WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những hệ lụy cho VN sau chuyến đi TQ của Nguyễn Phú Trọng !

Hồ Cẩm Đào nói với Nguyễn Phú Trọng chiều 11.10 ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh:

“Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết, không nên áp dụng hành động làm phức tạp hoá và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề xuất hiện bằng thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng, không để những vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc-Việt Nam cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải…“

Nguyễn Phú Trọng trả lời Hồ Cẩm Đào:

“Việt Nam sẵn sàng cùng với Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện tốt Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản về vến đề trên biển, kiên trì hiệp thương hữu nghị và đàm phán, xử lý và giải quyết ổn thoả, không để cho vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước, ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước cũng như hoà bình, ổn định trên biển. „
(Đài Bắc kinh 11.10.2011)

Cô lập VN với quốc tế để nắm thượng phong trong đàm phán về biển Đông
Chỉ hai ngày sau chuyến thăm Trung quốc lần đầu của Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là tân Tổng bí thư ĐCSVN (từ 11-15.10.2011) nhà cầm quyền Bắc kinh đã hô lớn trước dư luận thế giới:

“Tuyên bố chung Trung-Việt“ có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Việt Nam thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước không liên can gì với bên thứ ba.“

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã nhấn mạnh như trên để phản bác các đòi hỏi của Ngoại trưởng NhậtKoichiro Gemba cũng như Tổng thống Phi luật tânBenigno Aquino là các tranh chấp ở biển Đông là vấn đề chung của các nước trong khu vực và quốc tế, cho nên phải được giải quyết đa phương.

Chỉ ba ngày sau phát biểu của Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao nhà cầm quyền CSVN Lương Thanh Nghị đã nhìn nhận quan điểm trên đây của Bắc kinh, nghĩa là những vấn đề tranh chấp trên biển Đông liên quan tới VN và Trung quốc thì chỉ đàm phán song phương giữa Bắc kinh và Hà nội.Nhưng không cho biết rõ trong các tranh chấp trên biển Đông vấn đề nào chỉ  liên hệ trực tiếp tới hai nước VN-Trung quốc. Có nghĩa là bỏ ngỏ để cho Bắc kinh định nghĩa và quyết định!

Khi bộ Ngoại giao Trung quốc nhấn mạnh “Tuyên bố chung Trung-Việt“và “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa.“mang tính cách „chỉ đạo“là lập lại sách lược tuyên truyền rất quen thuộc của Bắc kinh, lấy danh nghĩa những thoả thuận của lãnh đạo hai nước –nhưng thực tình là sự áp chế của Bắc kinh- để bịt miệng nhân dân VN, đồng thời cấm cản dư luận quốc tế!

Nói thẳng ra, nhà cầm quyền Bắc kinh đã dùng „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển“ vừa được Bắc kinh và Hà nội kí trong chuyến thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng làm lá chắn ngăn cản quốc tế và các nước trong khu vực tìm cách giải quyết hoà bình và công bằng theo luật quốc tế cho những tranh chấp trên biển Đông.  Do đó với việc ép Hà nội phải kí „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển“Bắc kinh đã thành công trong mục tiêu ngoại giao là CHIA RẼVN với các nước trong Asean, Nhật … và CÔ LẬPVN với cộng đồng quốc tế, nhất là Mĩ và EU. Trên cơ sở đàm phán song phương nhưng hầu như độc quyền này,Bắc kinh sẽ thương thuyết ở thế mạnh để ép VN trong các cuộc đàm phán về Hoàng sa, Trường sa và toàn bộ biển Đông.

Sở dĩ Bắc kinh đã đứng ở vị thế lấn át như hiện nay, vì do các chính sách sai lầm và thái độ bạc nhược của những người cầm đầu CSVN. Nên chỉ trong hai thập niên qua từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1991 họ đang đẩy VN lệ thuộc Trung quốc trong nhiều mặt, từ ý thức hệ, kinh tế tới thương mại. Từ nắm được cái đầu tiến tới kiểm soát được dạ dầy của VN!

Như vậy có thể kết luận rằng, về mặt sách lược đối ngoại trong tranh chấp biển Đông, “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển“ trong chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng là một THOẢ HIỆP VÔ NGUYÊN TẮC, CHỦ QUYỀN CỦA VN KHÔNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG và DANH DỰ TỔ QUỐC BỊ CHÀ ĐẠP! Đây rõ ràng là một bước thụt lùi, đúng ra phải nói là một sự đầu hàng của nhóm cầm đầu CSVN với Bắc kinh trong tranh chấp về biển Đông.

Thế vô cùng bất lợi và nguy hiểm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tư duy sai lầm và thái độ ươn hèn của nhóm cầm đầu CSVN từ ít nhất hai thập niên trở lại đây. Chỉ cần dẫn chứng thời sự về tư duy và thái độ của Nguyễn Phú Trọng, người có quyền lực lớn nhất hiện nay, trong vấn đề này trong các năm gần đây. Mặc dầu hơn một năm trước khi còn là Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Phú Trọng đã tìm cách trì hoãn và cố tình coi nhẹ tranh chấp về biển Đông khi ông tuyên bố „tình hình biển Đông không có gì mới“ để cấm Quốc hội không được phép thảo luận. Nhưng suốt trong thời gian qua Nguyễn Phú Trọng đã phải bịt mắt, che tai và ngậm miệng trước những hành động ngang ngược của hải quân Trung quốc vào đầu năm nay trên biển Đông và rồi nay lại phải kí “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển“ rất lợi cho Bắc kinh. Các sự kiện này minh chứng rằng, những nhân nhượng và cúi đầu của Nguyễn Phú Trọng không được Bắc kinh trọng mà lại càng lấn tới!

Ai ra lệnh và ai thi hành? Hay nhượng bộ đế quốc, đàn áp nhân dân!

