WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Anna Karénine: Tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của Léon Tolstoi [1]

2- Tình yêu và hôn nhân

Anna Karrenina nay vẫn là một trong những truyện tình lãng mạn lôi cuốn nhất. Tolstoy diễn tả hai cuộc tình, một bên đầy sóng gió  kết thúc bi thảm, bên kia hạnh phúc dù có chút lận đận lúc ban đầu.

Anna một thiếu phụ nhan sắc tuyệt trần, lãng mạn, trí thức , đọc nhiều tiểu thuyết Anh, viết sách cho thiếu nhi, nàng coi tình yêu là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời, một người đàn bà hư hỏng, tội phạm đạo đức gia đình  qua sự mô tả của Tolstoi nhưng ông không kết án và dành cho người mệnh phụ kiều diễm  trí chức này nhiều cảm tình.

Hình bìa sách xuất bản năm 1878. Ảnh: wikimedia.org

Anna  kết hôn với Karénine khi nàng còn trẻ, sống trong nhung lụa. Cuộc hôn nhân không tình yêu nhưng yên ấm với Karénine trong tám nam cho nàng một cậu con trai, một buổi đẹp trời tiếng sét ái tình đã đưa Anna sa xuống  hố sâu tội lỗi, lao đầu  một cuộc phiêu lưu không lối thoát.

Gặp nhau tại sân ga Mạc Tư Khoa, chàng sĩ quan hào hoa phong nhã Vronsky  mê mẩn trước sắc đẹp mê hồn của Anna quyết theo đuổi chinh phục  người đẹp tới cùng dù biết nàng đã là một mệnh phu nhân của một công chức cao cấp thế lực tại kinh thành Petersburg. Anna thiếu thốn tình cảm bên ông chồng nhiều tuổi, cặm cụi với chức vụ chốn quan trường đã dễ dàng sa ngã trong vòng tay Vronsky. Nàng muốn thoát ra khỏi cuộc sống giả dối không tình yêu để nghe theo tiếng gọi của con tim không đếm xỉa gì tới dư luận giới thượng lưu. Anna không che dấu tội lỗi, không muốn đóng vai người vợ tội lỗi nữa mà muốn thoát ly,  nàng đã nói với chồng “Tôi yêu anh ấy, tôi là người tình của anh ấy, mình muốn làm gì tôi thì làm”

Karénine quảng đại nhiều thiện chí, tạo cơ hội cho nàng trở về con đường ngay nhưng Anna oán trách Karenine  đã làm hỏng cuộc đời nàng. Anna tự bào chữa, cuộc đời phải có tình yêu, Thượng đế muốn ta phải yêu và sống. Karénine muốn che mắt thiên hạ, Anna không chấp nhân cuộc sống giả dối trong một xã hội giả dối mà muốn sống thực cho mình.

Anna có con với Vronsky, nàng bị mê man gần chết khi sinh đẻ đứa con gái đã khẩn khoản xin chồng tha thứ. Karénine đã rộng lượng với cả hai người nhưng chỉ một tháng sau, chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ, anh chị cuốn gói cùng nhau sang châu Âu hưởng tuần trăng mật.

Mấy tháng sau trở về Nga sống như vợ chồng,  họ bị xã hội xa lìa, người ta không chấp nhận cuộc hôn nhân tội lỗi ấy, họ về quê sống trong toà nhà sang trọng quí phái của Vronsky, chàng  xây bệnh viện, mua máy móc, bán gỗ…Mặc dù sống trong nhung lụa với người chồng thứ hai có phần giầu sang hơn Karénine nhưng Anna đau khổ vì đã trả cái giá cao cho tình yêu, nàng nhớ con trai, mất hết danh dự bị xã hội khinh thị xa lìa.

