WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Có còn là một chính quyền nữa hay không?

Phó Tổng Giám đốc tập đoàn InnovGreen tại VN , Ông Lê Minh Quân đã được vinh dự nhận giải thưởng “ Việt Nam Vàng FDI 2009” từ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng vào ngày Chủ Nhật 20 Tháng 9 năm 2009 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Kiến nghị thư ngày 22-1-2010 của hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh gởi trung ương đảng, cảnh báo việc một số tỉnh cho công ty nước ngoài thuê dài hạn một diện tích đất rừng rộng lớn, đã như một tiếng than trong bất lực.

Khi hay tin này, dư luận trong và ngoài nước đã rất bàng hoàng. Nếu không có tranh chấp và bất đồng ý kiến ở các cấp địa phương có lẽ không ai hay biết gì về việc các công ty nước ngoài thuê mướn đất rừng này. Nhiều người tự hỏi Việt Nam có còn là một chính quyền đúng nghĩa nữa hay không?

Từ cuối năm 2009, một số sĩ quan bộ đội và công an biên phòng tỉnh Nghệ An, không đồng ý với chủ tịch tỉnh cho công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng nguyên liệu dài hạn (50 năm) ở các huyện miền núi, đã cho ông Đồng Sĩ Nguyên hay biết vụ việc. Sau khi điều tra, ông Đồng Sĩ Nguyên mới khám phá thêm nhiều chuyện động trời khác và đã gởi thư báo động Bộ chính trị, Ban bí thư trung ương đảng, Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng. Điều đáng ngạc nhiên là không một ai trong các cơ quan quyền lực cao nhất nước vừa kể có phản ứng, ngoài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông chỉ gọi điện thoại cho ông Đồng Sĩ Nguyên biết đã nhận được thư và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều tra.

Sau một thời gian tìm hiểu tình hình tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh và đúc kết những báo cáo của tám tỉnh khác (Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kontum và Bình Dương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác nhận có hơn 10 công ty nước ngoài đã thuê đất rừng dài hạn tại 10 tỉnh vừa kể trên. Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã liền viết thư cảnh báo “một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia”.

Hiểm hoạ nào?

Hiểm hoạ đầu tiên là cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc, thuê đất dài hạn khai thác rừng đầu nguồn (nơi xuất phát các dòng sông). “Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp“.

Hiểm hoạ thứ hai là tự sát và làm hại cho đất nước. “Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai hoạ cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng“. “Cần phải nhớ khía cạnh di dân. Có nhà đầu tư đã có tiền sử chuyển người của mình tới thực hiện dự án, khai thác công trình mà họ đầu tư – đó chính là di dân chứ còn là gì nữa. Ngay những công trình mà họ trúng thầu ở dưới đồng bằng ven biển này, họ cũng mang công nhân của họ tới làm chứ có thuê người địa phương của chúng tôi đâu?” (Nguyễn Trọng Vĩnh).

Hiểm hoạ thứ ba là đe doạ an ninh quốc phòng. “Nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa lý chính trị trọng yếu. Nhớ lại các thời kháng chiến, tất cả các tỉnh đều có căn cứ là các vùng rừng núi, kháng chiến chống Pháp ta có Việt Bắc, kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường Sơn và rừng đước Tây Nam Bộ. Những đất rừng đầu nguồn này đều nằm trong đất căn cứ hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, đây là ba địa bàn phên dậu quốc gia (khi có chiến tranh thì phải lên đó). Lạng Sơn cũng vậy“. “Sao không tự hỏi vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 4 sang Trung Quốc, đường 7, đường 8 sang Lào, đường lên Tây Nguyên qua Campuchia? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử” (Đồng Sĩ Nguyên).

