WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Câu chuyện bí mật của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II

Công đoàn Đoàn kết

Năm 1980, một năm sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, kinh tế Ba Lan bị suy sụp trầm trọng, hậu quả của nhiều năm quản lý tồi tệ. Hàng triệu công nhân xí nghiệp khắp xứ sở đều bất mãn. Những cuộc đình công tự phát bắt đầu vào tháng Bảy 1980, đến đầu tháng Tám, lan tràn tới 150 xí nghiệp gồm cả Nhà máy Đóng tàu Lênin ở Gdansk.

Trong lúc Đức Thánh cha làm việc ở văn phòng của mình tại La Mã thi ở Ba Lan, một người thợ điện lực lưỡng, thất nghiệp, với hàng ria mép đặc biệt, đang leo lên một chiếc xe xúc ở Nhà máy Đóng tàu Lênin.  Thoạt đầu, công nhân trong nhà máy đóng tàu quan trọng nhất của Ba Lan này ít có thiện cảm với cuộc đối đầu ấy. Họ nhớ năm 1970 công an đã tàn sát hàng tá công nhân đình công dọc theo bờ biển Baltic.

Viên giám đốc nhà máy đóng tàu cũng hứa sẽ thảo luận tăng lương nếu công nhân quay lại làm việc. Nhưng Lech Walesa sáng đó đã leo lên bức tường cao ba mét rưỡi của sân nhà máy và lúc này đứng trên đầu chiếc máy xúc, phản đối kịch liệt viên giám đốc, và kêu gọi đình công.

Ông là một khuôn mặt nổi tiếng trong công nhân, và khi ông nói những người đình công sẽ tự giam mình trong nhà máy đóng tàu để tự bảo vệ mình trước các lực lượng an ninh, đám đông lưu ý tới lời kêu gọi của ông.

Hôm sau, 15 tháng Tám, Đức Thánh cha phái thư ký của mình, Đức ông Stanislaw Dziwisz, đi Ba Lan “để nghỉ ngơi ngắn hạn”. Dziwisz là một trong những phụ tá được tín nhiệm và giá trị nhất của ngài, và sẽ là tai mắt của ngài.

Tại nhà nghỉ mùa hè dành cho mình ở Castel Gandolfo, Đức Thánh cha xem các phóng sự truyền hình về những biến cố tại quê nhà.  Hình của Đức Thánh cha và ảnh Đức mẹ Sầu bi của Tiệp Khắc, một họa phẩm nổi danh về Mẹ Maria Đồng trinh, được trưng bày ở cổng vào nhà máy đóng tàu.

Các chính trị gia Tây phương kinh ngạc trước cảnh công nhân đình công tụ họp quì gối xưng tội ứng khẩu ngoài trời và quanh các biểu tượng tôn giáo mà họ đã chọn làm thước đo tranh đấu. Cuộc đình công lan tràn khắp nước. Số người đình công lên đến 300.000.

Suốt một tuần lễ, Đức Gioan Phaolô II giữ im lặng. Tuy thế, ngày Thứ tư 20 tháng Tám, khi phong trào đình công đe dọa sẽ sách động để đưa tới một tình trạng tê liệt chính trị dài hạn, Đức Thánh cha dâng hai lời cầu nguyện ngắn với một nhóm người hành hương Ba Lan ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tóm kết:

– Hai lời cầu nguyện này biểu lộ rằng tất cả chúng ta ở tại La Mã này hiệp thông với đồng bào mình tại Ba Lan, cách riêng với Giáo hộI Ba Lan, mà những vấn đề của nó gần gũi biết bao với con tim của chúng ta.

Như thế, ngài đã công khai ban phép lành cho cuộc đình công.

Cùng ngày ấy, Đức Thánh cha gởi Hội đồng Giám mục Giáo hội Ba Lan một lá thư đầy tinh tế:

– Tôi cầu nguyện hết lòng mình rằng hàng giám mục Ba Lan tiếp tục giúp đỡ dân chúng trong cuộc đấu tranh khó khăn vì bánh mì hằng ngày, vì công bình xã hội, và vì sự bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm để sống và để phát triển.

