Niềm tin
- Bố. Ra nhìn kìa, mau lên. – Diễm thì thào như tiếng muỗi.
- Lại là hắn! – Gã nhìn cái lỗ tò vò thầm thì.
- Hắn khiêng cái quỉ quái gì vậy bố? Dường như… hai trái bom thì phải!
- Hai bình khí đá của thợ máy, thợ hàn. Làm gì run dữ vậy? – Gã muốn cười trêu Diễm, nhưng thấy mặt vợ tái xanh, không đành.
Gã nhường cái lỗ tò vò bé tí cho vợ. Diễm kiễng chân nhìn.
Hắn đang mở cánh cửa đối diện, thầm thì cùng một kẻ lạ mặt và giao tiền.
- Lại đồ ăn cắp, chôm chỉa nữa đây. Có chạy đằng trời!
Cảnh này thường tái diễn hằng đêm, từ khi hắn dọn về đây, hơn ba tháng nay. Gã nhớ, đã quen hắn ngoài bãi đậu xe, khi đang sửa xe. Hắn bỏ đồ nghề, lân la trò chuyện làm quen. Vài điếu thuốc mời nhau, rồi thân mật hồi nào không hay.
Gã thuê chung cư, mười hai phòng này hơn ba năm. Chân ướt chân ráo, sống ở thành phố nhỏ, gã không mấy biết lối sống khá phức tạp khi dời về thành phố Vancouver miền biển, ấm áp này. Dọn vào, gã biết đang ở một nơi chốn lộn xộn nhất. Ba, bốn phòng, chủ là những cô gái ăn sương; những phòng khác là những chàng da đen nghiện hút, thích nghe nhạc rap kích động ồn ào, ra vào tấp nập.
Một hôm, hắn nhờ gã chuyển vài bộ phận máy xe đã tách rời, qua cánh cửa sổ phòng hắn sát bãi đậu xe. Gã sửng sốt! Phòng khách của hắn, cơ man nào là máy móc đủ loại, như một “ga-ra” bỏ túi. Cái treo chỗ này, cái móc bê bết dầu mỡ đen thui, cái bỏ trong bồn rửa chén nhơm nhớp. Tấm thảm phòng khách trơn trợt đầy dầu nhớt, vung vãi tàn thuốc lá, vỏ chai bia rượu, vỏ bánh trái bừa bãi khắp nơi. Không một cái bàn, ghế. Không một cái chén và ngay cả xoong nồi – một thứ cần thiết tối thiểu cho đời sống con người. Hắn lại xài thứ ánh sáng phát ra từ những bình xe hơi nhặt nhạnh từ bãi phế thải.
- Ông sống như thế này à, Ivan? – Gã tò mò hỏi, sau điếu thuốc mời bạn.
- Cuộc đời, đôi lúc thấy sống đó, nhưng chẳng phải gọi là sống! Nó chết, từ lúc con người đã hết mang ý nghĩa đúng là một con người nữa. – Hắn trả lời, vặn vẹo sống mũi.
- Ảnh ai vậy? Lũ trẻ thật đẹp. – Gã nhìn tấm ảnh, ba đứa con gái đứng sau thằng bé còn cầm bình sữa, treo trên vách, hỏi.
Hắn nhìn tấm ảnh trên vách, thoáng ‘hừm’, im lặng không trả lời. Đó là lần đầu gã biết sơ về gia cảnh hắn…
Một bữa nọ, với cái đầu tóc rối bù, đôi bàn tay cáu ghét đen dầu mỡ, từ trong nhà đi ra, vừa gặp gã, hắn nói ngay:
- Sắp đến ngày tận thế rồi mày biết không? Tivi mới vừa loan tin bên Mỹ. Ông thần gió nghịch ngợm tai quái, hết chỗ chơi, lại chơi ngang cuốn ngay nhà thờ, chẳng coi Chúa chiếc vào đâu! Con người thích thờ bái những điều tào lao! Thờ bao thế kỷ, mà ổng vẫn quật mình chết lên, chết xuống.