Hiểm hoạ thứ tư là làm kiệt quệ đất đai. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc vườn quốc gia Lò Gò, Tây Ninh, “Một dự án về lâm nghiệp bao giờ cũng đa mục tiêu. Đầu tiên là mục tiêu giải quyết công ăn việc làm và cuộc sống cho người dân địa phương, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, phòng hộ đầu nguồn, đảm bảo dạng sinh học… Khi cho một công ty nước ngoài thuê, lấy gì bảo đảm họ sẽ tuân thủ theo các mục tiêu như chúng ta mong muốn. Nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng chỉ để trồng cây bạch đàn, keo làm nguyên liệu giấy. Đây là loại cây mà nhiều nhà khoa học trước đây đã phản đối vì nó không phải là cây bản địa, chúng phát triển nhanh nhưng không duy trì sự đa dạng sinh học, làm hệ sinh thái trở nên nghèo nàn và có hại cho đất. Không một nhà đầu tư nước ngoài nào thuê đất của ta lại tính đến việc trồng rừng phòng hộ cho ta. Họ chỉ khai thác và khai thác“.

Hiểm hoạ sau cùng là hủy diệt nền văn minh núi rừng và nền văn hoá thảo mộc của các sắc tộc thiểu số. Giao đất, giao rừng cho nhà đầu tư nước ngoài, người dân địa phương sẽ không còn rừng để sống, mất kế sinh nhai, gây ra nhiều vấn đề xã hội khác. Tài nguyên duy nhất của các sắc tộc thiểu số sinh sống trên những vùng bị qui hoạch cho thuê là rừng. Mất rừng là mất sự sống, rừng đã đem lại cho họ nguồn sống (măng, gỗ, mật ong, củ cây rừng, tre, trúc làm nhà, thịt rừng, cá sông). Rừng là văn hoá ngàn đời quí hiếm còn sót lại mà dân tộc Việt Nam phải gìn giữ bằng mọi giá.

Ai được được quyền trồng và khai thác rừng?

Hơn 3/4 diện tích đất đai trên toàn quốc là núi rừng, nhưng Việt Nam phải nhập 80% gỗ nguyên liệu để chế biến. Năm 2006 Việt Nam phải nhập nguyên liệu gỗ trị giá trên 1 tỉ USD để gia công xuất khẩu. Có một cái gì đó không bình thường.

Theo kế hoạch của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ 2006 đến 2010 phải trồng thêm 2 triệu ha rừng sản xuất, tập trung vào các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đặc biệt là vùng Tây Bắc (có trên 1,35 triệu ha chưa có rừng). Vấn đề được đặt ra là lấy đâu ra đất để trồng rừng? Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều muốn bỏ vốn vào ngành lâm nghiệp, cụ thể là trồng rừng, nhưng không tìm đâu ra đất. Nhiều người còn nói quỹ đất chỉ còn… trên giấy.

Theo Cục lâm nghiệp, tính đến năm 2006, diện tích rừng trên toàn quốc là 12,6 triệu ha, trong đó nhà nước chiếm giữ 72% (8,9 triệu ha), số còn lại (3,7 ha) do những đối tượng ngoài quốc doanh quản lý (tư nhân và các công ty nước ngoài). Trong số diện tích rừng do nhà nước quản lý, 4 triệu ha thuộc các nông lâm trường quốc doanh, hiện nay không còn hoạt động, nhưng không chịu giao lại cho tư nhân khai thác. Cũng trong năm 2006, Bộ tài nguyên và môi trường cho biết cả nước có gần 1,185 triệu người đang sử dụng đất lâm nghiệp, đa số làm việc trong các cơ quan chính quyền địa phương, số còn lại làm việc trong 6 đơn vị liên doanh với nước ngoài và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%. Quá ít.

Trước những khó khăn vừa kể, không biết bằng cách nào những công ty nước ngoài này ký được những hợp đồng trồng và khai thác rừng tại Việt Nam. Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết “kết quả cho thấy 10 tỉnh đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 hecta, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn hecta, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới“. Thật là kinh khủng.

