WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đại ca Tẩn

Rời khỏi cổng được một đoạn, Tẩn bỗng như bừng tỉnh. Câu nói của người bạn tù chợt vang lên: ‘‘Nhớ! Ra khỏi cổng không được quay lại nhìn!”.

Tẩn đứng sững giây lát, lưỡng lự rồi từ từ quay người cúi nhìn đồng hồ, nhắm mắt, nhẩm tính đoạn ngẩng đầu, mở mắt lia từ cổng lên tới nóc nhà rồi lại từ nóc nhà lia xuống – cố ghi lại đặc điểm nơi đã sống trọn 15 năm, 0 giờ 34 phút…

Bất giác Tẩn lẩm bẩm – Kệ Chiến ”kều”. Cảm ơn cậu. Tôi bất chấp, cứ phải quay lại nhìn để nhớ nơi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm… Nhớ, để nhắc nhở mình đừng bao giờ trở lại”.

Một lúc lâu sau, Tẩn lại ngửng nhìn bầu trời.

Đã vào Thu. Bầu trời xanh, trong, cao vút. Ánh mặt trời vàng rực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Tẩn nhìn bầu trời lâu và cảm thây hôm nay cao, xanh, sáng hơn….

- Đi đâu bây giờ? Tẩn tự hỏi, lần lượt điểm lại những địa chỉ rồi nhanh chóng loại bỏ dần, tự nhủ – ”Tốt nhất, đến thẳng siêu thị Đông Nam Á, chăc thể nào lũ bạn cũng có đứa ở đây”.

Vừa lúc đến trước quán cà phê của người Ý. Đã hơn 11 giờ – trưa rồi – Tẩn khẽ thốt lên, rẽ vào, chọn một chỗ khuất trong góc, đặt chiếc túi xắc du lịch nặng chĩu – xuống chân, dở bản thực đơn đọc. Cô bồi bàn người Ý nhỏ nhắn, tóc xanh đen – tiến đến. Tẩn nhớ mây món đặc trưng Ý: Mì ống, Pizza nhân cá Thu và Capuchino. Sau giây phút lựa chọn, quyết định gọi ly Remi Martin, bao thuốc Mallboro, Pizza. Cô phục vụ vào quầy, Tẩn kéo khóa túi xắc lôi mấy quyển từ điển Đức- Việt, Việt- Đức, Đức- Anh đặt lên bàn,  móc dưới đáy chiếc ví tiền, dở xem. Tấm chi phiếu 1000 cùng 200 tiền giấy và 17 EU tiền kim loại. Đó là tiền công làm thợ mộc, phiên dịch tiếng Đức, Anh (cho tù nhân khi quản tù cần… ). Tẩn nhẩm tính nhanh: Đem 1217 chia cho… 15 năm – 5475 ngày…. tính ra bình quân chỉ hơn 0,2 EU/ngày – quá rẻ! ”nhưng đó là đồng tiền qúy gia, chính đáng, lương thiện” – anh lẩm bẩm.

Cô phục vụ bưng thức ăn thức uống ra. Tẩn gạt tất cả suy tư sang bên, tợp hớp rượu (mà khi chưa vào tù rất thích) – hương vị rượu làm dậy lên nỗi nhớ, thèm khát, kích thích. Sau 3 lần tợp, mới xắt miếng Pizza ăn. Lớp đế bằng bột mì ròn, mềm. Nhân cá Thu được ngâm tẩm những gia vị đặc bịêt nên không còn mùi tanh nhưng vẫn đâm vị ngọt, bùi, ngậy của cá biển. Bữa ăn thật ngon, ăn xong thấy thoải mái! Mặc dù định bụng sẽ ngồi lâu, nhưng chừng 45 phút đã thấy nóng lòng, Tẩn thanh toán tiền rồi hối hả bước ra.

Khi bị bắt vào tù, nước Đức chưa thống nhất. Sau vài lần chuyển trại – nhất là nhà tù cuối cùng lại nằm ở tây Berlin (hồi còn 2 chế độ, bọn Tẩn không được sang). Bây giờ ra tù, không biết vị tri bến xe Buyt hay S -BAN. Hỏi một người đi đường, họ chỉ… thấy chiếc Taxi vừa đổ khách, định gọi nhưng Tẩn kịp ngừng lại, quyết định đi bộ.

Trước đây chưa bao giờ Tẩn chịu đi bộ. 15 năm chỉ ngồi, nằm trong căn phòng chật chội. Khi được xuống xưởng làm thợ là vui sướng như đi xem hội. Thỉnh thoảng , hàng tuần, nhà tù cho ra sân dạo trong khu vực quây kín. Bây giờ ”phải đi bộ ngắm nhìn cho đã” – Tẩn tự bảo rồi hăng hái bước. Được một đoạn khá xa, thấy chiếc xe Buýt táp vào đổ, đón khách, đầu xe đề chữ Zoo – Tẩn vội lên vì biết rõ muốn về hướng Đông Berlin phải đi S- Bhan từ đây.

Khi xe cục bến, khách trên xe xuống hết, Tẩn theo, chuyển đường để lên tầu S-Bhan. Bỗng… vô tình dán mắt vào chiếc bảng hiệu gắn bên cửa vào của một cao ốc. Dòng chữ Hotel Đại Đế đập vào mắt. Tẩn sửng sốt, nhận ra: Đây – chính ở đây- có căn phòng 308, nơi Tẩn đã từng sống 4 ngày đêm…

Đúng! 4 hôm – tận hưởng, biết thế nào là lạc thú, rồi cũng chỉ mấy hôm sau đó cũng biết thế nào là cặn bã của cuộc đời trong suốt 15 năm…

Thế mà đã 15 năm!

xxx

- Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

- Không xưng danh thì Ai biết đằng ấy là Ai?

Trên sân khấu biểu diễn, anh Hề Mồi, Hề Gậỵ, Chú Tễu vào vai bằng câu hỏi nổi tiếng kia. Còn trên sân khâu cuộc đời, chúng ta cũng phải giới thiệu đôi chút về họ, tên của người tù – nhân vật chính của tấn bi kịch  này.

