WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thi ca và tư tưởng- Trường hợp điển hình trong thi ca của Tố Hữu

Bản chất chính của thi ca là diễn đạt cảm xúc, tình cảm cũng như tư tưởng. Đó là ý nghĩa tại sao thơ có thể trong hình thức trình bày, mô tả, hoặc trong hình thức gợi hình ảnh và gợi ý thức, tức cảm thức, và gợi suy nghĩ, tức duy về một đối tượng. Dĩ nhiên trong ba yếu tố càm xúc, tình cảm và tư duy, tư tưởng như thế, tùy trường hợp, tùy tác giả, có thể yếu tố này lấn lướt hoặc vượt qua hai yếu tố còn lại, hay chúng chan hòa nhau, phối hợp nhau, hoặc tiết giảm nhau, mà người đọc tất nhiên cảm nhận được, hoặc ưa thích hay không ưa thích theo thị hiếu, cảm quan riêng của mình.

Chính bởi vậy, có khi nhà thơ có khuynh hướng về tính cách này, hoặc tính cách khác như trên đã nói, và cùng tùy theo khuynh hướng, trình độ thưởng lãm của người đọc, người tiếp nhận thơ cũng lựa chọn trong tính chất này hay tính chất khác, tùy theo câu thơ, bài thơ, hay tác giả, đó chỉ là ý nghĩa cảm quan hay thị hiếu, tức có đáp ứng được tâm tư, tình cảm, cảm quan nghệ thuật, hay sự đánh giá về ý nghĩa, giá trị của hình thức và nội dung của bài thơ đưa lại cho mình hay không. Nói khác đi, thơ ngoài nội dung chuyển tải, phải có hình thức nghệ thuật đúng nghĩa, đồng thời sự gặp gỡ giữa trình độ thưởng ngoạn và trình độ sáng tác là ý nghĩa không thể nào tránh được.

Tố Hữu (1920-2002)

Trường hợp Tố Hữu, từng được gọi là nhà thơ lớn, ít ra có số đông đảo người Việt Nam hiểu như thế, một nhà thơ lớn nhất thời cận đại của lịch sử văn học đất nước, thậm chí có người hiểu như xuất sắc kiểu thiên tài, một nhà thơ tiểu biểu chi đỉnh cao của nghệ thuật thi ca của giai đoạn mới, một nhà thơ cách mạng đầu đàn và tiêu biểu nhất, nói chung giống như một nhà thơ vĩ đại, có sự nghiệp để đời khó có ai vượt qua được, sẽ còn mãi trong thời gian về mọi mặt. Thực chất, điều này ra sao, về mặt cá nhân và lịch sử, về mặt văn học nghệ thuật, về mặt ý thức tư tưởng, về mặt tư duy nhận thức, nói chung là mọi mặt đều cần nên đánh giá một cách khách quan, chính xác.

 

Thơ Tố Hữu tất nhiên có nhiều, dễ gì cũng cả đến nhiều trăm bài. Tất nhiên công bằng mà nói, bình thơ hay đánh giá thơ, hoặc văn học nghệ thuật nói chung, cần phải đưa vào trong tình huống, hoàn cảnh khách quan cụ thể của nó, tức là bối cảnh xã hội, môi trường sáng tác, tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài, đó là các yếu tố tiền đề hay tiên quyết. Nhưng nói như vậy không có nghĩa nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ thuật chỉ hoàn toàn thụ động. Bởi yếu tố tài năng thật sự là yếu tố luôn luôn chủ động, tài năng là cái gì phát tiết từ trong, hoàn toàn không phải đến từ ngoài. Đây cũng là yếu tố để xem xét, nghiên cứu, đánh giá về thi ca, nghệ thuật nói chung, cũng hết sức quan trọng, không thua kém gì yếu tố hoàn cảnh lịch sử như trên kia đã rõ. Thế nhưng, chính yếu tố sau mới là yếu tố quyết định, bởi vì mọi giá trị, thành quả nghệ thuật có để đời hay không, có mang giá trị, ý nghĩa gì đến người đọc hay không, vẫn chính là tài năng, trong đó bao gồm cả ý thức, tư duy, hay tư tưởng của người sáng tác.

Một bài thơ điển hình, đáng nói đến nhất của nhà thơ Tố Hữu trong ý nghĩa nói trên, chính là bài thơ “Đời đời nhớ Ông …” mà tác giả sáng tác vào thời điểm tháng 3 năm 1953. Đọc bài thơ này, ngay khi vào đầu người ta thấy:

“Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!”

Đoạn thơ đầu này là song thất lục bát, thơ cổ điển Việt Nam, nhưng kế tiếp tác giả đưa vào hai từ nước ngoài giữ nguyên thể, thành ra giống thơ kiểu yết hậu. Đây là hình ảnh của một cậu thiếu niên hay nhi đồng xem ảnh. Ảnh đây tất nhiên phải là ảnh màu. Nhưng hình tượng nổi nét chính là đôi mắt hiền hậu và khóe miệng tươi cười. Song đó cũng chỉ là sự thể hiện qua ảnh, nhất là giữa đám thiếu niên nhi đồng, còn tính chất thực của người trong ảnh ra sao vẫn là chuyện khác. Vả lẽ bà mẹ lại cho cậu con còn bé của mình xem ảnh một lãnh tụ chính trị vĩ đại nước ngoài vào thời đó là một điều cũng rất hết sức đặc biệt rồi.

