WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tha Sala, em ơi biển động về hư không

Ngày hai mươi mốt tháng chạp năm Kỷ Tỵ, xác mười một cô gái tuổi từ mười chín đến hai mươi ba, trôi dạt vào bờ Tha Sala, Thái Lan, không mảnh vải che thân.

Những người con gái Việt Nam, cổ bị trói chùm vào nhau, sau khi bị hải tặc hãm hiếp, bị đẩy xuống biển, và sau khi hơi thở còn thoi thóp sự sống, sau tột cùng của đau thương ô nhục, các cô đã bị kéo theo tàu hải tặc, thân thể chập chùng theo sóng nước từ đuôi tàu, cho đến một lúc, cho đến một lúc linh hồn buốt lạnh rời khỏi xác đau thương, hải tặc chặt giây, để xác người nhận chìm trong đại dương loang màu máu.

 

Những ngày chuẩn bị vào xuân Canh Ngọ (1990), một mẩu tin rất ngắn trên báo Úc loan tin người ta tìm thấy xác mười một cô gái Việt Nam chết trần truồng trên bờ biển Tha Sala. Người ta đoán tuổi các cô gái từ mười chín đến hai mươi ba, cổ bị dây thừng trói chùm vào nhau.

Tôi đã viết một bài tưởng niệm để người bạn thân Trung Chính đọc trên đài phát thanh SBS với lời mở đầu như trên. Giọng đọc dù rất lão luyện, nhưng chợt nghẹn ngào của Chính, đã gửi đi toàn nước Úc một thông điệp buồn, đúng chương trình phát thanh đặc biệt vào giờ khắc giao thừa.

Hôm nay tôi đang ngồi trên bờ biển Tha Sala vào một ngày giữa tháng 7 năm 2012 để viết những dòng này.

Hơn hai mươi hai năm đã trôi qua.

Ngày cuối cùng của tháng 5 âm lịch năm Nhâm Thìn.

Tôi ngồi nghe lại giọng của Chính trên bờ Tha Sala.

Trên bờ biển, dưới một táng cây dương liễu lớn, có dáng một chiếc thuyền dài gần mười thước đã rả mục, chỉ còn trơ ba lớp ván đáy thuyền. Người ta kê miếng ván thuyền này trên các cột thấp, phía trên lợp mái tranh, hai đầu mũi thuyền có hai cái am nhỏ, một cái hướng vào bờ, một cái hướng ra biển.

Lúc tôi đến thì đúng lúc một bà lão Thái đang cùng hai cậu nhỏ bưng đồ cúng gồm trái cây và xôi trắng phía trong bờ đi ra. Bà cụ sắp đồ cúng lên hai cái am, kê một cái bàn vuông nhỏ ngay phía mũi thuyền hướng biển, đặt mâm ngũ quả lên, thắp hương vái rồi đi vào. Tôi không biết bà cúng ai vì bà không nói được, có lẽ miếng ván thuyền để trong chòi tranh là di tích một thuyền cá nào đó trôi vào bờ. Có lẽ có người chết trên thuyền nên người địa phương mới chưng thờ miếng ván một cách trang trọng dù mái che và cột chống tơi tả nhuộm một màu buồn bã và nghèo nàn.

Đột nhiên thấy rùng mình.

Bờ Tha Sala không phải là chốn nghỉ. Người Thái chê bờ biển này vì có nhiều thuyền đánh cá, bờ cát sạch nhưng đáy biển là lớp bùn dầy. Người nước ngoài qua đảo Ko Samui không xa lắm. Hai chục cái nhà sàn không một người khách nào khác đến thuê ở qua đêm. Con đường từ đường quốc lộ vào đây phải đi bộ trên hai cây số. Có lẽ những căn nhà sàn gỗ đỏ mái tôn dành cho người địa phương gần đâu đấy vì bên trong không có gì, ngoài một cái giường có treo mùng trắng và cái quạt bàn.

Một bờ biển rất buồn. Một làng chài lạc lõng trên bản đồ vùng duyên hải phía nam của Thái Lan, thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat.

Tôi ra dấu xin bà cụ một ít nhang. Cụ sai một đứa nhỏ chạy vào trong cầm ra ba nén nhang.

Có ai đó đang đốt nén hương dâng lên bàn thờ Tổ, xin thắp thêm nén hương lòng, cắm vào hư không cho thơm linh hồn của những người nằm xuống trên cuộc hải trình tuyệt vọng.

Có ai đó đang đi lễ chùa đêm nay, hãy dừng lại thả vào không gian tiếng thở dài, để sưởi ấm những hương hồn cô đơn lạnh lẽo.

