WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cách đất liền bốn mươi hải lý

Tác giả Trần Ngọc Tuấn

Tôi bị đuổi khỏi trường Đại Học Hàng Hải vào năm cuối cùng. Nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp là tôi … “chết đuối trên bờ”.

Về nguyên nhân, tôi thấy không cần thiết phải kể ra đây, bởi lẽ, tôi sinh ra và lớn lên trên một đất nước vốn có nền văn học sướt mướt. Thêm chút nước mắt mà bạn đọc đã khóc nàng Kiều và các nhân vật X, Y, Z chỉ làm ngập lụt ngòi bút những nhà phê bình mẫn tiệp đang gò mình cố gắng tìm chỗ khô ráo cho các tác phẩm mang tính chiến đấu.

Chia tay với lũ bạn, tôi lấy giọng tráng sĩ Kinh Kha (ra đi không trở lại):
“Chúng mày cố xây dựng nền hàng hải Việt Nam ngang bằng với Lào, Thái Lan …”

Thằng Tiên ngắt lời:

“Còn nước nào mày kể nốt ra”.

Tôi trả lời chẳng cần suy nghĩ:

“Mỹ!”

Cả bọn phá lên cười.

Thằng Linh bảo:

“Muốn vậy, mỗi thằng ngồi đây phải làm đắm một triệu con tàu …”

Về lại nơi sinh ra, chiều nào tôi cũng ra biển ngắm sóng lẩm nhẩm đọc đoạn văn viết từ năm thứ nhất …

“Ta sinh ra trong rừng đêm nhiệt đới chỉ quen những ao hồ tù túng, một ngày mẹ dặn ta rằng phải nhìn thấy biển. Mười tuổi đầu ta mới dìm đôi chân nhỏ bé trong làn biển nước xanh, biển ve vuốt chân ta trìu mến, sóng kể chuyện phiêu lưu, ta biết ta là hữu hạn mà biển là vô cùng.”

“Tự ngàn năm biển vẫn ôm bờ đất, muốn hiểu biển phải thuộc gia phả của bao đời thủy thủ và nghe rành khúc hát ngư dân.”

“Sử nước ta bắt đầu từ khi Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đem con lên rừng xuống biển (Ôi! Âu Cơ mà nghe như Âu Ca) …”

“Biển là mẹ đừng bao giờ bỏ biển. Gã trai chài bị biển khước từ chắc sẽ có lần them ngửi lại mùi rong rêu trên luống biển và nghe khúc hát mặn mà của nàng tiên cá …”

Thấy tôi giống kẻ mất hồn, bác Dương bảo:

“Tao sẽ gửi mày đi theo tàu Lý Lăng buôn hàng sang Trung Quốc.”

Lý Lăng người gốc Hoa. Gã tự giới thiệu là hậu duệ một bộ tướng tâm phúc dưới trướng thủ lĩnh giặc cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Tôi không quan tâm tới chi tiết này. Bởi lịch sử nước mình rất mù mờ, kể cả ở các bậc được gọi là vĩ nhân.

