WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng

Cù Huy Cận (1919-2005)

Cù Huy Cận lửa thiêng đâu
Huy hoàng xưa mộng lá sầu tử tôn
Hà hơi thế sự vô hồn
Vũ đài ngất ngất biển cồn tang thương
T.M.H.

Từ độ Nguyễn Du lục bát hóa đời Kiều để ngự trên ngôi báu thi ca, chừng như long mạch thơ nước Việt đã mấy lần rót về Hà Tĩnh, khơi nguồn cho những dòng thơ lớn khác xuất hiện: Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu và Huy Cận. Sau tám năm từ độ ra đời, Thơ Mới (1932-1945) đang cuồn cuộn chảy như một dòng sông lắm ghềnh nhiều thác, lúc ẩn, lúc hiện, chợt bùng lên rồi lắng lại sững sờ,  như  ngẩn ngơ, như luyến tiếc cội nguồn? Kể cũng lạ, khi dòng Thơ Mới cuộn chảy, gầm reo tới cao trào với Xuân Diệu thì cũng là lúc nó chợt phình ra giống một cái hồ cho mưa nguồn chớp bể trong hồn sông nước được nghỉ ngơi, trầm lắng, ưu tư mà hoài cổ. Khúc sông giống hồ nước của dòng Thơ Mới ấy chính là Huy Cận với tập “Lửa Thiêng ” gồm 50 bài thơ ra mắt năm 1940.

Nếu không có khúc sông hóa hồ nước Huy Cận giúp Thơ Mới có cơ hội lắng xuống, thảnh thơi và điềm tĩnh, chùng chình và mênh mông lại, biết đâu nó đã chẳng chảy tuột vào bề thẳm Tây phương? Chừng như hình thức complet, cravate của Phương Tây Huy Cận khoác lên người không mang nổi hồn vía Đông phương u uẩn, thẳm vời trong ông? Sau khi nhà thơ từng thổn thức nỗi Verlaine, cái hồn ấy phiêu du ông về vạn cổ, kéo ông lạc vào Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… ngay giữa lòng thế kỷ XX ồn ào phố xá…Thành ra, trong dòng thơ mới sục sôi với tầng tầng lớp lớp thi nhân, Huy Cận tuy không khăn đống áo the như Đông Hồ, không nâu sồng dân dã như Nguyễn Bính, nhưng hồn ông đã  ràng buộc với thất ngôn và lục bát xưa.

Ông hóa nỗi buồn xưa mà lênh đênh nguồn cội, một mình bơ vơ ngay giữa “Hội trùng dương”Thơ Mới, bơ vơ ngay giữa hồn mình. Có thể nói, Huy Cận cô đơn ngay cả trong niềm nồng cháy ban đầu Xuân Diệu. Vì sao một gã trai mười chín đôi mươi lại có một tâm hồn nghìn tuổi, một niềm thơ vạn cổ rất tân thời như “Lửa thiêng “59 năm trước?

