Bài phát biểu của tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Từ ba năm nay, trước thềm mỗi năm học mới tổng thống Obama đều đến thăm một trường trung học và có bài nói chuyện với học sinh. Năm nay ông đến trường phổ thông trung học mang tên Benjamin Banneker ở Washington, D.C. Người dịch đưa vào phần phụ lục hai bức thư gửi học sinh nhân dịp năm học mới (2010 – 2011 và 2011- 2012) của hai ông chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam để thấy thuật ngữ “lưỡi gỗ” thực sự có nghĩa như thế nào.
———————————————–
Xin cám ơn. (Vỗ tay). Xin cám ơn rất nhiều. Xin mời các vị an tọa. Xin cám ơn chủ tịch (ý nói cô Donae, có lẽ là chủ tịch hội học sinh -ND), đây là bài giới thiệu rất hay. (Cười). Chúng ta rất tự hào về Donae vì cô đã có một bài giới thiệu rất hay về trường học này.
Ngoài ta, tôi muốn cám ơn bà hiệu trưởng nổi tiếng của các cháu, bà đã làm việc ở đây 20 năm – ban đầu là cô giáo và bây giờ là một hiệu trưởng nổi tiếng – đấy là bà Anita Berger. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chúc mừng bà. (Vỗ tay). Tôi cũng muốn cám ơn ông Gray, thị trưởng Washington, D.C. cũng có mặt ở đây. Xin một tràng pháo tay nồng nhiệt để chào mừng ông. (Vỗ tay). Và tôi muốn được cám ơn người sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vị bộ trưởng giáo dục tuyệt vời nhất của chúng ta, đấy là ông Arne Duncan, cũng có mặt ở đây. (Vỗ tay).
Tôi rất vui mừng được có mặt tại trường phổ thông trung học Benjamin Banneker, một trong những trường phổ thông trung học tốt nhất, không chỉ của Washington D.C mà còn trên phạm vi toàn quốc nữa. Học sinh cũng đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy mà tôi muốn chúc mừng tất cả các cháu nhân dịp năm học mới mặc dù tôi biết rằng nhiều cháu đã tựu trường một thời gian rồi. Tôi biết rằng ở Banneker các cháu đã tựu trường được vài tuần rồi. Bởi vậy mọi thứ đều dần dần ổn định, giống như tất cả những người bạn cùng trang lứa với các cháu trên tất cả các địa phương trong nước. Kì thể thao mùa thu đã được khởi động. Những buổi biểu diễn âm nhạc và diễu hành cũng sắp bắt đầu, tôi tin là như thế. Những bài kiểm tra và những dự án lớn đầu tiên cũng có thể sẽ diễn ra trong nay mai.
Tôi biết rằng các cháu còn có nhiều hoạt động ở bên ngoài trường học. Bạn bè của các cháu có thể cũng thay đổi ít nhiều. Những vấn đề trước đây thường bị bó hẹp trong những sảnh đường hoặc phòng thay đồ tập thể thao hiện đang tìm đường vào Facebook và Twitter. (Cười). Một số gia đình của các cháu chắc cũng cảm thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Nhiều cháu cũng đã biết, chúng ta đang phải trải qua một trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng ta – trong cuộc đời của tôi. Các cháu đang còn trẻ. Và kết quả là các cháu có thể phải làm thêm sau giờ học để giúp đỡ gia đình hoặc có thể phải trông em khi bố hoặc mẹ các cháu đi làm thêm.
Nghĩa là các cháu có nhiều việc phải làm. Các cháu trưởng thành nhanh hơn và tương tác với một thế giới rộng lớn hơn theo cách mà các thế hệ những người có tuổi như tôi, thành thật mà nói, đã không phải làm. Bởi vậy, ngày hôm nay, tôi không muốn sắm vai một người trưởng thành đứng lên và rao giảng như thể các cháu chỉ là trẻ con – bởi vì các cháu không còn là trẻ con nữa. Các cháu là tương lai của đất nước này. Các cháu là những nhà lãnh đạo trẻ. Và đất nước của chúng ta thụt lùi hay tiến lên phụ thuộc một phần lớn vào các cháu. Vì vậy tôi muốn nói với các cháu một chút về trách nhiệm đó.