Cuộc tình mất dần dần mất sự nồng thắm lúc ban đầu, Anna nghi ngờ Vronsky thấy chàng nhật nhẽo với mình, chàng bỏ nhà đi mấy ngày không về, nàng trách móc anh không còn yêu em như  xưa. Vronsky bắt đầu chán nản, chàng thấy mình bị mất tự do, biết rằng hạnh phúc với Anna trước đây đã qua bây giờ là bất hạnh , nàng ghen tức, cáu kỉnh khiến chàng khó chịu, chàng nhìn Anna như như một người nhìn đoá hoa mình hái nay đã tàn, nay khó mà nhận ra cái vẻ đẹp của hoa khi mình hái rồi làm cho tàn lụi,  tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Sau lần giảng hoà họ lại hờn giỗi , trách cứ nhau Anna nghi ngờ Vronsky nghe lời mẹ sắp bỏ nàng để lấy công nương Sorokina, nàng hớn trách Vronky, chàng ngày càng tỏ sự bực bội. Anna đoan chắc Vronsky đã yêu người khác, nàng nghĩ chỉ có cái chết mới mới lấy lại tình yêu trong trái tim chàng, đối với Anna cuộc đời chỉ có tình yêu là đáng quí.

Anna đã hy sinh tất cả cho chàng, bỏ con trai thân yêu, mất hết danh dự  nay tình đà phai nhạt.  Cuối cùng Anna đã chọn cái chết thê thảm để trừng phạt người yêu, bắt  chàng đau khổ hối hận suốt đời.

Tolstoi cho thấy Anna Vronsky đã đi tìm ảo tưởng của hạnh phúc. Anna sai lầm khi nàng còn trẻ đã lấy chồng vì địa vị không có tình yêu, một người chồng hơn nàng hai mươi tuổi.  Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, A Life of Leo Tolstoy, trang  80 nói

“ Nàng nhận thấy mình đã lấy chồng chỉ vì tính toán cái lợi”

(Anna recognizes she has never had more than a “marriage of convenience” with her husband).

Nàng lại sai lầm hơn nữa khi hủy hoại gia đình chạy theo một tình yêu lãng mạn để cuối cùng vào chỗ bế tắc không lối thoát, Tolstoy cho thấy sống tất cả cho tình yêu  nguy hại hơn một cuộc hôn nhân không tình yêu. Anna đã thả mồi bắt bóng, nàng đã từ bỏ gia đình, đứa con trai yêu quí , từ bỏ địa vị …để đánh đổi lấy tình yêu trong một cuộc phiêu lưu vô định để rồi cuối cùng thực tế chứng tỏ  “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Trong cơn tuyệt vọng, tấn bi kịch cuộc đời nàng đã kết thúc thê thảm.

Song song với cuộc tình duyên  gian nan đau khổ của Anna, Tolstoi diễn tả gia đình cặp  Levin – Kitty đầm ấm để cho thấy thế nào là ý nghĩa của hạnh phúc , trang 80 sách đã dẫn Morris Philipson  nói.

“Từ chương đầu cho tới chương đầu cho tới chương cuối của tác phẩm, cái mà tác giả quan tâm vào hàng đầu là: Cái gì giữ cho gia đình bền vững, cái gì phá tan hạnh phúc?”

(From the first chapter of the novel until the last, the primary concern  in the mind of the author  is: what keeps couples together? What wrenches them apart?)

Cuộc tình của  Levin lận đận, đau khổ lúc đầu, chàng ta yêu cô chị lớn Dolly, cô này lấy ông bạn Stepan , rồi yêu cô thứ hai Natalie, cô này lại lên xe hoa với một nhà ngoại giao, cuối cùng yêu Kitty cô út còn nhỏ.  Levin không thể nào quên được cái ngày nhục nhã khi chàng ngỏ lời cầu hôn bị cô ta từ chối, trái tim cô rung động vì Vronsky, một anh sĩ quan hào hoa, bảnh trai, nhà giầu, có tương lai. Nàng tràn trề hy vọng ở chàng nhưng trớ trêu thay, anh chàng lãng mạn háo sắc này bỏ chạy theo người đẹp Anna khiến cho cô đau khổ sinh bệnh. Bà mẹ đi mời bác sĩ chữa chạy nhưng ông bố biết thừa đó chỉ là bệnh thất tình , cuối cùng gia đình đưa cô đi nghỉ mát tại Âu châu.