Chỉ 4 ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng từ Trung quốc trở về, chính ông đã đọc diễn văn quan trọng trước cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Lí luận Trung ương khoá mới, ra lệnh cho uỷ viên Bộ chính trị Đinh Thế Huynh, người đứng đầu cơ quan này –có mặt trong phái đoàn đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng – bắt „trí thức XHCN“  phải nặn óc tìm ra những „đột phá về lí luận“nhằm „kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.“Rồi ba ngày sau Nguyễn Phú Trọng đã thân hành tới Học viện Chính trị Quốc phòng, nơi đào tạo sĩ quan cao cấp của chế độ độc tài toàn trị, để trao Huân chương Sao vàng (cao nhất) cho học viện này. Trong toàn bộ diễn văn trước tướng lãnh và sĩ quan cao cấp không có đoạn nào hay câu nào Nguyễn Phú Trọng thông báo cho tướng lãnh và bộ đội biết rõ tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay và mối đe doạ mất các hải đảo và biển Đông do nước nào gây ra và giải pháp đối phó của VN phải như thế nào. Trái lại, Nguyễn Phú Trọng lại cố tình tìm cách định hướng dư luận đi sai hoàn toàn, cho rằng tình hình nguy hiểm hiện nay là do “các thế lực thù địch“, “diễn biến hoà bình“, và “tự diễn biến“ ngay trong thành phần đảng viên. Các cụm từ này được nhóm cầm đầu toàn trị ám chỉ Mĩ, EU, các cộng đồng VN ở nước ngoài đang hỗ trợ tích cực các giới trí thức và thanh niên trong nước đang cùng với các đảng viên CS tiến bộ và còn biết tự trọng đang đứng lên vận động chuyển đổi VN từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên bằng phương pháp phi bạo lực. Trước mặt các tướng lãnh và sĩ quan Nguyễn Phú Trọng đã đổi trắng thành đen, kết án người yêu nước thành phản động:

“Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, hòng làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động, chia rẽ, đòi phi chính trị hóa quân đội, hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, quân đội; xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, không ngừng chăm lo, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. „

Các lời xuyên tạc và chụp mũ trên đây của Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn phản ảnh quan điểm của Thông báo chung VN-Trung quốc: “không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước.“

Chỉ ba ngày sau khi cùng Nguyễn Phú Trọng từ Trung quốc trở về, uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh đã ra lệnh cho 4 cơ quan truyền thông hàng đầu của chế độ là Tổng biên tập báo Nhân dân cùng với ba Tổng giám đốc Thông tấn xã VN, đài Truyền hình và đài Phát thanh VN phải “ ký kết một chương trình phối hợp công tác“chặt chẽ với nhau hơn trong việc “định hướng thông tin“đối với xã hội. Nghĩa là bắt các nhà báo, biên tập viên các đài phải uốn cong ngòi bút, cong lưỡi nói tốt về lãnh đạo, đồng thời bịt mắt, bịt miệng nhân dân và thoá mạ trí thức và thanh niên yêu nước. Tuy từ trước tới nay các cơ quan trực thuộc Trung ương và Chính phủ vẫn làm việc chung với nhau, nhưng họ cho biết, đây là “lần đầu tiên“4 cơ quan hàng đầu về tuyên truyền kí kết chung để „xây dựng một dòng thông tin chính thống đủ mạnh, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội.“với mục tiêu„để định hướng dư luận xã hội“.Thế vẫn chưa đủ, ba ngày hôm sau  Uỷ viên Bộ chính trị, bộ trưởng Công an Trung tướng Trần Đại Quang và Tổng giám đốcThông tấn xã VN Nguyễn Đức Lợi đã kí kết liên tịch để hợp tác tình báo và thông tin tuyên truyền.

Như vậy câu hỏi được đưa ra ở đây là, tại sao họ đang phải hung hăng ra tay răn đe bộ đội, đảng viên và nhân dân ngay sau khi từ Trung quốc trở về? Nếu hiểu cách tính toán, tổ chức và chọn lựa thời điểm ra tay của những người cầm đầu chế độ toàn trị thì các hoạt động trên đây không phải tình cờ chỉ ít ngày sau khi từ Bắc kinh trở về. Quan trọng nữa là chính bản thân Nguyễn Phú Trọng, với tư cách Tổng bí thư và Bí thư Quân uỷ Trung ương và những người cầm đầu ngành tư tưởng và công an Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đã có những hoạt động tập trung trong lãnh vực quốc phòng, an ninh và tuyên truyền nhằm kiểm soát khắt khao hơn nữa cả Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân trong lãnh vực tư tưởng và tuyên truyền.

Họ đã tiên liệu các phản ứng chống đối ở trong nhân dân, trong đảng, trong bộ đội và chính quyền đối với những chính sách nhượng bộ vô nguyên tắc và gắn chặt VN hơn nữa với Trung quốc từ chuyến thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng. Cho nên họ phải tìm cách ra tay ngăn chặn kịp thời  các bất mãn trong Đảng, quân đội và nhân dân. Đó là gia tăng kiểm soát tư tưởng và báo chí và tăng cường áp chế, đe doạ các thành phần chống đối trong đảng và ngoài xã hội để tìm cách bóp chẹt từ trong trứng nước các tư tưởng chống đối sự ươn hèn trước Bắc kinh của phái đoàn Nguyễn Phú Trọng. Tóm lại, vì nhượng bộ đế quốc nên họ phải ra tay đàn áp nhân dân, có như vậy thì họ mới mong giữ được quyền hành tiếp tục!

