WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc rút quân tại Đà Nẵng

Vào tháng 3 năm 1975, những đại đơn vị cơ hữu của Quân Lực VNCH tại Đà Nẵng gồm:

§    Sư Đoàn III Bộ Binh – Tư Lệnh là Tướng Nguyễn Duy Hinh.
§    Sư Đoàn I Không Quân – Sư Đoàn Trưởng là Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh.
§    Lực Lượng Hải Quân Vùng I Duyên Hải – Tư Lệnh là Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
§    Trung Tâm Huấn Luyện Bộ Binh Hòa Cầm.
§    Nhiều đơn vị Địa Phương Quân và Cảnh Sát.
Sau khi Quảng Trị và Huế bị bỏ ngõ, Quảng Tín và Quảng Ngãi thất thủ, Đà Nẵng đang bị những gọng kềm sau đây siết chặt:
§    Sư Đoàn 304 Việt Cộng.
§    Sư Đoàn 324 và Sư Đoàn 325 cùng với vài thành phần của Sư Đoàn 34 Việt Cộng từ Quảng Trị và Huế kéo quân về Nam.
§    Sư Đoàn 2 và Lữ Đoàn 52 Việt Cộng từ Quảng Tín và Quảng Ngãi xua quân ra hướng Bắc.

Trong khi Đà Nẵng đang bị địch cô lập dần dần thì hai đại đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù đang ở trên các chiến hạm, sẵn sàng rời Đà Nẵng theo lệnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Không hiểu sự dằn co giữa Tướng Ngô Quang Trưởng và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra như thế nào, nhưng Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã lên HQ 504, HQ 505 và HQ 500 hai ngày rồi mà ba chiến hạm này vẫn chưa được lệnh tách bến.

Quá khuya 20 tháng 3, một Đại Tá từ Quân Đoàn I đích thân xuống chiến hạm, truyền lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Hạm Trưởng HQ 500, Hải Quân Trung Tá Lê Quang Lập, rời bến. Tiếp theo, HQ 504 và HQ 505 cũng được lệnh rời bãi Quân Vận Đà Nẵng.

Tin tình báo cho hay, khoảng 35 ngàn quân Việt Cộng đang có mặt chung quanh Đà Nẵng. Mặc dù có sự hiện diện của Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến tại phía Bắc đèo Hải Vân, nhưng sự triệt thoái Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến trong thời điểm đó khiến mọi giới tại Đà Nẵng xôn xao, lo ngại!

Riêng về Hải Quân, mối quan ngại lớn là: Nếu tình thế bắt buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, làm thế nào Hải Quân có thể đón tất cả quân bạn và gia đình binh sĩ mà vẫn bảo toàn được Lực Lượng Hạm Đội!

Ngoài một số ít MSF biệt phái cho các vùng và một số chiến hạm đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng Saigon, tất cả chiến hạm khác được lệnh trực chỉ Đà Nẵng.
Vào thời điểm rút quân tại Đà Nẵng, thành phần chiến hạm tại Vùng I Duyên Hải gồm:

§    Hải Đội I Tuần Duyên – Hầu hết MSF, PGM và một số PCF.
§    Hải Đội II Chuyển Vận – HQ 802; HQ 801, HQ 502, HQ 503, HQ 504, HQ 505, HQ 402, HQ 403, HQ 404 và một số LCU.
§    Hải Đội III Tuần Dương – HQ 2, HQ 3, HQ 5, HQ 7, HQ 12, HQ 17.
Ngoài ra còn có Lực Lượng Hải Quân Vùng I Duyên Hải với ghe Hải Thuyền và PCF.
Tại vịnh Đà Nẵng, khi áp lực địch đè nặng lên mạn Bắc đèo Hải Vân, các đơn vị trưởng của Bộ Chỉ Huy Hạm Đội được phân phối như sau:
§    Tư Lệnh Hạm Đội ở trên HQ 5.
§    Chỉ Huy Trưởng Hải Đội I Duyên Phòng có mặt tại Trung Tâm Chiến Báo (ICC – Intelligence Control Center) Vùng I Duyên Hải, với nhiệm vụ phối hợp và điều động quân bạn và Hải Quân.
§    Chỉ Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển Vận từ HQ 801 chuyển qua HQ 802 tại sông Hàn.
§    Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương ở trên HQ 5.

