WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chợ Tết Canh Dần của người Việt tại Melbourne và tản mạn về nước Úc

Vậy  mà  một cô nhân viên Ngân Hàng – người gốc Á, nói được tiếng Việt – biết tôi chưa thạo tiếng Anh, nhân một lần nói chuyện,  còn xui tôi: Việc gì mà ngại! Khỏi cần yêu cầu phiên dịch cho rắc rối. Ông cứ nói đại bằng tiếng Anh. Họ phải cố mà hiểu (?), đấy là trách nhiệm của họ (!)

Người ta kể một ví dụ về sự nghiêm túc của luật pháp Úc:

Mấy năm trước có một Nghị sĩ bang Victoria, do đậu xe quá giờ ở bãi đỗ. Cảnh sát kẹp giấy phạt lên cửa kính xe ông. Hết hạn nộp phạt mà vẫn chưa thấy nộp. Lại có giấy của cảnh sát gửi đến nhà “nhắc nhở” và tăng tiền phạt lên gấp đôi. Lại hết hạn mà vẫn chưa thấy nộp. Mấy hôm sau, ông ta có giấy triệu tập đến Tòa án để định ngày  xét xử vì “không chấp hành pháp luật”.

Tháng sau ông bị bãi miễn ghế Nghị sĩ vì có án.

Nước Úc tất nhiên cũng bị ảnh hưởng việc suy thoái kinh tế toàn cầu. Họ cũng có những “gói kích cầu” như ở ta. Nhưng những gói này một phần lại chia nhau chui vào…túi dân nghèo qua từng đợt trợ cấp chuyển thẳng vào tài khoản của mỗi người dân, tùy theo mức thu nhập của họ.

Thỉnh thoảng các bà nội trợ ngơ ngác hỏi nhau: Họ mới chuyển vào tài khoản của tôi  mấy trăm đô, tiền gì vậy ?

Giữa năm 2009, có một đợt trợ cấp mạnh đến nỗi báo chí tả như “một cơn mưa tiền” vào túi dân thu nhập thấp. Các cụ hưu trí được tới cả ngàn đôla (vài chục triệu VNĐ). Đảng đối lập bèn lên tiếng chỉ trích: Làm như vậy chỉ béo các cửa hàng bán TV màn ảnh rộng và…casino (sòng bạc) mà thôi.

Chính phủ phải ra khuyến cáo: người dân không nên sử dụng tiền trợ cấp cho việc để dành hoặc uống bia rượu, cờ bạc. Nên sử dụng cho việc chi dùng.   Đảng đối lập lại mỉa mai: Tiền vào túi dân, là của người ta, chi tiêu gì tùy họ. Khuyến cáo thì cầm bằng thả chim trong lồng ra mà đuổi!

Thế rồi hình thức kích cầu được điều chỉnh để vừa khuyến khích nhà sản xuất, lại vừa có lợi cho dân. Một trong nhiều biện pháp ấy là bù tiền cho những người mua, đổi hoặc lắp đặt mới những đồ dùng, thiết bị có giá trị cao sản xuất trong nước (ô tô, các thiết bị gia đình..)…

Một chuyện cũng hay hay: Mấy hôm trước, nhiều gia đình được người ta gọi điện thoại đến hỏi xem “nhà mình” đã có lớp cách nhiệt chống nóng trên lớp trần hay chưa? Ít ai muốn làm vì không phải là việc cấp thiết. Nhưng ở đầu dây bên kia – nhân viên một Công ty xây dựng – cứ nì nèo đòi được “đến tận nhà lắp đặt ngay” và chỉ  “xin  quý vị một…chữ ký” !

Té ra là để chống nóng mùa hè cho nhà dân  Chính phủ khuyến khích và chịu chi phí toàn bộ cho mỗi gia đình với định mức là 1200 đôla/ mỗi nhà, đủ để phủ 100m 2 trần, với sản phẩm Made in Australia !