Tẩn tên thật là Tân. Họ, Đạo Chính – Đạo Chính Tân! Tẩn là tên được cuộc đời ”tặng”. Chính cái tên Tẩn này ảm, thẩm thấu, cột chặt vào Tân như một định mệnh, đã làm cuộc đời Tân ngoặt sang một hướng khác…

Người Kinh thường mang họ Vũ, Nguyễn. Người Tày, Thái, Mèo cũng có họ riêng – nghĩa là mỗi dân tộc trong cộng đồng người Việt đều có những họ phổ thông truyền kiếp của giòng tộc. Thế mà Tân lại mang, họ Đạo Chính – Cái họ có thể là duy nhất chẳng giống ai của dân ta. Muốn hiểu thấu đáo nguồn gốc của nó, ta phải cùng nhân vật lùi lại dĩ vãng:

Ông Nội Tân tên thật là Kim – vốn giòng dõi  gia thế có của ăn của để. Cụ tổ chỉ sinh được mình Kim. Là con một nên mới lọt lòng đã được ”nâng như nâng Trứng, hứng như hứng Hoa”. Đến tuổi đi học, cậu được bố dẫn tới tận nhà thầy để học đạo thanh hiền. Sáng dạ, học một hiểu hai, chỉ phải cái tính ngỗ ngược, thich đánh đấm. Thầy đồ là chỗ quen thuộc nên rất chú ý đến cậu con của bạn. Khi Kim có lỗi, thầy kết hợp giáo dục trách phạt bằng roi mây với giảng giải kiến thức. Chứng nào tật ấy, Kim chẳng những không bỏ được tính quen đâm đá, mà xem chừng các cuộc đánh đấm cứ tăng dần theo năm tháng, tuổi tác…

Lớn chút nữa, ngoài chuyện đấm đá, Kim học đánh bạc. Mới mười mấy tuổi đầu mà đã thông thạo tất cả các loại cờ bạc. Bình dân thì: Đáo lỗ, Bật tường, Tam cúc, Bất, Đố mười (3 cây)  Quay đất, Xóc đĩa, Xì tố. Còn cờ bạc của giới Trí thưc, quan lại thì: Cờ Tướng, Chắn cạ, Tổ tôm, Tài bàn. Đến nỗi hễ thấy bóng Kim ở đâu là các con bạc chèo kéo bằng được ”cậu” vào bàn. Bọn chúng dành cho Kim đặc quyền được chơi chịu,  ghi sổ nợ.

Một ngày kia, gần hai chục con bạc mang giấy nợ đến nhà đòi. Ông bố ngã ngửa, đành bán nửa gia sản trả nợ thay cho qúy tử. Cú sốc qúa lớn khiến cụ ngã bệnh rồi về với tổ tiên. Cụ bà cũng không kìm được nỗi uất hận buồn phiền, theo chân cụ ông sau đó 3 tháng. Không còn ai ngăn cản, Kim  tiếp tục vùi đầu vào bài bạc. Hơn môt năm sau, toàn bộ cơ nghiệp: Ruộng tư điền hương hoả, thổ trạch, tiền bạc, đồ dùng… cùng ngôi nhà theo Kim vào chiếu bạc – đội nón ra đi – hết. 17 tuổi, trắng tay, trở thành kẻ ”sống vô gia cư, chết vô địa táng” – đành ra Đình làng vạ vật, đi ăn xin.

”Bụng đói đầu gối phải bò”.

Bò bằng cach ngoài ăn xin, còn đi… ăn trộm buồng cau, dải chuối, gà qué. Biệt danh Đạo chích Kim Kê (Kim trộm gà) được dân làng đặt cho, trở thành ”gương xấu” trong vùng. Mấy tay trộm có cỡ ở xung quanh biết tìm đến chèo kéo. Kim nhập bọn đi ăn trộm những nhà có của. Một lần bị họ bắt, đánh nhừ tử, đâm sợ… Cuối cùng thì cũng biết xấu hổ – cái chính là đói – đành bỏ làng ra đi.

Một đêm mùa đông, gần tết, Tuần đinh làng Đô của một Huyện – cách xa quê hương Kim mấy trăm cây số- bắt gặp ở chái đình làng một thanh niên đang đói lả, run cầm cập, sốt ly bì. Lý Trưởng sợ có người chết ở đình, ”Giông” cả làng – vội gọi thầy lang đến chữa trị. Kim Kê khỏi. Nhớ đến hoàn cảnh của mình- nhất là cơn đói rét – vừa từ cõi chết trở về – anh xin ông Lý được ngụ cư. Đang thiếu Mõ làng,  ông đồng ý rồi giao ngay cho Kim công việc kia. Cái chái sau Đình trở thành nơi trú ngụ của Đạo chích Kim Kê từ đó.

Sau cú Sốc lớn, Kim tỉnh người chí thú làm ăn và giấu kín qúa khứ. Một cô gái con ông bà quét chợ để ý. Thấy cái tướng của Kim mà theo bố cô gái – hơn hẳn nhiều trai làng – ông bà ưng ý ngay. Vài tháng sau họ làm mâm cơm cúng tổ tiên rồi cho 2 trẻ ra ở riêng. Cái chái sau đình kia trở thành tổ ấm của cặp vợ chồng Mõ trẻ, rồi cũng ở đây, 3 bé trai lần lượt ra đời cách nhau trong vòng 5 năm.

Đời Mõ làng cư thế bình lặng trôi qua 17 năm.

Cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 nổ ra. Kim  hăng hái tham gia cướp chính quyền. Đã biết chữ, thành phần cốt cán, những người nổi dậy cho Kim làm phó chủ tịch Ủy ban cách mạng. Ngay từ lúc bỏ quê quán ra đi, Kim đã thề quyết quên họ, giấu gốc gác. Khốn nỗi bây giờ có chức có quyền, mỗi khi phải ký giấy tờ cho dân, ngoài tên cần phải có họ. Liên tưởng tới hai tiếng Đạo Chích mà dân quê gán cho, Kim bỗng thấy tự ái… tự ái đến độ văng tục trong đầu: ”Mẹ kiếp! – Thì ông lấy mẹ nó họ là Đạo Chích vậy. Chúng mày khinh ông trộm gà, bây giờ ông cho thằng Ăn Trộm Gà – cưỡi lên đầu chúng mày cho hả giận”. Từ đạo chích khó nghe, lại hèn hạ, Kim cải ”Đạo Chích” thành ”Đạo Chính” nghe vừa cao thượng lại ngạo nghễ.  Lũ con cái tức tốc được làm khai sinh. Thằng cả – Đạo ”Chích” Thiên trở thành Đạo ”Chính” Thiên. Thằng Hai – Đạo Chính Điền, thằng út là Đạo Chính Nhân. Ông đã đẻ ra Bái Vật Giao mà những người quân tử, trí thức thời đó thờ phụng: Thiên- Điền (Địa)- Nhân!

Cuộc Trường kỳ kháng chiến ngày một ác liệt. 4 bố con ông tham gia hăng hái. Thiên, Điền đủ tuổi thì vào bộ đội chủ lực. Nhân ít tuổi nhất cũng xin đi làm liên lạc. 9 năm sau – chiến tranh chống Pháp kết thúc. Tiếp đến Cải cách ruộng đất – cả 3 được xuất ngũ: Thiên yếu nhất được về quê sống cùng bố mẹ. Điền chuyển ngành về làm phó Sếp ở một mỏ trong công ty than Cẩm Phả. Đạo Chính Nhân về làm thợ, lấy vợ… 3 con gái ra đời trước. Sau cơn ”khát nước” đó 10 năm – Tân mới đến lượt ra!

