WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhặt gió

Quyên thường đi lang thang, với cái giỏ lát nhỏ luôn đeo kè vai.

Đã mấy tháng nay, như thế, đều đặn mỗi ngày, như một hình thức khổ sai chung thân.

Chị chợt tẽ ngang, đâm xuống dọc đường xe lửa, nhặt nhạnh, những gì có thể nhặt được, bỏ vào cái giỏ lát đeo bên người; kể cả một cọng gió nóng mơ hồ, trong tiềm thức ngổn ngang bời bời!

Nắng nhầy nhụa, run rẩy từng cơn, bưng bức nóng và hốc, đổ lênh láng trên tóc chị, biến những sợi đen nhánh ngày nào, thành hoe hoe vàng.

Rác rưởi bay, tung, quật vào chiếc áo bà ba trắng ngà, bôi thêm vài nét lem luốc của đời một người đàn bà vừa đúng ba mươi.

Chị vẫn còn đẹp lắm! Thời gian và đói nghèo mụ mẫm, chưa đủ sức tàn phá cái hương sắc ấy.

Nét đẹp trời ban!

Cứ thế, Quyên lang thang nhặt nhạnh và nghĩ vẫn vơ…

Nhà Phật gọi: Nghiệp chướng!

Cùng đồng nghĩa với cái Nghiệp: Chị Quyên phải gánh gồng bất đắc dĩ: Làm Đĩ!

Xã hội: tốt hay xấu, tạo nên phẩm chất làm người.

Nhưng nó không có nghĩa – xã hội tốt, sẽ xãy ra trình trạng – Đĩ, Điếm, ít hơn một xã hội tồi!

Sao gọi là Nghiệp?

Có đúng, mỗi con người đều mang cái Nghiệp trên vai nặng nề kiếp lai sinh, của những người mang tính nhà Phật?

Hay Nghiệp, chỉ là lời răn đe, của những con người không mang Phật tính! Cho rằng: tôn giáo, chỉ là một nghi thức trang bị đời sống, đưa cái Nghiệp phải trả kiếp sau, làm bức bình phong để hoàn thiện thành người, không sống ác với nhau?

Hóa ra: Tôn giáo chỉ là một trò đùa bù khú, quá vãng trong những trò chơi lập lậng, mang một ý nghĩa phù phiếm nhân sinh!

Cứ thế, chị Quyên lang thang, đi từ đường ray này, đến những đường ray khác, trong những trạm xe lửa, khắp nội tỉnh miền Trung.

Cứ thế, chị đi, nhặt nhạnh rác, nhặt nhạnh… một mớ bòng bong trong óc, ngày càng lùng bùng.

Dường như, với chị, trí nhớ không đồng cảm với thời gian hiện hữu và đã qua!

***

“Anh à, chắc phải ký, chứ sắp hết hạn rồi. Nhà nước ngừng thâu đơn, mình cũng đâu làm gì được.”

Quyên lo lắng hỏi quyết định của chồng. Mấy tháng nay, những chuyện xui xẻo dồn dập, khiến gia đình Quyên, xào xáo.

Chính quyền cấm xích lô, đạp trên những trục lộ chính và những khu thị tứ sầm uất. Nghề xích lô đạp, bỗng dưng trở thành một thứ nghề trộm đạo, lúc nào cũng mắt la mày lém, sợ bị công an bắt phạt giam xe. Luồn lọt trong những ngõ hẻm gập ghềnh, những chiếc xe cũ kỹ càng thêm ọp ẹp hư hỏng, tốn kém sửa chữa nặng nề hơn. Đôi lúc, đành phải từ chối khách hàng vì không tìm được lối băng tắt qua những ngã tư có vị thần cầm tu huýt.

