Tản mạn sau khi đọc Cõi Đá Vàng [1]
Gấp cuốn truyện dày hơn 400 trang, cỡ chữ 11, tôi ngồi im thật lâu. Bên ngoài đang mưa. Qua khung cửa trời xám xịt. Một buổi sáng xám xịt. Dư âm của cuốn truyện cũng xám xịt. Cái xám xịt bắt đầu của một cơn bão lê thê.. trong tâm hồn!
Những ai sinh vào thời thập niên 1940, dù bên nầy hay bên kia, quốc gia hay kháng chiến đọc cũng thấy chút vương vướng chính mình trong đó. Là khởi đầu của Việt Minh. Là khởi đầu của Cách Mạng. Là khởi đầu của Kháng Chiến. Là khởi đầu của thức tỉnh.
Yêu nước. Nhiệt huyết. Tin tưởng. Ảo tưởng. Rồi, tuyệt vọng. Đến, bị hủy diệt!
Bối cảnh là những trí thức trẻ yêu nước, từ bỏ thị thành, từ bỏ mộng công danh theo thói lề cũ để đi theo tiếng gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Việt Minh. Đi theo tiếng gọi.. có các danh xưng lạ lẫm “vùng tự do”, “vùng giải phóng”, “vùng bị chiếm”, “vùng tề”, “tiểu tư sản”, “tạch tạch sè”, “dinh tê”!… Các nơi thuộc chính quyền Quốc gia kiểm soát đều là “vùng bị chiếm”. Chính quyền Quốc gia là “tề”, là “Việt gian”. Ranh giới đã rõ ràng: Một bên là “Tự Do”, một bên là “Bị Chiếm”, một bên là “Kháng Chiến”, một bên là “Việt Gian”, như hai mảng màu trắng/đen tương phản. Rạch ròi, sinh/tử. Bước qua đường ranh, hoặc là yêu nước, hoặc phản động! Con người bỗng chốc trở thành mảng màu đơn giản không tư duy. Không còn là những gam màu pha trộn như những dằn vặt nội tâm. Từ ranh giới đó, đơn giản chỉ còn lại là Kháng Chiến hay Kẻ Thù. Mà kẻ thù thì phải giết. “Thề phanh thây uống máu quân thù!” [2] Giết lầm còn hơn bỏ sót! Còn Kháng Chiến? Thì phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận tất cả. Cả những cái khuất tất, phi đạo lý với phương châm lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện! Ai tự đặt câu hỏi về những hành động man rợ, những điều tai nghe, mắt thấy, phân vân, tự dằn vặt nội tâm giữa đúng/sai,.. là khởi đầu của bị nghi ngờ. Mà bị nghi ngờ là bước đầu bị cô lập. Từ bị cô lập đến bản án “phản động” là khoảng cách gần trong gang tấc! Kết quả của phản động dĩ nhiên là cái chết!
Theo Kháng Chiến là vâng phục. Vâng phục tuyệt đối. Nghĩ lại, xét lại.. đều là “đầu óc cá nhân chủ nghĩa”. Là “đầu óc tiểu tư sản” tạch tạch sè. Nhắm mắt bịt tai mới là hy sinh. Hy sinh cho đến cuối cùng! Hy sinh cho ai? Cho cái mà người ta gọi là Kháng Chiến! Nhưng Kháng Chiến là ai? Kháng chiến cho ai? Thật mơ hồ, không thể nhận diện! Những khuôn mặt lãnh đạo Kháng Chiến bao giờ cũng thật lạnh lùng. Là bóng tối mông mênh. Bóng tối trùm khuất, bao phủ. Là bóng ma, là ông kẹ chuyên lùng bắt trẻ em! Và bối cảnh là rừng rậm, miền ma thiêng chướng khí!
Những người đã tham gia kháng chiến khi có chút uy tín, được tin tưởng từ đồng đội là những người không còn lối quay lại. Con đường chỉ một chiều! Quay lại là phản bội. Quay lại là Việt gian. Quay lại là phản động!
Các nhân vật trong tập truyện, đều thoát ly đi kháng chiến vì hoài bảo. Họ thuộc thành phần trí thức trẻ, tiêu biểu, trong sáng nhưng cuối cùng đều gặp nhau tại Trung tâm Cải hối Tây Hạ, thực tế là Trại tù Khổ sai Tây Hạ!