Nếu theo dõi công việc chuẩn bị cho chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng  đã được ba phái đoàn VN là: Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn (tháng 6), Thứ trưởng Quốc phòng tướng Nguyễn Chí Vịnh (tháng 8) và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Tướng Ngô Xuân Lịch (tháng 9) cùng với hai phái đoàn Trung quốcUỷ viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Tướng Quách Bá Hùng (tháng 4) và nhân vật cao nhất Phụ trách Ngoại giao và Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Đới Bỉnh Quốc (tháng 9) và kết quả cuộc hội đàm của Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ngày 11.10 xuyên qua Thông báo chung và 6 văn kiện đã kí kết thì sẽ thấy rất rõ ràng,Bắc kinh đứng vị thế ra lệnh còn Hà nội chỉ là người thi hành.

Việc này người ta có thể nhận thấy ngay trong cuộc „hội đàm hẹp“giữa hai phái đoàn ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng tới Bắc kinh vài giờ. Đài Bắc kinh đã tường thuật câu nói của Hồ Cẩm Đào với Nguyễn Phú Trọng:

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ rõ, trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết, không nên áp dụng hành động làm phức tạp hoá và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề xuất hiện bằng thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng, không để những vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước Trung Quốc-Việt Nam cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải…“

Yêu sách trên của Hồ Cẩm Đào đã được thể hiện rõ trong Thông báo chung ngày 15.10:

“Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.“

Thử hỏi trong thời gian qua bên nào đang gây bất ổn và phá hoại hoà bình trên biển Đông với các hành động rất ngang ngược, như cho các tầu hải quân Trung quốc xâm lấn hải phận VN, tiếp tục đàn áp ngư dân VN, cấm các công ti Ấn, Mĩ, Anh khai thác dầu khí ở thềm lục địa VN? Thậm chí giữa lúc kí Thoả thuận về Biển Đông, hải quân Trung quốc lại vừa thiết lập một trạm quân y trên đảo Đá Chữ thập đỏ (tên Trung quốc: Vĩnh Thử -Yongshu Ree), thuộc quần đảo Trường Sa, cho tới 1988 còn thuộc VN. Rõ ràng những hành động xâm lấn và thách đố ngang ngược trên là những tính toán chủ động của Bắc kinh. Nhưng nay họ lại đóng vai cha mẹ khuyên Hà nội là không „làm phức tạp hoá“ và “mở rộng thêm tranh chấp“!

Cướp đảo, chiếm biển và giết ngư dân lân bang, nhưng Hồ Cẩm Đào vẫn khuyên bảoNguyễn Phú Trọng là phải giữ „thái độ xây dựng“ theo „phương châm 16 chữ vàng và bốn tốt“ và còn ra lệnh cho Nguyễn Phú Trọng phải thực hiện đòi hỏi của Bắc kinh là “không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước“.Nghĩa là, không cho VN liên kết với các nước khác, cô lập VN với quốc tế, đồng thời bắt Hà nội phải cấm báo chí,  bịt miệng dân và đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước của thanh niên và trí thức VN! Trong khi đó báo chí của ĐCS Trung quốc vẫn công khai đe doạ VN, như tờ Hoàn cầu thời báo –bản tiếng Anh của tờ Nhân dân, cơ quan trung ương ĐCS Trung quốc- mới đây ngày 25.10 đã viết bài sẽ dùng cả quân sự trong tranh chấp biển Đông.

Trước thái độ hống hách và  trịch thượng như vậy của Hồ Cẩm Đào  thì Nguyễn Phú Trọng đã trả lời như thế nào trong cuộc họp của hai phái đoàn? Đài Bắc kinh cho biết, trong cuộc họp này Nguyễn Phú Trọng đã đối đáp với Hồ Cẩm Đào:

“Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng cùng với Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện tốt Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản về vến đề trên biển, kiên trì hiệp thương hữu nghị và đàm phán, xử lý và giải quyết ổn thoả, không để cho vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước, ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước cũng như hoà bình, ổn định tên biển.„

Không những thế, ngay sau khi từ Bắc kinh trở về Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh vàTrần Đại Quang đã thực hiện một loạt hành động nhằm bịt miệng nhân dân, các đảng viên và bộ đội, như đã trình bày ở trên. Như vậy thật hết sức rõ ràng: Ở đây ai ra lệnh và ai thi hành!

Các thoả thuận của Nguyễn Phú Trọng với Hồ Cẩm Đào

Ngay sau các cuộc hội đàm và hội kiến ngắn giữa hai phái đoàn. Tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc kinh chiều 11.10 Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến lễ kí kết 6 văn kiện giữa hai bên nhằm thúc đẩy „hợp tác chiến lực toàn diện“giữa hai ĐCS và hai nước với nhau. Quan trọng hàng đầu và được dư luận VN và quốc tế chú ý nhất là „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa.“mà những hệ lụy khốc hại của nó là làm vị thế đàm phán của VN càng yếu thế hơn và đồng thời vai trò và uy tín của VN trong khu vực và quốc tế đang suy giảm, như đã trình bày ở phần đầu. Ngoài ra, 5 văn kiện kí kết khác cũng có những tác dụng và hậu quả rất nguy hiểm cho quyền lợi trước mắt và lâu dài cho VN. Trong đó đáng kể nhất là:

“- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015.
- Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại giai đoạn 2012-2016 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa.
- Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Giáo dục nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2011-2015;“

Trong điểm 4 của Thông báo chung ngày 15.10 ghi rõ những lãnh vực hợp tác giữa hai Đảng: Gặp gỡ các cấp cao, hội thảo lí luận, đào tạo cán bộ Đảng và chính quyền, họp định kì của các Ban đối ngoại và Ban Tuyên giáo. Trong lãnh vực quốc phòng: tăng cường hợp tác  quân đội hai nước, thăm viếng cấp cao quân đội, lập đường giây nóng giữa hai bộ quốc phòng, tiếp tục Hội nghị chiến lược cấp thứ trưởng, tuần tra chung trong Vịnh bắc bộ, đào tạo và giao lưu sĩ quan trẻ…

Việc tăng cường hợp tác giữa hai đảng và hai quân đội đã được Nguyễn Phú Trọng cho thực hiện ngay trước và trong chuyến đi Bắc kinh. Cuối Tháng 8 Nguyễn Chí Vịnh đã sang Bắc kinh họp “Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung“ , thề với Bắc kinh:

“Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau.“ và „kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Giữa tháng 9 Tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,  đã đưa một đoàn hùng hậu gồm 9 tướng sang thăm các đơn vị quân đội Trung quốc trong nhiều ngày và cũng thề với Bắc kinh„Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết.“Và nhờ các lời thề này nên cuối cùng Bắc kinh mới để Nguyễn Phú Trọng cầm đầu một phái đoàn hùng hậu nhất sang thăm vào giữa tháng 10 kí „Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển“theo đúng những gì mà Nguyễn Chí Vịnh và Ngô Xuân Lịch đã thoả thuận với Bắc kinh.

