Phỏng vấn ông Richard Lee Armitage, nguyên Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ
Xin Ông vui lòng cho biết nhiệm vụ của Ông tại Việt Nam vào khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975.
Tháng 3 năm 1975, tôi sang Việt Nam với tư cách riêng. Tháng 4, theo yêu cầu của Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Erich Von Marbod, tôi tháp tùng Ông, trở lại Việt Nam để di chuyển quân cụ và dân chúng trong trường hợp Bắc Việt tiếp tục tấn công.
Ngày 28 tháng 4, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng cùng Ông bay lên cầu Bình Lợi, Biên Hòa. Xin Ông vui lòng cho biết nhiệm vụ của Ông và tình hình lúc ấy như thế nào?
Phó Đề Đốc Hùng rủ tôi cùng đi với Ông đến căn cứ Hải Quân Long Bình để thị sát và cũng để khích lệ tinh thần binh sĩ ở đó.
Áp lực của Bắc quân rất nặng. Căn Cứ Hải Quân đã bị tấn công lúc sáng sớm và đang chờ đợi một cuộc tấn công khác có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chứng tích xâm lăng của Bắc quân còn trên đường, ngay cổng trại.
Tôi cũng thấy từng suối người tuôn về Saigon. Điều đó cho thấy Việt Cộng về rất gần cho nên đồng bào hoảng sợ, đi tìm sự bảo vệ từ phía Việt Nam Cộng Hòa.
Sau đó Đô Đốc Hùng và tôi trở về Saigon bằng xe Jeep và tôi đã phúc trình tất cả lên ông Von Marbod.
Xin Ông vui lòng cho biết khái quát về kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm giúp Hải Quân Việt Nam và gia đình di tản vào thời gian cuối cuộc chiến?
Tôi nghĩ kế hoạch Hoa Kỳ giúp Hải Quân Việt Nam di tản rất hạn hẹp. Hoa Kỳ chỉ chuẩn bị một cách tổng quát cho một cuộc di tản với nhân số phỏng định chứ không có kế hoạch tỉ mỉ. Chương trình giúp Hải Quân Việt Nam được phát họa vào giờ phút chót.
Chúng tôi khuyên Hải Quân Việt Nam đưa gia đình vào tạm trú tại các Căn Cứ Hải Quân. Nếu một biến động nào xảy đến, gia đình và người thân của Hải Quân sẽ được đưa ra biển để bảo toàn sinh mạng.
Lúc đó, vì chính phủ Hoa Kỳ chưa dự trù một phương kế nào cho Hải Quân Việt Nam cả, cho nên tôi chỉ thông báo với Hải Quân Việt Nam rằng: Nếu tình thế bắt buộc hãy cố gắng đến Côn Sơn, tôi sẽ gặp tất cả ở đó.
Mọi quyết định liên quan đến Hạm Đội Việt Nam từ Côn Sơn đến Phi Luật Tân đều do những biến chuyển tình hình lúc đó tạo nên chứ không hề có một sự chuẩn bị nào cả.
Xin Ông làm ơn cho biết Ông có những liên hệ mật thiết nào với Hải Quân Việt Nam hay không?
Có. Nhiều lắm. Khi còn phục vụ trong quân chủng Hải Quân Hoa Kỳ, tôi được dịp sát cánh với Hải Quân Việt Nam tại những đơn vị chiến đấu như Duyên Đoàn 35 ở Vĩnh Bình, Giang Đoàn 54 Tuần Thám ở Tây Ninh, Duyên Đoàn 21 ở Tam Quan. Tôi cũng là cố vấn huấn luyện các khóa sĩ quan đặc biệt Hải Quân (Naval OPS Adviser). Các khóa đặc biệt này dành cho tất cả sĩ quan thuộc các quân, binh chủng khác được biệt phái sang Hải Quân.
Thưa, có bao nhiêu chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ trợ giúp Hạm Đội Hải Quân Việt Nam trong hải phận quốc tế?
Hai chiến hạm Hoa Kỳ đã hộ tống Hải Quân Việt Nam đến Phi Luật Tân; đó là không kể những tiếp liệu hạm đã tiếp tế nhiên liệu. Một trong hai chiếm hạm đó là USS Kirk.
Thưa Ông, sau cuộc chiến, Hải Quân Việt Nam trao trả lại cho Hải Quân Hoa Kỳ bao nhiêu chiến hạm? Bây giờ những chiến hạm đó được xử dụng như thế nào?
Tôi nghĩ rằng khoảng 31 chiến hạm, kể cả những chiến hạm bị đánh chìm. Những chiến hạm khiển dụng được trao cho Hải Quân Phi Luật Tân.
Nhiều người thuộc Hải Quân Việt Nam cho tôi hay rằng Ông nói tiếng Việt rất lưu loát và Ông có tên Việt Nam là Phú, đúng không, thưa Ông?
Hồi đó tôi nói được tiếng Việt. Bây giờ, sau 15 năm không xử dụng, tôi không biết vốn liếng tiếng Việt của tôi còn được bao nhiêu nữa.
Những người bạn Việt Nam đặt tên Việt cho tôi là Trần Văn Phú.
Trần: Họ của Đức Thánh Tổ Hải Quân, Trần Hưng Đạo.
Văn: Chữ đệm cho tên đàn ông.
Phú: Giàu sang, do dịch nghĩa từ tên thật của tôi, Richard, cũng đọc là Rich.
Xin Ông cho biết, Ông nghĩ như thế nào về Hải Quân VNCH trong cuộc chiến và những ngày cuối của cuộc chiến?
Tôi nghĩ về Hải Quân VNCH như thế nào hẳn mọi người đều biết rồi. Tôi tin tưởng và ngưỡng phục họ. Tôi ao ước được tiếp tục chiến đấu bên cạnh họ.
Xin cảm ơn Ông.
(Trích từ “Hải quân VNCH ra khơi, 1975”)