WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lại nói về xã hội, pháp luật và chính trị

Đây là ba ý nghĩa thực tế, thiết yếu nhất của đời sống con người mà nhiều người có lẽ chưa thấy hết. Bởi cái thấy ở đây phải là cái thấy về chiều sâu, không phải chỉ nông cạn, giản đơn hoặc hời hợt. Vì trước hết khái niệm xã hội gắn liền với khái niệm con người, chính là điều đơn giản, song lại quan trọng nhất. Xã hội được tạo nên bởi mọi con người cụ thể đang sống trong những thời điểm nào đó mà không là gì khác. Mỗi cá nhân luôn có vòng đời của mình, tức tuổi thọ nhất định nào đó, và chính các vòng đời đó họp thành xã hội, nhưng rất nhiều người không để ý. Có nghĩa xã hội thực chất cũng giống như một sân chơi, mọi người đều đến và đi trong những thời điểm cụ thể, và sau đó, xã hội là xã hội của những người còn lại, mà không còn là xã hội của họ.

Một đất nước hay quốc gia cũng thế. Nó luôn luôn là sự kết nối của những lớp người, những thế hệ sinh sống trên đó kế tiếp nhau. Có nghĩa là một xã hội thu nhỏ, một xã hội của một lãnh thổ hay của một dân tộc tồn tại trường cửu nhất định. Thành phần của đất nước như vậy là những công dân. Cái khung của đất nước đó chính là nhà nước, là chính quyền, là pháp luật, hay nói khác đi là mỗi chế độ chính trị nào đó. Thế thì rõ ràng xã hội luôn luôn gắn với luật pháp, và luật pháp thì luôn chịu tác động hay thuộc về một màu sắc chính trị cụ thể. Nói như vậy cũng để thấy rằng giữa xã hội, luật pháp, chính trị có mối tương quan gắn bó một cách khách quan, tự nhiên, nhưng trong đó mỗi cá nhân con người cụ thể vẫn là những nền tảng thực tế và căn cơ nhất, như trên kia đã nói. Điều này cũng có nghĩa xã hội, luật pháp, chính trị luôn luôn chỉ là tương đối, chuyển biến tất yếu theo thời gian, không phải là những ý nghĩa hoàn toàn tuyệt đối, như có thể có một số người nào đó vẫn thường ngộ nhận.

Nói như vậy cũng để thấy rằng cái quyết định cho xã hội, luật pháp, chính trị, chính là bản thân những con người cụ thể trong cuộc sống cộng đồng chung, mà không là cái gì khác. Đây chính là nguyên tắc cái riêng làm nên cái chung, cái yếu tố làm nên cái tổng thể, cái thành phần làm nên cái tổng gộp, mà không hề ngược lại. Cho nên mỗi cá nhân con người sống luôn cần phải có yếu tố kinh tế và văn hóa. Đó cũng là lý do tại sao xã hội phải phụ thuộc vào kinh tế, văn hóa, và tất nhiên kể cả pháp luật và chính trị cũng phải đều như thế. Nói khác đi, chất lượng của xã hội chính là chất lượng của kinh tế và văn hóa, chất lượng của pháp luật cũng như của chính trị cũng đều là như thế, đó là quy luật chung muôn đời, mọi người không thể không biết đến. Bởi kinh tế là sự hoạt động tạo ra của cải, lợi ích của mỗi cá nhân để nhằm phục vụ chung cho xã hội, pháp luật là cái khung sườn pháp lý mà chính mọi cá nhân cùng tạo ra, cùng bắt buộc tôn trọng để làm nền nếp, mang lại sự ổn định cho xã hội, còn chính trị là hoạt động tổng thể về cơ chế chung để bao quát mọi yêu cầu phát triển cần thiết cho toàn xã hội.

