Ngày của mẹ
Mẹ không có ngày sinh. Năm sinh cũng không. Về ngày mẹ ra đời, bà ngoại chỉ nói vỏn vẹn một câu, “cái năm đói thì mày biết ngồi“. Nên lúc muốn tăng thêm chút tuổi, mẹ bảo, sinh năm 1942. Lúc muốn trẻ hơn một ít, mẹ nói sinh năm 1944.
Mẹ chọn đại cho mình một ngày sinh. Là người chu đáo và có trí nhớ tuyệt vời, mẹ luôn nhớ sinh nhật của chồng, của các con, rồi tới của một đàn cháu. Mẹ luôn là người đầu tiên chúc mừng sinh nhật và nhắc nhở những người khác trong gia đình gửi lời chúc mừng. Nhưng sinh nhật mẹ, chồng con lại thường quên. Lý do, vì mấy bố con không ai chu đáo được như mẹ và có lẽ cũng vì, ai cũng biết đó là một ngày ‘rởm’. Có lần mẹ đã giận dỗi về chuyện này và bảo, “ai cũng có một ngày của mình, thì dù ‘rởm’ mấy bố con cũng phải chúc mừng mẹ chứ”.
Nhưng giờ đây, mẹ đã có một ngày thật sự của mình – ngày mà bố và chúng con sẽ hàng năm khóc cho mẹ. Đó là 14/8/2013, tức mùng 8 tháng 7 năm Quý Tỵ – ngày mẹ mất. Mẹ ra đi lúc 1 giờ đêm.
Từ khi mẹ ốm, các cuộc gọi mang số +84 đã trở thành nỗi khiếp sợ với đứa con xa nhà. Mỗi lần nhấc điện thoại là một lần tay chân con run rẩy. Nhưng rồi điều đau buồn ấy vẫn đến.
Mẹ đã chiến đấu rất ngoan cường với bệnh tật. Khi mổ mẹ ra, bác sĩ nói các khối u đã di căn đi khắp nơi, không thể can thiệp bằng phẫu thuật được nữa. Sự sống khi đó tưởng chỉ tính bằng ngày hay bằng tuần, nhưng mẹ đã ở lại với chúng con được thêm 7 tháng nữa. Đã có lúc, sau thời gian dài nhịn ăn, những khối u xẹp đi, căn bệnh ung thư tạm lui, mẹ đã vui cười, lạc quan trở lại và mong sớm khỏe để ra nước ngoài chơi với con cháu.
Những ngày mẹ bệnh cũng là những ngày con cái quây quần bên mẹ. Đó là dịp hiếm hoi để đứa ở Pháp, đứa ở Ba Lan cùng sum họp trong một cái Tết, cùng sống dưới một mái nhà. Đó cũng là những ngày chúng con được chứng kiến tình yêu vô bờ bến mà bố mẹ đã dành cho nhau qua gần nửa thế kỉ chung sống, chứng kiến bố đã chăm sóc mẹ tận tình chu đáo như thế nào, bố đã bế mẹ trên tay, đã bón cho mẹ từng thìa cháo. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi để chúng con cùng bố mẹ ôn lại thời thơ ấu, xem lại những cuốn album, đọc lại những bài thơ mà bố mẹ đã làm tặng nhau thời trẻ và cả những năm tháng sau này.
Mẹ là giáo viên dậy văn. Mẹ nghỉ hưu sau 30 năm dậy học. Về hưu mẹ vẫn thỉnh thoảng viết văn, làm thơ. Những bài thơ hay tản văn của mẹ với bút danh “H. Thuận” xuất hiện đâu đó trên trang mạng của nhà văn Trần Nhương hay báo giấy Người Cao Tuổi.
Con cái mỗi đứa một nơi, đứa nào cũng thừa bận rộn và thiếu quan tâm; thơ văn của mẹ, có đứa đọc, đứa không. Chỉ đến khi mẹ sắp mất, văn thơ của mẹ được bố nhặt nhặn từ các trang mạng và báo để làm thành một cuốn kỉ niệm cho con cháu, những đứa con vô tâm của mẹ mới giật mình nhận ra, trong mấy năm cuối cùng của cuộc đời, mẹ đã viết tới 500 trang A-4!
