người Mỹ đem chiến tranh vào Việt Nam và Mỹ- hoá cuộc chiến tranh đó khiến cuối cùng Mỹ phải tốn mất trên 58,000 sinh mạng. (Washington Post November 11, các trang A21 và A25 Nguyên văn: (He found it) “fascinating that several former high-level Vietnamese Communist officials here told him that Diem was a nationalist and that had he lived, Diem would probably not have accepted the U.S. buildup and the Americanization of the war that eventually cost 58,000 American lives”.

  10. Minh Đức says:

    Bài này trình bày cho thấy Mỹ ủng hộ đảo chánh ông Diệm vì thấy tình hình tại Việt Nam ở nông thôn thì CS gia tăng hoạt động, tại thành phố thì người dân phản đối, xảy ra các cuộc biểu tình chứ không phải vì Mỹ muốn đem quân vào miền Nam và ông Diệm không đồng ý. Tại Việt Nam, linh mục Lê Ngọc Thanh khi làm lễ tưởng niệm cho anh em ông Diệm đã nói rằng ông Diệm bị đảo chánh vì không cho quân Mỹ vào miền Nam. Linh mục Lê Ngọc Thanh nên đọc bài này vì ông ta nói theo lời đồn đãi mà không có cơ hội kiểm chứng là lời đồn đãi đó là đúng hay sai. Ở Việt Nam đâu có dồi dào tài liệu về chính phủ Mỹ để mà người dân tìm tòi, nghiên cứu xem sự thật lịch sử là như thế nào. Nếu có tài liệu thì người CS cũng giữ lấy và không cho dân đọc để cho dân cứ phải tin vào những gì đảng CSVN nói.

    • nguyenquang says:

      saovang says:
      17/11/2013 at 22:35
      “Xin góp ý với Minh Đức” hãy đọc phần dưới đây nhá:

      Tính cho tới năm 1963, tình hình quân sự ở Miền Nam vẫn khả quan. Lúc đó không chỉ có một mà hai phái đoàn các viên chức cao cấp trong quân đội Hoa kỳ đã sang Việt nam để thẩm định tình hình: Ngày 7/9/63, phái đoàn của trung tướng Victor Krulag theo lệnh của đại tướng Taylor- tham mưu trưởng liên quân. Theo ý kiến của tướng Victor Krulag thì cuộc chiến đấu quân sự vẫn đang tiến hành với một nhịp độ đáng khâm phục ( và rằng cuộc khủng hoảng chính trị cũng có ảnh hưởng đến, nhưng không bao nhiêu, Việt cộng sẽ thua, nếu Mỹ vẫn tiếp tục những chương trình viện trợ về quân sự và xã hội).

      Và rồi ngày 2/10, một phái đoàn khác do chính bộ trưởng quốc phòng Mcnamara và đại tướng Taylor hướng dẫn. Bản phúc trính của họ lạc quan về tình hình quân sự (nhưng bi quan về tình hình chính trị). Tuy nhiên, Hoa kỳ đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

      Theo tài liệu CS “Tổng Kết Cuộc Kháng Chống Thực Dân Pháp, Thắng Lợi và Bài Học – 1996, khi ký kết Hiệp Định Geneve, CS đã để lại Miền Nam 60,000 đảng viên .

Leave a Reply to trungnguyen