Khi điều động HQ 802 từ Cù Lao Ré về Đà Nẵng, Bộ Chỉ Huy Hải Quân có dụng ý muốn xử dụng chiến hạm này làm Trung Tâm Hành Quân lưu động cho Quân Đoàn I. Nhưng dự định đó đã không thực hiện được vì HQ 802 không có bãi đáp cho trực thăng. Nếu phải tháo gỡ những cần trục thì phương tiện không có, lại rất nguy hiểm vì dân chúng và binh sĩ đầy tàu.

Vì lẽ đó, HQ 801 được chỉ định chuẩn bị làm căn cứ cho Bộ Chỉ Huy chiến thuật Quân Đoàn I rút xuống, trong trường hợp Đà Nẵng bị tấn công.

Sau hai cuộc  rút quân từ Thuận An và Chu Lai, hầu hết Lực Lượng Hạm Đội đều tập trung trong vịnh Đà Nẵng, nhưng án binh bất động.

Rút kinh nghiệm ở Huế và Thuận An, khi thấy tàu Hải Quân neo đầy vịnh và nghe tiếng súng nhỏ nổ lác đác trong thành phố Đà Nẵng, mọi người ùa đến các cầu tàu và bãi cát.

Lúc này, hầu hết Tướng lãnh của Quân Đoàn I đều tập trung tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Hải Quân đặt kế hoạch là, nếu phải rút quân, bãi Mỹ Khê, phía Nam vịnh Tiên Sa, sẽ là bãi đón quân. Vì vậy, HQ 7 được lệnh tuần tiễu vùng này.

Trong khi tuần tiễu, HQ 7 vớt được một số Thủy Quân Lục Chiến.

Ngày 25 tháng 3, Việt Cộng pháo nhiều hỏa tiễn 122 ly vào thị xã Đà Nẵng.

Dân chúng từ Quảng Trị và Huế kéo vào, choáng đường, gây trở ngại rất lớn cho công cuộc phòng thủ Đà Nẵng. Cướp bóc bắt đầu hoành hành. Tất cả mọi nẻo đường, nhất là con đường độc nhất từ thị xã Đà Nẵng sang Tiên Sa, nghẹt cứng người, xe không thể di chuyển được. Ví lý do này, những đại đơn vị của V.N.C.H. không thể bố trí quân để chống trả với mấy Sư Đoàn Việt Cộng!

Trưa 25 tháng 3, tin tình báo cho biết Việt Cộng sẽ tấn công Đà Nẵng vào tối 25. Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị Trung Tướng Tư Lệnh Vùng I cho di chuyển tất cả phi cơ về những phi trường phía Nam, thuộc sự kiểm soát của V.N.C.H. Cũng thời điểm này, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, Albert A. Francis, ra lệnh tất cả phóng viên ngoại quốc và nhân viên Hoa Kỳ rời Đà Nẵng ngay sáng 26 tháng 3.

Sau khi được Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương cho biết điểm khởi hành sẽ là bãi Mỹ Khê, Tướng Nguyễn Văn Điềm băng mình trong rừng người, về Sơn Chà tìm gia đình. Tướng Nguyễn Văn Điềm hứa sẽ trở lại đi với Hải Quân, nhưng sau đó không thấy Ông trở lại.

Chiều 27 tháng 3, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, Albert A. Francis, ra lệnh những người Mỹ cuối cùng phải rời Đà Nẵng.

Chuyến bay cuối cùng vừa cất cánh, phi trường Đà Nẵng đóng cửa; vì dân, quân tràn ra phi đạo, không một phi cơ nào có thể đáp hoặc cất cánh được nữa! Thời gian này, cũng tại phi trường Đà Nẵng, Tổng Lãnh Sự Albert A. Francis, bị dân quân Việt Nam hành hung; nhưng nhờ hai người Anh can thiệp kịp thời, đưa Ông về Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I, gặp Tướng Ngô Quang Trưởng. Vì phải sang Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến bên Non Nước hội, Tướng Trưởng đưa Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh theo, bảo họ chờ ở phòng ngoài.

Trên biển, hầu hết PGM thuộc Hải Đội I Tuần Duyên được huy động để bảo vệ an ninh cho vịnh Đà Nẵng. Những PGM này tạo một vòng đai phía ngoài, cách bờ từ 15 đến 20 dặm, để nghênh chiến trong trường hợp phi cơ hoặc tàu địch tấn công.

HQ 505 ủi bãi Sơn Chà với nhiệm vụ đón thành phần di chuyển của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. HQ 404, “nằm yên” tại bãi Trịnh Minh Thế chờ lệnh. Những chiến hạm thuộc Hải Đội III Tuần Dương và Hải Đội II Chuyển Vận neo, chờ lệnh. HQ 230 và vài MSF tuần tiễu trên sông Hàn. Ngoài ra còn có ba thương thuyền của Mỹ, nhiều xà lan và tàu dòng do Tướng Homer Smith – thuộc cơ quan D.A.O – từ Saigon gửi ra và vô số LCU, LCM, PCF và ghe Hải Thuyền.