Trong lãnh vực kinh tế, thương mại hai bên đã kí „ Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại giai đoạn 2012-2016 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa.“ Qua đó cho thấy mức độ kiểm soát dạ dầy VN của Bắc kinh đang gia tăng tới mức nguy hiểm. Bắc kinh biết rõ tình hình kinh tế, tài chính của VN đang gặp khó khăn lớn nhất trong 20 năm qua, như chính Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhìn nhận trong kì họp thứ hai của Quốc hội đang diễn ra hiện nay.Bắc kinh cũng biết rõ mức lạm phát phi mã cao nhất Á châu của VN đang lên tới trên 20%, nợ công của VN đang gia tăng khủng khiếp, mức dự trữ ngoại tê rất thấp, trong khi ấy mức nhập siêu từ Trung quốc ngày càng gia tăng chóng mặt. Cuối năm qua mức này đã lên tới gần 13 tỉ USD.

Giữa khi đó  hàng hoá của Trung quốc ngày càng tràn ngập VN, đứng đầu các nước buôn bán với VN. Đại sứ Trung quốc mới ở VN Khổng Huyễn Hựu vừa cho biết, mức giao thương trong năm 2010 đã lên tới gần 31 tỉ USD, chỉ mới sáu tháng đầu năm nay đã đạt 18,6 tỉ USD (tăng 40,9% so với cùng kì năm trước). Trong khi ấy các xí nghiệp Trung quốc đã trúng thầu tới 90% các công trình hạ tầng ở VN. Số công nhân Trung quốc làm việc lậu ở VN ngày càng gia tăng. Ngay cả trong cuộc họp về kinh tế thương mại trong chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng cũng cho thấy vị thế rất yếu củaHà nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi họp với bộ trưởng Thương mại Trung quốc Trần Đức Minh đã không dám đưa ra đòi hỏi cải thiện cán câm mậu dịch giữa hai nước như trước đây! Nói tóm lại, Bắc kinh đang kiểm soát dạ dầy VN, cho nên họ mới có thể ra lệnh cho nhóm cầm đầu CSVN.

Đòn dương đông kích tây và cái dù “tập thể lãnh đạo“ của Nguyễn Phú Trọng

Chung quang chuyến đi Trung quốc còn có một số sự kiện đáng để ý từ thành phần phái đoàn tới các đòn dương đông  kích tây quen thuộc của Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm Ấn độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trùng với sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng ở Bắc Kinh khiến cho dư luận bảo là, Hà Nội muốn chọc giận Bắc kinh! Nhưng nếu lưu ý một số động thái của Bắc kinh cũng trong thời gian này thì lại có cái nhìn thực tế hơn.

Giữa khi ông Sang thăm Tân đề li để liên kết quân sự và kinh tế với Ấn thì Bắc kinh cho biết, Hải quân Trung Quốc vừa thiết lập một trạm quân y gần  đảo Đá Chữ thập đỏ thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử ), gần nơi xảy ra cuộc hải chiến năm 1988, trong đó gần 70 chiến sĩ hải quân VN bị Trung Quốc bắn thiệt mạng.Chính lúc Nguyễn Phú Trọng đặt chân tới Bắc kinh thì Bắc Kinh cho biết, đã kí kết với Campuchia để khai thác dầu khí ở ngoài khơi Campuchia ngay sát đảo Phú quốc của VN và Trung quốc trở thành nước viện trợ quân sự lớn nhất của Campuchia. Ngoài ra cũng vào lúc đó Bắc kinh còn cho biết, đã thoả thuận với Lào mở rộng chương trình phát thanh bằng tiếng Lào của đài Phát thanh Quốc tế Trung quốc từ 2 giờ lên 6,5 giờ mỗi ngày và còn thiết lập cả trụ sở đài này ngay tại Vạn tượng ( –đài này không đặt trủ sở ở VN).Như vậy là hai sân sau của Hà nội đã bị Bắc kinh chiếm xong, hay chiếm phần chính rồi! Một sự kiện đáng chú ý khác nữa là, giữa khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân tới Bắc kinh thì Trung quốc đang “họp kín“với Mĩ. Chính Thông tấn xã VN và Đài Bắc kinh cho biết, ngày 11.10 tại Bắc kinh Thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc Thôi Thiên Khảo và Trợ lí bộ Ngoại giao Mĩ Kurt Campbell đang họp kín lần thứ hai về „công việc châu Á-Thái bình dương“.Như thế thì ai đang chọc giận ai, ai tháu cáy ai? Hai đảng anh em lại đánh đòn cân não với nhau, mặc dầu vẫn nói oang oang với bên ngoài là hai bên quyết vì “sự nghiệp chủ nghĩa xã hội“, “tin cậy lẫn nhau“ và “tôn trọng lẫn nhau“!