Thật đau đớn nhục nhã cho Levin khi được biết Kitty phát bệnh phải ngoại quốc điều trị, người mà chàng yêu và ngỏ lời cầu hôn lại đi yêu một người đàn ông khác, người đàn ông này không còn còn quan  tâm tới cô, từ bỏ cô  để chạy theo một người đàn bà khác. Kitty hết bệnh về nước trở thành người cao thượng, có tinh thần vị tha, bà chị Dolly năn nỉ, thuyết phục Levin quay trở lại với Kitty nhưng chàng một mực từ chối không thể nào quên được cái mối hận ngàn đời ấy.

Rồi một buổi đẹp trời, Levin gặp lại Kitty trong một buổi tiệc tại gia đình Dolly, chàng tha thứ cho nàng, ngay hôm sau lại gia đình Kitty trước sự mừng rỡ của mọi người trong nhà. Họ làm đám cưới, sinh con trai đầu lòng, có vài lần giận dỗi nhưng cuộc đời họ trôi đi một cách êm ả hạnh phúc tại đồng quê.  Cặp Levin – Kitty cho thấy quan niệm hạnh phúc gia đình của Tolstoy ở chỗ hôn nhân có tình yêu là điều kiện giữ được hạnh phúc gia đình.

Anna đã từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu với Karénine mà nàng cho là đã nghiền nát cuộc đời nàng để chạy theo một tình yêu không hôn nhân với Vronsky để rồi cũng chỉ là ảo tưởng hạnh phúc đưa tới kết thúc bi thảm.  Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nói.

“Chủ đề là sự hoàn hảo gia đình có bền vững hay không chỉ do tình yêu thương chân thành với nhau mà hai vợ chồng đã đạt được như Levin và Kitty đã thể hiện bằng hy sinh, tha thứ cũng như ý muốn cùng tạo hạnh phúc cho nhau. Ngược  lại gia đình  lâm vào chỗ chia lìa tan nát khi chồng hoặc vợ miệt mài trong tình yêu ích kỷ đưa tới chỗ chỉ quan tâm hạnh phúc riêng cho mình như trường hợp Anna, hạnh phúc đó  đã đưa tới sự hủy hoại cuộc đời nàng và cuộc sống của người yêu Vronsky”

(The theme is that the sanctity of the family can be preserved  only by the mutuality of pure love of husband and wife which is achieved, as Kitty and Levin demonstrate, by sacrifice, pardon, and the desire to make each other happy. On the other hand the family is destroyed when either husband or wife indulges in the egotistic love of affinity, which leads to complete preocupation with one’s personal happiness and, as in Anna’s case, to the ruin of her life as well as that of her lover Vronsky – Introduction To Tolstoy’s Writings,  Page 86)

Những chủ đề về xã hội tình yêu, ngoại tình, hôn nhân… của Tolstoy được đưa ra  trong bối cảnh nước Nga hậu bán thế kỷ thứ 19 đang trên đường biến đổi theo những bước tiến mới của văn minh Tây phương.  Về mặt gia đình những truyền thống  xưa cha mẹ mai mối hoặc đặt đâu con ngồi đấy (arranged marriages) bắt đầu lỗi thời được thay thế bằng tự do lựa chọn người mình yêu. Những cảnh tán tỉnh, chinh phục đã thành hình và nhân quyền của phụ nữ đã được đề cập nhiều hơn trong tác phẩm.

Trong chiều hướng cải cách để đem lại bộ mặt mới, tiến bộ cho xã hội nước Nga còn lạc hậu, Tolstoy chịu ảnh hưởng tinh thần cấp tiến đã thể hiện  những quan niệm mới về hạnh phúc bằng sự so sánh hai cuộc hôn nhân song song bên nhau trong tác phẩm, một bên cuối cùng đến bờ bến hạnh phúc và bên kia tới thảm cảnh cùng đường sau những chặng đường đi tìm ảo tưởng.