Rõ ràng là trách nhiệm đó bắt đầu bằng việc trở thành học trò giỏi nhất theo khả năng của các cháu. Điều đó không có nghĩa là các cháu phải có điểm số cao nhất trong mọi bài tập. Điều đó không có nghĩa là lúc nào chúng cháu cũng là học sinh suất sắc (dịch thoát ý thuật ngữ straight A’s – ND), dù đó không phải là một mục đích tồi. Điều đó có nghĩa là các cháu phải cố gắng. Các cháu phải quyết tâm và kiên nhẫn. Điều đó có nghĩa là các cháu phải làm việc chăm chỉ như thể các cháu biết phải làm việc như thế nào. Và điều đó có nghĩa là đôi khi các cháu phải liều lĩnh. Các cháu không nên né tránh những môn học mà các cháu thấy khó vì sợ rằng không thể giành được điểm tốt, nếu đó là môn học mà các cháu nghĩ là sẽ cần đối với việc chuẩn bị cho tương lai của các cháu. Các cháu phải biết ngạc nhiên. Phải biết chất vấn. Phải khám phá. Và đôi khi các cháu phải vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ.
Đấy chính là mục đích của trường học: khám phá những niềm đam mê mới, học những kĩ năng mới, sử dụng thời gian quý giá này để chuẩn bị cho bản thân và rèn luyện những kĩ năng mà các cháu cần để theo đuổi sự nghiệp mà các cháu thích. Và đó là lí do tại sao khi còn là một học sinh các cháu có thể thăm dò những khả năng rất khác nhau. Giờ này các cháu có thể trở thành một họa sĩ; giờ sau, cháu là một nhà văn; giờ sau nữa, là một nhà khoa học, một nhà sử học hay một người thợ mộc. Đây là khoảng thời gian để các cháu tìm kiếm những mối quan tâm mới và kiểm tra những ý tưởng mới. Và càng tìm kiếm nhiều các cháu càng sớm tìm ra những điều làm cho các cháu trở nên sống động, những điều làm các cháu đứng ngồi không yên, làm các cháu phấn khích – tìm ra nghề nghiệp mà cháu muốn theo đuổi.
Bây giờ, nếu các cháu hứa không nói với ai thì tôi sẽ kể cho các cháu nghe một bí mật: khi còn học phổ thông, cũng như trung học, không phải lúc nào tôi cũng là học sinh giỏi nhất theo khả năng của mình. Không phải môn nào tôi cũng thích. Không phải lúc nào tôi cũng chú tâm vào học hành như đáng lẽ phải thế. Tôi nhớ khi tôi học lớp tám, tôi phải học một môn gọi là đức dục. Đức dục là về những điều đúng sai, nhưng nếu các cháu hỏi tôi lúc học lớp 8 tôi thích môn gì thì tôi sẽ trả lời là bóng rổ. Tôi không nghĩ đức dục lại nằm trong danh mục những môn học yêu thích của tôi.
Nhưng đây mới là điều thú vị. Sau đó, lúc nào tôi cũng nhớ cái môn đức dục này. Tôi vẫn nhớ cách nó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi vẫn nhớ khi bị hỏi những câu đại loại như: Trong cuộc sống, cái gì là quan trọng? Hoặc như thế nào là coi trọng nhân phẩm và tôn trọng người khác? Sống trong một quốc gia đa sắc tộc – nơi không phải ai cũng trông giống như các cháu, suy nghĩ giống cháu hoặc xuất thân từ những vùng lân cận với các cháu – nghĩa là thế nào? Chúng ta tìm cách sống chung với mọi người như thế nào?