Không biết có phải Tân thừa hưởng di truyền của ông nội mà y hệt tính cách ông nội: Lười, ngại học, hay đánh nhau, phá phách và tụ tập, lén lút chơi Tú lơ khơ ăn tiền. Ông Nhân đã trở thành Giám đốc nhà máy cơ khí của tỉnh. Ông vất vả vì công việc thì ít mà vì thằng con thì nhiều. Thoạt tiên là giáo dục theo cách cũ: Quật bằng roi mây, sau đó điên lên – vớ được đoạn ống nước bằng cao su- ông cũng quật. Có lúc còn cả bạt tai đấm đá.

Tân là đứa dạn đòn, coi khinh tất. Ông Nhân hết cách, đang bất lực thì nhớ ra: Nhà nước ký kết Hịêp định Hợp Tác Lao Động với 4 nước XHCN động Âu, xí nghiệp đã liên tục cho nhiều công nhân đi. Nhẩm tính thấy thằng con đủ tuổi, lại qúa bận công việc của xí nghiệp, nhưng cái chính – ”Đau đầu”… ”Chậc! Cho nó đi, ”Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Sống tự lập sẽ khôn ra! Ông bảo Trưởng phòng Lao động tiền lương… thế là hơn tháng sau Tân có mặt trong đoàn quân đi Hợp Tác Lao Động ở Đông Đức DDR).

Năm đầu tiên đến Đức còn êm thấm, chí thú học nghề, học tiếng. Khi đã biết chút ít tiếng Đức, quen thung thổ, trong môi trường tự do và nhất là không có Bố bên cạnh – căn bệnh cũ của Tân lại được dịp tái phát. Trước tiên là đánh nhau với anh em trong đội lao động. Tân nể mặt né tránh số phận nửa trong đội là công nhân chính hiệu. Còn lại ”cá đối bằng đầu”,  ”cùng hội cùng thuyền” – bất chấp, cà khịa, đấm đá hết. Trong tổ có một thằng bạn học chung trường phổ thông bên nhà từ cấp 1 đên cấp 3 – biết rõ lý lịch của Tân và cả ”võ của nhau”. Riêng hắn, Tân không ”dây với hủi”. Cậu kia thì rỉ tai mọi người – ”thằng này í à? Với nó chỉ có tẩn, tẩn mạnh mới xong. Hồi học phổ thông với tớ, nó đã nổi tiếng trong vùng về đánh đấm. Có lần tớ đã đấm nó vỡ mõm, hộc máu. Chúng tớ không gọi Tân, mà gọi là thằng… Tẩn”!

Tẩn… Tẩn!

Nghe mà sởn gai ốc.

Cần lý giải về cái Danh- Động từ – Tẩn này một chút.

Có thể Tẩn bắt ngưồn từ chữ Tấn trong tập hợp từ – Tra Tấn – phương pháp Trị quốc – An dân cơ bản của thực dân Phap hồi chúng còn ngự trị trên đầu dân ta. Cứ thấy ai đó có vẻ cứng đầu… bất phục, phản ứng… cho dù chỉ phát ngôn vu vơ – bọn Thực dân cũng tóm, đánh đập, ép cung, bắt người xấu số phải nhận tội chống đối để dễ dàng kết án tù đày, bắn giết. Các cuộc đánh, ép cung đó được dân ta gọi là Tra Tấn. Lâu dần – từ đời này sang đời khác – Tra Tấn rút gọn thành ”Tẩn”. Đến nỗi lũ trẻ ra đời dường như tự nhiên đã thừa hưởng câu nói của bố, chúng đâm ra thích thú với tiếng Tẩn, thế là thành câu cửa miệng của bọn chúng.

Khi thằng lớn bảo không được thằng bé, thằng lớn đe: Ông Tẩn cho bỏ xừ bây giờ!

Lũ choai choai kéo bè kéo cánh, cậy thế cha ông, trấn ap đối thủ – thì hô: Chúng mày ơi! Tẩn bỏ bố nó đi!

Bọn thanh niên mỗi khi gây gổ, trong những cuộc giành gái, chia tiền không đều hoặc ‘‘hội đồng‘‘, ’’đánh hôi’’ – thì gào lên: Tẩn… Tẩn… Tẩn!

Tân rơi ngay vào môi trường, được đám bạn khuyến khích. Như đã nói ở trên. nó dạn đòn đến lì lợm. Mà nào có to con cho cam. Đằng này còm nhỏm còm nhom. Người cứ lồng ngồng… cái chính được đám bạn khích bác, phổng mũi, đến độ trong đầu chỉ ngự trị tiếng…Tẩn. Trong mọi trường hợp tranh chấp, nó chỉ dùng nắm đấm để giải quyết. Điều thú vị – nhưng cũng thật tai hại – Kết cục các cuộc ẩu đả dù máu mồm máu mũi hộc ra, đứng không vững, đi liêu xiêu… nhưng Tân vẫn hổn hển, hỏi đối thủ: Chịu… thua chưa? Kẻ kia cũng đã kiệt sức… dường như nhận ra điều gì đó tiềm ẩn trong con người đối thủ ’’không còn gì để mất’’, ‘’Vua cũng thua thằng… cùng’’ – đành lặng lẽ quay đi. Tân dương dương tự đắc khẳng định chiến thắng của mình, vì vậy ở cả 3 cấp – 1, 2, 3 – Tân đều giữ vững ngôi đầu bảng – Tẩn nhau!

…Và bây giờ, khi đã là công nhân HTLĐ, không ở gần ông bố ”quân sự”, ngoài biên giới nước Việt, Tân đã thực sự biến thành Tẩn. Gía người khác có lẽ đã tỉnh ngộ về danh tính khó nghe kia. Đằng này, Tân lại lấy đó làm hãnh diện. Nhất là mấy thằng cùng trang lứa, dân ”Chân đât mắt toét” lại cứ tâng bốc Tân đến tận mây xanh. Tệ hại nhất chúng thường xưng hô – Đại ca Tẩn! Tân càng thú vị, nghêng ngang hơn và rất tự nhiên trong những khi cần xưng danh với đám khách hàng, đối tác trong các vụ buôn bán – gã lại làm ra vẻ vô tình buột miệng – Vâng, tôi là Tẩn!.

Vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, ở Đông Đức, phong trào buôn lậu trong cộng đồng người HTLĐ phát triển mạnh. Ganh đua ở lĩnh vực này còn có dân Ba Lan, Thổ (Turkei). Hễ nơi nào xẩy ra tranh chấp y như rằng có đánh nhau và không thể vắng mặt Tẩn. Chính vì thế, Tẩn nổi lên và được ngay đám đồ đệ suy tôn là Thủ lĩnh. Khu vực quản ly được nhanh chóng khoanh vùng và ranh giới ”Nước sông không phạm nước giếng” – được các bên thực hiện.

