WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nền “chính trị ngoại tình” [2]

Tiếp theo phần I

Bài 2- “Nền chính trị ngoại tình” nhìn ở phương diện triết học

Nhân ngày Quốc khánh mới đây, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư xuất hiện trên truyền hình, hát lại một luận điểm cũ như cái hũ: “Trong thời đại ngày nay, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới mang lại cơm no áo ấm cho nhân dân.” Nhiều người nghe đến đoạn này, bỗng dưng tắt bụp TV mà không một lời giải thích.

Cũng có người đốp chát luôn: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới tạo ra những làn sóng người chạy ra nước ngoài làm nghề móc cống, hoặc đổ bô với thu nhập cao hơn nhiều lần công chức trong hệ thống công quyền. Có người lựa chọn cách khác là làm vợ hai, vợ ba của tiểu gia các nước khu vực chỉ vì mục đích mưu sinh.

Các cô gái được tuyển lựa. Ảnh Google

Nhân đây, ta hãy trở về cội nguồn, giải mã đôi chút về mặt triết học của hệ thống chính trị.

Học thuyết Marx có nguồn gốc từ các nhà triết học cổ điển gồm: triết học Hegel, Feuerbach, kinh tế học Adam Smith, Ricardo, John Locke, chính trị & xã hội học Saint-Simon, tự nhiên học Charles Darwin… Nhưng tựu trung Marx từ đầu đến cuối, chịu ảnh hưởng hưởng sâu sắc nhất tư tưởng của Hegel, thậm chí có người còn cho rằng, Marx chính là “con đẻ” của ông này.

Triết học Hegel (1770-1831) ra đời từ cái bóng của E. Kant. Hegel đã vượt qua “Vật tự nó” của Kant để lý giải sự tồn tại của thế giới bằng một câu nổi tiếng: “Cái gì tồn tại đều hợp lý và cái gì hợp lý thì tồn tại.”

Đây là nhận thức luận khá tiến bộ của Hegel, đồng thời cũng lại chính là sự hạn chế trong cái nhìn chủ quan của ông về thế giới.

Ý niệm tuyệt đối- di sản của triết học cổ điển

Sự đóng góp vĩ đại của Hegel cho nền triết học nhân loại là phương pháp biện chứng, đã có thời được coi như một chiếc chìa khoá triết học vạn năng của thế kỷ thứ XIX, khiến dư luận thời đó tôn ông lên thành “Chúa Jesus của triết học”.

Nhưng đó chỉ là chuyện của thế kỷ XIX, sau này nhận thức lại người ta thấy nó ẩn chứa mầm mống của huỷ thể, phản thể khi phép biện chứng duy tâm của ông dừng lại và tự triệt tiêu trong ý niệm tuyệt đối.

Điều đáng nói là Marx tiếp thu gần như hoàn toàn phép biện chứng của thầy mình là Hegel, để duy vật hoá nó, nhưng cũng không vượt qua được cái ý niệm tuyệt đối của Heghel. Đây chính là một biến tướng của siêu hình để thủ tiêu phép biện chứng.

Khái niệm ý niệm tuyệt đối đã chắn đường cả Hegel và Marx bởi, thế giới tự nhiên cũng như thế giới xã hội đều không tồn tại sự tuyệt đối.

Tác phẩm “ý niệm tuyệt đối” của Hegel là sự hợp nhất giữa Thượng đế và con người, giữa thiên nhiên và nhận thức, là bề sâu hư vô thăm thẳm của hiện hữu, như là một phương cách thực tại hoá hư vô và ngược lại. Hegel đã làm một cuộc cách mạng hoá khái niệm “Thượng đế” bằng cách nhân hoá, vật hoá, cảm xúc hoá, đời sống hoá, trần thế hoá khái niệm này.

Dẫu là người vô thần hay hữu thần thì Thượng đế (theo cách nói của người Việt Nam từ ngàn xưa: Trời) là một lực lượng siêu nhiên ở ngoài, trên và cao cả hơn loài người.

Đến Hegel, ông đã triết học hoá, nhân văn hoá, tự nhiên hoá, thậm chí gần như đã vật chất hoá khái niệm “Thượng đế” vốn là điều mà con người chưa bao giờ nhận thức được một cách đầy đủ của thần học kinh viện. Karl Marx, một học trò thông minh ngạo mạn của Hegel vượt qua thầy mình để goodbye Thượng đế mà hô lên rằng bản chất của thế gới là vật chất chứ không phải bản chất thế giới là tinh thần như Hegel.

Marx, đi trên con đường của Hegel đã vứt bỏ mái che của tinh thần Thượng đế trên đầu, để đưa triết học, đưa phương pháp biện chứng, đưa “ý niệm tuyệt đối vật chất”, thay bằng “ý niệm tuyệt đối tinh thần” của Hegel.