Nói cá nhân mỗi con người tạo ra tất cả những điều đó, là nó trong tính cách nó vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Đối tượng là cái chung nhất, tức không loại trừ một ai, nhưng chủ thể lại không phải vậy. Bởi đối tượng là cái được nhắm đến của những điều đã nói, còn chủ thể là cái tạo ra những điều đã nói. Bởi đương nhiên ai cũng phải làm kinh tế, cũng phải hoạt động đời sống mọi mặt trong xã hội, nhưng làm ra luật pháp, thực hành chính trị, quả nhiên chỉ có những người chuyên môn, những kẻ chuyên trách, những người chuyên nghiệp, hoặc những người đại diện, đại biểu cho các đơn vị tập hợp nào đó, mà không phải mọi người đều có thể nhất loạt cùng hè nhau làm tất cả mọi việc đã biết. Đó chính là nguyên tắc của nền dân chủ. Dân chủ không phải chỉ một người, hay một thiểu số nào đó quyết định, cũng không phải tất cả mọi người đều cùng quyết định, nhưng chính các thành phần đại biểu đúng nghĩa nhất quyết định. Nói như vậy cũng để thấy rằng tính cách đại biểu luôn đi đôi với tính cách dân chủ trong xã hội. Bởi nếu trong chế độ quân chủ phong kiến, vua quan là những người quyết định duy nhất, thì trong nền dân chủ đúng nghĩa, chính toàn thể nhân dân quyết định duy nhất, song thông qua chính những đại biểu do họ thật sự quyết định lựa chọn.

Song đây không phải là điều hoàn toàn đơn giản, dễ hiểu, nên có thể vẫn có nhiều người chưa hiểu. Chính vì chỗ chưa hiểu đó nên xảy ra hiện tượng khinh dân, coi thường dân. Có nghĩa coi dân là những người không biết gì, kiểu dân ngu khu đen, nên mình được quyền lèo lái, lãnh đạo theo ý muốn, tự cho mình là thành phần tối ưu, thành phần nổi trội hay trội vượt hơn mọi người khác, nên mình phải thay mặt họ, nhưng không thể để họ tự quyết định. Điều này thực chất không hoàn toàn sai, nhưng ngược lại cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì dân chủ là nguyên lý mà không phải chỉ là thực tế hay lý thuyết. Điều này có nghĩa nguyên lý bao giờ cũng quyết định thực tế và lý thuyết mà hoàn toàn không thể có điều ngược lại. Bởi nguyên lý là ý nghĩa giá trị khách quan khoa học, là điều không thể khác, còn lý thuyết hay thực tế có thể là những cảm quan nhất thời, có thể phù hợp hay đúng với nguyên lý trong các thực tế nào đó, nhưng không bao giờ đúng thường xuyên hoặc đúng vĩnh cửu. Cái đầu là cái gốc, cái sau là cái ngọn. Gốc bao giờ cũng sinh ra được cành nhánh, nhưng không bao giờ là điều ngược lại.

Cho nên mọi người sinh ra đều bình đẳng trong xã hội, nhưng quản lý xã hội, lãnh đạo xã hội luôn phải cần những thành phần trội vượt, những phần tử ưu tú, tài năng, nhưng không thể chỉ kiểu cá mè một lứa. Đây là một ý nghĩa hoàn toàn thực tế, khách quan, vì nói ngược lại điều này chỉ có nghĩa là chủ quan, là giả dối, là mỵ dân, không phải có ý nghĩa hoặc giá trị đúng đắn hoặc hữu lý. Đó là lý do tại sao từ các xã hội cổ xưa cho đến hiện đại, bao giờ những người ra làm quản lý đời sống chung, tức giới làm quan, làm công chức cũng phải là người có hiểu biết, có học, có chuyên môn, được đào tạo, không phải ai ai cũng tự tiện thò tay vào được. Có nghĩa nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc văn minh, nguyên tắc trật tự vẫn là nguyên lý muôn đời của xã hội loài người, và không bất kỳ ai có lý do gì khác để đi ngược lại cả. Cũng chính trong ý nghĩa và nhu cầu đó mà mọi nền giáo dục đúng đắn, mọi ý nghĩa văn minh thực chất, mọi trật tự hữu lý đều phải mang tính chất tự do, dân chủ, khoa học khách quan thật sự, mà không thể lệch lạc, chủ quan, phản dân chủ, phản tự do, hoặc mờ tối như thế nào đó. Đó cũng chính là ý nghĩa của tính chân lý, tính hiệu quả, mà không bất kỳ ai có thể nói khác, đi ngược, hay phủ nhận lại được.