Từ hồi thập niên 1860 trong khung cảnh đất nước Nga đang trên đa đổi mới, nhiều nhà cấp tiến xã hội đả phá chế độ gia đình hủ lậu thiếu thốn quyền tự do cá nhân, họ nói cha mẹ bóc lột sức lao động con cái. Tại đây, với Anna Karénine Tolstoy cũng  thể hiện quan niệm riêng về hạnh phúc gia đình, ngay như câu đầu tiên của cuốn sách

“Những gia đình hạnh phúc thường giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh lại có bộ mặt đau khổ riêng”

(Happy families are all alike; every unhappy family is unhappy in its own way).

Ta đã thấy ông nhấn mạnh về hạnh phúc gia đình.

Thời kỳ cha mẹ đạt đâu còn ngồi đấy đã đi vào quá khứ, Kitty đã tự lựa chọn người bạn đời của nàng, họ tìm được hạnh phúc trong  mái gia đình ấm cúng trong một cuộc hôn nhân có tình yêu. Anna sai lầm khi còn trẻ nàng đã kết hôn với một người hơn nàng hai mươi tuổi vì địa vị danh vọng, cuộc hôn nhân không tình yêu đưa tới đổ vỡ tan tành. Anna, Vronskly đi tìm hạnh phúc trong tình yêu, chàng và nàng hy sinh tất cả cho tình yêu  trong khi Anna từ bỏ đứa con trai yêu quí, mất hết danh dự  để hy sinh cho tình yêu, Vronsky bỏ cả sự nghiệp, công danh trái lời mẹ vì tiếng gọi của con tim .. để rồi chuốc lấy cay đắng chán chường thất vọng, chỉ thấy ảo ảnh cuộc đời, ảo tưởng hạnh phúc.

Anna đã từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để tìm đến một tình yêu không hôn nhân nhưng nàng chỉ đi tìm ảo ảnh của hạnh phúc, cả hai cuộc đời nàng đã trải qua cuối cùng không phải là hình bóng hạnh phúc mà nàng đã tìm kiếm một cách sai lầm. Tolstoy phác hoạ gia đình như một nguồn hạnh phúc cao quí dưới một mái nhà ấm cúng … Anna phá hoại gia đình và rồi chết thảm trên đường rầy xe lửa , Levin tạo dựng mái gia đình hạnh phúc và chàng đã đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc  đời.Tolstoy kết luận, đức tin, hạnh phúc, đời sống gia đình kết hợp với nhau thành lý tưởng và mục đích cuối cùng.

Tác giả kể chuyện hai cuộc tình xen kẽ nhau cho ta thấy hai bộ mặt của hạnh phúc: ảo tưởng và chân thực. Anna – Vronsky đi tìm hạnh phúc trong cơn sóng gió, tưởng như lạc vào cõi thiên đường mơ mộng nhưng cạm bẫy đã giăng ra phía trước, hố sâu tội lỗi và trừng phạt đang chờ đón họ, mở  đầu bằng tình yêu  và kết thúc trong hận thù.  Họ tìm hạnh phúc trong tội lỗi nhưng đó chỉ là ảo tưởng và kết thúc bằng hậu quả thảm khốc: Anna mất hết gia đình, danh dự và cả cuộc đời, Vronsky tiêu tan sự nghiệp, lương tâm bị dầy vò đau khổ.

Trong khi ấy chuyện tình Levin – Kitty êm đềm hạnh phúc dưới mái gia đình ấm cúng, hạnh phúc ở trong tầm tay của họ.