Có ai đó đang ngập ngừng trước cổng thánh đường, hãy xin Chúa ban phát tình yêu cũng như niềm đau khổ đồng đều cho hết thảy nhân loại.

Chính đã đọc những lời trên ở đất Úc yên bình hai mươi hai năm trước, hướng về những linh hồn thảm tử Việt Nam trôi vào bờ Tha Sala.

Hôm nay tôi đưa giọng trầm buồn của Chính vang trên bờ Tha Sala vắng lặng.
Hôm nay tôi cắm một nén hương trên bờ biển Tha Sala vắng lạnh giữa trời mai nắng cháy.

Chợt nghẹn ngào.

Mặt biển xa phẳng như mặt nước hồ.

Sóng nhẹ không thành tiếng.

Một vị sư ở Việt Nam khi biết ý định, đã chỉ cho tôi cách tịnh thủy và cầu nguyện.
Tôi ngồi sau nén hương, hướng ra biển.

Những tàng dừa biển mọc sát đất xào xạc trong gió.

Lá bàng vàng vỏ rơi rụng trên những vỏ sò đá cuội trắng.

Tôi cám ơn bà cụ đã cho tôi nén hương làm từ vùng đất của những tên cướp biển.
Nhưng những người Thái mà tôi gặp hết sức hiền lành và tốt bụng. Mấy ngày qua tôi ở nhờ gia đình một bà bác sĩ trong khu vực dành cho bác sĩ và sinh viên y khoa bên trong khuôn viên nhà thương Maharat ở trung tâm tỉnh Nakhon Si Thammarat. Bà chỉ cho tôi đến bờ Tha Sala chỉ cách trung tâm thành phố vài chục cây số. Nhưng khi tôi hỏi cách qua đảo Ko Kra thì bà chịu. Bà cả không biết có một hòn đảo có tên như thế nằm trong ranh giới tỉnh nhà.

Kro Kra, người Thái đọc là ‘Cỏ Cả’ (Kro là đảo). Năm 1981, các nhà văn Nhật Tiến, Dương Phục, và Vũ Thanh Thủy đã viết một bản tường trình từ trại tỵ nạn Songkhla miền cực nam nước Thái về thảm trạng kinh hoàng của thuyền nhân trên đảo này. Bản tường trình ‘Hải tặc trong Vịnh Thái Lan’ của họ đã dống lên tiếng kêu đau đớn, tiếng chuông hy vọng và tuyệt vọng nhất của thời đại chúng tôi.

Mười một cô gái chết thảm nơi đây thuộc thế hệ chúng tôi.

Họ sinh ra trong thời chiến, chết trong thời hậu chiến trên biển người và đất lạ.
Buổi trưa, tôi nửa nhắm nửa mở ngồi trên ghế dựa nhìn ra biển vắng.

Căn nhà sàn tôi ở nằm sát mép nước, tận trong cùng của khuôn viên, chỉ cách cái chòi thờ miếng ván thuyền độ 20 thước.

Chợt thấy hai cô gái phục sức theo Hồi giáo, khăn trùm kín đầu, đi dạo trên bờ biển. Một cô trùm khăn trắng, một cô khăn đỏ rực. Họ nắm tay nhau đứng nói chuyện trước chòi thờ ván thuyền.

Những người con gái Việt Nam đã chết trần truồng trên bờ biển này. Những người con gái đạo Hồi kín đáo từ đầu đến chân đứng nhởn nhơ trên bờ biển này.

Chờ gần chiều khi biển chỉ còn một màu vàng đỏ, tôi đi lần xuống nước tính lấy toàn cảnh từ biển trông vào bờ. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì giật nẩy mình. Ngay nóc chòi thờ chiếc ván thuyến, có di ảnh mờ mờ của một cô gái. Có lẽ do nắng gió từ biển khơi lâu ngày nên hình hài trên ảnh đã mờ, nhưng trông kỹ vẫn thấy đúng là ảnh một cô gái. Cả thân hình cô được bao phủ bởi một thân cây già, các táng cây mọc sau cô xòe những lá cây như hoa trắng trùm lên mái tóc dài thả xuống hai vai, cô quỳ hai gối trên một chiếc thuyền buồm đang vượt đại dương, miệng mỉm cười, đôi mắt đen to nhìn thẳng ra biển.

Tôi rùng mình trong thoáng giây.

Tôi đã quan sát hai cái am nhỏ hồi sáng. Không có tượng Phật. Thì ra họ thờ cô gái này.