Dường như không được đánh nhau các đàn em của Tẩn thấy kém vui đâm ngứa ngáy chân tay. Thỉnh thoảng bọn chúng lại cố tình gây sự để phá phách. Một lần vớ được ”con vịt” lớ ngớ đi lạc sang khu vực của chúng. Sau khi cho thằng kia một trận nhừ tử, bọn chúng dẫn về gặp Sếp. Nhìn thằng ”Tây” bị đánh, tự dưng Tân thấy hả lòng. Gã hỏi ”Cánh tay phải- Trâu điên”: Nó mang trên người thứ gì?

- Không có tiền. Chỉ có quần áo bò rởm và cả loại ”xịn”. Nhưng đáng chú ý có một túi Mác, Mỏ Levis.

- Đâu? Đưa cả ra đây.

Trâu điên moi các thứ từ trong chiếc túi xắc ra. Cả bọn xúm vào xem, mây thằng trầm trồ khen hàng tốt. Tẩn quay sang hỏi ”con vịt”:

- Hàng này chúng mày nhập từ đâu? Gía nhập bao nhiêu? ’’Con vịt’’ bập bẹ tiếng Đức: Một nửa chúng tao may, còn đồ Origin – mua!

- Hả? May? Xem nào… Tẩn nhìn chăm chú rồi ngẩn người… đoạn đột ngột thốt lên – tính ra chỉ… USD. Chúng tao muốn mua những thứ này số lượng nhiều, bọn mày có bán không?

- Phải hỏi Sếp. Chắc là có!

- Thôi được. Cho mày về. Bảo với Sếp mày là tao muốn gặp bàn chuyện làm ăn. Ngừng một chút suy nghĩ, gã hỏi tiếp- số hàng trong túi xắc này mày dự kiến sẽ bán bao nhiêu? Gía nhập bao nhiêu?

Thằng kia không nói được tiếng Đức, chuyển sang giải thích cặn kẽ bằng tiếng Ba Lan. Một thằng đứng bên cạnh dịch lại cho Đại ca nghe. Măt Tẩn sáng lên, quay sang bảo”cánh tay trái- Bò rừng”- mày viết cho sếp của nó thư hẹn gặp để bàn việc mua hàng. Còn số này, quy ra trả gía gốc bằng USD. Coi như chúng ta mua! ”

”Con Vịt” nghe, mắt sáng lên – quệt, lau máu trên mũi – cầm thư, tiền ra về.

Cả bọn xúm lại quanh đống hàng. Chưa đứa nào lên tiêng, Tẩn đã nói rành rọt: Chúng ta chuyển sang may. May được thì ”ăn cả tất”. Tại sao có Mác, Mỏ, có thị trường, ta lại phải đi ’’luộc’’ lại của chúng?

- Nhưng kỹ thuật may của bọn nó rất khá. Mình làm sợ không đạt chất lượng-  Trâu điên phản bác.

- Cũng không đến nỗi chúng ta không thể làm được. Chỉ cần một vài đứa là thợ may xịn. Còn mẫu mã, số đo và thiết bị, nguyên liệu may – không thành vần đề- Bò rừng phủ nhận!

- Tao biết một thằng tên là Tiến, trước đây là thợ may Complé ở Hàng Bông hiện đang ”vật vờ chó ốm” ở Postdam. Triệu thằng này về, khoán nó đào tạo. May quần Bò rất dễ. Chỉ cần tháo các quần xịn ra rập khuôn cắt là có ngay tất cả các số đo. Cuối cùng thì thợ may chỉ làm mỗi việc điều khiển đường máy cho thẳng. Xong! Chả mấy chốc mấy thằng èng èng sẽ thành Meister hết – Thằng khác cứng tuổi nhất trong bọn- bổ sung.

- Đúng!

- Hay lắm! Trúng to rồi- một thằng ”lỏi con” không kìm được vui thích – hét lên!

- Sao từ trước tới giờ bọn mình lại không nghĩ ra nhỉ? Cả bọn hồ hởi rồi phân công nhau đi lo mỗi đưa một việc. Với số Mác, Mỏ hơn 300 chiếc này, số tiền bán quần áo may được, công với số hiện đang có đã đủ mua sắm thiết bị dụng cụ.

- Nhưng trước mắt cứ phải mua của bọn nó hàng để giữ khách. Khi nào may thành công mới cắt cầu. Để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn, bọn mình phải nhập số Mác, Mỏ thường xuyên. Nếu được thì mò ra đầu mối để sau này làm trực tiếp – Tẩn kết luận.

Ngay hôm sau, Tẩn nhận được điện thoại hẹn gặp của đối tác. Cuộc hẹn gặp nhanh như vậy làm cả bọn đâm nghi hoặc, chần chừ.

- ”Ồi! chỉ là do cả hai thực sự cần nhau nên đến nhanh với nhau, có gì đâu!” – Tẩn trấn an đàn em, vội trả lời đồng ý và chọn địa điểm, thống nhất số người hội kiến là 5. Trâu điên vốn rất ”thính” trong việc đao búa lên tiếng cảnh báo: Tất nhiên đi hội kiến là đúng, cần thiết nhưng không được mất cảnh giác. Dân Mafia Ba Lan không phải loại thường. Theo tớ, ta nên chọn thêm 2 thằng nữa điêu luyện về côn nhị khúc.  Cậu, Tớ, Bò rừng cùng đi. Tất cả chỉ nên mang côn nhị khúc. Cảnh sát có khám bắt, chúng không thể làm gì ta. Trong kịch chiến thứ này phát huy tác dụng rất hiệu qủa, dù chúng có là ‘‘voi‘‘ ta cũng không sợ. Chăc bọn nó cũng không có súng, mà chủ yếu là ’’dao phay’’ (Kiếm ngắn) và Bốc xơ.

Ý kiến của Trâu điên thật chí lý. Tẩn đồng ý. Cả bọn bắt tay chuẩn bị.

Điạ điểm gặp mặt là một Resstaurant nằm gần bể bơi trong khu liên hợp thể thao trung ương. Đúng giờ, hai ”phái đoàn” đều xuất hiện ở cửa. Tất cả đi vào buồng đã đặt sẵn. Đối tác – thằng nào thằng ấy trông to như hộ pháp. Tóc cắt cua, mặt đằng đằng sát khí. Nếu trên tay mỗi đứa có đôi găng đấm Bốc thì đó chính là 5 Mohamet Alli.

Tẩn đi đầu. 4 chiến hữu thư thái theo sau. Trừ Tẩn mặc Comple Cravat cài khuy, 4 đàn em ăn vận tựa như các võ sinh của một lò dậy Kông phu đến hội thao. Nếu chú ý quan sát, nhận ra ngay: Lưng đứa nào cũng thẳng đợt. Đó là hậu qủa của 2 khúc gỗ Phíp kềnh cang nằm trong lớp áo- ép sát sống lưng.

