WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Dân chủ tự do, từ thực tiễn đến lý thuyết

Một cái cây mọc và lớn lên tự nhiên trong thiên nhiên, đó là cái cây tự do. Một cái cây được ươm trồng trong chậu, hay được uốn nắn theo kiểu vật cảnh, bonsai, đó là cái cây không tự do. Cây cỏ có tự do thì phát được huy đầy đủ mọi đặc điểm, tính chất tự nhiên của mình. Cây cỏ không tự do thì hoàn toàn ngược lại. Đó là sản phẩm của người khác, của kẻ chơi cây cảnh, của ông chủ.

Một con vật cũng vậy. Bất kỳ con vật nào bị nhốt, đều là những con vật mất tự do. Con vật tự do là con vật được tự mình quyết định về mình trước mọi tình huống giữa tự nhiên. Con chim, con vật nào đó bị nhốt vào lồng, đó là những con vật mất tự do. Mọi loài vật sống giữa tự nhiên, không bị bất kỳ ai khống chế, đó là mọi loài vật tự do.

Mây bay trên trời, nước chảy giữa đồng nội, đó cũng là hình ảnh về sự tự do. Nhưng không khí trong căn phòng đóng kín cửa, nước đọng lại trong ao tù hay bị giữ trong bồn chứa, đó là hình ảnh của sự không có tự do. Con suối chảy từ đại ngàn xuống, con sông uốn lượn theo đôi bờ tự nhiên của mình, đó là hình ảnh của sự tự do. Nước bị tích chứa trong đập thủy điện, những vườn cây có hàng rào chung quanh, những khóm nhà có tường cao bao bọc, đó đều là những hình ảnh làm hạn chế hay trái ngược lại với sự tự do.

Những ý nghĩa về sự tự do như trên là hoàn toàn thực tiễn, đó là những hình ảnh hết sức cụ thể, dễ hiểu trong cuộc đời thực tế. Nhưng đó là đối với loài vật, vật chất, hay sự vật nói chung. Nhưng đối với cá nhân con người và xã hội thì sao, đó cũng là điều rất cần nói đến. Thật ra con người cũng là một sinh vật, xã hội loài người cũng là một quần thể sinh vật, thế thì sự tự do cũng chỉ theo ý nghĩa đầu tiên và đơn giản như trên mà không hề khác. Chỉ khác chăng là con người có ý thức, có nhận thức, xã hội con người có tổ chức, có pháp luật, thế thôi. Và đó cũng chính là chủ đề về dân chủ tự do được đặt ra từ mặt thực tiễn đến lý thuyết như ngay từ đầu đã nói.

Nhưng lý thuyết phát sinh từ đâu nếu không phải là từ thực tiễn. Có nghĩa lý thuyết phụ thuộc vào trí thông minh của con người, vào khả năng nhận thức của con người, vào trí tuệ tổng hợp và suy lý của con người, và tất nhiên nó phải dựa vào, hay căn cứ vào thực tiễn thời đại xã hội mà người đó sống, để từ đó rút ra quan điểm, nhận thức, tri thức, và kết luận. Như vậy rõ ràng căn bản vẫn là thực tiễn mà không phải lý thuyết. Bởi thực tiễn là cái tồn tại khách quan, còn lý thuyết chỉ là cái rút ra và kết luận về sau. Cho nên, khi thực tế xã hội hay thực tiễn thay đổi, dĩ nhiên lý thuyết cũng phải nương theo mà không bao giờ là điều ngược lại. Lý thuyết chỉ luôn luôn là công cụ phản ảnh thực tiễn mà không là gì khác. Thực tiễn đó bao giờ cũng là con người cụ thể, xã hội cụ thể, mà không bao giờ là những khái niệm hay những lý thuyết trừu tượng.

