WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khi tình người cạn kiệt…

Đọc qua bản thảo tác phẩm “Một Thời Oan Trái” của nhà văn Phan Lạc Tiếp, tôi thoáng liên tưởng tới nội dung cuốn “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân. Hai tiếng Oan Trái như xoáy vào trái tim ứa máu làm lay động những suy tư trầm lắng trong tôi khi đọc những chứng từ của người viết họ Trần.

Trần Thế Nhân. Một cái tên xa lạ trong giới cầm bút ở quốc nội ghi trên tập sách do tổ hợp xuất bản Cành Nam ở Miền Đông nước Mỹ ấn hành.

Tôi nghĩ thầm. Đây hẳn là tên giả của một cây viết nào đó. Những chứng từ trần trụi, khốc liệt và chân thật như thế không có quyền hiện hữu và không thể là sản phẩm của một con người có diện mạo, có căn cước trên đất nước ta hôm nay.

Điều mang vẻ nghịch lý là bối cảnh âm u, hư ảo, ma quái tuồng như hư cấu bao quanh tác phẩm lại hiện ra rất thật, với những việc thật, người thật. Đây là điều đã được xác nhận bởi nhiều nhân chứng, trong đó có ông Nguyễn Minh Cần hiện sống ở Liên Xô cũ. Chuyện tình bi thảm, oan trái giữa ông Hồ và cô gái họ Nông qua lời kể của oan hồn người cung nữ về một đấng Quân vương thời phong kiến đã khởi đầu cho những cái chết oan khiên, những mảnh đời bất hạnh Việt Nam trong thời Cải Cách Ruộng Đất.

Câu chuyện của Trần Thế Nhân, một người viết trong nước là như thế.

Nhưng trên tay tôi lúc này là bản thảo “Một Thời Oan Trái” của nhà văn và cũng là cựu Hạm trưởng trong binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Nhà văn Phan Lạc Tiếp.

Không cần đọc những lời xác minh của tác giả, ai cũng nhận ra cảnh ngộ, tình huống, chi tiết những chuyện kể trong tác phẩm được phóng chiếu từ những sự thật. Đấy là những chứng từ được cẩn trọng ghi chép lại sau những đụng chạm, những gặp gỡ, trao đổi giữa người với người, giữa người với sự vật trong một lần trở về thăm quê cũ.

Với hơn hai mươi đoản văn, tác giả đã chi chút, tỉ mỉ ghi lại những hình ảnh, những kỷ niệm còn mất của một thời đã đi qua đời ông. Nó gắn bó với ông từ thuở ấu thơ như bóng với hình. Nó theo ông vào miền Nam sau ngày đất nước bị chia đôi tháng 7 năm 1954. Nó cùng ông vượt đại dương đi tới một chân trời khác –hoàn toàn khác-. Tựa như một thân cây trốc gốc bị bứng ra khỏi vùng đất quê hương quen thuộc có tên Nủa Chợ (gọi tắt là làng Nủa, tên tục của làng Hữu Bằng, quận Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, tức Hà Tây, miền bắc nước Việt ngày nay).

Đầu thập niên chót của thiên niên thứ hai, -chính xác là năm 1994-, sau 40 năm biền biệt, từ phương trời khác đã trở thành quê hương thứ hai của ông, lần đầu tiên nhà văn họ Phan có cơ hội trở về nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Chính từ nơi ấy định vị một làng quê mà mỗi lần nhớ tới lại rộn lên trong trái tim nhạy cảm của ông những kỷ niệm êm đềm, đầy ắp thương yêu, nhung nhớ về những ngày tháng cũ. Như những rong rêu bên bờ sông lá mục ghi đậm một thời trai vẫy vùng trên sông nước thuở nào, ngày trở về làng Nủa đã khắc họa trong ông những vết hằn đắng cay, chua xót, để cho những giòng lệ tuôn trào. Gắn kết những kỷ niệm êm đềm quá khứ với những tang thương hiện tại, ông chợt nghe hồn rướm máu.

Và Một Thời Oan Trái đã hình thành trong tâm huống ấy.

Tôi không khỏi mang cảm giác rưng rưng, vừa ngạc nhiên vừa thích thú, khi đọc nhan đề tác phẩm.

Điều này có căn do.

Bản thân tôi từng viết một tập truyện có cái tên tương tự. Một Thời Mê Hoặc. Đây là tập truyện dài được viết dưới dạng feuilleton đăng liên tục nhiều kỳ trên nguyệt san Đường Sống cuối thập niên 80 thế kỷ trước và được cơ sở xuất bản Tin Vui ở nam California, Hoa Kỳ ấn hành mùa thu năm 1998. Rất tình cờ, nhà văn Phan Lạc Tiếp đã nhận lời giới thiệu trong ngày ra mắt tác phẩm cuối năm ấy.