Thật ra cả hai bên đều lo lắng hão.

Chẳng có ai muốn gây chuyện vì cả hai đang cần nhau. Từ trước đến giờ chưa tìm hiểu nhau cặn kẽ để cùng kiếm tiền. Nhờ ”con vịt” bị trận đòn và lũ đàn em hiếu chiến nên Tẩn mới vô tình nghĩ ra kế hoạch này. Thủ tục giớî thiệu của hai bên diễn ra bình thường. Ngồi bên phải thủ lĩnh đối tác là một người đàn ông tuổi trung niên, giống dân Thổ hoặc Trung Á. Bộ ria mep như con sâu róm cứ luôn luôn cựa quậy. Ông ta được giới thiệu là đại diện cho hãng Levis ở đông Âu. Để chứng minh cho lời giới thiệu, vị đại diện kia rút túi đưa cho bọn Tẩn mỗi người 1 chiếc Card bọc Nilon. Trên đó có ảnh, chưc vụ, địa chỉ và Lô gô của hãng sản xuất quần áo. Ông ta là phát ngôn chính và ra những quyết định cuối cùng trong cuộc hội đàm. Chỉ sau vài giờ bàn thảo, hai bên đã thồng nhất với nhau giá cả, số lượng, thời hạn giao nhận, thanh toán… kể cả hóa đơn phù phép đi trên đường cũng được đề cập.

Rượu, Bia, nước ngọt, thuốc lá và thức ăn loại hảo hạng được bưng ra. Mấy giờ trước cứ tưởng sắp đánh nhau to đến nơi. Bây giờ trông đám người như đám bợm nhậu. Tất cả đã tu bia như tu nước suối. Nhai chim quay, vịt quay, bò rô ti – rào rào. Cười nói như pháo rang!

Hai tuần đầu – cứ ba ngày một chuyến giao dịch – Hai bên thực hiện cam kết nghiêm chỉnh. Tiền trao, hàng nhận, không suy suyển, không vết gợn. Chất lượng hàng tuyệt vời. Đàn em của Tẩn tha hồ hốt bạc. Cứ mã hàng sau lớn hơn mã trước. Nhưng đơn giá lại hạ đi. Một vài thằng láu cá, khôn lỏi, thỉnh thoảng lại phản ánh cho chủ giao hàng về dăm ba kiện- vài trăm chiếc – may bị lỗi. Chủ hàng không kiểm tra mà vui vẻ bù lỗ bằng giảm đơn gía số hàng này. Không khí làm ăn hào hứng đầy tin cậy.

Vào tuần thứ tư, Tẩn nhận được điện của đôi tác nói cần gặp mặt để thông báo, bàn về một công việc quan trọng…

Lần này mời đến thẳng văn phòng giao dịch của họ. Lại vẫn thành phần cũ, 5 người đi đến bằng chiếc La Da. Đây là căn nhà nằm trên một phố gần chân tháp Tele Cafe. Đồ đạc trưng bày trong phòng sang trọng, hào nhoáng. Chủ hàng đưa cho Tẩn đọc một thông báo của hãng Levis , rằng hiện đang có khối lượng hàng lớn cần giải tỏa. Chào bán. Nếu khách nào mua thì dồn tiền đến lấy ngay. Gía bán chỉ bằng 1/2 so với giá nhập của thị trường quần áo đang thịnh hành. Đôi tác rủ Tẩn chung vốn, đồng thời – gã kia nhấn mạnh – nếu muốn, sẽ giao đầu mối làm ăn này cho Tẩn, họ chuyển sang địa bàn khác.

Chả cần suy nghĩ  – vì đã xây dựng được lòng tin qua các lần mua hàng – trong  đầu Tẩn đã quyết định ngay, nhưng vẫn tỉnh táo, tỏ ra e ngại – Ác cái kho hàng lại đặt ở bên Tây Berlin – Tẩn dè dặt. Đối tác hiểu ý trấn an ngay – Sẽ đưa ông đến tận nơi xem, gặp trực tiếp chủ hàng…

- Nhưng tôi không thể đến xem được vì giấy tờ…

- Tôi hiểu! Chuyện này ông không cần bận tâm. Chúng tôi sẽ lo.

Để cho kín kẽ, Tẩn hứa sẽ chính thức trả lời vào chiều hôm sau rồi về bàn với anh em. Tuy cũng có vài ý kiến e ngại… cuối cùng vẫn thống nhất mua số hàng này. Tất cả đều chắc mẩm: Sẽ là bước ngoặt để bọn Tẩn tiến sang một môi trường làm ăn mới!

- Cần có hai điều kiện: Chúng phải chuyển giao đầu mối này cho ta và lo giấy tờ cho 3 người đến tận nơi xem hàng, sau đó về mới chuyển tiền, nhận hàng song song.  Chỉ có điều đáng suy nghĩ: Kho hàng trị gía mấy trăm nghìn USD, vay mượn đâu? Tất cả lại xoay ra bàn huy động vốn. Ai cũng tân niệm: Nếu đưa đưọc số hàng với gía này về, gọi các cơ sở ở 6 thành phố lên trao tay – lãi cũng đã gấp đôi.

Theo đúng hẹn, 3 người có mặt tại quán cà phê Ý gần quảng trường Alexander. Xe chủ hàng đưa họ tới một biệt thự khác. Tất cả thay quần áo, sửa lại tóc tai, chụp ảnh, nghỉ ngơi tại chỗ rồi sáng 2 hôm sau mỗi người nhận một hộ chiếu tên mới lạ hoắc nhưng lại dán ảnh mình. Người tổ chức cuộc đi nhắc phải nhớ tên, tuổi, ngày tháng năm sinh. ”Những chuyện trên đường để chúng tôi ứng xử ”.

Khi làm xong thủ tục nhập cảnh vào Tây Berlin, đoàn người lên xe, chạy được một đoạn vượt cầu sắt. ”Bò rừng” thông báo nhanh- chúng mình đang trên chiếc cầu mà Mỹ và Liên Xô trao đổi viên phi công lái máy bay U.2 và đại tá tình báo Xô viết. Cả 3 nhìn qua cửa kinh, trầm trồ thán phục kiến thức của  gã. Hai mươi phút sau xe dừng trước cửa Hotel Đại Đế. Trong 4 ngày lưu lại ở đây, đối tác xem họ như… ’’vua’’. Mỗi đêm có từ 1 đến 2 phụ nữ phục vụ từng người, sẵn sàng thực hiện mọi yêu cầu của họ…

Sáng ngày thứ 4, đích thân ”đại diện Levis  tây Âu” đưa đi xem  dây chuyền sản xuất quần áo bò. Chế độ tự động hóa rất cao. Đến kho hàng mới ”lác mắt”: Hàng chất như núi. Đi đến đâu người dẫn đường cùng các vị khách cũng được nhân viên chào hỏi với vẻ kính cẩn nhưng thân mật- điều này ở đông Berlin không hề có!