Dáng dấp Lý Lăng toát lên vẻ hải hồ, nhìn gã ta ngửi thấy mùi biển, mùi máu. Nhưng ngược lại gã hiền như cá heo. Khi nào gã xúc động thì cái nốt ruồi mọc giữa huyệt nhân trung chuyển sang màu đỏ. Thỉnh thoảng tôi hay vào phòng Lý Lăng. Tiếng làm thuyền trưởng mà phòng gã cực kỳ giản đơn, vật trang trí duy nhất là chữ Tâm bằng chữ Hán viết mực tầu in trên giấy dó. Dựng sát đầu giường, chiếc bơi chèo bằng sắt, một tấm lưới gắn các chùm lưỡi câu đồng đen cực bén, mọi người kháo nhau hai thứ đó là võ khí lợi hại gã dùng trong trường hợp phải cận chiến. Lý Lăng không tuân thủ theo các khế ước bất thành văn của dân sông nước. Gặp người sắp chết đuối, gã bắt dừng tàu và nhảy xuống cứu, gã bảo: “Kẻ ích kỷ thường bao biện thần biển sẽ trừng phạt những ai cứu người sắp chết, bởi đó là đồ tế lễ. Không phải vậy đâu, tàu thuyền thuở xưa chật chội, lương thực mang theo ít ỏi, học phai trí trá như vậy để che đậy sự bần tiện, nhẫn tâm vô sỉ …”Về điểm này, tôi thấy gã có lý. Gã hỏi tôi: “Trong trường họ dạy cậu về biển thế nào?” Tôi bảo: “Phải chế ngự nó.” Gã làu bàu: “Vớ vẩn! Thiên nhiên khó mà chinh phục được. Thằng điên nào nói câu đó vậy?” Tôi trả lời: “Ông Marx! Ông ta không điên đâu.” Gã cười:”Không điên thì ngông cuồng. Ai mà tin thì chỉ có chết. Cậu nhìn kìa!”Gã chỉ tay xuống biển đang ngả màu tím sẫm: “Lúc trước, tôi cũng nghĩ vậy, để rồi vợ con nằm cả dưới đấy …” Gã ngừng nói, cái nốt ruồi ở huyệt nhân trung chuyển sang màu đỏ …

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh VnExpress

… Tàu chúng tôi buôn mèo, trầm hương, thảo quả, quế chi sang Trung Quốc và buôn phụ tùng xe đạp, máy may, xe máy … ngược về.

Cách hải phận Trung Quốc không xa, tàu thường ghé đảo Mây – đảo cách đất liền 40 hải lý. Đảo giống hình chiếc khuy nhỏ nhoi trên tấm áo đại dương. Dân cư khoảng hơn hai trăm nóc nhà. Anh Tấn – cựu đặc công thủ, nói với tôi: Sống nơi này lâu tao điên mất. Thật vậy, so với cư dân trên đảo, thì chó phải gấp mười lần. Chỉ cần mấy bao thuốc lá đổi được một con chó. Tàu tuần tra hải quân hình như cũng chẳng muốn vòng vo quanh đảo, vì vậy có thể nói, đây là thế giới an lành.

Anh Tấn bảo:

“Mày biết không? Cả đời tao chưa bao giờ được ngắm bình minh.”

Tôi hỏi:

“Tại sao?”

Anh Tấn trả lời:

“Khi chưa đi bộ đội, tao làm công nhân mỏ phải chui dưới hầm đào than, làm ca đêm, ngày ngủ thì làm sao thấy được mặt trời mọc. Lúc vào lính ngày ngủ dưới hầm, đêm mò vào đồn, bây giờ đi buôn lậu, ngày ngủ đêm thức thời gian đâu mà ngắm bình minh …”

Nghe anh Tấn kể, tôi cố hiểu nhưng không giải thích được. Hồi ấy, tôi còn trẻ nên chẳng mấy khi băn khoăn về nỗi niềm uẩn khúc trong số phận mỗi con người, sau này tôi phải day dứt nhiều về sự hời hợt ấy. Thời gian lưu lại trên đảo Mây lấy thêm nước ngọt, tìm ra kẽ hở tàu tuần tra để hàng hóa trót lọt kéo dài ba tới năm ngày là cùng. Lúc hết việc tốp thủy thủ lang thang tới nhà ngư dân nói chuyện.

Đảo sặc mùi cá biển, loài thảo mộc mọc nhiều trên đảo là xương rồng và cây chó đẻ (hai giống cây vô tích sự). Anh Tấn nói:

“Ngay tên cây đã đầy vẻ bịp bợm. Chó làm sao đẻ ra cây, mà cũng chẳng có rồng sao biết đấy là xương.”

Tôi bảo:

“Gọi vậy cho nó hình tượng …”

“Đừng đem cái giọng thằng trí thức thất sủng ra nói với tao. Chỉ ở trong nghệ thuật mới cần hình tượng, còn mọi thứ ngoài đời tục tĩu bỏ mẹ! Tao cũng có làm thơ đấy …”

Bài thơ anh Tấn làm tôi không nhớ hết, bài thơ đó mang tên: Không Được Ai Vuốt Mắt.