Khi chọn nhan sách mỗi người viết đều có ý gửi vào đó một hàm ý riêng. Nếu cái thời mê hoặc trong tập truyện dài có hồi kết cuộc tuồng như bỏ lửng của tôi diễn tả những cơn sóng lãng mạn cuối mùa xô đẩy giới trẻ Việt Nam vào những chọn lựa u mê, hoảng loạn trong vòng một thập niên tính tới biến cố Mậu Thân 1968, dẫn vào những cảnh ngộ chia xé nát lòng, -không phải đâu xa mà ngay sau ngưỡng cửa gia đình, giữa cha và con, vợ và chồng, giữa những anh em ruột thịt-… thì cái thời oan trái trong những trang ký sự rướm máu không thiếu nước mắt của tác giả họ Phan là tấm gương phản chiếu những hình tượng tang thương, đau xót chất đầy những oan khiên, sầu muộn, không phải chỉ riêng làng Nủa của ông mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hơn hai mươi đoản văn trong Một Thời Oan Trái là hơn hai mươi chứng từ sâu lắng, sống động với 9 mảnh đời trong Phần Thứ Nhất: Đất Cũ Người Xưa, và hơn 10 ký sự trong Phần Thứ Hai: Những Mảnh Đời Lưu Lạc.

Oan trái! Thật không còn có từ nào đắc địa -đúng và chính xác- hơn, để diễn tả cái thời chất chồng những tội khiên, cay nghiệt ấy.

Người viết những giòng này muốn đi sâu vào từng chuyện ký, vì tất cả đều đáng được đào xới để chia sẻ những suy tư cuồn cuộn như sóng gào, gió hú của riêng mình cùng người đọc. Nhưng giới hạn của trang sách không cho phép dài lời. Và như thế đặt ra cho người viết một chọn lựa, một giới hạn chẳng đặng đừng.

Gấp sách lại, mỗi nhan đề, mỗi tâm sự, mỗi danh tính nhân vật như còn đọng lại đâu đây. Ở đấy là những vùng sáng chan hòa của một thời trẻ dại với Cây Khế Ngày Xưa thoang thoảng mùi bồ kết từ hương tóc chị Đan; với Người Nghệ Sĩ Miền Quê gợi nhớ những buổi rong chơi thả diều, câu cá; với Soái Nham; với Tào Mạt; với Sơn Chung Tiên Sinh; với Người Đàn Bà Nhan Sắc… nháng lên những ánh lửa yêu thương, tin cậy của một thời. Cũng ở đấy là những mảng tối đong đầy, rình rập những tai ương, cạm bẫy.

Giữa đêm đen huyền hoặc, từ đâu đó vẳng lên những thanh âm ằng ặc, u uẩn, tắc nghẽn thoát ra từ cuống họng của người thanh niên họ Phan bị xiết cổ lôi đi trên cánh đồng làng Thày bên rặng Sài Sơn. Cạnh đó là khuôn mặt nhợt nhạt với đôi mắt vô hồn, thảng thốt của người chứng bất đắc dĩ là Đỗ Nhật Tân tức Sơn Chung Tiên Sinh.

Tương tự như trường hợp của Phan Lạc Trạch, của Đỗ Nhật Tân, mỗi đoản văn trong Một Thời Oan Trái là một mảng đời sống được nhào trộn với những ký ức về một thuở thanh bình, có lũy tre xanh, có vòm trời đầy sao, có mảnh trăng non, có giọng hát trữ tình, có tiếng sáo lững lờ, thánh thót… Nhưng rồi, trong khoảnh khắc, mọi sự thoắt chốc trở thành hư vô. Tất cả tuồng như chỉ còn là cơn ác mộng.

Cuộc đời Sơn Chung Tiên Sinh Đỗ Nhật Tân, người anh em họ của tác giả là điểm hội tụ điển hình cho cái thời oan trái trong toàn bộ tác phẩm.

Thân phụ tiên sinh là một người chân quê hiền lành có một quan niệm sống đơn sơ, thực tế. Lớn lên trong buổi giao thời, tự biết mình không có điều kiện và khả năng thành danh trên đường khoa cử, không muốn làm những ông Tú lỡ, ông cụ chuyên chăm lo việc nông tang. Suốt năm, bốn mùa 12 tháng cùng vợ và đàn con đông đúc hết bận rộn với vài mẫu ruộng ngoài đồng lại cặm cụi bên khung cửi, bên nồi thuốc nhuộm trong nhà. Nhờ thế gia đình họ Đỗ đã tự gầy dựng được một cơ ngơi tươm tất, khiến trong họ ngoài làng ai cũng nể phục. Sau một cơn bạo bệnh cụ ông qua đời để lại gia tài sự sản cho con trai là Đỗ Nhật Tân.

Vâng theo lời trăn trối của nghiêm phụ trước lúc lâm chung, ông Tân chăm chỉ, chí thú làm ăn. Tuy vậy trong sâu thẳm của cõi lòng, ông vẫn cảm nhận một nỗi khắc khoải thấy mình thua kém khi tình cờ phát hiện trong quá khứ dòng họ Đỗ từng có người đỗ đạt làm nên danh phận trong làng ngoài tổng. Do đấy, ngoài việc nông tang, ông cố dành thì giờ đọc sách, ôn tập chữ nghĩa Thánh Hiền mong sao mở mặt với đời.

Mọi chuyện sẽ tuần tự trôi xuôi nếu đất bằng không nổi sóng.