Tối đó, chính quyền Ba Lan đưa ra một nhượng bộ có tính lịch sử, đồng ý tham dự thương thảo trực tiếp với các ủy ban đình công tại Gdanks và những cơ sở lao động khác. Và ngày 31 tháng Tám, một thoả ước chưa từng có được ký ở Gdanks, cho phép thành lập đầu tiên ở bên trong Bức màn sắt một công đoàn độc lập. Công đoàn ấy được gọi là Đoàn kết.

Trong buổi lễ ký kết, Walesa trịnh trọng rút từ túi áo ra một cây bút lớn, màu sáng bóng. Cây bút ấy là món quà kỷ niệm chuyến đi Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, có hình của Đức Thánh cha trên bút.

Vào mùa thu 1980, các nhà lãnh tụ Cộng sản ở Đông Bá linh, Budapest và Prague than phiền Mátcơva về những diễn biến ở Ba Lan. Các nhà lãnh đạo điện Kremlin đề nghị “các bạn hữu Ba Lan” của họ cứu xét việc thiết quân luật và họ đề nghị khẩn trương chống lại Công đoàn Đoàn kết cùng những người ủng hộ nó.

Trong cuộc họp bất thường với Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo Cộng sản Ba Lan biện hộ cho chủ quyền của mình. Sau cùng, lãnh tụ Sô viết Leonid Brezhnev nhượng bộ và nói:

– Lúc này chúng tôi sẽ không tiến quân vào Ba Lan, nhưng nếu tình hình tồi tệ, chúng tôi sẽ làm.

Tháng Giêng 1981, Sô viết càng mất tinh thần hơn khi Lech Walesa du hành Vatican để gặp Đức Thánh cha và được ngài cử hành Thánh lễ riêng cho tất cả 14 thành viên của đoàn đại biểu Công đoàn Đoàn kết.  Walesa làm cho báo chí cùng La Mã say mê y hệt cuộc viếng thăm của một diễn viên điện ảnh. Walesa nói:

– Đứa con đang đến gặp thân phụ của mình.

Liên minh

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Ronald Reagan, một người đàn ông râu cá ngạnh, ăn mặc lôi thôi với bộ đồ vét màu xám được đưa vào văn phòng giản dị của Đức Thánh cha ở Vatican. Đó là William Casey, một người Công giáo nhiệt thành, hầu như dự Thánh lễ hàng ngày, giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa kỳ (CIA).  Ông đến với một sứ mệnh riêng biệt có tính cách toàn cầu.

Ông trao tận tay Đức Gioan Phaolô II một bức hình độc đáo đáng chú ý do vệ tinh gián điệp của Mỹ chụp được từ hàng trăm cây số cách mặt đất.

Tại bàn làm việc trong chỗ riêng của mình, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II cẩn thận xem kỹ bức hình. Các chi tiết dần dà được tập trung lại: giữa vô số dân chúng, ngay tại trung tâm, có những chấm trắng chính là ngài đang đứng nói với đồng bào của mình tại Quảng trường Victory năm 1979.

Từ lúc vệ tinh Mỹ chụp hình Đức Thánh cha tại Ba Lan, Casey và Reagan tin chắc đã  tiềm ẩn một siêu quyền lực thứ ba trên thế giới – thị quốc rộng 44 mẫu Vatican – và vương quyền của nó, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, đang làm chủ một nguồn vũ khí đặc biệt có thể làm lệch cán cân cuộc Chiến tranh lạnh.

Cuộc họp ấy mà suốt mười năm sau không được tiết lộ cho thế giới, Casey – bằng việc sử dụng bức hình ấy, và hơn nữa, bằng việc cho Đức Thánh cha thấy khả năng mà kỹ thuật vệ tinh tình báo cung cấp – đã giúp ký kết một liên minh giữa Toà thánh Vatican và Chính quyền Reagan.