Tối hôm thứ 4 – 3 người hội đàm với Sếp đối tác. Ngoài những vấn đề đã bàn bên Đông Berlin, có một chi tiết mà lúc này viên đại diện ”toàn quyền” mới hở ra: Nếu số tiền mua hàng được trao hết, chúng tôi sẽ trích ra 10% làm qùa tặng cho qúy vị. Ngay ngày mai nếu chúng tôi nhận được tiền, các vị có thể khấu trừ ngay trên tổng số kia. Tóm lại: Trả hết tiền sẽ có thưởng!

Tẩn đưa mắt nhìn Bò rừng và Trâu điên rồi hướng tia nhìn vào đối tác nói bằng giọng trầm, rành rọt: Sau khi đặt chân tơi phía Tây… gặp qúy ngài… xem kho hàng, ăn ở…  thực mục sở thị tất cả – chúng tôi mới thực sự hiểu rõ hơn về chủ nghĩa tư bản phương Tây ”giẫy chết như thế nào”. Cám ơn qúy ngài. Còn chuyện ký tá, giao hàng – Hãy để chúng tôi và ông đại diện  ở phía Đông giải quyết. Riêng việc trao tiền ngay và lấy hàng thì chúng tôi cần phải trao đổi trong nội bộ chút ít… chủ yếu là huy động tiền mặt thôi. Việc qùa cáp, đối với chúng tôi, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Điều cốt yếu công việc của chúng ta suôn sẻ, nhịp nhàng. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ cùng qúy vị thắt chặt quan hệ làm ăn lâu dài.

Lời đáp từ tuy ngắn nhưng đủ ý. Cuộc hội đàm kết thúc trong không khí vui vẻ hồ hởi. Chủ nhân mời sang phòng ăn đặc biệt dự tiệc. Vì thấy cách bầy biện, trang trí, đĩa đựng thức ăn, bắt đũa, thìa muôi – mầu bạc bóng loáng – Tẩn hỏi một nhân viên phục vụ đứng bên cạnh, ông ta cho biết: Mâm cỗ loại này đã được sắp cho tổng thống Hoa Kỳ – R. Nich xon ăn, khi lần đầu tiên chính thức sang thăm Trung Quốc!

Nhưng sau khi ăn uống xong, trở về phòng ngủ – cả 3 mới biết thế nào là khóai cảm. Khái niệm đó đã được thực tế… đẩy lên đến tột cùng…

Ba người trở về  vào sáng ngày thứ 5 với mỗi người 1 kiện qùa: Chiếc Radio Cassete nhãn hiệu Sharp 999. Đầu Video National, Tivi bán dẫn 14 inche hiệu Sony- cả 3 thứ đều là niềm mơ ước của những người có tiền ở miền Đông Đức vào thời điểm cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước.

Việc đầu tiên – theo lệnh Tẩn – Bò rừng thông báo cho tất cả anh em trong băng tập trung để bàn chuyện trọng đại. Sau khi Tẩn tóm tắt nội dung và thông báo kết qủa chuyến đi, đặt ra vấn đề huy động vốn. Trâu điên bổ sung: Ta nên nhanh chóng gom hàng rồi tung ra chiếm lĩnh thị trường. Chỉ cần gỉam đơn gía xuống 10% là ta đã đè bẹp bọn khác, hoàn toàn thao túng thị trường quần áo bò Levis ở cái thành phố có hơn 3 triệu dân này.

- Nhưng tại sao lại phải chồng tiến lấy ngay. Liệu có thể… sao không thực hiện tiền trao cháo múc- Một thành viên thắc mắc.

- Nếu vậy thì bọn khác sẽ chen chân. Kinh tế thị trường mà. Bọn chúng đánh hơi sẵn sàng nhẩy vào… ta lại có thêm đối thủ. Mà chắc đâu là 1 đối thủ- Bò rừng thủng thẳng…

- Nhưng…

- Cần phải…

Mỗi người thêm một ý kiến. Số phản đối thưa dần trước ý kiến đầy thuyết phục của Trâu điên và Bò rừng. Tẩn thì vẫn ngồi nguyên nghe. Khi xem chừng đã có thể đi đến chung cục mới lên tiếng: Vấn đề mấu chốt là- Chúng ta có thể huy động được trong 3 ngày số tiền để rinh trọn kho hàng kia không? Chúng tớ đã sờ tận tay số hàng này rồi. Tất nhiên chẳng có cái gì trên đời này là đảm bảo tuyệt đối. ‘’Có chí làm quan, có gan làm giầu’’. Muốn giầu thì phải mạo hiểm. Có điều, mọi nghi ngại đã được kiểm chứng: Văn phòng làm ăn của họ ở bên đông Berlin… người đại diện giao dịch chúng ta đã qúa quen… cái chính chúng ta đã tiến hành nhiều đợt mua hàng của họ, số tiền mua cộng lại còn nhiều hơn…

Cả bàn im lặng. Hầu như tất cả nhận thức ra vấn đề mà Tẩn nêu. Trâu điên, Bò rừng từ lúc Sếp lên tiếng cũng ngồi im. Vài phút trôi đi. Cuối cùng một tay cứng tuổi nhất trong bàn hội nghị lên tiếng: Đúng! Phải liều thôi. Vả lại cả 3 người đã trực tiếp đến tận nơi… gặp gỡ… Theo tôi, ai chưa tin có thể không góp vốn. Riêng tôi xin góp  20% trên tổng số gía trị toàn bộ mã hàng.

Mọi người trầm trồ…

- Thế nhưng- người kia tiếp tục- Chúng ta chỉ nên đặt qúa lắm là một nửa số tiền. Sau khi nhận mã hàng thứ nhất sẽ rót hết. Phải bắt họ làm cam kết không được bán cho ai nữa.

- Đúng! Phải vậy mới được. tôi … tôi… người cuối cùng cũng đồng ý móc hầu bao!

Công việc diễn ra đúng như hoạch định: Mã hàng thứ nhất do chiếm 25% tổng số – được 2 bên giao nhận tại nhà kho của một cửa hàng bách hóa khu vực thuộc quận Trung tâm. Công việc diễn ra suôn sẻ. Chỉ sau mấy giờ các cơ sở lẻ – những người góp vốn – hứng hết bay. Có đơn vị đến sau, hết hàng, nài nỉ, o ép. Bò rừng trực tiếp theo dõi, giải quyết phải nói ”Sùi bọt mép”, những người kia mới về, chờ hôm sau. Xong việc, gã đến ngay điểm tụ tập phản ảnh tình hình. Cả nhóm lại bàn bạc và gần như thúc ép Tẩn phải đòi họ trao hết 75% số hàng còn lại ngay. Tẩn hứa rồi cùng Bò rừng đến tận Văn phòng của đối tác. Người giao hàng hôm qua đang gọi điện… thấy Tẩn đến vội kết thúc cuộc điện đàm, quay sang niềm nở hỏi… Tẩn đòi gặp  Sếp… người kia cho biết Sếp vừa gọi điện từ kho hàng về. Ông ta đang phân phối lại hàng cho một số nơi có nhu cầu. Nhưng dặn rằng nếu qúy anh muốn lấy tất cả thì phải chồng tiền ngay để tịnh kho. Tiền đến nơi, hàng sẽ giao ngay 4 tiếng sau.

