WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Anh Khoa: Tiếng hát trường xuân

Tối thứ Bảy 14 tây tháng 3, 2009, chưa quá 7 giờ tối, tại tiệm ăn Nhà Tôi ở San José, khoảng hơn 100 khán thính giả mộ điệu đã chiếm hết chỗ của nhà hàng này, và trong vòng bốn tiếng đồng hồ, họ đã có dịp thỏa chí bình sinh tìm về đường xưa lối cũ để đến với một ca sĩ mà họ hằng yêu thích từ lâu, một nghệ sĩ sống xa cách họ nửa vòng trái đất, mà thi thoảng mới lưu bước sang Mỹ trình diễn. Tối nay, họ cũng như tôi đã có dịp thưởng thức một đêm văn nghệ thật ấm cúng, thú vị và hấp dẫn, thỏa lòng nhung nhớ một con người và một thời kỷ niệm vàng son nơi quê hương.

Ca sĩ Anh Khoa. Ảnh: NKTA

Động cơ của sự tìm đến mối chùng tơ lòng này: sự hiện diện của nam ca sĩ kỳ cựu Anh Khoa, một nghệ sĩ đã gắn liền cuộc đời cũng như một thời vang bóng của mình với thập niên 60 và 70 của Sài Gòn và miền Nam trước ’75. Sau nhiều năm lập gia đình, sống một cuộc sống cô lập ở Budapest, Anh Khoa hiếm có cơ hội trở lại với sân khấu hải ngoại cùng khán giả yêu chuộng anh ở Cali. Đây là một điều đáng tiếc cho khách văn nghệ và chính anh, một người yêu nhạc, yêu văn nghệ và nghề hát, yêu trình diễn trước khán giả thân yêu của mình tuy phải sống tận một khung trời Đông Âu xa diệu vợi.

Nếu không xa mặt cách lòng, và mong tìm về cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, những người ái mộ Anh Khoa nhiều lúc phải chờ những cơ hội hiếm quý như khi anh có dịp dàn xếp trong cuộc sống để trở lại từ phương trời xa cách với khách sành điệu như một giấc mơ năm cũ, đã trở thành hiện thực như tối vừa qua ở thành phố San José.

May cho hội 5 người chúng tôi đã gọi giữ chỗ trước, nên khi đến nơi đã được ngồi chung một bàn với sáu người khách khác, sát bục sân khấu. Tôi liếc mặt đồng hồ, chưa đầy 8 giờ, nhìn chung quanh khách đã ngồi đầy ắp phòng ăn. Phần lớn khán thính giả cũng là khách hàng quen thuộc của nhà hàng do chị Bùi Trường và anh Billy Trung làm chủ và quản lý. Mọi người có vẻ mong đợi sự ra mắt của ca sĩ chính. Sau một hồi ban nhạc – gồm có các nhạc sĩ như anh Trọng Khôi: saxophone; anh Việt: lead guitar, cháu ruột của ca sĩ Anh Khoa, sang Mỹ chỉ mới một tuần; anh Khanh: trống;  Huân: keyboard – lên dạo các bài quen thuộc thì anh Phạm Hưng đã hát mở màn và giới thiệu ca sĩ Anh Khoa.

Anh Khoa với dáng dấp thư sinh, thanh tú trong bộ complet nhung đen sọc (pinstripe) và cà vát màu rượu chát bước lên sân khấu giữa tiếng vỗ tay vang dội của khách, cảm ơn tấm thịnh tình của khán thính giả. Mấy cô ngồi cùng bàn tỏ vẻ ngạc nhiên với nét trẻ trung như trai 30-40 của Anh Khoa, khi nghe hỏi anh bao nhiêu tuổi tôi cũng chịu thua, thực sự không biết, anh Liêm chiết tính rồi cho biết Anh Khoa đã hát từ 40 năm nay. Các bạn đoán thử? Đối với tôi chuyện tuổi tác không thành vấn đề, nhất là khi ca sĩ vẫn giữ được nét trẻ trung (nhất là nếu họ là đàn ông!) và hát hay của mình.

Anh mở đầu với bài Khúc Thụy Du của Anh Bằng (Thụy Du cùng tên với CD mà Anh Khoa đã phát hành năm 2005) Và Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An, giọng hát anh trầm buồn, pha lẫn một âm hưởng ray rứt, đam mê, quyện với tiếng kèn saxo uốn éo, quằn quại của Trọng Khôi thấm sâu vào lòng người, gợi nhớ một thời đã qua. Âm chất của tiếng hát Anh Khoa đượm ít nhiều thanh âm của giọng mũi, rất quyến rũ, làm nhập tâm người nghe. Sau đó giọng anh tươi vui, mơ mộng hơn với bài Bây Giờ Tháng Mấy.