3- Luận đề xã hội

Trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân trang 82 Morris Philipson nói:

“Anna Karenina đã được coi là tác xã hội phẩm lớn vì nó diễn tả một cách bi thảm hơn bất cứ tác phẩm nào khác về ảnh hưởng của “lối sống xã hội” trên hạnh phúc cá nhân con người. Sở dĩ truyện được cả thế giới yêu chuộng vì nó đã quan tâm sâu sắc tới tất cả những mối liên hệ của xã hội”

(Anna Karenina has justly been called the greatest novel of society – for its expresses more dramatically than any other single work the power that “social life” has over individual happiness. What gives the novel its great universality is its profound examination of what social relations are all about)

Chủ đề trong cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai này của Tolstoy thể hiện nhiều khía cạnh xã hội. Hoàn cảnh nước Nga giai đoạn này không văn minh bằng Tây phương Anh, Pháp.. trào lưu mới đưa đến sự va chạm cũ mới của thành phần bảo thủ chủ trương bảo tồn giai cấp điền chủ  quí tộc  và thành phần cấp tiến có khuynh hướng ngả về những giá trị Tây phương . Giai cấp bảo thủ muốn duy trì chế đô nông nô và chính quyền quân chủ chuyên chế trong khi phe cấp tiến thân Tây phương tin tưởng vào kỹ thuật tân tiến, luận lý, dân chủ. Trong truyện ta thấy Levin đưa vào canh nông những phương pháp mới trong khi ấy nông dân bảo thủ vẫn muốn lối canh tác cổ truyền.

Mục tiêu hàng đầu của luận đề xã hội trong tác phẩm nhắm vào xã hội giả dối của một nền đạo lý lỗi thời mà Anna tiêu biểu  con người phản kháng. Trong môi trường quyền lực, danh vọng nàng đã can đảm từ bỏ cuộc đời giả dối không tình yêu để theo tiếng gọi của con  tim. Anna thách đố xã hội, nàng đi xem hát công khai tại hí viện sau khi chung sống với người yêu Vronsky để chứng tỏ cho mọi biết nàng không quan tâm tới những truyền  thống lỗi thời của xã hội giả dối.

Leo Tolstoy. Ảnh: wikimedia.org

Karénine người chồng bị phản bội nhưng vẫn tha thứ, muốn nàng tiếp tục cuộc sống vợ chồng như xưa, ông từ chối ly dị, che dấu sự xấu xa tai tiếng trước dư luận xã hội. Anna khước từ, nàng nói tôi không thể làm vợ mình được, tôi không thể kéo dài cuộc đời giả dối này mãi.

Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nhận xét về tác giả và nhân vật Anna..

“Chính Tolstoy lại dành chút tình yêu thương cho nữ nhân vật với bản chất hào hiệp, sáng ngời. Ông đã cố chứng tỏ rằng nàng là nạn nhân của xã hội quí tộc đạo đức giả này hơn là vì đam mê. Mặc dù Anna gian díu với chàng sĩ quan  dễ thương, bảnh bao nhưng nếu nàng tỏ ra kín đáo và  chấp nhận phong tục xã hội thì giới  thượng lưu đã không kết án nàng, họ  chấp nhận  cuộc tình ấy – Trang 86.

(For Tolstoy, himself a bit in love with his heroine’s large, generous, radiant nature, endeavors to show that she is as much a victime of the hypocrisy of this high society as of her own passion.  If Anna had had an affair with a handsome, socially desirable army officer, high society would not have condemned her provided she was discreet and abided by conventions that were supposed to make such affairs permissible)

Nhưng Anna không che dấu sự thật, nàng không kín đáo vờ vĩnh che mắt thế gian để được xã hội tha thứ mà công khai từ bỏ cuộc sống vợ chồng không tình yêu để xây dựng cuộc sống mới chân thực. Anna thể hiện con người phản kháng xã hội và nàng đã bị xã hôi khước từ, chị dâu Vronsky từ chối không nhìn nàng là người trong họ vì không thể chấp nhận cuộc hôn nhân thiếu đạo đức ấy, xã hội không chấp nhận cuộc hôn nhân ấy và đẩy nàng vào bước đường cùng thê thảm. Nếu xã hội từ bỏ những phong tục đạo đức giả lỗi thời, chấp nhận cho họ kết hôn  thì người đàn bà đã không chết.

Luật triều đình  và luật Giáo hội không cho phép Anna ly dị, lấy chồng khác vì Karénine, chồng nàng  còn sống, nhưng tậïp quán  cũa xã hội quí tộc nghiệt ngã hơn thế, nàng đã bị làm nhục, bị  chửi mắng là đồ hư  hỏng lăng loàn khi xuất hiện trước đám đông tại rạp hát, người ta đẩy nàng ra bên lề xã hội.

Trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân, trang 83 Morris Philipson nói:

“ …. Về phương diện ấy, Anna Karenina là tác phẩm phản kháng xã hội vì Toltoy ám chỉ tình yêu giữa Vronsky và Anna tốt đẹp hơn là tập quán xã hội đã đẩy họ ra lề cuộc sống. Hôn nhân không tình yêu cũng tệ như tình yêu không  hôn nhân ; nhưng xã hội lại chấp nhận trường hợp trước  và kết án trường hợp sau. Xã hội thích nghi với với chế độ hôn nhân nhưng đã làm mất tinh thần của nó. Tinh thần phản kháng xã hội của tác phẩm nằm ở chỗ Tolstoy lên án tình cảm giả dối của xã hội, nó chỉ chuộng bề ngoài hơn là thực chất.  Những giá trị giả dối khiến cho xã hội tự đánh lừa mình và họ sống giả dối, chuộng bề ngoài, chẳng khác nào  từ chối sống thực với chính mình, nó  khiến cho con người sống một cuộc đời tự lừa dối  mình.

(.. In this respect, Anna Karenina is an antisociety because Tolstoy implies that the love between Vronsky and Anna is better than the conventions which make them social exiles. Marriage without love is as bad as love without marriage; but society condones the former and condemns the latter. Society has made its accommodation with the institution of marriage but has lost the spirit of it.What is antisocial in the novel is Tolstoy’s condemnation of society’s emotional dishonesty, its willingness to prefer appearance to reality. False values make it easy for a whole society to delude itself and live dishonest, superficial lives, just as refusing to be true to oneself enables an individual to live a self-deluding life)

Anna tiêu biểu con người can đảm từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để sống thực cho chính mình trong khi chồng nàng Karénine thể hiện tinh thần của xã hội giả dối, ông tha thứ cho vợ và muốn vợ chồng vẫn sống như xưa, cấm nàng không được gian díu với người yêu để giữ bề ngoài, thể diện cho ông . Karénine chỉ cần có thế nhưng Anna từ chối, nàng không chấp nhận kéo dài cuộc đời giả dối làm người vợ hư. Xã hội đã không chấp nhận cuộc sống thực của Anna bên người yêu Vronsky khiến cả hai đã bị đẩy ra bên lìa để rồi nàng lâm vào bước đường cùng phải tự tử.

Morris Philipson cho thấy nếu xã hội cho phép hai người lấy nhau thì Anna đã không đến nỗi chết.

“Bi kịch của tác phẩm nằm ở chỗ Vronsky và nàng không lấy nhau được, không được ‘hứa hẹn một tương lai lâu dài’ mà chỉ  xã hội  mới bảo đảm được, họ đã không tránh được sự xung khắc gia đình, tình yêu của họ không đủ để giúp họ vượt qua cơn sóng gió. Họ bị chia lìa vì lo sợ nghi kỵ lẫn nhau –vấn đề lòng ích kỷ- mà họ có thể vượt qua  nếu đã được chính thức lấy nhau –

( It is Anna Karenina’s tragedy that Vronsky and she are unable to marry. Without that “promise of an endless future”, which only society can pretend to guarantee, they are without protection against the conflicts threatening their harmony. Their love is not enough to protect them by itself. They are torn apart by fears for themselves – selfish concerns – that it would have been possible for them to overcome if they had been married- Page 84)

Bằng hình ảnh đôi tình nhân sống chung với nhau một cách tự nhiên bất kể nền nếp gia phong gia Tolstoi cho thấy đời sống vợ chồng của giai cấp quí tộc, những cuộc hôn nhân không tình yêu nay đã lỗi thời. Trước buổi giao thời mới cũ, hình ảnh Anna –Vronsky hay Levin – Kiity cho thấy lối sống xưa cũ đến lúc phải lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho trào lưu mới tân tiến hợp thời.

