WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Doanh nghiệp nhà nước và vấn đề đặt ra

II. Vài sự thực

1. Vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định

a) Vốn đầu tư

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Từ năm 2000 đến năm 2003, tỷ trọng này luôn chiếm trên 50%, cụ thể, năm 2000, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 59,14%; năm 2001 chiếm 59,81%; năm 2002 chiếm 57,33% và năm 2003 chiếm 52,9%, và có giảm trong những năm tiếp theo (năm 2004: 48,06%; năm 2005: 47,11% và năm 2006: 46,4%) nhưng vẫn chiếm một phần lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Số vốn đầu tư thực tế đã thực hiện diễn biến như sau:

Hình 1. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phân theo thành phần kinh tế

Đơn vị: Tỷ đồng

Nguồn: Trung tâm Thông tin và dự báo, MPI.8

Tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng,  trong đó vốn khu vực Nhà nước 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn; vốn khu vực ngoài Nhà nước 187,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 17,1%.[7]

Có thể nói, số vốn đầu tư huy động hàng năm chiếm tỷ trọng cao trong GDP nhưng chủ yếu của khu vực kinh tế nhà nước.[8]

b) Vốn kinh doanh

Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tổng số vốn kinh doanh (theo giá ghi sổ) của doanh nghiệp ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua; và tổng số vốn năm 2006 là 3062,7 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2000. Về thành phần kinh tế, thì trong cùng thời gian, số vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tăng gần 2,4 lần (từ khoảng 670 ngàn tỷ đồng lên 1601 ngàn tỷ đồng); số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng khoảng 8,7 lần, từ 98,4 ngàn tỷ lên 857 ngàn tỷ VNĐ. Số vốn của doanh nghiệp FDI tăng lên khoảng 2,6 lần, từ 229,8 lên 604,6 ngàn tỷ VNĐ. Như vậy, đến năm 2006, tuy số lượng DNNN giảm mạnh, số vốn của DNNN vẫn lớn gần gần 2 lần số vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước.  Cơ cấu vốn của doanh nghiệp theo thành phần kinh tế cũng đã thay đổi đáng kể. Tỷ trọng vốn kinh doanh của DNNN đã giảm xuống từ khoảng 67% vào năm 2000 xuống còn khoảng 53% năm 2006; tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tăng lên tương ứng từ khoảng 10 và 23% vào năm 2000 lên 28 và 19,7% năm 2006. Như vậy, DNNN vẫn tiếp tục năm giữa hơn ½ tổng số vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Hình 2. Nguồn: báo cáo CIEM

c) Tài sản cố định

Về giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp, thì tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp đã tăng lên 3,51 lần trong thời kỳ 2000-2006, trong đó DNNN tăng hơn 3,53 lần, doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng hơn 8,8 lần và doanh nghiệp FDI tăng gần 2,3 lần. Tuy vậy, giá trị tăng thêm về tài sản cố định của DNNN trong thời kỳ nói trên vẫn chiếm hơn hơn một nửa số giá trị tăng thêm về tài sản cố định của các doanh nghiệp và cao gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước như có thể thấy ở bảng dưới đây:

Bảng 1 Tài sản cố định và đầu tư  tài chính dài hạn tại 31-12 hàng năm (Tỷ đồng)

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 411713 476515 552326 645505 744573 952437 1429782 1882000
DNNN 229856 263153 309084 332077 359988 486561 794194 900600
DN ngoài N.N 33916 51049 72663 102945 147222 196200 298296 591200
DN FDI 147941 162313 170579 210483 237363 269676 337292 390200
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 55.83 55.23 55.96 51.44 48.35 51.09 55.55 47.90
DN ngoài N.N 8.24 10.71 13.16 15.95 19.77 20.60 20.86 31.40
DN FDI 35.93 34.06 30.88 32.61 31.88 28.31 23.59 20.70

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008

Bảng 2. Doanh thu thuần (tỷ đồng)

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Tổng số 809786 897856 1194902 1436151 1720339 2157785 2684341 3459800
DNNN 444673 460029 611167 666022 708898 838380 961461 1089100
DN ngoài N.N 203156 260565 362657 482181 637371 851002 1126356 1635300
DN FDI 161957 177262 221078 287948 374070 468403 596524 735500
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 54.91 51.24 51.15 46.38 41.21 38.85 35.82 31.500
DN ngoài N.N 25.09 29.02 30.35 33.57 37.05 39.44 41.96 47.30
DN FDI 20.00 19.74 18.50 20.05 21.74 21.71 22.22 21.20

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008

Về cơ cấu giá trị tài sản cố định, trong thòi kỳ 2000-2006, tỷ trọng của DNNN giảm nhẹ sau đó lại tăng lên nhưng hầu như không thay đổi; trong khi đó, tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng mạnh từ 8,3% năm 2000 lên 20,7% năm 2006; và tỷ trọng của doanh nghiệp FDI giảm tương ứng từ 35,9% xuống còn 23,3% trong cùng thời kỳ.