Tiếp theo biến cố Mùa Thu năm 1945, với lòng yêu nước đơn sơ, ông góp công góp của, hăng hái tham gia Mặt Trận Việt Minh, cùng bà con chung tay xây dựng xóm làng. Nhưng rồi một sáng, quân Pháp tìm đường trở lại. Từng toán lính tràn vào đập phá đình làng, tháo gỡ cột kèo, cánh cửa, kể cả những câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng bắc qua những mương lạch cho đoàn cơ giới làm đà di chuyển. Cảm nhận được niềm đau xót và tâm tình hoài cổ của những bậc trưởng thượng trong làng, Phan Lạc Trạch, một thanh niên biết tiếng Pháp tự nguyện đứng ra giải thích cho người chỉ huy đoàn quân viễn chinh hiểu giá trị tinh thần của những tấm gỗ ghi khắc những chữ nho vốn được dân làng trân trọng. Nhờ thế những bảo vật ngàn đời ấy đã được họ ân cần trả lại.

Như một tình cờ của định mệnh. Đứng bên cạnh người thanh niên họ Phan trong cuộc trao đổi tay đôi với viên chỉ huy Pháp giữa thanh thiên bạch nhật hôm ấy là Đỗ Nhật Tân. Và oan khiên, bất hạnh đã xảy ra. Nửa khuya cùng ngày, họ được cán bộ tới nhà nhỏ nhẹ mời đi họp. Rồi không hẹn, cả hai gặp nhau giữa đồng không mông quạnh làng Thày. Một bị xiết cổ đến chết vì tội thân Tây. Một bất ngờ được tha bổng, dĩ nhiên với lời cảnh cáo nghiêm khắc bất thành văn.

Thi hài nạn nhân vắn số được vùi lấp đâu đó dưới chân núi Sài Sơn. Người được tha mạng thất thần bước đi như kẻ mộng du. Rồi trong một phút hoảng loạn, ông cắm cổ chạy trối chết, bỏ lại sau lưng xóm làng, vợ con, gia cơ điền sản. Sau đó là những tháng năm sống lang thang như một kẻ vô gia cư giữa phố phường Hànội.

Một ngày cuối hạ 1954, trong cơn sốt bùng lên giữa kẻ ở người đi, từ làng Nửa, bà Tân lén lút ra Hànội tìm tới nhà trọ của chồng.

“- Thầy nó có về không? Người ta bảo về được đấy, về đi. Ông lặng yên. Một hồi lâu ông mới nói:

- Tin họ không được đâu. Tôi không về được.

- Thế Thầy nó đi Nam à.

- Nào biết trong Nam ra sao? Mà lòng tôi lúc nào cũng chỉ biết tới căn nhà mình. Tôi nhớ mảnh ao cá, bè rau rút, tôi nhớ mẹ nó và lũ con ở nhà… Nhưng nhất định là tôi không về được đâu. Thôi thì cứ coi tôi như không còn nữa… Thôi mẹ nó về, trăm sự tôi trông cả vào mẹ nó. Nhớ săn sóc Mẹ và các con hộ tôi. Và cố gây dựng cho chú Út…

Trong gần một triệu người từ Bắc vào Nam, có lẽ ông là một người không muốn đi chút nào, nhưng cũng lại là người nhất quyết phải ra đi”.

“Không muốn đi chút nào” mà lại là người “nhất quyết phải đi!” Thật khó có trường hợp mâu thuẫn và nghịch lý nào hơn trường hợp ông Tân theo cách nhìn của nhà văn họ Phan. Nhưng trên thực tế tuồng như lại không phải là chuyện họa hiếm nếu có dịp nhìn sâu vào tâm thức từng người trong số những bà con bỏ miền Bắc vào miền Nam hơn nửa thế kỷ trước. Và rộng hơn là trường hợp những đồng bào phải đành đoạn giã từ đất nước để tán lạc khắp bốn phương trời hải ngoại sau tháng tư năm 1975. Khác chăng là ở mức độ nhiều ít, nặng nhẹ mà thôi.

Cũng như những ngày tháng lang thang, vất vưởng ở Hànội, ông Tân tiếp tục kéo lê kiếp sống thừa trong suốt 21 năm dài dặc ở Sàigòn. Dù vậy, do những thôi thúc thầm câm của lòng tự ái giòng họ và của lương tâm ngay chính nơi con người, nhờ tinh thần cầu tiến, ông vẫn cố gắng vươn lên hầu đóng góp một chút gì đó cho vùng trời tự do mà ông đã chọn. Dĩ nhiên theo cách thế của riêng ông. Chính từ đấy người dân miền Nam có cơ hội biết tới tên ông qua bút hiệu Sơn Chung khi tình cờ con người kỳ lạ này được trao tặng hạng ba Giải Thương Văn Chương Tổng Thống bộ môn dịch thuật.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, chế độ cộng sản độc tài chuyên chính miền Bắc thôn tính nốt miền Nam đưa toàn lãnh thổ về một mối. (Nói theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là “Một mối hận thù, một mối đau thương!”). Trong khi cả triệu người tức tưởi tìm đường bỏ nước, bỏ gia tư điền sản để ra đi thì Sơn Chung Tiên Sinh lội ngược giòng trở về quê cũ. Trên chuyến tàu Nam Bắc, ông thấy mình cô đơn, tay không lạc lõng giữa những người đồng hương sau chuyến đi Nam mang theo bên mình cả tấn áo quần, radio, TV và đồ gia dụng đắt giá. Kể từ những ngày ấy, kho tàng ngôn ngữ Việt Nam được làm giầu thêm bằng câu nói cửa miệng: “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”.