Cũng chính trong ý nghĩa đó mà bất kỳ lý thuyết nào cho giai cấp là động lực của phát triển xã hội, cho luật pháp, cho nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị, là sản phẩm của ý hệ giai cấp, thực chất đều không có cơ sở khách quan khoa học, hay thậm chí gọi được là ngụy thuyết, vì các lý do như trên đã nói. Có nghĩa kinh tế là nhu cầu cơ bản của xã hội, nhưng thực chất bản thân nó không có gì là huyền bí cả. Mục đích hay đối tượng của kinh tế là nhằm tạo ra sản phẩm, tạo ra dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết hiện có của xã hội. Đó là tính cách con người, tính cách nhân bản của kinh tế. Kinh tế là nền tảng, là cơ sở của ý thức, tinh thần của cá nhân cũng như của xã hội, nhưng kinh tế không thể tự biệt lập hoặc là nguyên do tạo ra duy nhất của cái do nó làm nền tảng hay cơ sở. Có nghĩa chủ nghĩa thuần túy duy vật, thuần túy duy kinh tế không hề là một quan điểm thật sự có tính nhân văn hoặc hoàn toàn sáng suốt. Điều đó cũng có nghĩa giai cấp là do bản thân các cá nhân tạo nên, không có giai cấp theo kiểu như một phạm trù hay bản thể nào đó có tính tiên quyết, hay tiên thiên, vì đó chỉ là ý nghĩa huyền thoại, huyền hoặc, không khách quan, khoa học, hay thậm chí hoàn toàn mê tín.

Chính kinh tế tạo nên văn hóa, nhưng ngược lại văn hóa cũng là nền tảng của kinh tế. Nói khác đi, đây là mối tương quan qua lại hai chiều, không thể có cái này nếu không có cái kia, nên tuyệt đối hóa vế nào trong cả hai đều chỉ là phiến diện hoặc què quặt. Bởi kinh tế luôn luôn là ý nghĩa cụ thể, nên phát triển kinh tế tất yếu phải dựa vào khoa học, kỹ thuật. Còn văn minh, văn hóa là ý thức, tinh thần, nên phát triển văn hóa, văn minh không phải chỉ dựa vào vật chất, kinh tế, mà còn dựa vào ý thức, tinh thần, cũng là điều chính yếu hay cũng mang ý nghĩa và giá trị quan trọng không kém. Nói như vậy cũng để thấy kinh tế, vật chất không thể bao giờ là mục đích tối hậu, mà thật sự nó chỉ là phương tiện cần thiết, cả phương diện cá nhân cũng như xã hội. Chính ý nghĩa của tinh thần, ý thức, văn hóa, văn minh mới là mục đích. Đó là điều không thể nhầm lẫn. Bởi nhầm lẫn là rơi vào quan điểm duy vật, duy kinh tế hoàn toàn hoặc hết sức dung tục, vô lý và tầm thường. Cho nên, trong ý nghĩa đó, giai cấp là đối tượng phải quan tâm của xã hội, mà không phải là đầu tàu hay động lực, như là một số quan niệm lâu nay vẫn nhầm lẫn. Có nghĩa các quan điểm coi giai cấp như là ý nghĩa tiên thiên, coi ý thức giai cấp như là động lực của lịch sử, thật sự chỉ mang tính cách siêu hình, huyền hoặc, phi thực tế, phản khoa học, có tác hại đến chính giai cấp và xã hội hơn là hữu ích hoặc có lợi.