Trong suốt 7 năm thực hiện Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, gọi tắt là Chương trình 327 (khai trương ngày 3-2-1997) nhằm trồng mới 5 triệu ha rừng, ông Đồng Sĩ Nguyên “đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo, đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng ngàn mét, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu”, những vẫn không tìm đâu ra đủ đất để trồng rừng. Đằng này, chỉ trong vòng vài năm, các công ty nước ngoài đã thuê được trên 300.000 ha đất đầu nguồn dài hạn (50 năm) để trồng rừng nguyên liệu.

Hoạt động của InnovGreen tại Việt Nam

Theo ông Thân Văn Lợi, trưởng phòng nông nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có ba dự án trồng rừng của ba công ty nước ngoài và liên kết với nước ngoài đã được cấp giấy phép, đó là công ty trách nhiệm hữu hạn chi nhánh InnovGreen trụ sở đặt tại Hồng Kông, công ty trách nhiệm hữu hạn chi nhánh Champion Logis trụ sở đặt tại Đài Loan và công ty lâm nghiệp Lộc Bình (Việt Nam) liên kết với công ty lâm trường Phái Dương Sơn (Trung Quốc).

Ông Bùi Triệu, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chấp thuận cho công ty Hối Thăng của Trung Quốc trồng rừng và thiết lập một nhà máy chế biến gỗ.

Tại những nơi khác, không có danh sách và số liệu rõ ràng. Chỉ tập đoàn InnovGreen, 100% vốn đầu tư nước ngoài, là tích cực nhất.

InnovGreen là ai?

Trong vòng ba năm, từ 2005 đến 2008, InnovGreen đã được cấp giấy phép trồng rừng và khai thác gỗ dài hạn 50 năm trên 6 tỉnh biên giới : Thanh Hoá, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Kontum và Quảng Nam. Tổng số diện tích được khai thác lên đến 349.000 hecta, khoảng 3.500 km2 (gần bằng 1% diện tích cả nước), với tổng số vốn đầu tư dự trù ban đầu là 284,2 triệu USD.

Tỉnh Ngày ký hợp đồng Trị giá USD Diện tích rừng được khai thác
Thanh Hoá 26-7-2005 22,2 triệu 21.000 ha
Quảng Ninh 18-4-2007 45,0 triệu 100.000 ha
Nghệ An 25-6-2007 60,0 triệu 70.000 ha
Lạng Sơn 21-2-2008 50,0 triệu 63.000 ha
Kontum 10-3-2008 67,0 triệu 65.000 ha
Quảng Nam 10-7-2008 40,0 triệu 30.000 ha

Tổng cộng

. 284,2 triệu 349.000 ha

Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần InnovGreen, chi nhánh của Tập đoàn InnovGreen Corp, Ltd., được thành lập tại Hồng Kông ngày 28-3-2006 bởi Avantage Ventures, một công ty liên doanh trụ sở đặt tại Bắc Kinh (5/F, Beijing CBD International Building, 16 YongAn DongLi, ChaoYang District, 100022 Beijing, China), và Steve Chang, người sáng lập công ty Trend Micro tại Mỹ (1988-2004).

Avantage Ventures được quản lý bởi một đội ngũ chuyên viên gốc Hoa, tốt nghiệp tại những đại học nổi tiếng tại Hongkong, Anh, Mỹ, Canada và Úc và đã từng làm việc trong những công ty tài chánh lớn của Anh và Mỹ. Sự kết hợp giữa Steve Chang, một doanh nhân Đài Loan, vừa là một chuyên viên thượng thặng về tin học vừa là một nhà kinh doanh lớn, với Avantage Ventures, trụ sở đặt tại Trung Quốc, là một dấu hỏi lớn. Hợp tác này không phải vì lợi nhuận, sự kết hợp đã quá vội vàng nhưng rất tinh vi, chắc chắn phải vì một động cơ khác.