Ta bắt gặp trong “Lửa Thiêng” một Huy Cận buổi “Tựu trường-Thơ Mới”, tuy không mê đắm đến điên cuồng “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” như Xuân Diệu, nhưng cũng rất tinh khôi niềm yêu đời, một niềm cách tân cả ý tưởng đến hồn vía:”Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát” (Tựu trường). Chiếc tủ – hình – thức – Tây phương vừa đánh verni, tưởng chỉ có thể treo những bộ áo quần tân thời ý tưởng như câu thơ rất Tây trong bài “Tình tự“: “Sáng hôm nay hồn em như tủ áo / Ý trong veo là lượt xếp từng đôi“. Huy Cận đi giữa tủ, rương như đi giữa những thời đại bảo tàng, những thời đại ngọc ngà dễ vỡ, tưởng chừng ông toan biến đời mình thành chiếc rương cất giữ vẻ tân kỳ hôm nay “Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc” (Tựu trường). Một cậu trai thuần khiết “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ” thuở ấy ai ngờ lại có thể viết được những câu thơ rất mới, rất Tây :” Anh hãy bận hồn em màu sáng chói”(Tình tự )…”Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (Đi giữa đường thơm) …hoặc “Bắt gặp mùa tươi lên rún rẩy” (Xuân)…Huy Cận chìa câu thơ thất ngôn truyền thống ra như chìa bàn tay mình để bắt tay ngọn gió mới Tây phương, bằng cách đột ngột gieo một liên từ làm vần cuối câu thơ thứ hai, khiến câu thơ vừa đứt, vừa nối, vừa chênh vênh, hụt hẫng lại vừa an nhiên, tự tại: “Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa / Khi niềm tư tưởng vướng chân, và…”(Em về nhà). Ta còn có thể bắt gặp trong “Lửa thiêng” nhiều vẻ đẹp Tây phương mới lạ của Huy Cận, nhất là trong 15 bài thơ 8 chữ khá phóng túng của ông như  bài “Trò chuyện ” :”Phố không cây thôi sầu biết bao chừng”,”Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng”, “Chiều hiu hiu khêu gợi nhớ nhung hờ”, “Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu / Mây không bay thương nhớ cũng không màu / Nắng không xế và lòng sầu mất hướng“…Huy Cận thậm chí Tây không kém gì Xuân Diệu với nỗi sầu, nỗi chết ban đầu với tận cùng cảm giác kiểu “Tay bồng thân, và tay nữa ôm mồ ” (Trình bày) …”Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường” …”Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn” (Ngủ chung)…hoặc ” Ôi chiều buồn sao nắng quá mong manh” (Nhạc sầu).

Ta có một Huy Cận hướng ngoại tới tận trời tượng trưng Verlaine cả trong buồn, vui, sống, chết, trong thế giới khả giác lúc nào như cũng muốn nổi da gà. Có khi, Huy Cận thử tìm tới tất cả, thử vồ vập tất cả nhưng vì sao ông chưa thỏa nỗi rưng rưng, dù khi ông viết về tình yêu thời đi học với những câu thơ hay đến kinh ngạc: “Một hôm trận gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ“(Học sinh). “Trận gió tình yêu” mới mẻ phương Tây rất nồng nhiệt kia đã thổi bay đi tất cả niềm vui mong manh chớm hé. Chỉ còn lại nhà thơ “Đứng ngẩn trông vời…” hiện tại, dù hiện tại kia, tình yêu kia kỳ diệu tới mức, lãng mạn tới mức thần tiên: “Em lùa gió biếc vào trong tóc / Thổi lại phòng anh cả núi non” (Áo trắng). Nhờ “Em”, nhờ ngọn gió tóc kia mà căn phòng anh được nới rộng ra cả đất trời? Hay chính là “Em” đã nhốt núi non, nhốt cái sừng sững cao vời vào căn phòng thi ca anh để vô hạn hóa cái hữu hạn? Niềm vui tình đầu Huy Cận đẹp thế, hay thế nhưng chỉ là gió thổi qua, chỉ là thoáng chốc. Trong thơ, Huy Cận cần một cách giải thoát khác Xuân Diệu.

Huy Cận đi từ “Ngẩn” tới “Vời”: “Đứng ngẩn trông vời…”, đi từ tha nhân đến bản thân mình, từ niềm vui đến nỗi cô đơn, như chiếc thuyền trong bài “Mưa” sau: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến / Nghe rét thu về hạ bớt mui“. Câu thơ này mới đích thực thần thái Huy Cận; nó hay một cách hoang vắng, se se, tồi tội, khẽ khàng, hiu hắt. Tâm hồn Huy Cận là chiếc thuyền miền sơn cước thi ca, lặng lẽ “hạ bớt mui” khi rét thu về, lặng lẽ rút vào tranh thủy mặc xa xưa mà u tịch. Nếu Xuân Diệu nhảy bổ vào tình yêu như nai kia khát nước nhảy bổ vào nguồn suối, lăn xả vào đời sống con người mà choàng ôm tất cả, mà mê cuồng, say đắm tất cả thì Huy Cận ngược lại, cứ một mình thui thủi tìm về nơi hoang vắng, tránh xa nơi phồn hoa đô hội. Huy Cận tĩnh bên một Xuân Diệu động.