Sau cuộc hội ngộ nhiều ngỡ ngàng nhưng cũng không thiếu cảm động giữa Sơn Chung Tiên Sinh và vợ con, họ hàng, lối xóm, tác giả cho biết:

“Nhưng mới hôm trước hôm sau, Uỷ Ban Xã mời ông ra trụ sở làm việc. Họ ăn nói rất ôn hòa ‘… bác ở xa mới về, chưa quen nếp sống mới, bác cần được nghỉ ngơi, học tập một thời gian…’  Thế là ông phải đi tù! ”

Điều trớ trêu, oan trái mang đầy kịch tính là ngay ngày đầu nhập trại ông gặp lại con trai trong dáng dấp một ông già trước tuổi với thân hình còm cõi trong cùng cảnh ngộ nát lòng: cả hai cha con đều là tù nhân của chế độ!

“- Con! Con đây ư? …

Ngươì con oà khóc và nói:

- Con đã tưởng ở trong Nam thì Thầy đã thóat. Sao Thầy laị còn về để bố con mình gặp nhau ở đây?!…”

Vì không muốn người đọc hiểu lầm tình tiết câu chuyện bi thảm kể trên là bịa đặt, hư cấu, tác giả cẩn thận xác minh:

“Trên đây là những việc thật, người thật. Vì Sơn Chung là anh tôi, con trai trưởng của già tôi. Mẹ tôi là em ruột cuả mẹ ông. Sơn Chung Đỗ Nhật Tân gọi mẹ tôi là dì. Người thanh niên xấu số bị thắt cổ chết  tên là Phan Lạc Trạch, là con của bác Tú tôi, là anh họ cuả tôi, là chú ruột của anh Phan lạc Tuyên… Những nỗi tang thương, những oan khiên, chia lià của thời cuộc trải dài trên nửa thế kỷ, phủ lên bao nhiêu gia đình, qua mâý thế hệ, xét cho cùng, thật vô cùng ghê gớm và cũng thật vô ích. Hoàn tòan vô ích…”

Bối cảnh, không khí truyện của nhà văn Phan Lạc Tiếp là bối cảnh, không khí xóm làng của ông –làng Nủa-, với những tình tiết liên hệ tới bà con tộc họ hoặc bạn bè quen biết của anh em nhà họ Phan Lạc. Vì thế rất nhiều sự kiện được ghi lại trong những đoản văn tuy khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau về việc cũng như người. Nỗi quan hoài của tác giả khi viết về cái chết tức tưởi của Phan Lạc Trạch trong đoản văn Sơn Chung Tiên Sinh hơn một lần được lập lại khi ông bắt gặp những nhân vật ít nhiều liên quan tới câu chuyện được đề cập. Nội dung lá thư tác giả gửi bà Tố Quyên trong truyện ký Người Đàn Bà Nhan Sắc là một. Giản dị vì Tố Quyên, người phụ nữ sắc nước hương trời từng là vợ của Phan Lạc Trạch, người thanh niên biết tiếng Pháp, vì muốn “cứu” những bức đại tự treo ở đình làng hoặc các từ đường của tư nhân nên đã bị bức tử vì tội thân Tây! Nặng hơn, đáng chết hơn là tội phản quốc, tội rước voi dày mồ!

Từ 1945 đến nay tính ra đã gần hai phần ba thế kỷ. Thời gian tạm đủ để công luận bình tâm nhìn lại quá khứ. Những khía cạnh khuất lấp, pha trộn những mảng tối của cao trào thanh thiếu niên thoát ly gia đình đi theo Việt Minh cộng sản đã lần hồi trở nên trong sáng hơn. Xuyên qua những nhân vật trong Một Thời Oan Trái, nhà văn Phan Lạc Tiếp đã mở ra cho người đọc một cái nhìn cụ thể với những con người cụ thể.

Cô gái quê tên Đan, người chị họ thân thương của tác giả họ Phan, từng ẵm bồng, săn sóc ông từ thời măng sữa bỗng dưng một ngày có mặt trong đoàn người lạ kéo về làng, lớn tiếng hô những khẩu hiệu bài phong, đả thực là một điển hình. Trường hợp Tào Mạt Nguyễn Duy Thục và bóng dáng mờ nhạt của những người trẻ trong Ngày Tháng Cũ, Người Nghệ Sĩ Miền Quê, Soái Nham, Một Mảnh Trời Hànội, Chị Em… và nói chung những chàng trai Hànội có mặt trong đoàn thanh niên sinh viên quyết tử bảo vệ Thủ Đô sau ngày toàn quốc kháng chiến là những điển hình khác.