Ông Trọng đã trình diện tại Bắc kinh một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay, gồm 4 uỷ viên Bộ chính trị –kể cả Nguyễn Phú Trọng- và 11 uỷ viên Trung ương đảng. Đại diện cho Đảng và Chính phủ được cân bằng nhau, trong đó không chỉ Trưởng ban đối ngoại Trung ươngHoàng Bình Quân mà còn có cả Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong phái đoàn còn có cả Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh. Thoạt nhìn cứ tưởng với thành phần hùng hậu cả bá quan văn võ như thế là Nguyễn Phú Trọng muốn hù nhóm cầm đầu Bắc kinh là ta có hậu thuẫn của toàn đảng, toàn quân và chính phủ để Bắc kinh đừng quá chèn ép. Nhưng khi nhìn vào kết quả qua các văn kiện và Thông báo chung đã được kí kết thì sự thực đi ngược lại. Chính Bắc kinh đã thắng thế. Vì ngay tại Hội nghị Trung ương 3 ngay trước khi Nguyễn Phú Trọng đi Bắc kinh, vấn đề tranh chấp với Trung quốc trên biển Đông đã không được bàn tới. Cho nên từ Thông báo chung tới 6 văn kiện đã được kí kết cho thấy, Hồ Cầm Đào đã đạt được phần chính mục tiêu và yêu sách đối với  Nguyễn Phú Trọng, như đã trình bày ở phần trên.

Chính vì thế, phái đoàn hùng hậu đi Bắc kinh lần này không thể đánh giá là cách doạ nạt Bắc kinh, mà phải thấy đây là cách nhằm đối phó với dư luận trong Đảng và trong nhân dân, một đòn dương đông kích tây, một thủ đoạn rất nham hiểm của Nguyễn Phú Trọng. Dùng một đoàn rất hùng hậu đi Bắc kinh là trước hết Nguyễn Phú Trọng muốn nhắn cho dư luận trong nước, nhất là các giới chống sự cúi đầu của Nguyễn Phú Trọng với Bắc kinh, là ta đang có hậu thuẫn của toàn đảng, toàn quân, toàn chính phủ. Tức là các quyết định của phái đoàn CSVN tại Bắc kinh là quyết định tập thể của Đảng và Chính phủ chứ không phải hành động riêng của Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, nếu tinh ý thì sẽ thấy thêm thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng lôi cho đượcNgô Văn Dụ, tân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tham dự phái đoàn đi Bắc kinh. Mặc dù với với chức vụ này ông Dụ không có trọng trách và thẩm quyền trực tiếp gì trong chính sách đối ngoại cả. Nhưng trong các cuộc họp của Bộ chính trị và Trung ương đảng sau này, với chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Dụ có thể làm chứng và bào chữa cho Nguyễn Phú Trọng là các thoả thuận với Bắc kinh không vi phạm các nguyên tắc Điều lệ của Đảng. Nhờ vậy vị thế của Nguyễn Phú Trọng trong Đảng được bảo vệ. Đây là đòn tìm cách khoá miệng những nhân vật ở trong Trung ương không ưa Nguyễn Phú Trọng.

Như vậy có thể thấy là, các văn kiện kí kết và thái độ khép nép của Nguyễn Phú Trọng trước Hồ Cẩm Đào tại  Bắc kinh đã cho thấy, phái đoàn hùng hậu của Nguyễn Phú Trọng không phải là đề hù doạ Bắc kinh. Việc này Nguyễn Phú Trọng thừa biết trước khi sang Bắc kinh, vì nội dung các văn kiện sẽ được kí kết khi tới Bắc kinh đã được các cấp dưới của hai bên đàm phán xong từ trước. Nhưng dùng phái đoàn hùng hậu đi Bắc kinh thâm ý của Nguyễn Phú Trọng muốn hù doạ nhân dân trong nước, đồng thời muốn khoá miệng những nhân vật chống Nguyễn Phú Trọng ở trung ương!

*      *    *
Nếu theo dõi cách tính toán gian xảo và sự trọng bề ngoài theo lối đóng kịch của Nguyễn Phú Trọng trong những năm gần đây thì lại càng thấy cách trình diễn “lãnh đạo tập thể“  và „dân chủ thực chứ không dân chủ hình thức“trong chuyến đi Bắc kinhcho thấy con người thực của người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị ở VN hiện nay. Dùng cái dù „lãnh đạo tập thể“ để thực hiện ý đồ riêng, đồng thời để trốn tránh trách nhiệm cá nhân. Nhượng bộ các yêu sách của Bắc kinh và ngoan ngoãn tuân lệnh của Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn cố tình trình diễn đó là quyết định của tập thể!

Thế vẫn chưa đủ, ngay sau khi về nước Nguyễn Phú Trọng lại nhân danh „lãnh đạo tập thể“ ra hàng loạt các biện pháp độc tài phản động để khoá miệng báo chí không được chỉ trích những nhượng bộ vô nguyên tắc với Bắc kinh, đồng thời tăng cường đe doạ và khủng bố nhân dân- đi đầu là thanh niên, trí thức và các đảng viên tiến bộ- không được tổ chức biểu tình chống các hành động xâm lấn ngang ngược của phương Bắc.

Như vậy, dù có sử dụng mánh lớidương đông kích tây hay thủ đoạn che dù “lãnh đạo tập thể“, nhưng Nguyễn Phú Trọng không thể che đậy được sự thực là, càng nhượng bộ và càng cúi đầu thì nhóm cầm đầu Bắc kinh sẽ càng ngang ngược lấn tới. Mục tiêu và sách lược của đế quốc cũ và mới là bao vây, chia rẽ đối thủ để thôn tính. Chuyến đi Bắc kinh vừa qua của Nguyễn Phú Trọng đã mở rộng đường cho ý đồ đen tối của Bắc kinh đối với VN, cụ thể là trên biển Đông !

© Âu Dương Thệ.

© Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Những hệ lụy cho VN sau chuyến đi TQ của Nguyễn Phú Trọng !”