Huy Cận xưa bên một Xuân Diệu nay. Huy Cận buồn bên một Xuân Diệu vui, dù cả hai đều “Hai chàng thi sĩ choáng hơi men” (Tình trai-X.D.). Những bài thơ hay nhất trong “Lửa thiêng” là những bài Huy Cận thu hồn về ở ẩn trong một thiên nhiên hoang vắng, thẫn thờ, như thể ông đã bị cuộc đời dồn đến trước lầu “Ngưng Bích”, cùng Thuý Kiều lẫn vào “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung “(Kiều). Trong 50 bài “Lửa thiêng”, chỉ có 8 bài thơ lục bát: “Buồn đêm mưa”, “Trông lên”, “Chiều xưa”, “Đẹp xưa”, “Thuyền đi”, “Xuân ý”, “Thu rừng” và “Ngậm ngùi”. Nhưng nếu không có 8 bài thơ lục bát này, “Lửa thiêng ” dù có nhiều bài thất ngôn hay ví như “Tràng giang” thì cũng chưa thể làm nên một Huy Cận vượt thời gian như đã có. Nguyễn Du đại thiên tài lục bát, đã đưa nhịp sáu tám Việt Nam lên tới đỉnh mây trời nhân loại. Nguyễn Du từng ít nhiều ảnh hưởng lục bát ca dao, ảnh hưởng lục bát của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều để làm ra hàng nghìn câu thiên thu tuyệt diệu riêng mình. Thấm đẫm hồn thơ cha ông, Huy Cận đã hiện đại hóa câu thơ sáu tám Việt Nam. Ông như người kế thừa trung thành của phả hệ lục bát Nguyễn Du rồi phát triển nó về u tịch. Đọc thơ lục bát Huy Cận, cơ hồ như hồn Nguyễn Du phảng phất đâu đây, như thể bút thần xưa được hậu thế cầm lên viết tiếp, như bài “Đẹp xưa”:

Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người…”

Câu thơ “Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang” trên của Huy Cận làm ta nhớ đến “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia “của Tố Như xưa. Huy Cận lấy hồn muôn năm trước mà hiện đại hóa câu thơ lục bát bây giờ, như gió xưa vàng đẫm lá thu nay :” Vi vu gió hút nẻo vàng”. Ngọn gió Huy Cận mặc áo vàng nghìn thu mà hun hút, mà nghiêng nghiêng mái chữ, mái-hiên-người, cũng là mái thơ: “Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người”. Cũng như bài “Đẹp xưa”, bài lục bát “Buồn đêm mưa” và bài “Chiều xưa” hay đến từng câu từng chữ. Cái buồn Huy Cận nơi đây đẹp đến rụng rời, đẹp đến ngơ ngác, hoang vu.

Viết về nỗi bơ vơ kiếp người, về nỗi buồn bản thể, nỗi buồn xa vắng, mù tăm tưởng không ai bằng Huy Cận: “…Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la / Tai nương nước giọt mái nhà / Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (Buồn đêm mưa).Tưởng chừng Huy Cận phải đội trên đầu cả vòm “Trời nặng nặng” mà nghe “Ta buồn buồn”, rồi thơ thẩn đi hết cõi “Lửa thiêng”, để nghe trọn vẹn trong hư không: “Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi”, “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ”. Huy Cận gom mình về thành quách xưa mà cô đơn một thuở với trời đất; tuy ông vẫn để ngỏ các cửa thành cho gió ngàn năm bơ phờ cư ngụ: “Gió về, lòng rộng không che”. Thổi hiu hiu, thổi u u trong lục bát Huy Cận loài gió hạc vàng, gió tùng bách, gió khói sóng. Những hồn gió liêu trai từng thổi qua Đường thi, Tống thi, thổi qua sao Khuê ở ẩn Nguyễn Trãi, qua vầng trăng xẻ nửa Nguyễn Du mà thành bờ “lau thưa” Huy Cận:

Buồn veo theo gió bên hồ
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa
Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt – Chiều tê cúi đầu…” (Chiều xưa)