Song nói như vậy không phải hoàn toàn sổ toẹt ý nghĩa và giá trị của lý thuyết. Lý thuyết chính là sự cô đọng, sự rút ra chân lý khách quan từ thực tiễn trên cơ sở thực tế, trên tiêu chuẩn và trên ý thức khoa học. Có nghĩa giá trị chân chính của lý thuyết bao giờ cũng phải là lý thuyết khoa học, khách quan, mà không là gì khác. Khoa học có nghĩa là sự hữu lý, sự chính xác, sự hiệu nghiệm, tính khách quan, nhưng điều đó không bao giờ được thực hiện chỉ trong dứt khoát cho một lần, mà yêu cầu tiếp cận chân lý, sự thật, luôn luôn là yêu cầu vĩnh cửu. Có nghĩa khoa học phải luôn tiến bộ không ngừng cùng với mọi sự phát triển xã hội. Xã hội luôn luôn biến chuyển, phát triển, đó là một thực tiễn, còn cái luôn luôn được rút ra từ thực tiễn đó, dựa vào chính thực tiễn đó, lấy thực tiễn đó làm cơ sở và mục đích, lại chính là các lý thuyết. Có nghĩa không thể có lý thuyết nào vĩnh cửu, không thể có lý thuyết đúng đắn nào lại xa rời thực tiễn và không nhằm phục vụ thực tiễn.

Những điều nói như trên không hề hoàn toàn trừu tượng. Bởi tự do, dân chủ là hoàn toàn gắn liền nhau, trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn. Tự do là khái niệm hay giá trị được nhìn trên phương diện cá thể hoặc đơn vị. Cá thể hay đơn vị đó có thể là cá nhân, tập thể, cộng đồng, hoặc xã hội, hay đất nước. Trong khi đó dân chủ lại là ý nghĩa, giá trị, hay khái niệm được nhìn trên phương diện tập thể, tức chung cho nhiều đơn vị, cá thể. Bởi thế, một cá nhân, một đơn vị nào đó, một đất nước, dân tộc nào đó chỉ có thể mất tự do, không có tự do, mà không liên quan gì đến ý nghĩa dân chủ. Như khi cá nhân bị người khác đè đầu chận cổ, khi tập thể này bị lũng đoạn, khống chế, chế ngự bởi tập thể khác, khi đất nước hay dân tộc này bị đô hộ, xâm lăng bởi đất nước, dân tộc khác chẳng hạn. Ngược lại, chính trong lòng của tập thể, thì sự tự do và dân chủ luôn luôn đi đôi với nhau. Có nghĩa không thể có tự do nếu không có dân chủ cũng như ngược lại. Bởi tự do là quyền tự định đoạt riêng và quyền định đoạt chung của cá nhân trong tập thể, nên nếu thiếu tự do cũng không thể có dân chủ, vì dân chủ là điều kiện, là cơ sở của sự tự do mà không thể nào khác.

Tự do và dân chủ làm điều kiện cho nhau và gắn bó chung như thế, có nghĩa là về phương diện ý thức lẫn phương diện thực tế. Bởi vì cái gì quyết định nơi cá nhân con người và nơi xã hội nếu đó không phải là ý thức. Chính ý thức là năng lực của sự nhận thức và động cơ của sự hành động, tức sự tạo ra thực tiễn, là điều mà mỗi cá nhân và toàn xã hội luôn luôn có, hay là nền tảng của mọi định hướng và mọi cư xử, hành động. Nên ý thức về sự tự do cũng là nền tảng cho ý thức về tính dân chủ, cũng như ngược lại. Không có ý thức về điều này tất yếu cũng không thể có ý thức về điều kia, là sự tự nhiên. Nhưng ý nghĩa chính yếu của ý thức là sự nhận thức, tức trình độ nắm bắt, thông hiểu, là ý hướng quyết định, hành động, nên điều đó cũng đòi hỏi kiến thức, tinh thần tự chủ, lành mạnh, tình cảm cao cả, trong sáng. Đó là toàn bộ những gì hết sức căn cơ, quyết định về tính chất, giá trị, ý nghĩa, và kết quả thực tế của tự do dân chủ, mà có thể có nhiều người còn chưa nhìn thấy rõ hay nhìn thấy một cách sâu sắc, đầy đủ, cụ thể. Nên đó cũng chính là điều cần nói đến nhất.