Lý do tại sao, vì ý nghĩa chung của xã hội luôn luôn là ý nghĩa vĩ mô mà không là ý nghĩa vi mô. Ý nghĩa vĩ mô là ý nghĩa của cộng đồng, của tổng thể. Trong khi đó ý nghĩa của vi mô là ý nghĩa của cá thể, của riêng tư, của sự đặc thù, và của tính phiến diện. Mọi sự quan hệ vi mô có thể khập khiễng, tương đối, không lý tưởng, thiếu sót, không đầy đủ, và khuyết điểm. Nhưng ý nghĩa của quan hệ vĩ mô phải luôn luôn cần hướng tới chỗ lý tưởng, tức là tới tính kết quả đầy đủ, tối ưu, hoặc trọn vẹn nhất. Điều này chẳng khác gì mọi giọt nước, mọi ngòi lạch nhỏ đều phải chảy về các dòng sông và trôi ra biển, đó chính là nguyên lý. Trong ý nghĩa đó cũng thấy rõ nước chảy xuống, lửa bốc lên, chính là những nguyên lý khách quan làm cơ sở không những cho thiên nhiên mà cả toàn bộ đời sống xã hội của con người, là nguyên lý đời đời không thay đổi trong lịch sử, để thấy được nguyên lý quan trọng và cần thiết ra sao như trên kia đã nói. Đó cũng là ý nghĩa của khoa học, tức tìm ra các nguyên lý, các cấu trúc khách quan của sự vật để nhằm đạt đến mọi kết quả thiết yếu nhất, mà không phải chỉ dựa vào cảm tính, vào thói quen hay kinh nghiệm thực tế. Đó cũng chính là yêu cầu của xã hội, của pháp luật, của chính trị, mà ngay từ đầu đã nói.

Như thế, đến đây cũng thấy được rõ ràng xã hội là cái gốc, còn pháp luật chỉ là cái trung gian, và chính trị thực chất chỉ là cái ngọn. Bởi xã hội là căn bản, là cơ sở của tập hợp những con người. Chính tập hợp của những con người cụ thể, khách quan đó làm nên kinh tế, làm nên pháp luật, làm nên chính trị mà không là gì khác. Pháp luật thật sự chỉ là cái trung gian cần thiết, bất kỳ ở đâu, thời nào, xã hội nào đều cần phải có. Kinh tế, văn hóa cũng vậy. Nhưng chính trị quả thật chỉ là sản phẩm thuần túy, là công cụ thuần túy của tất cả những cái đó mà không hề là mục đích. Có nghĩa thực chất chính trị chỉ là công cụ để phục vụ xã hội mà không phải là mục đích để bắt ép hay nắm đầu xã hội. Nói khác đi, chính trị là công cụ hiệu quả nhất để điều hòa giai cấp, tức điều hòa các lợi ích và quyền lợi của giai cấp, không phải là công cụ của giai cấp hay mục đích của giai cấp như có lý thuyết đã chủ trương hoặc phản ánh một cách hoàn toàn phi khoa học và không thực tế. Đó chỉ là một quan điểm mang tính chất của lý thuyết siêu hình như trên kia đã lý giải. Đây cũng chính là ý nghĩa cần nên mổ xẻ và phân tích. Bởi vì vấn đề ở đây là ý nghĩa khoa học, khách quan, hiệu quả trong thực tế, mà không phải chỉ cảm tính, siêu hình, chủ quan, hoặc phản khoa học hay phi khoa học.