Mỗi một câu hỏi như thế lại dẫn tới những câu hỏi mới. Và không phải lúc nào tôi cũng trả lời đúng, nhưng những cuộc thảo luận và quá trình khám phá đó là những gì còn lại mãi. Hôm nay tôi vẫn còn nhớ những chuyện đó. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những vấn đề đó khi tôi tìm cách lãnh đạo đất nước này. Tôi vẫn hỏi những câu hỏi tương tự về việc chúng ta, một quốc gia đa sắc tộc, phải chung sống với nhau như thế nào để giành lấy những điều chúng ta cần phải giành? Làm thế nào để bảo đảm rằng mỗi người đều được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm? Chúng ta phải có những trách nhiệm gì đối với những người kém may mắn hơn chúng ta? Làm sao để tất cả đồng bào của chúng ta đều là con em một nhà của nước Mĩ?
Đó là tất cả những câu hỏi bắt nguồn từ môn học hồi lớp tám đó của tôi. Và xin nói một điều như thế này: ngay cả tới bây giờ, không phải lúc nào tôi cũng biết được những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó. Nhưng, nếu lúc đó tôi bỏ môn học nghe có vẻ chán ngắt này thì chắc hẳn là tôi đã bỏ lỡ một điều gì đó, đã lỡ chính cái điều không chỉ đã làm tôi vui mà còn rất có ích trong phần còn lại của cuộc đời mình.
Vì vậy, trách nhiệm của các cháu là phải thử. Chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm những điều mới mẻ. Làm việc chăm chỉ. Đừng thất vọng nếu các cháu không giỏi ngay lập tức. Các cháu không thể giỏi mọi thứ ngay lập tức được. Đó chính là lí do tại sao cháu phải đi học. Tuy nhiên, vấn đề là các cháu cần tiếp tục mở rộng những chân trời và ý thức được khả năng của mình. Đây chính là lúc các cháu làm điều đó. Hơn nữa, đấy cũng chính là những điều khiến trường học thêm thú vị.
Trong tương lai, điều đó sẽ trở thành những phẩm chất giúp các cháu thành công, và đồng thời, cũng là những phẩm chất sẽ đưa các cháu tới việc phát minh ra một thiết bị làm cho iPad trông chẳng khác gì một phiến đá. Hoặc nó sẽ giúp các cháu tìm ra cách thức sử dụng nắng và gió để cung cấp năng lượng cho thành phố và đem đến cho chúng ta những nguồn năng lượng mới, ít ô nhiễm hơn. Hoặc các cháu sẽ viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại tiếp theo của nước Mĩ.
Để làm hầu như bất kì việc gì trong số những công việc tôi vừa nói, các cháu không chỉ cần học hết phổ thông – và tôi biết là tôi có lí, tôi đang đứng cạnh bà hiệu trưởng Berger ở đây – các cháu không chỉ phải học hết phổ thông mà còn phải tiếp tục học lên cao nữa, sau khi rời khỏi ngôi trường này. Các cháu không chỉ phải tốt nghiệp, mà các cháu phải tiếp tục học sau khi đã ra trường.
Và với nhiều người trong số các cháu, điều đó có nghĩa là học bốn năm đại học. Tôi vừa nói chuyện với Donae, cô ấy muốn trở thành kiến trúc sư. Hiện tại, cô đang thực tập tại một công ty kiến trúc, và cô đã chấm được trường cô sẽ theo học rồi. Đối với một vài người khác, đó có thể là một trường cao đẳng cộng đồng, một chứng chỉ nghề hoặc một khóa đào tạo. Nhưng vấn đề là hơn 60 % công việc trong thập kỉ tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn là bằng tốt nghiệp phổ thông – hơn 60 %. Đó chính là thế giới mà các cháu sắp bước chân vào.