Thật vậy, trí thức và tấm lòng, đó là hai điều quan trọng và quyết định nhất cho mọi hành động của con người. Bởi yếu kém về trí thức, tầm lòng cũng thấy yếu đi. Ngược lại, không có tấm lòng, trí thức cũng chẳng để làm gì. Tấm lòng là hướng đến người khác, đến xã hội, đến lợi ích và giá trị chung. Trong khi đó, trí thức chủ yếu là lợi ích cá nhân, công cụ cá nhân trước tiên rồi mới đến công cụ chung của toàn xã hội. Có nghĩa tri thức và sự hiểu biết, tức trình độ hay khả năng, năng lực nhận thức, cùng với tầm lòng, mới làm nên được kết quả chung gọi là ý thức, hay sự ý thức. Cho nên không có ý thức về sự tự do cũng không có ý thức về sự dân chủ, cũng như ngược lại, đó là điều hoàn toàn tự nhiên, tất yếu, và hoàn toàn dễ hiểu. Ý thức về sự tự do, tức ý thức về ý nghĩa, giá trị, công dụng của sự tự do, cho bản thân mình cũng như cho người khác và cho tất cả mọi người hay cho toàn xã hội. Có ý thức về sự tự do, tất yếu cũng phải có ý thức về sự dân chủ, hay quy trình ngược lại cũng hoàn toàn như thế. Chỉ khi nào con người ý thức đầy đủ về tính công dụng, ý nghĩa, giá trị của tính dân chủ, cho lợi ích của mình cũng như cho lợi ích của mọi người, thì lúc đó người ta mới ý thức đầy đủ về ý nghĩa, giá trị, ích dụng của sự tự do như trên đã nói.

Nhưng toàn bộ hai công năng đó, thật ra trước hết đều phát đi từ tâm lý vốn có của mỗi cá nhân con người. Tâm lý đó lại là kết quả của cá tính, giáo dục, truyền thống, thói quen, hay mức độ cao thấp của năng lực tinh thần, ý thức. Chẳng hạn, ý thức tự chủ, độc lập về bản thân, là điều kiện tiên quyết để có được quan niệm đúng đắn về tự do dân chủ, mà không thể nào khác. Bởi tự mình không có ý thức đó, dân chủ tự do cho mình còn không muốn, huống gì muốn cho ai, hay cho xã hội. Cho nên, ý thức tự cường, tự lực của bản thân, ý thức tự chủ của bản thân chính là điều kiện đầu tiên cho sự phát huy tinh thần, mục đích tự do dân chủ. Còn nếu mỗi cá nhân chỉ có tinh thần vị kỷ, tinh thần cầu an, thụ động, tinh thần riêng tư, thử hỏi ý nghĩa tự do dân chủ của toàn xã hội nào còn có ý nghĩa và mục đích gì. Do vậy, tính cách giáo dục, đào tạo là vô cùng quan trọng, đó là truyền thống gia đình, truyền thống đất nước. Nếu truyền thống gia đình chỉ giáo dục nhằm hướng tới cái lợi bản thân, nếu truyền thống đất nước nào đó chỉ nhằm giáo dục hướng tới sự tuân phục, sự độc tài, độc đoán, thì còn nói gì đến khả năng phát triển ý thức tự do dân chủ cho cá nhân, cho xã hội, cho đất nước, cho thế hệ hiện tại và cho mọi thế hệ tương lai đi liền theo đó. Đó chính là ý nghĩa thực tiễn. Nhưng có nhiều ý nghĩa thực tiễn lại phát sinh từ các quan niệm lý thuyết nào đó, cũng là điều không thể chối cãi.

