WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những nghịch lý lịch sử của thế kỷ 20 và hành trình đi tìm tính chính thống lịch sử ở thế kỷ 21[2]

Tiếp theo phần I

 

NHỮNG NGHỊCH LÝ LỊCH SỬ

1. Bài học thất bại của Cường Để: từ yêu nước đến tay sai trong đường tơ k tóc.

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là một trong những nhà cách mạng lớn của Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Năm 1906 ông trốn sang Nhật và cùng với Phan Bội Châu cổ động phong trào Đông Du. Là một hoàng thân nhà Nguyễn, ông có tư tưởng quân chủ lập hiến và được Phan Bội Châu tôn làm minh chủ của Việt Nam Quang Phục Hội.

Năm 1910, người Nhật  chấp thuận yêu sách của Pháp trục xuất ông và Phan Bội Châu, cũng như các học viên thuộc phong trào Duy Tân tại Nhật. Ông phải rời bỏ Nhật sang Trung Quốc và lưu lạc một thời gian ở Xiêm và sang cả Âu Châu.[3]

Năm 1915 ông trở về Nhật Bản, giao du với những chính khách Nhật tham gia hiệp hội Kissaragi-Kai với chủ trương ủng hộ tinh thần và tài chánh cho Cường Để.[4]  Năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt. Từ đó Cường Để mất đi một ngưòi cố vấn chính trị sáng suốt và ông bị chao đảo giữa những thay đổi của chính trị Nhật Bản.

Khi ông mới đến Nhật Bản, chính quyền Nhật Bản gồm những chính khách quí trọng tinh thần yêu nước của ông. Hết lòng giúp đỡ ông trong công tác cách mạng giải phóng đất nước. Đến thế chiến thứ hai, Nhật trở thành một quốc gia hiếu chiến, hiếu sát, có tham vọng thôn tính các nước Á châu, trong đó có Việt Nam. Trước sự thay lòng đổi dạ của chính phủ Nhật, ông vẫn kỳ vọng họ sẽ giúp ông trở về giải phóng quê hương.  Nhưng khi Nhât chiếm đóng Việt Nam năm 1940, và đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, họ đã quên ông và sử dụng lá bài Bảo Đại và Trần Trọng Kim để thiết lập chế độ thân Nhật ở Việt Nam.

Cường Để may mắn không được dùng như là lá bài xâm lược của quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai và, do đó, ông tránh được tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhưng sự kỳ vọng quân phiệt Nhật giúp ông giải phóng đất nước là một tính toán nông cạn. Một nhà cách mạng yêu nước sáng chói đầu thế kỷ 20 suýt trở thành một tay sai cho quân đội Thiên Hoàng. Từ yêu nước đến tay sai chỉ là một khoảng cách trong gang tất. Chính nhờ cái may mắn đó, tên tuổi của ông vẫn còn trong sử sách.

2. Những người Cộng Sản từ yêu nước đến vong thân

HCM đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945

Sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập năm 1945, đảng CSVN đã nắm được ngọn cờ dân tộc trong cuộc chiến chống Pháp giành độc lập. Khi Huỳnh Thúc Kháng tham gia chính phủ Hồ Chí Minh, ông đã đem cả di sản cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh giao cho đảng CSVN.  Khi Phan Khôi ở lại miền bắc để phục vụ cho chính quyền Hồ Chí Minh, ông đã vô hình chung đem tinh thần dân chủ của Phan Châu Trinh phó thác cho Hồ Chí Minh và phong trào cộng sản Việt Nam.  Vì thế, Hồ Chí Minh và phong trào Cộng Sản, dù là phong trào quốc tế phủ nhận cách mạng dân tộc, đã thừa hưởng tất cả giá trị tinh thần của cuộc cách mạng dân tộc của Phan bội Châu và Phan Châu Trinh. Chính nhờ ngọn cờ dân tộc nầy mà các thành phần trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước triệt để tham gia phong trào Việt Minh. Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Đào Duy Anh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Dần, Ngô Tất Tố, và bao nhiều người khác nữa. Nhiều trí thức bị đảng cộng sản trù dập suốt đời, như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, vẫn từ chối vào nam vì họ cho rằng miền Nam là chế độ tay sai của đế quốc Mỹ. Họ vẫn coi phong trào Việt Minh là phong trào dân tộc chính thống.

 

Thế nhưng điều nghịch lý là đảng CSVN là chi nhánh của Đệ tam quốc tế cộng sản. Khi gia nhập Đệ tam quốc tế chi bộ Việt Nam phải hoàn toàn đứng dưới sự chỉ đạo của ban chấp hành đảng CS Liên Xô và phải phủ định tinh thần dân tộc yêu nước (Xin xem điều kiên gia nhập Đệ tam quốc tế). Chưa có một chế độ nào tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc nhiều bằng chế độ Cộng sản. Nhưng thực chất dưới chế độ cộng sản, dân tộc chỉ là hình thức, nội dung của cách mạng là cộng sản. (Trường Chinh, Đề Cương Văn Hoá 1943).

Do đó, sau khi nắm chính quyền miền bắc, và thống nhất đất nước, đảng cộng sản đã thực hiện các chính sách Cải cách ruộng đất, đấu tố, tiêu diệt văn nghệ sĩ, diệt đối lập, cải tạo công thương nghiệp, đốt sách, đổi tiền, ký kết nhượng biển, nhượng đất cho Trung Quốc. Các chính sách nầy hoàn toàn phục vụ quyền lợi của phong trào CS quốc tế và đi ngược với tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tôn trọng tư hữu của hiến pháp Việt Nam 1946.

Những người cộng sản từ những người yêu nước những năm 1920 đến 1945, đã từng đòi hỏi tự do dân chủ, bình đẳng, công lý cho người dân và độc lập dân tộc dưới thời thực dân Pháp, đã trở thành tay sai cho chủ nghĩa ngoại bang và là những môn đồ cuồng tín tôn thờ tội ác chống nhân loại của Stalin và Mao Trạch Đông. Cao điểm của tinh thần nô lệ ngoại bang của phong trào cộng sản Việt Nam là công hàm ngoại giao của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký dâng Biển Đông gồm Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng năm 1958 và các hiệp ước biên giới năm 1999 và hiệp ước phân định vịnh bắc bộ năm 2000.

Tinh thần quốc tế vô sản, nền chuyên chính vô sản, hận thù giai cấp đã  biến những người một thời yêu nước trở thành kẻ thù của lợi ích dân tộc, của tự do, dân chủ, bình đẳng và công lý.