Điều tôi thích nhất có lẽ là tài nghệ đa năng và đa dạng của anh, một nhạc sĩ tình tứ và thuần túy với các bản tân nhạc Việt-Nam, nhưng không kém phần điêu luyện với những bài hát ngoại quốc. Không kể những liên khúc, mà anh hát liền tù tì từ bài này sang bài khác không ngắt đoạn vì anh quá thuần thục. Anh Khoa có thể hát chuyển tiếp từ một bài tình ca buồn qua một bài rậm rật và nhịp nhàng, thí dụ như bài Something của George Harrison mà không trật một nhịp: “Something in the way she moves, attracts me like no other lover, something in the way she woes me… rồi tiếng guitar solo vang lên: tắng-tăng-tằng, từng nốt nhạc đậm nét và rõ ràng tiếp theo đó…đưa thính giả vào con đường xưa ta đi vào một Memory Lane đầy lưu luyến, trở về với thời 60′s của Tứ quái The Beatles.

Dường như đối với Anh Khoa, những năm tháng miệt mài và mê say hát nhạc ngoại ở các câu lạc bộ Mỹ cũng như các phòng trà ấm cúng của Sài Gòn, Việt Nam, đã ghi sâu vào huyết quản và tâm trí anh, nên anh hát say sưa một lúc cả chục bài không ngừng nghỉ. Từ du dương đến giật gân, giọng hát nhuần nhuyễn của anh dâng tràn không gian, thấm sâu vào từng hơi thở và sớ thịt của người nghe, ru họ mê say không khác gì chính anh đã say mê trút hết làn hơi và năng khiếu mình trong tiếng hát, cống hiến cho nghệ thuật, cho người nghe của mình những giây phút thật êm mơ xa vắng.

Love Me With All Your Heart, một bài hát nguyên gốc Tây Ban Nha (Cuando Caliente El Sol) được anh mời mọc, tỉ tê và tha thiết, là một trong những bài hát được ưa chuộng nhất thập niên 70′s, thuộc top 10 của nhiều thời, đã làm các cô đong đưa theo nhịp, kể cả một cô ngồi cùng bàn với tôi. Nhìn cô say sưa lắc lư thân hình theo tiếng hát của Anh Khoa mà tôi chỉ sợ bát canh rau đay và mướp của cô đổ tràn ra bàn thôi! Sau đó Anh Khoa trình bày bản Anh đến Thăm Em Đêm 30 mà Asia đã phát hành trong CD Lâu Đài Tình Ái mà Anh Khoa đã trình diễn chung với Dalena. Đến khi anh hát bài How Can I Tell Her của Lobo, một ca sĩ mà thế hệ trẻ thời 70 không thể quên vì họ đã yêu mến và mê say những điệu tự tình khúc này, Anh Khoa đã thật sự đưa khán giả vào một Memory Lane không thể nào thoát ra được!

Đã lâu lắm rồi ít khi khách yêu âm nhạc và văn nghệ lại được nghe một ca sĩ cống hiến tiếng ca, hát hết lòng và liên tục như anh. Từ bài Hạ Trắng cao và ngân nga của Trịnh Công Sơn anh chuyển sang giọng ấm và trầm buồn với bài Chỉ Còn Gần Em Giây Phút Này Đây. Hầu như tất cả là những bài được anh chọn lọc đều là những bản chúng tôi và nhiều khán giả yêu chuộng.

Khi anh cất giọng, trỗi lên câu: “Nếu ngày nào tình ta đã phai…” thật ray rứt và trầm cảm, làm thế nào mà một cô, tuy đi chung với đấng lang quân của mình, cũng đã phải reo to lên: “Never! Không bao giờ!”

Sau đó nhận thấy sự hiện diện của nữ ca sĩ Tiểu Phụng, con gái của cố ca sĩ Cải lương Minh Phụng anh bèn giới thiệu, nhường sân khấu, mời cô lên hát (Phố Đêm và một bài nữa mà tôi không nhớ tên). Rồi đến lượt ca sĩ gà nhà của San José, anh Nguyên Nhu với Kiếp Đam Mê và Phải Chi Có Huế, hát rất mùi được sự cổ võ của nhiều khách. Sau khi anh Phạm Hưng hát bài Ngăn Cách của Y Vân thì đến phần hai của chương trình.