Vì vậy, tôi muốn tất cả các cháu sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là tiếp tục học tập sau khi đã ra trường. Và nều điều đó đối với các cháu có nghĩa là trường đại học, thì vào trường thôi cũng chưa đủ. Các cháu còn phải tốt nghiệp. Một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta gặp lúc này là có quá nhiều thanh niên ghi danh vào các trường đại học nhưng cuối cùng lại không tốt nghiệp và hệ quả là đất nước của chúng ta, đất nước đã từng có tỉ lệ những thanh niên có bằng đại học cao nhất thế giới, hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 16. Tôi không thích vị trí số 16. Tôi thích là số một. Nhưng thế cũng chưa đủ. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng thế hệ của các cháu sẽ đưa đất nước này trở lại vị trí đứng đầu về số lượng những người tốt nghiệp đại học, tính theo đầu người, so với bất kì nước nào khác trên trái đất này.
Nếu chúng ta làm được điều đó, các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Và nước Mĩ cũng vậy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng những phát minh mới nhất và những đột phá mới nhất sẽ diễn ra ở đây, ở nước Mĩ này. Điều đó cũng có nghĩa là công việc tốt hơn, cuộc sống đầy đủ hơn và nhiều cơ hội hơn, không chỉ cho các cháu, mà còn cho con cháu của các cháu nữa.
Bởi vậy tôi không muốn ai đó đang nghe ở đây ngày hôm nay nghĩ rằng tốt nghiệp phổ thông là các cháu đã hoàn thành trách nhiệm rồi. Các cháu vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, những điều đang diễn ra trong nền kinh tế ngày hôm nay đòi hỏi chúng ta phải học tập suốt đời. Các cháu phải tiếp tục nâng cao những kĩ năng và tìm ra những cách làm việc mới. Kể cả khi các cháu không vào được đại học, kể cả khi các cháu không được học bốn năm trong trường đại học, các cháu vẫn sẽ phải nỗ lực học tập sau khi rời trường phổ thông. Các cháu sẽ phải bắt đầu kì vọng những điều lớn lao từ chính bản thân ngay từ bây giờ.
Tôi biết rằng điều này có thể làm các cháu sợ. Một vài người trong số các cháu băn khoăn làm sao các cháu có thể trả nổi tiền học phí đại học, hoặc vẫn chưa biết các cháu muốn làm gì với chính cuộc đời của mình. Không sao hết. Không ai nghĩ rằng tại thời điểm này các cháu đã có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời mình. Và chúng tôi không nghĩ rằng các cháu phải làm việc đó một mình. Trước hết, các cháu có những ông bố bà mẹ tuyệt vời, họ là những người yêu thương các cháu vô cùng và muốn các cháu có nhiều cơ hội hơn họ – nhân tiện, điều đó có nghĩa là đừng khiến họ phiền lòng khi họ yêu cầu các cháu ngừng chơi game, tắt tivi và làm bài tập về nhà. Các cháu cần phải lắng nghe họ. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của chính mình, bởi vì đó cũng là những điều tôi thường nói với Malia và Sasha (hai cô con gái của tổng thống Obama -ND). Đừng nổi cáu vì điều đó, tất cả chúng tôi đều suy nghĩ về tương lai của các cháu.
Các cháu còn có đồng bào trên khắp đất nước này – trong có có tôi và Arne, cũng như mọi người ở mọi cấp của chính phủ – những người đang làm việc vì các cháu. Chúng tôi đang tiến hành từng bước trong khả năng của mình để bảo đảm rằng các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục xứng đáng với tiềm năng của các cháu. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng các cháu sẽ có những trường đại học hiện đại nhất với những phương tiện học tập tiên tiến nhất. Chúng tôi bảo đảm rằng các cháu có đủ sức thanh toán và có thể theo học được trong những trường cao đẳng và đại học trên đất nước này. Chúng tôi đang làm việc để có được những lớp học tốt nhất – giáo viên cũng tốt nhất, để họ có thể giúp các cháu chuẩn bị cho việc học ở đại học và một nghề nghiệp trong tương lai.