Ngày 28 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng liên lạc vô tuyến với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, xin chỉ thị rút khỏi Đà Nẵng để bảo vệ Lực Lượng Quân Đoàn I. Trong khi Tổng Thống Thiệu chưa có một quyết định dứt khoát thì hệ thống truyền tin trúng đạn pháo kích. Cuộc điện đàm giữa Trung Tướng Tư Lệnh Vùng I, Ngô Quang Trưởng, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị đứt đoạn.

Tướng Ngô Quang Trưởng gọi Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại sang Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến bên Non Nước họp để bàn kế hoạch di tản. Phiên họp gồm:

§    Tướng Ngô Quang Trưởng – Tư Lệnh Vùng I chiến thuật.
§    Tướng Nguyễn Duy Hinh – Tư Lệnh Sư Đoàn III Bộ Binh.
§    Tướng Bùi Thế Lân – Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến
§    Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại – Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải

Tướng Trưởng chỉ thị Phó Đề Đốc Thoại: Nếu phải rút khỏi Đà Nẵng, Hải Quân phải tận dụng mọi phương cách để chuyên chở binh sĩ và gia đình của họ. Tướng Trưởng cũng chỉ thị Tướng Hinh đưa Sư Đoàn III ra bãi Hội An để tàu Hải Quân đón. Tướng Hinh xin 24 giờ nữa mới có thể điều động các đơn vị của Sư Đoàn III được. Tướng Trưởng không chấp thuận. Phó Đề Đốc Thoại đưa ý kiến là Tướng Hinh bay ra bãi Bắc Hội An điều động binh sĩ, 4 giờ sáng sẽ có tàu vào đón.

Sau khi phiên họp kết thúc, vừa ra khỏi phòng họp, Phó Đề Đốc Thoại thấy Tổng Lãnh Sự Albert A. Francis và hai người Anh đang chờ phía ngoài. Cả ba người ngoại quốc này đều xin Phó Đề Đốc Thoại phương tiện rời khỏi Đà Nẵng.

Trên trực thăng riêng của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, ngoài Phó Đề Đốc Thoại còn có Tướng Trưởng, Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh.

Tại Tiên Sa, Tướng Trưởng, Tướng Lân, Tướng Thi, Tướng Hinh, Phó Đề Đốc Thoại và Đại Tá Nguyễn Thế L. Thủy Quân Lục Chiến (Đại Tá L. bị thương, phải nằm trên bàn), họp ngay hầm chống pháo kích trong lòng núi Tiên Sa. Hầm này do Công Binh đào từ năm 1972, bên dưới tư dinh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh ở một hầm khác.

Nội dung cuộc họp cũng chỉ bàn về kế hoạch rút quân bằng cách nào mà sự tổn thất có thể giảm đến mức tối thiểu. Trung Tướng Trưởng chỉ thị Tướng Lâm Quang Thi lên HQ 5 ra phía Bắc Hải Vân điều động cuộc triệt thoái Thủy Quân Lục Chiến. Từ đây, HQ 5 được xem như Soái Hạm.

Họp xong, Phó Đề Đốc Thoại chỉ thị Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê xử dụng Soái Đỉnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đưa Tổng Lãnh Sự Francis và hai người Anh ra Soái Hạm HQ 5, lập Bộ Chỉ Huy nổi. Thi hành công tác xong, Đại Tá Khuê phải gửi Soái Đỉnh vào ngay, để sau khi lo xong những việc khẩn cấp, Phó Đề Đốc Thoại sẽ dùng để ra HQ 5.

Trung tâm hành quân Hải Quân Vùng I Duyên Hải gọi HQ 5 và thông báo cho HQ 5 biết Soái Đỉnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đang trên đường tìm đến HQ 5.

Trong khi đó, mặc dù người đông nghẹt trên bãi, tất cả chiến hạm vẫn chưa được lệnh ủi bãi.

Trưa 28 tháng 3, tất cả chiến hạm và tàu nhỏ nhận lệnh tiếp nhận quân bạn và đồng bào.

Khi HQ 402 và HQ 403 đang ủi bãi, thi hành nhiệm vụ chuyển tiếp quân và đồng bào từ bãi Tiên Sa ra tàu lớn thì nhiều thiết vận xa tiến đến, giây xích sắt nghiến bừa lên vô số người, không cho Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh lên tàu!

