Tại sao một số (ít) người Mỹ chống đối Ngân Hàng Trung Ương?
Gần tới mùa bầu cử Quốc Hội tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu tại sao ở Mỹ có một số cử tri đòi hủy bỏ Ngân Hàng Trung Ương? Đây là khuynh hướng thiểu số cực đoan cánh hữu nhưng không vì thế mà các lý luận của họ kém phần sắc bén.
Một số đông các chuyên viên xem Quỹ Tiền Tệ Liên Bang (Federal Reserve) – tức Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ (Central Bank) – tiêu biểu là cựu Chủ Tịch Ben Bernanke như người anh hùng trong những năm 2006-14 đã cứu nước Mỹ khỏi rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng như vào cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Để tóm lược cuộc khủng hoảng 2007-09 xảy ra vì hệ thống ngân hàng tư nhân cho vay bừa bãi vào thị trường nhà đất, đến khi bong bóng địa ốc nổ ra lại hốt hoảng siết chặt tín dụng bởi đã ôm quá nhiều nợ xấu nên sợ bị phá sản. Doanh nghiệp bên ngoài bị vạ lây do không mượn được tiền để trả lương hay thanh toán hoá đơn; khủng hoảng do đó không còn chỉ giới hạn trong hai lãnh vực ngân hàng địa ốc mà nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ nên kinh tế. Chính phủ Mỹ khẩn cấp bỏ ra 700 tỷ USD cứu vớt ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân Hàng Trung Ương bơm thêm khoảng 3500 tỷ USD vào thị trường dưới các hình thức mua vào nợ công và tư, nhờ đó tín dụng trở nên dồi dào và nền kinh tế mới hồi sinh.
Vấn đề đặt ra nơi đây khi nước Mỹ đã nợ nần chồng chất từ năm 2006 thì tiền đâu để xài nhiều như vậy? Câu trả lời của phe chống đối chính là vì Ngân Hàng Trung Ương được quyền in tiền vô tội vạ nhằm giải quyết mối khủng hoảng cấp thời nhưng rồi để lại một hậu quả bất tường do bơm lên một quả bóng khổng lồ trị giá hơn 4000 tỷ USD. Đến khi xì hơi chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng khác vô cùng trầm trọng. Nói khác đi là Ngân Hàng Trung Ương đã hành động bừa bãi thiếu trách nhiệm!
Trong thời đại điện toán Quỹ Tiền Tệ Liên Bang không thật sự in ra tiền giấy, nhưng khi “mua” vào nợ công thí dụ 100 triệu USD thì tự nhiên tài khoảng của ngân hàng bán nợ “tăng” thêm 100 triệu USD, y như trò ảo thuật khiến tiền trên trời rớt xuống! Nhưng nếu tiền mới sinh sản tài tình như vậy thì đây là hậu quả, vì người Mỹ vẫn thường nói “there is no free lunch” dịch thoát ra tiếng Việt là trên đời không có chuyện “tình cho không biếu không”.
Tiền in thêm sẽ mất giá khiến dân chúng phải gánh chịu nạn lạm phát [1]. Lạm phát là một trong hai cách để nhà nước móc túi dân chúng [2]. Cách móc túi thứ nhất trông thấy rõ rang nhất là đánh thuế, không giấu giếm được ai vì người dân phải rút tiền trong bóp trả thuế. Lạm phát nguy hiểm hơn vì tiền trong bóp cứ dần bốc hơi nên nhiều người lơ đãng không để ý, dân chúng sẽ bớt phản đối nên hy vọng không dùng lá phiếu hất ngã mấy ông nhà nước. Cho nên Hành Pháp hay Quốc Hội đều thích biện pháp tăng lạm phát hơn là tăng thuế!
Ngoài ra lạm phát còn đem lại hai hậu quả gián tiếp nhưng vô cùng quan trọng khiến nhà nước lạm quyền và doanh nghiệp ỷ lại – tức là vi phạm đến nền tảng của hệ thống dân chủ và nền kinh tế thị trường.
Nhà nước lạm quyền bằng cách dùng Ngân Hàng Trung Ương như cánh tay đắc lực để khi chính quyền mượn nợ công thì Ngân Hàng Trung Ương lại in tiền để mua nợ – theo lối “chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi”! Lạm phát lại là cách để nhà nước xoá nợ vì khi tiền mất giá thì nợ cũng theo đó bốc hơị trong lúc chính nhà nước là kẻ thiếu nợ nhiều nhất. Cho nên chính quyền không còn mối lo cấp thời về ngân sách mà cứ thẳng tay tiêu xài phung phí, dùng vào đó để mua lá phiếu của dân chúng. Kết quả trong suốt 7 năm từ 2007 đến nay Hành Pháp và Quốc Hội cứ tranh luận nhưng vẫn không đề ra được một chính sách dài hạn nhằm giải quyết khối nợ khổng lồ của nước Mỹ, trong lúc khủng hoảng trước mắt thì cứ cậy vào Ngân Hàng Trung Ương in tiền để giải quyết. Hậu hoạn để thế hệ sau này lo liệu. Một nhà nước được bầu lên nhờ vào lạm dụng ngân sách để mua phiếu thì không thể gọi là dân chủ.