Bởi tại làm sao, là bởi cái lo kinh tế luôn luôn là cái lo riêng, còn cái lo pháp luật, xã hội, chính trị lại luôn là cái lo chung không thể nào khác được. Cho nên mọi cái lo riêng không thể nào bất chấp hoặc đi ra ngoài hay vượt lên cái lo chung, là điều không thể bao giờ được cho phép. Đó cũng là ý nghĩa tại sao pháp luật phải cần khách quan, vô tư, và chính trị thì không thể đồng thời cùng lo về kinh tế được. Vì pháp luật mà không khách quan, vô tư, khoa học, thì phản pháp luật, phản hiệu dụng, vì sẽ tạo ra sự bất công, sự phản xã hội, sự mất niềm tin vào pháp quyền, và khiến xã hội sẽ loạn, vì phá nát cái khung sườn lý tưởng, chung nhất, mà mọi người phải tin cậy, phải nương theo đó. Cũng vậy, chính trị mà cùng lo về kinh tế là phi chức năng, phản chức năng, hoàn toàn không cần thiết, vì như vậy cũng đã đánh mất ý nghĩa tổng quát, chung nhất của chính trị. Vả chăng, đó cũng là lợi điểm, là cơ hội hay điều kiện thuận lợi để các cá nhân có thể làm giàu hoặc tham nhũng. Vì trong tính cách nhập nhèm, nhá nhem giữa hai lằn ranh, sẽ không biết đâu là thực chất, không biết đâu hiệu lực hoặc kết quả mà tất yếu cần phải luôn luôn phân biệt. Lý do, vì làm chính trị thì không thể nghĩ đến cá nhân, không có quyền nghĩ đến cá nhân. Muốn nghĩ đến cá nhân, muốn vì quyền lợi cá nhân, tất yếu phải làm kinh tế, không thể cùng nhập nhèm được cả hai, đó là điều cấm kỵ tự nhiên, mang tính cách lý tưởng phải có, hoặc ý nghĩa hay giá trị cần thiết, mà ai ai cũng phải biết.

Cho nên, giai cấp thực chất là giai cấp kinh tế, không thể là giai cấp chính trị, bởi giai cấp mà chính trị thì cũng thủ tiêu chính trị, không còn ý nghĩa cần thiết, tự nhiên, đúng đắn, khách quan của chính trị nữa. Vì thực chất, ý nghĩa, mục đích hay chức năng của chính, trị chính là ý nghĩa, mục đích, hay chức năng về xã hội, mà không thể thuần túy chỉ là kinh tế. Kinh tế chỉ là một bộ phận, một lãnh vực của xã hội, nhưng không bao giờ và không thể nào bao quát cả toàn xã hội. Điều này có nghĩa giai cấp nào phải cần được quan tâm nhất trong xã hội, đó cũng là mục tiêu quan trọng của chính trị, mà không thể coi thường hoặc bất chấp. Bởi chính trị nắm trong tay công cụ pháp luật, nếu không làm được điều đó thì lấy gì để trông cậy, còn ai tin tưởng được, và chính trị cũng tầm thường hóa, đánh mất mục tiêu hay chức năng phải có của chính mình. Nói cụ thể, minh bạch hơn, trong bất kỳ xã hội nào, giai cấp công nhân và giai cấp công nhân là hai giai cấp cần phải được quan tâm hàng đầu nhất của mọi người làm chính trị chân chính, của mọi nền chính trị chân chính, nếu thực chất không phải là sự nhân danh, sự lợi dụng, sự lơ là hay thậm chí là sự phản bội lại họ. Đó không những là ý nghĩa khoa học, ý nghĩa xã hội, mà còn là ý nghĩa nhân văn một cách khách quan(1).

Vậy thì thực chất, người công nhân và người nông dân đúng nghĩa đều là những người làm kinh tế mà không bao giờ là những người làm chính trị. Bởi khi họ làm chính trị được một cách thật sự hiệu quả, có nghĩa họ phải trở nên chuyên nghiệp, phải trong tính cách như những đại biểu được lựa chọn, tức phải có năng lực hay ý thức chính trị, phải có tri thức thật sự, còn không chí ít họ phải có học, có chuyên môn, có đào tạo để trở thành công nhân viên chức của nhà nước, của các đoàn thể chính trị, có nghĩa họ cũng đã mặc nhiên thoát ly hay tạm thời rời bỏ giai cấp vốn có của chính họ. Đó là ý nghĩa hoàn toàn khách quan, tự nhiên, vì nói ngược lại chỉ là giả dối, là mị dân, là phản khoa học. Điều đó có nghĩa giai cấp nông dân, giai cấp công nhân, hoặc các giai cấp có những điểm bất lợi nào đó trong xã hội đều phải cần được bảo vệ, bênh vực. Người bênh vực họ chính là những người trong các giai cấp của họ, hay những người làm chính trị chân chính, có lý tưởng xã hội thật sự, cho dù có thể xuất phát hoặc xuất xứ từ bất kỳ giai tầng hoặc giai cấp xã hội nào. Nói như vậy để thấy rằng chính trị thực chất phải là một khoa học, một văn hóa, một đạo đức thực tiễn, mà không phải chỉ là một ý thức hệ trừu tượng nào.

