VN lại chậm hơn TQ trong vấn đề biển Đông
Ngày 14/3 vừa qua, Trung Quốc đã đưa tầu ngư nghiệp lớn nhất tới biển Đông. Con tầu vốn được nâng cấp từ tầu chiến này có tốc độ 20 dặm và trọng tải trên 4.000 tấn. Hành động này của Trung Quốc nhằm trả đũa lại việc đưa tầu chiến tới biển Đông của Mỹ sau vụ “chạm trán” không lấy gì làm hữu nghị giữa tầu thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ với 5 tầu đánh cá Trung Quốc.
Người Tầu vốn “thâm”, họ không làm gì mà không nhằm đôi ba mục đích. Lần này, vừa “nắn gân” tổng thống mới đắc nhiệm Obama (cũng như họ đã làm với tổng thống Bush khi ông mới vào Nhà Trắng bằng cách ép sát một máy bay Mỹ buộc máy bay này phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam hồi năm 2001), họ vừa muốn chứng minh chủ quyền của mình ở biển Đông, phô diễn sức mạnh, “dằn mặt” mấy nước đang lăm lăm tuyên bố chủ quyền với một phần hay toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là Việt Nam.
Mộng bành trướng xuống phía Nam của Trung Quốc đã có từ lâu. Lịch sử hào hùng và bi tráng 4000 năm chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó. Giới lãnh đạo Trung Quốc trong thời kì cận đại này cũng không là một ngoại lệ. Tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) được sử sách ghi lại bắt đầu từ năm 1909, cách đây tròn 100 năm. Trung Quốc khi đó cho đây là hòn đảo vô chủ và cử một hạm đội nhỏ tới khảo sát.
Sử sách Việt Nam ghi lại, hòn đảo mà Trung Quốc coi là vô chủ này đã được vua Gia Long chính thức chiếm hữu và cắm cờ từ năm 1816, hai chục năm sau đó vua Minh Mạng cho xây đền, trồng cây, canh gác và chiếm giữ quần đảo này cho tới khi người Pháp vào Đông Dương và tiếp tục cai quản.
Năm 1956, lợi dụng lúc người Pháp rời Đông Dương, Việt Nam đang lấn bấn với việc phân chia Nam – Bắc, Trung Quốc chiếm một phần phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, khi Bắc Việt đang tập trung toàn bộ sức lực vào chiến dịch Tổng tấn công miền Nam, quân đội Việt Nam cộng hòa bị Mỹ bỏ rơi, Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau một trận hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Một số đảo thuộc Trường Sa cũng mất dần trong những năm sau đó.
Điều đáng nói, dã tâm của Trung Quốc là liên tục, chiến thuật của họ bền bỉ, lấn dần, thông suốt, bài bản, nhất quán từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình tới Hồ Cẩm Đào.v.v. Và đặc biệt họ luôn biết lợi dụng cơ hội trong lúc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam để “đục nước béo cò”. Với chính sách nhất quán đó, Trung Quốc đã từ lâu đầu tư cho hải quân, cho công tác nghiên cứu biển, cho việc tuyên truyền trong cũng như ngoài nước.v.v.
Sự thực, Trung Quốc gần đây đã hành xử như thể biển Đông là ao nhà của họ. Từ việc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa quản lý Hoàng Trường Sa, bắn giết các ngư phủ Việt Nam, “gây sự” với mấy công ty khai thác dầu khí Anh (PB), Mỹ (ExxonMobil) làm họ phải “bán xới” khỏi biển Đông, công bố dự án khai thác dầu khí tại thềm lục địa biển Đông lên tới 30 tỉ USD, tầu chiến, tầu tuần tiễu đi lại nghêng ngang.v.v. cho thấy sự coi thường của họ với các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Như vậy, với một chiến thuật rõ ràng, Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định.
Còn Việt Nam thì sao? Không có một chính sách nhất quán, không đề cao cảnh giác, hớ hênh, sơ hở về mặt pháp luật. Đáng kể nhất là việc ký công hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng. Tiếp đó, thái độ lặng thinh của Việt Nam khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Khi đó, có người còn cho rằng Trung Quốc “anh em” sẽ giữ hộ ta!?
Mấy năm gần đây, Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền với Hoàng – Trường Sa nhưng thử hỏi, chính quyền đã làm gì để giữ gìn chủ quyền đó? Hay chỉ đánh võ mồm? Trước những hành động (kể trên) của Trung Quốc, kể cả việc bắn giết 9 ngư phủ Thanh Hóa, ngoài câu tuyên bố nhạt phèo, lãng xẹt, lăp đi lặp lại của ông Lê Dũng – người phát ngôn bộ Ngoại Giao – mà người viết đã thuộc lòng: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cớ sở pháp lý để khẳng định…”; chính quyền đã không có hành động mạnh mẽ, dứt khoát nào.