Sau khi nghe Hải Quân bắt loa kêu gọi và hứa sẽ đón hết, xe thiết giáp mới dừng lại, tạo thành một dọc dài trên bờ biển!

HQ 403 vừa ủi bãi, cửa đổ bộ chưa kịp hạ xuống, không biết bao nhiêu người từ bờ đã ùa ra, vây quanh thân tàu, leo vào lòng tàu. Hạm trưởng cho thả thang giây và giây thừng loại lớn hai bên tả và hữu hạm cũng như sau lái để đồng bào bám vào, leo lên tàu.

Cửa đổ bộ từ từ hạ xuống. Hải Quân Trung Úy Nguyễn Hữu Từ và một Trung Úy nữa, cũng tên Từ, được phái xuống cửa đổ bộ để kéo hoặc giúp đỡ quân bạn lên tàu. Không ngờ, tại cửa đổ bộ, cả hai Trung Úy đều bị người ta kéo ngược xuống nước, không thể nào lên tàu lại được! Trên bờ, thiết giáp và GMC lại cán bừa lên mọi người để tiến đến chiến hạm!

Hạm trưởng HQ 403 bắt loa kêu gọi đồng bào đừng bơi gần tàu và nhất là đừng đến gần sau lái, nguy hiểm. Hạm trưởng hứa sẽ trở vào đón thêm nhiều chuyến nữa. Nhưng, người người vẫn cứ từ bờ ào ra, chờn vờn quanh thân tàu, súng đạn vất đầy bãi cát.

Không xa HQ 403 lắm là HQ 402. Tình trạng chiến hạm này cũng không khá gì so với HQ 403. Nhìn một tàu đầy nghẹt người, nghe nhiều tiếng súng lớn phát ra và nhiều cột nước bắn lên từ phía HQ 402, Hạm Trưởng HQ 403 lo ngại, muốn cho chiến hạm lui ra. Nhưng thấy đầu người lúc nhúc quanh tàu, Hạm Trưởng không nỡ.

HQ 402 đang từ từ lui ra và nhiều tiếng súng bắn theo!

Thấy HQ 402 lui ra, và sau nhiều phút do dự, Hạm Trưởng HQ 403 ra lệnh: “Tay lái hết bên phải. Tả lùi. Hữu tiến.” Chân vịt khuấy lên. Nước cuồn cuộn đỏ nhưng con tàu vẫn không nhúc nhích!

Hạm Trưởng HQ 403 gọi Tư Lệnh Hạm Đội, xin cho tàu lớn vào kéo.

Đợi khoảng nửa giờ không thấy ai vào kéo mà chỉ thấy thêm người trèo vào tàu, Hạm Trưởng ra lệnh nhiệm sở tác chiến và tất cả quân nhân đơn vị bạn phải xuống lòng tàu.

Một lúc lâu, nhờ sự bình tĩnh của chính mình và cũng nhờ vào khả năng của sĩ quan cơ khí giàu kinh nghiệm, HQ 403 đã lùi được và quay thật nhanh. Vòng quay này thân tàu đã lướt trên nhiều thân người. Khi chiến hạm lui ra, một số người bị sức hút của nước kéo theo, đập vào thành tàu, chết!

Sau khi chuyển người sang tàu lớn, HQ 403, lại được lệnh trở vào bãi biển Tiên Sa đón thêm quân bạn và đồng bào. Vì ngại chiến hạm bị mắc cạn và sợ phải thấy những sự việc thương tâm như chuyến vừa rồi, Hạm Trưởng HQ 403 đề nghị cấp chỉ huy xét lại lệnh này.
Chiều 28 tháng 3, tất cả hệ thống truyền tin của mọi binh chủng thuộc Quân Lực V.N.C.H. bị Việt Cộng xâm nhập, khuấy phá, khiến sự liên lạc trở nên vô cùng khó khăn.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân Saigon liên tục gọi 27 chiến hạm trong vịnh Đà Nẵng, bảo tìm phương vị của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.

Soái đỉnh chở Tổng Lãnh Sự Francis cặp một Coast Guard và Coast Guard đưa Tổng Lãnh Sự Francis lên HQ 5. Lúc này, không thấy Phó Đề Đốc Thoại trên Coast Guard cùng với Tổng Lãnh Sự Francis, mọi người trên HQ 5 hoảng lên; vì nghĩ rằng Phó Đề Đốc Thoại có thể đã mất tích hoặc chết rồi!