Điều đó cũng có nghĩa xã hội luôn luôn là một bản thân khách quan của con người mà không thể là một mục đích. Mục đích của mỗi cá nhân con người là ý thức, tinh thần, là văn minh, văn hóa, là tri thức hiểu biết, là ý nghĩa và giá trị đạo đức mọi mặt, mà không phải chỉ là xã hội. Nói cách khác, xã hội chỉ là môi trường, là bản thân thứ hai, bản thân khách quan của con người, mà không phải duy nhất là mục đích của con người. Xã hội là điều kiện cần nhưng không bao giờ là điều kiện đủ. Xã hội là công cụ, là phương tiện để phát triển cá nhân, cá nhân có nghĩa vụ, có trách nhiệm đối với xã hội, nhưng không thể coi xã hội là mục đích tối hậu, vì như thế là không thực chất và hoàn toàn vô lý. Có nghĩa mọi hình thái hay cách tổ chức xã hội như thế nào đó, thực chất cũng chỉ là những hình thức bên ngoài, hoặc mang tính chủ quan hay khách quan, hoặc tự nhiên hay bó buộc, áp đặt, mà không hề là mục đích tối hậu, ý nghĩa mục tiêu hay giá trị. Đó chẳng qua cũng chỉ là những quan điểm sính tổ chức, sính cai trị xã hội, cai trị người khác, mà không hề là mục đích nhân văn đúng nghĩa. Chẳng hạn, như nhà nước hay xã hội Việt Nam hỉện nay, đúng ra phải là một nhà nước theo định hướng khoa học, khách quan, thực tin, mà không phải chỉ là nhà nước theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” như kiểu thuần túy ý thức hệ giáo điều xưa cũ, mà có thể có một số lý thuyết gia trong tính cách hạn hẹp, vô trách nhiệm nào đó, biết đâu đã từng tư vấn(1). Đó cũng chính là điều để cho mọi người Việt Nam thức thời, có ý thức nghiêm túc ngày nay nhất thiết bắt buộc cần phải quan tâm suy nghĩ.

Saigòn, một buổi sáng mai (11/03/2011)

© Võ Hưng Thanh

© Đàn Chim Việt


(1) Xem thêm cùng tác giả : “Nói về chủ nghĩa xã hội và định hướng XHCN (25/01/2011)”, “Chủ nghĩa nhân văn và vấn đề giai cấp xã hội (01/02/2011)”, “Thế nào lầ những chính phủ thông minh (10/02/2011)”, “Chính trị như một khoa học và chính trị như một phạm trù đạo đức (14/02/2011)”, “Thế nào là một nền chính trị toàn dân (19/02/2011)”, “Thế nào là sự ổn định và phát triển (22/02/2011)”, “Nói về mối quan hệ giữa con người và con người trong xã hội (23/02/2011)”, “Cần nói thêm về sự giàu nghèo và vấn đề giai cấp xã hội (26/02/2011)”, “Thế nào là những thành phần ưu tú của một dân tộc (07/03/2011)”, “Cái đức của nhà cầm quyền (10/3/2011)”.

 

2 Phản hồi cho “Lại nói về xã hội, pháp luật và chính trị”

  1. Võ Hưng Thanh says:

    Nếu muốn tham khảo thêm như bạn phát biểu, có thể yêu cầu DCV cung cấp nếu có thể.
    VHT

  2. Tân Phong says:

    Đề tài có vẻ kheo gợi.
    Tôi coi danh sách những tác phẩm cùng tác giả thì thấy những tiêu đề gợi lên những đề tài quan trọng; Tiếc rằng không có link dẫn để tham khảo.Theo tiêu đề (Lại nói về…) thì hình như vấn đề đã được trình bày, tiếc rằng chưa thấy tiêu đề: “Nói về …”
    ?

Leave a Reply to Võ Hưng Thanh