“Được phép sống trong dòng sinh hoạt xã hội cũng quan trọng như từng trải về tình yêu để sống một cuộc đời hoàn hảo. Cuộc tình của Anna Vronsky chắc chắn là chân chính, nhưng xã hội mà họ đang sống đã hủy hoại đời họ. Xã hội có quyền hành để nghiêm trị những kẻ phá luật lệ hôn nhân. Có thể một lý do nữa là phần nhiều những người này lại không có tình yêu chân thật, cặp tình nhân phá vỡ những tục lệ về hôn nhân nhắc nhở cho tất cả những kẻ khác thấy cuộc sống riêng tư của họ thật là giả tạo, thiếu xót và đáng xấu hổ thay.”

(Being allowed to participate in one’s society is as important as the experience of  love in order to live a complete life. Anna and Vronsky love is certainly genuine, but the society they live in destroys them. Society has the power to take its revenge against those who break its rules about marriage. One reason for this may well be that because there is so little genuine love among the majority of people, lovers who break the conventions concerning marriage remind all the others of how shamefully superficial an unfulfilled their own private lives  are” – Morri Philipson,  The Count who wished he were a peasant , page 84, 85).

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

Anna Karenina: Translated by Constance Garnett, SpellBinders 2004.

Anna Karenina: Translated by Joel Carmichael, introduction by Malcolm Cowley, Bantam Books 1981.

Wikipedia: Anna Karenina.

Gary Adelman: Anna Karenina- The bitterness Of Ecstasy, Twayne Publishers – Boston 1990.

Edward Crankshaw: Tolstoy, The Making of a Novelist, The Viking Press -New York, 1974

Dmitry Svyatopolk Mirsky: A history Of Russian Litterature, New York, Alfred A.Knoff, 1969.

Ernest J.Simmons: Introduction To Tolstoy’s Writings, The University of Chicago Press, Chicago & London 1968.

Morris Philipson: The Count who Wished He Were A Peasant-A Life Of Leo. Tolstoy, Panthe on Books 1967.

William W.Rose: Leo. Tolstoy, T Wayne Publishers, Boston, 1986.

Tolstoy: A Collection Of Critical Essays, Prentice-Hall, inc, Englewood Cliff, N.J 1967.

William L.Shirer: Love And Hatred, The Stormy Marriage Of Leo And Sonya Tolstoy, Simmon & Schuster 1994

Ernest J.Simmons: Introduction to Russian Realisme, Indiana university press 1965.

Henry Gifford: The Novel In Russia, Hutchinson & Co. (Publishers) LTD – 1964.

A.B. Goldenweir (Alek sandr-Borisovich): Talk With Tolstoy- Horizon press 1969.

(Translated by SS. Koteliansky and Virginia Woolf).

Fr. Wikipedia.org: Anna Karénine.

Google.Fr: Léon Tolstoi, Écrivain et penseur Russe (littérature classic) Google France.

Google. Fr: Léon Tolstoi, par Semione Filippovitch Egorov, docteur en sciences de l’éducation, le texte est tiré de Perspectives, Revue trimestrielle d’éducation comparée.

© Trọng Đạt

Phần 2: Anna Karénine: Tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của Léon Tolstoi [2]

Pages: 1 2

1 Phản hồi cho “Anna Karénine: Tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của Léon Tolstoi [1]”

  1. Hwy Tse says:

    BI KỊCH

    Hẳn là dân tộc Nga hãnh diện và thỏa lòng với những tác phẩm hay (đại loại như truyện Anna Karenina) trong nền văn học của họ.

    Về phần chúng ta, dân tộc Việt Nam có được tác phẩm nào ?! Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ư! Hầu như trong tác phẩm này chỉ có điều mà chúng ta đáng nói về đó là – Lời thơ, – Âm điệu ; còn cốt truyện lại là của Tàu, và nhân vật chính Vương Thúy Kiều thì chẳng qua là “Xẩm nhà thổ”.
    (còn tiếp)

    Hwy Tse,…

Phản hồi