Lương, thiên về văn học, triết lý với những mộng mị (trg. 284) có vợ 2 con. Gia đình anh có thể về thành nhưng anh chọn ở lại quê tham gia kháng chiến. Ở lại để được giao dạy lớp bình dân học vụ. Khi con bị bệnh nặng, đói, không thuốc men.., Lương sắp xếp để vợ con về Huế chữa bệnh và sẽ trở ra. Vì gốc tích Lương thuộc thành phần địa chủ, phú hào nên không bao giờ được trọng dụng, lại thêm vợ con về thành nên bị nghi ngờ. Buổi chiều Lương lang thang dọc bờ sông mà bên kia là đồn Tây, miên man suy nghĩ vì thương nhớ vợ con… Ngày hôm sau, bỗng giặc Pháp sang sông tấn công, càn quét xóm làng, anh bị nghi làm gián điệp! Cuối cùng là tù mà không thể đối chất. Với tâm lý dao động, tuyệt vọng nên Lương phải tìm cách vượt thoát. Kháng Chiến biết điều đó nên tạo điều kiện để Lương vượt ngục. Sụp bẫy, Lương bị bắn chết.
Trần, Huỳnh bạn thân của Lương chứng kiến. “Anh cúi xuống, ánh lửa bập bùng trên khuôn mặt người chết gây một cảm giác sống động. Đột nhiên anh đọc thấy trên khuôn mặt đó những chuỗi ngày bình yên thơ mộng xa xa..” “.. anh quỳ bên Lương, nắm chặt bàn tay cứng lạnh, hơi lạnh này lạ nhỉ… cái lạnh của người chết không giống một hơi lạnh nào khác..” (trg 288)
Cái chết của Lương vì chính Lương, không phải vì Kháng Chiến!
Huỳnh đánh trận bị thương nhưng Kháng Chiến bỏ rơi, lạc và trú ẩn trong một gia đình để chữa trị, lại bị nghi là đào thoát theo địch! Mặc dầu thế, với trăn trở tâm huyết của một trí thức, biết nông dân bị tắm máu trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc và kế hoạch đó có thể sẽ áp dụng tại miền Trung nên Huỳnh viết điều trần phản đối. Trần can ngăn được đôi lần nhưng cuối cùng Huỳnh cũng thực hiện ý định vì nghĩ rằng đây là điều cần phải lên tiếng để kháng chiến khỏi chệch hướng! Kết quả, dĩ nhiên vì một lý do nào đó, Huỳnh vào tù. Trại tù đặt Huỳnh vào trạng thái luôn luôn bị căng thẳng tinh thần vì biết Huỳnh có bệnh tim bẩm sinh. Cứ đêm đêm bất ngờ mở khóa vào đánh thức Huỳnh, gọi đi làm việc! Nhiều người trước đó đã bị gọi đi như vậy mà không bao giờ trở lại! Mỗi lần như thế Huỳnh bị sốc!
Trong cơn bệnh Huỳnh muốn được nắm lấy bàn tay Trần: “.. Bàn tay mày mềm và ấm lắm, tao muốn nắm lấy nó thế thôi.” (trg 297) Tình bạn trong cùng quẫn, đơn sơ chỉ có vậy, nhưng là cả một sự san sẻ, là điểm tựa tinh thần! Huỳnh nhớ đến bàn tay cứng lạnh của Lương khi chôn, khác hẳn với bàn tay mềm ấm của Trần, là một trao gửi thiết tha! Và, cuối cùng cái chết đã đến. Huỳnh chết vì cơn tim khi bị gọi đi bất ngờ! (trg. 359)
Như thế cái chết của Huỳnh là tự nhiên, “chết vì bệnh tim!”, Kháng Chiến không liên quan!
Trần, viết văn, làm thơ, làm báo tuyên truyền. Nhờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều, lại tận mắt chứng kiến việc xử tử một cô gái trẻ “lấy Tây” là “Việt gian” bị bắt vì về “vùng tự do” thăm mẹ. Người thi hành án tử hình đã dùng 3 mũi tên tẩm thuốc độc của “Mọi” để thí nghiệm mức độ công hiệu (trg 23) Hành động xử tử “Việt gian lấy Tây” đó là khởi đầu trăn trở của Trần trên bước đường kháng chiến! Mẹ Trần ở Huế, sắp xếp hôn nhân cho anh với một người con gái xứng đôi nhưng Trần cứ lần lữa! Trần bị bệnh nặng được Hiếu chăm sóc hết lòng với nhiều xúc động nên tình yêu tự nhiên đến. Hiếu, một thiếu phụ xấu xí, mắt lé và đã có 2 con với người chồng trước, theo kháng chiến tử trận. Kháng Chiến đang tận dụng tiếp hoàn cảnh của Hiếu để công tác về thành mà không hề đoái hoài đến hoàn cảnh mẹ góa con côi. Trần yêu và làm đơn xin cưới Hiếu nhưng không được chấp thuận! Trần và Hiếu bỗng là cái gai trong mắt Kháng Chiến để cuối cùng Trần bị đẩy vào tù trong lúc Hiếu đã mang thai!