Cả Hegel và Marx đều dùng phép biện chứng làm chìa khóa mở vào tồn tại, một người mở cổng tinh thần, một người mở cổng vật chất; và khi cả hai ông hí hửng mở được cánh cửa của mình rồi, thì cũng là lúc chiếc chìa khoá vạn năng phương pháp biện chứng bị ổ khoá kia nuốt sống. Thành thử, dù mở cửa duy vật hay cửa duy tâm, bước vào ngôi nhà tồn tại, cả Hegel và Marx đều mất chiếc chìa khoá vạn năng là phương pháp biện chứng, cùng bơ vơ, cùng mất phương hướng.

Phép biện chứng duy tâm của đấng Kitô thế kỷ thứ XIX là Hegel không cứu nổi sự cáo chung của triết học Đức. Đến lượt Marx lộn ngược chiếc chìa khoá biện chứng pháp của Hegel để tìm một tồn tại ở phía phản biện lại thầy mình, một tồn tại phi tôn giáo, phi Thượng đế; nhưng rồi Marx cũng bị ý niệm tuyệt đối vật chất của chính ông chặn đường. Phép biện chứng duy tâm của Hegel khi phát triển tới cùng đường đã đẩy nhân loại lên trời.

Phép biện chứng duy vật của Karl Marx khi phát triển tới cùng đường đã đẩy nhân loại xuống địa ngục là cái “Trần gian tuyệt đối”,  “Thiên đường cộng sản” rất phản biện chứng, phản duy vật, phản con người.

Sự bế tắc của ý niệm tuyệt đối

Bế tắc, cùng đường, để trốn chạy khỏi lòng ngưỡng mộ của đám vô sản, Marx đã nói đại, đẩy nhân loại đi vào một “Thế giới tuyệt đối” không có thật là tuyệt đối tự giác: làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, tuyệt đối thiện mà triệt tiêu cái ác. Điều này vô tình đã triệt tiêu chính phép biện chứng.
Hơn một thế kỷ trôi qua, con đường biện chứng tưởng rất mơ mộng, tốt đẹp và khoa học của Hegel, Marx đã dẫn lịch sử nhân loại đến ngày tận thế để rơi vào “một lỗ đen” vĩ đại – thế giới đại đồng tức chủ nghĩa cộng sản, như là sự cáo chung của lịch sử nhân loại, hay chính là ngày tận thế Marxism. Sự hùng biện của Marx, sự mê hoặc của những luận điểm “đấu tranh giai cấp” đã tiếp sức cho những nhà chính trị đầy tham vọng và biến họ thành ác quỷ hành hạ, tiêu diệt loài người có tên là: Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… !

Trong hành trình của phép biện chứng, Hegel may còn được tinh thần Thượng đế níu lại với loài người, không bị rơi vào địa ngục ngộ nhận, một thứ địa ngục tưởng duy vật mà rất duy tâm của Marx.
Sai lầm của Hegel hay của Marx chính là ở ý niệm tuyệt đối: một ông tuyệt đối duy tâm, một ông tuyệt đối duy vật. Thật là mỉa mai cái tinh thần tuyệt đối này, khi chạm vào cái tuyệt đối, phép biện chứng đều phải dừng lại, đều kết thúc không kèn không trống. Ở các nước văn minh, người ta đủ khôn ngoan để coi cái tuyệt đối của hai ông này như là một sự đa dạng của đời sống, một Judas trong 12 môn đệ của Chúa Jesus mà không đặt nó lên bàn thờ để “kiên định” như các chính khách bảo thủ của VN.

Nhưng lịch sử loài người vẫn tiến lên, tinh thần hoài nghi vẫn đưa triết học đã bị cái món tuyệt đối kia làm mù mắt, đành một tay chống chiếc gậy hiện hữu, một tay ôm chiếc bị hư vô dò đường. Cho tới khi nhà khoa học Albert Einstein bằng chứng minh toán học, vật lý học khám phá ra thuyết tương đối, thì nhân loại, hay lịch sử triết học mới giã từ khái niệm tuyệt đối của thế kỷ thứ XIX.

Marx bằng con đường duy vật đã dẫn nhân loại đến một kết cục rất duy tâm là thế giới đại đồng, trao cho Lenin và các nhà cách mạng cộng sản sau ông một cái bánh vẽ tuyệt đối không có thật là “Thiên đường cộng sản”.