Nhà ẩn sĩ của nỗi buồn xưa để tâm hồn mình trôi qua hai bờ lục bát như bóng cờ kia quằn quại trôi qua đôi bờ trời chiều và “Thành son nhạt”, càng trôi càng sững lại, càng phải vật vã với gió mà níu lấy hồn xưa ngơ ngẩn. Phải chăng tinh thần của “Lửa thiêng ” là tinh thần của lá cờ quá vãng ăn toàn gió xưa mà tồn tại, mà nghi ngút khói mây :”Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về”? Huy Cận mang hồn Nguyễn Du để làm nên giọng điệu lục bát rất riêng, rất mới của mình như  bài “Thu rừng” sau đây:

“…Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng…”

Hai cặp lục bát trên đều đi nhịp đôi khe khẽ, rón rén, thi thoảng, theo kiểu cứ một bước sương lại một bước khói, như trời thu theo nai xuống núi, theo “chim đi” vì không nỡ bay sợ làm động vỡ hồn thu. Huy Cận mượn bút vẽ Tề Bạch Thạch mà vẽ bức thuỷ mặc lục bát “Thu rừng” có một không hai. Chỉ thấy nai, thấy chim, thấy sắc trời, thấy lá rụng, tuyệt nhiên không thấy người đâu, mà không đâu không ám ảnh hồn người. Cảm giác, ấn tượng của những câu thơ trên mạnh tới nỗi rùng mình, người đọc chợt được hòa tan vào từng câu chữ, khiến bài thơ như chợt vượt ra ngoài trang giấy mà  hóa vô biên thu, hóa vô tận rừng, hóa mênh mông hồn thu Huy Cận.

Nói đến lục bát Huy Cận, không thể không nhắc tới “Ngậm ngùi”. Bài “Ngậm ngùi ” tuy không tuyệt bích như các bài “Thu rừng”, “Đẹp xưa”, “Buồn xưa”, “Buồn đêm mưa”; nhưng nó mang  yếu tố mới của thơ tình,  trước đó thơ ta chưa có chuyện người đàn ông “hầu quạt” ru người con gái ngủ. Bài thơ mang được phẩm chất sầu mộng của thời đại, được phổ nhạc thành bài hát rất hay, rất quen thuộc nên người ta dễ nhớ hơn những vần lục bát thần diệu trên. Thơ thất ngôn Huy Cận đạt tới tuyệt đỉnh với “Tràng Giang”, với nỗi buồn hoài cổ tầng tầng lớp lớp sóng, lớp lớp mây tâm trạng, như thể nhà thơ đã kéo dài mạch chảy của những dòng sông thi ca Vương Bột, Thôi Hiệu …, những dòng sông thi ca “Trông vời trời nước mênh mang” Nguyễn Du xưa mà trải hồn mình ra nghìn dặm xưa sau. Huy Cận là nỗi buồn tiếp nối ông cha :”Vạn lý sầu lên núi tiếp mây”, như thể ngàn xưa còn vọng mãi nỗi niềm rơm rớm nắng mưa nay: “Nắng đã xế về bên xứ bạn / Chiều mưa trên bãi nước sông đầy” (Vạn lý tình). Hãy đọc thất ngôn Huy Cận lên để nghe không gian chùng xuống đến tận cùng dây tơ thời gian: “Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng? (Nhớ hờ ).

Huy Cận với “Lửa thiêng” còn ở bên trời “đàn lẻ”, là nỗi buồn xưa, hồn xưa lưu lạc tới hôm nay vẻ hiu hắt, ngậm ngùi kiếp người. Ông mang đến cho thi đàn một nỗi buồn đẹp như quê hương, như nước mắt trời xanh. Hình như sự vĩnh cửu từng níu lấy áo Huy Cận mà kéo ông về bất tử thi ca ngay từ thuở vừa ngoài tuổi đôi mươi. “Lửa thiêng” có lẽ  là tập thơ toàn bích nhất trong  các tập thơ ra đời từ 1932-1945 trong phong trào Thơ Mới? Cây cổ thụ Huy Cận sẽ còn xanh tươi mãi trong vườn thơ dân tộc như câu thơ ông từng viết trong bài “Họa điệu”: “Cây không đi mà tình cũng nghiêng nghiêng”.