3. Sự thất bại của chính quyền miền Nam trong cuộc chiến chống Cộng

Sau thế  chiến thế hai, Liên Xô nới rộng tầm ảnh hưởng tận Trung Á và Đông Âu. Khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa thì Cộng Sản đã chiếm gần một nửa thế giới. Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu và đế quốc Cộng Sản quyết tâm chôn vùi thế giới tự do. Chiến tranh Triều Tiên là một thử lửa cho Trung Cộng và chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến giữa hai phe tự do và cộng sản.

Trong cái bối cảnh lịch sử đó, chính quyền miền Nam từ những quan lại triều đình Huế và quan chức thuộc địa phục vụ cho chế độ thực dân Pháp trở thành những nhà lãnh đạo của một Việt Nam độc lập sau hiệp định Geneve 1954.

Bên cạnh hàng tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ về quân sự và kinh tế cùng với hàng triệu binh sĩ đồng minh, những người lãnh đạo miền Nam vẫn không đủ khả năng, và tầm nhìn để lãnh đạo bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của cộng sản. Lịch sử cho thấy họ quan tâm đến bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình hơn là bảo vệ đất nước. Điều nầy không có nghĩa là họ không yêu nước, nhưng họ yêu nước vì sự tiện lợi được làm lãnh đạo một quốc gia.  Lòng yêu nước của họ chưa đủ khi so sánh với dòng cách mạng quốc gia chống Pháp trước đây của Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Hùynh Phú Sổ, Lý Đông A hay Trương tử Anh.

Nguyễn Văn Thiệu (1923- 2001)

Quan hệ giữa nhà lãnh đạo miền nam và Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng văn hoá nô dịch thời Pháp thuộc. Những người lãnh đạo miền Nam thay vì coi Hoa Kỳ là đồng minh, họ coi Hoa Kỳ như quan thầy mới thay thế cho Pháp. Họ không thấy vai trò lịch sử của họ trong việc lãnh đạo miền Nam. Dù ở vị trí cao nhất nước họ hành xử như một công chức thuộc địa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua hồi ký của ông cố vấn Nguyễn Tiến Hưng luôn luôn qui lổi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh.  Họ nguyền rủa Hoa Kỳ đã tháo chạy bỏ rơi miền nam. Họ không bao giờ coi cuộc chiến đấu chống cộng sản như là nhu cầu lịch sử và họ có trọng trách trước lịch sử để bảo vệ đất nước trước đe doạ của hiểm hoạ cộng sản. Khi Hoa Kỳ không viện trợ nữa, họ từ chức. Mặc dù trước đó, khi Hoa Kỳ còn viện trợ, họ chấp nhận màn bầu cử độc diễn để tiếp tục quyền lãnh đạo, bất chấp các nguyên tắc bầu cử dân chủ. Họ không bao giờ quan niệm rằng dù có Hoa Kỳ hay không nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống lại sự áp đặt chủ nghĩa và chế độ cộng sản trên quê hương. Do đó, khi Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam thì họ cũng bỏ đi luôn, mặc kệ đất nước nỗi trôi theo cơn bão thời đại.

Nhìn lại thành phần lãnh đạo miền Nam, chúng ta có thể kể ra như sau:

- Ngô Đình Diệm dù là một người yêu nước cũng chỉ chống Pháp ở mức độ bất đồng chính kiến; khi nắm chính quyền, thay vì mở rộng dân chủ để hợp tác với các đảng phái và giáo phái yêu nước để xây dựng tính chính thống lịch sử, ông đã xây dựng cơ chế gia đình trị, bắt giam đối lập, gây chia rẽ tôn giáo, và cuối cùng chính quyền của ông bị cô lập và bị lật đổ.

Dương Văn Minh (1916-2001)

- Dương Văn Minh, người hùng của “cách mạng 1-11-1963”, là người ký giấy đầu hàng cộng sản, đã gia nhập quân đội Pháp từ năm 1939, khi toàn dân sôi sục đứng lên giành độc lập.
- Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện  Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang đã giao Tây Nguyên và miền Trung cho Cộng Sản làm áp lực với Mỹ, khi miền nam còn binh hùng tướng mạnh. Một sự hờn dỗi chính trị ngu xuẩn chỉ nhằm mục đích kiếm thêm tiền viện trợ, bất kể hậu quả kinh hoàng cho quân đội và người dân, và cho cả tương lai một dân tộc.  Họ đã bỏ nước ra đi rất sớm với trọn vẹn gia tài kếch xù thu hoạch được trong thời kỳ chiến tranh.
- Cựu Thủ tướng (chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương) và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, sau một thời gian lưu vong tỵ nạn cộng sản, đã trở về Việt Nam để trở thành một thứ cán bộ kiều vận của CS. Tư cách và đạo đức của Nguyễn Cao Kỳ đưọc đồng bào hải ngoại đánh giá kém hơn Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Nói chung các nhà lãnh đạo miền nam được đứng vào vai trò lãnh đạo do cơ hội chính trị. Khi cơ hội đó không còn nữa thì họ đứng dậy ra đi như một người khách thương. Khi đất nước bị rơi vào tay Cộng Sản, khi hàng triệu con dân miền Nam quằn quại trong chế độ Cộng sản, khi hàng trăm ngàn chiến hữu của họ bị tù đày, khi hàng triệu đồng bào lênh đênh trên biển, bỏ xác trên đường vượt biên, khi những người lính trẻ tổ chức chống cộng phục quốc, họ quay mặt đi chổ khác. Khi cộng đồng yêu nước hải ngoại tìm đường phục quốc họ âm thầm tìm đường trở về hợp tác với cộng sản để làm ăn.

Từ Dương Văn Minh đến Nguyễn Văn Thiệu đến Nguyễn Cao Kỳ đều chia sẻ với nhau một tầng số chính trị cơ hội. Với sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ, dường như bất cứ  một con người nào có cơ hội với chút lanh lợi cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn, nhưng chưa có một người nào đưa ra được môt lộ trình cách mạng dân tộc hay phản ảnh được tấm lòng yêu nước  như Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, hay Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ.  Bi kịch của miền nam là giai cấp lãnh đạo đã không đủ chiều sâu của lòng yêu nước, viễn kiến dân tộc để bắt kịp được tinh thân ái quốc và chống Cộng của quần chúng trưởng thành trong một đất nước độc lập.

4. Sự hình thành của thế hệ mới ở miền Nam – yêu nước không có lãnh đạo

Khác với thế hệ cha anh, những thanh niên miền nam thời kỳ độc lập sau năm 1954 có những ước mơ trong sáng về một đất nước phú cường. Sinh viên học sinh miền nam có một đời sống chính trị tương đối tự do. Người dân miền nam từ thành phần thương gia đến nông dân, giáo chức công chức đều có một đời sống sung túc về vật chất và tinh thần.