Hắn cười khè khè, vặn vẹo sống mũi liên tục. Gã nhìn hàm răng trên của hắn, bên trái trống hoắc trơ lợn, những cái răng còn lại đầy nhựa thuốc bám đen. Hắn tu một hơi, vặn nút chai, bỏ túi.
- Nhưng mà thằng Mỹ giàu bỏ cha! Bao nhiêu đó đâu có thấm thía gì nó. Còn thua xa cái thời nó đánh bom ở đất nước mày mà, phải không bạn? Thằng giàu nào mà chẳng láu cá, lưu manh! Nó không biết tai hại của chiến tranh, thì nó cũng nên biết thế nào là mất mát, là chết chóc như mọi con người. Mày thấy đó. Bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu xe cộ thế này, làm sao tầng ozon không lủng chứ. Ấy, chưa nói tới mấy cha lén lút thử nghiệm bom nguyên tử nữa a! Người ta kêu gọi hòa bình và người ta lại lập ra lò nguyên tử. Có chết chưa!
- Chậc! Ông sửa xe để làm gì? Ông cũng là một tội đồ, góp phần tiêu hủy trái đất.
- Hay! Vậy mày biết? Tao cũng muốn góp cùng ông trời một tay đấy chứ! Xã hội này, ngày càng ghê tởm quá đáng. – Hắn cười khè khè, vặn vẹo sống mũi, tự thưởng bằng hớp rượu lớn.
- Ông cũng “chơi” thứ “cỏ” này? – Gã hỏi hắn.
Hắn rít điếu thuốc liệng tàn, lấy cục “phó mát” trệu trạo nhai. Hắn tu ngụm rượu đưa cay, nhún vai.
- Ma túy, đôi lúc cũng giúp được nhiều điều, khi mình thất vọng nhìn hướng đi phía trước.
- Rồi tiền đâu ông hút? – Gã tỏ vẽ thân mật và thấy mình… vô duyên. Gã nhổ bãi nước bọt còn vấy tí máu. Xoa xoa bên má cảm nhận da thịt, sau ba giờ thuốc tê đã tan.
- Cái mặt mày sao sưng dữ vậy? – Hắn nhìn má trái gã, hỏi.
- Cái răng hư nó hành suốt chiều hôm qua, ông ạ. – Gã lúng túng.
- Hồi hôm tao gặp mày, thấy có sưng đâu? Coi kìa, có vết bầm nữa. Ai đã đánh mày? Nói đi… Tao giúp mày trả cái thù này. – Hắn không cười, nhưng vặn vẹo sống mũi, mạnh hơn.
- Ông thích đùa nhỉ? Chúng ta… – Gã cảm động ngập ngừng.
- Đùa? Một trăm bạc! Một trăm bạc thôi, mày nghe không? Cái mặt thằng đó sẽ như cái mền! Thêm tiền, sẽ thêm thẹo trên thân thể nó. Mày nghe chưa? Tiền! Xã hội nào, cái gì cũng phải tiền, kể cả bạo lực! Chỉ Vatican, là nơi thích nói điều tốt đẹp nhất trên cỏi đời này.
Gã thoáng bàng hoàng.
- Đồng hương à? – Hắn hỏi tới, gã miễn cưỡng gật đầu.
- Mày có đánh trả?
- Không.
- Kể cả đánh người?
- Ông mâu thuẫn rồi đó, Ivan! – Gã bật cười. Hắn cười theo, vặn vẹo sống mũi liên tục, bức rứt.
- Mẹ kiếp! Lưu vong như tao với mày, cũng đúng và cũng ngượng. Đồng hương thì ăn hiếp nhau, ném bùn nhau, hãm hại nhau nếu được dịp. Nhưng gặp thằng Tây nhà giàu thì rõ ra chẳng ai lịch sự, hòa nhã bằng. Cái dân Ba Lan tao cũng vậy! Thằng chạy trước, nhìn thằng đi sau bằng cặp mắt, qua những chiếc xe mới, những cái nhà to vừa tậu được, những bằng cấp… Đời cũng là một trò đùa lớn đấy chứ? Bởi thế, tao nói với mày, thằng nào cà chớn là cứ đục bỏ mẹ!