Đang phân vân, một nhân viên từ ngoài vào: Tôi thay mặt Sếp theo dõi hợp đồng giao nhận này. Giấy ủy nhiệm đây (…). Nếu ông muốn lấy hết số hàng đó thì thanh toán tiền ngay, chậm qúa 3 ngày, bản cam kết sẽ không còn hiệu lực. Các ông chỉ nhận được số hàng nếu trong kho còn.

- Chính vì thế tôi mới tới tìm Sếp của các vị. Thôi được, ông nhận tiền đi rồi viết biên lai. Còn hàng thì 8 giờ sáng mai chúng tôi sẽ chờ ở kho mà hôm trước đã giao nhận. Thủ tục tiến hành chỉ trong 15 phút. Tuy đếm thiếu 10% so với tổng số tiền ghi trong hợp đồng nhưng người kia tỏ ra thành thạo vẫn viết trong biên lai đủ số. Dường như anh ta biết rất rõ giao kèo của họ. Tẩn lại tấm tắc: ”Tư bản có khác! Biết người biết việc…”. Trước khi ra về, người kia chuyển lời thăm của Sếp và hẹn sẽ trao đổi thông tin để tiếp tục ”phi vụ” khác!

Tẩn, Trâu điên, Bò rừng cùng tất cả những người nhận hàng đều có mặt trước 8 giờ. Ai nấy nóng lòng, cứ như bị bầy kiến cắn. Thời gian chậm chạp trôi đi. 8giờ 30… 9 giờ… Không còn chịu được, 3 thủ lĩnh – như anh em thường gọi – lên xe lao tới Văn phòng đối tác. Từ xa đã thấy trước cửa  có gì khang khác: Im lìm, vắng lặng hẳn so với chiều hôm trước. Cả 3 tiến đến, Trâu điên gõ cửa, một người đàn bà ra mở. Tẩn hỏi, người kia cho biết những người du lịch thuê nhà của bà đã tra nhà, đi từ sáng sớm.

Không chào, 3 người vội lao ra trạm điện thoại tự động gọi đi Tây Berlin. Số máy này đã bị khóa. Cả 3 thở hắt. Họ đã thừa nhận bị lừa một vố khá nặng. Không hiểu sao như có linh tính… Tẩn quay người trở lại căn nhà. Vừa lúc người giao hàng hôm trước tới. Đã sẵn đang bối rối, bực mình… tính hung hăng nổi lên… Tẩn tưởng vớ được người của bọn lừa đảo vội hô lớn- tóm lấy thằng này. Hai chiến hữu lao tới mỗi người giữ một bên tay gã kia, ép ra xe. Chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, gã hộ pháp vung tay, Trâu điên và Bò rừng ngã dụi. Không chịu được hai gã xông vào… Vốn to gấp đôi đối phương, thấy chúng dở công phu (chắc anh ta cũng biết)- đánh mình. Anh ta không thèm đỡ, chỉ gồng mình rồi túm lấy tóc của hai đối thủ. Trâu điên và Bò rừng đau, kêu oai oái giục Tẩn giải cứu. Tẩn quan sát từ đầu, thấy không thể dùng võ nghệ với đối thủ… trong lúc tinh toán… tính hung bạo, hoang dã lại nổi lên, Tẩn rút ngay con dao nhíp trong túi tiến tới, vung lên… gã kia buông tay lao tới ôm  ghì, Tẩn và gã đổ vật. Gã nằm đè lên khiến Tẩn không thể cựa quậy… Hai bạn được dịp ù té chạy. Từ lúc cả 4 người đôi co, người đàn bà chứng kiến… khi ẩu đả xẩy ra – vội gọi điện. Cảnh sát ập tới. Nhát dao điêu luyện của Tẩn đâm trúng tim kẻ xấu số (Sau này Tẩn mới được biết anh ta chỉ là người được bọn Mafia thuê áp tải hàng giao cho bọn Tẩn). Cảnh sát gỡ được 2 người ra thì mồm Tẩn đã ngáp ngáp như con cá nằm trên thớt vì thiếu dưỡng khí. Gã kia thì đã tắt thở. Mặt, mình mẩy Tẩn ướt đẫm máu do nạn nhân nằm trên- phun ra…

Cái kết cục 15 năm tù của Tẩn nguyên do là như vậy!

Chuyến S- Bhan số 5 tới. Tẩn như vừa qua một cơn ác mộng, thất thểu bước lên. Đến ga Friedrichsferlde-Ost chuyển sang Tramwei đi vào siêu thị Đông Nam Á. 15 năm trong tù tuy có được nghe đồn, nhưng không mường tượng, hình dung ra khu chợ của người Việt mình lại có dạng đặc biệt thế này… Chủ các gian hàng phần nhiều là những người lạ hoắc. Đã 3 giờ chiều, thấy tấm biển đề quán ăn châu Á,Tẩn quyết định vào ăn thử. Dở bản thực đơn có những thứ mà 15 năm trước nằm mơ cũng không thấy: Thịt chó, Tái dê, rượu gạo cất thủ công, lòng lợn tiết canh. Cô hầu bàn lịch sự, xinh đẹp bước tới- Tân gọi gần hết món…. Cô kia trở  vào, bưng một mâm ra. Tân gắp một món ăn thử đọan đưa ly rựơu sực nức hương thơm lên ngửi, nhấp – vừa kịp uống – đã thấy trong quầy rựơu có tiếng người nói to, giọng quen quen. Tân đưa mắt nhìn. Người kia cũng ngẩng lên… 4 mắt nhìn nhau… người kia vất quyển số xuống reo to: Ôi anh, đại ca… anh đến lúc nào?

Tân đứng lên , người kia tiến tới… -”Thằng chân đất mắt toét” đây! Anh… anh – ”Chân đất…” ôm lấy Tân khóc oà… Hành động của ông chủ quán làm nhiều người đang ăn uống phải ngừng, trố mắt nhìn. Tân rất cảm động nhưng đau khổ dường như đã làm lòng anh chai sạn, không còn sức biểu lộ bằng nước mắt hay ngôn ngữ. Tân khẽ khàng, vỗ vỗ vào lưng người kia, giọng nhỏ nhẹ: Cậu là chủ quán à? Rất tốt. Chúc mừng. Nín đi! Mà đừng gọi mình là Đại ca nữa. Mình đang cố sức quên nó đi đây.