Cánh diều tuổi thơ tôi chết đứt dây
Chỉ có gió vô hình dung vuốt mắt
Ngày tôi đi lính em lấy chồng
Trái tim tôi không được ai vuốt mắt
Không nhìn thấy bình minh suốt thời tuổi trẻ
Tôi làm thợ đào than
Than đen!
Có nghìn ức tuổi
Chiến tranh cũng mầu than
Tôi ngủ dưới hầm
Ra khỏi hố lúc nhọ mặt người
Cũng chẳng thấy mặt trời ló dạng
Giờ lang thang ban đêm trên biển
Bình minh khuất dạng nơi nào?
Ai sẽ vuốt mắt cho tôi?


Câu hỏi ấy xoáy vào lòng mỗi tối …

… Lý Lăng chỉ tay vào thằng bé khoảng mười sáu tuổi đang gò mình cõng sọt cá nặng trĩu:

“Cậu nhìn kìa! Nom hiền lành vậy mà từng giết người từ năm mười hai.”

Tôi lân la làm quen với nó, sau nhiều lần ghé đảo tôi đánh bạo hỏi:

“Sao em lại giết người, mà giết ai vậy?”

Thằng bé trả lời:

“Tui có giết người đâu, tui lấy dao mổ bụng em tui ra xem có giống bụng cá không!”

Tôi thuật lại cho Lý Lăng nghe, nốt ruồi giữa huyệt nhân trung của gã đỏ lên, gã bảo:

“Tôi được chứng kiến nhiều vụ án còn khủng khiếp hơn ở ngay các chốn văn minh nơi đô thị. Những kẻ sát thủ đi xe đời mới có máy điều hòa nhiệt độ, chúng không giết một người, không mổ bụng ai cả …”

Tôi ngắt lời:

“Như vậy có gì mà khủng khiếp?”

Lý Lăng bảo:

“Giết bằng chữ ký, chết dần chết mòn cả giòng họ. Như cậu cũng tàn cả đời vì chữ ký đó thôi, cần gì nhìn đâu xa.”

… Cư dân trên đảo có vẻ nể sợ Lý Lăng. Cụ già coi đền thờ cá voi nói với tôi và anh Tấn:

“Cách đây vài chục năm, ông ấy là con cọp trên biển đấy.”

“Thế còn trên đất liền hay trên đảo?”

Anh Tấn hỏi. Cụ già trả lời:

“Là thánh nữ mang khuôn mặt đàn ông.”

Đua thuyền – ngày vui vẻ nhộn nhịp nhất của người dân trên đảo, cách thức đua tôi chưa từng thấy ở bất kỳ nơi đâu. Cả đoàn thuyền vài chục chiếc sắp hàng ngang, mỗi chiếc thuyền ba người, hai người chèo, một người phóng lao, mục tiêu là những tấm ván nhỏ đẽo hình các giống cá trồi lên trụt xuống trên sóng biển. Thuyền nào về đích sớm, phóng lao trúng nhiều mục tiêu được thưởng cái đầu trâu vừa cắt rời khỏi thân vẫn còn ròng ròng máu. Tôi đã được chia sẻ phần thưởng ấy ngay tại nhà thằng bé từng mổ bụng em nó để xem … “có giống bụng cá không …” dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn thắp bằng mỡ cá.

Nơi góc nhà, lân tinh trong đống mai mực hắt ra xanh lè, bố nó, người đàn ông đoạt giải kiệm lời lặng lẽ tiếp rượu cho tôi, còn thằng bé dùng con dao cắt chão thuyền sắc lẻm lóc từng miếng thịt đầu trâu vừa luộc xong còn bốc khói cho vào miệng nhai trệu trạo.

… Bố thằng bé lên tiếng:

“Không có Lý Lăng thì đời tôi bồng bềnh nổi trôi như con sứa, trắng tay như dã tràng.”