Với sự thành công về kinh tế, và quan hệ rộng rãi với hơn 100 quốc gia trên thế giới của Việt Nam Cộng Hòa, thanh niên miền Nam trưởng thành sau năm 1954, đã có một niềm hãnh diện về một đất nước mới. Sự thất bại của Ngô Đình Nhu xây dựng chủ thuyết Nhân Vị để đối phó với chủ thuyết cộng sản lại là một cơ hội để lòng yêu nước người dân miền nam hình thành cách trong sáng. Nhờ đó, lòng ái quốc của thế hệ mới được phát triển hoàn toàn tự phát, độc lập. Họ yêu nước vì yêu nước mà không phải theo một chủ thuyết nào.

Tố Hữu (1920- 2002)

Khi tài liệu về công cuộc Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ và Nhân Văn – Giai Phẩm ở miền Bắc lọt vào miền Nam, khi cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary năm 1956 thất bại và xe tăng của Hồng Quân Liên Xô tràn vào Budapest, khi bức tường Bá Linh được Liên Xô dựng lên, khi được xem phim Dr. Zhivago của Boris Pasternak, đọc truyện dài Quần Đảo Ngục Tù, Vòng Địa Ngục của Aleksandr Solzhenitsyn về chế độ phi nhân của Cộng sản Liên Xô,  khi được xem những phim tài liệu về “chiến thuật biển người” của Trung Cộng tại chiến tranh Triều Tiên,  khi nghe những bài thơ của đại văn công cộng sản Tố Hữu xưng tụng những tên đồ tể khát máu của nhân loại là ông là cha, thì thanh niên miền Nam đã sớm nhận thức được hiểm hoạ của cộng sản đối với đất nước.

 

Chính thế hệ mới đã đóng góp cho nền tự chủ miền Nam. Họ đã đấu tranh cho nền độc lập đại học, Việt Nam hóa giáo dục, dẹp bỏ những trường trung học Pháp và đã tham gia chống chế độ độc tài gia đình trị của tổng thống Ngô Đình Diệm và đồng thời tham gia quân đội để chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản.

Một nền văn học ngắn ngủi 20 năm của miền nam như một thiên tài yểu mệnh với những tác giả trẻ tuổi là những học sinh, sinh viên, quân nhân, giáo chức ở lứa tuổi 20, 30 đã đóng góp vào nền văn học nước nhà với những  tác phẩm văn chương, thi ca, âm nhạc phong phú. Một phong trào về nguồn ra đời tìm về cội nguồn dân tộc với những tác phẩm của Kim Định, Bình Nguyên Lộc, Phạm Việt Châu đã khơi dậy lòng yêu nước tinh ròng và phục hồi căn cước văn hoá dân tộc v.v. , Nếu không có nền văn học miền nam thì ngày nay đất nước ta không có một nền văn học hậu bán thế kỷ thứ 20.

Các thế hệ sinh viên yêu nước ở miền Nam như Lê Hữu Bôi, Lê Khắc Sinh Nhựt đã không để cho nhóm sinh viên thân cộng thao túng đại học. Họ đã bị cộng sản xử tử vì lòng yêu nước trong sáng đó. Họ là một trong những người trẻ dân sự đổ máu rất sớm để bảo vệ miền Nam tự do.

Thanh niên miền Nam tham gia quân đội với một lý tưỏng mới, là phục vụ cho một nước Việt Nam độc lập và tự do không cộng sản. Thế hệ quân đội trẻ mang một văn hóa yêu nước trong sáng, với một chiến đấu tính cao độ, để bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của Quốc tế cộng sản. Họ không chiến đấu vì ý thức hệ ngoại bang. Họ chiến đấu để dân tộc Việt được tự do, để con cháu họ được vươn lên trong cộng đồng nhân loại.

Tinh thần yêu nước của thế hệ mới nầy đã thể hiện qua tinh thần chống tham nhũng, làm sạch quân đội của những người trí thức trẻ trong quân ngũ như Hà thúc Nhơn, Phạm Văn Lương. Hà thúc Nhơn, một bác sĩ quân y trẻ, đã gởi một huyết thư kêu gọi lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà phải trong sạch hoá quân đội để chống cộng. Ông đã bị tập đoàn tham nhũng  bắn chết khi cố gắng bảo vệ quyền lợi của anh em thương phế binh ở quân y viện Nha Trang. Phạm Văn Lương, cũng là một bác sĩ quân y trẻ yêu nước kêu gọi quốc hội chống tham nhũng, trong sạch chính quyền để quân đội có đủ sức mạnh chống Cộng. Những lời kêu gọi của ông rơi vào khoảng không và ông đã tự vẫn khi miền nam bị mất vào tay Cộng Sản.

Nguyễn Khoa Nam (1927- 1975)

Lòng yêu nước cũng đã đưọc thể hiện qua gương tuẫn tiết của bậc đàn anh trong quân đội như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, và Trần Văn Hai khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản. Nếu thế hệ Pháp thuộc trao quyền lãnh đạo đất nước cho thế hệ yêu nước đang trưởng thành trong chiến tranh sớm hơn, hay cuộc chiến chậm lại vài năm, có lẽ thế hệ yêu nước miền Nam có cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước thì miền nam Việt Nam không thể rơi vào tay Cộng Sản.

Những gương chiến đấu của trung tá Nguyễn Đình Bảo, đại úy Nguyễn Văn Đương trở thành bất tử với những bản nhạc của Trần Thiện Thanh.  Hạm trưởng HQ thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng các chiến sĩ hải quân VNCH đã tử thủ trên Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1972 chống  quân xâm lược của cộng sản Trung Quốc trở thành biểu tượng bảo vệ biển đảo tổ quốc cho đồng bào hai miền nam bắc ngày nay bất kể chính  quyền cộng sản có xem đó là cuộc chiến đấu chính đáng hay không.

Những người phóng viên chiến trường như Phan Nhật Nam đã chọn lựa chống Cộng làm lý tưởng cứu nước. Họ tình nguyện đứng vào hàng ngũ Quốc gia để bảo vệ cho miền Nam, dù thân nhân của họ là những sĩ quan cao cấp trong quân đội miền Bắc. Họ chấp nhận đi cải tạo chung số phận với các chiến sĩ Quốc gia khác, và không cần sự khoan hồng do quan hệ gia đình đem đến cho họ.

Khi đại tướng Dương Văn Minh đầu hàng quân đội CS ngày 30 tháng tư năm 1975, thì các tướng lãnh trưởng thành thời kỳ Pháp thuộc, lãnh đạo quân đội VNCH đã bỏ chạy từ lâu. Trong khi đó, các sĩ quan trẻ vẫn tiếp tục chiến đấu.  Họ không chấp nhận đầu hàng. Nhiều người đã thành lập chiến khu rãi rác khắp nơi, cuối cùng họ đã bị chính quyền cộng sản bắt và bị xử tử hình.