  1. Cẩm Tú says:

    Ngày 30 tháng 10 vừa qua, tác giả Âu Dương Thệ – thể hiện trong các trích dẫn) có bài viết dài trên mạng bàn về chuyến thăm TQ của Đoàn đại biểu cấp cao VN do Ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Đáng lưu ý là trong khi dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao kết quả chuyến thăm này, nhất là việc hai bên đã đi đến ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa CHXHCN VN và CHND Trung Hoa”, thì tác giả Âu Dương Thệ lại lớn tiếng cho rằng: việc ký Thỏa thuận này là “một thỏa hiệp vô nguyên tắc, chủ quyền của VN không được tôn trọng và danh dự Tổ quốc bị chà đạp”; mà “hệ lụy khốc hại của nó” – theo ông Thệ – là làm “vai trò và uy tín của VN trong khu vực và quốc tế đang suy giảm”. Ông Thệ còn cho rằng, bản Thỏa thuận này “là lá chắn ngăn cản quốc tế và các nước trong khu vực tìm cách giải quyết hòa bình và công bằng theo luật quốc tế cho những tranh chấp trên Biển Đông”. Lợi dụng vấn đề này, ông Thệ hằn học thóa mạ những người đứng đầu Đảng và Nhà nước VN hiện nay bằng những lời lẽ cục cằn, thiếu tính xây dựng.
    Đọc xong bài viết của Âu Dương Thệ, người đọc hoàn toàn thất vọng, bởi hoạt động của Đoàn đại biểu VN tại TQ đều được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hằng ngày. Kết quả chuyến thăm được thể hiện rõ trong Tuyên bố chung VN – TQ, mà ông Thệ gọi nhầm là Thông cáo chung (chắc ông Thệ đọc không kỹ), và ngay bản “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa CHXHCN VN và CHND Trung Hoa” cũng được công bố toàn văn cho toàn dân thiên hạ được tiếp cận. Thêm nữa, thực tế cho thấy, Thỏa thuận này là một thành công trong quan hệ giữa hai nước, vì nó đã làm dịu đi tình hình, bớt đi những căng thẳng do những khác biệt và va chạm diễn ra trên Biển Đông. Do vậy, người đọc dễ dàng nhận thấy nội dung bài viết của ông quá xa rời thực tiễn đang diễn ra, lại rặt những điều xuyên tạc, suy diễn có chủ đích, dựa trên những định kiến cố hữu với chế độ cộng sản, với mục đích duy nhất là phá hoại đường lối đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước VN, nhằm gây rối xã hội VN, để đi đến hạ bệ Đảng CS VN. Thực chất đó chỉ là trò “không ăn thì đạp đổ” như dân gian thường vẫn nói.
    Xin hỏi ông Thệ: sự “vô nguyên tắc” và “là lá chắn ngăn cản quốc tế và các nước trong khu vực tìm cách giải quyết hòa bình và công bằng theo luật quốc tế cho những tranh chấp trên Biển Đông” ở chỗ nào, khi mà điểm 2 của bản Thỏa thuận nói rất rõ: “Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển” và điểm 3 của Thỏa thuận khẳng định rằng: “Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đối với tranh chấp trên biển giữa VN – TQ, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác”. Bất cứ ai đọc những điều này cũng thấy rất rõ nguyên tắc của việc đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa VN và TQ là đúng đắn và minh bạch, vừa xuất phát từ lợi ích của nhân dân mỗi nước, vừa không làm thiệt hại lợi ích của các nước trong khu vực và các nước có lợi ích trên biển Đông. Chỉ có ông Thệ cho đó là “vô nguyên tắc”; bởi có lẽ ông chưa đọc bản Thỏa thuận này, hoặc ông cố tình xuyên tạc với mục đích không trong sáng.
    Phải khẳng định ngay rằng, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước VN hiện nay là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào. Đường lối đó được công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và được thể hiện rất rõ trong các hoạt động đối ngoại của Đảng và NNVN trong suốt những năm đổi mới vừa qua. Theo đó, xuất phát từ lợi ích của đất nước, VN triển khai cùng một lúc mối quan hệ với nhiều nước; đồng thời, trong tất cả các mối quan hệ đó, VN đều giữ vững nguyên tắc: không làm phương hại đến lợi ích của nước thứ ba. Chính vì thế mà vị thế của VN trong khu vực và trên quốc tế ngày càng tăng lên chứ không phải như ông Thệ cho rằng “đang suy giảm” bởi nội dung bản Thỏa thuận.
    Những sự kiện ngoại giao dồn dập của Đảng và Nhà nước VN, cũng như của nguyên thủ quốc gia nhiều nước đến VN từ đầu tháng 9 đến nay là minh chứng rõ rệt cho điều đó. Ông Thệ hãy thử thống kê xem sao. Này nhé, trong tháng 9, ngày 9 và 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm CHDCND Lào; ngày 13 và 14, Thủ tướng thăm Inđônêxia; ngày 16, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Vương quốc Cămpuchia; từ 26 đến 30, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Singapor và Malaysia; ngày 27 tháng 9 đến 6 tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hà Lan, Uzbekistan, Ukrraina. Trong tháng 10, từ 11 đến 15, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ, Srilanka và Ông Nguyễn Phú Trọng thăm TQ; ngày 26, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Philíppin. Đầu tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Nhật Bản. Như vậy, chuyến thăm TQ của Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là một hoạt động bình thường trong hoạt động ngoại giao của cấp cao VN, nhất là theo thông lệ ngoại giao (trước hết của các nước trong khu vực) mỗi khi họ đảm nhiệm các chức vụ đó trong nhiệm kỳ mới, chứ đâu phải là “hành động dương đông, kích tây”, xoa dịu nỗi bức xúc của dân chúng trong nước, như ông Thệ suy diễn. Chắc ông Thệ cũng nhận thấy điều đó, khi chứng kiến Bà Thủ tướng mới của Thái Lan, sau khi nhậm chức, đã làm ngay chuyến thăm Vương quốc Cămpuchia đó thôi. Điều rất đáng chú ý là, trong tất cả các chuyến thăm đó, phái đoàn VN đều được nguyên thủ cấp cao của các nước sở tại đón tiếp một cách trọng thị. Tại Ấn Độ, Bà Tổng thống Pratibha Patil đã nói rằng: “Ấn Độ coi như mình có đặc ân để trở thành một đối tác trong quá trình phát triển của VN”. Tại Inđônêxia, Chủ tịch Trương Tấn Sang còn chứng kiện bạn khai trương tượng đài Hồ Chí Minh ở nơi đây. Riêng về vấn đề Biển Đông trong các chuyến thăm, các nước đều nhất trí cho rằng: cần phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và hướng tới xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC). Đó cũng chính là tinh thần của bản “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa CHXHCN VN và CHND Trung Hoa” như đã dẫn ở trên. Vì thế, trong các cuộc hội đàm, các nước đều ủng hộ tinh thần của bản Thỏa thuận này. Ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN hẹp diễn ra từ 22 đến 24 tháng 10 vừa qua, tất cả các trưởng đoàn đều phát biểu đánh giá cao tinh thần của bản Thỏa thuận. Họ cho rằng, VN rất có trách nhiệm với lợi ích của họ, có trách nhiệm với lợi ích của khu vực, bởi tinh thần DOC và luật pháp quốc tế được đảm bảo; rằng VN và TQ thỏa thuận giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình là phù hợp với lợi ích của khu vực và của mỗi nước. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Leon Panetta bên lề Hội nghị này đã nói rằng: Hoa Kỳ đánh giá rất cao thỏa thuận đạt được giữa VN và TQ nhân chuyến thăm TQ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những nội dung về tuân thủ luật pháp quốc tế. Cũng tiếp nối các chuyến thăm của cấp cao VN ra nước ngoài, bất cứ ai cũng biết trong thời gian này, nhiều đoàn cấp cao của các nước đã đến thăm VN. Ngày 8 đến 10 tháng 10, Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái Lan đến; 11 tháng 10, Thủ tướng Agenla Merkel dẫn đầu phái đoàn 27 quan chức chính phủ CHLB Đức đến thăm và chính thức nâng cấp quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược; 30 và 31 tháng 10, Tổng thống Ca-dắc-xtan và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la đến; ngày 7 tháng 11 vừa qua Đại Công tước Luých-xăm-bua và Thủ tướng Cộng hòa E-xtô-nia cũng đang ở thăm VN. Vậy, vị thế quốc tế của VN đâu có giảm, ông Thệ nhỉ. Tóm lại, bài viết của ông Thệ chỉ lừa được những người thiếu thông tin và chưa tiếp cận với toàn văn Tuyên bố chung cũng như bản Thỏa thuận nói trên trong chuyến thăm TQ của Ông Nguyễn Phú Trọng. Từ đó, có thể kết luận rằng, ông đang chơi trò “không ăn thì đạp đổ”. Đó là hành động không đẹp.