© Trần Mạnh Hảo

© Đàn Chim Việt

10 Phản hồi cho “Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng”

  1. Ninh Lê says:

    Ông Cù huy Cận làm bài thơ Tựu Trường trong lúc còn là học sinh ban Tú tài. Ông mang bài thơ này đọc cho ông hiệu trưởng nghe. Em Triệu, con ông hiệu trưởng núp sau cánh cửa nghe được, thuộc lòng đọc lại được liền. Vì vậy bài thơ được ông Cận đề “Tặng em Triệu”. Ngay sau đó bài thơ được ông hiệu trưởng cho dạy ở các lớp phổ thông trong trường.
    Bài thơ này, tôi học năm 1946, có một số chữ khác với bản của ông Võ hưngThanh chép ở trên. N.L.

  2. Võ Hưng Thanh says:

    HÌNH TƯỢNG TRONG THƠ

    Tinh hoa của thơ chính là hình tượng. Hình tượng cho hình dung ra cái cụ thể trong thơ. Hình tượng là tính đặc trưng, là điều đặc sắc nhất trong thơ. Hình tượng làm cho thơ trở nên như một bức họa, một bức tranh diễm lệ, vô cùng có màu sắc, và tuyệt đẹp. Nó cũng như vần điệu trong thơ làm cho thơ trở thành như một bản hòa âm, một điệu nhạc du dương, êm đềm và quyến rũ. Có nghĩa thơ không thể thiếu hình tượng và không thể không có nhạc tính. Nhạc và hình tượng chính là xương sống của thơ, là hình thức cơ bản, hết sức cần thiết và luôn luôn quan trọng của thơ. Thiếu chúng, coi như thơ không còn đầy đủ các hình thức tối thiểu phải có. Còn ý tưởng của thơ, thật ra chỉ là nội dung, là ý nghĩa của thơ. Đó là tư tưởng của thơ. Thơ hay tất nhiên phải có tư tưởng thanh tao và đẹp đẽ. Nhưng thơ hay vì thế tất nhiên cũng không thể thiếu vắng hình tượng hay nghèo nàn về nhạc tính.
    Bởi vậy, để nói về hình tượng trong thơ, không gì bằng cứ trưng ra một vài bài thơ nào đó mang nhiều chất hình tượng và nhạc tính để làm điển hình. Chính những gì những bài thơ như thế toát lên sẽ nói nhiều hơn cả, chẳng cần gì phải dài dòng lý sự hoặc quãng diễn. Ở đây tôi muốn trích hai bài thơ mà tôi cho là có thể được xem như nằm trong số các bài thơ hay tác phẩm thi ca có tính chất điển hình nhất về ý nghĩa đang nói. Đó theo tôi là bài “Tựu trường” của nhà thơ tiền chiến rất nổi tiếng Huy Cận (Cù Huy Cận), và bài “Tuổi mười bốn” của nhà thơ không mấy nổi tiếng là V.H.T (Võ Hưng Thanh). Bài thơ Tựu trường của nhà thơ Huy Cận tôi không biết chắc chắn ông làm vào lứa tuổi nào, cũng như là bài thơ thứ mấy của ông, nhưng tôi nghĩ có lẽ trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi, vì nghe đâu ông làm bài này để tặng cho một cậu học sinh thân thương nào đó, vì thuộc trong vòng thân thiết của mình, vào đúng mùa tựu trường năm đó.

    TỰU TRƯỜNG

    Giờ náo nức của một thời trẻ dại
    Hỡi ngói nâu hỡi tường trắng cửa gương
    Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
    Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc
    Xếp hạnh phúc như chương trình lớp học
    Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên
    Trong sân trường tưởng dạo giữa đào viên
    Áo trắng đẹp tựa như lòng mới mẽ
    Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
    Tim run run trong tình cảm rụt rè
    Tuổi mười lăm cắp sách lại đứng nghe
    Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp
    Tựu trường đó lòng tôi vừa bắt gặp
    Nổi xôn xao thầm lặng ở trong rương …
    Người bạn nhỏ cho lòng tôi theo ghé
    Không còn gì có thể vuốt ve hơn
    Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
    Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát

    Huy Cận

    Theo tôi đây là một trong các bài thơ tuyệt bút nhất của nhà thơ lớn Huy Cận, và hầu như nó cứ luôn luôn ám ảnh mãi trong tâm thức của tôi. Mỗi khi nói đến thơ, tôi vẫn thường hay nghĩ ngay đến bài thơ này của nhà thơ đó. Nếu tôi nhớ không lầm như trên, bài thơ chỉ có 18 câu, nhưng lại là một chuỗi ngọc toàn bích và tuyệt đẹp. Hình ảnh của nó trong lành, thanh thoát, dịu mát, thơm ngát như một buổi sớm tinh sương, như khoảng không gian khi mặt trời mới rạng, như cái gì tinh túy nhất, trong sáng nhất, vô tư và hồn nhiên nhất của tuổi thiếu niên mới lớn. Và đó chính là ngày tựu trường, một ngày tết trọng đại nhất của lớp tuổi hoa niên, ngày trựu trường, một hình ảnh của thời cổ điển, thật rộn ràng, thật cảm xúc và xúc động, đầy những tình cảm bao la trong sáng, những ước mơ cao quý nhất của cả một đời người. Ngày tựu trường, quả là một bức tranh hồn nhiên và nên thơ nhất của một thời kỳ cổ điển đầy hình ảnh, màu sắc, đầy xúc cảm mà nhà thơ đã ghi lại như nhằm khắc họa lại một hình ảnh trong sáng nhất, thi vị nhất, hào hứng nhất cho đến muôn đời.
    Bài thơ này, tất nhiên đầy nhạc tính một cách toàn bích, và các hình tượng thì thật vô cùng tuyệt hảo, hoàn toàn tả thực mà cũng hết sức vô cùng thi vị, chúng như gói ghém được tất cả mọi ý tưởng, mọi tâm hồn của những cậu bé mười lăm, những cậu bé học trò còn nhỏ dại, bé bỏng, ngây thơ, hồn nhiên, vô cùng trong sáng, mà cũng gói ghém được tất cả mọi tâm tình, mọi ý tưởng bao quát nhất, và mọi cảm thức thân thương, sâu lắng, êm dịu nhất của chính tác giả bài thơ đó. Thế nhưng, điều đặc biệt nhằm muốn nhấn mạnh cho chủ đề ở đây chính là các ý : giờ náo nức, hỡi ngói nâu …, linh hồn bằng ngọc, xếp hạnh phúc như chương trình, giữa đào viên, lòng mới mẽ, chân non dại, tim run run, lòng mới nở, tay đời ấm áp, ở trong rương, lòng tôi theo, lòng trai thơm ngát. Đó toàn là những hình ảnh nhân cách hóa, ví von, tức những hình tượng đầy tính cách bút pháp của thi ca. Quả thật vô cùng tuyệt diệu, hết sức quyến rũ, hết sức gợi hình, hết sức phong phú, mà từ cách diễn đạt cho đến cách cảm nhận, quả thật vô cùng hoàn hảo, gợi tả tuyệt cùng, các hình ảnh được thi vị hóa vô cùng xuất sắc, đẩy cảm xúc và thật sự hết sức giàu sức tưởng tượng, không chê vào đâu được. Đó có lẽ là lý do mà như trên tôi nói, bài thơ này là một trong các bài thơ đẹp nhất theo tôi cảm nhận, và nó cứ luôn luôn không ngừng mãi mãi ám ảnh lấy thi tứ, niềm hoài cảm, cũng như niềm xúc động vô cùng sâu xa nhât của tôi, có thể ngay từ một thời kỳ nhỏ dại, bé thơ nào đó.
    Bây giờ sang bài thơ còn lại, bài “Tuổi mười bốn” của VHT, cũng là một bài thơ theo thể tám chữ như trên. Mà theo tôi, thơ tám chữ là thơ giàu nhạc tính, hay nhạc tính phong phú, sinh động, nổi bật nhất. Nhạc tính trong thơ tám chữ tôi còn nghĩ quả thật vượt trội hơn hẳn những thể thơ cổ điển, chuẩn mực khác. Thơ tám chữ đương nhiên là kiểu thơ mới, kiểu thơ mới nay đã đi vào cổ điển, nhưng màu sắc của nó có thể nói được là mang tính chất thuần túy Việt Nam. Nó có một nửa điệu thức của ca dao, tức của thơ lục bát, nhưng nó không hoàn toàn cổ kính như thơ lục bát, mà lại hoàn toàn phá cách, tân thời, vì đó là thơ mới. Nhưng đây là thơ mới nghiêm chỉnh, đầy phong thái chuẩn mực kiểu trang trọng, cổ kính, mà không hoàn toàn phá cách như kiểu thơ tự do. Bởi vậy, có khi tôi nghĩ thơ tự do chính là tính phong phú trong thi tứ của nhà thơ, mà cũng rất có thể chỉ là sự nghèo nàn trong thi tứ ấy. Tức phong phú quá, cần diễn đạt tinh tế nhất, sinh động, cụ thể, chính xác nhất, người ta đành phải phá cách trong âm vận, thế là ra thơ tự do. Nhưng cũng có thể do vì năng lực hạn chế trong âm vận, người ta đành phải chịu bằng lòng với thơ tự do chỉ như một cách che đậy hay tránh né đối với các yêu cầu nghiêm chỉnh của thi pháp thơ ca trong nhiều khía cạnh.