Anh Khoa trở lại sân khấu với bài Sầu Đông nhộn nhịp điệu Twist của Khánh Băng, một bài mà anh thu CD chung với Dalena vào dịp Tết 2006. Sau đó anh tiếp luôn hai Bài Không Tên Số Hai và Số 4, rồi chuyển sang điệu chậm buồn và ai oán: Buồn Vương Màu Áo Hồng (Việt Nam mình có bài hát nào không buồn, trừ những bản Tiến Quân Ca của Công sản?). Người ta cũng không thể quên một bài tủ bất hủ và ra riết của anh: Bao Giờ Biết Tương Tư của Phạm Duy và Ngọc Chánh hay Tôi Đưa Em Sang Sông, bài này anh hát tình tứ quá làm cho một cô ở bàn trước sân khấu bỏ mặc người tình bước đến bên anh tìm vòng tay ôm ấm, cô nói: “Tối nay lại một phen trằn trọc không ngủ rồi!” Sau đó anh đưa người nghe qua một bài du dương, ca tụng tình yêu vĩnh cửu: Love Story mà lâu nay tôi đoan chắc nhiều người chưa được nghe lại! Rồi lại rạo rực đám đông với một bài Twist: Mắt Em Màu Trùng Dương khiến hai cặp, bất kể khoảng trống chật hẹp trước sân khấu, đã đưa nhau ra nhảy.

Anh hát vừa xong thì ampli Fender của lead guitar bị cháy, phải cắm sang ampli của mixer. Anh Khoa đùa: “(Ampli chiến) Made in USA bị nổ, (trong khi tiếng hát) Made in Vietnam vẫn còn (tiếp tục), mọi người cười ồ, reo hò phụ họa: “Quá đã! Quá đã!”. Rồi cứ thế, không hiểu linh đơn hay mật gấu gì làm anh vững hơi hát tiếp hai bài: The Long and Winding Road và Yesterday, kết thúc buổi văn nghệ độc đáo đáng ghi nhớ của Anh Khoa.

Cảm nhận của người viết cũng như nhiều khách hôm đó: Anh Khoa đích thực là một ca sĩ gạo cội, một đàn anh có hạng, với một giọng truyền cảm, thu hút. Một người phụng sự không ngừng nghỉ ngành ca nhạc, đem hết lòng thành thật yêu mến và tôn trọng khán giả của mình vào nghiệp cầm ca dâng hiến cho đời. Có lẽ cũng vì vậy mà khách nghe đêm thứ Bảy đã yên lặng chăm chú lắng nghe, không sa đà vào thói quen cố hữu trong những buổi trình diễn tương tự: rì rầm nói chuyện mặc cho ca sĩ hát. Riêng tôi, cảm phục ở anh sự truân chuyên, một trí nhớ tuyệt vời với một répertoire (vốn liếng) bài hát phong phú. Không chạy theo thời.

Tâm Sự với Anh Khoa

Sau buổi trình diễn tối thứ Bảy, tôi có dịp hàn huyên với Anh Khoa, một ca sĩ đã bắt đầu bước lên nấc thang danh vọng từ giữa thập niên ’60, cũng như xuyên suốt khoảng thời gian trước ’75 ở miền Nam. Năm 1989, anh yêu và cưới một thiếu nữ Hung gia Lợi (Hungary) và cùng gia đình vợ về Budapest sinh sống. Ở một phương trời xa xôi đó anh ít có cơ hội thi thố tài năng của mình. Đương nhiên, trong gần hai mươi năm sinh sống ở Hungary (Hung Gia Lợi), người nghệ sĩ Việt Đông Âu cũng có những dịp lưu diễn ở Âu châu và những nơi có nhiều cộng đồng Việt Nam.

Hỏi: Anh có thể cho đọc giả biết một ít về gốc gác cũng như sự nghiệp ca nhạc của anh không?

Anh Khoa: Tôi là người gốc Phan Thiết (buồn cười tối thứ Bảy có một khán giả hô hoán (nhận vơ) anh là dân Quảng Trị, anh vội chữa lại trên micro: tôi là người Phan Thiết!) bắt đầu đi hát vào năm 12 tuổi, chiếm giải nhất toàn quốc về Đơn Ca trong quốc sách Ấp Chiến Lược của cố tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hỏi: Nhiều người không biết sở trường của anh là tiếng Anh hay tiếng Việt, họ ngạc nhiên vì sao anh hát tiếng Anh hay vậy trong khi những bài tình ca quê hương của anh rất là tình tứ và truyền cảm?