Đoạn kế tiếp tác giả viết :

“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”

Đoạn này đã chuyển qua ngôn ngữ hay suy nghĩ của người mẹ. Người mẹ nhớ lại khi con tập nói, tiếng nói đầu tiên là ngôn ngữ nước ngoài. Đây quả là điều kỳ diệu. Tập cho đứa bé Việt Nam phát âm tiết lần đầu, thay vì đơn âm tiết như vẫn có, đây lại là đa âm tiết, quả thật hết sức lạ lung, khó hiểu. Lại hình ảnh tiếng loa gọi ngoài đồng cũng khó hiểu nốt. Loa này là loa điện hay loa tay ? Một tin tức quan trọng về cái chết của lãnh tụ chính trị nước ngoài, hay của cả thế giới cách mạng đi nữa, cũng chỉ phải đăng báo hay phát trên đài là đủ, tại làm sao phải đi gọi loa ngoài đồng để phổ biến cho các nông dân, quả thật cũng là một ý quái lạ và hết biết mà nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả.

Bởi vậy, tác giả cũng đi sâu vào giải thích về tiếng loa xé ruột, khiến cho mọi người đều cảm thấy xé lòng, nên đó cũng là ý nghĩa tại sao làng trên xóm dưới xôn xao, bởi vì như một tin tức sét đánh, bất ngờ, khiến cho tất cả mọi người nông dân trong làng khi đó đều hoàn toàn ngơ ngẩn, không ngờ bổng nhiên trời đất tối sầm lại, trời long đất lở, vì con người vĩ đại Stalin đã không còn nữa, giống như mặt trời tự nhiên đã rụng mất khi nào. Họ hoàn toàn không biết lý do làm sao, như tác giả mô tả. Biết ông ta chết nhưng không nghĩ là ông ta chết. Bởi vì ông ta là bất tử. Thế mà điều nghịch lý bất ngờ đã xảy ra. Người bất tử này đã chết. Hay ông đi đâu nhỉ? Làm sao có chuyện lạ lung như thế nhỉ? Đó là tâm trạng hoàn toàn muốn diễn đạt của nhà thơ. Ông tự đặt tấm lòng của mình vào tấm lòng của nông dân, vào tấm lòng của nhân dân, vào tấm lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc đó.

Đó là lý do tại sao khi vị lãnh tụ đó mất, đối với nhà thơ đất trời như không còn nữa. Cho nên, dù là có thương cha mẹ bao nhiêu, thương bản thân mình bao nhiêu, cũng khồng bằng lòng thương đối với một nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài. Những cái thương trước không thể không có, nhưng cũng chỉ là một. Còn cái thương sau, không biết có thật có không, nhưng nó lại đến mười. Đây là điều rất đặc sắc trong tư duy của nhà thơ Tố Hữu. Bởi thương cha mẹ là chữ hiếu truyền thống muôn đời của dân tộc. Thương bản thân là lẽ tự nhiên trên cuộc đời này, nó là quy luật sinh học, là bản năng bao triệu năm tiến hóa tự nhiên của giống loài. Thế mà các truyền thống đạo lý đó, các quy tắc khách quan đó, vẫn không thể nào lớn hơn được ảnh hưởng chính trị, không thể nào lớn hơn được ý nghĩa và giá trị của chính trị. Quả Tố Hữu là nhà thơ có tư tưởng chính trị lớn nhất không những của lịch sử mà còn của muôn đời.

Để lý giải điều trên, tức đoạn tiếp theo, tác giả viết:

“Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày”

Qua đoạn thơ này có thể thấy được sự so sánh về mặt tình cảm của tác giả, qua hình ảnh của người mẹ. Đó là tình yêu con, yêu nước, yêu tổ quốc cũng chỉ ngang bằng hay không hơn gì tình yêu đối với nhà lãnh tụ nước ngoài vĩ đại. Lý do tại sao, vì ngày xưa mọi người dân ta đều không có sự sống đúng nghĩa, chỉ có khô héo và quạnh hiu. Chỉ nhờ lãnh tu nước ngoài đó mà ngày nay dân ta mới có được ít nhiều vui tươi. Về hình ảnh nghệ thuật, tác giả còn sử dụng rất đạt ý tứ sự đói rách tơi bời của ngày xưa. Đói rách mà tơi bời, giống như bão tố làm cho mọi vật tơi bời. Hay, hay lắm. Lại ý thơ rất xuất sắc khi tác giả thể hiện hình ảnh cụ thể nồi cơm to là nhờ có lãnh tụ. Nồi cơm to, quả là mong ước tự nhiên của người nông dân, nhất là nông dân nghèo ở nước ta. Đó là các tình cảm dung tục, tự nhiên trong cuộc đời. Nhưng đây lại là hình ảnh của thi ca, nghệ thuật, của ngôn ngữ trau chuốt, văn chương, mà ý nồi cơm to thì thật là thiên tài trong cách diễn đạt.

Chưa hết, hình ảnh được tác giả đưa ra còn hết sức độc đáo khi nói về cùm kẹp dày vò. Cùm kẹp thì đày đọa, ở đây cùm kẹp chỉ mới dày vò, quả thật tác giả đã thi vị hóa bớt đi tính khổ ải của cùm kẹp, tức cũng là một ý nghĩa của văn chương để làm cho mọi cái gì nặng nề đều được nhẹ bớt. Thế nhưng dầu sao đi nữa, cũng nhờ lãnh tụ vĩ đại mọi người mới có được tự do trong hiện tại lúc đó, tức trong tháng ngày. Tuy nhiên tác giả quên rằng ngoài các thời kỳ ngoại xâm trong quá khứ, nhân dân ta vẫn luôn được tự do, vẫn có nền độc lập, tự cường, đâu phải chỉ chờ đến ơn mưa móc của vị lãnh tụ nước ngoài Stalin mới có được điều đó. Ngay như để thoát được ách thực dân Pháp, đã có quá trình đấu tranh xương máu và hị sinh trong suốt 80 năm của toàn dân tộc, của bao nhà yêu nước anh hùng, đâu phải chỉ nhờ có công ơn của Stalin. Cho nên, hình ảnh bà mẹ, ý tứ tác giả, quả thật có thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của mình, chỉ tiếc tấm lòng yêu nước thương dân đó lại quá bé bỏng, bé nhỏ so với lòng yêu nhà lãnh tụ nước ngoài vĩ đại, giống như con chuột nhắt so với trái núi đồ sộ, cho nên không biết nó có còn ý nghĩa, giá trị gì không, hay thật sự bản chất tự thân của nó thực chất có tồn tại, tức có có hay không.