Chính quyền đã phản ứng yếu ớt nhưng lại đi bịt miệng dân chúng, không cho họ được quyền bày tỏ thái độ, lòng yêu nước của mình.
Hãy nhìn Trung Quốc, mặc dù là nước độc tài cộng sản, nhưng Trung Quốc đã từng cho phép dân chúng biểu tình chống Mỹ, làm đại sứ quán của Mỹ tại Bắc Kinh cũng như lãnh sự tại Hồng Kông chìm trong gạch đá khi Mỹ “lỡ tay” bỏ nhầm bom vào đại sứ Trung Quốc trong lúc oanh tạc Nam Tư, hay biểu tình chống Nhật khi họ in sách giáo khoa lịch sử không “phù hợp với quan điểm” của Trung Quốc về thế chiến thứ II…
Chính quyền Việt Nam đã không biết lợi dụng chính “bài” của Trung Quốc để chơi lại Trung Quốc khi ngăn cản các cuộc biểu tình của sinh viên và giới trẻ chống Trung Quốc đáng lẽ đã diễn ra vào năm 2007 sau sự kiện Trung Quốc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa để quản lý Hoàng – Trường Sa của chúng ta.
Chính sự nhu nhược của chính quyền Việt Nam, thái độ cả nể với “ông anh” “cùng hội cùng thuyền” (cộng sản) này đã đẩy Trường Sa cũng như biển Đông này càng rơi dần vào chiếc thòng lọng của Trung Quốc.
Có vẻ như Việt Nam đã “ngộ” ra khi mới đây báo chí được cởi mở hơn với vấn đề được cho là “nhạy cảm” này và điều đặc biệt, một Hội nghị mở bàn về biển Đông đã diễn ra tại Hà Nội hôm 17/3/2009.
Nhưng điều đó là không đủ và quá chậm trễ! Phát biểu của các học giả trong Hội nghị cũng cho biết không thể giữ Hoàng- Trường Sa chỉ bằng cảm tính, mà phải bằng công tác nghiên cứu, tài liệu lịch sử, quảng bá hình ảnh, quan hệ ngoại giao… và tất cả những việc này, Việt Nam đều đi sau Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã đầu tư cho công tác nghiên cứu từ lâu, Việt Nam vẫn chưa có một quỹ nào cho công việc này, chưa có một tổ chức, một cơ quan chuyên trách nào, chưa có luật cơ sở về đường biển, thiếu khung pháp lý, chưa được ngân sách đầu tư.v.v.
Đã vậy, tài liệu của ta lại mất mát do chiến tranh, do những người nắm giữ chúng đi ra nước ngoài sau năm 1975, đội ngũ nghiên cứu khoa học thì phân tán khắp nơi, khác biệt về chính kiến chính trị, chia rẽ về quan điểm.
Để bảo vệ được chủ quyền với 2 quần đảo trên cũng như với phần thềm lục địa của Việt Nam, trước khi quá trễ, thiết nghĩ không còn cách nào khác, đảng phải công khai hóa toàn bộ thông tin, cho phép báo chí tự do bàn, viết (ít nhất là về vấn đề này), cho phép dân chúng được bày tỏ lòng yêu nước cũng như sự phẫn nộ với những hành động của Trung Quốc liên quan tới Hoàng – Trường Sa và biển Đông.
Mặt khác, kêu gọi những nhà khoa học Việt Nam tại hải ngoại (dù bất đồng chính kiến), các nhà khoa học nước ngoài cung cấp tài liệu, chứng cứ, công bố những nghiên cứu liên quan tới chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo này; đầu tư một ngân sách xứng đáng cho công tác khảo sát, nghiên cứu, đưa biển Đông nói chung, Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng vào chương trình giáo dục phổ thông ngay từ cấp cơ sở; tiến hành đồng thời việc thu thập chứng cứ pháp lý, tài liệu lịch sử với việc tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao; đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực hải quân.v.v.
Điều quan trọng hơn cả, đảng phải biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của mình. Đừng vì quyền lợi của đảng mà chịu lép vế với Trung Quốc. Đừng độc quyền yêu nước nữa! Hãy để dân được tự do quyết định vận mệnh của đất nước, nhân dân Việt Nam với truyền thống 4000 năm chống ngoại xâm sẽ biết phải làm gì để giữ gìn non sông gấm vóc.
© 2009 www.danchimviet.com