Thực tế, trước ngày Reagan cầm quyền 20 tháng Giêng 1981, đã diễn ra tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ Hoa Kỳ và Đức Thánh cha. Zbigniew Brzezinski, một người sinh ở Ba Lan và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã đại diện Hoa Kỳ dự lễ đăng quang của Đức Wojtyla lên ngai của Thánh Phêrô.

Vào tuần lễ đầu tháng Chạp năm 1980, Brzezinski điện thoại cho Đức Thánh cha cảnh giác ngài về nguy cơ một cuộc xâm lăng của Sô viết vào Ba Lan. Khi nói, Brzezinski nhìn vào các bức ảnh vệ tinh chụp những lều trại có thể xếp để di động, kế bên khu vực các bệnh viện Nga cạnh biên giới, chuẩn bị có thể xâm lăng. Đức Thánh cha bị rúng động.

Sô viết đã nhận được một chuỗi các lời cảnh cáo nghiêm trọng từ Tổng thống Carter và vị Tổng thống đắc cử Reagan, sợ rằng vào lúc gián đoạn giữa cuộc bầu cử và lễ đăng quang của Reagan có thể có nổ bùng tại Ba Lan. Đối mặt với những lời cảnh cáo ấy, Sô viết thoái bộ, nói rằng lúc này sẽ không có sự can thiệp nào.

Nhưng Reagan hiểu tức thời mối đe dọa liên tục mà Công đoàn Đoàn kết đặt ra cho Mátcơva. Mười ngày sau khi nhậm chức, ông họp với Richard Allen, phụ tá an ninh quốc gia của mình, và William Casey. Kết quả vị tân tổng thống ra lệnh là sự hỗ trợ cho Công đoàn Đoàn kết – vốn lâu nay chỉ phát xuất từ các phong trào lao động Hoa Kỳ – nay được cung ứng bằng tài khoản và chuyên biệt của chính phủ.

Đức Thánh cha là người hưởng lợi một số các bí mật cẩn trọng nhất của Hoa Kỳ: các tin tức từ vệ tinh và cơ quan tình báo, từ máy điện tử nghe trộm và từ những cuộc họp thảo luận về chính sách của Toà Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao và CIA.

Trong các cuộc nói chuyện thường xuyên, Đức Gioan Phaolô II về phần mình cập nhật cho Casey những tin tình báo mới nhất thu nhặt được qua mạng lưới thông tin riêng của ngài ở Ba Lan. Casey nhận biết rằng Đức Thánh Cha, qua hàng giáo phẩm của mình, biết Công đoàn Đoàn kết đang làm gì, và giới lãnh đạo Ba Lan đang nghĩ gì.

Các tin tức ấy thật vô giá. Khi mùa xuân 1981 đến ở Ba Lan thì nổ ra nhiều cuộc biểu tình hơn, và Công đoàn Đoàn kết hăm dọa một cuộc tổng đình công. Quân đội Sô viết lại nhận được lệnh tập trận.

Ngày 30 tháng Ba, Ba Lan và Đức Thánh cha chiếm lĩnh gần trọn tâm trí của Reagan. Không phận Ba Lan bị đóng cửa hai ngày trước để tạo thêm thuận lợi cho cuộc tập trận của các đội quân Liên sô.

Chiều đó, trong diễn từ nói với AFL-CIO (Tổng Liên đoàn Lao công Hoa Kỳ), Tổng thống Reagan ngưng lại để chào mừng các công nhân Ba Lan vì cuộc đấu tranh can trường của họ “như những vệ binh nhân danh các nguyên tắc nhân sinh phổ quát.”

Ít phút sau, trên đường ra xe riêng của mình, ông bị John Hinckley, Jr. bắn trọng thương.