Đêm – ông kể cho tôi nghe về một phần đời …

“Hồi ấy, tôi phụ trách hai chiếc tàu chuyên chở vũ khí, thuốc men, lương thực từ Bắc vào Nam, cuộc chiến bấy giờ đang vào điểm quyết liệt, mười chuyến đi lọt được một. Trên đầu máy bay từ các hạm đội Mỹ lượn suốt ngày đêm, ra khỏi hải phận thì đụng phải tàu chiến cày ngang dọc trên biển. Thế rồi việc gì đến phải đến tàu tôi chạm thủy lôi, sức ép làm tôi bất tỉnh may mà mặc áo phao trước đó nên thoát khỏi làm mồi cho cá. Trôi giạt suốt đêm tưởng cầm chắc cái chết thì gặp tàu Lý Lăng.”

Thời gian đó Lý Lăng hành nghề hải tặc, gã tấn công vào các thuyền vận tải của nhà nước. Lý Lăng có một nguyên tắc bất di bất dịch – không cướp bóc thuyền ngư dân. Gã khôn ngoan, mưu lược, tránh đụng độ với tàu hải quân, ngoại trừ khi bị truy đuổi, bị dồn vào bước đường cùng. Với cách đánh táo bạo, lì lợm, khi tàu hải quân áp sát bắt đầu hàng, gã mới tung đòn quyết định. Đám thuộc hạ và Lý Lăng toàn là dân giang hồ cực giỏi khi đánh cận chiến nên chưa bao giờ bị thất bại. Tôi đã tận mắt thấy Lý Lăng cắt gân chân thuyền trưởng một chiếc tàu hải quân khi ông này bị bắt giữ, ông ta mắng Lý Lăng: Tổ quốc đang bị xâm lăng không đi bộ đội giải phóng miền Nam mà lại đi ăn cướp. Lý Lăng mắng lại: Chỉ huy như mày còn thua cả tao, súng ống đầy tàu cũng vô tích sự, mấy hòn đảo trên hải phận Việt Nam bị người Trung Quốc cho di dân tới để chiếm đất mà chúng mày câm miệng hến, thì đòi giải phóng tổ quốc cái con mẹ gì!

“Sau khi thu hết vũ khí, lương thực trên tàu, Lý Lăng cắt gân chân ông thuyền trưởng, gã nói: Cho mày cái danh hiệu thương binh …”

Tôi hỏi:

“Thế luật pháp không làm gì được Lý Lăng sao?”

Bố thằng bé trả lời:

“Hồi đó đang chiến tranh còn nhiều việc khiến nhà nước quan tâm hơn. Sau này Lý Lăng mai danh ẩn tích một thời gian dài, thay đổi hình dạng rồi chuyển sang buôn lậu thì có thánh cũng chẳng lần ra, vả lại dân giang hồ trên biển tuy ăn to nói lớn nhưng kín miệng …”

“Còn bác thì theo Lý Lăng từ thời gian đó?”

“Tôi chán tất cả, chiến tranh kéo dài số phận bấp bênh, quay về đất liền dễ mang tiếng không hoàn thành nhiệm vụ …”

Bố thằng bé thở dài. Ông nói tiếp:

“Cũng có chút nghĩa tình trong đó, Lý Lăng cứu mạng tôi và sau này còn giúp tôi nhiều việc nữa. Đảo Mây lúc trước toàn ngư dân Trung Quốc ở. Lý Lăng bàn với chúng tôi, gã nói: Đánh trận cuối cùng nhé, giành lại đảo này cho người mình, sau trận này vất hết vũ khí … Chúng tôi chiếm đảo chẳng khó khăn gì, Lý Lăng lùa hết dân trên đảo lên thuyền cho họ lương thực và mang theo toàn bộ tài sản bắt họ trở về Trung Quốc …”
“Lý Lăng là người gốc Hoa kia mà!”