Cũng nên biết, Việt Nam là thí điểm đầu tiên của InnovGreen để trồng rừng nguyên liệu. Đến Việt Nam năm 2004, Steve Chang và tập đoàn Avantage Ventures đã nhanh chóng chinh phục lòng tin của các cấp lãnh đạo địa phương tại các tỉnh biên giới, qua những hứa hẹn tạo công ăn việc làm, xây dựng lại hệ thống hạ tầng nhằm đem lại phồn vinh cho tỉnh khi được cấp giấy phép trồng cây gây rừng. Cây rừng ở đây chỉ là những loại cây nguyên liệu ngắn ngày như keo (acacia), bạch đàn (eucalyptus) và tre (bamboo) để làm giấy và bột giấy. Với những số tiền đầu tư đề nghị (tổng cộng trên 200 triệu USD), tập đoàn InnovGreen đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường trồng rừng và khai thác gỗ tại Việt Nam, đặc biệt là tại 6 tỉnh dọc vùng biên giới Việt-Trung và Việt-Lào.

Là một doanh nhân, với hơn 500 triệu USD tiền lời do bán Trend Micro, Steve Chang không thể từ bỏ tất cả để vào Việt Nam đầu tư trồng cây rừng với một tương lai bấp bênh và một tỉ lệ lợi nhuận thấp. Chắc chắn Steve Chang đã được tiếp cận để phục vụ cho một nhu cầu phi kinh tế nào đó.

Nhiều câu hỏi khác được đặt ra. Tại sao lại chọn đầu tư trồng rừng trên các tỉnh địa đầu biên giới, cạnh các đường vận chuyển chiến lược của Việt Nam? Sao không chọn đầu tư tại những khu rừng được chính quyền Việt Nam đề nghị như khu rừng sác tại đồng bằng miền Tây Nam Bộ nơi có nhiều nước, hay vùng rừng núi phía Tây Bắc, đất đai thích hợp với cây nguyên liệïu hơn? Đó là chưa kể những buổi tiếp tân mời các già làng, những người có uy tín trong các sắc tộc, sinh sống trong hai tỉnh dọc vùng biên giới Việt-Trung, Lạng Sơn và Quảng Ninh, tham quan kết hợp với du lịch khu vực rừng núi do chính công ty InnovGreen quản lý? Để làm gì nếu không phải là để chứng minh rằng hợp tác với người Trung Quốc thì đời sống của họ sẽ sung túc hơn? Càng thắc mắc hơn là một công ty thương mại mà mục đích là kiếm lời lại sốt sắng đi thăm và ủy lạo đồng bào bị thiên tai bão lụt miền Trung, rồi những chương trình tặng quà Tết, cấp học bổng, tặng quà và áo ấm mùa đông, tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng địa phương… như đại diện của một chính quyền hay một tổ chức từ thiện.

Một yếu tố khác cần được chú ý là InnovGreen sử dụng những công nghệ mới nhất của hệ thống GIS (thông tin địa lý) và GPS (định vị toàn cầu) để giám sát và quản lý rừng trồng. Theo giải thích của InnovGreen, “ảnh chụp vệ tinh, kỹ thuật cảm biến sẽ giúp tập đoàn theo dõi và kiểm soát một cách thuận tiện và chính xác mức độ tăng trưởng của cây, đánh giá được trữ lượng cũng như những nguy cơ sâu hại và cháy rừng”. Giải thích này chỉ đánh lừa được những cấp lãnh đạo địa phương, chứ làm sao qua mắt được những người hiểu biết. Có một cái gì mờ ám phía sau.