Trần hỏi ông Châu, giám ngục nhà tù Tây Hạ, khi vừa bị gọi vào: “Huỳnh chết rồi bây giờ đến lượt tôi phải không anh Châu?” (trg. 364)
Mang bụng chửa đi thăm nuôi Trần, Hiếu bị “trượt cầu treo” vì trời mưa, chết trôi sông cả tuần không ai biết (trg 365) Ông Châu thông báo cho Trần là “chôn cất chị tử tế ở cánh đồng phía bắc làng Nguyệt, ngay trên gò có cây bàng đó”! “Trần biết rõ cái gò đất có cây bàng, nơi người ta chôn vùi nàng và con chàng ở đó. Nó nằm chơ vơ giữa cánh đồng rộng mênh mông bên cạnh giòng sông, gần đồn Tây làng Nguyệt”” (trg 367)
Do lệnh trên, ông Châu cho Trần đi gặp Đoàn Việt, giám đốc sở công an Liên Khu. Tại đây Trần được trả tự do. Đoàn Việt bóng gió Trần có thể “dinh tê” về thành. Được tự do nhưng Trần tìm về nhà Hiếu. Tình cờ gặp lại Quý, đệ tử của Trần trước kia, với bà già Tư, người buôn thúng bán bưng nghèo khó nhưng có tấm lòng bác ái đang chăm sóc 2 con mồ côi của Hiếu.(trg 380) Trần sắp xếp để bà Tư và hai con Hiếu về Huế sống với mẹ anh.
Dù bị đầy đọa nhưng vì lý tưởng nên Trần vẫn không “dinh tê” như Đoàn Việt đã nói.
30 Tết, Trần dự tính với vài người thân quen: “Thôi hay là anh đề nghị như thế nầy, anh em mình chung nhau mở một cái quán, chia ra làm hai gian, một bên hai cô sẽ bán bún bò Huế, còn một bên kia thì anh hớt tóc. Anh nghĩ đó là cách tốt nhất cho những người đi kháng chiến bị bỏ rơi như chúng mình. Hai cô nghĩ sao?” (trg 397)
Tối đó, Trần bơi qua sông viếng mộ Hiếu và con anh, nơi anh đã được ông giám ngục Châu ân cần chỉ điểm. Và, mìn nổ.
“Thông báo chính thức của Tỉnh bộ Thừa Thiên
Nguyễn Trần, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân Đội Nhân Dân , trước đây đã có hành động phản cách mạng, phản nhân dân, vừa được chính phủ khoan hồng phóng thích ra khỏi trại Cải hối Tây Hạ sau thời gian học tập cải huấn.
Đêm giao thừa rạng ngày mộng một Tết, tên Nguyễn Trần đã bỏ mạng trên cánh đồng làng Nguyệt vì dẫm phải mìn trong khi y đang tìm đường đi đến đồn Pháp gần đó để toan đầu hàng giặc” (trg 405)
Với Kháng Chiến thì mỗi cái chết của kẻ bị tình nghi đều do nạn nhân tự gây ra, lỗi hoàn toàn thuộc về cá nhân, như cái chết của Lương, của Huỳnh, của Hiếu… Và, quyết định trả tự do cho Trần là Kháng Chiến đã sòng phẳng, “vô tư”! Mìn nổ là tự Trần tìm đến cái chết!
Vì uy tín của Trần nên Tỉnh bộ Thừa Thiên phải ra thông báo “y đang tìm đường đến đồn Pháp gần đó để toan đầu hàng giặc” mong giải tỏa dư luận!
Ai làm Hiếu đang mang thai trượt chân xuống sông? Ai gài mìn nơi mộ mẹ con Hiếu?
Giết những người có uy tín trong hàng ngũ kháng chiến mà cộng sản giấu được bàn tay vấy máu không phải chỉ trong thời gian chiến tranh mà mãi tận cho đến bây giờ!
Ai dám bảo những cái chết của tù nhân trại giam Tây Hạ trong tập truyện chỉ là những dàn dựng tiểu thuyết (?) trong lúc Việt Nam hiện tại, năm 2012, vẫn nhan nhãn những trường hợp người dân bị công an bắt về đồn bỗng dưng ngã bệnh chết hay tự tử? Và, lại còn có người trước khi tự tử đã viết thư dài dòng khen công an đối xử tử tế, như trường hợp của anh Nguyễn Công Nhựt, chồng chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền bị chết tại đồn công an Bến Cát ngày 25/4/2011 ở Bình Dương!