Cái nghề cha truyền con nối, một thời cha anh tự hào vì nhờ đó mà đóng góp được nhiều cho công cuộc cách mạng. Lúc cha anh thổ huyết qua đời vì lao lực, tài sản để lại cho thằng con là chiếc xích lô. Dĩ nhiên, anh Lương cũng chỉ biết một điều duy nhất là leo lên xe đạp tiếp. Khách hàng đầu tay là con nhà Quyên. Quyên xinh như mộng, nhưng chẳng có một xu son phấn, chữ nghĩa cũng chẳng đong đầy hơn vại tương mẹ nó bán, nên hai đứa lấy nhau qua một đêm vụng trộm. Thế hệ cha mẹ qua đời trong cái nghèo mạt hạng có gì để lại cho con, ngoài cái nghèo từ đời ông cố nội. Vợ chồng Quyên kể ra là còn may mắn vì có được góc nhà nho nhỏ nương thân, mưa nắng. Còn phần mặt tiền cũng đã bán để có chút sở hụi tang ma cho người đàn bà thua số đề treo cổ. Lũ con nợ xúm vào xâu xé chỉ chừa cho cặp vợ chồng trẻ đúng ba thước đất chiều sâu. Anh Lương trổ mặt hậu lấy con hẻm vừa đủ lọt hai chiếc xe lách nhau làm cửa ra vào. Ngày qua ngày lại, hết nghèo lại mạt, thoát mạt sang nghèo. Những lễ nghĩa quanh quẩn trong cái hèn hạ của đám cùng đinh nên tiết tháo đàn bà như chiếc bánh đa chợ chiều.

“Mày đi họp dzìa, tụi quản lý nhà đất đưa giá bao nhiêu mà mày đòi tao ký?!.”

Anh Lương lè nhè trong cơn say rượu, trợn con mắt đỏ ngầu nhìn vợ. Chị Quyên len lén nép sẵn vào góc chuẩn bị đón cây chổi chà giáng xuống đầu, xuống cổ như mọi lần.

“Dạ, họ trả ba triệu một thước, tính ra mình được năm triệu.”

Chị chưa hết câu đã thấy anh Lương sừng sững trước mặt với cái tát nổ đom đóm:

“Đ.m! Mày ngu như con mẹ mày. Ông Bố tao ngu, nghe tụi nó đi đạp xích lô để dò la tin tức cho cách mệnh, để bây giờ tao đạp xe hộc máu. Tưởng mày ăn tương khôn hơn tao, ai dè mày cũng lú như tương vậy. Đ.m! Xe ủi nó phá, vậy chứ mày biết ai trả tiền sửa chỗ cắt ngang. Mày không làm đẹp mặt tiền, nó cho nhà thầu tự làm rồi xén hết chỗ tiền bồi hoàn thì cũng như không! Nó ác nhân, chém cao giá thì ông cố nội mày cũng đứt, chứ đừng nói gì đến cổ mày.”

Anh Lương chửi vợ trơn tru như bài diễn văn ngày nào, Cha anh và anh say sưa lắng nghe để mong thoát được cái nghèo đói.

Chị Quyên xụt xịt nho nhỏ dù cái tát vẫn còn đỏ hằn bên má, như thể sợ khóc to làm phiền lòng hàng xóm. Chắc giờ này, họ cũng đang bấn xúc xích chưa biết làm sao để đối đầu với cái quyết định: cắt đất mở đường trên bộ .

Kể ra thì cái quyết định cắt đất mở đường là một điều nên làm, để khai thông con hẻm năm ngoái bị hỏa hoạn. Đám lính cứu hỏa mượn cớ xe nước không vào được để chần chừ, mà kỳ thực, họ chờ bà con đóng góp chút quà trước khi cứu chữa. Bà con xóm này chẳng có gì ngoài mớ giẻ rách; nên đành nhìn bức tường gỗ mục cháy rụi. Nay mai lại đắp đỗi ba tấm giấy thùng che mưa, che nắng tạm qua ngày.