- Chúng tôi là những đồng hương. Vạch lưng cho người bản xứ xem cái xấu xa của mình là điều không nên, không đáng làm. – Gã chống chế yếu ớt.
- Khììì! Đồng hương chó! Sao, có muốn… thịt nó không? – Hắn thêm sỗ sàng.
- Tôi nghĩ, gã đồng hương này, không đáng để tôi bỏ ra một trăm. Gã rẻ bằng giá bán một tờ báo mà tôi làm đại diện. Những người thích sử dụng bạo lực hoặc ưa bạo hành lời nói là những người có tri thức và mặc cảm lý luận thua kém kẻ đối diện. Hoặc tôi nghĩ, chuyện xảy ra có lẽ do ngộ nhận?
- Ngộ nhận!? Cái mặt mày cũng đẹp đấy chứ. Tao không lý giải tào lao như mày. Thằng nào đánh tao một, tao đập nó lại mười. Có chết cũng phải đập!
- Ông tin điều ấy? Cứ dây dưa thù hận mãi, đến bao giờ mới dứt? Sống, phải có niềm tin vào lẽ phải, Ivan ạ. Thời buổi văn minh, có đủ pháp luật, cứ dùng sức mạnh, tôi e lạc hậu và dã man quá!
- Khììì! Niềm tin?
Hắn đưa chai lên tu một ngụm rượu. Mắt hắn giờ đỏ kè, rơm rớm muốn khóc. Hắn ngập ngừng, tu thêm ngụm nữa cạn đáy, thong thả đóng nút, cẩn thận bỏ cái chai không vào túi. Gã cũng thong thả, mồi thuốc. Chờ…
- Cũng vì niềm tin, tao đến nông nổi này. Vợ mất, con mất, việc làm mất và cuối cùng căn nhà cũng mất. Đồng hương nó hại tao, mày biết không? Tao tin bạn, tin con vợ khốn nạn và ngu xuẩn. Hức, hức…
Hắn ngừng, cố nén tiếng nấc.
- Thân tao thì chẳng ngán gì, chỉ tội cho thằng bé. Thừa lúc tao đi làm thêm giờ, con vợ nó cắm sừng tao. Tao bắt được, đánh nó vài trận. Nó khóc xin chừa. Nhưng chứng nào tật nấy! Ngựa quen đường cũ, chó ngữi cột đèn. Dường như, tao không đánh thì nó sống không ra người vậy! Thằng kia. Phải, cái thằng đồng hương dạy nó thế nào là tự do, thế nào là nhân quyền, bình đẳng. Vì thế, tụi nó càng ngày càng tự do… lén lút thông dâm. Tự do. Cái gì là tự do? Nó có hiểu tự do là gì! Nó kiện tao ra tòa. Tao thua, thua trắng. A ha! Cái gì là xã hội bình đẳng, nhân quyền? Nó có lỗi, tao cũng có lỗi. Tại sao khi hầu tòa tao lại thua và mất tất cả? Quan tòa bảo tao không tội, ngoài tội hành hung vợ. Tao không được nuôi con. Đó, thêm một điều vô lý của luật pháp xứ này. Vợ tao cũng có tội vậy. Tội cắm sừng, phản bội, lừa chồng. Nhưng chưa hết, nó đòi bán nhà chia hai để nuôi thằng đồng hương. Còn tao, phải nuôi bốn đứa con, trả tiền hàng tháng để nó tha hồ ong bướm. Mày nghĩ có tức không? Vì thế, tao dại gì đi làm nữa. Tao bỏ việc. Tao phải ăn bám chính phủ suốt cuộc đời, khỏi phải nai lưng đi cày chết xác, đưa tiền cho con vợ nuôi con. Xã hội này bênh vực con đàn bà thông dâm kia, thì tao cũng phải trả thù cái xã hội này. Xã hội này, phải có những thằng như tao! Không có không được! Không có tao, thì cái xã hội này… hỏng. Mày hiểu chưa? Tao phải trả thù! Hức hức…
Hắn vẫn nói lảm nhảm, nhưng gã không nghe hết những lời lẽ của gã da trắng di dân bất hạnh này. Gã chợt rùng mình, nghĩ đến sự trả thù của con người khi bị mất trí, và vô tình gần giống như một bản năng thú vật sinh sản giữa loài người. Một con dao xuyên suốt tim trong những quán rượu, có nhạc xập xình điên loạn? Một cây súng ngắn có gắn ống hãm thanh và những khung cửa kính bập bùng giam kín đồng lõa khi có tiếng nổ? Một cái cây móc đinh khệnh vào đầu, trên một con đường tăm tối nào đó trong thành phố, ngoài ngoại ô?