Họ là những người sinh ra trong những thập niên đầu thế kỷ cuối cùng của thiên niên thứ hai. Đấy là thế hệ thanh thiếu niên đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần ái quốc của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và sự ra đời của những đảng phái chính trị, với chủ trương bài phong, phản đế, đả thực để dành độc lập, tự do và chủ quyền cho đất nước. Cái chết bi hùng của liệt sĩ Nguyễn Thái Học, người đứng đầu Quốc Dân Đảng cùng với 12 đồng chí của ông năm 1930 ở Yên Bái đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ khơi dậy lòng yêu nước nơi các tâm hồn trẻ.

Nhà văn Phan Lạc Tiếp đã dựa vào những nhân tố này để lý giải cho trường hợp thoát ly gia đình đi theo kháng chiến dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Việt Minh của những người thân quen với ông như chị Đan, như Nguyễn Duy Thục. Được biết, Nguyễn Duy Thục, dân làng Nửa, người thanh niên trí thức được biết đến nhiều sau này dưới bút danh Tào Mạt, từng là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia danh tiếng. Ông mang quân hàm Đại Tá trong QĐND miền Bắc cho đến ngày bị thất sủng, bị săn đuổi vì có tư tưởng xét lại.

Bàn về trường hợp Tào Mạt dấn sâu vào chủ thuyết Mácxít-Lêninnít mà bước đầu là gia nhập Mặt Trận Việt Minh, sau khi trình bày bối cảnh đau thương của đất nước dưới sự thống trị của thực dân Pháp và cơ hội dành lại quyền độc lập cho quốc gia trong giai đoạn cuối cùng thế chiến thứ hai, nhà văn họ Phan viết:

“Trong tình trạng ấy, ai cũng được, tổ chức nào cũng được, cứ có người kêu gọi là những người trẻ yêu nước hăng hái lên đường.

Nên nhớ cũng từ thời điểm này, năm 1930, Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập, đã ẩn mình, nín tiếng trong thời gian qua, tới năm 1945, đúng thời cơ, người Cộng Sản Việt Nam mới ồn ào lên tiếng, xua dân đi cướp chính quyền. Hầu như ai là kẻ có lòng với dân, với nước cũng đã sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Mặt Trận Việt Minh, trong đó có người thanh niên Nguyễn Duy Thục. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ như một vận hội đầy quyến rũ, cuốn hút người yêu nước ra đi. Tất cả đã lên đường dành độc lập và chống xâm lăng từ trong Nam ra Bắc.”

Với tinh thần yêu nước thiết tha, với tài năng thiên phú, Tào Mạt đã bước những bước rất xa, rất nhanh. Nhưng, biến cố 30-4-75 đã mở mắt cho ông. Sau nhiều phen bị cấm cản làm khó dễ, Tào Mạt đã có dịp vào Nam tiếp xúc với những người dân hiền hòa nơi đây. Ngày đặt chân xuống Sàigòn cũng là ngày ông nhận ra là mình đã bị lừa, một “quả lừa vĩ đại”, nói theo ngôn ngữ của một số nhà văn trong nước lâu nay. Và tư tưởng “xét lại” manh nha trong ông. Từ đấy, những sáng tác của Tào Mạt dành cho sân khấu Chèo bắt đầu xuất hiện những câu hát làm nhức tim bọn tham những gộc của chế độ. Điển hình như những câu:

“chim khoét, chuột đào. (ớ ơ ) khoét cùng đào.”
“ Cướp đêm là giặc (ới a), cướp ngày là… quan”.

Chưa hết, ông còn dám công khai đụng tới thần tượng của chế độ là ông Hồ. Trong bài báo Tôi Viết Về Hồ Chí Minh, Nguyễn Thái Hoàng, một trí thức trẻ trong nước đã tiết lộ lời tâm sự sau đây của Tào Mạt:

“Tôi được trung ương giao cho viết một vở chèo về Bác. Thú thật lúc đầu tôi thấy vinh dự lắm liền vào ngay thư viện ôm một chồng sách về nghiền ngẫm, vào tận quê ông cụ để lấy thêm tư liệu, đọc cả sách ngoại quốc ca ngợi cụ, rồi để cả năm trời kiểm chứng. Cuối cùng phải bỏ, vì cụ Hồ là người hoàn toàn không tin được, đầy gian giảo, xảo quyệt, khác với những điều bịa đặt trong sách. Bây giờ để có tác phẩm thay thế, tôi phải viết về Hưng Đạo Đại Vương Trần quốc Tuấn”.

Từ trường hợp Tào Mạt Nguyễn Duy Thục, chúng ta có thể suy ra trường hợp của rất nhiều người trẻ Việt Nam khác thuộc thế hệ trước ông hoặc đồng trang lứa với ông. Trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên đã đề cập hoàn cảnh tương tự đã xảy ra cho thân phụ ông vào những năm 30, 40 thế kỷ trước.

Rồi những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, Bùi Minh Quốc, Vũ Cao Quận, nhạc sĩ Tô Hải… và đông đảo những thành phần trí thức kể cả những người đã thoát ra khỏi nước như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần… đã công khai lên tiếng chống lại những hành vi phản quốc của Hànội. Họ là ai, nếu không là những người một thời vì sự thôi thúc của lòng yêu nước đã hăng hái lên đường đi theo Mặt Trận Việt Minh? Những tháng năm dài sau đó, đâm lao theo lao, từng người một bằng cách này hay cách khác đã tự trói mình chịu sự sai khiến trong bàn tay phù thủy của đảng CS. Nhưng cũng nhờ lòng yêu nước, cuối cùng họ đã tìm được lối ra. Ít nữa là cho sự thanh thản lương tâm của bản thân mình, cho dẫu phần đông vẫn còn đang chịu sự thằng thúc của guồng máy công an trị ở trong nước lâu nay.