Tại bệnh viện, Reagan trải qua cuộc giải phẩu. Viên đạn xuyên qua phổi và nằm sát bên trái tim, xém trúng động mạch chủ. Một số người cho rằng ông sống sót quả là phép lạ.

Liên quan người Bungari

Tại La Mã, Đức Thánh cha ngưng công việc lại để cầu nguyện cho Tổng thống Reagan được bình phục và gởi ông một thông điệp cá nhân với những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài.

Đây là khoảng thời gian đầy âu lo. Không lâu trước đó, trong cuộc hội họp ở Vatican với phụ tá ngoại trưởng của Đức Thánh cha, William Casey từ giã với câu nói sau cùng là một lời cảnh báo. Trạm CIA  ở La Mã đã chuyển về một bản tin lạ lùng, có thể là quan trọng. Khi Lech Walesa viếng thăm Đức Thánh cha, người chủ trì cho của ông ta là một nhân vật của Liên minh Lao động Ý. CIA được các viên chức phản gián Ý báo cho biết người chủ trì ấy hoạt động cho Bungari. Vì Bungari chịu sự kiểm soát của Sô viết nên có thể có nghĩa là các kế hoạch của Công đoàn Đoàn kết bị thiệt hại hoặc là Walesa đang bị nguy hiểm.

Lúc 5 giờ chiều ngày 13 tháng Năm 1981, Đức Thánh cha xuất hiện trong buổi tiếp kiến công chúng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau khi vào cửa Popemobile, Đức Thánh cha đi qua dãy cột. Vị phụ tá Stanislaw Dziwisz ở kế bên ngài.

Đột nhiên Đức ông Dziwisz nghe một âm thanh điếc tai, và hết thảy chim bồ câu khắp quảng trường vụt bay lên. Liền đó, Đức Thánh cha sụm xuống gục vào người của Đức ông.

Đức Thánh cha trúng thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương chạy lẹ tới bệnh viện.

– Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi!

Đức Thánh cha lặp đi lặp lại lời kêu cầu đó. Ngài nhắm mắt, đau đớn cực kỳ. Tại Nhà thương Gemelli, Đức Gioan Phaolô II được đẩy gấp tới căn phòng ở tầng thứ mười dành cấp cứu cho Thánh cha và rồi tới phòng giải phẩu. Ngài mất nhiều máu và vì tình trạng trầm trọng, nghi lễ xức dầu được cử hành.

Cuộc giải phẩu kéo dài năm giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột của Đức Thánh cha. Đức ông Dziwisz kể:

– Hy vọng dần dần trở lại trong suốt cuộc giải phẩu. Rõ ràng là không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương, và ngài có thể sống sót.

Giống như viên đạn suýt giết chết Ronald Reagan, viên đạn này chỉ trượt động mạch chủ vài li. Đức ông Dziwisz nhận xét:

– Nếu nó bị trúng phải thì chết lập tức. Nó không chạm trúng yếu điểm nào. Quả thật lạ lùng!

Còn Đức Thánh cha, ngài nói sau đó:

– Bàn này bắn còn bàn tay kia thì lái viên đạn!

Kẻ bóp cò súng bị bắt gần như tức khắc. Hắn bị nhận diện là Mehmet Ali Agca, một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh cha năm 1979, Agca đã công khai thề sẽ giết chết ngài.

Nhưng khi cuộc thẩm vấn bắt đầu. Lý do bên trong cuộc mưu sát Đức Thánh cha này trở thành một trong những bí mật lớn lao không giải quyết được của thế kỷ 20.

Các phụ tá và những người quen biết thân cận với Đức Thánh cha tin là Sô viết hoặc đồng minh của họ đứng đằng sau vụ nổ súng. Thật ra, sau vụ toan tính sát nhân ấy, các điều tra viên tìm thấy bằng chứng lửng lơ không xác định được, gợi ra rằng Agca được thuê bởi cơ quan mật vụ Bungary, một công cụ hiển nhiên của KGB Sô viết.