Những người như đại úy Trương Văn Sương tiếp tục chiến đấu tới khi hết đạn, bị bắt ở tù 6 năm, được thả, đến Thái Lan gia nhập kháng chiến trở về chiến đấu, ở tù thêm 29 năm.

Tháng 4 năm 1975, hàng trăm sinh viên Việt Nam tại Paris đã biểu tình để khóc và để tang cho miền nam Việt Nam và một nền tự do đã chết. Sau đó, lãnh tụ sinh viên Trần Văn Bá ở Pháp đã về Việt Nam cùng  Hồ Thái Bạch trong nước, xây dựng chiến khu chống Cộng đã bị bắt và bị xử tử.

Ở trong nước bao nhiêu thiếu niên, thanh niên vô danh đã tham gia những phong trào phục quốc, đã bị bắt và chết trong các trại tù cải tạo được kể lại trong các hồi ký sau năm 1975.

Người dân miền Nam yêu mến sự tự do và dân chủ một cách trong sáng. Họ chỉ có một định hướng duy nhất, đó là định hướng dân tộc với lòng ái quốc không bị vẩn đục bởi chủ nghĩa ngoại lai. Họ nhận thức đưọc chủ nghĩa cộng sản đem lại tang thương cho đất nước, và là mối nguy cho dân tộc. Họ chỉ có một lòng yêu nước rất bình thường của người dân trong một nước độc lập và tự chủ, bất kể lãnh đạo quốc gia có tâm và tầm hay không. Điều bất hạnh cho người dân miền Nam là những người lãnh đạo của họ đã không xứng đáng về tài đức để phất lên ngọn cờ dân tộc để vận dụng lòng yêu nước của ngưởi dân trong công cuộc chiến đấu chống Cộng Sản bảo vệ miền Nam.

Chính vì lòng yêu nước đó, sau năm 1975 ngưòi dân miền Nam đã bị đồng hoá với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà và họ bị những cán bộ cộng sản miền bắc đối xử như một thứ công dân hạng hai trong xã hội.

Khi những người quốc gia di tản ra hải ngoại họ vẫn tiếp tục tinh thần chống cộng của người dân miền nam, trân trọng gìn giữ lá cờ vàng như là biểu tượng của tự do dân chủ.  Trong khi đó, những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà trước đây vẫn im hơi lặng tiếng, nếu không nói là thờ ơ trước tình hình của đất nước.

Những chính đảng Cần Lao, Dân Chủ nắm quyền lãnh đạo miền nam dưới thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hoà ngày nay ở đâu? Tại sao họ có thể xuất hiện cách đột ngột khi nắm chính quyền và biến mất khi không còn quyền lực, mặc kệ sự lầm than của người dân? Họ làm gì với cái gia tài đồ sộ thu hoạch trong chiến tranh trước sự thống khổ của dân tộc?

Trong khi đó những người dân đen, bố cu mẹ đĩ, bỏ quê hương đi ra nước ngoài bị mất hết tài sản cơ nghiệp. Một mặt họ phải phấn đấu xây dựng lại cơ nghiệp ở nước ngưởi để nuôi gia đình, tiếp tế cho thân nhân trong nước, có người phải dành dụm từng đồng bạc lao động trong những nhà máy assembly, tiệm nails, hay dè sẻn từng đồng trợ cấp để đóng góp cho công cuộc giải thể chế độ cộng sản. Họ phải tiếp tục chiến đấu để giải toả nổi uất hận vì lòng yêu nước của họ đã bị chính quyền miền nam phản bội.

Làm sao công cuộc giải thể chế độ cộng sản có thể thành công nếu chúng ta tiếp tục chống Cộng với cả một di sản của những người lãnh đạo từng là tay sai cho Pháp, bán đứng miền nam cho Cộng sản và có người ngay nay trở thành cán bộ kiều vận của cộng sản?

5. Sự thành hình của thế hệ tả phái sau 1954

Bên cạnh một thế hệ thanh niên nhận thức nguy cơ của Cộng sản đối với đất nước, một thành phần thanh niên miền Nam đã nhìn đảng CS bằng con mắt yêu nước của Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa  và chiến thắng Điện Biên Phủ. Cái vinh quang của độc lập và chiến thắng ngoại xâm làm lu mờ hình ảnh đấu tố, cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc.

Đồng thời hình ảnh của những đốc phủ sứ, quan lại triều đình Huế thời Pháp thuộc được hồi sinh trong chính quyền niềm Nam giữa một miền Bắc “sôi sục cách mạng” đã tạo ra những phản cảm của một số thanh niên đầy nhiệt huyết đối với chính quyền miến Nam. Sự kém cõi về lãnh đạo, sự tùy thuộc vào Hoa Kỳ cũng như sự can thiệp sâu đậm của Hoa Kỳ vào việc điều hành miền Nam đã làm cho mối phản cảm đó sâu rộng hơn.

Thêm vào đó, kỹ thuật tuyên truyền của Cộng Sản, sự yểm trợ của quốc tế Cộng Sản, của Liên Xô, Đông Âu, Trung quốc cho chiến tranh Việt Nam, làm cho lòng yêu nước của thành phần nầy  tiếp nối cái hào khí cách mạng cách mạng tháng 8 và Điện Biên Phủ, bất kể thảm hoạ mà chủ thuyết Cộng Sản có thể đem đến cho dân tộc.

Những người trí thức thế hệ 1945 như Nguyễn Hữu Thọ, Trương Như Tảng, Trịnh Đình Thảo. Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Hộ  v.v. đã chọn con đường dân tộc dưới ngọn cờ của đảng CS Việt Nam. Những người như Trương như Tảng, Trịnh Đình Thảo, Lê Văn Hảo, cũng như những người thuộc “thành phần thứ ba” vẫn chưa nhận thức về hiểm hoạ cộng sản, và họ đã từ bỏ đời sống tiện nghi của miền nam để vào bưng theo Việt Cộng.  Trịnh Công Sơn ngày 30 tháng 4  năm 1975 lên radio kêu gọi mọi người ở lại để xây dựng đất nước và gọi những người ra đi là phản bội tổ quốc. Họ tin tưởng cộng sản sẽ đem lại hòa hợp hoà giải dân tộc chân thành. Họ tin tưởng ngưòi cộng sản với lòng yêu nước chân thành sẽ xây dựng một đất nước thịnh vượng giàu sang hơn Việt Nam Cộng Hoà thời kỳ chiến tranh. Họ không ngờ là cộng sản có khả năng từ bỏ nhân tính để thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam ở cuối thế kỷ 20. Nhiều người không ngờ là đảng cộng sản có khả năng lừa dối những người yêu nước một cách hào nhoáng như thế. Nhưng đa số đều tỉnh ngộ khi đất nước thống nhất. Sau nầy Nguyễn Hộ và những ngườì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cũng thấy được chủ nghĩa Cộng Sản không phải là đáp số cho dân tộc.

Khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam thì một thành phần trí thức trẻ miền nam đã đứng hẳn vào chiến tuyến của người CS. Những người mà ngày nay báo chí vẫn thường nhắc đến như Hoàng Phủ Ngọc Tường, HP Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Phan Duy Nhân, Tôn Thất Lập, Tiêu Dao Bảo Cự, Huỳnh Tấn Mẫm v.v..  Không biết có bao nhiêu người ôm giấc mộng làm cách mạng vô sản để đưa đất nước về thời cộng sản nguyên thủy.  Nhưng có lẽ phần lớn họ đến với đảng CS vì lòng bồng bột của tuổi trẻ, vì hình ảnh hào hùng của Điện Biên Phủ, CM Tháng 8, vì giấc mơ dân tộc,  vì mối phản cảm với tính không chính thống lịch sử của chế độ miền nam,  vì sự thối nát và tham nhũng của chính quyền miền nam, và vì  sự hiện diện của quân đội Mỹ thay thế cho quân đội Pháp.

Thế hệ thanh niên miền bắc được đẩy vào chiến trường miền nam với giấc mơ giải phóng miền nam để cứu nước. Từ lớp thanh niên nầy đến lớp thanh niên khác lên đường vào nam được trang bị với những bài tuyên truyền giả dối về một miền nam đói rách quằn quại dưới gót giày xâm lược của đế quốc Mỹ.  Những con người như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc … mãi mãi tuổi hai mươi … đem tất cả tuổi xanh dâng cho đảng trong niềm tin tuyệt đối là đảng CS sẽ dẫn đưa đất nước đến thiên đường xã hội chủ nghĩa.  Họ không được may mắn sống đến ngày đất nước thống nhất, như Dương Thu Hương phải gục khóc bên đường nhìn thấy một miền nam thịnh vượng bị san bằng bởi những người Cộng Sản cuồng tín. Họ không được sống để chứng kiến một nền văn học ngắn ngủi nhưng phong phú về giá trị văn học bị những người Cộng Sản đưa lên dàn hoả thiêu ờ cuối thế kỷ thứ 20, và đã được các học giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hiến Lê kể lại.

Những người như Trần Vàng Sao nhiệt tình tham gia cách mạng và chiến đấu ở chiến trường miền nam. Chỉ với cái tên “Vàng Sao” người đọc cũng thấy được chất bônsêvích tràn đầy trong con người sinh viên miền nam nầy. Nhưng khi được chuyển ra ngoài bắc để chữa thương ông đã bật ngữa trước sự dối trá của chế độ cộng sản.  Ông chứng kiến được một miền bắc nghèo nàn thê lương với một chính quyền độc tài tàn bạo phi nhân tính.  Những nhận thức của ông về chủ nghĩa cộng sản trở thành hồ sơ của một kẻ đại phản động.  Suốt đờì còn lại ông bị trù dập vì đã nói lên sự thật.

Những người như Tôn Thất Lập, La Hữu Vang, Trần Long Ẩn với những dòng nhạc yêu nước trong thời kỳ “chống Mỹ cứu nước” ngày nay ở đâu? Sao sinh viên học sinh ngày nay không còn được nghe…  Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, tiếng hát Trưng Vương hồng thơm, Người đời người trong ngày hội trùng tu, nếu là người tôi nguyện chết cho quê hương … khi ngư phủ Việt Nam bị hải quân Trung quốc bắn giết trong vùng lãnh hải Việt Nam, khi Hoàng Sa và Trường Sa bị cưỡng chiếm? Hay tổ quốc Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một thành viên trung kiên của Cộng Sản Trung quốc?

Những ngưòi cộng sản hy sinh cuộc đời chiến đấu giành độc lập, thống nhất cho Việt Nam để làm gì?  hục hưng dân tộc chăng? Biến Việt Nam thành một cường quốc kinh tế như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore chăng? Tại sao bao thế hệ thanh niên  phải sinh bắc tử nam, thà đốt cả dãy Trường Sơn để đánh Mỹ mà bây giờ không dám lên tiếng để cứu dân tộc trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc? Tại sao theo Nga, theo Tàu là chính nghĩa? Tại sao yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa? Tại sao phải tôn thờ Liên Xô là tổ quốc thứ hai của người cộng sản Việt Nam? Tại sao đấu tranh giai cấp, giết những người tư sản, trí thức yêu nước là chính nghĩa? Tại sao cấm tự do báo chí, cấm tự do ngôn luận là chính nghĩa? Trong khi đó đồng minh với Hoa Kỳ, đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ là phản bội dân tộc? Có phải sự tiến bộ và phồn vinh mà thế giới tự do đem lại cho miền nam Việt Nam cùng với những giá trị nhân bản của nền dân chủ bền vững của thế giới đi ngược lại với giá trị và quyền lợi của những người Cộng Sản?

Có một dân tộc nào trên thế giới phải hy sinh hàng bao thế hệ chiến đấu giải phóng nầy nọ để cho thế hệ con cháu “được” mất mọi quyền tự do của con người như dân tộc Việt Nam chăng?

TÌM LẠI CHÍNH THỐNG LỊCH SỬ

Như đã nói ở phần giới thiệu, không có một logic nào có thể giải thích được những nghịch lý lịch sử Việt Nam của thế kỷ thứ 20. Chỉ có sự nhận thức về những nghịch lý lịch sử mới có thể hiểu được dòng lịch sử kỳ lạ nhất trong chiều dài 5.000 năm lịch sử của dân tộc.

Điều không thể chối cãi là thế kỷ thứ 20 được làm nên bởi những người yêu nước và không yêu nước. Yêu nước cũng làm nên lịch sử,  tay sai cũng làm nên lịch sử, và thành phần cơ hội cũng làm nên lịch sử. Làm thế nào để phân định yêu nước, tay sai hay cơ hội? Phải chăng không có một thước đo chuẩn mực nào có thể đo chính xác lòng yêu nước của thế hệ lớn lên ở thế kỷ 20?

Thế kỷ thứ 20 đánh dấu một giai đoạn độc lập sau gần 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Tuy nhiên đó là một giai đoạn độc lập bị vong thân trên chính nền độc lập của mình. Không một chính quyền nào được xây dựng trên tiếng gọi của hồn sử để chúng ta có thể cảm nhận được lịch sử 5000 năm đổ dồn về trong ta, như …  máu ta từ thành Văn Lang dồn lại.