Theo số liệu của InnovGreen đưa ra, chi phí khai thác một hecta rừng trồng khoảng 815 USD. Tại sao phải bỏ ra một số tiền lớn để sử dụng những vệ tinh tối tân nhất cho cây nguyên liệu bị sâu ăn hại, một nhu cầu không quan trọng và không cần tốn kém đến như vậy? Cách quản lý này giống như cách điều hành của một ban tham mưu quân sự những đơn vị quân sự tiên tiến nhất thế giới mà ngay cả quân đội Việt Nam cũng chưa có? Thêm vào đó phải có một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật thượng thặng mới đủ khả năng phân tích một cách chi ly từng chi tiết trên hoạ đồ, như khu rừng nào bị sâu ăn hại, ăn ở phần nào trên cây, ai vào chặt trộm cây trồng, nạn cháy rừng đe doạ khu nào và huy động máy bay nào tới dập tắt mà nghề trồng cây nguyên liệu rẻ tiền không phải là đối tượng để được quan tâm đến như thế.

Theo dự trù, từ 2010 trở đi, tập đoàn InnovGreen xây dựng dự án F1 để gia tốc công tác trồng rừng. Điều đáng chú ý là dự án này chỉ tập trung vào các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và Quảng Nam, ba tỉnh biên giới nằm trên ba trục lộ giao thông chiến lược giữa Trung Quốc và Lào. Có thể nói một cách không sai, mục đích của dự án này nhằm theo dõi những động tịnh hay những di chuyển trên các tuyến đường chiến lược này của lực lượng quân sự Việt Nam khi hữu sự.

Thật đáng buồn cho đất nước, với một số tiền khiêm nhường bỏ ra, người nước ngoài đã có thể mua được cả một khu vực quốc phòng rộng lớn mà trước đó cha ông của chúng ta đã đổ rất nhiều xương máu bảo vệ. Về mặt chiến lược, đây là một thành công lớn của tập đoàn InnovGreen. Vì trong thực tế, tính đến ngày 1-3-2010, sau gần 5 năm hoạt động tập đoàn InnovGreen mới chỉ khai thác 8.732,89 ha tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Kontum và Quảng Nam, trong đó 4.522 ha diện tích trồng rừng và 112,76 km đường rừng. Lợi ích kinh tế rõ ràng là không cao.

Chính vì lợi ích kinh tế không cao, trừ các công ty có vốn từ phía Trung Quốc và InnovGreen, gần như tất cả các công ty khai thác rừng nước ngoài khác đều đã bỏ cuộc. Như vậy phải hiểu rằng đầu tư trồng rừng tại những vùng biên giới giáp ranh với Trung Quốc hoàn toàn vì những mục tiêu chính trị và quốc phòng hơn là kinh tế. Phải nắm vững yếu tố này mới hiểu tại sao InnovGreen đã tranh thủ được niềm tin của các cấp lãnh đạo địa phương để ký những hợp đồng trồng và khai thác một diện tích rừng rộng lớn dọc vùng biên giới và các cấp lãnh đạo của tập đoàn đã hành xử như những cấp lãnh đạo chính trị đối với dân chúng địa phương.

Lỗi tại ai?

Cấp tỉnh có quyền ký hợp đồng cho phép công ty nước ngoài trồng và khai thác rừng không? Câu trả lời là có. Rừng Việt Nam đang bị tàn phá, trồng lại rừng là một bắt buộc.

Theo Luật đất đai năm 2003, việc phân cấp quản lý và định đoạt các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao hoàn toàn cho các địa phương. Trên phương diện pháp lý, nếu tuân thủ đúng các Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật ngân sách nhà nước cũng như những nghị định thư của chính phủ về giao và cho thuê đất lâm nghiệp, các chính quyền địa phương có quyền cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất. Vấn đề là địa phương thực hiện thẩm quyền quản lý và định đoạt của mình như thế nào cho tốt mà thôi.