Hình 3. Nguồn: báo cáo CIEM

Với lượng vốn đầu tư, vốn kinh doanh và tài sản cố định rất lớn của khu vực kinh tế nhà nước như nêu trên, tiếp sau chúng ta sẽ xem xét nó đã đạt những thành tích và kết quả như thế nào.

2. Đóng góp cho GDP

Bảng sau cho thấy đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP.

Bảng 2: Tỷ lệ đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế (%)

Năm: 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
Khu vực N.N 38,52 38,40 38,38 39,08 39,10 38,40 37,39 35,93 34,35
Khu v.ngoài N.N 48,20 47,84 47,86 46,45 45,77 45,61 45,63 46,11 46,97
Khu vực FDI 13,28 13,76 13,76 14,47 15,13 15,99 16,98 17,96 18,68

Nguồn: CSO

Có thể thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước không tương xứng với nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài sản cố định) mà nó sử dụng. Chúng sử dụng nhiều nguồn lực song tạo ra ít giá trị. Khu vực tư nhân nói chung (trong nước và FDI) tạo ra gần 2/3 của GDP.

Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo Tổng cục Thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP như sau:

Bảng 2.b. Ước lượng đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước vào GDP

Năm 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
% GDP 30,95 30,32 30,35 30,31 30,42 30,74 31,29 31,33 29,46 28,15 27,17

Theo số liệu trên, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27% cho GDP năm 2008, và phần của các tập đoàn không thể vượt quá con số này. Thế mà có vị phó thủ tướng vẫn khẳng định: “Chính phủ cho rằng các tập đoàn và Tổng công ty, lực lượng chiếm trên 40% GDP của cả nước luôn đóng vai trò quyết định”. Đấy là một sự lừa dối.

3. Công ăn việc làm

Thành tích tạo công ăn việc làm là một chỉ số quan trọng. Theo báo cáo đã nhắc tới của CIEM, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp năm 2006 là 6722,2 nghìn người, tăng 3184,7 nghìn người so với năm 2000. Trong đó, số lao động làm việc trong DNNN đã giảm mất 181,5 ngàn người; trong doanh nghiệp tư nhân tăng thêm 2329 ngàn người và trong các doanh nghiệp FDI tăng thêm 1037,7 ngàn người. Như vậy, DNNN trong 7 năm qua không tạo thêm công ăn việc làm mới cho người lao động; mà ngược lại, đã mất đi hơn 181 nghìn chỗ làm việc. Tình hình công ăn việc làm có thể thấy ở bảng sau:

Bảng 3: Lao động của các doanh nghiệp

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Người
Tổng số 3536998 3933226 4657803 5175092 5770671 6237396 6715166 7382200
DNNN 2088531 2114324 2259858 2264942 2250372 2037660 1899937 1763100
DN ngoài N.N 1040902 1329615 1706857 2049891 2475448 2979120 3369855 3933200
DN FDI 407565 489287 691088 860259 1044851 1220616 1445374 1685900
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 59.05 53.76 48.52 43.77 39.00 32.67 28.29 23.90
DN ngoài N.N 29.42 33.80 36.65 39.61 42.90 47.76 50.18 53.30
DN FDI 11.53 12.44 14.84 16.62 18.11 19.57 21.52 22.80

Nguồn: GSO, Điều tra doanh nghiệp & Niên giám Thống kê 2008

Như vậy, số lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng hơn 3 lần trong những năm 2000-2006, từ hơn 1 triệu lên hơn 3 triệu người. Tương tự, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 407 ngàn người năm 2000 đã tăng lên hơn 1,4 triệu người năm 2006. Số lao động làm việc trong các DNNN chỉ còn chiếm 28% tổng số lao động trong doanh nghiệp; giảm hơn một nửa (59,1%) so với năm 2000. Trong khi đó, tỷ trọng lao động của doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI đã tăng lên tương ứng từ 29,4 và 11,5% năm 2000 lên 50,1 và 21,5% vào năm 2006.