Anh Khoa: Khi tôi đang học trung học đệ nhất, đệ nhị cấp là khi quân đội Mỹ ào ạt đổ sang Việt Nam, nên tôi đã có cơ hội đi trình diễn ở các club Mỹ ở Nha Trang… đúng ra ở các club Mỹ từ miền Trung, Đà Nẳng đổ vô Nha Trang, Sài Gòn. Trong năm ’67 tôi hát toàn nhạc Mỹ ở các club này…

Hỏi: Anh hát vừa nhạc rock (kích động) vừa nhạc pop êm dịu?

Anh Khoa: Khi tôi hát ở các club có nhiều sĩ quan lớn tuổi thì tôi hát nhạc êm dịu, khi hát cho các hạ sĩ quan thì tôi hát nhạc pop và binh sĩ thì nhạc “quậy” twist và disco (rock/giựt) tùy theo sở thích của đám đông.

Hỏi: Hồi đó anh chơi với ban nhạc nào?

Anh Khoa: Tôi có ban nhạc riêng của mình, ông bầu show của tụi tôi là người Mỹ nên chọn cho tụi này những bản thịnh hành ăn khách vào thời đó.

Hỏi: Tôi cũng tò mò muốn biết… anh chơi và quen biết với nhiều club Mỹ vì sao anh không kiếm đường ra đi sớm hơn (năm 1989)?

Anh Khoa: Lúc 30 tháng 4 xảy ra thì tôi đang ở miền Trung, lúc đó pháo kích dữ dội quá nên không đi vô Nam  được, một lẽ nữa… tôi cũng bị rối trí quá nên cũng không nghĩ ra đường đi (vượt biên).

Hỏi: Anh chơi cho club Mỹ,  ở lại có bị đày đọa gì không?

Anh Khoa: Tôi chỉ thuộc diện hạ sĩ quan Không quân không quan trọng nên chỉ đi học tập 3 ngày.

Hỏi: Cuộc sống của anh sau 30 tháng 4 như thế nào, có khổ lắm không, còn đi hát được không?

Anh Khoa: Thời đó khổ lắm anh à, Khoa phải đi hát chui ở mấy tỉnh lẻ để kiếm sống.

Hỏi: Nghe nói cuộc tình của anh với chị cũng đẹp lắm, anh có thể cho biết đã quen biết chị ấy trong bối cảnh nào không?

Anh Khoa: Năm 1989 tôi đang cộng tác với nhà hàng Maxim ở Sài Gòn, hai ông bà ba mẹ và vợ tương lai tôi đến nhà hàng Maxim ăn tối và nghe tôi hát, tôi hát toàn nhạc Mỹ nên họ rất thích…Ba mẹ và con gái (vợ tương lai) là người Hung và Nga (mẹ vợ là người Nga), nên họ nói được 3, 4 thứ tiếng. Vợ tôi nói được 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, và Hung. Lúc đó ba vợ là đại sứ Hung gia Lợi tại Nam Vang qua Việt Nam chơi. Ông từng làm đại sứ các nước như Campuchia, Việt-Nam, Bắc Hàn, Bắc Kinh và Nga.

Hỏi: Anh hát bài gì mà làm rung động con tim người vợ tương lai?

Anh Khoa: Hôm đó tôi hát bài And I Love Her của The Beatles và Iren rất thích bài này, sau đó chúng tôi hẹn hò và gặp nhau nói chuyện rồi yêu nhau…

Hỏi: Xin lỗi anh, chị tên gì?

Anh Khoa: K-a-rs-a-i  I-r-e-n (anh đánh vần cho tôi).

Hỏi: Anh chị được mấy cháu?

Anh Khoa: Tôi có một cháu gái năm nay 17 tuổi, tên là Trần Diana, lấy tên của công chúa Diana của Anh quốc. Nó học Đại học Âm Nhạc ở Budapest, cháu học giỏi, đang học piano cổ điển và thanh nhạc. Cháu cũng biết hát, chơi nhạc Jazz.

Hỏi: Diana nói tiếng Việt được không anh?

Anh Khoa: Cháu nói rất ít, nhưng nghe được nhiều hơn.

Hỏi:  Anh thích thứ gì nhất ở Mỹ?

Anh Khoa: Tôi thèm các món ăn Việt Nam. Ở Hung, thèm đồ ăn Việt Nam phải tự nấu lấy. Vật liệu phải mang sang từ Mỹ. Tôi thích bang Cali, người Việt đông, món ăn Việt Nam không thiếu một món gì… tôi ăn quá trời.

Hỏi: Chị Iren có thích món ăn Việt Nam không?