Yêu văn thơ nên mẹ thường dùng thơ và ca dao ru các con từ lúc còn nằm nôi. Giữa khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống, ở cái thời chạy từng lon gạo, phân phối từng cây bút, từng tập giấy; mẹ vẫn viết nhật ký cho các con từ ngày chúng chào đời cho tới lúc chúng trưởng thành. Những cuốn nhật ký vàng theo thời gian vẫn nằm trên giá sách, trong phòng ngủ của bố mẹ và theo bố mẹ qua bao lần chuyển nhà. Mẹ muốn thơ ca vận vào các con, muốn có đứa nào đó trong số 3 cô con gái theo nghiệp chữ nghĩa.
Nhưng mẹ ơi, chính mấy cái chữ nghĩa nghiệt ngã ấy khiến con của mẹ giờ đây đang phải khóc cho mẹ từ xa. Chữ nghĩa khiến con gặp bao rắc rối với đời, khiến con phải vất vả ‘ăn đong’ từng chiếc visa để về thăm mẹ khi mẹ bệnh liệt giường.
Nhưng con biết, mẹ là người thông cảm cho con. Mẹ là người tha thứ cho con.
Con biết, vì khi đọc những gì mẹ viết, con hiểu mẹ cũng phản ứng trước những bất công của xã hội, cũng trăn trở khi những người nông dân bị mất đất, cũng xót xa cho những cầm bút phải vào tù. Con biết, vì khi ở bên chăm sóc mẹ, giữa những tiếng rên của bệnh tật, mẹ vẫn thương xót cho cô bé Phương Uyên khi nghe về bản án khắc nghiệt của cô ấy.
Và con còn biết, mẹ đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc cùng các nhân sĩ trí thức và những bạn trẻ yêu nước. Mẹ né tránh ống kính, mẹ không cho chụp hình vì không muốn làm khó thêm cho cô con gái vốn đã lắm chuyện của mình.
Trong gia đình, mẹ là người có quan điểm gần với con hơn cả. Mẹ phản đối con chuyện này chuyện kia vì không muốn cuộc đời con gái mẹ gặp thêm rắc rối, nhưng trong lòng có nhiều điều mẹ đồng ý với con.
Và mẹ tha thứ con, phải không mẹ yêu.
——————————————————-
Tin buồn: Vĩnh biệt nhà giáo Đoàn Thị Hồng Thuận trên Blog Nguyễn Xuân Diện và trang web Trần Nhương
NGƯỜI ĐI
Người đi không trẻ không già
70 năm ấy có là bao nhiêu
Nước non như buổi chợ chiều
Núi sông lãng đãng đìu hiu tháng ngày
Thôi thì còn lại chút này
Để đàn chim Việt mỗi ngày bay đi
Bắc Nam cũng hội vào đây
Trong ngoài cụng lại những ngày xa xăm …
NGÀN KHƠI
(21/8/13)
Xin thành-thật chia buồn cùng chị MVH .
Và xin chia xẻ nỗi đau lòng cùng cảnh ngộ.
Cầu-nguyện Bà yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
NMTrinh
Thành kính phân ưu cùng chị Mạc Việt Hồng và gia đình. Cầu nguyện cho linh hồn bác sớm siêu thoát. N.T.
Hồng mến,
Anh rất tiếc không tìm gặp bác những khi về Hà Nội. Có ngờ đâu bác là một nhà giáo, nhà văn nhưng lại ra đi sớm quá khi văn chương còn tích đọng trong tâm trí của bà! Em nhớ viết lại những dòng nhật ký của mẹ để cho mọi người, cho đời được biết về những giai đoạn lịch sử của Hà Nội, Bắc Việt, Hồng nhé!
Anh cũng còn một bà mẹ Hà Nội đang sống trong viện dưỡng lão ở quận Cam, trí nhớ tuyệt vời nhưng không ghi chép lại gì chỉ kể lại cho mấy người con không đủ hiếu thảo như anh mong sẽ có 1 ngày được thấy ánh sáng mặt trời. Nghĩ đến mẹ em một người năng động viết và mẹ anh mà lòng se thắt. Cầu xin vong linh bác phù hộ cho những người cầm bút vì lý tưởng như em!