Chỉ tội thằng bé sáu tuổi, cha mẹ đi làm, nó tiếc chiếc xe chạy bin nên lẻn vào tìm. Mái nhà xập xuống. Người ta tìm thấy một thân thể đen thui nhe chiếc răng sún như đang cười với chiếc xe cứu hoả nhỏ bé trong bàn tay cháy nám chảy mỡ.

Nhà nước bèn quyết định giải toả khai thông con hẻm, như để chia sẻ nỗi buồn với người mẹ rồ dại ôm đống thịt nhày nhụa của con.

Hay nhân cơ hội này để tống khứ cái đám bần cố cựu, cho khỏi bẩn mắt đám nhà quan vừa xây dinh thự bên kia trục lộ chính.

Có trời mới hiểu quyết định bên trên!

Còn đất thì căn nhà chị Quyên, nếu cắt sẽ chỉ còn nhỉnh hơn một thước sâu, lấy đâu chỗ ăn chỗ ngủ. Lại còn thằng Hoà ngớ ngẩn hơn bảy tuổi đầu vẫn chưa nói thành câu cú. Cái gia đình lý tưởng, một vợ một chồng một con nối dõi ấy, sẽ đẹp biết bao nếu như đừng có những nghị quyết, sắc lệnh, thông báo bằng con dấu đỏ chót.

***

“Thôi anh ra quán bà Bảy kiếm bạn đỡ buồn đi, từ từ rồi em tính. Ai sao mình vậy, chứ cũng chẳng làm gì hơn được. Em sang chợ coi có đăng ký được cái sạp chưa, chứ đóng tiền chợ mỗi ngày chẳng còn đồng nào ăn cháo.”

Chị rón rén dúi vào tay chồng tờ giấy bạc gấp tư vừa lôi ra từ cái nịt vú. Anh Lương nở nụ cười méo xệch, như hàng vạn thằng đàn ông bất lực khác, trước một đời sống xã hội thay đổi đến kinh hồn, bị loại bỏ không xót thương dù là con của liệt sĩ. Anh ngật ngưỡng bước ra cửa đi vào cuối xóm.

Chị Lương cũng khép cánh cửa, vội vã ra sau bếp tắm rửa. Chị nhìn chính mình trong mảnh gương bể. Chị thay chiếc áo cổ trái tim, liếc nhìn gương một lần nữa, mỉm cười hài lòng với nét đẹp của mình, nghĩ ngợi mông lung đến câu khen tặng: Gái – một – con, của những người mua hoa xa lạ. Dĩ nhiên, chị giấu anh Lương. Chị không thể than thở: tiền hết, gạo cạn mà chiếc xích lô đi không lại về không.

Từ ngày cấm đường, anh Lương buồn nản, bất mãn rồi sanh tật rượu chè. Chị cũng chẳng khá gì hơn vì xoay mãi chẳng đủ tiền hối lộ để đăng ký một cái sạp nhỏ trong chợ.

Lũ người nghèo không phải là không có cái liêm sỉ, nhưng đành cất xó, lo cho cái bao tử trước.

Con Xuân “mẩy” là kẻ dẫn đường cho chị “nhảy dù”. Lần thằng Hoà nhiễm trùng tai tốn kém cả trăm ngàn. Chị nhắm mắt đưa chân, vì thằng Hoà đau đớn mà cả nhà không còn cái gì đáng giá để cầm cố. Quen nước quen cái, chị quay lại căn nhà chứa. Với mớ văn hoá tương chao lẫn lộn, đánh vần làm sao được chữ thủy chung, hiểu làm sao được những chuyện danh giá trinh tiết… đói cho sạch, rách cho thơm! Chị lao đầu vào làm đĩ. Ở mọi loại dạng đĩ trên khắp đất nước hiện thời, chị nghĩ: Đĩ bán thân nuôi chồng con, còn sạch sẽ hơn khối người!