Lý do nhằm giải thích tổng thể các điều này, hay tổng thể chủ đề của bài thơ, tác giả viết:

“Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông! Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời”

Quả thật tác giả trong mong ngày mai dân có ruộng cày, ngày mai nước nhà độc lập, thì một nửa của nguyên nhân đó chính là nhờ có ơn nhà lãnh tụ nước ngoài là Stalin. Đó là thời điểm 1953, tức tác giả đang nói về tương lai, hay lúc đó điều gì tác giả mơ ước hãy còn chưa có. Đó cũng chính là hình ảnh của người mẹ nhắn nhủ đứa con, lá khi lớn lên trọn đời phải nhớ ơn chính lãnh tụ nước ngoài đó, vì là người có vai trò ý nghĩa quyết định một nửa trong việc mang lại hạnh phúc cho toàn thể nhân dân ta. Còn riêng bà mẹ thì vì thương ông ta nên cũng một lòng yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con. Tức tình yêu Stalin trong lòng bà mẹ mới tạo nên tình yêu tất cả. Yêu quê hương đất nước, yêu chồng con, đối với bà chẳng qua cũng chỉ vì, cũng phát sinh do tình cảm yêu quý Stalin. Bởi nếu không có tình yêu đó, bà mẹ cũng chẳng nguyện gì cả. Thay vì chính vế sau, các yếu tố sau quyết định vế trước, ở đây nhà thơ Tố Hữu đặt ngược lại. Tình yêu với lãnh tụ nước ngoài, với Stalin đối với ông quả thật là điều kiện tiên quyết, là tiền đề, là điều kiện nhất thiết phải có để có được mọi tình yêu khác. Đây đúng là nhà thơ vĩ đại của cả một dân tộc từng có bốn ngàn năm văn hiến.

Ngoài ra, về mặt thi pháp, nghệ thuật, ông dùng điệp ý rất khéo, vì khi lãnh tụ đã khuất thì không còn nữa. Quả thật là vô cùng xuất sắc, ý thơ vô cùng lai láng, phong phú, không thể nào nói được sự là trùng lắp. Lại một sự thi vị hóa, khi ông mất rồi nhưng chân ông mãi mãi là dấu son trên đường. Đúng là một nhà thơ giàu sức tưởng tượng có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc. Bước chân của nhà lãnh tụ chính trị vĩ đại để lại dấu son trên đường, còn đẹp hơn dấu son của gót chân son một người thục nữ. Ý nghĩa quái chiêu nữa là hình ảnh con đường, không biết đây là con đường cách mạng, con đương đời, con đường sự nghiệp bản thân, con đường làng bùn lầy đất cát của quê hương, hay còn đường đầy tuyết trắng và lạnh giá của xứ bạch dương. Quả là tâm hồn nhà thơ thật sự bay bổng, ý như kiểu diều gặp được gió, tha hồ mà vi vút, vung vít.

Nhưng không, tác giả cũng thể hiện ra được điều đó một cách cụ thể ngay liền sau đó. Ấy là con đường quê trong sáng tinh sương. Đây quả thật cũng là sức tưởng tượng phi thường và thật sự rất ghê hồn. Stalin đã qua đời đột ngột từ bên Nga, thế mà dấu chân ông lại tái hiện trên đường quê hương ta trong một sáng tinh sương mấy ngày sau đó như Tố Hữu nhìn thấy. Đó chính là hình ảnh khói hương nghi ngút xóm làng như ta nhìn thấy qua câu thơ. Còn hình ảnh thật sự khách quan trong thực tế ra sao, chỉ có những người nông dân, mọi người dân vào thời điểm đó biết. Dầu sao biệt tài hình tượng hóa hình ảnh trong thơ của Tố Hữu quả thật luôn luôn xuất sắc, thiên tài mà ai cũng biết. Lại còn hình ảnh vô cùng đau buồn khác là ngàn tay trắng  những băng tang. Điều này thực có hay không, chỉ có những nhà viết sử, những nhà chính trị lúc đó, những người nào thực tế chứng kiến lúc đó, vào thời điểm đó mới có thể mang lại cho mọi người một khẳng định hay bằng chứng chính xác được. Để cuối cùng tác giả kết luận ý nghĩa của sự nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời, giống như một bài thơ có hậu. Nối liền khúc ruột đây không phải là khúc ruột cách mạng, khúc ruột chiến đấu, khúc ruột đấu tranh chống xâm lăng, mà chỉ là khúc ruột nhớ thương, tức nhớ ơn đời đời với nhà lãnh tụ nước khác. Hình ảnh nối liền khúc ruột là hình ảnh cụ thể mà đầy ý nghĩa và hình tượng. Một khúc ruột dài trên toàn thế giới, cùng sự nhớ thương và sự nhớ ơn phủ trùm lên cả toàn thế giới. Quả là nhà lãnh tụ nhân loại vĩ đại nên mới khiến tác già nhà thơ cảm xúc ra một tác phẩm bài thơ hoàn toàn vĩ đại.