Với Tào Mạt Nguyễn Duy Thục cũng như với Người Nghệ Sĩ Miền Quê và thấp thoáng nhiều khuôn mặt khác trong các đoản văn, theo tác giả Một Thời Oan Trái, những người bạn xuất thân làng Nủa của ông không chỉ là những kẻ mang nặng tình yêu nước mà thôi. Ở họ còn là những CON NGƯỜI (CON MGƯỜI viết hoa) có trái tim nhạy bén, giàu tình cảm, nặng lòng yêu thương –yêu thương xóm làng, yêu thương bằng hữu-. Chẳng thế mà vào lúc chế độ đang dồn mọi nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ cao trào quần chúng phóng tay phát động chiến dịch tiêu thổ kháng chiến (tất cả những nhà cửa, từ đường, những dinh thự của tư nhân, bao gồm đình chùa miếu mạo, những nơi thờ tự đều phải phá hủy thành bình địa), với tư cách cán bộ địa phương trong Mặt Trận Việt Minh, Tào Mạt đã vì tình cảm xóm làng ngấm ngầm tìm cách bảo vệ ngôi đình làng Nủa, dù biết rằng sớm muộn sẽ có ngày phải trả giá. Chưa hết, giống như Người Nghệ Sĩ Miền Quê đã đồng lõa để cho bạn ông là Phan Lạc Tiếp rời làng Nủa lên Hànội, Tào Mạt đã khuyến khích và hỗ trợ cuộc “dinh tê” của người anh tác giả như lời thuật lại sau đây:

“Năm 1950, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, đặc biệt Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của Mặt Trận, chính anh Thục một đêm bên bờ sông Thao, đã nói với ông anh tôi rằng: ‘Các anh đi đi. Đây không phải là đất của các anh đâu. Phải đi ngay trước khi quá trễ’. Và chính anh đã tiềp tay tổ chức cho ông anh tôi và hai người con trai lớn nhà dì tôi, bỏ vùng kháng chiến trở về vùng tạm chiếm. Giữa đêm đen, chính anh lội xuống mé nước, đẩy con thuyền ra giữa sông Thao. Trong phút từ biệt, anh có nói với ông anh tôi: “Cái thế nó như thế. Các anh cứ về đi. Chưa biết sau này giữa chúng ta ai sẽ cứu ai đâu”. Nói rồi anh lội xuống mé nước đẩy mũi thuyền ra khơi. Anh trơ vơ đứng lại một mình. Bóng anh đen thẫm nhoè dần vào bóng nước.”

Trong bài viết về thi sĩ Hà Thượng Nhân mới đây, nhà thơ Viên Linh đã nhắc tới một cử chỉ đầy tình người của Hữu Loan đối với song thân ông Hà. Theo Viên Linh thì “ông (HTN) không bao giờ quên trong Cải Cách Ruộng Ðất, cha mẹ ông bị cộng sản đấu tố, đêm khuya Hữu Loan, bạn ông đã ôm một mo cơm khoai tới thăm hai cụ”.

Giữa nhà thơ Hữu Loan với Hà Thượng Nhân và giữa Tào Mạt với anh em nhà họ Phan Lạc quả đã có những gắn bó thiêng liêng giữa “những người đã thành tình thành nghiã từ thuở còn thơ trẻ” cho dẫu vì cảnh ngộ éo le, ngang trái, có một thời định mệnh cay nghiệt đã xô đẩy họ vào thế đối kháng nhau giữa hai lằn ranh ý thức hệ.

Với những con người mang trong lồng ngực trái tim mẫn cảm, chan hòa tình yêu thương như thế thì dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào họ vẫn là họ, không hề thay đổi. Đấy là những con người của Mẹ Việt Nam muôn thuở. Đấy là những cánh sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ suy nghĩ ấy cho phép mọi người chia sẻ với tác giả tâm trạng lạc quan, vững tin ở ngày mai, ở tương lai dân tộc. Ngoại trừ thiểu số cộng sản gộc phi nhân tính, đang nắm quyền sinh sát ở ngôi cao, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm đông đảo những thành phần mà vì lý do này lý do khác còn phải ép mình núp dưới cái dù xã hội chủ nghĩa, nhưng tự thâm tâm họ vẫn còn là những con người Việt Nam có nhân tính.

Truyện ký Người Đàn Bà Trên Tàu 502 được Phan Lạc Tiếp chọn đưa vào cuối tác phẩm của ông đã cho người đọc thấy một thứ di sản quái dị, khó tin khác mà chỉ dưới những chế độ độc tài, gian ác, vô cảm kiểu cộng sản mới có. Đây cũng là một chuyện có thật 100 phần trăm được tác giả ghi lại từ đầu cho đến hồi kết cuộc.