Do khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp ở Úc tăng. Giảm tỷ lệ này là trách nhiệm của chính quyền. Người ta hay thấy các nhân viên nhà nước đi kèm với người thất nghiệp đến các công ty để xin việc. Được biết nhà nước có chế độ chi một khoản tiền, chuyển thẳng cho công ty để bù một phần lương cho người lao động nếu được nhận.

Điều đáng buồn cười là nhân viên nhà nước thì cố gắng thuyết phục Công ty nhận người, nhưng người lao động lại tỏ ra không mặn mà với công việc vì như bị ép buộc phải đi xin việc, hơn nữa trong đầu anh ta đang loay hoay cân nhắc: Nên nhận làm việc này hay kiếm cớ thoái thác để  vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ và  còn có thể đi làm ở bên ngoài để kiếm thêm.  Kiểu nào lợi hơn?!

*

Khỏi phải nói đến sự hiện đại của giao thông và ý  thức chấp hành luật của những người “tham gia giao thông” tại đây. Xe cộ thường chạy với tốc độ cao theo quy định ngay trong thành phố. Đôi khi có ùn tắc thì người ta bình thản xếp hàng, không nôn nóng, cáu kỉnh, lấn đường hoặc chen ngang. Không mấy khi thấy tiếng còi ô tô trên đường phố, thường chỉ nghe tiếng ù ù của tốc độ và tiếng rú tăng ga.

Một lần tôi ngồi trong xe trên đường cao tốc, do ông già 85 tuổi lái, bỗng có tiếng còi gắt gỏng từ phía sau. Ông chỉnh ngay lại luồng đi rồi vẻ ngượng nghịu bảo tôi: Mình đi sai luật, nó “mắng” đấy!.

Nhưng động tác của người lái xe khi gập xe đối diện thường là vẫy vẫy tay, tỏ ý nhường đường hoặc giơ cao ngón tay cái và gật  đầu cười cười,  tỏ ý cám ơn.

Phương tiện chở khách trong thành phố (xe bus, xe điện) thường chỉ có một người phụ trách. Người này vừa lái xe, vừa bán vé, vừa giúp đỡ người già, con mọn, tàn tật lên, xuống xe, lại vừa  chỉ đường  cho khách du lịch (nên lương họ cao?). Các xe đều có chỗ dành riêng cho xe lăn, xe đẩy (cho trẻ con). Hành khách thường tự giác đưa vé qua hộp máy kiểm tra. Chưa thấy người soát vé bao giờ.

Ngươi mới sang đây mà đi bộ phải thận trọng. Mấy ông bạn thường nhắc nhở tôi: Khi muốn sang đường thì ông phải nhấn nút yêu cầu ở cột điện, rồi đứng chờ.  Khi thấy có đèn xanh cho người đi bộ thì cứ “nhắm mắt mà sang”, khỏi cần nhìn tàu xe xuôi ngược làm gì cho thêm rối, dẫu biết có xe đang lao về phía mình thì cũng mặc,  nó phải dừng lại. Nhưng nếu có đèn đỏ, thì  dù không thấy chiếc  xe nào cũng chớ  có sang. Nó xuất hiện bất thần ở mọi ngả,  khó lường.

Luật là hợp lý cho mọi phương tiện và người đi bộ. Không việc gì phải đi vào lề bên nào, mặc dù  chiều thuận ở đây lại là… bên trái. Đôi khi đi giữa đường mới hợp lẽ:  rộng rãi, đi được nhanh. Hãy nhường lề cho trẻ nhỏ, người khuyết tật và những kẻ… nhát gan!

*

Thực phẩm ở Úc sẵn. Ngoài hệ thống siêu thị lớn nhỏ cung cấp thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp, người ta còn có thể mua hàng hóa ở các chợ khu vực. Ở chợ, các mặt hàng thường rẻ và tươi hơn, được cung cấp từ các trang trại quanh thành phố. Người ta có thể nấu các món rất VN mà không sợ thiếu riềng, sả, thì là, hành, mùi, răm, tỏi…kể cả hồ tiêu, tương ớt và mắm tôm thứ thiệt. Nhưng không hiểu sao thứ rau quả nào ở đây cũng to, dài hơn ở ta nhưng mùi vị thì lại không thể đậm đà như khi chúng được trồng ở đất quê mình?