Thời kỳ độc lập hậu Pháp thuộc cũng có những nét tương tự như thời độc lập hậu Hán thuộc. Khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng giành được độc lập cho dân tộc thì sau đó, chính con cháu của ông trở thành những kẻ trở lại đầu hàng quân Nam Hán để giữ vững ngai vàng. Loạn 12 sứ quân tiếp theo thời đại Ngô Quyền chỉ dấu một thời kỳ tự chủ vong thân. Phải có ngọn cờ lau Vạn Thắng của Đinh Bộ Lĩnh mới thống nhất được đất nước. Nhưng đó là giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử. Phải đợi đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi mới mở ra được thời kỳ phục hưng Lý Trần. Phải có con người như Sư Vạn Hạnh biết phóng tầm nhìn về tương lai mới có thể mở ra thời đại mới cho dân tộc.

Bi kịch của dân tộc ở thế kỷ thứ 20 là những người cách mạng chống Pháp, cầm nắm lấy ngọn cờ dân tộc giành độc lập và thống nhất được đất nước là những người đi theo chủ nghĩa phản dân tộc. “Trí thức địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”  là một bản tuyên chiến với dân tộc, với thành phần trí thức ưu tú là nguyên khí của quốc gia, và với thành phần tư sản là thành phần có khả năng làm giàu cho đất nước.

Nguyễn Mạnh Tường (1909- 1997)

Ngày nay chúng ta không thể hiểu được tại sao cả một thế hệ trí thức tiến bộ yêu nước của thế kỷ 20 đồng thuận với chủ nghĩa cộng sản để có những người trí thức như Nguyễn Mạnh Tường tốt nghiệp tiến sĩ văn chương và luật khoa ở Paris lao đầu vào cuộc kháng chiến chống Pháp với tất cả tuổi xanh rồi đành đoạn ngồi vá xe đạp ở lề đường Hà Nội  kiếm sống dưới chế độ Cộng Sản.  Hay những người như luật sư Trịnh Đình Thảo tốt nghiệp luật ở Paris, làm bộ trưởng tư pháp đầu tiên trong chính phủ Trần Trọng Kim, đưọc ưu đãi ở Sài Gòn, lại vào bưng theo Việt Cộng sau tết mậu thân 1968.

 

Trong khi đó, những người  một thời đi theo thực dân Pháp, làm tay sai cho Pháp, đã trở về gần gủi với dân tộc. Họ chưa hẳn đứng trên lập trường dân tộc. Nhưng trong môi trường chính trị không bị thống trị bởi tư tưởng ngoại bang tình tự dân tộc dễ dàng phát tiết. Họ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia với một nền độc lập “bất chiến tự nhiên thành”. Trong cuộc chiến tranh lạnh, họ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ.  Họ đã biến miền nam thành một đất nước trù phú, thịnh vượng với một nền dân chủ, dù rất mong manh, cũng đủ gieo hạt giống cho các thế hệ về sau.  Dù họ chỉ là những người cơ hội, không có cái hào khí của những người tham gia cách mạng tháng tám, hay không thừa hưởng tinh thần cách mạng của những đảng phái quốc gia chống Pháp.  Dù họ không có dư thừa tinh thần tự do dân chủ, ít ra, họ không dám làm cách mạng để giết oan hàng trăm ngàn người dân vô tội, và đưa dắt đất nước vào cuộc chiến tương tàn lầm than. Và nếu không có chiến tranh, miền nam đã trở thành một Hàn quốc ngày nay.  Nhưng rất tiếc chính họ là người đã giao miền nam cho cộng sản!

Thế hệ 2000 phải thừa kế một di sản lịch sử đầy nghịch lý của thế kỷ 20. Nếu không giải quyết được cái nghịch lý đó, và không vượt lên những nghịch lý đó, thế hệ đương đại không thể tiếp tục hành trình dân tộc trong một giai đoạn chuyển tiếp của một công cuộc vận động lịch sử mới để đưa đất nước vào thế kỷ thứ 21.

Làm thế nào người Cộng Sản có thể thực hiện được cuộc cách mạng dân tộc mà vẫn phải vát trên vai nghĩa vụ quốc tế của chủ nghĩa Mác Lê với sự can thiệp sâu đậm của Trung quốc vào độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ?

Làm thế nào những người quốc gia có thể thực hiện được cuộc cách mạng dân tộc với di sản của Việt Nam Cộng Hoà với những đã lãnh đạo từng tham gia chính quyền thuộc địa để quay mặt lại với dân tộc, đã thí bỏ miền trung và cao nguyên cho Cộng Sản khi còn binh hùng tướng mạnh,  hay trở thành một thứ kiều vận cho cộng sản?

Làm thế nào thế hệ Việt Nam lớn lên ở thế kỷ 21 có thể cùng ngồi lại với nhau để xây dựng đất nước khi người nầy có cha ông làm tay sai cho Tây, cho Mỹ, người kia có cha ông làm tay sai cho Nga, Tàu? Người có thân nhân bị giết bị bom đạn Mỹ, Nga Tàu, người có thân nhân bị đấu tố chôn sống vì là địa chủ, tư sản.

Không gian chính trị  dân tộc bị xoá nhoà bởi cuộc chiến Quốc Cộng và biến mất dưới chế độ toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Không gian dân tộc chỉ có thể được tái lập bằng lòng yêu nước tinh ròng với tầm nhìn vượt qua được những taboo lịch sử, như khi  “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang vượt đại dương trở về với thế hệ thanh niên sinh viên lớn lên trong chế độ cộng sản để hát vang trong cuộc biểu tỉnh chống Trung Quốc xâm lăng Biển Đông. Đó là lòng yêu nước không bị vẫn đục bởi ý thức hệ ngoại bang và bởi những di sản của thời kỳ vong thân.  Đó là lòng yêu nước vượt qua được lằn ranh phân tranh nam-bắc, quốc cộng.

Bài đáp lịch sử cho thế hệ 2000 là sự nhận thức rằng sau một thời kỳ vong thân, những người yêu nước chân chính  phải thấy được mục đích tối hậu của cách mạng Việt là sự phục hưng và phục hoạt dân tộc để phục vụ quốc dân và tổng thể cộng đồng dân tộc Việt trên giá trị của nhân loại toàn tính.   Không có cái tổ quốc gì gọi là tổ quốc xã hội chủ nghĩa đóng đô ở Matcơva, hay Bắc Kinh, hay Hà Nội. Chỉ có một tổ quốc duy nhất là Việt Nam. “Tôi có một tổ quốc và anh có một tổ quốc là Việt Nam mến yêu”  (ĐHY Nguyễn Văn Thuận). Do đó, những dòng vong thân phải được chảy trở về dòng chính của lịch sử.

