Góc nhìn kinh tế: An toàn thực phẩm
Người viết có nhiều dịp đi làm về Á Châu, mỗi khi sang Trung Quốc thế nào cũng phải lần mò ra những khu hàng quán bình dân để tìm các món như phá lấu, hủ tiếu, mì v.v… vì cứ theo thói quen người minh vẫn nghĩ rằng những nơi này mới là chính là đồ địa phương đôi khi còn ngon hơn so với các nhà hàng lớn.
Dĩ nhiên cũng có đọc báo về sữa bột melanine, trứng gà giả, v.v… nhưng vẫn không quan tâm mấy. Tình cờ hôm nay đọc trên tờ New York Times [1] viết bài dài về bánh bao ở Thượng Hải khách hàng trước ăn không hết mang bỏ vào nồi nấu lại cho người sau, bây giờ mới thấy ơn ớn không biết lần trở lại có dám ăn nơi các hàng quán nhỏ hay không!
Mới đây nghe người quen từ Việt Nam đồn có loại thuốc biến thịt heo thành thịt bò để bán! Thật hư không rõ nhưng cũng làm cho người ta hoang mang vì ăn vào rồi không biết mình có mọc lông thành khỉ hay không? Còn những việc như xì dầu pha độc tố, trái cây tiêm thuốc kich thích, sợi hủ tiếu mì chứa chất hàn the v.v… đã có thông tin rõ ràng rồi, chỉ không biết mức độ tràn lan và kiểm soát hữu hiệu như thế nào.
Có nhiều người (thường là đàn ông) nói ngang: “Cả chục triệu người ăn có sao đâu, chỉ có ở nước ngoài tổ đồn bậy” – nhưng khi nói chuyện thân tình trong gia đình bạn bè mới biết các bà vợ đều rất lo lắng về an toàn thực phẩm nhưng không biết làm sao hơn vì chẳng lẽ nhịn đói không ăn uống!
Theo tôi nghĩ, nếu món ăn vào chết liền thì không ai dám đụng tới. Nhưng nếu mười, hai mươi năm sau bị ung thư; hay trẻ con bị hư hại trí não, tật nguyền mà không cách nào chứng minh liên hệ trực tiếp; hoặc có lo xa cũng không làm gì được vì chẳng lẽ nhịn đói thì thôi cũng đành chịu.
Có người lại phân tích sâu sắc cho thấy nước Mỹ chi phí y tế cao nhất thế giới, vì thức ăn thiếu dinh dưỡng nên sanh ra đủ loại bệnh ung thư, mập phì, cao máu hay tiểu đường. Nhìn trên con số thì đúng vậy, nhưng trong thực tế có cái gì không ổn khi so sánh giữa ăn uống thừa mứa đâm bệnh hoạn (cũng không tốt gì!) và ăn đồ độc hay mất vệ sinh. Hơn nửa tại các nước Tây Phương việc chọn lựa thức ăn lành mạnh hay kém dinh dưỡng là do người tiêu thụ, trong khi đó người mua tại nhiều nước Á Châu không thể nào phân biệt được giữa thực phẩm có an toàn hay không.
Có người lại trấn an rằng Việt kiều về đi ăn các hàng quán lớn cần giữ tiếng tăm nên không thể nào có những thức ăn ngộ độc hay rau sống tưới bằng phân. Điều này có lẽ đúng, vì nếu ăn tô phở bò Kobe ở Hà Nội giá 35 USD mà bị đau bụng thì chắc tiệm chỉ còn có nước đóng cửa – trừ phi bị đau bụng vì tiếc tiền lại là chuyện khác!
***
Vấn đề an toàn thực phẩm không phải chỉ mới đây và cũng riêng tại xứ nào. Người viết còn nhớ trước năm 1975 có những tin đồn về thịt chuột trộn trong thức ăn; hay khi học sử năm thứ nhất tại đại học Hoa Kỳ có bài về tổng thống Herbert Hoovert khi đang ăn sáng đọc tin đăng trên báo về xác chết tìm thấy trong đống thịt làm hot dog nên ông mới vận động cho ra đời đạo luật về an toàn thực phẩm.
Tuy vậy có những khác biệt rất xa giữa xưa và nay:
Thông tin rộng rải khiến ý thức của quần chúng tăng cao về sức khoẻ, vệ sinh và môi trường
Các chất hoá học dễ sản xuất, giao thông chuyên chở ngày càng tiện lợi nên việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người thay vì chỉ trong phạm vi địa phương nhỏ hẹp trước đây.
Người ta ngày càng sống lâu hơn nên cần phải kỷ để tránh bệnh hoạn.
Trong nền mậu dịch toàn cầu những gì tốt thì xuất cảng sang Âu-Mỹ-Nhật vì các nơi này trả giá cao, có kiểm soát gắt gao và biện pháp chế tài chặc chẻ. Còn lại các thứ độc hại hay phẩm chất kém thì bán trong nội địa hay đổ sang các nước chậm phát triển. Nếu lỡ bị bắt thì chạy chọt nộp tiền phạt hay ở tù vài năm rồi sau đó … mở tiệm khác làm tiếp!
Điều đáng quan tâm là tình trạng suy đồi đạo đức: có người vi phạm vì nghèo túng hay thiếu ý thức, nhưng bù lại nhiều chủ nhân hãng xưởng giàu có nhờ tham lam gian dối và mua chuộc quan quyền. Như lời than của một người Hoa trong phần kết của bài báo trên tờ New York Times: “Không tin được ai; tụi nó không còn đạo đức, nên có tiền là cứ làm ẩu” [1]
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
———————————————-
[1] In China, Fear of Fake Eggs and ‘Recycled Buns” – New York Times May 08, 2011