- Ông đã trả thù? – Gã hỏi.
Hắn ngừng nói, nhìn gã đàn ông nhỏ thó, đăm đăm, qua ánh mắt trong suốt màu hạt dẻ với những lằn gân máu, vằn vện. Cặp mắy ấy thoáng u buồn của kẻ tha hương mất đi đời sống đích thực của con người, chút linh động, thoáng nét ác hiểm của kẻ luôn tranh đấu, vật lộn đời sống.
Hắn đứng dậy, gãi cái đầu bờm xờm đầy mỡ trơn bóng. Hắn vặn vẹo sống mũi đến đỏ lừ, nổi hột. Chợt nhiên, gã sợ vu vơ ánh mắt ấy. Gã chào hắn lí nhí trong mồm, dắt con bước đi nhanh, tai vẫn nghe loáng thoáng hắn lầm bầm:
- Tao chưa trả được thù. Tao phải trả thù. Tao… phải trả thù đờời!
&
- Ông sửa cái ổ khóa này bao nhiêu, Ivan?
Bàn tay sần sùi đầy dầu nhớt cáu bẩn của hắn, sờ cái lỗ trống hoắc sước vài đường sơn, như cái mồm trống hoắc của hắn đang hả ra cười khè khè, tay vặn vẹo sống mũi, an ủi gã:
- Mày may mắn đấy nhé. Nhờ nóng nảy, mày đục mạnh tay nên nó vỡ nhanh, không hư hại cái lỗ mấy. Tao đề nghị… cái gì phá phải sửa. Mày đã phá vỡ cái ổ khóa này, thì phải biết sửa và từ từ sửa. Mày chịu khó gò nó lại. Mày dùng búa đập nó được, thì mày cũng dùng búa gò nó lại được, ô-kê? Nếu mày không nhẫn nại lần nữa, nó sẽ toác hoắc, tốn thêm tiền. Phải nhẫn nại, bạn thân mến của tôi. Sự nhẫn nại nào mà chả làm nên cơm cháo, dù là ít ỏi cháo cơm! Có còn hơn không! Tao sẽ đi ra nghĩa địa xe tìm mua ổ khóa khác về thay. Mày chỉ vặn ba con ‘bù lon’, tốn ba phút là xong. Dễ ợt! Khè khè…
- Bao nhiêu?
- Hai mươi lăm tì, bạn thân mến của tôi. Khè khè, bạn bè tao chỉ lấy chừng ấy…
Gã ngẩn ngơ, thoáng chút cảm động lãng đãng, nghĩ: Chút nữa bị lỗ. Kêu mấy cha thợ làm ổ khóa chuyện nghiệp, nó chặt ít nhứt cũng bốn chục. Nóng nảy, đôi lúc cũng cứu tí tiền còm!
&
- Thằng cha thiệt xạo! Mình lắp cả buổi chưa xong ổ khóa, vậy mà, chả đoán chắc mình lắp không quá ba phút! – Gã lầm bầm, gạt mồ hôi trán nhễ nhại.
- Thế nào? Khè khè… mày dở quá, bạn thân mến. – Hắn xuất hiện như ma, gã thoáng giật mình. Hắn nhìn ổ khóa gã đang lắp, lắc đầu:
- Không phải thế này. Mày lắp chưa chính xác nên khóa chưa ăn khớp. Lấy ổ khóa ra, tao chỉ cách lắp. Cả một nghệ thuật… sửa xe đó, bạn thân mến!
Gã làm theo, méo mặt chịu thua.
- Vậy mà ông nói chỉ cần dăm phút!