Hình 4. Nguồn: báo cáo CIEM

Về số vốn trung bình cho một chỗ làm việc (Hình 5), thì số vốn bình quân cần thiết đối với một chỗ làm việc tại doanh nghiệp liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2006, mỗi chỗ làm việc tại doanh nghiệp cần một khoản đầu tư trung bình là 0,46 tỷ; trong đó tại DNNN là 0,84 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 0,25 tỷ và doanh nghiệp FDI là 0,42 tỷ. Như vậy, số vốn trung bình cần thiết tại DNNN cao gấp 2 lần so với doanh nghiệp FDI và cao hơn 3 lần so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Năm 2006, cứ trung bình 1,3 tỷ vốn đầu tư mới thì tạo được một chỗ làm việc mới; trong đó, khu vực tư nhân trong nước là 0,64 tỷ và doanh nghiệp FDI là 0,51 tỷ. Điều đáng nói thêm là số vốn mới đầu tư cần thiết để tạo ra một chỗ làm việc tại doanh nghiệp tư nhân trong nước vào năm 2003 mới là 0,15 tỷ, và tại doanh nghiệp FDI là 0,40 tỷ. Như đã nói trên, từ năm 2005 lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước đã giảm; và số vốn 472 nghìn tỷ tăng thêm của DNNN trong hai năm 2005-2006 đã không tạo thêm tạo thêm việc làm mới cho người lao động.[9]

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Vốn trung bình tại 31-12 hàng năm (Tỷ đồng)
Tổng số 998423 1186014 1352076 1567179 1966512 2430727 3035416 4157900
DNNN 670234 781705 858560 932942 1128831 1333935 1575959 1956900
DN ngoài N.N 98348 142202 202396 289625 422892 607271 854848 1442300
DN FDI 229841 262107 291120 344611 414789 489521 604609 758700
Cơ cấu (%)
Tổng số 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00 100.00
DNNN 67.13 65.91 63.50 59.53 57.40 54.88 51.92 47.10
DN ngoài N.N 9.86 11.99 14.97 18.48 21.50 24.98 28.16 34.70
DN FDI 23.02 22.10 21.53 21.99 21.09 20.14 19.92 18.20

Nguồn: GSO- Điều tra doanh nghiệp

Nguồn: báo cáo của CIEM

Có thể thấy thành tích về tạo công ăn việc làm của các doanh nghiệp nhà nước rất tồi và hoàn toàn không tương xứng với những nguồn lực to lớn mà chúng sử dụng. Nếu so với tổng số lao động của cả nước, 43,35 triệu lao động, thì số lao động trong các DNNN chỉ chiếm dưới 4,4% trong năm 2006. Tuyệt đại bộ phận người lao động (trên 95,6%) gồm nông dân, những người lao động tự do và những người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân và FDI sử dụng khoảng ½ tổng đầu tư của xã hội còn chưa đến 4,4% lao động trong khu vực kinh tế nhà nước lại sử dụng gần ½ tổng đầu tư xã hội!

4. Công nghiệp

Bảng sau cho chúng ta thấy thành tích của các thành phần kinh tế trong giá trị sản xuất công nghiệp:

Bảng 4: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế (%)

Năm: 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Khu vực N.N 34,2 31,4 31,4 29,3 27,4 25,1 22,4 20,0
Khu vực ngoài N.N 24,5 27,0 27,0 27,6 28,9 31,2 33,4 35,4
Khu vực FDI 41,3 41,6 41,6 43,1 43,7 43,7 44,2 44,6

Nguồn: CSO, Niên giám thống kê 2008

Tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong công nghiệp giảm là dấu hiệu lành mạnh, nhưng các con số giá trị sản xuất công nghiệp do kinh tế nhà nước tạo ra so với mức nguồn lực mà nó sử dụng là rất không tương xứng, thành tích rất kém.

5. Nông lâm ngư nghiệp

Chúng tôi không kiếm được số liệu thống kê phân theo thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Song có lẽ có thể khẳng định rằng trong khu vực này vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và FDI là không đáng kể.