Ôi, thứ lễ nghĩa xa xưa đó chẳng còn chút giá trị gì ở thời đại kim tiền. Chị chỉ biết “nhảy” một cái, có vài chục ngàn. Đó là vì chị không có quần áo son phấn, chứ nếu không, chị có thể đi “dù” cho nhà kia chuyên phục vụ Vịt kiều. Có đứa khoe một ngày vừa được ăn uống, quà cáp, còn được cả mấy trăm ngàn, cộng thêm sự hứa hẹn được bảo lãnh ra nước ngoài. Chị miên man với ý tưởng mua được căn nhà khác khu cổng xe lửa, thoát ra khỏi gian hộ sắp bị cắt xén, rồi có sạp bán buôn qua ngày, cho anh Lương đổi nghề thợ thuyền chi đó, vừa khỏi đạp xích lô cực khổ, vừa khỏi phải trốn lánh công an như thằng ăn trộm.

Niềm vui lấp liếm, chuyện mua hương bán phấn nhục nhã!

Chị cũng biết xấu hổ như ai chứ!

Chẳng qua … Chị nhắm mắt cho thằng con trai trẻ hơn chị, mò mẫm trong áo, nắn bóp như người ta lựa cam, chọn quýt ngoài chợ. Mặt chị đỏ bừng, cúi gầm càng làm bọn đàn ông thích thú.

Dù chưa một lần chị được đọc sách thánh hiền, nhưng dòng máu Việt Nam di truyền từ thuở nho phong, cũng khiến chị tủi thẹn. Nước mắt chị viền quanh, lủi thủi đi vào phòng với thằng người có nắm tiền làm bùa hộ mạng.

***

Mấy hôm nay chị vui lắm. Vui vì anh Lương đã ký xong giấy tờ với thằng quản lý nhà đất, chẳng tốn một xu luồn lọt như mọi người, mà được đánh giá trị cao, lại thêm phần tổn thất phụ cũng khá.

Chị im cái vụ bằng lòng đi xem hát với lão trưởng phòng, phó phòng gì đó. Chị thừa biết lão muốn gì! Tính ra cũng chẳng khác câu chuyện trong nhà chứa. Chị còn bán được phần nền nhà sót lại cho người chủ ở nửa kia. Gom thêm mớ tiền “cửa trước”, chị mua được căn nhà trong cổng xe lửa. Căn nhà không khá hơn mấy, nhưng có cái gác đỡ cho mái tôn nóng hừng hực. Có thêm chút không gian cho thằng Hoà và nhất là anh Lương thôi rượu. Anh Luơng cũng bán chiếc xích lô. đổi thành ba bánh chở thuê hàng chợ.

***

“Tối nay em gặp ban quản lý chợ, để nhận sạp hàng.”

“Ừa, chắc vận xui qua rồi. Ráng dành dụm, mua cho thằng Hoà cái ti vi, thấy nó đi coi ké hàng xóm, cứ bị chọc ghẹo anh cũng rầu.”

“Em nghe cô y tá Nghĩa nói, nếu có tiền, chắc chữa được hay ít ra cũng gắn máy nghe gì đó vì nó chỉ bị lãng tai nặng thôi.”

“Cả chục triệu lận, biết bao giờ mới đủ.”

Những con số triệu làm hai vợ chồng cùng thở dài. Nhìn thằng Hoà, đứng ngoài lan can chờ chuyến xe lửa đêm, cái trò vui duy nhất của nó là vẫy tay chào chuyến xe ầm ĩ băng ngang khu xóm. Chị lại thở dài lần nữa.

“Hay là một triệu tiền sạp, dành lại cho thằng Hoà đi chữa trước?“

“Sợ không đủ em à, rồi bỏ dở chừng cũng vậy. Thà ráng một thời gian xem sao.”