Cùng với đó, ông trao vào tay các học trò mình một thanh kiếm khủng khiếp, một thanh kiếm mù có tên là “Chuyên chính vô sản”, đó là nền chuyên chính của một giai cấp vừa đói, vừa rét, vừa dốt tập hợp trong một đội ngũ quân hồi vô phèng với khẩu hiệu: “VÔ SẢN THẾ GIỚI LIÊN HIỆP LẠI”.
Nhân loại đã phải trả giá đắt cho đám vô sản mù quáng kía, chúng ào lên như những đám mây cào cào châu chấu, tràn qua các lục địa tiêu diệt sạch tự do, dân chủ, dân quyền dân sinh mà cách mạng tư sản Pháp vừa mang lại cho nhân loại…

Những đau đớn, buồn thảm, kinh hoàng của các chế độ cộng sản trên trái đất (còn sót lại ở Trung quốc, Việt Nam, Bắc Triều tiên, Cuba) và sự tụt hậu thê thảm của nó so với phần còn lại của thế giới là bằng chứng cho những sai lầm triết học chết người của Marx, những tiên đoán chỉ đường tầm bậy rất nguy hiểm của Marx-Engel-Lenin…

Học thuyết “Đấu tranh giai cấp” của Marx-Lenin đã, đang và sẽ còn đưa gần một phần ba nhân loại vào địa ngục trần gian là Chủ nghĩa xã hội (hay chủ nghĩa cộng sản). Nếu bạn muốn hiểu sâu hơn về chuyện này có thể tìm đọc các thông tin về xã hội cộng sản, gần VN là thời Polpot ở Campuchia hoặc gần đây hơn là ở Bắc Triều tiên của đồng chí Kim Jong Il, người vẫn được đám dân chúng nước ngày tôn sùng là “vầng thái dương của thế kỷ XXI”.

Bằng cách lừa đảo cho rằng đến xã hội chủ nghĩa không còn mâu thuẫn nữa, không còn cái ác nữa, không còn đấu tranh nữa vì phép biện chứng đã kết thúc, chỉ còn cái tuyệt đối là giai cấp vô sản, toàn thiện toàn mỹ dẫn đường, để cừu hoá, bầy đàn hoá con người trong một trại tập trung vĩ đại có tên là xã hội chủ nghĩa!

Thoát khỏi Marx bằng “ngoại tình chính trị”

Như đã viết ở bài trước, Trung Quốc đã tiên phong trong việc đang “treo đầu dê” Marx-Lenin để “bán thịt chó tư bản”. Cách làm của họ là thay thế học thuyết này bằng “lý luận con mèo” của Đặng Tiểu Bình. Theo đó, “dẫu mèo đen hay mèo trắng, miễn bắt được chuột đều là mèo tốt”.

Lý luận con mèo hiện đã mang lại không ít thành công cho Trung Hoa, nhưng vẫn còn đó Marx- Lenin, vẫn còn đó “tuyệt đối đúng” “tuyệt đối hay” và cả tuyệt đối ác. Rằng chúng mày không được phản biện, không được phán xét chủ nghĩa cộng sản.

Một nền chính trị ngoại tình, dẫu có tinh xảo đến đâu cũng không thể tồn tại vĩnh cửu. Hơn thế, trong một xã hội thông tin, khi việc bưng bít không thể che mắt hết dân chúng. Khi nhân dân nhận thức được đâu là chân lý, họ có quyền lựa chọn cho mình, ít nhất là một đức tin. Những cuộc bạo loạn liên tiếp xẩy ra ở Urumqi, Tân Cương, đã nói lên điều đó.

© Phan Thế Hải

2 Phản hồi cho “Nền “chính trị ngoại tình” [2]”

  1. Nhã Nam says:

    Đạo văn là xấu, là ăn cắp sao Đàn Chim Việt và ông Phan Thế Hải vẫn để bài này trên mạng mãi thế ? Bài này ăn cắp hầu như tòan bộ câu chữ, ý tứ hay ho nhứt của bài “Goodbye ông Marx” của cụ Lê Nhân. Mà lá thư xin lỗi vì mình đã đạo văn rất trắng trợn của Phan Thế Hải thì bị hạ xuống, còn bài này vẫn thượng lên là sao ?Nếu Đàn Chim Việt và Phan Thế Hải có chút tự trọng, nên bỏ bài đạo văn này đi.Của ăn cắp mà khoe ra mãi làm gì, không biết ngượng à ?

  2. Tần Hoài says:

    Bài này của Phan Thế Hải đạo văn của bài “Goodbye ông Marx” của cụ Lê Nhân in từ 4 năm trước.Hãy vào google.com tìm sẽ thấy bài Lê Nhân in ở rất nhiều web từ trước. Xin vào web : http://troinam.net và blog : http://mylinhng.multiply.com đọc bài của Lê Nhân, so sánh hai bài sẽ thấy Phan Thế Hải đạo văn Lê Nhân rất trắng trợn. Bài ăn cắp văn này thấy ông Phan Thế Hải thật vô liêm sỉ

Leave a Reply to Nhã Nam