Anh Khoa: Vợ Khoa thích nhất là phở và chả giò. Khoa cũng thèm được hát cho cộng đồng người Việt ở đây. Vì anh biết ở Budapest không có cộng đồng Việt Nam. Phải đi qua Úc, Pháp hay Mỹ hát. Phương tiện di chuyển cũng khó khăn, không được dễ dàng như các anh em nghệ sĩ ở địa phương. Ở Mỹ di chuyển rẻ, các trung tâm ca nhạc có thể lo vé máy bay dễ dàng ít tốn kém hơn. Nếu mướn tôi phí tốn máy bay, ăn ở bằng ba tiền ca sĩ ở địa phương.

Hỏi: Anh ở đây được bao lâu? Có người thân hay gia đình ở đây không? Chương trình đi hát ra sao?

Anh Khoa: Khoa ở đây hai tháng rưởi, sẽ hát vài show với bạn bè, sẽ ra mắt CD vào tháng Tư, rồi sẽ sang Washington D.C. hát nhạc thính phòng. Ở đây, Khoa có một ông anh ở San José, ngày trước là Thiếu Tá cảnh sát miền Nam, nay đã về hưu. Cuộc sống ông cũng nhàn hạ.

Hỏi: Đời sống anh ở Budapest có khó lắm không, anh có đi hát không?

Anh Khoa: Đời sống cũng hơi chật vật, lúc trước cũng có đi hát ở một vài club, bây giờ hết rồi.

Hỏi: Anh ở Budapest, một thành phố cổ kính và rất đẹp của Hungary, so với các thành phố khác ở Âu châu thì anh thấy sao?

Anh Khoa:  Khó nói vì ở Âu châu mỗi thành phố có nét đặc thù của nó, từ kiến trúc đến văn hóa. So với Mỹ thì Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Mùa Đông Tuyết rơi, Mùa Thu lá vàng…

Hỏi:  Anh cũng làm thơ?

Anh Khoa: Cười.. cũng có nhưng mà lúc này lo kiếm sống nên không thơ thẩn gì nữa..

Hỏi: Ở Mỹ, anh thích vùng nào nhất?

Anh Khoa: Bên Mỹ có nhiều cộng đồng Việt sống, vui vầy… Oregon là bang đẹp nhất mà tôi đã đi qua, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh um, bông hoa tươi và xinh đẹp. Tôi thích logo cây thông của tiểu bang này.

Hỏi: Bí quyết anh làm cách nào mà trẻ mãi không già, sức hát không gia giảm mà lại hay nữa?

Anh Khoa: Trẻ gì đâu anh? Tôi cám ơn anh quá khen, Khoa yêu mến những người khuyến khích cổ động mình hát, nhưng cũng có những người Việt chê trách: “Già rồi còn hát gì nữa! Về vườn cho rồi! Ngoại quốc có những người như Frank Sinatra (Mỹ) hay Paul Mc Cartney (Anh) hay Charles Aznavour (Pháp) có khi đến tuổi 80 vẫn còn trình diễn, phục vụ khán giả. Về cách giữ phong độ, Khoa không hút thuốc, không uống rượu, cố ăn uống lành mạnh.

Hỏi: Chương trình tối thứ Bảy rất hay vì anh hát hết lòng và một phần vì ban nhạc chơi cũng khá lắm, đúng không anh?

Anh Khoa: Dạ tôi lúc nào cũng cố lấy hết tinh túy, hát hết mình để phục vụ khán giả. Dù hát cho một người hay 100 người tôi cũng hát như vậy. Lương tâm chức nghiệp của tôi đòi hỏi tôi không làm khác hơn được. Khi mình dốc hết thể lực ra hát, khán giả sẽ không chán, không bỏ về. Anh biết vừa rồi tôi cũng phải bỏ tiền túi bo (pour boire/tip) cho thằng cháu (lead guitar) $100 đô cho nó chơi vì nó thuộc nhiều bài Việt Nam và bài Mỹ, đệm đúng melodies. Vì nhiều bài Khoa hát cũng rất khó đệm.

Hỏi: Cuối cùng anh còn ao ước, muốn nhắn nhủ với độc giả và khán giả điều gì không?

Anh Khoa: Khoa cũng xin cám ơn khán giả đã yêu mến Khoa. Khoa sẽ cố gắng tập luyện, giữ thể lực để đi phục vụ cho khán giả. Rất tiếc mình cô đơn, ở quá xa cộng đồng Việt ở đây so với các đồng nghiệp Khoa không thể đến với khán giả được. Ao ước của Khoa chỉ là ao ước thôi, là có một ban nhạc lớn và một người đỡ đầu (sponsor) để mình có thể đi khắp nơi trên thế giới trình diễn cho người ái mộ.

© 2009 Đàn Chim Việt

Phản hồi