Cuộc sống của đám nghèo bao giờ cũng… tính sau, xem sao. Cái khó bó chặt cái khôn. Chặt đến độ, vùng vẫy cả đời chẳng thoát. Riết rồi, họ buông trôi như đám lục bình, giạt tạm bợ nơi này, chỗ nọ rồi cũng bị người ta đẩy ra xa bờ trôi tiếp.

Trời mưa xầm xập, chị Quyên che nghiêng chiếc nón lá tất tả chạy vào nhà lồng.

Văn phòng chợ vắng hoe, khiến chị ngần ngại nhìn lại bộ quần áo ướt sũng. Áo bạc màu, dán chặt trên thân thể người đàn bà son trẻ, vẽ thành những đường cong gợn sóng, khêu gợi. Chị vuốt tóc, rón rén bước vào.

Gã cán bộ ngồi, với đống giấy tờ bừa bãi. Gã ngửng lên nhìn chòng chọc vào chị Quyên như muốn ăn tươi nuốt sống. Vừa lục lạo giấy tờ, vừa liếc ngang dọc.

“Tui thương hoàn cảnh em, nên mới dành sạp cho em sớm như vậy. Chớ người ta thì phải đợi ít nhứt cũng nửa năm! “

“Dạ, cám ơn cán bộ!“

“Chị cho tui xin một triệu hai! Ký vào đây, rồi mai coi như bắt đầu làm chủ sạp. Nhớ chỉ được bán theo đơn đăng ký thôi đó nha!”

Chị Quyên tròn xoe đôi mắt, nhìn vào xấp giấy chằng chịt chữ. Chị lắp bắp.

“Cán bộ coi lại giùm em! Trong đơn nói chỉ có một triệu, cho sạp hạng C, thưa cán bộ!”

“Thì… một triệu nộp mua sạp! Hai trăm ngàn, nộp quỹ chợ thiện nguyện. Em không đóng tiền này, coi như không được ưu tiên. Phải chờ theo thứ tự trước sau!”

Chị Quyên móc túi, bày xấp bạc trên bàn, nét mặt khẩn khoản van nài.

“Anh cán bộ ơi! Em chỉ có một triệu thôi. Anh làm ơn cho em nhận sạp, còn khất hai trăm kia, tuần tới được không?”

“Làm sao tui dám trao sạp! Ngày mai, ban quản lý hỏi tiền thiện nguyện, tui trả lời làm sao!”

“Dạ… cán bộ quyền hành trong tay! Anh giúp em, em hổng quên ơn!”

“Hổng quên ơn là sao, em nói rõ tui nghe coi thử?”

“Dạ, em mua bán có chút chút, sau này sẽ gửi cán bộ hai trăm rưởi!”

Gã cán bộ nham nhở nhìn chị Quyên.

“Nhìn cô em, tui thiệt tình muốn giúp. Thôi qua đây ngồi, tui chỉ chỗ nào, ký chỗ đó, nghen em!”

Nét mặt chị Quyên tươi tỉnh. Chị riu ríu qua hàng ghế, ngoan ngoãn ngồi cạnh gã cán bộ cầm bút viết nguệch ngoạc, ký vào chỗ tay gã chỉ. Chị hơi né người tránh bàn tay kia gã vừa quàng vai chị ra chiều thân mật. Bất ngờ, gã cán bộ kéo mạnh chị vào, kề mặt sát cổ chị. Chị Quyên ngả người chịu trận. Cái sạp chợ quyến rũ làm chị trân người chiều theo ý gã. Vả lại, chị cũng chẳng còn mới mẻ gì, với những bàn tay đàn ông có tiền hay có quyền thế!

***

Chị Quyên nằm dài, nhắm mắt cảm nhận sự dày vò của đời, thứ cảm xúc nhục dục không làm chị mảy may động tâm. Gã đàn ông trẻ vẫn nhịp nhàng đánh võng trên thân thể chị. Gã mài miệt!

Bỗng chị thấy nhẹ nhõm.

Và tiếng chân tháo chạy.

