Chính quyền Ai Cập đề nghị nhượng bộ thêm phe đối lập
Tác giả: Sarah El Deeb và Maggie Michael, Associated Press ngày mùng 6-2-2011. Nguyễn Tường Tâm dịch.
CAIRO –Phó tổng thống Ai Cập đã gặp gỡ với một thành phần đại diện rộng rãi những nhóm đối lập chủ chốt lần đầu tiên vào ngày Chủ Nhật và đề nghị các nhượng bộ mới gồm tự do báo chí, phóng thích các người bị bắt kể từ khi các cuộc chống đối chính phủ bắt đầu cách nay hai tuần lễ và cuối cùng là hủy bỏ luật ban bố tình trạng khẩn cấp bị dân chúng căm ghét.
Hai nhóm tham dự cuộc gặp nói rằng đây mới chỉ là bước đầu tiên trong một cuộc thảo luận chưa đạt được thỏa thuận về đòi hỏi chính yếu là sự ra đi tức khắc của tổng thống lâu năm Hosni Mubarak.
“Nhân dân vẫn muốn tổng thống từ chức,” ông Mostafa al-Naggar, một người tổ chức các cuộc chống đối và ủng hộ viên của một trong những người ủng hộ dân chủ hàng đầu và cũng là Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Mohamed ElBaradei đã nói như vậy.
“Cuộc chống đối vẫn tiếp tục vì không có bảo đảm và không phải tất cả các đòi hỏi đều được thỏa mãn,” Ông nói tiếp. “Chúng tôi đã không ký vào bản tuyên bố đó. Đây chỉ là một khởi đầu cho cuộc đàm thoại. Chúng tôi chấp thuận những sự kiện tích cực trong bản tuyên bố nhưng…chúng tôi vẫn còn đòi tổng thống phải từ chức.”
Tổ chức bị loại ra ngoài vòng luật pháp Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood), tổ chức đối lập lớn nhất nước, đã ra một thông báo tương tự sau khi đại diện của họ tham dự cuộc họp.
Cơ quan thông tấn nhà nước tường thuật, Phó tổng thống Omar Suleiman đề nghị thành lập một ủy ban gồm các nhân vật chính trị và tư pháp để nghiên cứu các cải cách hiến pháp được đề nghị nhằm cho phép thêm ứng cử viên tranh cử tổng thống và áp dụng giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Ủy ban được cho phép tới tuần lễ đầu tiên của tháng Ba để hoàn tất nhiệm vụ.
Đề nghị này cũng bao gồm cam kết không sách nhiễu những người tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ, đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người trong cuộc tập trung đông đảo nhất. Chính phủ đồng ý không cản trở tự do báo chí và không can thiệp vào việc xử dụng internet và gửi tin qua điện thoại di động.
Sự thỏa thuận này không đề cập tới kế hoạch để tổng thống Mubarak từ chức trước khi cuộc bầu cử sắp tới được tổ chức.
Có chỉ dấu cho thấy sự tê liệt xiết chặt đất nước kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu đã giảm bớt vào ngày Chủ Nhật. Một vài trường học đã mở cửa lại lần đầu tiên trong hơn một tuần lễ, và các ngân hàng cũng tái mở cửa chỉ ba tiếng đồng hồ với hàng dài người đứng chờ bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn giới nghiêm ban đêm, và xe tăng bao quanh quảng trường trung tâm và bảo vệ các tòa nhà chính phủ, các tòa đại sứ và các cơ quan quan trọng khác.
Tại trung tâm của cuộc biểu tình chống đối, quảng trường Tahrir tại trung tâm thủ đô Cairo, một số người hoạt động tích cực nói rằng họ đã ngủ dưới các chiến xa quân sự đang bao vây quảng trường vì sợ rằng quân đội sẽ trục xuất họ hay sẽ xiết chặt khu vực biểu tình. Đám đông hàng ngàn người vào buổi sáng đã bành trướng mau chóng trong ngày thành hàng chục ngàn người vào buổi chiều. Nhiều người kiệt sức và bị thương vì chiến đấu để ở tại chỗ trong quảng trường trong hơn một tuần lễ.
“Chúng tôi quyết tâm áp lực cho tới khi đòi hỏi số một của chúng tôi được đáp ứng,” Ông Khaled Abdul-Hameed, một đại diện của người chống đối đã nói như vậy.
Ông cho hay những người hoạt động tích cực đã thành lập một ủy ban 10 người có tên “Liên đoàn Thanh Niên Cách mạng Ai Cập” (Coalition of the Youths of Egypt’s Revolution) để chuyển quan điểm của họ tới các chính trị gia và các nhân vật của công chúng (public figures) đang thương thảo với chính quyền.
“Chính quyền đang rút lui. Họ nhượng bộ thêm mỗi ngày.” Ông Abdul-Hameed nói như vậy.
Tổng thống Mubarak nhất mực cho rằng ông ta không thể từ chức bây giờ vì sẽ tạo thêm rối loạn. Ngày thứ Bẩy Hoa Kỳ đã chuyển dấu hiệu và ủng hộ việc chuyển quyền từ từ, lưu ý về những nguy hiểm nếu tổng thống Mubarak ra đi nhanh chóng.
Các nhóm chống đối có đại diện tại cuộc họp gồm có các thanh niên ủng hộ Khôi Nguyên Nobel ElBaradei, một trong các lực lượng chính tổ chức các chống đối. Nhưng ông ElBaradei không được mời và anh ông cho hay bản tuyên bố trên của những người tham dự cuộc họp không đại diện quan điểm riêng của ông.
Đài truyền hình nhà nước cho thấy Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và một số các nhóm khuynh tả và phóng khoáng (liberal groups) nhỏ hơn cũng tham dự cuộc họp.
Tại thủ đô Cairo đông 18 triệu dân, có một số dấu hiệu trở lại bình thường. Giao thông đã trở lại gần mức bình thường và thêm nhiều cửa hàng tái mở cửa trên khắp thành phố, trong đó có một số trên những con dường đưa tới quảng trường Tahrir. Các người chống đối đã chào một số chủ tiệm và người dân đã đi làm trở lại với các bó hoa.
© Đàn Chim Việt