Tháng Bảy 1981, một tùy viên Đại sứ quán Bungary ở Paris đào thoát và kể với cơ quan Tình báo Pháp rằng âm mưu giết Đức Thánh cha là do cơ quan mật vụ Bungary đảm trách theo chỉ thị của KGB. Người đào tị ấy nói mình biết được chuyện này qua người bạn, một viên chức cao cấp trong một đơn vị phản gián thuộc cơ quan tình báo Bungary.

Một số đoạn quan trọng nhất của biên bản ấy, nêu ra một âm mưu được Sô viết khơi mào cho người Bungary, được phổ biến trước hết trên tạp chí Reader’s Digest do Claire Sterling, một ký giả có hợp tác với các điều tra viên người Ý.

Giám đốc CIA Casey luôn luôn tin rằng Sô viết chịu trách nhiệm về mưu toan ám sát đó và xúc động với bản tường trình của Sterling. Trong số những người khác cùng tin như thế có cả Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger.

Dù sự thật như thế nào đi nữa, rõ ràng là cấp lãnh đạo Cộng sản Sô viết bận tâm về Đức Thánh cha – và thất vọng thấy nhà cầm quyền Ba Lan không thẳng tay đàn áp Giáo hội Ba Lan.

Bên bờ vực

Cả Tổng thống Ronald Reagan lẫn Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đều chịu những biến chứng trầm trọng của vết thương do đạn bắn và phải dưỡng thương từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa hè năm đó trong khi lòng họ âu lo cho Ba Lan.

Các biến cố tại Ba Lan diễn ra theo một tốc độ chóng mặt. Công đoàn Đoàn kết khai mạc hội nghị toàn quốc lần thứ nhất vào tháng Chín và kêu gọi công nhân các nước khác ở Đông Âu thành lập những công đoàn độc lập.

Đáp lại, Sô viết bắt đầu cuộc thao diễn quân sự lớn lao trong chín ngày tại Biển Baltic và dọc theo biên giới Ba Lan. Rất có thể  có một cuộc thẳng tay đàn áp. Đức Thánh cha lại càng âu lo hơn. Vị cộng sự lão thành của ngài là Đức Hồng y Wyszynski đã từ trần, và ngài cảm thấy một cách sâu xa việc mất mát vị cố vấn dày dạn kinh nghiệm nầy.

Vào giữa tháng Mười, tình hình gần như hỗn loạn. Nổi loạn và xung đột giữa dân sự và lực lượng an ninh lan rộng. Đức Thánh cha hiểu rằng chính quyền Cộng sản Ba Lan đang chịu sức ép không giảm của Mátcơva để giữ Công đoàn Đoàn kết trong vòng kiểm soát.

Ngày 18 tháng Mười, theo mệnh lệnh của Mátcơva, đảng Cộng sản Ba Lan bổ nhiệm một quân nhân, Đại tướng Wojciech Jaruzelski, làm Bí thư thứ nhất, củng cố thêm ảnh hưởng của quân đội trong chính phủ.

Trong khoảng thời gian ấy, Vermon Walters, đặc sứ của Tổng thống Reagan thăm viếng Vatican với các bức ảnh tình báo. Suốt một phút, Đức Thánh cha xem kỹ các hình ảnh vệ tinh đó. Ngài nhận ra ngay Nhà máy Đóng Tàu Lênin ở Gdansk. Ngài để ý tới một vòng đen đặc ở cách không xa các toà nhà của nhà máy liên hợp quen thuộc.

Chỉ vào vòng tròn ấy, ngài hỏI:

– Cái gì đây?

– Thưa Đức Thánh cha, vật liệu nặng,

Walters nói như  thế  và  cắt nghĩa đó là quân xa, tàu vận chuyển người, xe thiết giáp. Bức ảnh ấy và những bức ảnh khác mà Walters lôi ra từ bì thư cho thấy sự triển khai và những di chuyển tiếp sau đó của các lực lượng vệ binh Sô viết hướng về biên giới Ba Lan, hàng chục ngàn toán quân từ doanh trại của họ đang hướng sang quê hương của Đức Thánh cha.