6. Thương mại nội địa

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2007 ước đạt 726,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2006, trong đó kinh tế cá thể chiếm 56,2% và tăng 25,9%; kinh tế tư nhân chiếm 28,8% và tăng 30,3%; khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 10,9%, giảm 1,3% so với năm 2006.[10]

Bảng 5: Cơ cấu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phân theo thành phần kinh tế (%)

Năm: 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
Khu vực N.N 17,8 16,7 16,2 15,7 15,0 12,9 12,7 10,7 9,8
Khu vực ngoài N.N 80,6 81,7 79,9 80,2 81,2 83,3 83,6 85,6 86,8
Khu vực FDI 1,6 1,6 3,9 4,1 3,8 3,8 3,7 3,7 3,4

Nguồn: CSO, Niên giám thống kê 2008

Có thể nói vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong thương mại nội địa không lớn và theo xu hướng tái cơ cấu rất đáng khích lệ này vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong thương mại nội địa sẽ trở nên không đáng kể trong tương lai.

7. Xuất nhập khẩu

Không có số liệu thống kê chi tiết về xuất nhập khẩu phân theo khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực tư nhân ngoài nước (FDI), chúng tôi chỉ có thể lấy những số liệu của Tổng cục thống kê về xuất nhập khẩu, phân ra khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế FDI, như có thể thấy ở bảng 6 dưới đây. Một điều hết sức đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước liên tục nhập siêu với mức độ ngày càng tăng suốt 13 năm, từ 1995 đến nay (nửa đầu 2008), trong khi khu vực kinh tế FDI liên tục xuất siêu cũng với nhịp độ ngày càng tăng. Đây là một hiện tượng rất bất bình thường và hoàn toàn không phải “bình thường” như các nhà chức trách đã lý giải suốt cả chục năm nay rằng “chúng ta nhập siêu máy móc, nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong tương lai” và họ mới chỉ chấp nhận coi sự mất cân đối này là nguy hiểm vài ba tháng nay. Có thể thấy cách lý giải ấy của các nhà chức trách liên quan là hoàn toàn vô căn cứ và mang tính ngụy biện. Cái nằm đằng sau sự bất cân đối cán cân thương mại nghiêm trọng này là chính sách “thay thế hàng nhập khẩu” vẫn được duy trì từ lâu, và khu vực kinh tế nhà nước là khu vực đi đầu trong việc gây ra mất cân đối nghiêm trọng này.

Bảng 6: Xuất nhập khẩu phân theo thành phần kinh tế (triệu USD)

NK = Nhập khẩu; XK = Xuất khẩu; D = Khu vực kinh tế trong nước; FDI
Năm NK(D) XK(D) X-N(D) NK(FDI) XK(FDI) X-N(FDI)
1995 6687,3 3975,8 -2711,5 1468,1 1473,1 5,0
1996 9100,9 5100,9 -4000,0 2042,7 2155,0 112,3
1997 8396,1 5972,0 -2424,1 3196,2 3213,0 16,8
1998 8831,6 6145,3 -2686,3 2668,0 3215,0 547,0
1999 8359,9 6859,4 -1500,5 3382,2 4682,0 1299,8
2000 11284,5 7672,4 -3612,1 4352,0 6810,3 2458,3
2001 11233,0 8230,9 -3002,1 4985,0 6798,3 1813,3
2002 13042,0 8834,3 -4207,7 6703,6 7871,8 1168,2
2003 16440,8 9988,1 -6452,7 8815,0 10161,2 1346,2
2004 20882,2 11997,3 -8884,9 11086,6 14487,7 3401,1
2005 23121,0 13893,4 -9227,6 13640,1 18553,7 4913,6
2006 28401,7 16812,3 -11589,4 16489,4 23013,9 6524,5
2007 40900,0 20600,0 -20300,0 21700,0 27900,0 6200,0
2008* 52113,8 27785,1 -24328,7 28600,0 34900,0 6300,0

Nguồn: CSO;

* xuất FDI (kể cả dầu thô)

Rất tiếc chúng tôi không có số liệu để tách các số liệu xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước thành của khu vực kinh tế nhà nước và của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chúng tôi phỏng đoán rằng khu vực tư nhân trong nước không phải là thủ phạm chính trong gây ra sự mất cân đối này và thủ phạm chính là khu vực kinh tế nhà nước. Để tạo cơ sở chứng cớ cho phỏng đoán này cần nghiên cứu chi tiết hơn. Nhưng có thể cảm nhận thấy cơ sở của phỏng đoán này khi xem xét cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.