Khi Tổng Lãnh Sự Francis vừa lên tàu, luồn phẫn nộ bộc phát dữ dội trong số quân, dân di tản; vì họ hận Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam! Hạm Trưởng HQ 5 đưa Tổng Lãnh Sự Francis lên phòng riêng và cho nhân viên bảo vệ Ông.

Trong khi Tổng Lãnh Sự Francis được an toàn trên HQ 5 thì tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, Phó Đề Đốc Thoại ra lệnh Tư Lệnh Phó, Hải Quân Đại Tá Nguyễn Công Hội, kiểm soát tất cả các phòng rồi đưa Bộ Tham Mưu đi ra bãi Bắc. Phó Đề Đốc Thoại ở lại.

Hải Quân Trung Úy Đoàn Như Ngọc, tùy viên của Phó Đề Đốc Thoại, tỏ ý muốn xin theo Đại Tá Hội. Nhưng, khi Phó Đề Đốc Thoại thuận thì Trung Úy Ngọc lại đổi ý, xin ở lại. Biết Trung Úy Ngọc mới cưới vợ, Phó Đề Đốc Thoại bảo Trung Úy Ngọc hãy đi trước khi quá trễ. Quyết định này của Phó Đề Đốc Thoại đã gây trở ngại rất nhiều cho chính Ông, khiến Ông bị kẹt lại trên đảo; vì Trung Úy Ngọc mang theo tất cả mật mã truyền tin!

Soái đỉnh của Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải trở lại Tiên Sa với mục đích đón Ông. Nhưng đủ loại súng từ bờ bắn ra chiến hạm và chiến đỉnh cho nên không tàu nào dám vào!

Nhờ biết được tần số liên lạc, Việt Cộng gọi đích danh danh hiệu nhiều đơn vị trưởng để chiêu dụ. Đặc công Việt Cộng giả kẻ tu hành, gây náo loạn trên vài chiến hạm. Trên bờ, Việt Cộng mặc quân phục Thủy Quân Lục Chiến, lấy súng giết người, cướp của, hãm hiếp, cố tạo tiếng xấu cho binh chủng này, đồng thời gây kinh hoàng cho đồng bào.

Khoảng 8 giờ tối 28 tháng 3, Tướng Ngô Quang Trưởng gọi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không gặp. Mười giờ, Tổng Thống Thiệu gọi lại. Tướng Trưởng xin Tổng Thống Thiệu cho di tản bằng đường biển.

Cuộc điện đàm vừa đến ngang đây, hỏa tiễn 122 ly của Việt Cộng từ hướng Nam Ô nã thẳng vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, làm hư hại nặng trực thăng của Tướng Ngô Quang Trưởng và trực thăng của Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến.

Tướng Trưởng xử dụng một trực thăng khác, bảo bay về Quân Đoàn. Đến nơi, không thấy ai cả, Tướng Trưởng ra lệnh bay sang Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến tại Non Nước. Tướng Trưởng ở lại đây với Thủy Quân Lục Chiến. Lúc này Bộ Tham Mưu và lực lượng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến còn nguyên vẹn, dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến, Đại Tá Nguyễn Thành Trí.

12 giờ đêm 28 tháng 3, Trung Tướng Lâm Quang Thi và Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn dùng trực thăng của Tướng Thi bay ra và đáp trên một LST. Sau đó phi công mới biết là hai cánh quạt trên trực thăng của Tướng Thi bị bắn lủng hai chỗ. Từ LST, Tướng Thi và Đại Tá Sơn được một PCF đưa đến Soái Hạm Trần Bình Trọng HQ 5.

Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân và Đại Tá Nguyễn Thế L. kẹt lại. Sau khi thiêu hủy tất cả hồ sơ mật, Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân cùng nhiều sĩ quan các cấp đưa Đại Tá L. và cận vệ của Phó Đề Đốc Thoại – người này bị thương vì Việt Cộng pháo kích – đi bộ ngược lên núi Sơn Chà, đến một bãi cát nhỏ phía Bắc Sơn Chà. Tại đây, Phó Đề Đốc Thoại liên lạc truyền tin kêu cứu, không một đơn vị nào đáp lại!

4 giờ sáng 28 tháng 3, Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy, Thiếu Tá Căn và Đại Úy Sinh tìm cách đưa đoàn ghe của Duyên Đoàn 12, chở đầy người, ra biển, tập trung tại vùng China Beach. Khi đoàn ghe vừa ra khỏi cửa Đà Nẵng, hướng về điểm hẹn thì Việt Cộng lại pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Một Trung Úy Việt Cộng bị bắt tại chỗ trong khi anh ta đang liên lạc vô tuyến, cho tọa độ.