Sợ hãi cuộc xâm lăng của Sô viết nếu mình không thẳng tay đối phó với Công đoàn Đoàn kết, Jaruzelski chuẩn bị thiết quân luật. Vào sáng Chúa nhật 30 tháng Chạp, người dân thức dậy thấy xe bọc sắt trên đường phố và không được phép tụ tập tại bất cứ nơi nào ngoại trừ tham dự Thánh lễ ở nhà thờ.

Lúc 6 giờ sáng, Jaruzelski hiệu triệu quốc gia trên đài truyền hình, tuyên bố thiết quân luật toàn quốc. Trước khi ông ta kết thúc bài huấn thị dài 22 phút của mình, hàng ngàn người đã bị bắt giam. Những tù nhân ấy, ông ta nói, phạm tội âm mưu phá hoại quốc gia.

Tại Vatican, thư ký của Đức Thánh cha, Đức ông Dziwisz vội vàng báo cáo lên Đức Gioan Phaolô II. Đức Thánh cha hội họp với các phụ tá để triển khai một chính sách đối phó. Ngài tin là Công đoàn Đoàn kết phải duy trì sự tồn tại trong bóng tối. Với điều ấy trong tâm trí, ngài bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi đột ngột về thăm quê hương mình.

Sau khi Toà Bạch ốc nhận được tin tức từ Ba Lan, Ronald Reagan kêu gọi phong toả cả Liên Sô lẫn Ba Lan về kinh tế, ngoại giao và kỹ thuật.

Sáu tháng sau, ngày 7 tháng Sáu 1982, Reagan đến Vatican để họp thượng đỉnh, cá nhân hoá liên minh bí mật đặc biệt giữa Đức Gioan Phaolô II với bản thân ông trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Dù trái ngược nhau về trí thức, Đức Thánh cha và Tổng thống Hoa kỳ sớm tìm thấy một nền tảng chung. Hai vị đều tin sâu xa vào sức mạnh của hành động tượng trưng cũng như vào vai trò của sự quan phòng thiêng liêng. Tổng thống từng tâm sự với phu nhân và các phụ tá thân cận sự tin chắc rằng vai trò của mình và Đức Thánh cha trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản là lí do khiến cả hai không tử nạn vì những viên đạn ám sát.

Gặp gỡ riêng không cần thông dịch viên, hai người quyền uy nhất quả đất này thảo luận về một xác nhận căn bản: sự sụp đổ của Đế quốc Sô viết là điều không tránh nổi.

Reagan xác minh rằng Chính quyền của mình không rút lại sự cấm vận Liên Sô hoặc Ba Lan cho tới khi chấm dứt thiết quân luật, thả các tù nhân chính trị và bắt đầu cuộc đối thoại giữa chính phủ Ba Lan, Giáo hội Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.

Đức Thánh cha thực hiện áp lực riêng của ngài. Ngày 16 tháng Sáu, thêm lần nữa ngài trở về Ba Lan. Hôm sau, ngài gặp Jaruzelski để nối tiếp việc thảo luận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Jaruzelski sửng sờ kinh ngạc khi tiếp đón Đức Thánh cha. Y hệt nhiều người Ba Lan khác, ông thấy ngài là một khuôn mặt gần như bí nhiệm.

Viên tướng này muốn Đức Thánh cha dùng ảnh hưởng của ngài để cô lập phía cực đoan nhất bên trong Công đoàn Đoàn kết. Đức Thánh cha nghiêm chỉnh trong lời đáp của mình:

– Tôi khao khát đạt tới một tình trạng ổn định bền vững càng sớm càng tốt.

Và ngài tuyên bố, có ý đề cập tới việc chấm dứt thiết quân luật:

– Lúc đó, Ba Lan sẽ được các nước khác đánh giá một cách rất khác.