Nhân đây, xin được nói đôi điều về giáo viên. Ngày nay, giáo viên là những người phải lao động vất vả hơn bất kì ai. (Vỗ tay). Dù các cháu đi đến một trường học lớn hay nhỏ, dù các cháu theo học một trường công hay trường tư – thày, cô giáo của các cháu đều không có ngày nghỉ cuối tuần; họ thường dậy từ sáng sớm, suốt ngày phải lên lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Và sau đó, họ trở về nhà, ăn tối, rồi tiếp tục làm việc cho tới khuya, chấm bài cho các cháu, chữa cú pháp cho các cháu và kiểm tra xem các cháu đã tìm ra công thức đại số chính xác hay chưa.
Và họ không làm việc đó vì một chức vụ cao sang nào đó. Họ không, chắc chắn họ không làm việc đó vì đồng lương cao. Họ làm vì các cháu. Họ làm bởi vì không gì làm họ hài lòng hơn là nhìn thấy các cháu học tập. Họ sống vì những khoảnh khắc khi các cháu thành công; khi các cháu làm họ ngạc nhiên bằng trí tuệ hoặc bằng vốn từ vựng của mình, hoặc khi họ nhìn thấy con người tương lai của các cháu. Họ tự hào vì các cháu. Và họ nói, tôi đã từng làm việc để chàng trai hay cô gái tuyệt vời này có được thành công. Họ tin rằng các cháu sẽ trở thành những công dân và những nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước này đi tới tương lai. Họ biết rằng các cháu là tương lai của tất cả chúng ta. Vì vậy mà các thày cô giáo của các cháu đang truyền đạt cho các cháu tất cả những hiểu biết của họ, và họ không hề đơn độc.
Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Với tất cả những thách thức mà đất nước chúng ta đang gặp hiện nay, chúng tôi không chỉ cần các cháu cho tương lai, chúng tôi thực sự cần các cháu ngay lúc này. Nước Mĩ cần lòng đam mê và ý tưởng của tuổi trẻ. Chúng tôi cần lòng nhiệt tình của các cháu ngay từ bây giờ. Tôi biết là các cháu đáp ứng được vì tôi đã nhìn thấy nó. Không có gì làm tôi hứng thú hơn là biết rằng thanh niên trên khắp đất nước này đang tạo ra dấu ấn riêng của họ. Họ không chờ đợi. Họ đang tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ.
Đó là những học sinh như Will Kim ở Fremont, California, người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để cung cấp những khoản vay cho sinh viên từ những trường dành cho học sinh nghèo, nhưng muốn khởi sự việc làm ăn riêng của mình. Hãy cùng suy nghĩ về điều này. Cậu ấy đã cho những học sinh khác vay. Cậu ấy đã xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận. Cậu ấy kiếm tiền để làm công việc mà cậu ấy yêu thích – thông qua những giải đấu bóng ném và trò chơi cướp cờ. Cậu ấy là người sáng tạo. Cậu đã thực hiện một sáng kiến. Và bây giờ cậu ấy đang giúp đỡ những thanh niên khác để họ có thể theo học những gì họ cần.
Một thanh niên khác là Jake Bernstein, 17 tuổi, xuất thân trong một gia đình quân nhân ở St. Louis, đã cùng với chị gái tạo ra một trang web giúp thanh niên cơ hội phục vụ cộng đồng. Và họ đã tổ chức những hội chợ tình nguyện và thiết lập một sơ sở dữ liệu trực tuyến, giúp đỡ hàng ngàn gia đình tìm kiếm những cơ hội trở thành tình nguyện viên, từ việc sửa sang những con đường mòn cho tới việc phục vụ tại những bệnh viện địa phương.
Và năm ngoái tôi đã gặp một cô gái trẻ tên là Amy Chyao đến từ Richardson, Texas. Cô ấy 16 tuổi, cùng tuổi với một số cháu ở đây. Trong suốt mùa hè, tôi nghĩ vì có người trong gia đình cô ấy đã mắc bệnh nên cô đã quyết định sẽ quan tâm tới việc nghiên cứu về bệnh ung thư. Nhưng Amy Chyao lại chưa học hóa học nên cô ấy đã tự học môn này trong suốt mùa hè. Sau đó, cô đã áp dụng những điều đã học được và khám phá ra một quá trình mang tính đột phá là sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Mười sáu tuổi. Không thể tin được. Một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã tiếp xúc với cô sấy, họ muốn làm việc cùng với cô để giúp cô khai thác khám phá này.