  2. tam tia says:

    Tôi là người hay lang thang trên mạng, thấy mọi người tranh luận nhiều về hậu chuyến thăm Trung quốc của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng, tội mạnh dạn phiên dịch từ một số báo nước ngoài để mọi người suy ngẫm nhe!
    Ông Vi-chom, Chuyên viên Văn phòng Thứ truởng Quốc phòng Xin-ga-po nêu rõ: “…chuyến thăm không chỉ xoa dịu những mâu thuẫn nội tại, cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn là sự nỗ lực mang tính tích cực của cả hai phía nhằm giải quyết các tranh cãi thông qua đàm phán, đồng thời Việt Nam đã hoá giải được sự hoài nghi của dư luận quốc tế về sự xấu đi trong quan hệ giữa hai nuớc”.
    Đại diện của Phi-líp-pin tại Liên hợp quốc đánh giá, “thoả thuận này tạo tiền lệ tốt cho các nước liên quan, trong đó có Phi-líp-pin trong đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền…; Phi-líp-pin cũng tính đến một bản thoả thuận tương tự với Trung Quốc”.

  3. Hà Châu says:

    Bởi quá thâm thù bọn Cộng Phỉ, mà tự mình ta chưa có cách nào
    mà trị chúng nó, nên hễ thấy có dịp nào, là ta bàn tán , chửi xéo,
    cầu cho lũ Cộng phỉ..chết đi cho bõ tức! Áy mà Cộng phỉ cứ
    sống nhăn răng, dai như con đỉa! Ấy a, ta giận quá mất khôn.

    Hãy nhìn tí coi. Tuy cùng là Cộng phỉ, mà làm sao tụi Cộng phỉ gốc
    Miền Nam chúng tài giỏi thế ru ? chúng gạt phăng tui Bắc Kỳ ra
    một bên , hả. Ngay như hai tên Quang Nghị, Thế Thảo,,,của Bắc
    Kỳ lăm le cái chức Quốc hội, chủ tịch nước…mà cũng bị tụi Miền
    Nam chớp mất. Có ai xúi bẩy dàn dựng đàng sau không à?

    Nay, khi cụ Trọng đi Tàu, thì cụ Sang đi Ấn;.rồi cụ Sang lại đi
    Phi, đi Nam Hàn, đi Nhựt….. thì nên hiểu rằng, họ đang ” phải” đi
    sắp xếp việc VN trong khuôn khổ ĐN Á đấy chứ…

    Ghét CS thì ghét, nhưng cũng có những người CS ghét Mac Lê
    như tụi mình vậy ! Có ông Quang Duy nào cứ nằng nặc ,rằng CS
    không thể thay đổi, là quá…bi quan. Come what may, bà con!