Ngược lại, phương Tây sẽ không hủy bỏ cấm vận dưới bất cứ hình thức nào khác.

Sau đó, Đức Thánh cha tiếp xúc với Lech Walesa và các trí thức có liên hệ bí mật với Công đoàn Đoàn kết trong bóng tối. Tổ chức ấy không còn chỉ là một công đoàn lao động ngoài vòng pháp luật. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự đề kháng.

Vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha gặp riêng Jaruzelski hơn 90 phút, bề ngoài là theo lời yêu cầu của chính ngài. Đức Gioan Phaolô II nói một cách trực tiếp và đầy sức thuyết phục. Không lâu sau khi ngài quay về Vatican, thiết quân luật được bãi bỏ.

Đời sống ở Ba Lan dần dần trở nên bình thường. Ngày 11 tháng Chín 1986, chính quyền tuyên bố ân xá rộng rãi và thả 225 tù nhân. Lần đầu tiên trong năm năm qua, các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết cảm thấy một số cấm kỵ được hủy bỏ.

Năm 1990, với nền dân chủ được khôi phục đầy đủ tại Ba Lan, Lech Walesa, người cựu thợ điện và thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết trúng cử tổng thống.

Ảnh hưởng vang đội từ Ba Lan làm rúng động khối Đông Âu. Hunggari lần đầu mở cửa biên giới với Áo tháng Năm 1989. Đến tháng Mười, hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối chính phủ Đông Đức.  Sau cùng, Bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng Mười một. Hôm sau, nhà lãnh tụ 35 năm của đảng cộng sản Bulgary Todor Zhivkov bị kết liễu với sự thanh lọc đảng, và tại Tiệp Khắc, một chính phủ liên hiệp giữa người Cộng sản và những người Czech đối lập được thành lập.

Và tháng Tám 1991, Đế quốc Đỏ đi vào cơn thống khổ chết chóc khi Boris Yelsin, chủ tịch Cộng hoà Liên bang Nga, phá vỡ cuộc đảo chánh của các phần tử bảo thủ của  Bộ Chính trị.

Các quân cờ đô-mi-nô cộng sản đổ nhào.

Khi những người khác qui kết cho Đức Thánh cha việc sụp đổ của cộng sản, ngài nói:

– Tôi không tác động cho việc đó xảy ra. Cây ấy đã mục sẵn. Tôi chỉ khéo rung, và các trái táo thối rữa rơi xuống.”

Lúc này, Đức Gioan Phaolô II chuyển sự chú ý của ngài vào những vấn đề làm ngài quan tâm,  sâu xa hơn sự sụp đổ của cộng sản: tương lai của Giáo hội trong thiên niên kỷ tới; phẩm giá của người lao động, vai trò của Công đồng Vatican khiến cho những cội rễ Do Thái của Kitô giáo được thừa nhận và khiến cho không khoan dung chủ nghĩa bài Do Thái.

Vấn đề sau cùng trên gây thương tâm cách riêng cho Đức Gioan Phaolô II vì có quá nhiều người Do Thái Ba Lan bỏ mình trong các trại tử thần của Quốc xã. Ngài cũng không bao giờ quên việc mất mát người bạn của mình Ginka Beer.

Hàng chục năm sau lời từ biệt u sầu của họ, Đức Thánh cha, trong một buổi triều kiến công chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô có sự tham dự của dân chúng đến từ thành phố quê nhà của mình. Có người đến báo cho ngài một tin tức kỳ diệu:

– Thưa, Ginka có mặt ở đây.

– Đâu?

Ngài hỏi ngay và lẹ bước tới gặp nàng. Ginka Beer Reisenfeld lúc này lớn tuổi, thuật lại:

– Ngài hỏi tôi đủ thứ câu hỏi.