HQ 502 tức Dương Vận Hạm Thị Nại, một con tàu hỏng máy đang trong thời kỳ sửa chữa, nhờ may mắn và nhờ cố gắng vượt bực vào giờ thứ 25 của thủy thủ đoàn, sau biến cố 30-4-75, đã đem trên 5000 ngàn sinh mạng tới được bến bờ tự do. Dĩ nhiên trong chuyến hải hành gian nan khổ ải ấy đã có những mất mát không thể tránh. Một trong những mất mát đó là bà L. trong lúc hối hả lên tàu đã đánh rớt đứa con trai ba tuổi xuống biển! Tiếng kêu thất thanh của bà đã lọt vào tai tác giả Một Thời Oan Trái. Và câu chuyện đã được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường khác nhau.

Do thứ tình yêu thương chất ngất của bà mẹ Việt Nam, trong suốt những năm dài sống nơi hải ngoại, người đàn bà bất hạnh mất con vẫn canh cánh bên lòng là con bà còn sống. Và người ta đã lợi dụng lòng thương con cùng sự tin tưởng mơ hồ của bà để kiếm chác. Điều đau xót là kẻ nhẫn tâm lợi dụng không phải ai khác mà lại chính là người em ruột của bà L. với sự toa rập của những thân nhân ruột thịt từng lọt lại miền Bắc sau tháng 7 năm 1954 để trở thành những ông to bà lớn của chế độ, tiêm nhiễm cung cách hành sử bất nhân và lối sống gian ngoan, xảo trá của những người cộng sản.

Cả một kịch bản tinh vi, một cái bẫy sập đã được dựng lên để lường gạt bà L. Vào lúc Bà L. sắp chui vão bẫy thì câu chuyện đổ bể.

Sau đây là lời kể lại của người chị bà L. hiện sinh sống tại bắc California, Hoa Kỳ, được tác giả Một Thời Oan Trái ghi lại:

“Cô lạnh ngắt, ngơ ngác nhìn mọi người. Mọi nguời, từ người em cô L. cho đến những anh em ruột thịt của chúng tôi, hiện là những người có chức, có quyền và có của nữa, tất cả không ai nói gì. Không phiền trách người đã tạo ra cảnh huống này. Mà họ lặng yên cũng phải. Vì đâu phải bây giờ họ mới biết. Họ biết hết, biết rất kỹ từ những ngày đầu khi kịch bản này mới được thi hành, từ khi cô L. cho đăng báo tìm con. Cô L. nhà tôi ngơ ngáo nhìn mọi người. Mọi người dửng dưng, lạnh ngăt.

Mẹ con cô L. lặng lẽ dắt nhau về Mỹ, lặng lẽ sống trong nỗi đắng cay. Và chúng tôi hơn lúc nào hết biết rằng, cô L. đã thực sự mất đưá con từ tối hôm 29 tháng 4 năm 1975 rồi. Và bây giờ khi kịch bản kia vỡ ra, không chỉ cô L. mà tất cả chúng tôi, giòng họ chúng tôi ở Mỹ này, chúng tôi coi như mất hết tất cả bà con ruột thịt hiện sinh sống tại Việt Nam. Giữa họ và chúng tôi như không còn một chút liên hệ huyết thống nào nữa. Họ là những người Cộng Sản thuần thành. Họ là những người khác. Họ không có những rung động, suy nghĩ như chúng ta. Họ như một thứ sinh vật khác….
… Có thể tôi đã nhận định sai. Và tôi cũng mong là tôi sai. Mong lắm. Nhưng với nỗi đau của cô L. nhà tôi, của chúng tôi, thì tôi không có suy nghĩ nào khác được. Người Cộng Sản Việt Nam, họ không phải là người như chúng ta nữa đâu. Họ là những sinh vật khác, ta không thể gần họ được… “

Tác giả ghi thêm những suy nghĩ của riêng ông: “trường hợp bà L.. sao lại thế, thảm thương và tàn nhẫn như thế?! Đông lực nào đã khiến chị em ruôt thịt trong nhà đối với nhau như thế?!

Phải chăng đây là một trong những nỗi đau to lớn nhất của tất cả chúng ta sau cuộc chiến tuơng tàn? Ngoài nỗi tang thương, chia lià, sống chết giòng giã mấy mươi năm, dân tộc chúng ta đang đối diện với sự phá sản tận cùng của lương tri?”

Và ông tự hỏi: “Lỗi ấy từ đâu?!”.

Thật tình cờ, vào những ngày cuối năm 2010, trong khi viết những giòng trên đây tôi nhận được một bài viết có tiêu đề “Cậu bé VN bị bỏ rơi thành vận động viên tiềm năng”. Kèm theo bài viết là một link Video thuật lại những bất ngờ trong cuộc đời nổi trôi của cậu bé, từ khi người bố là ông Nguyễn Hòa Bình một người Việt Nam tha phương cầu thực sống vất vưởng ở Matxcơva dạt về Kharkov, ngày ngày dắt con trai là Nguyễn Hòa Kiên khi ấy mới 2, 3 tuổi lang thang kiếm sống tại chợ Barabasova. Cuối cùng, vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, vì nghiện rượu lâm bước đường cùng, ông Hòa nhờ hội Người Việt trong thành phố giúp phương tiện để hồi hương sau khi giao con trai cho bà Nadezda Dmitrievna Studentsova một phụ nữ người Ucraina tuy nghèo tiền bạc nhưng giầu lòng nhân ái nuôi dưỡng. Từ đấy bé Kiên có tên là Kolia Nguyễn.