Nói tóm lại, thi ca và tư tưởng là điều luôn luôn gắn bó. Trừ trường hợp những loại thơ tình ái nhăng cuội, riêng tư, những tác phẩm thi ca mang tính cách tình cảm, càm xúc rộng lớn hơn, hay hướng về xã hội, cuộc đời nói chung đều không thể không có tư duy, tư tưởng. Ngay cả trong thi ca tình ái bình thường, cũng không phải không có tư tưởng. Song đó là tư tưởng loại thấp nhất, loại nhạt nhòa nhất, đó là các suy nghĩ, các quan điểm hay các suy tư về lứa đôi, tình ái. Đó là thứ tình cảm, thứ tư duy chỉ gần với tính thương ghét của bản thân, không bao giờ vượt qua được ranh giới nhỏ hẹp, hay hướng đến các chân trời rộng lớn hơn. Nhưng các thi ca về cảm xúc nhân văn, cuộc sống nói chung, thường không thể không có hay không thể tách ly với những tư duy, suy nghĩ, những càm quan nhận thức. Đành rằng thi ca là nghệ thuật, là cảm xúc bay bổng hay lắng đọng, nhưng trong cái ngọt ngào, đắm say của nghệ thuật, vẫn có ẩn nấp, che giấu cái gì đó cốt lõi hơn, quyết định hơn, đó là ý nghĩa của tác phẩm hay tư tưởng của bài thơ, tư tưởng đây là tư tưởng được biểu hiện về mặt cảm xúc, tình cảm.

Cho nên thơ ca và triết học, thơ ca và chính trị, thơ ca và xã hội, đời sống, vẫn là điều luôn luôn có trong bất kỳ thời đại hay quốc gia, xã hội nào. Đó là mối quan hệ giữa tư tưởng, cảm thức và thi ca như trên kia đã nói. Các nhà thơ lớn nhất của nước ta như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu đều luôn luôn thể hiện điều đó. Ai không từng say mê đọc tác phẩm Truyện Kiều, đọc Chinh Phụ ngâm, đọc Cung oán ngâm khúc. Cái hay ở đây không phải chỉ hình thức nghệ thuật tuyệt tác của muôn đời, tức nghệ thuật thi pháp bất tử, mà còn hay về nội dung, về ý nghĩa, tức hay về tư tưởng, nhân sinh quan, tư duy noí chung của các tác giả. Đó là những suy nghĩ về thân phận con người, về xã hội, về cuộc sống, những suy nghĩ tự mình có, những nhận thức tự mình có, mà không hề du nhập hay vay mượn một cách giả tạo, tầm thường kiểu thương vay khóc mướn. Đó là cái hồn của dân tộc thể hiện qua tình người, cái chất của dân tộc thể hiện qua tâm huyết, qua tấm lòng, qua tình cảm chân thật, qua suy nghĩ và tư duy độc lập của chính nhà thơ, không phụ thuộc vào bất cứ ai hay điều gì không phải chính là bản thân của những nhà thơ thật sự đang yêu, đáng ngưỡng phục, hâm mộ, đáng ngợi ca thật lòng, và đáng kính đó.

Nên nói cho cùng, tư tưởng, tình cảm của mọi người phải luôn là cái gì chân thực, xuất phát tự đáy lòng một cách hoàn toàn tự nhiên, trong sáng, thì điều đó mới thật sự có ý nghĩa, giá trị của bản thân mình, cho mọi người và cho xã hội. Mọi cái gì mang cách diễn kịch, vay mượn giả tạo, thường chỉ có tính thực dụng nhất thời, không thể còn mãi với thời gian, bởi nó xa lạ, không quan thiết với tình người, với tình cảm, cảm thức của mọi con người chân thực. Dĩ nhiên nhứng nhà thơ lớn có thể có tư tưởng riêng, nhưng khi ấy họ đã mang dáng dấp của những nhà triết học, nhà tư duy độc lập. Còn thông thường, những nhà thơ khác, dù vĩ đại bao nhiêu, đó vẫn chỉ là ví đại trong thơ ca, họ có thể chuyền tải tư tưởng của người khác, như tư tưởng trong các tôn giáo, các nhà tư tưởng triết học khác nhau, nhưng khi đó chúng đã trở thành tư tưởng riêng của họ, càm xúc riêng của họ, sự chia sẻ riêng của họ, sự diễn đạt hay sự vận dụng hoặc mục đích riêng của họ, đó chính là những nhà thơ. Thơ ca là nghệ thuật, nhưng nghệ thuật là gì nếu không phải là sự chắt lọc, là tinh hoa, tinh túy của lòng người, của truyền thống các dân tộc, của các bức tranh về xã hội trong ý nghĩa tinh khiết, đẹp đẽ, thu hút, hấp dẫn trong chính những sự thăng hoa của tâm hồn và tình cảm.

Sài Gòn một buổi sáng trời nắng đẹp

(15/3/2011)

© Võ Hưng Thanh

© Đàn Chim Việt

61 Phản hồi cho “Thi ca và tư tưởng- Trường hợp điển hình trong thi ca của Tố Hữu”

  1. Vó Hưng Thanh says:

    Nói về thơ là nói về nghệ thuật tiết điệu và hình ảnh. Trong lịch sử văn học VN, tất nhiên giá trị này có rất nhiều, nhưng theo tôi đỉnh cao nhất không ai qua được đại thi hào Nguyễn Du và nữ thi sĩ tài hoa Đoàn Thị Điểm.
    Chính là là sự giao hòa giữa hình tượng và âm điệu, nhạc tính như thế, nên ai muốn làm thơ hay phải luôn nên học Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm. Tất nhiên, thi tài là cái trời sinh, có học cũng không được. Song phương pháp luận phát huy nghệ thuật, đại để nó là như thế.
    Riêng về cách nói hàng hai, đó là nghệ thuật thường thấy của thơ, khiến ai hiểu sao cũng được, hình ảnh thật cũng như hình ảnh mượn. Tại làm sao, đó là vì tâm hồn nhà thơ quá phong phú, nhìn một sự vật có thể thấy nhểu sự vật. Nhưng đó cũng là cách chia sẻ cùng người thưởng thức thơ. Tức nhiều khi bài thơ còn được người thưởng ngoạn thả sự tưởng tượng, tâm hồn, hình ảnh nhân lên, đôi khi còn vượt xa hơn cả nguyên tác. Đó chính là điều mơ tưởng của chính nhà thơ khi sáng tác.
    Cho nên phải có tâm hồn thơ mới có thể thưởng thức, thưởng ngoạn phong phú nhất, sâu lắng và thăng hoa nhất về thơ. Các hình ảnh đôi hay ba đó, như có ông bạn chê bai là phức tạp, hàm hồ, tôi xin đan cử chỉ hai trong số các bài thơ đã có của tôi thời còn xuân thì, để mọi người có thể nhận định và đánh giá thêm về nghệ thuật thơ. Đây là những bài thơ ngắn do tôi làm từ hơn 40 năm trước, cũng là để đối chiếu với nghệ thuật thơ bất hủ của Tố Hữu :