Bà nói với Đức Thánh

– Mắt ngài thương cảm sâu xa. Ngài nắm lấy hai tay tôi, chúc lành cho tôi và cầu nguyện ngay trước mặt tôi.

Từng đầy ắp tâm trí về nhu cầu đối thoại với Do Thái, Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một cử chỉ cao cả khi băng ngang Sông Tiber viếng thăm Hội đường chính của Do Thái giáo ở La Mã, đấy là một việc mà trước đây chưa từng có vị Thánh cha nào làm. Như người La Mã gốc Do Thái biết, cộng đồng họ xưa hơn Hội thánh Kitô giáo lâu năm nhất. Khi hai Thánh Phêrô và Phaolô tới La Mã, sách Torah (Ngũ Kinh) đã được đọc và ngày Sabbath đã được tuân giữ từ trước tại kinh đô của Đế quốc La Mã.

Những người xem kể lại rằng khi phát biểu trong Hội đường ấy, có lúc Đức Thánh cha dường như gần kiệt sức. Có lần, khi còn bé, ngài đi với bố vào một hội đường Do Thái trong làng mình để nghe hát thánh ca. Giờ đây, ngài ngồi trên chiếc ghế mạ vàng lắng nghe ca đoàn hát bài “Ani Maamin” (Tôi tin), từng được những người Do Thái bị kết án trong các trại tử thần hát trên đường đi vào lò hơi ngạt. Khi tiếng ca đoàn vang cao lên, Đức Thánh cha chúi về trước, đầu cúi xuống và tay ngài che miệng mình.

Dù sức khoẻ của Đức Gioan Phaolô II đang sa sút, những năm cuối tại vị Thánh cha của ngài được biểu thị đặc điểm bởi những bùng nổ hoạt động. Và dù tay ngài càng lúc càng yếu khi ngài đưa lên chúc phúc tín đồ, nó vẫn chỉ tới một chân trời bao la hơn.

© Nguyễn Ước

© Đàn Chim Việt

Pages: 1 2 3

5 Phản hồi cho “Câu chuyện bí mật của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II”

  1. Kim Kim says:

    Tên Pastor Cường thật là láo toét y như Việt Cộng trong khi cả thế giới nghiêng mình kính phục Đức Giáo Hoàng Giuoan-Phaolô 2

  2. John says:

    Cam on Chua da cho chung con vi giao hoang nay. Tu khuon mat, dang di, loi giang, da lam say me tat ca anh em gioi tre tren khap the gioi. Ngai la vi giao hoang ma quy tu duoc gioi tre nhieu nhat tren the gioi nay.

  3. Trung Kiên says:

    Một bài viết về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rất hay. Nếu tôi không lầm thì ngay sau khi sức khoẻ đã tương đối bình phục, ngài đã đích thân vào nhà tù thăm viếng Mehmet Ali Agca.

    Cám ơn tác giả Nguyễn Ước và ĐCV.Info

  4. Pastor Cuong says:

    Rất tiếc là Giáo hoàng Gioan Phaolo II hiện tại đang đau đớn dưới địa ngục, vì đã chối bỏ những chân lí của THIÊN CHÚA trong Kinh Thánh. Mời các bạn xem http://www.youtube.com/watch?v=VOCGYjS5BZI&feature=related
    Nguyện CHÚA THÁNH LINH động chạm tới các bạn và ban ân điển cứu rỗi cho các bạn và người thân!

  5. Motkhucruot says:

    Cám ơn Thượng Đế đã sắp đạt cho hai con người Vĩ đại , đầy nhân bản cùng lên ngôi vị lãnh đạo tối cao để họ cùng nhau giật sập CNCS . Và không quên cám ơn Ngài Mikhail GobaChev đã giữ cho sự sụp đổ cũa CNCS trong hòa bình và nhân bản . Thế giới sẽ mải mải không quên công lao cũa ba vị ….Tôn kính và yêu mến luôn dành cho ba vị .

Leave a Reply to Kim Kim