“Anh rất tiếc không tìm gặp bác những khi về Hà Nội.”
Vì lần nào anh (TAnh của em) cũng bận rộn giặt giũ cho Công Tằng Thị Ninh!
Thành thật chia buồn cùng Mạc Việt Hồng. Cầu chúc hưong linh bác đưọc yên nghĩ noi vĩnh hằng và phù hộ cho Hồng tiếp tục … “Viết viét nữa bàn tay không phút nghĩ”
NXP
Xin chia buồn đến chị Hồng và gia đình về sự ra đi của Mẹ và mong hương hồn của Cụ linh thiêng phù hộ cho con cháu cũng như dân Việt được hoàn toàn tự do, độc lập.
” Con biết có một linh hồn trong xác;
Khi xác con tàn, hồn sẽ phiêu diêu.
Không hóa kiếp! Hảy là mây tản mác
Cùng đời đời vương vấn nỗi niềm yêu.”
Thành kính phân ưu. ( YY)
Bác Thuận ơi, bác đã nhắc đến em Uyên lúc bác bệnh bác đã sót xa cho em ấy. Hôm nay em ấy được trả tụ do rồi đấy bác ạ. chắc do linh hồn bác phù hộ. chúc bác yên nghỉ ngìn năm cám ơn bác nhiều.
Mẹ đã chiến đấu rất ngoan cường với bệnh tật. Còn chúng con phải chiến đấu vất vả với bạo quyền để mong sớm có Dân chủ tự do và tránh cho đất nước khỏi bị tái bắc thuộc lần nữa!
Mẹ đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng chúng con vì chế độ này mà không được gần gũi và tiễn đưa mẹ đến nơi an nghỉ ngàn thu.
Xin chia buồn với chị Mạc Việt Hồng và gia đình về sự ra đi của MẸ. Sống khôn thác thiêng, mong MẸ phù trợ cho nhân dân VN sớm thoát ách bạo tàn!
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Kính gửi chị Mạc Việt Hồng,
Tôi đã linh tính chị Hồng bận rộn khi tự nhiên Trang DanChimViet bị đình trễ một ngày, nay mới biết chị vừa để tang thân mẫu yêu quý.
Tôi thành thật chia buồn với chị Hồng và kính chúc hương hồn bà cụ được phiêu diêu nơi miền Cực Lạc.
Lê Quốc Trinh, Canada
Cũng ráng đẫy niềm đau ra nổi nhớ
Mà lệ lòng níu lại chẳng cho đi…
Hơi ấm Mẹ có cách gì gói lại?
Gởi qua đây sưỡi ấm đứa con này..
Vòng cơm áo , trắng tay vì chữ nghĩa
Nợ nước nhà , mõi cánh kẻ “ăn đong ”
Ôi sanh tử cố tình hay sơ Ý?
Để Mẹ Hiền ru mãi kiếp long đong !
Xọt tới xọt lui bấy lâu Đàn Chim Việt mà không chào chị Hồng lấy một tiếng…thiệt là Bất Kính !
Nay chị có đại tang mà không biết giúp được gì cho chị hay không thì lại càng vô dụng !
Diễn đàng mở ra… bao sự thật phơi bầy…VÔ CÙNG QUÝ , DÂN CHỦ TỰ DO…KHIẾN kiếp “ăn đong ” vốn nhọc nhằn lại càng thêm nhọc nhằn…
Người tốt thời nay ngày càng ít đi
Người tốt mà lại còn có khả năng hữu dụng giúp người chống Bất Công thời nay như chị thì lại càng hiếm
HY vọng có hữu duyên để san sẽ chung… gánh
Vạn Kính !
VIỆT NAM MẤT ĐI MỘT NHÀ GIÁO GƯƠNG MẨU!
GIA ĐÌNH MẤT ĐI MỘT NGƯỜI MẸ NHÂN TỪ!
THÀNH THẬT CHIA BUỒN CÙNG QUÝ GIA !