- Tại mày chưa từng trải, chưa kinh nghiệm đời nên lơ mơ đấy thôi. Đời mà, bạn thân mến! Phải chịu khó học hỏi chứ. Mày chỉ mới lắp có một ổ khóa, đã than khó rồi! Từng tuổi này, qua kinh nghiệm, tao từng lắp biết bao ổ khóa.
- Ông lại bông lơn, lắp giùm tôi nhá.
- Í… Giùm sao được, bạn thân mến! Cả một nghệ thuật mà… không tính tiền à? Giỡn chơi bạn… – Hắn cười, thống khoái.
Gã thở dài, hỏi giá cả. Hắn đòi thêm mười đồng, cam kết lắp ổ khóa không tới ba phút. Hắn lập lại lời nói, bằng đôi tay dầu mỡ cáu ghét, thoăn thoắt.
Kìa, chưa tới ba phút cái ổ khóa làm việc bình thường. Gã trố mắt nhìn đôi tay phù thủy lẹ làng đầy khâm phục. Hắn cười khè khè, vặn vẹo sống mũi nhận tiền, đút nhanh vào cái bọc to tổ bố thường đeo trước bụng như vật bất ly thân.
- Mày thấy chưa? Cũng bao nhiêu động tác ấy, tao làm được và mày thì không. Tại sao? Bởi mày còn quá non tay, lại nóng tính, tâm chưa yên, không nghe những gì tao nói đã vội muốn làm ngay, không đắn đo suy nghĩ trước khi hành động. Đời mãi mãi là một bài học thích thú chỉ dành cho những kẻ nào muốn học. Tao đi… ăn tiệm đây. Bye!
Gã nhìn theo dáng hắn xiên ngã. Gã tính ra ổ khóa cũng không rẻ như gả tưởng. Gã lẩm bẩm:
- Mình có đúng là non tay như hắn nói? Hừm, con người đôi lúc xuẩn nhưng cứ ngỡ rằng mình thông minh hơn thiên hạ!
&
Suốt mấy hôm, gã cố tìm hắn. Gã hỏi quản lý chung cư, biết hắn đã dọn đi. Hôm lắp ổ khóa, gã chợt nhớ hắn chỉ đưa một chìa khóa. Ngày hôm sau, chở Diễm đi làm, lượt về gã thấy cửa sổ nhà hắn để he hé, buông màn. Gã đẩy cửa đun đầu vào. Gã sửng sốt há miệng mắc quai không thốt nên lời. Hắn nhìn gã đăm đăm, mặt tái mét hằn học, đe dọa như kẻ điên sắp giết người.
Phòng khách nhà hắn đã dọn dẹp sạch sẽ, tấm thảm được trải phủ lên những lớp giấy báo vuông vức, rộng cả cái phòng. Trên những tờ báo, gã thấy cơ man là tiền. Những tờ giấy bạc thẳng thớm vấy chút dầu nhớt đen đúa, được hắn cẩn trọng xếp theo thứ tự bằng những con số từ nhỏ tới lớn.
Ôi chao… Hắn đang hong tiền! Hay hắn đang đếm, ngửi, nhìn những tờ giấy bạc!
Gã chợt nhớ, và cứ ngỡ rằng, chỉ trong văn học dân gian Việt Nam mới có cảnh này. Gã từng đọc qua, người ta phơi tiền như hong lúa, trước khi bỏ vào bồ! Dân tộc nào càng khổ nghèo, càng thích giữ tiền mặt trong nhà, như một ám ảnh nào đó đã từng đi qua trên xứ sở họ. Gã nghĩ thế. Gã đâu biết đã làm điều tội lỗi, đã phá thối cái giây phút thiêng liêng nhất của một người… nghèo… là hắn! Hắn vơ vội những tờ giấy bạc, hấp tấp bỏ vào cái bọc thường đeo trước bụng.
Hắn gầm trong họng:
- Sao không gõ cửa? Mày lịch sự nhỉ? Đồ chó đẻ! – Hắn nhìn gã không một chớp mắt, đe dọa, đôi môi càng run run, lẩm bẩm. Hắn kéo “phẹc mơ tuya’”cái bọc trước bụng, động tác nhanh như một tay ảo thuật rành nghề.