Điều này chứng tỏ rằng các cháu không cần phải chờ đợi, có thể tạo ra khác biệt ngay từ bây giờ. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là học cho giỏi. Nghĩa vụ đầu tiên của các cháu là phải bảo đảm rằng các cháu đang chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp của chính các cháu. Nhưng các cháu có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn của mình ngay từ bây giờ. Nhiều khi thanh niên lại có những ý tưởng hay hơn là những người có tuổi chúng tôi. Chúng tôi cần các cháu thể hiện những ý tưởng đó, cả bên trong lẫn bên ngoài lớp học.
Khi tôi gặp gỡ những thanh niên như các cháu, khi tôi ngồi nói chuyện với Donae, tôi không nghi ngờ gì rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mĩ vẫn đang ở phía trước, vì tôi biết tiềm năng của các cháu. Chẳng bao lâu nữa các cháu sẽ trở thành những người đứng đầu các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính phủ của chúng ta. Các cháu sẽ trở thành những người đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ nhận được những điều họ cần để thành công. Các cháu sẽ trở thành những người làm nên các trang sử mới. Và tất cả đều được bắt đầu ngay bây giờ – bắt đầu ngay trong năm nay.
Cho nên tôi muốn tất cả các cháu, những người đang nghe, cũng như tất cả những người đang có mặt ở Banneker, tôi muốn các cháu làm được nhiều việc nhất trong năm học mới này. Tôi muốn các cháu nghĩ về thời gian này như là khoảng thời gian mà trong đó cháu tiếp nhận thông tin và kĩ năng, các cháu thử nghiệm những điều mới mẻ, các cháu thực hành và ao ước – tất cả những điều mà các cháu sẽ cần để làm nên những điều vĩ đại sau khi các cháu ra trường.
Đất nước của các cháu phụ thuộc vào chính các cháu. Vì vậy hãy ngẩng cao đầu lên. Chúc các cháu có một năm học tuyệt vời. Xin cùng bắt tay làm việc.
Xin cảm ơn các cháu. Xin Chúa phù hộ cho các cháu, xin Chúa phù hộ cho nước Mĩ. (Vỗ tay).
Theo Blog Phạm Nguyên Trường
————————————————
Phụ lục 1.
Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học mới (2011-2012)
Viettinnhanh – Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước. Toàn văn như sau:
“Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2010-2011, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đạt kết quả tốt; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường.
Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành giáo dục, nhất là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với công việc, các em học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập.
Năm học 2011-2012, có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam,” cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt;” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh sinh viên giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.
Tôi mong muốn và tin tưởng các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nỗ lực phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người,” tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thân ái”.
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Trương Tấn Sang
————————————————
Phụ lục 2.
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư chúc mừng đến các thày giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước.
Báo GD&TĐ Online xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của Chủ tịch nước:
THƯ GỬI
Các thày, giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011
Nhân ngày khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2009-2010, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng. Chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có tiến bộ. Việc giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng và ý chí để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên được chú trọng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, tất cả các tỉnh, thành phố đều đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học đều tăng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã huy động được các lực lượng xã hội cùng chung tay thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh… Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đi đầu trong các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành, các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Năm học mới 2010-2011, đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành Giáo dục và Đào tạo phải quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục với những giải pháp mạnh mẽ. Toàn ngành cần tập trung nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, quan tâm hơn nữa đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn…
Các em học sinh, sinh viên yêu quý,
Vừa qua, chúng ta vô cùng tự hào đón tin vui: Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được vinh danh và nhận giải thưởng Fields, giải thưởng cao quý nhất giành cho những nhà toán học đạt thành tựu kiệt xuất trên thế giới. Tôi mong các em học sinh, sinh viên hay noi theo các tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt, đặc biệt là của Giáo sư Ngô Bảo Châu, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.