    ĐI THUYỀN TRÊN BIỂN ĐÔNG

    Ta đi trên cõi hành tinh
    Không gian phẳng lặng thấy mình bao la
    Gió trời thổi lộng tim ta
    Tình đời bát ngát từ ra tim này
    Không gian bao rộng trời mây
    Thời gian bao rộng tháng ngày ta đi …

    MUA GẬY TRÊN ĐẢO LẠI SƠN

    Đảo không sơn mà bảo rằng sơn lại
    Nói hai ngàn ta trả một ngàn hai
    Người chẳng hiểu nên người không khứng chịu
    Vài trăm thêm thôi người khỏi kêu nài
    Tình non nước ta ghi đây vài chữ
    Núi sông này muôn thưở cũng không phai …

    BUỔI SÁNG MAI NGỒI NGƯỢC LẠI ÁNH MẶT TRỜI

    Ta ngồi đây ta ngồi trước mặt Trời
    Trời bẽn lẽn lén nhìn sau tóc gáy ….

    NGỒI TRONG PHÒNG BỊ NẮNG GIỌI TỪ LỔ THỦNG TRÊN TRẦN NHÀ

    Mặt Trời sao cứ nhìn ta thế
    Đâu phải trên đời chỉ có ta …..

    Thơ của tôi còn nhiều nữa, nhưng đại khái hình ảnh và tiết điệu đều luôn luôn thoải mãi, tuông chảy, và dễ dàng như thế, làm rồi còn không nhớ tới nữa. Cho nên cũng chẳng có gì để lại lâu dài cho đời như nghệ thuật thơ Tố Hữu. Còn thơ hiện đại làm, cũng đã làm cả đống, chỉ tiếc là đâu có thì giờ nhiều để ngồi mà chuyên môn làm thơ, nên nếu có ai tò mò, cứ liên lạc để tôi sẽ gửi xem chơi.

    Việc đời có gì quan trọng đâu. Cứ sống thoải mái, nhẹ nhàng và tự nhiên, và mọi sự trao đổi, trình làng nhau, nó cũng chỉ như kiểu gió thoảng, mây bây, nước chảy như thế thôi ….

    Nghệ thuật thi ca là thế, và nghệ thuật cuộc đời, tức nghệ thuật sống trên đời, nó cũng là như thế ….

    VHT

  2. Anonymous says:

    “Thay vì chính vế sau, các yếu tố sau quyết định vế trước, ở đây nhà thơ Tố Hữu đặt ngược lại. Tình yêu với lãnh tụ nước ngoài, với Stalin đối với ông quả thật là điều kiện tiên quyết, là tiền đề, là điều kiện nhất thiết phải có để có được mọi tình yêu khác. Đây đúng là nhà thơ vĩ đại của cả một dân tộc từng có bốn ngàn năm văn hiến.”

    Ha ha ha, cú móc này khá thâm đấy!

  3. LeQuocTrinh says:

    Thân chào ông Lê Dân Việt,

    Cám ơn hồi âm giải thích của ông. Ông và tôi đang sống và làm việc ở Canada, thì chắc hẳn ông hiểu nếp sống trung thực của người văn minh xứ này. Có nghĩa là lời nói ngay thẳng rõ ràng trực tiếp vào chủ đề, vắn tắt nhưng chi tiết đầy đủ, tuyệt đối không có lối nói hai nghĩa, mập mờ, ai muốn hiểu như thế nào cũng được. Chỉ có ở VN vì môi trường chính trị ô nhiễm dơ bẩn, “ném đá dấu tay”, “lập lờ đánh lận con đen”, độc tài, tuyên truyền, trù dập, theo dõi, cho nên người dân không dám nói thẳng ý muốn của mình, đành phải dùng phong văn mỉa mai, châm biếm hai nghĩa. Vì thế nên tôi mới nhắn nhủ ông Võ Hưng Thanh rằng “Bút sa gà chết”, viết mập mờ hai nghĩa thì sẽ gây tranh luận vô bổ, thế thôi! Chưa nói nó còn để lộ phong cách người viết nữa.

    Giữa tôi và ông chẳng có vần đề chi cả,

    • Lê Dân Việt says:

      Thân chào ông Lê Quốc Trinh,

      Cám ơn ông đáp lời. Tôi vượt biên tỵ nạn qua Canada đã lâu, sống và làm việc tại thành phố Montreal, Canada. Không biết ông ở đâu tại Canada? Nếu tiện ông có thể liên lạc qua e-mail của tôi để trao đổi riêng.