Bảng 7: Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) (%)

2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006
XK: Hàng CN nặng và khoáng sản 37,2 34,9 31,8 32,2 36,4 36,0 35,2
XK: Hàng CN nhẹ và tiểu thủ CN 33,9 35,7 40,6 42,7 41,0 41,0 40,7
XK: Hàng nông sản 17,7 16,1 14,3 13,3 12,8 13,8 15,7
XK: Hàng Thủy sản 10,1 12,1 12,1 10,8 9,1 8,4 8,4
XK: Hàng lâm sản 1,1 1,2 1,2 1,0 0,7 0,8 -
NK:Máy móc, thiết bị, d. cụ, p.tùng 30,6 30,5 29,8 31,6 28,8 25,3 24,0
NK: Nguyên nhiên vật liệu 63,2 61,6 62,3 60,6 64,5 66,6 69,3
NK: hàng tiêu dùng 6,2 7,9 7,9 7,8 6,7 8,1 6,7

Nguồn: CSO

Có thể thấy gì qua bảng cơ cấu xuất nhập khẩu này? Rõ ràng hàng công nghiệp nhẹ chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân và FDI xuất khẩu, hàng tiểu thủ công nghiệp do khu vực tư nhân trong nước làm ra. Các mặt hàng nông sản, thủy sản và lâm sản chủ yếu do khu vực tư nhân trong nước xuất khẩu. Các khoản này chiếm khoảng 2/3 xuất khẩu. Nói cách khác phần xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước là đáng kể.

Về nhập khẩu: chủ yếu là tư liệu sản xuất (luôn hơn 92%) trong đó nhiên liệu chỉ do các doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu, nguyên vật liệu và máy móc cả 3 khu vực đều nhập (song FDI luôn xuất siêu, nên không ảnh hưởng gì) và rất có thể khu vực tư nhân trong nước nếu không xuất siêu thì tỷ lệ nhập siêu cũng không thể lớn. Nói cách khác phỏng đoán của chúng tôi rằng khu vực kinh tế nhà nước là tác nhân gây nhập siêu chính có vẻ có cơ sở [dầu, than, một phần hàng CN nhẹ là do các doanh nghiệp nhà nước xuất; trừ các thứ này hầu như mọi thứ nhập khẩu của các tập đoàn đều phục vụ cho sản xuất các hàng hóa thay thế nhập khẩu; tỷ lệ nhập hàng tiêu dùng chỉ ở mức 6-8% minh chứng cho chính sách thay thế hàng nhập khẩu vẫn rất thịnh hành bất chấp ý định “không muốn thế” của nhà nước]. Theo ước lượng của một số chuyên gia đóng góp thực của các doanh nghiệp nhà nước trong xuất khẩu (xuất dầu thô được coi là của khu vực FDI) chỉ cỡ 15-20%, nói cách khác chúng là tác nhân lớn nhất gây ra nhập siêu.

8. Nộp ngân sách nhà nước

Các doanh nghiệp nhà nước được cho là có đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước. Vào các trang thông tin của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không tập đoàn nào công bố báo cáo tài chính hàng năm. Vì thế phải lấy vài số liệu trên báo chí (hay trên trang mạng của họ) về thành tích “nộp ngân sách” của họ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nêu thành tích “nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 45 tỷ USD, chiếm trung bình 28-30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước”. VNPT phấn đấu trong năm 2010 đạt lợi nhuận 13.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhả nước hơn 8.900 tỷ đồng. Tổng công ty Khoáng sản (thuộc tập đoàn TKV) năm 2009 đạt lợi nhuận 150 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 270 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách của các mỏ của TKV khoảng 5.000 tỷ đồng năm 2009 (báo chí đưa tin số lãng phí ở TKV cũng tương tự!). Tập đoàn Viettel nộp ngân sách gần 7.000 tỷ đồng. Năm 2010,Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (HABECO) đặt mục tiêu nộp ngân sách 2.517,8 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 739,7 tỷ đồng (tức là HABECO nộp nỗ lực ngân sách thực khoảng 185 tỷ đồng chiếm 7,34 % tổng nộp ngân sách, còn 92,66% là tiền thuế của người uống bia rượu nộp cho nhà nước và công ty chỉ thu hộ nhà nước mà thôi).

