Bầu cử ngược
Có một cuộc bầu cử kỳ lạ, mà ở đó người ta đi bầu lên những đại biểu đại diện cho người khác chứ không phải cho mình. Vì thế mà đại biểu đó sau khi trúng cử đã quay ra trói buộc và áp bức chính người đã bầu cho họ. Cử tri phải đi bầu, nhưng không được làm theo ý mình. Và đó là điều mà người ta gọi là “Tự do trong khuôn khổ”.
Không thể khác, chúng ta gọi đó là “Bầu cử ngược”, vì nó diễn ra hoàn toàn trái với những gì mà nhân loại tiến bộ vẫn làm.
Trước mỗi cuộc bầu cử như vậy, áp phích và khẩu hiệu tuyên truyền được trưng đỏ chót khắp nơi. Đến khi cuộc bầu cử ép buộc kết thúc, hệ thống truyền thông nhà nước lại nói “Cử tri đã náo nức đi bầu cử, và đó thực sự là ngày hội của toàn dân”. Theo họ, vì rằng người dân đã thực sự thể hiện quyền làm chủ của mình.
Không! Bầu cử là chuyện nghiêm túc nhất đời, vì lá phiếu đó quyết định cuộc sống của bản thân, cũng như tương lai đất nước và dân tộc. Nó quyết định hạnh phúc hay khổ đau, là phát triển hay trì trệ, tự do hay nô lệ. Quyền lợi sống còn của mình, cho nên phải làm thật sự nghiêm túc và có trách nhiệm, chứ đâu phải là “ngày hội” như nhà nước tuyên truyền?
Trong cuộc bầu cử này, các đại biểu và ứng cử viên đều do đảng Cộng Sản lựa chọn, còn người dân (tức là cử tri) chỉ việc đi bầu mà thôi. Có nghĩa là, tất cả những đại biểu được bầu đều là người của đảng. Và dĩ nhiên, những đại biểu đó sẽ làm theo ý muốn của đảng, chứ không phải của người dân. Ví dụ đơn giản, đảng đưa ra một danh sách đại biểu gồm 5 người, sau đó cho phép người dân bầu ra 3 người, như vậy 3 người đó đều là của đảng cả.
Lâu nay, người ta vẫn phê phán đó là kiểu “Dân chủ hình thức” hoặc “dân chủ giả hiệu”.
Nhân đây, chúng ta cũng nên hiểu thế nào là bầu cử tự do? Đó là một cuộc bầu cử mà có sự tham gia của tất cả các đảng phái, cá nhân cũng như thành phần dân tộc, có sự giám sát quốc tế.
Còn bầu cử mà chỉ có một đảng tham gia như ở nước ta hiện nay, thì đó là chuyện ngược đời chưa từng thấy vậy.
Đó thực chất là màn độc diễn của nhà nước, người dân tuyệt nhiên không hề có một chút vai trò nào, ngoài việc làm hình nhân đóng thế để hợp thức hóa trò hề bầu cử. Phi lý hơn nữa, tất cả những chi phí bầu cử tốn kém đó đều được trích từ ngân sách, vốn là tiền thuế của dân. Vậy là người dân mất tiền của và công sức, nhưng lại chuốc lấy thất bại bẽ bàng.
Bầu cử là yếu tố đầu tiên thể hiện quyền làm chủ của người dân, mà cũng bị người ta lừa bịp và tước đoạt, có nghĩa là đối với các quyền khác đều như vậy cả.
12/3/2016
© Minh Văn
© Đàn Chim Việt