- Xin lỗi ông, tôi không thấy gì cả! – Mặt gã cũng tái mét như hắn, môi run run, cổ khô khát như chưa từng. Gã biết, tim mình đang đập nhịp hỗn loạn khi nhìn những tờ giấy xanh đỏ, mà gã biết suốt cuộc đời, có cầm cày khổ cực cũng không bao giờ có một khoảng góc nhỏ của đống bạc ấy.
- Mày không thấy! Mày mà không thấy à? Fuck you! Mày nói láo, Vũ! Tao sẽ bẻ gãy cổ mày, móc mắt mày, cắt lưỡi mày, đục thủng hai lỗ tai mày. Tao… tao sẽ giết mày, nếu mày đi nói tùm lum,tà la!. – Hắn gầm gừ, nhai từng âm thanh trèo trẹo, đút vào cục yết hầu lên xuống liên tục, đôi mắt long lên, tay vặn vẹo sống mũi liên tục, bực bội.
- Quả thật, tôi không thấy gì cả. Có phải ông đang… – Gã kéo cửa, đẩy hai tiếng “Fuck you”, trả về miệng hắn.
&
Tối hôm ấy, hắn âm thầm dọn đi nơi khác. Trước khi đi, hắn ăn cắp bốn cây cần câu, thùng đồ nghề câu cá, hai cái lò nấu bằng dầu hôi ngoài trời, cùng bốn đôi ủng đi mưa mà gã thường bỏ trong cốp xe. Gã vừa mừng, vừa xót xa, dù không đáng bao nhiêu để kêu cảnh sát.
&
Buổi sáng cuối tuần, gã chở vợ đi chợ. Đã lâu lắm, gã ít lai vãng khu phố Tàu đông đúc.
Người Hoa đi đến đâu, mang theo sự phồn thịnh và tấp nập đến đó; và dĩ nhiên, họ mang theo cả những rác rến dơ bẩn từ bên bờ Á châu sang. Gã tránh lai vãng phố Tàu là thế.
- Khúc đường dưới kia người lắm thế, Hùng?
Hùng, chủ tiệm vàng, nơi lâu lâu gã ghé thăm bạn, nói:
- Đó là những anh hùng thời đại đã hết thời! Họ đứng xếp hang, chờ ăn “cơm tiệm” nhà nước phát chẩn. Cái xứ gì thiệt sướng đến kỳ cục. Mẹ cha nó! Đã đi ăn xin, ăn chực, mà còn chê lên chê xuống, khi đồ ăn không ngon bằng nhà hàng; có hôm còn đòi biểu tình nữa chớ! – Hùng rót càfê, tiếp. – Moa lo làm ăn bù đầu với khách. Từ lúc mở tiệm, bạn bè ít lui tới, nghĩ mà buồn!
- Có những cái buồn đáng mừng. Đó là niềm hạnh phúc! Toa không làm, cứ đàn đúm lấy đâu ra tiền để trả căn tiệm? Ấy, đó mới chính là chìa khóa của vấn đề…
Nhắc đến “chìa khóa”, tự dưng gã linh tính điều gì đó. Gã đứng bật dậy, mở cửa lao nhanh ra ngoài. Hắn đứng gần hàng đầu, chăm chăm nhìn khay thức ăn phát chẩn, tay vặn vẹo sống mũi, như thói quen.
- Ivan ! Ivan…
Gã đưa tay vẫy, chạy sang bên kia đường, tiếp tục gọi.
Hắn nhìn dáo dác, thấy gã đang chạy tới. Hắn hoảng hốt rời hàng. Hắn chạy. Hắn chạy… bỏ của lấy người. Hắn chạy bất kể xe cộ ngược xuôi trên đường.
Ivan! Ivaaan…
Hắn, lủi nhanh như sóc, luồn lách trơn truột hơn trạch, mất dạng tăm hơi giữa phố Tàu nườm nượp đầu người.
&
Trên đường về, gã nghĩ ngợi về những điều “thằng” Ba Lan đã nói, đã làm; và điều chính mắt gã vừa thấy.
Gã nghĩ ngợi về niềm tin.
Có thật rằng:
Khi mất niềm tin, con người mất tất cả?
© Vũ Đình Kh.