Chị ngạc nhiên, mở choàng mắt, bắt gặp anh Lương, đứng ngay ngưỡng cửa!

Anh không nói, không la hét, không giận dữ như tánh khí thường ngày.

Anh nhìn chị đầy vẻ trìu mến chịu đựng, rồi quay lưng đi khuất. Chị bàng hoàng chụp mớ quần áo hối hả chạy theo. Chiếc xe ba bánh chậm chạp bỏ chị xa dần. Chị lầm lũi về nhà, chuẩn bị chờ đợi trận đòn ghen tuông hận thù. Chị nhủ thầm trong đầu, sẽ nói hết, kể hết rồi dắt con bỏ xứ.

“Đi đâu, làm gì?”

Chị không biết! Chị cảm thấy chán nản cùng cực. Bước chân thật nặng và căn nhà nhỏ bé, dường như biết lùi dần đi mãi chẳng đến nơi!

***

Cả tuần nay, chị Quyên ra sạp sớm. Anh Lương cũng đạp xe đi từ lúc trời còn chạng vạng.

Chồng lo đường chồng, vợ tính cách vợ.

Thằng Hoà vẫn ngu ngơ trong thế giới câm lặng của nó. Cười sặc sụa nhìn cha vùi trong cơn say, miệng lảm nhảm mà nó chẳng hiểu cái gì. Nó dẫn cha ra lan can ngồi, chờ đoàn xe lửa đêm.

Anh Lương, chiều về là say khướt!

Mà lạ, anh không giống ngày xưa, chỉ lầm lì uống đến lúc gục xuống như cái xác rũ. Đêm nay, anh cũng gục xuống, nhưng gục đúng lúc đoàn xe Thống Nhất băng ngang.

Xóm xe lửa vẫn ngủ say. Chị Quyên cũng ngủ say. Chỉ có thằng Hoà lần đầu trong đời mở miệng la ú ớ nghe như chó hộc tiết.

***

Đám ma anh Lương chẳng có gì sôi nổi. Một thằng say tự tử hay té giếng chết toi là chuyện thường tình trong khu xóm nghèo, và trong cùng tận của một xã hội leo thang cách biệt.

Nhưng cái chết của thằng Hòa lại khác!

Nó chết trước mặt mọi người. Chết, lúc chị Quyên nhìn con la thất thanh.

Nó điếc đặc, chứ không phải chỉ lãng tai như của bà y tá tắc trách của cái nhà nước cũng luôn tắc trách, có văn bằng từ thời… tiền, khởi nghĩa. Nó nhớ cha, đi lang thang, nhặt từng mẩu xương vụn. Xương chó hoang, gà chết bụi hay của cha nó bị nghiền nát dưới bánh sắt chỉ có nó biết.

Xe lửa hụ còi, nó vẫn thản nhiên!

Khi hàng xóm nhận ra tiếng còi hụ hôm ấy dài hơn, choáng tai hơn, kèm theo tiếng những thanh sắt kéo dài ken két. Mọi người quay lại, mọi người nhìn lên… vẫn thấy thằng Hoà, bình thản nhặt xương dưới cơn mưa chiều.

***

“Thằng con tìm nhặt xương Cha.

Xương Cha, xương Chó, hòa cùng xương Quê!

Bà mẹ nhặt xác con thơ.

Bơ bơ cái mặt, cái Lồn là Thơ!”

Đời là Thơ hay chỉ là Mơ?

Có bài thơ nào, hùng hồn bi thảm đến tận cùng khủng khiếp của Kiếp người, trong quê hương được sinh ra làm Người ở Thế kỷ 21, chỉ biết: Đụ, Tiền, Tình và bán Nước này, là vốn sống thời đại đang trở về sự man khai làm người, vốn biểu thị sự đánh võng trên những thân xác chẳng khác chi con vật, một loài hạ đẳng???