Tôi chụp nhanh một tấm thì đúng lúc, trời đổ mưa lắc rắc, mây từ đâu kéo đến đen cả bầu trời. Rồi những hạt mưa to trút xuống cả biển khơi, rơi đồm độp trên mái lá mái tôn và bãi cát. Một tia chớp sáng lóe bầu trời. Gió nổi mạnh trong khi ngoài biển xa bầu trời vẫn vàng ươm ánh chiều tím mịn.

Tôi chạy vội vào căn nhà bán thức ăn. Lúc này không có gì hơn là một lon bia Thái. Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi mang bia ra, tiện thể ngồi xuống bên cạnh để hỏi chuyện.

Tôi hỏi tại sao có cái chòi thờ chiếc chuyền đã rả mục, lại có hai cái am. Có phải thờ cô gái có di ảnh hướng ra biển không.

Ông ta là con trai độc nhất của bà cụ hồi sáng. Ông trầm ngâm, nói tới đâu tôi lạnh mình tới đấy.

Ông kể rằng cách đây mười bảy năm, gia đình từ đảo Samui qua đây lập nghiệp. Khi đào cát để lập chòi thì thấy xác một chiếc thuyền vùi sâu trong cát. Ông nói trước đây có một số thuyền Việt Nam qua đây, nhưng không chắc có phải là thuyền của người Việt hay không.

Cả nhà khi đào thấy chiếc thuyền cũng không chú ý, chỉ để trơ ra đấy. Thế rồi một hôm, có một vị sư kêu mẹ ông đến bảo rằng hãy thờ chiếc thuyền ấy. Vị sư nói ông nằm mộng thấy một cô gái hình vóc như thế này thế kia, đến nhờ ông nói lại với gia đình là những người đi trên thuyền, trong đó có cô, đã chết thảm, nên xin được thờ phụng. Vị sư kêu người vẽ lại chân dung cô gái như ông thấy, rồi bảo bà cụ hãy thờ cô gái này nơi chỗ xác thuyền tìm thấy.

Bà cụ là người mộ đạo nên làm theo. Cả mười bảy năm nay, mỗi ngày bà cụ đều cúng hai mâm như thế cả.

Tôi xúc động bảo với người đàn ông, dù gia đình ông không chắc người chết trên thuyền kia là ai, nhưng tôi chắc là những thuyền nhân Việt Nam, vì mười bảy năm trước thuyền đã mục, nghĩa là chiếc thuyền đã vùi trong cát lâu lắm, có lẽ từ khoảng thời kỳ mà thuyền nhân Việt ồ ạt ra đi.

Người đàn ông lặng thinh, ngẫm nghĩ. Rồi ông vào trong nhà mời bà cụ ra. Bà bảo khi bà lập chỗ thờ thuyền cùng di ảnh cô gái, người trong làng cá này đều bảo bà điên. Nhưng bà không màng, bà bảo bà tin có Phật, nhất là vị sư không bao giờ đặt chuyện như thế.

Trời đã sụp tối, tiếng sóng biển rì rào. Tôi về lại căn nhà sàn của mình, phải đi ngang lại chiếc chòi thờ thuyền. Bất chợt, dù cả đời không sợ ma vì biết ma chê mình, người tôi lạnh xương sống.

Nhìn quanh không một bóng người. Tiếng sóng, tiếng chó tru trong đêm rờn rợn.
Nhưng rồi tôi cũng đứng lại hồi lâu trước di ảnh cô gái trong bóng tối nhá nhem. Có lẽ từ một tiếng gọi kêu nào đấy đã đưa chân tôi lưu lạc chốn này để thấy lại một thảm cảnh hiển bày.

Tha Sala, em ơi, đêm nay sóng cuồng điên ngoài biển, miếng ván thuyền rả mục trên bờ vắng.

Mưa đã ngưng nhưng cát vẫn ướt.

Tôi vào nhà lấy cái máy đem ra để cạnh cái chòi thờ, mở lại giọng đọc của Chính.
Trong đêm vắng, giọng của người bạn tôi như tiếng kinh cầu chiêu niệm những oan hồn lẩn khuất đâu đây. Tiếng của anh chậm buồn như sóng biển ngoài kia đang thổn thức.

Đêm nay, đêm oai linh, đêm hồn thiêng sông núi, đêm của tổ tiên nghìn năm sống lại, đêm của những bước chân phiêu lãng trở về bên đốm lửa quê nhà.

Đêm đào huyệt chôn vùi tội ác và ích kỷ.

Đêm của những tấm lòng nở hoa nhân ái.