Theo báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ  ngày 10-3, tại Hà Nội với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, năm 2009, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã đạt được các chỉ tiêu quan trọng như: tổng vốn nhà nước đạt 492.579 tỷ đồng; tổng doanh thu 1.164.469 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách 175.406 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế là 80.799 tỷ đồng. Chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mới có thể là chỉ báo về thành tích thực của doanh nghiệp trong số “nộp ngân sách nhà nước”. Nói cách khác các Tập đoàn và tổng công ty đóng góp thực cho ngân sách nhà nước nhiều nhất chỉ là 25% của lợi nhuận, tức là khoảng 20.000 tỷ đồng. Khoảng 155,5 ngàn tỷ đồng (tức 88,65% tổng nộp ngân sách) là các khoản mà thuế khác do những người khác đóng, nhiều nhất chúng chỉ có “công” thu hộ.

Cho nên các con số về “thành tích” nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước (cũng như của khu vực tư nhân trong và ngoài nước) phải được đánh giá một cách cẩn trọng, nếu chỉ lấy tổng số có thể dẫn đến sự nhận vơ thành tích.

Bảng 8: Đóng góp vào thu ngân sách của các thành phần doanh nghiệp(%)

Năm: 2000 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
DN-N.N 21,7 20,24 18,88 16,85 17,12 16,58 15,94 16,43
DN-TN 6,39 6,27 6,8 6,95 7,42 7,9 9,87 10,44
DN-FDI 5,22 5,87 6,53 7,91 8,36 9,25 9,94 10,52

Nguồn: CSO

Có thể thấy từ bảng trên rằng những lời ca tụng kiểu “nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước lên đến 40% tổng thu ngân sách thu ngân sách” là sự nhận vơ hoàn toàn phi lý và trơ trẽn. Từ 2000 đến 2008 thu ngân sách từ các doanh nghiệp nhà nước giảm từ 21,7% xuống 16,43%; của khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) tăng từ 11,61% lên 20,96%.  Nhưng tất cả các con số “nộp ngân sách” này phần lớn là  khoản “thu hộ” chứ không phải là “thành tích” thật của bản thân doanh nghiệp (thuộc bất kể thành phần kinh tế nào).

Nhận xét tóm tắt: Xem xét việc sử dụng nguồn lực và thành tích của khu vực kinh tế nhà nước chúng ta không thể không rút ra kết luận: nguồn lực sử dụng và thành tích là hết sức không cân xứng. Nó sử dụng quá nhiều nguồn lực, song thành tích lại kém, hoạt động không hiệu quả và là thủ phạm gây ra những bất ổn và mất cân đối kinh tế vĩ mô.

Chú thích:

[7] Đánh giá so sánh tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2007 của Việt Nam và khu vực,  Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008.

[8] Một số cảnh báo về chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008.

[9] Báo cáo của CIEM, 2008

[10] Đánh giá so sánh tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2007 của Việt Nam và khu vực,  Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư, 4-2008.

Pages: 1 2 3

2 Phản hồi cho “Doanh nghiệp nhà nước và vấn đề đặt ra”

  1. Nhật Hồng says:

    Các cụ lầm rồi . Dũng và bộ cướp trị lấy doanh nghiệp nhà nước làm nền để đổ đô vào sau đó chạy lại túi mấy tên này thôi.
    Bán nước chúng nó ( Phiêu-Mạnh-Trọng ) còn làm được nửa , các tên này có coi dân tộc này ra gì đâu.
    Chúng là loài quỹ dữ.

  2. Trí tuệ says:

    Bản chất Doanh nghiệp nhà nước của bọn đảng CSVN là gì?
    Xin thưa, thực chất đó là một Công ty cổ phần mà các cổ phần này do những tên trong bộ chính trị của đảng góp vốn (Vốn này là tiền đóng thuế của người dân) tạo nên, rồi thuê những tên tay chân tin cậy của chúng làm giám đốc, hoạt động dưới hình thức chiêu bài nhà nước. Nếu chúng làm ăn có lời thì phần lời ấy sẽ vào túi bọn chúng, nếu lỗ thì lấy tiền đóng thuế của dân mà bù vào hay tìm mọi cách móc túi người dân để bù vào. Là một Công ty vô trách nhiệm nên hoạt động luôn luôn bị thua lỗ. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp nhà nước là nguyên nhân chính đẩy đất nước vào con đường bần cùng, lạc hậu,… mà chúng ta đã và đang chứng kiến.

Leave a Reply to Nhật Hồng