- Vâng. Em sẽ không gợi lại qúa khứ đau buồn. Bây giờ anh em mình ăn, uống, sau đó em đưa anh về nhà nghỉ ngơi. Xin anh hãy cho em được chăm sóc anh. Điều này khi anh ở trong tù, vì hoàn cảnh em không thể… bây giờ thì em làm được. Dứt lời ”Chân đất” gọi cô hầu bàn, bảo đưa tất cả những thứ trên bàn vào văn phòng của mình, dẫn đường, Tân vào theo.

Rượu ngon, bạn hiền, tình cảm… hai anh em đi gần hết chai nửa lít rượu ngang. Vui miệng Tân hỏi: Rượu cậu tìm đâu ra mà ngon y như của Làng Vân vậy?

- Hoàn toàn nấu ở bên này. 10 cân gạo dẻo chỉ lấy 4 lít anh bảo làm gì mà chả ngon. Còn rất nhiều thứ mà hồi ấy anh em mình thèm, bây giờ ê hề. Thứ này, thứ này – anh ta chỉ vào đĩa chả chó,  đĩa tái dê và bát nhựa mận. Cứ vậy, hết chuyện ăn, uống đến làm giầu… sau cùng gã chủ quán đành đi vào đúng chuyện: Trâu điên về Cheb (Tiệp) làm chủ một cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn. Giầu, triệu phú Dollars. Bò Rừng đang là chủ một Restaurant ở bên Tây Đức, cũng là dân ”có cổ có cánh” ở Đức. Còn tất cả anh em khác trong băng… gìờ đều… cỡ như em. Mọi người nhớ ơn anh, vì anh đã chịu nhận tất cả trách nhiệm, không khai ra ai nên chúng nó mới yên ổn làm ăn. Chúng em đều tâm niệm: Khi nào anh ”xuất kho” sẽ hùn nhau đền ơn trả nghĩa!

- Còn Hiền bây gìờ ra sao? Cô ấy ở đâu- Tân hỏi cắt ngang.

- Hiền ra đi cùng với cậu Dân sang tây Đức, sau khi anh vào tù 3 tháng. Bây giờ ở đâu em không biết, nhưng bọn em sẽ tìm rồi thông tin cho anh.

- Không cần. Trước lúc đi, cô ây có vào thăm mình… ‘‘Em sắp không thể chịu đựng được nữa nếu tiếp tục sống ở đây. Em không thể để hòn máu của anh sau khi chào đời phải tiếp tục mang gánh nặng của anh để lại… hãy quên em, quên con đi” – Có điều mình muốn biết cô ấy sinh con trai hay con gái. Biết chỉ để trong lòng thôi. Không nên khuấy động cuộc đời cô ấy và đứa bé. Mình nợ cô ấy và đứa trẻ không gì trả đủ. Đó là món nợ báo oán, truyền kiếp!

Tân ngừng lại, dốc ngược ly rượu.

Hết! Dường như rượu làm anh hăng lên, muốn cởi bỏ tất cả để lòng thanh thản, tiếp: Cả đời mình chưa làm được việc gì đáng làm, ngoài đánh nhau. Nạn nhân của mình tính đếm không xuể… hậu qủa của hành động này là 15 năm ân hận xót xa, dằn vặt… cuối cùng thì mất vợ, mất con, tan nát cửa nhà. Điều đáng ân hận nhất: Khi bố mẹ lần lượt về với ông bà tổ tiên, mình không được ở bên cạnh!

- Thôi anh! Số mệnh! Trời bắt vậy, cưỡng sao được. Hãy làm lại từ đầu. Chúng em sẽ giúp anh, dìu anh – như anh đã từng giúp chúng em năm xưa…

Tân nhìn chăm chắm vào mắt người bạn. Anh dần bình tĩnh lại, giọng xa vời: Không sao. Mình ngồi trong tù đã suy nghĩ, thấu hiểu mọi chuyện. Ừ, mà cậu cho mình tá túc ít lâu sau khi ổn định sẽ chuyển đi.

- Anh đừng ngại, đó là điều em mong muốn. Nhân tiện em đang cần người theo dõi quản lý nhà hàng này để tập trung triển khai nhà hàng thứ 2. Anh giúp em. Em sẽ ký cho anh một hợp đồng tuyển dụng để có các chế độ. Phải làm lại từ đầu anh ạ!

- Liệu có được không? Cậu có yên lòng không? Mình chỉ có khả năng nói, dịch tiếng Đức, tiếng Anh – kết qủa của 15 năm ”trong kho” đó. Còn làm kinh tế, buôn bán, bây giờ khác xa thời của anh em mình…

- Đúng vậy! Nhất định anh làm được. Có gì vướng mắc, đã có em…

- Nhưng còn điều này mình nói trước: Không để cho bọn bạn cũ biết mình đang ở với cậu. Chúng nợ tôi… tôi nợ cuộc đời… thế là đã trả đủ, huề vốn.

Ngừng lại như  ngẫm nghĩ, như cân nhắc, lát sau Tân mới tiếp – Chuyện mẹ con Hiền… thôi… hãy giấu kín. Biết mình đã ra, ở đây, Dân, Hiền sẽ khó xử… còn mình gặp họ cũng chẳng dễ chịu gì. Chuyện đã qua, cho qua đi!

Tân tợp thêm hớp rượu, ngẩng nhìn qua khung cửa sổ, mơ màng…

”Chân đất mắt toét” không tiếp lời. Anh để cho ‘‘Đại Ca‘‘ chìm đắm trong suy tư…

Hè nóng bức

Giáp thân 2000 – Tân Mão 2011

© Lê Xuân Quang

© Đàn Chim Việt

————————————————–

(Rút trong tập Truyên ngắn NHỮNG MẢNH ĐỜI PHIÊU BẠT III – Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội tháng 8 năm 2011)

2 Phản hồi cho “Đại ca Tẩn”

  1. Mai anh says:

    Câu chuyện chân thực phản ảnh đúng bối cảnh buôn bán tại đông đức thời cuối những năm 1980 khi sắp sát nhập. Các băng phia pháo hoạt động tranh dành thị trường, đâm chém nhưng cũng khối người trở thành nạn nhân và đi ngồi tù

  2. Tuyen says:

    Những ngừời trí thức sau khi đi kháng chiến về đều bị quy chụp là những thành phần phản động, bị giết hoặc tù tội, còn lại gần 100% các bí thư đảng ủy của làng xã, quận huyện, tỉnh, thành phố hồi sau 1954 đều có lý lịch giống Đạo Chích Kim trong tryện ngắn này. Cám ơn tác giả Lê Xuân Quang.

Leave a Reply to Mai anh