Doanh nghiệp đâm ra ỷ lại khi làm ăn bừa bãi sắp phá sản đã có nhà nước cứu vớt cho nên được che chở khỏi luật đào thải của kinh tế thị trường. Chính dân chúng cũng trở thành hám lợi vì họ thấy các doanh nghiệp lớn làm ăn chụp giựt đến lúc sập tiệm lại được nhà nước cứu vớt, nên dân chúng khi đầu tư hay tiết kiệm cũng không cần kỷ lưỡng chọn lọc chổ gởi vàng mà cứ nhắm vào chỗ nào sanh lời nhanh, ngoài ra phó mặc cho sự giám sát của nhà nước.
Nói tóm lại, khuynh hướng chống đối đòi hủy bỏ Ngân Hàng Trung Ương vì đã trở thành công cụ của nhà nước. Nhiều người còn đòi đồng đô-la phải trở lại nền tảng vàng để tiền khỏi bốc hơi. Khi đó chính quyền mới có trách nhiệm vì muốn mượn thêm công nợ thì rồi phải tăng thuế để trả nợ – tức là sẽ bị dân chúng phản đối; cho nên doanh nghiệp cũng không còn dám ỷ lại sẽ được nhà nước in tiền cứu giúp.
Quan điểm nói trên tuy cực đoan nhưng cho thấy mối tương quan sâu sắc giữa kinh tế, tiền tệ và vai trò của nhà nước. Một xã hội lành mạnh cần phải có những cuộc tranh luận gay gắt như vậy để tự soi gương và điều chỉnh.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
———————————————————-
[1] Ngân Hàng Trung Ương có nhiệm vụ phải giừ lạm phát thấp dưới 2%. Nhưng tiên đoán lạm phát là công việc rất khó khăn và kinh nghiệm cho thấy Quỹ Tiền Tệ Liên Bang thường đi sau lạm phát. Nhưng cho dù tiên đoán có đúng thì việc này vẫn bị xem như đùa với lửa thiếu trách nhiệm cũng giống như các ngân hàng tư nhân trước đây vì hám lợi nên làm ăn bê bối cẩu thả.
[2] Còn thêm một cách thứ 3 để lấy tiền dân chúng là nhà nước trưng thu tài sản nhưng nước Mỹ chưa xảy ra chuyện này
Tác giả nói
“Vấn đề đặt ra nơi đây khi nước Mỹ đã nợ nần chồng chất từ năm 2006 thì tiền đâu để xài nhiều như vậy? Câu trả lời của phe chống đối chính là vì Ngân Hàng Trung Ương được quyền in tiền vô tội vạ nhằm giải quyết mối khủng hoảng cấp thời nhưng rồi để lại một hậu quả bất tường do bơm lên một quả bóng khổng lồ trị giá hơn 4000 tỷ USD. Đến khi xì hơi chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng khác vô cùng trầm trọng. Nói khác đi là Ngân Hàng Trung Ương đã hành động bừa bãi thiếu trách nhiệm!
Trong thời đại điện toán Quỹ Tiền Tệ Liên Bang không thật sự in ra tiền giấy, nhưng khi “mua” vào nợ công thí dụ 100 triệu USD thì tự nhiên tài khoảng của ngân hàng bán nợ “tăng” thêm 100 triệu USD, y như trò ảo thuật khiến tiền trên trời rớt xuống! Nhưng nếu tiền mới sinh sản tài tình như vậy thì đây là hậu quả, vì người Mỹ vẫn thường nói “there is no free lunch” dịch thoát ra tiếng Việt là trên đời không có chuyện “tình cho không biếu không”.”
(ngưng trích)
Hiện nay nợ công của chính phủ là 17 ngàn 770 tỷ trong đó nớ các nước khác khoảng 4 ngàn tỷ, nếu cứ in tiền ra xài như t/g nói thì vấn đề quá đơn giản, lạm phát sẽ thành phi mã
Nay Ngân hàng trung ương (Quĩ dự trữ liên bang) đã và đang bơm tiền vào nền kinh tế nhờ đó thị trường chứng khoán hiện đang tiến mạnh tạo mẽ để yếu tố tâm lý thuận lợi
Kinh tế chậm nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã xuống 6.1, nói chung khả quan