Ví dụ lý thuyết về chủng tộc ưu việt của Hitler đã đưa đến thực tiễn của chế độ Quốc xã, kèm theo đó là chế độ phát xít, gây ra biết bao tang tóc cho nhân loại trong thế chiến thứ hai của thế kỷ trước mà ai cũng biết. Lý thuyết đấu tranh giai cấp trong thực tế đã đưa đến những điều nhảm nhí, cực đoan đần độn như Hồng vệ binh, đấu tố, các tổ chức ăng ca của Khmer đỏ hết sức dã man mà mọi người đều rõ. Đó là những tác dụng ghê sợ của lý thuyết trên thực tiễn mà người ta không thể nào nói khác. Nhưng ngược lại, các lý thuyết dân chủ tự do từ thế kỷ 18 cho đến nay quả nhiên đã tạo nên cho nhân loại nền tảng vững chắc của ý nghĩa dân chủ, tự do, phát triển, mà suốt cả ngàn năm quân chủ, phong kiến không thể nào có được. Thế thì, ý nghĩa của lý thuyết và thực tiễn cũng luôn luôn gắn kết với nhau. Lý thuyết hướng dẫn, tác động vào thực tiễn, còn thực tiễn thì cung cấp cơ sở, nền tảng và uốn nắn lý thuyết. Xã hội con người sống không thể không có thực tiễn, mà cũng không thể sống nếu thiếu lý thuyết. Các lý thuyết về khoa học, kỹ thuật, về xã hội, nhân văn hoàn toàn cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, thực tiễn là do bàn tay của con người, còn lý thuyết là do khối óc của con người. Có bàn tay mà không có khối óc, điều đó chẳng có gì để đáng tự hào. Ngược lại, có khối óc mà không có bàn tay, lý thuyết đó chỉ là lý thuyết suông, mơ mộng suông, ảo tưởng và vô bổ. Nỗ lực thực hiện điều không thực tế, và hoàn toàn không chịu thực hành điều thật sự đúng đắn, thực tế, cả hai kết quả chỉ hoàn toàn như nhau. Cho nên lý thuyết đúng và thực hành để tạo thực tiễn đúng là một điều tối ư quan trọng cũng như tối cần thiết mà bất cứ đâu, cá nhân cũng như đất nước, lúc nào hay thời đại nào cũng vậy. Nhưng ý thức con người luôn luôn là cái rây lọc. Cái rây lọc đó có các thuộc tính ra sao, trên kia chúng ta đã làm rõ. Vậy nên mọi điều gì, từ thực tiễn đến lý thuyết, cũng chẳng qua chính ý thức và trình độ của con người. Không có lý thuyết nào tuyệt đối hoàn hảo, nhưng có những lý thuyết mang nhiều khuyết điểm, là điều chắc chắn đúng. Không có cá nhân nào tuyệt đối thông minh, nhưng sự thông minh của mọi cá nhân đều có điều hạn chế, đó cũng là chân lý đúng. Có nghĩa mọi sự tuyệt đối hóa lý thuyết, mọi sự tuyệt đối hóa con người, đều hoàn toàn phản thực tiễn, phản tự do dân chủ, là điều mà rất ít người nhận thấy(1).

Cho nên, cuối cùng tự do dân chủ vẫn là chân lý khách quan nhất thiết đúng. Bởi vì nền tảng hay cơ sở của nó chính là sự bình đẳng trong tự nhiên hay trong thực tế của con người. Đó là ý nghĩa tuyệt đối khách quan. Tức bình đẳng ở đây không phải kiểu trừu tượng, tức phép chia đều tức phép trung bình cộng toán học, mà là khái niệm bình đẳng hoàn toàn khách quan, thực tiễn. Có nghĩa không thể biết ai là người giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất trong cuộc đời này, vì thực tế luôn luôn biến chuyển, thay đổi. Thế nên không bất kỳ ai có thể độc tài, độc đoán, chuyên quyền, bảo thủ trong cương vị nào đó của mình. Đó tất yếu chính là yêu cầu của sự dân chủ, tự do trong thực tiễn. Về mặt lý thuyết cũng vậy. Không thể có bất cứ ai có đầu óc thông minh hay sáng suốt tuyệt đối, để có được sự nhận thức hay đưa ra được lý thuyết bao quát cả lịch sử cuộc đời. Vì lịch sử xã hội nói chung trong thực tế luôn luôn phát sinh ra và luôn chuyển biến mới. Ngoài ra, đó cũng còn là ý nghĩa cuối cùng của pháp luật. Pháp luật là công cụ tối cần thiết để quản lý xã hội. Pháp luật đúng đắn, hiệu quả, giá trị, là pháp luật phục vụ được cho các nhu cầu dân chủ tự do chính đáng, cần thiết của xã hội. Còn nếu ngược lại, pháp luật đó thành ra công cụ phản ý nghĩa, phản tác dụng, gây tác hại xấu đến phát triển lịch sử và xã hội. Cơ sở tối hậu của pháp luật cũng phải là tính dân chủ, tự do đúng đắn mà không là gì khác. Như thế cũng đã đủ để kết luận được ý nghĩa của dân chủ tự do trong yêu cầu chính đáng của mọi nhà nước, mọi dân tộc, đất nước, và mọi quốc gia.

(16/3/2011)

© Võ Hưng Thanh

© Đàn Chim Việt


(1) Xem thêm cùng tác giả : “Lại nói về xã hội, pháp luật và chính trị” (11/3/2011), “Cần nói thêm thế nào là một xã hội theo định hướng khoa học, khách quan, thực tiễn” (13/3/2011).

Phản hồi