Tên tập truyện Cõi Đá Vàng, theo tôi, không liên quan gì đến nội dung tác phẩm. Nếu có, “nghĩa đá vàng” thì cũng chỉ phảng phất chút tình sâu nghĩa nặng của Trần đối với Hiếu và cái bào thai con anh khi anh quyết định bơi qua sông…
Nhưng, biết đâu, hình ảnh Trần cũng là hình ảnh lãng mạn nào đó của Cố Đại Tá Phan Văn Tốn, chồng tác giả. Vào một buổi sáng, năm 1970 (?) Trung Tá Phan Văn Tốn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Đà Lạt, đi kiểm tra đồn Nghĩa Quân Kim Thạch, thuộc quyền chỉ huy của ông, bị mìn cài ở cỗng nổ do chưa kịp tháo gỡ! Vì thế trang đầu của tác phẩm tác giả ghi: “Dâng Tốn tác phẩm đầu tiên của Sâm. Cuộc đời này không dung những kẻ yêu thương nhau. Em đã tìm thấy anh trong Cõi Đá Vàng. Thanh Sâm.”
Kim Thạch là Đá Vàng!
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm hiện ởSeattle, Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Vì tuổi già dễ bị lú lẫn, trí nhớ khi có khi không, nên không thể tìm hiểu thêm. Vì thế hãy coi Cõi Đá Vàng như là một địa điểm định mệnh. Địa điểm định mệnh của một tình yêu đang độ bỗng gãy gánh nửa chừng.
Năm đó Nguyễn Thị Thanh Sâm mới 37 tuổi!
© Hồ Phú Bông
© Đàn Chim Việt
_______________________________________________________
[1] Tác phẩm Cõi Đá Vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm do An Tiêm xuất bản năm 1971 tại Sài Gòn bị chìm khuất vì chính sự hỗn mang và chiến trường sôi động. Hơn 40 năm bị lãng quên, “Hành trình của Cõi Đá Vàng” đã được Trần Thị Nguyệt Mai kể lại (trg 05) nên tác phẩm được phủi bụi thời gian. Thư Ấn Quán tái bản tháng 1 năm 2012 tại Hoa Kỳ thuộc Tủ sách Di sản Văn chương MiềnNam. Đây là một Tủ sách do Trần Hoài Thư vì yêu Di sản sách mà thực hiện. Biếu và không bán! Email: tranhoaithu@yahoo.com
[2] Lời bài quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một bài viết suy nghĩ đầy trăn trở cho số phận của tác phẩm CÕI ĐÁ VÀNG…
Mời các bác vào đọc thêm:
https://tranhoaithu.wordpress.com/2012/03/11/vi%e1%ba%bft-luc-4am-nh%e1%bb%9d-c%e1%ba%ady-vao-coi-khong-cung/#more-5545
Hoặc vào bằng link này:
https://123hoang.wordpress.com/
Đọc ở mục: SÁCH – Cõi Đá Vàng.
Bác nào chưa đọc tác phẩm CÕI ĐÁ VÀNG của Nữ Văn Sĩ Nguyễn thị Thanh Sâm, có thể vào đọc ở trang này:
http://123hoang.files.wordpress.com/2012/01/cc3b5i-272_c3a1-vc3a0ng-1.pdf
Tướng Nguyễn Bình cũng bị bọn cộng sản dàn cảnh mượn tay VNCH giết, cộng sản ngầm tung tinh là Tướng Nguyễn Bình sẽ trở ra Bắc họp trên đường Nam Lào. Và Nguyễn Bình đã chết một cách hợp lý. Thầy dạy Sử Địa của tôi đã nói cho HS chúng tôi biết năm 1973 khi đó tôi chưa biết Nguyễn Bình là ai, sau năm 1975 tôi mới biết cộng sản vẫn có tin kỷ niệm ngày mất của tướng Nguyễn Bình.
Tội ác của cộng sản cao hơn núi sau này sẽ có nhiều nhân chứng lịch sử chứng minh.
Một quyển sách hay như vậy ” Cõi đá vàng ” đã không được phổ biến rộng rãi và đem vào học đường cụ thể là Đại Học cho sinh viên thời trước 1975 đọc để hiểu…
Tôi đã đọc truyện này 2 lần. Bài điểm sách chính xác, tinh tế. Sách xuất bản năm 1971, do An Tiêm ấn hành, đương nhiên là sách hay, lại có nội dung khéo léo đưa ra tính nham hiễm, độc ác, vô tâm của những người Cộng sản, vậy mà không hiểu sao Bộ Thông Tin VNCH thời đó lại bỏ qua không khai thác quyển này.
Tuy vậy, cho dù bị im hơi lặng tiếng suốt 41 năm, Cõi Đá Vàng vẫn còn nguyên vẹn giá trị tố cáo tội ác của cái đảng Việt cộng tham tàn, bán nước hiện nay.
Cám ơn Thư Ấn Quán cho tái bản quyển sách đúng thời điểm.
Kính gửi BBT
Trong phản hồi trên, tôi có dùng một từ sai. Xin vui lòng sửa là “vô lương” thay vì “vô tâm”. Rất cám ơn.