Không thấy họ nhắc đến “vệ sinh thực phẩm” bao giờ! Nên được ăn rau sống thoải mái. Mâm cơm đầy màu xanh của rau tươi, sống chín. Ngành y tế còn khuyến cáo nên cho trẻ trên 2 tuổi ăn rau sống, quả tươi và uống nước lã, ở đầu vòi  (để tận dụng vi lượng khoáng chất bị mất nếu đun sôi!)

*

Tại Melbourne, bác sĩ tư  khá nhiều mà vẫn đông khách. Bệnh nhân phải đăng ký khám từ buổi trước nhưng vẫn phải chờ đợi hàng giờ. Giá khám khá cao (khám đa khoa: 35 do/lần, chuyên khoa: 90 do/lần ~ Tương đương 0,5 đến 1,4 triệu  VNĐ/lần khám)

Tuy phải chờ đợi và giá khám cao, nhưng gập một vài trục trặc nhỏ về sức khỏe ở người lớn, trẻ con, người ta cũng “đi bác sĩ” vì  bệnh nhân không phải trực tiếp trả tiền mà phòng khám sẽ thanh toán với… cơ quan bảo hiểm khu vực.

Người Úc phải mua nhiều loại bảo hiểm. Khá tốn tiền!

Tôi phải qua kiểm tra khá kỹ lưỡng bằng các biện pháp soi, chụp và các xét nghiệm. Qua nhân chứng  là tôi, người Úc khen trình độ phẫu thuật của bác sĩ VN. Tuy nhiên việc theo dõi để tiếp tuc điều trị sau mổ của mình còn có vấn đề.

Tôi phải uống thêm thuốc dài dài. Hy vọng là đã sống thì phải khỏe để vui cho bạn bè và may ra có làm thêm được chút đỉnh  gì cho con cháu?.

*

Viết đến đây, tôi chợt nhớ cảm giác ngại ngại của nhiều  năm về trước: Nếu ai có công việc gì “phải” sang các nước phương tây ít bữa, lúc về các “đồng chí” ở cơ quan – sau khi nhận quà -  thường nửa đùa nửa thật hỏi: Sang bên ấy có thấy bọn tư bản, nó dãy chết không? Vẫn khỏe lắm hở? Cẩn thận kẻo ăn phải bả đấy nhé, cái gì của nó mà chẳng đẹp, chẳng …thơm!

Đọc lại những dòng trên, tuy viết còn có phần tránh né, không đụng chạm để đỡ gây phiền hà cho người đọc ở nước mình. Thế mà đôi điều viết ra, cũng tự cảm thấy mình viết như bịa, như đùa…Nếu chưa tin, mời bác có dịp sang chơi bên này sẽ còn thấy nhiều chuyện còn hay nữa. Tôi cũng chỉ biết có  thế thôi. “Em chả” …biết gì hơn!

Tuần sau, thứ sáu, tôi ra sân bay về Nội Bài. Lại được hưởng cái rét cuối năm quen thuộc của xứ mình. Hy vọng là kịp đón giao thừa ở quê nhà.

Chúc bác cùng gia quyến mạnh khỏe, ăn tết thật vui. Ra giêng, hè có điều kiện gặp lại, ta nói chuyện nhiều.

Hà Nội, 2010

© Nguyễn Hữu Năng

© Đàn Chim Việt Online

Pages: 1 2 3

1 Phản hồi cho “Chợ Tết Canh Dần của người Việt tại Melbourne và tản mạn về nước Úc”

  1. Tom says:

    Có một điều bạn không dám noí ,đó là sự khác biệt tuyệt đối giữa hai chính phủ , dân chủ và độc tài .

Phản hồi