Sự tái lập tính chính thống lịch sử ngày nay là sự vượt qua giai đoạn vong thân để tiếp nối công cuộc cách mạng trên lập trường dân tộc của Phan Bội Châu và tư tưởng dân chủ của Phan châu Trinh. Cuộc cách mạng nầy đã được tiếp nối bởi  Nguyễn Thái Học, Lý Đông A, Nguyễn Tường Tam, Hùynh Phú Số, Trương Tử Anh.  Và tình trạng vong thân hiện nay chỉ có thể được chấm dứt khi lòng yêu nước của người Việt Nam được tái định hướng bằng con đường dân tộc.  Những người yêu nước có thể bất đồng quan điểm nhưng không bao giờ tiêu diệt nhau để hủy hoại sức mạnh của dân tộc.

Sự tái hợp  của những người yêu nước trên lập trường dân tộc trong sáng của Phan Sào Nam, và tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh sẽ là cuộc vận động lịch sử mới. Nó không phải là chiêu bài hoà hợp hoà giải dân tộc làm máy trợ sinh để kéo dài mạng sống cho một chủ nghĩa đang chết não và đã bị loài người đào thải. Nhưng đó sự tái lập tất yếu không gian dân tộc đã bị bào mòn bởi thời kỳ vong thân, và là sự tiếp nối tất yếu của lịch sử để mở ra một thời đại tự do dân chủ  cho Việt Nam. Và tự do dân chủ trên lập trường dân tộc sẽ là bệ phóng để đưa đất nước vào đại vận phục hưng mới của thế kỷ 21 và để dân tộc Việt được hoà nhập vào cộng đồng nhân loại, để được sống bình thường như mọi dân tộc văn minh khác trên thế giới.

Dallas, 30-4-2011

© Nguyễn Xuân Phước

© Đàn Chim Việt

18 Phản hồi cho “Những nghịch lý lịch sử của thế kỷ 20 và hành trình đi tìm tính chính thống lịch sử ở thế kỷ 21[2]”

  1. Nguyễn Bá Huy says:

    Đọc bài viết rất hay , nhưng thật không ngở trong trang mạng Đàn Chim Việt vẫn có những người viết bẻ cong ngòi bút để viết theo ý đồ của CS , làm méo mó sự thật ! rất buồn !!

  2. Tạ Dzu says:

    Cảm ơn LS Nguyễn Xuân Phước đã có bài phân tích cặn kẽ. Tôi đồng ý với LS NXP là sau thời kỳ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, người Việt đã bị phân ly theo hai ngả: Tự do và Cộng sản (hay Duy Tâm và Duy Vật). Đây là sự chia cách đau lòng do thế hệ lãnh đạo ở cả hai miền không nhìn ra hướng đi của lịch sử dân tộc, cũng vì họ mất “tính chính thống” theo cách nói của LS. Tuy nhiên, từ bên trong hai chế độ, vẫn có những con người dân tộc với tình yêu nước trong sáng, không bị vẩn đục bởi những rác rưởi mặt tầng hai bên. Họ ở vào lứa tuổi 30 vào năm 75. Ngày nay, chúng ta cần tạo cơ hội để thế hệ yêu nước trong sáng này ở cả hai miền có dịp bắt tay nhau, ngồi lại để tìm hướng đi mới cho dân tộc. Với số tuổi 60 hiện nay, thiết nghĩ họ đã chín chắn đủ để dẹp bỏ tất cả những định kiến tai hại mà bắt tay nhau hoà vào giòng nước nguồn dân tộc đã bị phân ly bởi cuộc chiến tranh lạnh. Đây chính là thế hệ lãnh đạo hiện nay, với tình yêu đất nước trong sáng ngày nào và với lòng bao dung cố hữu của dân Việt.

    Con sông nào rồi cũng phải trở về biển Mẹ. Đây là một qui luật. Dù muốn hay không nó cũng sẽ xảy ra. Sự phân ly dân tộc nói trên sẽ phải được tập hợp lại trong tình Mẹ VN, không phân biệt chính kiến, đảng phái, vàng đỏ. Tôi rất “khoái” câu “tìm lại tính chính thống lịch sử” của LS.

    Ước mong thế hệ yêu nước trong sáng ở cả hai miền vào những năm 70 nhìn rõ vấn đề để bắt tay nhau trong tinh thần dân tộc để hướng dẫn cuộc cách mạng mới đang xảy ra ngay trong lòng chế độ hiện nay: tất cả mọi người mọi giới, trong và ngoài nước cùng bắt tay chối bỏ sự cai trị độc tài độc đoán của đảng CSVN. Đó chính là “căn cước/chứng minh nhân dân” mới của toàn dân Việt cả trong và ngoài nước. Có như vậy mới bắt lại được nhịp sống dân tộc từ thời Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, và có vậy thì thế hệ 2000 của chúng tôi mới thấy rõ lối ra cho dân Việt mà kiêu hãnh bước đi.

    Con đường sắp tới của nhân dân Việt đã bắt đầu sáng rõ.

    Thân mến.