Xin hãy bàn giao hiện tại tối tăm và phù phiếm, cho ngày mai rạng rỡ bài đồng ca thơm ngát tình người.

Để mùa xuân được trải đều khắp chốn.

Để thiện tâm nở đầy trên lòng bàn tay, thúc giục những bước chân trần tiến về những cuộc hải trình tuyệt vọng, cho mùa xuân chia đều trên mỗi một sinh mệnh của đồng bào.
Tha Sala, em ơi biển yên bình.
Sóng dậy.
Những người con gái Việt Nam.
Những thế hệ chúng tôi đi vào biển dữ.
Cuồng điên, khát vọng, xâu xé.
Biển đen những kiếp người trôi dạt.
Biển đêm miếng ván thuyền di ảnh
Của em.
Sáng lung linh tinh khiết
Trên bãi vắng.
Thân xác em hoang lạnh nhưng linh hồn thơm ngát những đóa hoa nở tung trời.
Hình hài em từ lòng cây hiện ra sang cả tinh trong.
Em biết không
Các thành tựu của Mâu Ni đều hiển bày từ cây đó.
Sinh trong vườn cây Lâm Tỳ Ni.
Thành đạo dưới cội cây Bồ Đề.
Giảng pháp đầu tiên trong vườn cây Lộc Uyển.
Và trở lại hư không dưới táng cây Sala bất diệt.
Người đất lạ đã hiển bày em trang nghiêm từ lòng cội cây già nở hoa
Nơi biển Tha Sala này.
Em là biểu tượng của vô cùng
Của hư không bất diệt.
Tha Sala, hai mươi hai năm sau, tôi thắp nén hương này, nói vào hư không bài văn tế không thành tiếng.
Tha Sala đêm 17.7.2012

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Tha Sala, em ơi biển động về hư không”

  1. thuy says:

    Nhìn quãng đời cũ, tôi mới nhận ra rằng thời gian sung sướng nhất đời mình là 7 tháng trời ở trại Bataan. Đó là những ngày tôi phải lo lắng, phải họp tổ họp tiên, phải chịu những buổi phê- tự phê kéo dài ngày này sang tháng nọ, những nghi kị, dấu kín những gì suy nghĩ trong đầu, chẳng tin tưởng một ai. Qua hải ngoại thì được tư do học hành, tư do làm việc ngày đêm để trả nợ nhà, nợ tiền học, nợ xe, trả hàng tá bills mỗi tháng.
    Thời gian ở trại Bataan cũng là nơi để tôi nhận ra rằng mình may mắn, những người đến trại kể cho chúng tôi những chuyến vượt biên hãi hùng. Những cô bạn mới 18-19 cùng học lớp Anh Văn xinh xắn trắng trẻo đã là nạn nhân của hải tặc. Chuyện của một chị khác, thoát nạn hải tặc trên biển thì gặp bọn côn đồ trong trại Thái Lan, chị ấy phải kết nghĩa với một anh đã đứng tuổi có đứa con gái để không bị bọn cảnh sát Thái tong trại phiền nhiễu. Chuyện 1 chị kể cho tôi nghe về những đứa con bị bọn hải tặc ném xuống biển , chị kể chị không buồn mấy khi đứa con 6 tháng bị ném chết bằng thằng con lên 6 , nó mếu máo khóc đòi em , cảm nhận sự bất công của thượng đế “Mẹ ơi, sao ba mình cứu em người ta mà không ai cứu em mình vậy hả mẹ?” , để rồi lần cướp biển kế tiếp, chính thằng bé lên 6 ấy bị quăng xuống nước. Tôi đã khóc khi nghe những chuyện thương tâm không dứt ấy, và để thấy rằng cuộc đời mình quá may mắn.
    Những năm tháng trên xứ người với những lo toan của cuộc sống, tôi đã hầu như quên mất những thảm trạng vượt biền, để rồi hôm nay, đọc lại bài viết này, nước mắt lại cứ rơi, rơi mãi…
    Xin linh hồn những nạn nhân đồng bào của tôi đã chết trên đường tìm tự do , được siêu thoát, tìm được sự tự do tuyệt đối , không oán thù, không tàn ác ở một thế giới khác, bình yên hơn…

  2. Hỡi những tên cs cuồng tín hung bạo không tình người, không tình đồng bào hãy thốt lên đó là xác và linh hồn của 11 con người “phản bội Tổ quốc”!!! Đó là thành quả “giải phóng miền Nam”. Ai chịu trách nhiệm, có phải là Ho chi Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm van Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Van Kiệt…trước lịch sử của Dân Tộc VN ?!

Leave a Reply to thuy