Thiếu Tá Hy mở máy liên lạc, các tần số Hải Quân đều yên lặng. Khi mở sang tần số đặc biệt, Thiếu Tá Hy nghe tiếng Phó Đề Đốc Thoại kêu cứu! Thiếu Tá Hy trả lời. Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải cho Thiếu Tá Hy biết địa điểm của Ông rồi chớp đèn, hướng dẫn để Thiếu Tá Hy cho ghe vào sát các mỏm đá.

Thiếu Tá Hy lần lượt kéo Phó Đề Đốc Thoại, Tướng Lân, mấy bác sĩ Quân Y và hai sĩ quan hoa tiêu trực thăng lên ghe. Vì ghe nhỏ, không chở được nhiều, Thiếu Tá Hy cho ghe lui ra, đưa quý vị trên ghe lên một Coast Guard rồi trở vào nhiều lần nữa để đón những sĩ quan cao cấp Hải Quân khác.

Lần trở vào thứ tư Thiếu Tá Hy cứu được Hải Quân Thiếu Tá Trần Bích Thùy, Hải Quân Thiếu Tá Vũ Bá Trạch và một Trung Úy Hải Quân.

Cũng thời điểm này, HQ 403 được lệnh vào vịnh nhỏ bên trái cửa biển – gần Observatory Light Point – để đón một Đại Tá cùng binh sĩ và gia đình. Vịnh rất hẹp, sóng lớn. Tuy chiến hạm bị sóng nhồi, suýt đập vào vách đá nhiều lần, nhưng HQ 403 vẫn cố vào sát những mỏm đá, chiếu đèn pha và bắt loa gọi. Không ai trả lời.

Sáng sớm 29 tháng 3, sau khi báo cáo lên Tư Lệnh Hạm Đội về việc không tìm được vị Đại Tá và binh sĩ vào tối hôm trước, HQ 403 được lệnh lẩn quẩn trong sông Hàn, đón ghe chở quân nhân và đồng bào ra. Công tác này không thể thực hiện được, vì sóng lớn quá. Nếu ghe cập gần chiến hạm thì bị sóng đánh ập vô thành tàu rồi văng ra xa. Nhân viên HQ 403 tìm mọi phương cách nhưng vẫn không cứu vớt được ai – kể cả vợ của Hải Quân Trung Úy T., một sĩ quan của HQ 403!

HQ 403 lại được lệnh ủi bãi trong vịnh Liên Chiêu để đón những đơn vị Biệt Động Quân. HQ 403 chờ mãi vẫn không thấy đơn vị bạn xuất hiện.

Trong vịnh Đà Nẵng và bãi Tiên Sa, chiến hạm Hải Quân vẫn thực hiện công tác đón nhận binh sĩ và đồng bào một cách rất khó khăn và nguy hiểm. Trong lòng các chiến hạm, máy truyền tin của Bộ Binh vất đầy. Nhiều nhân viên của chiến hạm bắt được tần số của Việt Cộng, hai bên đấu khẩu.

Tại mũi Tiên Sa, HQ 802 vào gần sát bờ để đón Chỉ Huy Trưởng Hải Đội I Duyên Phòng. Xong, HQ 802 đến gần mũi Isabel (bờ Bắc vịnh Đà Nẵng), len vào thật sát các mỏm đá để đón Lữ Đoàn 258 và Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc đón quân này tương đối ít tổn thất vì tinh thần  kỷ luật của Thủy Quân Lục Chiến rất cao.

Vì hệ thống truyền tin bị khuấy phá, Hạm Trưởng HQ 802, Hải Quân Trung Tá Vũ Quốc Công, buộc phải nhập vào hệ thống truyền tin của Bộ Chỉ Huy Hạm Đội Tiền Phương. Trung Tá Công được lệnh đưa Thủy Quân Lục Chiến về vùng tập trung chiến hạm tại Cù Lao Chàm.

Trong khi đó, một trực thăng lượn qua lượn lại quanh HQ 404. Ngại bị trực thăng bắn, Hạm Trưởng ra lệnh kéo cờ nhiệm sở tác chiến. Sau vài vòng bay lượn, thấy chiến hạm báo động, nhóm người trên trực thăng ra dấu chào hỏi và liệng xuống một chiếc giày trận rồi bay vào bờ. Rời trực thăng, nhóm người ấy bơi ra HQ 404.