      Tôi đồng ý với ông là chúng ta sống ở Canada, một xứ tự do, tôn trọng mọi quyền tối thiểu của con người, thành thử chúng ta có quyền nói một cách thẳng thắn, thậm chí chỉ trích chính phủ và thủ tướng một cách công khai nếu những điều chúng ta nói là sự thật, không phỉ báng ai. Nhưng ở VN thì khác hoàn toàn. Vì vậy, chúng ta có cơ hội để góp ý một cách thẳng thắn trên diễn đàn này, để hỗ trợ những người đấu tranh tại VN. Ngay cả chúng ta biết một số bài viết, ý kiến của phe CS trá hình trong trang báo này, thì chúng ta phải khôn khéo hơn chúng để mà vạch mặt chúng, tố cáo chúng bằng cách này hay cách khác. Bởi vì DCV là diễn đàn mở, tôn trọng tự do ngôn luận, nên BBT DCV không thể từ chối những bài viết, ý kiến trái ngược với chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải lựa theo gió mà bẻ cây măng. Tất cả không ngoài mục đích là cùng nhau góp một bàn tay tiêu diệt độc tài CSVN, một lũ sâu dân mọt nước, mãi quốc cầu vinh.

      Tôi không hề nghĩ là có vấn đề gì với ý kiến của ông, tôi chỉ muốn giải thích thêm để khỏi hiểu lầm giữa chúng ta.

  4. Thơ với người là một. Đọc thơ thấy người ( tức tác giả và thời đại nhà thơ đã sống và nói tới) và thơ của Tố Hữu muốn phân tích bình luận thì phải chia ra nhiều giai đoạn mới có thể đánh giá một cách khách quan về nhà thơ này.
    Trước tiên về những bài thơ trước năm 1945 thì thơ của Tố Hữu mang âm hưởng của nền thơ ca lãng mạn thời đó nên có nhiều bài thơ rất hay để lại dấu ấn cho đời khó phai như: Cô gái sông Hương là một trong những bài thơ được bạn đọc thời đó và nay vẫn yêu quý.
    Nhưng tới những năm 1945 trở về sau này thì thơ Tố Hữu là thơ của cách mạng vì chính ông là một nhà cộng sản ( nói chính xác là hạt giống đỏ Cộng sản) nên bất luận bài ông viết gì cũng đều toát lên hơi cách mạng chống đế quốc và mong kiến lập một nhà nước Việt nam dân chủ Cộng hòa. Cho nên thơ lúc này là cổ động cách mạng,ngoài ra các yêu tố nội dung và tư tưởng khác ngoài tính cách mạng, tính cộng sản đều không còn nữa nhưng đựoc xào nấu tài tình bằng nghệ thuật điêu luyện của người quá giỏi thơ. Vì vậy tính cổ động cách mạng có giá trị lớn nếu xét theo tiêu chuẩn cách mạng. Vì lẽ đó khi cách mạng đã thành công, nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa ra đời thì thơ ông đến đây hết nguồn cảm hứng để viết vì cảnh đời, xã hội không còn đứng như lý tưởng và suy nghĩ của ông đã ấp ủ lúc thanh niên bước vào đời làm cách mạng. Đến lúc này ông làm bài thơ nào cũng gượng gạo và gò bó nên thực sự không còn được bạn đọc yêu quý nữa. Chỉ có điều ngày đó các nhà xuất bản phải đăng vì ông đã là lãnh tụ của Đảng và nhà nước rồi, hay hay không hay cũng phải đăng và theo đó còn có cả bao nhiêu nhà phê bình ăn theo nữa, tha hồ phân tích, thỏa sức ca ngợi, xào xáo cho thơm nhưng khổ thay thơ chỉ sống được vài ngày là chìm nghỉm chẳng ai còn nhớ nữa, chẳng thể sống hơn được với thời gian. Như tượng ông Mao xưa với người Trung quốc là thiêng liêng mà nay tại Hải nam họ cũng phá bỏ đang gây ra tranh luận ghê gớm. Tượng ông Lê nin hay Sadam Hoetsen cũng vậy nó đâu có sống mãi với thời gian vì đó đơn giản chỉ là để cổ võ chính trị. Nếu nhà tạc tượng hay điêu khắc mà tạc hình Phật hay đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát hay Phật Di-Lặc như ở Trung quốc hay Hồng kông hiện nay thì có phải để tiếng mãi muôn đời không? Đây là do cái đức và phúc của người làm nghệ thuật quyết định lên. Nhưng công bằng mà nói thơ Tố Hữu có tiếng vang và tác dụng vang dội một thời cổ vũ cho những anh lính Vệ quốc quân xống trận đỡ sợ cái chết, dám bỏ mình để dành lấy đất nước từ tay thực dân Pháp hay chống Mỹ vừa qua. Tác dụng chỉ đến đây và người ta nay nhớ nó chỉ còn vài ông phê bình thơ bắt buộc biên chế nhà nước ăn lương hay làm theo đặt hợp đồng mà thôi.
    Một tác phẩn hay là tác phẩm đó phải sống mãi với thời gian như thơ Nguyễn Du, Thơ Nguyễn Bính, thơ Xuân Diệu v.v…
    Tôi không là nhà phê bình văn học nên góp ý vài lời bâng quơ. Xin bạn đọc lấy làm tiêu khiển nhé.
    Nguyễn Hoàng Hà

    • Võ Hưng Thanh says:

      Nhà thơ trước phải nhà thơ
      Rồi sau mới chuyện ngu ngơ ở đời
      Chớ nên trước đổi sau dời
      Nhà thơ lại hóa cái nhà chi chi
      Khách quan chớ ngại điều gì
      Phê bình thẳng chạc có khi hay nhiều
      Giữa đời không ngại cô liêu
      Cứ nên đứng thẳng nhiều người khoái ta
      Trời cao đất rộng bao la
      Làm người đứng thẳng mới ra con người !