Vần điệu như một bài thơ đưa đám, một bài thơ cầu hồn, mà chị Quyên, là kẻ bán phần hồn còn lại của kiếp người, chưa trả xong cái nợ thân xác.

Chị Quyên điên từ hôm ấy… khi chị tự đọc ra bài thơ ấy. Chị làm thơ? Dường như là vậy!

Bây giờ, mùa hè ném xuống như đỏ cả các cánh đồng miền Trung nghèo cằn, xơ xác.

Chị Quyên cũng giống như thằng Hòa thuở nào!

Chị cũng nhặt nhạnh mọi thứ xương, trên những đường ray dài nóng bỏng và tít tấp song song.

Không có những mẩu xương vụn, chị đành nhặt những ngọn gió khô khốc từ Hạ Lào thổi về đến nóng buốt phải cởi cả áo mà đi lang thang dọc đường ray.

***

Người đàn bà ở trần, ngồi hát nghêu ngao bên cửa sổ, tóc xổ dài đổ nghiêng nghiêng dưới ánh trăng.

Dường như: Trăng là một thứ tội lỗi mà con người có thể bủa chụp, gây án?

Nó có ánh sáng huyền dịệu và sự đơn độc đến chết người!

Có Trăng, mọi hình hài con người nằm trơ trẽn tênh hênh, với một sự khoái cảm đáng phỉ nhổ và vô cùng trân trọng của chức năng làm người!

Có Trăng, con người ở xứ nhược tiểu, bớt làm điều càn bậy, bởi đã từng làm nhiều điều càng bậy, trong đêm đen!

Nhưng Trăng cũng là Kẻ thù của bọn đàn ông dâm dật, thích chơi trống bỏi, vào những cuối tháng, cặp Bồ nhí!

***

Đôi vú đã cạn nét tinh anh, hình như, trong một bức ảnh Sừng Trâu nào đó! Nó như hai vết mực khô cằn, được quẹt lên bằng một nét phóng bằng cây cọ bút lông, một thứ Cây cọ, người Việt Nam đã dùng, đã quen; nay muốn ngừng lại thì đã lỡ!

Trời tối đen, mà nhà chị Quyên chưa hắt một ánh đèn.

Gã công an khu vực, ném tàn thuốc lá, đẩy cửa bước vào.

Gã tử tế đặt trên bàn ổ bánh mì nóng, gói thịt quay, vừa mua.

Gã vuốt ve mái tóc người đàn bà còn trẻ, vừa qua ba mươi. Cầm khăn lau mặt cho chị, ngắm nghía cái hương sắc còn tồn tại trong đôi mắt mơ hồ.

Gã dẫn chị ra sau nhà.

Tiếng thở hùng hục, át mất, bởi tiếng còi tàu trong đêm!

Chị Quyên nằm ngữa, lõa thể, lơ đãng nhìn thằng người đang đánh võng trên thân thể mình.

Chị nhìn quanh quất, bụng đói cồn cào và vã mồ hôi nhớp nhúa.

Bằng một bản năng mù mờ, ảo ảo, chị tóm gọn một ngọn gió Lào khô khốc, nuốt chững!

Vancouver, Canada, sep/14/09.

Bài nhận được từ tác giả.

1 Phản hồi cho “Nhặt gió”

  1. Nhật Lan says:

    Biết nói gì đây, câu chuyện viết bằng giọng nhẩn nha…mà đọc lên lại buồn thê thiết …
    Chị Quyên đúng là tuýp người VÔ SẢN BẦN CỐ NÔNG, cái giới người cốt cán này mà đảng ta lo giải phóng cho đí chớ…Tuy trong hoàn cảnh khốn khó, may mà chị lại dễ coi, nên cũng chưa tới nỗi chết đói . Vả lại các anh chị cán bộ vẫn nói :” ôi, dân chúng các bác đừng có “no”, đã có đảng “NO” cho mà !

Phản hồi