Thế nào là tốt? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Như mọi người đều biết, trong các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, tất cả mọi chức vụ từ trung ương đến địa phương đều do đảng cộng sản cầm quyền chỉ định. Không làm gì có bầu cử tự do để dân chúng chọn người có tài ra quản trị đất nước. Chính vì thế, những quốc gia đặt dưới quyền lãnh đạo của các đảng cộng sản thường là những quốc gia nghèo, trình độ quản trị của các cấp lãnh đạo không cao, do đó dễ bị những kẻ gian manh phỉnh lừa, gây thiệt hại đến an ninh quốc phòng và sự trường tồn của dân tộc.

Nhắc lại, trong những năm 1975-1985, doanh nhân Hoa kiều Đông Nam Á đã lợi dụng sự ngây thơ và khờ khạo của các cấp lãnh đạo cộng sản miền Nam để thu mua sắt vụn, lúa gạo và tôm cá đông lạnh với giá rẻ. Kế đến là nạn vàng giả, vàng không đủ tiêu chuẩn mà cộng đồng người Hoa nộp cho các cấp chính quyền địa phương dọc các cửa biển để vượt biên. Bây giờ đến lượt các cấp lãnh đạo địa phương miền Bắc và miền Trung bị doanh nhân Hoa kiều cho ăn bánh vẽ để ký những hợp đồng khai thác tài nguyên khoáng sản và núi rừng đầy hậu ý, gây tác hại về lâu về dài cho Việt Nam.

Lỗi tại ai? Chắc chắn một phần là của các chính quyền địa phương. Vì kém trình độ, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã không thấy được tầm quan trọng chiến lược của khu đất mà địa phương đang quản lý và đã ngây thơ ký nhượng quyền khai thác dài hạn một số vùng hiểm yếu, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng tổ quốc. Trầm trọng nhất là họ đã tự quyền ký kết với các công ty nước ngoài khai thác đất đai mà không thông báo cho chính phủ hay một cơ quan trung ương chuyên ngành nào biết để cố vấn hay được giúp đỡ. Cũng may, trong vụ nhượng quyền trồng và khai thác đất rừng này, hai cấp chỉ huy quân đội, cựu trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và cựu thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đã cảnh báo kịp thời đảng và nhà nước để có biện pháp ngăn chặn. Ngăn chặn được không là một chuyện khác, ít ra là họ đã làm theo tiếng gọi của lương tâm.

Thật ra tất cả những sai lầm này xuất phát từ một ngộ nhận về nội dung hai chữ tản quyền và tự trị.

Tản quyền là một khái niệm tốt, nó tạo sự tin tưởng giữa các sắc tộc sinh sống trong cùng một quốc gia, làm thăng hoa tình đoàn kết dân tộc và phát huy những đặc điểm của từng vùng. Tản quyền đưa tới hệ luận là chính quyền trung ương không cai trị trực tiếp mà chỉ đảm nhiệm các sứ mạng quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ và phối hợp giữa các địa phương. Tản quyền cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt phù hợp nhất với đặc tính của mình và nhờ đó mà phát triển.

Nhưng trong chế độ cộng sản, tản quyền thường được hiểu là tự trị. Trên tinh thần này, chính quyền cộng sản miền Bắc đã thành lập ba khu tự trị trên vùng thượng du, Thái Mèo (29-4-1955), Cao Bắc Lạng gọi chung là Việt Bắc (10-8-1956) và Lào Hạ Yên (25-3-1957). Sau một thời gian hoạt động, Hồ Chí Minh đã vội vàng giải tán vì các cấp chính quyền địa phương đã tự quyền ký kết những hiệp ước về đất đai với Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam. Khu tự trị Lào Hạ Yên bị giải tán ngày 23-3-1959, hai khu khác bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Cũng trên tinh thần (tự trị) này mà các chính quyền địa phương hiện nay ở Việt Nam đã tự tiện ký kết những hợp đồng về đất đai với các công ty nước ngoài để thu về lợi nhuận riêng.