Chúc các thày, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học mới.
Thân ái!
Nguyễn Minh Triết
Ông “Hồ Cẩm Đào” và lảnh đạo CSVN không bao giờ thấy được sự khác nhau của 2 “loại” giáo dục như tác gỉa đã cố gắng đưa ra. Trong tự điển của giáo dục dưới chế độ CS không có chử “khai phóng”. Giáo dục trong các chế độ CS và độc tài là để đào tạo những kẻ phục vụ chế độ mà rõ ràng nhất là cái loại “còn đảng còn mình” . Đây là cái thảm họa sâu xa nhất của dân tộc, là lý do chính tại sao càng đi đất nước càng thụt lùi, nhất là trong những giá trị đạo đức và nhân phẩm của con người….
Cám ơn ông Phạm Nguyên Trường đã dịch bài này, nhất là có thêm 2 phần phụ lục để tôi so sánh trí tuệ của một thiên tử nước giỏi nhất và trí tuệ của hai anh thái thú, qua một chuyện xem ra rất nhỏ nhặt.
Từ xưa tới giờ, tôi thường không để ý tới những diễn văn của các chính trị gia. Tổng thống nói chuyện tại trường trung học thì để ý làm gì. Nhưng nhờ ông P N Trường, tôi mới để ý, và so sánh “người” và “ta”, và thấy ngậm ngùi.
Tôi biết Obama ứng khẩu, không cần đọc một bài viết sẵn. Tài năng lớn của Obama là ngòai tài hùng biện, Obama lúc nào cũng chứng tỏ mình biết rõ mọi vấn đề, và khả năng này đã được chứng minh từ khi Obama còn đi học, đã được sinh viên (có điểm B trở lên) trong phân khoa luật ở Harvard bầu làm editor cho tờ Harvard Law Review.
Nội dung bài nói chuyện của Obama đầy đủ, bao gồm những điều vẫn thường được trình bày bởi những chuyên gia về giáo dục. Chuyện này không khó đối với tổng thống Mỹ, vốn là người có thể sử dụng tinh hoa hay nhất của nước Mỹ bất cứ lúc nào. Điều hay của Obama, là lồng những kinh nghiệm cá nhân vào bài viết, như chuyện hồi lớp tám thích chơi banh rổ hơn là học lớp đạo đức, kể chuyện về hai đứa con gái của mình, với cách nói chuyện thật duyên dáng, làm đề tài có vẻ nhàm chán trở thành hấp dẫn. Chuyện này tôi thường thấy ở các nhà lãnh đạo nước Mỹ, thường thấy ở Obama, và coi như chuyện đương nhiên.
Cho đến khi đọc hai bài diễn văn của Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết, mới thấy chuyện “đương nhiên” khác xa một trời một vực với 2 cái lưỡi gỗ. Tại sao trí tuệ của chủ tịch nước lại nghèo nàn đến thế. Tại sao không có nổi một ban tham mưu viết diễn văn cho đàng hòang? Hay ông chủ ngu tối, thì chỉ có bầy tôi ngu tối? Hay chính sách đất nước chủ trương ngu dân, cho nên những trí tuệ sáng láng cứ phải nằm ngòai lề? Cả một cái đảng có mấy triệu đảng viên, mà không có một người suy nghĩ cho ra hồn để viết một bài diễn văn cho ra hồn? Thật ngậm ngùi cho học sinh Việt Nam, ngậm ngùi cho vận nước đang ở giai đọan đốn mạt, đến nỗi một chủ tịch nước không nói nổi một điều gì sáng tạo, đáng nghe, tới các học sinh.
tui khong hieu y nghia dua 3 ba`i na`y len day la`m gi`…so sanh the na`o…ket lua.n ra sao???