Một ngày trong khi cùng bà Nadezda theo dõi chương trình tìm kiếm người thân mang tên “Zdi menhia” (Hãy chờ tôi) trên kênh truyền hình trung ương Nga, bất chợt cậu bé lên tiếng hỏi: “Liệu họ có thể giúp tìm ra mẹ của con không cô?”

Bà Nadezda không khỏi bối rối trước câu hỏi của cậu bé. Lòng vị kỷ xui bà muốn làm lơ. Nhưng là người có lòng nhân hậu, bà hứa sẽ liên lạc với người phụ trách chương trình để nhờ họ giúp. Và bà đã thực hiện trọn vẹn lời hứa. Chỉ ít lâu sau, nhờ sự chuyền tai mách bảo của bà con người Việt ở Ucraina và Nga, cuối cùng người ta đã tìm được chị Trần Thị Hằng mẹ ruột của Nguyễn Hòa Kiên. Khi đó, chị vẫn sinh sống tại Matxcơva, nhưng đã tái hôn với người chồng khác và có một con gái nhưng vì sinh kế khó khăn phải gửi về Việt Nam nhờ thân nhân nuôi hộ.

Vì thái độ ngay chính và lòng bác ái không biên cương, người phụ nữ của đất nước Ucraina xa xôi đã biểu lộ một hành vi cao cả đầy tình người. Dù thâm tâm muốn chiếm hữu Kolia Nguyễn, nhưng trước nguyện vọng muốn tìm mẹ ruột của cậu bé, bà đã vượt khỏi chính mình để làm những gì lương tâm đòi buộc bà phải làm.

Buổi phát sóng chương trình “Zdi menhia” ngày 27/08/2001, với cuộc gặp gỡ đầy nước mắt của hai bà mẹ Việt Nam và Ucraina tại kênh truyền hình Ostankino ở Mạc Tư Khoa, cùng sự ngây thơ đến tội nghiệp của cậu bé Kolia – Nguyễn Hòa Kiên khi đó, đã gây xúc động cho hàng triệu trái tim khán giả truyền hình tại Nga, tại Ucraina và các quốc gia lân cận. Sau cuộc hội ngộ đầy nước mắt, khi người điều hợp chương trình hỏi ý kiến, hai bà mẹ đều muốn được nuôi dưỡng Kolia. Tuy nhiên, cả hai đồng ý dành cho cậu bé quyền quyết định tối hậu. Và trước ống kính truyền hình với sự chứng kiến của nhiều ngàn khán thính giả, Kolia Nguyễn đã chọn được sống với mẹ nuôi.

Hai câu chuyện. Hai cảnh ngộ. Hai thời gian và hai khung trời xa cách. Nhưng cả hai đều tạo ấn tượng mạnh trong tâm tình người đọc.

Tấm lòng nhân ái bao la như trời biển của người phụ nữ Ucraina là vùng sáng chan hòa, là những nốt nhạc vui cho cuộc sống xô bồ hỗn tạp hôm nay. Nó làm bật lên nỗi khốn cùng của con dân Việt Nam qua vũng tối lầy lội, ngập ngụa những tâm địa hẹp hòi, đê tiện của những kẻ được sinh ra cùng một cha mẹ nhưng đã cư xử với nhau còn thua loài trâu chó! Và câu hỏi của tác giả: “Lỗi ấy từ đâu?” mãi mãi là một gợi nhắc hoài hoài cho mỗi người Việt Nam chúng ta cùng suy gẫm.

Có điều chắc chắn là đêm tối rồi sẽ qua để cho bình minh trở lại. Những đau thương, nghiệt ngã mà người dân Việt phải gánh chịu –trong đó có người dân làng Nủa Chợ của tác giả họ Phan- rồi cũng có ngày phải lùi xa để cho 90 triệu dân Việt có cơ may góp mặt vào thế giới yêu thương của loài người. Từ sâu thẳm của niềm tin, nhà văn Phan Lạc Tiếp đã cảm nhận điều ấy khi đặt tên cho tác phẩm của ông.

Oan trái sẽ không thể kéo dài miên viễn. Chắc chắn nó sẽ chỉ là hiện tượng của một thời –Một Thời Oan Trái-.

Điều này dễ dàng lý giải. Dường như ai đó đã để lại một câu bất hủ: yêu thương luôn luôn mạnh hơn chết chóc.

———————
*Sách dày trên 400 trang,in ở Đài Loan, đóng chỉ, bìa cứng offset 4 màu, ấn phí 25 MK. Mọi liên lạc xin thư về Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O Box: 4653. Email hoặc điện thoại cho:
1/ Nhà văn Uyên Thao: uyenthao1@juno.com – (703) 573-1207
2/ Nhà văn Trần Phong Vũ: tphongvu@yahoo.com –(949) 232-8660
Chi phiếu hoặc lệnh phiếu xin ghi trả cho : VLAC/Tiếng Quê Hương

Phản hồi