      VHT

  5. nguyenha says:

    “Thơ là tiếng lòng”,tuy nhiên thơ không phải chỉ là phương tiện dể”mơ với trăng và vơ vẫn từng mây…”
    Trong thơ vẩn có Tư-tưởng,triết-lý,nói vậy không có nghĩa là những nhà thơ lớn có tưởng riêng?Dã là nhà thơ,nhà văn…nói chung những người làm nghệ-thuật,thì chất liệu vẩn ở quần chúng,họ phải gạn lọc,phải chắt ra từ quặng mỏ tư-tưởng thành”vàng ròng”có khi dượccả”kim cương”nữa,nhưng không phải thế mà biến thành của riêng dược.!!Trở lại với Tố-Hữu,không ai phủ nhận dược Thi-tài của Ông,nhưng dây chỉ là”tay nghề”mà thôi,không khác nào tay nghề của người thợ!! Vì thế trong
    thơ của Tố-Hữu không có Sự-sáng-tạo,chỉ phục vụ một món hàng “Vô-sản-chuyên chính”,không
    khác nào người thợ mộc chuyên dóng một mặt hàng,có diều Tố-Hửu chuyên dóng Hòm!! Liệu
    mặt hàng nầy có dược người dời ca tụng hay không? Khi Sự-sáng -tạo không còn nữa,liệu thơ
    của Tố-Hửu còn mang tính Nghệ-thuật hay không?Dánh mất tính nghệ-thuật, thơ chỉ còn là phần Xác.
    Thật vậy phần-xác nầy dã thúi rửa kể từ khi Stalin bị hạ bệ.

  6. LeQuocTrinh says:

    Xin phép trích lại lời bình phẩm của ông Võ Hưng Thanh:

    …”Đúng hay sai với ý của tác giả là chuyện khác, nhưng chứng tỏ mình là người thông minh quả là điều rất đáng khen đối với tác giả Lê Dân Việt. Chứng tỏ đây là người có trình độ hiểu biết thật sự, cả về phương diện nghệ thuật văn học.

    Cần bình Tố Hữu bởi vì dầu muốn dầu không thì Tố Hữu cũng là người điển hình nổi tiếng về phương diện nào đó đối với xã hội. Có nghĩa ông ta có liên hệ với giá trị, uy tín, danh giá của nền văn học nước nhà như thế nào đó rồi, nên không thể không bình được. Bình để cho thế hệ hiện tại, thế hệ mai sau còn nhận xét. Bởi vì thế hệ quá khứ thì coi như đã qua đi rồi, lúc sống đành phải lặng lẽ, mà lúc chết lại càng muôn đời lặng lẽ hơn. Ý nghĩa lịch sử của việc bình thơ Tố Hữu nó là như vậy, không phải chỉ là sự khen chê bình thường mà có người viết giống như là sự nâng bi hay ca ngợi.

    Cho nên rất đáng tiếc trình độ dân trí của nhiều người VN ngày nay quá thấp, nếu có thể nói được như vậy qua các lời comment trên những trang báo điện tử nước ngoài hiện giờ mà ai cũng thấy.

    Đó là điều rất đáng buồn, đáng tiếc, không phải chỉ đối với riêng những cá nhân liên quan, mà thật sự còn đối với chung cả đất nước, quốc gia và toàn xã hội VN hiện tại, nếu có thể nói được như vậy. Thật đáng tiếc thay !

    ______________________________________

    WOW !!! Ông VH Thanh nóng máu rồi nha! Lê Dân Việt khen ông thì ông bốc người đó lên tận mây xanh, ngược lại khi bị nhiều người “bình phẩm hơi trái ý” là ông đánh giá “dân trí họ quá thấp”. Tự ông viết bài ca tụng Tố Hữu, ông nói năng bóng gió, xa vời làm sao không biết, để cho mọi người hiểu lầm ý ông đó là lỗi tại ông. Bút xa gà chết, ông hiểu câu thành ngữ này chứ?

    Và … Xin nhường lời lại cho các bác trong Diễn Đàn,

    • Lê Dân Việt says:

      Thưa ông Lê Quốc Trinh,

      Tôi không hề có ý khen ông Võ Thanh Hưng trong ý kiến trước của tôi, mà chỉ dùng ý kiến ấy như một con dao hai lưỡi, nó có thể chém cả t/g VTH, nếu t/g VTH thực sự muốn tâng bốc ông Tố Hữu ( nhưng ý kiến của t/g VTH ở dưới đã rõ ràng ,tôi đã nói đúng thâm ý của t/g, nên tôi sẵn lòng kết bạn với t/g, nếu t/g muốn) và chém luôn ông Tố Hữu. Tôi phải giải thích rõ như vậy để chúng ta đừng hiểu lầm lẫn nhau.