Tôi thắc mắc. Bố thằng bé trả lời:

“Lý Lăng nói với mọi người. Tôi sinh ra trên mảnh đất này nên phải có nghĩa vụ. Khi chiếm được đảo, việc đầu tiên Lý Lăng làm là bỏ tiền của xây nhà cho đám thuộc hạ giải nghệ, mua sắm thuyền bè, ngư cụ tạo điều kiện cho họ hoàn lương. Tôi lên đảo từ dạo ấy, dân cư đông dần lên toàn những thành phần bị đất liền ruồng bỏ, tứ cố vô thân, không còn đất sống, các tay giang hồ mãi võ, đầu gấu, anh chị … Được cái khi nhập cư rồi họ hiền còn hơn các nhà tu hành đắc đạo. Chúng tôi không muốn quan tâm tới thế giới bên ngoài, hành xử theo luật lệ riêng của mình, thằng con nhà tôi mổ bụng em nó chẳng qua là vì tò mò, nó không có tội – nguyên nhân tội lỗi ở kia kìa!”

Ngón tay bố thằng bé chỉ vào cõi đêm thăm thẳm xa xăm …

Tôi bị cơn sốt vật ngã nên phải nằm lại đảo. Trước lúc nhổ neo anh Tấn tới thăm tôi, anh bảo:

“Cứ nằm đây cho khỏe, mấy bữa nữa bốc xong hàng tàu quay lại đón. Lý Lăng nhắn phần lãi vẫn chia đều cho mày. Lần này may ra tao sẽ được nhìn thấy bình minh vì tàu khởi hành vào rạng sáng.”

Đêm hôm sau, biển động mạnh, nằm trong nhà nghe tiếng sóng dữ dội, gió gào như ác thú, tôi trằn trọc không làm sao ngủ được. Hai ngày sau biển lặng, tôi dứt cơn sốt – gượng dậy đi ra bờ biển.

Trời biển trong veo, xanh thẳm, mấy con chim hải âu chấp chới trên ngọn sóng hiền lành. Tàu của chúng tôi vẫn chưa thấy về …

Ông cụ trông đền thờ cá voi thấy tôi ngày nào cũng ra biển ngóng dáng vẻ bồn chồn, sốt ruột. Ông nói:

“Cậu cứ yên tâm, Lý Lăng là con thủy thần, ông ấy sẽ quay về bình yên, đời ông đã vượt qua bao nhiêu bão tố, cơn vừa rồi là cơn bão còi cậu ạ! Nếu cậu muốn về tôi sẽ gửi theo tàu đánh cá, ngày nào họ cũng ghé đây đổi gạo, từ đây vào đất liền chỉ có bốn mươi hải lý thôi, chứ xa xôi gì.”

© Trần Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Cách đất liền bốn mươi hải lý”

  1. quang says:

    Lào có biển đâu mà ngành hàng hải phát triển nhỉ?

    • Nguyễn tường Tâm says:

      Anh Quang ơi!
      Anh nói đúng đấy! Nhưng cái hay, và cũng là cái duyên thầm của tác giả ở chỗ đó đấy!
      Tác giả viết chỉ- trích ngầm, “Chúng mày cố xây dựng nền hàng hải Việt Nam ngang bằng với Lào.” Nhưng như thế thì lộ liễu quá nên phải thêm “Thái lan…”
      Tác giả còn diễu thêm đoạn sau này nữa:
      “Thằng Tiên ngắt lời:
      “Còn nước nào mày kể nốt ra”.
      Tôi trả lời chẳng cần suy nghĩ:
      “Mỹ!”
      Và rồi: “Cả bọn phá lên cười.”
      Biết đời nào mà trường hàng hải của Việt Cộng “xây dựng nền hàng hải Việt Nam ngang bằng với Mỹ” được mà nói thế. Nhưng tác giả có nói thế thì mới có chuyện, “Cả bọn phá lên cười.” chứ!
      Chào vui,

    • TRUONGLONGDIEN says:

      Hỏi ngớ ngẩn vậy Quang!

Phản hồi