Nhưng lỗi chính thuộc về cơ chế, tức là cách tổ chức chính quyền hiện nay của đảng cộng sản. Trên nguyên tắc Việt Nam là một chính quyền tập trung chuyên chính, nhưng trong thực tế là một chính quyền không có lãnh đạo. Quyền lãnh đạo địa phương gần như được “khoán trắng”, ai muốn làm gì thì làm miễn bảo đảm được vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản là đủ. Chính vì thế tại nhiều nơi những lãnh đạo địa phương xử sự như những lãnh chúa, cấp thấp hơn như những cường hào, tha hồ tự tự tác bất chấp luật pháp và đạo đức.

Chính quyền cộng sản hiện nay có còn là một chính quyền đúng nghĩa hay không là một câu hỏi rất khó trả lời. Tuy bề ngoài để lộ một sự đoàn kết không phai, bên trong là những đấu đá không tương nhượng, tất cả chỉ vì quyền lợi. Không ai nể sợ ai và cũng không ai có quyền trên một ai. Trong một chính quyền bình thường, nhường hàng trăm ngàn hecta đất rừng chiến lược cho nước ngoài khai thác gây nguy hại cho an ninh quốc phòng là phạm pháp, những người ký kết phải bị truy tố ra tòa vì gây thiệt hại cho đất nước. Nhưng tại Việt Nam thì khác, không ai bị trừng phạt vì tất cả đều đã ăn đồng chia đều. Trung ương biết rõ những vụ ký nhượng đất rừng này nhưng đã làm ngơ, chính phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tặng cho tập đoàn InnovGreen giải thưởng Vietnam Golden FDI 2009 ngày 20-9-2009.

Có thể cứu vãn được tình thế không? Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đề nghị “đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán lại cho dân cư tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay”. Đề nghị này tuy thực lòng nhưng không thể áp dụng được. Đối tác nước ngoài không phải là trẻ con, nhất là sau lưng có cả một thế lực lớn muốn khống chế Việt Nam, chắc chắn sẽ không chấp nhận. Đành chờ 50 năm qua đi để thu hồi lại đất. Sự ngu dốt ở cấp chính quyền nào cũng tai hại cho đất nước.

Kiến nghị thư của hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã như tiếng chuông báo hiệu sự cáo chung của một chế độ độc tài. Việt Nam đang cần một chính quyền mạnh để giữ gìn và bảo vệ đất nước. Chúng ta cần một gương mặt, một tổ chức chính trị lương thiện, làm điểm hội tụ để đưa đất nước ra khỏi bế tắc.

© Nguyễn Văn Huy

(nguồn: Thông Luận 2010)

4 Phản hồi cho “Có còn là một chính quyền nữa hay không?”

  1. kenny says:

    Truoc ban bien ,ban dao nay ban rung cung chang co gi la ,do chi la lu tham tan bao nguoc ,sach sanh sanh vet cho day tui tham,roi bo chay

  2. Dung Voi Ket Luan says:

    Cac ban co thay website cua cong ty nay no con hon nhieu website cua chinh phu, dua ca Hoang Sa Truong Sa thuoc lanh tho Vietnam khong? Cac cong ty ben nha co du tien vao trong rung hay chi vao pha rung tu nhien? Giao dat nho le cho dan thi lieu moi nha 4-5 ha co thanh rung, thanh vung nguyen lieu duoc khong? Hay ho chi pha rung? Co tay ty phu nhu Steve Chang dau tu vao la may lam roi… hiep dinh bien gioi dat lien dang nao chung no cung ky roi, ma dan Taiwan la ghet dan cong san Trung Hoa lam!

  3. Trung Hoàng says:

    1.
    Chuông cảnh tỉnh liên thanh giục giả,
    Trống từng hồi hối hả chuyển lay.
    Vễnh râu chốt đỏ lố bày,
    Sang sông tấn chiếm chốt rày nhập cung.
    Thế cờ nguy xe cùn pháo tịt,
    Ngưạ tưạ hồ lối bít cản chưn.
    Dọc biên gễnh tượng cầm chừng,
    Song xa khuyết sĩ tướng trưng mặt hèn.