  7. Võ Hưng Thanh says:

    Quyền làm thơ là quyền của mọi người, bởi thơ là một nghệ thuật hấp dẫn. Thế nhưng làm thơ là một chuyện còn ý nghĩa và giá trị tác phẩm làm ra là một chuyện khác. Do đó, bất kỳ bài thơ nào công bố lên cũng có hai tác dụng. Tác dụng đương thời và tác dụng để đời. Tác dụng đương thời là tác dụng mang lại cảm quan tốt hay cảm quan xấu cho xã hội, cho những người đương thời của mình. Tác dụng để đời là điển hình về nghệ thuật, tư tưởng, giá trị tồi (hay tồi bại) của tác giả, cũng như giá trị đi vào văn học sử theo dấu mốc nghệ thuật và giá trị muôn đời của tác giả. Đây mới thật là ý nghĩa tốt mà mọi người làm thơ cần để ý.
    Cho nên, có người làm thơ thì cũng phải có người bình thơ, cũng là một cái thú, một cái ích lợi, mà ngay từ nhiều trăm năm trước cha ông chúng ta đã từng làm.
    Tất nhiên lịch sử luôn là một dòng chảy không ngừng, một biến chuyển không ngừng. Có những điều quá khứ nhiều người không nói được, thì hiện tại phải có người nói, nếu không thì tương lai cũng phải có người nói.
    Giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa, tư tưởng nói chung không ai có thể che giấu hay giả tạo được.
    Nhưng có người thấy được điều này hay không, hoặc thấy tới mức độ nào lại là chuyện khác.
    Tôi bình thơ Tố Hữu là điều chẳng đặng đừng. Bởi vì đó là nghĩa vụ của người làm thơ, nghĩa vụ của người trí thức, và thực tế nghĩa vụ của công dân, của một người VN nói chung.
    Bình thơ Tố Hữu không phải chỉ là một nghệ thuật thuần, một sinh hoạt văn học nghệ thuật tự nhiên, hay thậm chí chỉ là việc trà dư tửu hậu, mà đó còn là bổn phận về ý nghĩa khách quan, về giá trị nghệ thuật đối với xã hội của bất kỳ người có ý thức, có sự quan tâm thích đáng nào.
    Nên có người bình thơ, cũng có người nhận xét tự do theo nhiều hướng trái ngược cũng là điều dĩ nhiên.
    Điều đó có lợi cho tất cả mọi người, để tự rút kinh nghiệm bản thân qua mọi sự nhận xét, phê phán của người khác mà chính mình có dịp đọc được. Tôi không nói những bài bình phẩm nào trúng ý hay trúng ý đồ, tim đen của tôi hay không, nhưng tôi cho rằng cách nhận xét của người bình LÊ DÂN VIỆT chứng tỏ là người thông minh nhất trong cả tập thể.
    Đúng hay sai với ý của tác giả là chuyện khác, nhưng chứng tỏ mình là người thông minh quả là điều rất đáng khen đối với tác giả Lê Dân Việt. Chứng tỏ đây là người có trình độ hiểu biết thật sự, cả về phương diện nghệ thuật văn học.
    Cần bình Tố Hữu bởi vì dầu muốn dầu không thì Tố Hữu cũng là người điển hình nổi tiếng về phương diện nào đó đối với xã hội. Có nghĩa ông ta có liên hệ với giá trị, uy tín, danh giá của nền văn học nước nhà như thế nào đó rồi, nên không thể không bình được. Bình để cho thế hệ hiện tại, thế hệ mai sau còn nhận xét. Bởi vì thế hệ quá khứ thì coi như đã qua đi rồi, lúc sống đành phải lặng lẽ, mà lúc chết lại càng muôn đời lặng lẽ hơn. Ý nghĩa lịch sử của việc bình thơ Tố Hữu nó là như vậy, không phải chỉ là sự khen chê bình thường mà có người viết giống như là sự nâng bi hay ca ngợi.
    Cho nên rất đáng tiếc trình độ dân trí của nhiều người VN ngày nay quá thấp, nếu có thể nói được như vậy qua các lời comment trên những trang báo điện tử nước ngoài hiện giờ mà ai cũng thấy.
    Đó là điều rất đáng buồn, đáng tiếc, không phải chỉ đối với riêng những cá nhân liên quan, mà thật sự còn đối với chung cả đất nước, quốc gia và toàn xã hội VN hiện tại, nếu có thể nói được như vậy. Thật đáng tiếc thay !

    VHT

    • Lê Dân Việt says:

      Xin chào t/g Võ Hưng Thanh,

      Cám ơn t/g đã nhận xét về lời bình của kẻ hèn này, thật là hận hạnh. Xin đưọc phép nhắc lại lời bình đó tại đây để mọi người cùng chia xẻ:

      “Tác giả Võ Hưng Thanh (VHT) viết kiểu này thì có khác nào là chửi lên đầu Tố Hữu là một anh thợ thơ nịnh bợ lãnh tụ CS quá lố đâu cơ chứ? Có phải đây chính là thâm ý của t/g VHT?

      Tố Hữu mà đội mồ sống dậy đọc được bài “ca tụng” này thì cũng phải khóc dòng mấy bữa, vì khi không ông ta bị lật cái mặt lạ phản quốc hại dân, vô tổ quốc vô gia đình kiểu này thì thật là nhục mạ tổ tiên nhà Tố Hữu khôn lường.”

      Tôi hiên sống và làm việc tại Canada, nếu tiện t/g có thể liên lạc trực tiếp với tôi qua email: ledanviet@hotmail.ca Hy vọng chúng ta có thể trao đổi những vấn đề chung. Kính.

  8. Lý Nhân Bản says:

    Rất tiếc khi ông Võ Hưng Thanh bỏ nhiều thì giờ để phân tích một bài thơ đã làm cho nhơ uế danh tiếng “thi sĩ” cuả Tố Hữu. Việc ca tụng Tố Hữu qua bài thơ này thật là lố bịch.

    Ông VHThanh không phân biệt được thế nào là thơ và thế nào là vè tuyên truyền. Thế nào là xúc cảm thật và thế nào là những bài “thơ” ca tụng, tuyên truyền, nhồi sọ theo ý đảng bất chấp sự thật ghê tởm như thế nào. Ông VHThanh không đủ trí tuệ để phân biệt thế nào là cảm xúc thật cuả thi sĩ và thế nào là cảm xúc giả dối cuả những thợ thơ.

    Và rất tiếc ông VHThanh đã không biết được chính những bài “thơ” loại này đã dìm tiếng tăm và để lại vết nhơ muôn đời trong thơ cuả Tố Hữu.

  9. vohoan says:

    Đây là một bài thơ tuyên truyền cho một chế độ cho một chủ nghỉa gì đó. Bây giờ, thế kỉ hai mươi và hai mươi một ta thấy nó quê làm sao. Mổi thời đại có cái giá trị riêng của nó. Và bnhư vậy không có gì là vỉnh viển hết.

  10. Tạ Tuyên says:

    Người nào mà gọi Tố Hữu là nhà thơ thì tôi nghĩ người đó không phải là người Việt, vì người Việt hiền lành chân thật không bao giờ dạy nói cho trẻ thơ bằng cái tên loài quỷ dữ Stalin! và cũng không ai khóc, ai thương khi tên đồ tể này chết.

Phản hồi