Sau khi vớt nhóm người từ bờ bơi ra, mọi người trên chiến hạm mới biết nhóm người đó là:

§    Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh – Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn I Không Quân.
§    Đại Tá Phước – Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 63.
§    Đại Tá Vượng – Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Khu Trục.
§    Nhiều sĩ quan khác.

Chiều 29 tháng 3, HQ 404, được lệnh rời bãi Trịnh Minh Thế, đến cập cầu Căn Cứ Yểm Trợ tiếp vận Đà Nẵng bên Tiên Sa. Một số quân nhân và đồng bào đã leo được vào chiến hạm. Sau đó, HQ 404 lại được lệnh lui ra, neo tại sông Hàn, chờ lệnh.

Khuya 29 tháng 3, khoảng 12 giờ 30, Hạm Trưởng HQ 404, Hải Quân Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn, nhận được mật lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân: “Chỉ thị HQ 404 đúng 04 giờ 30 sáng 30 tháng 03 năm 1975, vào cách bờ 05 hải lý để đón Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I!”

30 tháng 3, đúng 4 giờ sáng, Trung Tá Nhơn báo cáo đã đến điểm hẹn. Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 404 thả trôi lềnh bềnh, chờ lệnh trực tiếp từ Tổng Tham Mưu.

Đến 8 giờ sáng, không thấy lệnh mới, Trung Tá Nhơn liên lạc Bộ Tư Lệnh Hải Quân xin chỉ thị. Được trả lời: “Cứ lềnh bềnh ở đó, chờ lệnh.”

10 giờ sáng, Hạm Trưởng  HQ 404 sốt ruột, dùng máy truyền tin PRC25 liên lạc bằng bạch văn với Tư Lệnh Hạm Đội. Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn trả lời: “Tôi không có thẩm quyền gì về chiến hạm của anh cả. Anh hãy chờ lệnh từ Tổng Tham Mưu. Tuy nhiên, cho anh hay là Trung Tướng Trưởng đang ở trên bờ, ngay trước mặt anh đó.”

Mặc dù không có lệnh nào cho phép ngưng thả trôi lềnh bềnh, Hạm Trưởng HQ 404 cũng vẫn cho chiến hạm vào gần bờ, với mục đích tìm vớt Tướng Ngô Quang Trưởng.

Khoảng 2 giờ trưa cùng ngày, từ Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Non Nước, nhân viên canh phòng thấy HQ 404 vào, liền trình lên thượng cấp.

Biết chiến hạm vào đón, Thủy Quân Lục Chiến tận dụng phao, poncho và tất cả vật nổi để làm bè. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng bơi ra chiến hạm HQ 404 với những người lính đã từng sống chết với Ông qua nhiều chặng đường binh nghiệp hay go!

Trên HQ 404, cũng như tại căn cứ Thủy Quân Lục Chiến ở Non Nước, Bộ Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến thảo công điện theo chỉ thị của Tướng Trưởng để gửi về Saigon.

5 giờ chiều, Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ thị HQ 5 đón Tướng Trưởng từ HQ 404 sang Soái Hạm, vì HQ 5 đầy đủ tiện nghi.

Tuy cuộc rút quân thê thảm trong vịnh Đà Nẵng chưa chấm dứt, nhưng HQ 404 và HQ 5 vẫn chuẩn bị nghi lễ đúng truyền thống Hải Quân để đưa và đón Tư Lệnh Quân Đoàn I – Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Hạm Phó HQ 5, Hải Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Tường, mang sang HQ 404 mật điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tá Tường được Hạm Phó HQ 404 hướng dẫn gặp Tướng Trưởng. Trong bộ quân phục Hải Quân màu xám tím, không mang cấp bậc, áo bỏ ngoài, Tướng Trưởng rời giường ngủ của đoàn viên, cầm mật điện, xé ra đọc. Đọc xong, Tướng Trưởng ra lệnh cho Thiếu Tá Tường: “Báo cáo với Saigon là tôi xin được ở đây với anh em Thủy Quân Lục Chiến chứ không đi đâu cả.”

Yêu cầu của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được Tổng Thống Thiệu chấp thuận.

Những chiến hạm chở đầy người được lệnh rời vùng, di chuyển chậm để có thể đón thêm người từ ghe ra biển. Những thương thuyền của Mỹ, tàu nhỏ và xà lan cũng rời Đà Nẵng.

HQ 17, sau khi nhận thêm một số Thủy Quân Lục Chiến và đồng bào, được chỉ thị yểm trợ HQ 404, đưa Tướng Ngô Quang Trưởng và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Vùng II.