Nếu ông không hiểu ý nghĩa của việc đưa 3 bài này lên đây làm gì thì tôi xin thưa với ông mỗi độc giả khi đọc một bài báo đều có ý nghĩ khác nhau. Và ý nghĩ của tôi sau khi đọc 3 bài diễn văn này là tôi viết một comment như dưới đây (và tôi xin cám ơn bạn Phạm Nguyên Trường đã có công sưu tầm):
MỘT THỢ VIẾT ĐÃ MƯỢN MIỆNG 2 CHỦ TỊCH NƯỚC GỬI LỜI CHÀO CÔ THẦY
Khác biệt giữa thư gửi học sinh trung học của Tổng Thống Mỹ và của Chủ Tịch Nước Việt Nam khác nhau VỀ CƠ BẢN. Trong hai bức thư của Chủ Tịch Nước Việt Nam người ta nhận thấy ĐỀU DO cùng một “thợ viết”. Như vậy trong thực chất là THƯ CỦA MỘT NGƯỜI THỢ VIẾT GỬI CÁC THẦY CÔ VÀ HỌC SINH CẢ NƯỚC CHỨ KHÔNG PHẢI THƯ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC!” Trong phần so sánh chi tiết hai bức thư của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết (niên học 2010-11) và Chủ Tịch Trương Tấn Sang (niên học 2011-12) tôi đã nhận thấy:
Hai bức thư đó về Ý TƯỞNG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ GÌ KHÁC ngoài chi tiết trong niên học 2010-2011 có sự kiện Giáo Sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán quốc tế. Có 4 đoạn dài được tôi IN ĐẬM và gạch dưới, gần như giống nhau từng câu chữ. Có 2 đoạn cũng dài, được tôi in NGHIÊNG VÀ GẠCH DƯỚI thì giống nhau tới 80% câu chữ. Xin quí độc giả thưởng lãm. Như vậy là GIỐNG NHAU GẦN NHƯ TOÀN BỘ TỚI 60 % HAY 70%.
Tuy nhiên, phần in đậm và in nghiêng cũng như gạch dưới đã không được thể hiện khi tôi gửi trong email góp ý, cho nên xin quí độc giả tự so sánh kỹ hai bức thư của hai vị Chủ Tịch Nước Việt Nam thì sẽ thấy là PHẢI KHEN NGƯỜI THỢ VIẾT NÀO ĐÃ VIẾT HAI LÁ THƯ VỚI NHỮNG Ý TƯỞNG “SÂU SẮC” CỦA CÁ NHÂN ANH TA, MƯỢN MIỆNG CHỦ TỊCH NƯỚC, ĐỂ GỬI TỚI TOÀN THỂ CÔ THẦY VÀ CÁC HỌC SINH TRÊN CẢ NƯỚC.
So sánh các bài diễn văn của người dứng dầu Quốc-gia gở các em học sinh trong năm yhọc mới,
chúng ta thấy rõ tương lai của cả một Dân-Tộc! Than Ôi! Ô Triết,Ô Sang nhìn dó ,có thấy xấu hổ không?
Một bên TT Obama nói:Tương lai Dất Nước nầy là ở các cháu.Một bên các Lãnh tụ CS nói: Học dể thực hiện Nghị quyết của Dảng!! Hởi các Bạn trẻ Du học và dang còn ngồi trên ghế nhà trường trong
nước,có thấy chăng DCS VN dang biến các bạn thành những con rối của Dảng,dang thực hiện kế
họach mà HCM dã vạch ra từ trước Hồng hơn Chuyên! Thân mến tặng các Bạn câu thơ thời Nhân văn
giai phẩm:Thật buồn cười nhỉ-Những thằng mù dẩn dắt chúng ta di. Chẳng nhẽ chúng ta dành chịu
như thế hòai sao??
Nên gọi là ” Cuộc nói chuyện của Tổng thống Barack Obama nhân dịp năm học mới 2011-2012″.
Chỉ có các vị “tầm thấp” thường hay cầm và đọc “bài phát biểu” do thư ký viết hộ thôi.