    • tônthâtđức. says:

      Chẳng có thằng CS Bắc Nam nào giỏi cả. CS miiền Nam không thể đá tung CS miền Bắc,vì chúng dựa vào nhau mà sống còn. Việc phân chia Nam Bắc Trung dù không noi là kỳ thị thì vẩn thực tế là SỢ có kỳ thi nênmới có Ông TBT người Bắc (TBT Đảng lớn hơn chủ tịch nước và chính phủ hành chánh lẩn quân sự)ông chủ tịch nước ngươi Nam.nhưng tất cả do đảng CS (bí thư và BCT đảng )chi phôi
      Ong Trọng bái kiến thiên triều,nếu coi video,thấy ông ta luôn luôn cười cầu “tài” và đi sau tbt/tc Hồ Cẩm Đào một vài bước.thủ lể đàn em…Tại sao phải đi Tàu ?Người ta nói trọng đi trình diện quan thầy tc,nhận chỉ thị ,và nghe quở trách về các vụ biểu tình tự phát của dân SG/HN… Trong còn chấp nhận là v/đ biển đông chỉ có VN/TC giải quyếtsong phương chớ không phải giải quyết bằng HN đa quốc gia như đòi hỏ trước đây. Và để cảnh cáo ,khi trọng về,tc cho tàu lạ đâm tàu cá VN,ra điều “coi chừng đó !”
      Còn đi vơí các nước khác quanh vùng để mong họ yểm trợ thì e củng khó.Các nước này dựa vào Mỷ,như Phi và ngay cả Nhật,Nam Hàn…
      Cho nên chỉ còn cách là tự thoát xác thành người quốc gia ,bỏ đảng CS đi theo dân chủ tự do ,theo Mỷ và các nước Tây Phương là tốt hơn hết. Noi gương Miến Điện quay 360 độ,bỏ quân phiệt,bầu cử dân sự,thả tùnhân chính tri và lạ nhất là bỏ công trình Điên Lực của TC,nghỉa là không cần TC yểm trợ nửa,TC tức tối.dọa đòi bồi thường,nhưng chắc củng chẳng đi tới đâu. Nghe nóiLào củng từ chối sự giúp đở của TC. Phải chăng sợ bi lê thuôc,bi tc thống trị ?

  4. Nguyen V N says:

    ch cThichcauthi này lạ thật.

    Thật là nguỵ biện khi cho là vì kinh tế khó khăn, một nước nhỏ (83 triệu dân ), có gì vì hai lý do này mà bán chủ quyền và đất biển cho TQ. Phi luật Tân Indonésia còn nhỏ hơn chúng ta mà họ có sợ Tàu không?. Họ dám giam Tàu cướp cá TQ, bắt thuỷ thủ xâm phạm HP ..

    Theo ông bạn thích cẩu thi. Chủ quyền của ta chỉ có thẻ giữ vững được là phải khiếp nhược và lệ thuộc Tàu sao? Còn gì là Công Pháp QT, luật Đảo Biển quốc tế ?

    Theo ông bạn là khôn ngoan là bị lệ thuộc mới là khôn ngoan sao? Lập luận kiểu CSVN và bồi bút là vậy.

    Nguyen V N

  5. chi pheo says:

    Au duong the viet tan de li co cai gi do cam thay khong on !

  6. thichcauthi says:

    Việt Nam là một nước nhỏ, kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nếu không có những ứng xử khôn ngoan với những nước lớn thì sẽ rất dễ bị lệ thuộc. Lịch sử 1000 năm Bắc thuộc đã cho chúng ta bài học đó. Cái được lớn nhất trong chuyến đi vừa rồi của ông Trọng chính là duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong quan hệ với TQ. Chúng ta cần hoà bình và ổn định để phát triển đất nước. Chủ quyền quốc gia chỉ có thể được giữ vững khi chúng ta đủ sức mạnh để đứng vững trên đôi chân của mình.

    • Thằng Mõ says:

      Nền hòa bình vĩnh cửu không thể có đuợc bằng cách qùi gối van xin như đảng cộng sản VN đã và đang làm !!!
      Nước ta nhỏ ?! Có những nước nhỏ và yếu hơn ta như Phillipines, mà họ đâu có ngoại giao theo kiểu qùi gối van xin như cộng sản VN ???!!! Ngư dân của họ đâu có bị Tầu Trung Cuốc cướp bóc, đụng chìm tầu, bắt bớ, đòi chuộc tiền. Trái lại mỗi lần Tầu Trung Cuốc xâm nhập vùng lãnh hải của họ, họ dám cho phi cơ, tàu chiến ra rượt đuổi !!! Tại sao ???
      Chắc chắn 100% là nhân dân ta không khiếp sợ, hèn nhát. Nhưng đảng và nhà cầm quyền csVN thì đã cho thấy là họ bạc nhược, khiếp sợ và hèn nhát trước những âm mưu, những khiêu khích trắng trợn và vô lý của nhà cầm quyền Trung Cuốc !!! Tại sao ???

    • Toan says:

      Chẳng ai thích chiến tranh. Chiến tranh chỉ là sự lựa chọn cuối cùng để bảo vệ hòa bình. Người Việt ai cũng căm ghét TQ xâm lược. Nhưng để bảo vệ chủ quyền thì cần có sự khôn khéo: cùng với việc trang bị khí tài, hiện đại hóa quân đội VN để sẵn sàng đương đầu với TQ thì cần khéo léo trong ngọai giao, quan hệ KT, giao lưu tăng cường hiểu biết người dân 2 nước,…để mục đích cuối cùng là duy trì cuộc sống thanh bình của người VN, bảo vệ chủ quyền VN.

      Không thể chấp nhận việc TQ đầu tư bất hợp pháp tại VN để lấn chiếm chủ quyền VN.
      Người Việt bốn phương cũng nên đòan kết nhau trong lúc này.

Leave a Reply to tam tia