Trên hải trình xuôi Nam, khi qua mũi Sơn Chà, HQ 802 tình cờ bắt được liên lạc truyền tin với một thành phần của Bộ Chỉ Huy hành quân Quân Đoàn I trên tần số giải tỏa. Nhóm này yêu cầu Hải Quân cứu giới chức thẩm quyền.

Ngại Việt Cộng xâm nhập, khai thác hệ thống truyền tin, Hạm Trưởng HQ 802 trình lên Bộ Chỉ Huy Hạm Đội tiền phương. Giới chức này không giải quyết được và cho phép Hạm Trưởng HQ 802 tùy nghi.

Lời kêu cứu của nhóm Quân Đoàn I lại vang lên. Bây giờ lại thêm tiếng kêu cứu của nhóm khác: “Hải Quân ơi! Cứu Không Quân với!” Nhóm thứ hai cho biết họ đang kẹt tại phía Nam bán đảo Sơn Chà. Họ phóng hỏa châu để HQ 802 dễ nhận ra vị trí của họ.

HQ 802 đổi hướng, quay lại đón nhóm Không Quân. Khi tiến vào bán đảo Sơn Chà, Hạm Trưởng cho phóng đèn pha lên trời để nhóm Không Quân nhận biết sự hiện diện của HQ 802. Vừa khi đó, trên sườn đồi sát mặt biển, đèn trực thăng bỗng lóe lên và tiếng kêu cứu của Bộ Chỉ Huy hành quân Quân Đoàn I cũng vang lên.

Hải Quân Trung Tá Vũ Quốc Thông, Hạm Trưởng HQ 802, ra lệnh nhiệm sở tác chiến, đồng thời cho hạ xuồng đổ bộ vào cứu cả hai nhóm. Nhóm Bộ Chỉ Huy hành quân Quân Đoàn I có Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoàn III Bộ Binh. Quân của Sư Đoàn III Bộ Binh về đến Nam Ô thì tan rã, chỉ còn khoảng một Lữ Đoàn!

Công tác cứu người hoàn tất, HQ 802 trực chỉ về Nam. Trên hải trình, HQ 802 gặp lại đoàn tàu của Hải Đội I Duyên Phòng và một trong những tiểu đỉnh đó chở Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. HQ 802 đón Phó Đề Đốc Thoại và đoàn tùy tùng của Ông sang.

Tối 30 tháng 3, sau khi rời Đà Nẵng, HQ 403 nhận quang hiệu từ phía sau, cho biết, họ là tàu dòng Seapac, đang kéo hai xà lan với khoảng mười ngàn người, cầu cứu nước uống. Hạm Trưởng HQ 403 do dự suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau cùng, biết chắc chắn không thể nào đủ nước uống cho từng ấy người, và lo ngại cho sự an toàn của HQ 403 khi chiến hạm cặp vào xà lan, Hạm Trưởng HQ 403 đành quyết định đi luôn.

Trên một trong hai xà lan đó có Hải Quân Thiếu Tá Võ Văn Q., bạn cùng khóa với Hạm Trưởng HQ 403. Sau này Thiếu Tá Q. cho biết: Đồng bào và quân nhân trên hai xà lan ấy nhờ liếm sương trên xà lan vào mỗi sáng sớm cho nên khỏi chết khát!

Còn hai xà lan khác đứt giây dòng trong đêm, trôi dạt phương nào, chiếc tàu dòng kiếm không ra. Về sau trực thăng Mỹ tìm thấy, nhưng mọi người trên hai xà lan ấy đã chết khô!

Ngày 31 tháng 3, lệnh trưởng phòng 3 hành quân di chuyển, từ Soái Hạm HQ 5, chỉ thị Hải Quân Trung Tá Lê Thuần Phong, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội II Chuyển Vận, sang HQ 230, ngược trở lại để yểm trợ Duyên Đoàn 14 vừa từ Hội An ra. Công tác này được thực hiện tốt đẹp.

Khi đoàn tàu đến gần Qui Nhơn, vừa qua khỏi Cù Lao Chàm, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội III Tuần Dương, Hải Quân Trung Tá Lê Thành Uyển, được báo cáo là sót một chiếc phà đầy người tại đài kiểm báo 101.

HQ 17, HQ 8 và HQ 12, được lệnh sớt người qua những chiến hạm khác rồi quay lại Đà Nẵng. Hai trong ba chiến hạm đó được chỉ thị quan sát và yểm trợ để chiếc thứ ba vào đón chiếc phà.

Ngoài ba chiến hạm vừa trở lại, vịnh Đà Nẵng vắng tênh!

 

(Trích từ “Hải Quân VNCH ra khơi, 1975”)

Phản hồi