    2.
    Chuông cảnh tỉnh trống kèn khua động,
    Hoạ Bắc phương cuồng vọng bá quyền.
    Bới đào chốt trụ Tây Nguyên,
    Chiếm rừng biên cảnh mối giềng bện tơ.
    Sao kia vẫn lập lờ an phận,
    Ðảng đồng hành giúp vận lấn sang.
    Sương mờ tơ phủ Nam Quan,
    Hoàng Trường trôi xác hồn oan dật dờ.

    3.
    Chuông cảnh tỉnh đổi cờ chuyển thế,
    Núp bóng người sao dể thoát ra.
    Hồn Hoa da Việt bướm hoa,
    Cột kèo mối mọt cưả nhà mở then.
    Phận Câu Tiển nhục hèn duyên nghiệp,
    Kiếp Tây Thi chi xiết đớn đau.
    Tô hồ trét phấn làm màu,
    Dáng đào đưa đẩy lòng sao phụ phàng.

    4.
    Chuông cảnh tỉnh vọng vang bốn bể,
    Kết cánh Âu kíp để chuyển cơ.
    Cành Nam chim Việt ước mơ,
    Tổ Hồng ổ Lạc dệt tơ Tiên Rồng.
    Rạng Á Ðông chung lòng tự lực,
    Hồn Việt Nam náo nức reo ca :
    HOÀNG SA LÀ TRÁI TIM TA,
    TRƯỜNG SA LÀ MÁU CON NHÀ RỒNG TIÊN.

    Vĩnh hằng muôn kiếp lưu truyền!!!

  4. Vũ Duy Giang says:

    Vì chính sách”tản quyền,tự trị” vô trách nhiệm của CSVN(mà thủ tướng hãnh diện là KHÔNG cách chức ai cả!),nên các Bí thư tỉnh và chủ tịch UBND đã hành xử như các”Vua Mèo”(thời Pháp thuộc)để”bán rừng,nhượng đất”cho CS Tầu,và những nhóm tài phiệt Hong Kong,Đài Loan(cũng vẩn là Tầu!, mà quân đội Đài đã chiếm đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của VN).Những”Vua Mèo” này cũng như nhửng”Vua”của các Tổng công ty nhà nước(Petrolimex.Tập đoàn điện, Tập đoàn Than VN,etc..)cũng hành sử bất chấp chính phủ của Ngủ-yên tan Run(sợ BCT Đảng!)khi lên giá xăng dầu 2 lần,giá điện và giá than cũng 1 lần từ đầu năm,mà còn mắng thủ tướng Run là”giá điện vửa tăng chưa tương xứng với giá điện của các nước trong khu vực”(vì dân VN cũng giầu như họ?!),hoặc”giá xăng mới vẫn còn quá ưu ái người tiêu dùng(?!),và “giá than tăng rất nhẹ nhàng,và thật ra Tập đoàn Than-Khoáng sản KHÔNG muốn bán than cho đối tác trong nước,vì giá thấp”(!).Những Tổng giám đốc của 11 Tập đoàn,tổng công ty nhà nước này đang trở thành 11 “Sứ quân”nhở CSVN,từ khi Dinh
    bộ Lĩnh(trở thành Đinh Tiên Hoàng)đã dẹp tan 12″Sứ quân”để thồng nhất đất nước Việt nam. Nhưng 2 ông tường CSVN không rung”chuông báo hiệu sự cáo chung”của CSVN đâu,và không ai
    “cần 1 gương mặt (loại cây Kiểng chuyên”cầm cán ủy viên”!),1 tổ chức chính trị”lương thiện”(tất phải bất đa nguyên!) để đưa dất nước(vào tay Pháp?!) ra khỏ bế tắc”vì “thông loạn”?!

Phản hồi