  3. Võ Hưng Thanh says:

    VỀ GIỜ PHÚT LỊCH SỬ CỦA VIỆC ÔNG DƯƠNG VĂN MINH TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG

    Theo các dữ liệu lịch sử liên quan, ngày 28/4/1975 ông Dương Văn Minh, Đại tướng, đã lên nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngày 30/4/75, Chính phủ của ông Minh lại đang chờ đợi để bàn giao chính quyền cho bên đối phương. Ông Minh cũng có một người em trai ruột, là Trung tá Dương Thanh Nhật, người của phía bên kia. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lúc đó đang cho tiến quân vào Sài Gòn. Trong tình hình như thế, lúc đầu Chính phủ của Ông Dương Văn Minh đang tính chờ đợi để “bàn giao” chính quyền cho bên chiến thắng. Nhưng cuối cùng, do bị chính áp lực xảy ra tại chỗ, nên vào giờ khắc cuối cùng đó, ông đã chấp nhận phải dùng chữ “đầu hàng”. Tuyên bố sự đầu hàng của ông Dương Văn Minh được phát trên Đài phát thành Sài Gòn vào ngày 30/4, được đọc theo bản viết tay của Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, có được chỉnh sửa vài lần, và được ông Minh đọc để cho ghi âm trước : “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chánh quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn”. Kế đến, lời ông Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, phát biểu trực tiếp theo sau : “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Những nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ, theo sự hướng dẫn của Chính phủ cách mạng”. Cuối cùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng như sau : “Chúng tôi, đại diện Lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn”. Đến ngày 02/5/75, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã công bố trả lại tự do cho những người trong Nội các của ông Dương Văn Minh. Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch của Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định đã trực tiếp gặp những người trong Nội các cũ của Tướng Minh, và tuyên bố minh bạch : “Bây giờ đất nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất, không phải là lúc để nói chuyện người thắng kẻ thua. Đối với chúng ta, không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có Dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ … Mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách Hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá …”. Ông Dương Văn Minh khi đó cũng nói : “… Tôi vô cùng cảm kích và thật sự hân hoan, vì đến 60 tuổi tôi mới được trở thành công dân của nước độc lập, tự do … Tôi nhận chức Tổng thống khi biết rõ ý đồ của Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam, và họ muốn dùng tôi vào thời điểm này để làm gì. Xin hứa với ngài và cách mạng, là công dân của nước Việt Nam độc lập, tôi sẽ góp công sức của mình vào việc xây dựng đất nước …”. Và gần 28 năm sau chiến tranh, Trung ương Đảng của Nước CHXHCNVN đã tiến hành một bước tiếp cận để nhằm đánh giá hiện tượng Dương Văn Minh, có kết luận : “… Tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để đại quân ta tiến vào Sài Gòn. Thúc đẩy Dương Văn Minh ngừng bắn thức thời, đó là một thành công của công tác binh địch vận đã chọn đúng đối tượng, để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh địch vận, trong thời điểm kết thúc chiến tranh”. Các nội dung trên đây cũng là kết hợp theo tài liệu ghi lại của bộ sách “Lịch sử nam bộ kháng chiến”, vừa mới được phát hành, đối với cuộc chiến 10.000 ngày. Đồng thời, vào giờ chót, cũng có tài liệu khác ghi lại như sau : “Trưa ngày 30/4, chiếc xe tăng 834 dẫn đầu, đã tiến vào húc cánh trái của cổng Dinh Độc lập, nhưng bị chết máy, phải tạm dừng lại. Xe tăng số 390 tiến lên, húc đổ cánh cổng chính tiến để vào dinh. Sau đó, là xe tăng 853, một xe Jeep của Biệt động thành, tiến qua cổng. Các chỉ huy quân Giải phóng, và một số cán bộ, chiến sĩ khác, được Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (là cơ sở binh vận) hướng dẫn đi vào phòng họp, nơi Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, và Nội các miền Nam lúc đó đang ngồi chờ để bàn giao chính quyền. Khi đó, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Khiêm, ông Tô Văn Cang mang danh nghĩa của Lực lượng thứ ba, cũng đã tiếp cận tướng Dương Văn Minh. Dương Văn Minh vẫn tỏ ra bình tĩnh và giữ tư thế đúng mực, nói : “Chúng tôi xin bàn giao chính quyền cho Cách mạng. Nhưng Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng lại nói : “Các ông không còn gì để bàn giao hết, chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Borries Gallasch là ký giả người Đức, đã trực tiếp ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của tướng Minh vào máy ghi âm. Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Theo lời thuật lại lúc đó, Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ, rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Trong lúc ấy, mọi người cũng dường như đang thư giãn, và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước đó. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh ngay trong dinh, vẫn cứ còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc phải tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh. Đại tướng Dương Văn Minh vẫn im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội đang nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Cuối cùng, ông Minh cũng đã lên tiếng hỏi một người lính : “Em trai của tôi hiện nay ra sao ? Khi nào thì tôi có thể gặp được chú ấy ?”. Người em của Tổng thống lại là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc Việt Nam như trên kia đã nói, và trong suốt 20 năm, anh em ruột thịt lại ở hai bên chiến tuyến. Ông Minh thật sự ban đầu chỉ có muốn đọc “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh …”. Nhưng do bị áp lực của những người đang bắt buộc ông phải tuyên bố đầu hàng, nên rồi sau đó ông cũng phải đọc : “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống của Chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh vẫn không đọc suông được bản chữ viết tay của Chính ủy Tùng, và ông nói sai nhiều lần. Do vậy, tất cả mọi thứ đều lại phải đọc lại từ đầu. Trong những người có mặt của miền Nam lúc đó, còn có ký giả Hà Huy Đỉnh, có sinh viên Nguyễn Hữu Thái. Riêng Sinh viên Nguyễn Hữu Thái, sau đó cũng có đọc một lời hưởng ứng, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời gian tiếp theo về sau, cũng có cất tiếng hát chào mừng trong việc đất nước được hòa bình, thống nhất. Bài viết này chỉ nhằm nhấn mạnh đến các thái độ, và những danh từ, ngôn ngữ, trong các yêu cầu phát biểu của những người trong cuộc có liên quan, vào chính phút chót mà họ đã được dùng. Cụ thể như khái niệm “Tổng thống” lại được cố ý ghép với khái niệm “Chính quyền” một cách hết sức cố ý. Và thay vì từ “bàn giao” như thực tế tự nhiên, thì lại buộc phải nhất thiết dùng từ “đầu hàng”, mặc dù đó cũng chỉ là ý tưởng và quyết tâm của người sĩ quan cấp thừa hành ở tiền phương. Tất cả những điều đó cũng còn nghiệm ra được trong nội dung những lời tuyên bố của các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Bùi Văn Tùng, Trần Văn Trà, đặc biệt còn lời tuyên bố về sau đó của ông Minh, nhất là lời tổng kết đã được thực hiện 28 năm sau nữa của lãnh đạo Đảng ở miền Bắc. Và từ những lời tuyên bố chung đó, cùng đối chiếu với mọi thực tế đã xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã có, về mọi mặt trong thực tế, của toàn thể đất nước Việt Nam, sau khi đã có được hòa bình, thống nhất, và cho đến tận giai đoạn hiện tại ngày nay một cách bao quát, sâu xa, và tổng quan nhất.
    VÕ HƯNG THANH
    (Sg, 01/5/2011)

    • D.Nhật Lệ says:

      Qua góp ý này,VHT.một lần nữa đã tự mình làm tăng thêm sự nghi ngờ nơi nhiều bạn đọc
      về lập trường và quan điểm chính trị của ông.Ông cho là chính ủy BVTùng đã thảo bản đầu hàng chứ không phải bác Bùi Tín và mới đây một người nữa cũng đang gân cổ lên kể công
      là Phạm Xuân Thệ.Tôi không biết tại sao ông tin như đinh đóng cột mọi chuyện theo báo chí quốc doanh như thế nhỉ ? Một chi tiết sai của ông là Dương Thanh Nhật,thay vì Dương Văn
      Nhật là anh em ruột của DVM.(có con cũng vượt biên sang Úc ở Canberra,đang làm giáo
      sư Toán là Dương Thanh Bình).
      Còn Nguyễn Hữu Thái là 1 trong 3 người trong tổ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông nhưng
      mới đây Vũ Quang Hùng kể lại thì loại bỏ tên NHT.,dù các năm 1976,2001 v.v.QHùng đều
      kể tên NHT.rõ ràng trên bài viết của anh ta.Không phải tình cờ mà NHT.hiện diện trong ngày
      30-4-1975 nếu anh ta không có công trạng với đảng CSVN.hay nói thẳng thừng thì NHT.là
      1 cán bộ CS.nằm vùng hoạt động chống VNCH.trong vai trò sinh viên đại học SG.

Leave a Reply to Võ Hưng Thanh