    TUỔI MƯỜI BỐN

    Tuổi mười bốn làm em thơm ngây ngất
    Còn nguyên hương với da thịt trẻ con
    Gót nhẹ quá phố phương như say mất
    Ôi đê mê thần tượng lắng vào hồn

    Tuổi mười bốn tóc nồng thơm hôn mẹ
    Mắt ngập ngừng còn vương vất ý cha
    Trán cao khiết còn nương hồn rất nhẹ
    Tay măng non còn tríu mến chan hòa

    Tuổi mười bốn môi hồng còn chúm chím
    Đã ngượng ngùng khi thấy ý con trai
    Má trắng mịn còn thay tim thành tiếng
    Thẹn vu vơ rồi chẳng nhớ lâu dài

    Tuổi mười bốn em nhìn đời vô tội
    Ý trắng trong chưa biết nghĩ ngày mai
    Rất vô tư nên đời còn chưa vội
    Chưa đắn đo chưa lo sợ tương lai

    Tuổi mười bốn tuổi thần tiên con gái
    Một lần thôi không thể lại hai lần
    Mà thời gian có bao giờ trở lại
    Giả từ em tôi thấy bước bâng khuâng

    Tuổi mười bốn gặp em lần độc nhất
    Rồi xa nhau mãi mãi đến ngàn sau
    Tôi chẳng tiếc và em dường chẳng biết
    Vĩnh biệt thôi chi để thấy tàn phai

    V.H.T

    Bài thơ được chia làm sáu khổ, hoàn toàn cân đối, nghiêm chỉnh, mặc dù nhạc tính rất hòa điệu và ý thơ rất trôi chảy, sinh động, lưu loát. Đặc biệt đây lại là bài thơ đầu đời của tác giả. Tức bài thơ đầu tiên khi tác giả thử nghiệm làm thơ lần thứ nhất trong đời. Đó là cảm xúc của một anh học trò 17 tuổi, từ trong quê Quảng Nam ra thành phố Đà Nẵng để thi tú tài I vào khoảng giữa năm 1962 của thế kỷ trước. Ấy là vào ban trưa, khi thi xong bước vào một hiệu ăn, tình cờ anh học trò nhà quê ngồi đối diện với một bàn ăn khác trước mặt, nơi đó có một cô bé gái quả thật xinh như tiên. Thế rồi, khi cô gái ăn xong bước ra khỏi hiệu, cậu học trò tú tài liền cũng đi theo gót cách xa một đoạn đường ngắn, để cuối cùng, đến chiều về, cô gái dĩ nhiên không còn gặp lại nữa, cũng chắc biết về nơi đâu, ở đâu, mãi mãi từ đó hẳn nhiên, nhưng cái còn lại để làm hoài một kỷ niệm không phai, đó là bài thơ Tuổi mười bốn như mọi người đã thấy.
    Trong bài thơ này, nếu để ý người đọc sẽ thấy được những hình tượng rất tinh tế và thú vị : làm em thơm, còn nguyên hương, da thịt trẻ con, gót nhẹ quá, phố phường như say mất, thần tượng lắng vào hồn, tóc nồng thơm hôn mẹ, mắt ngập ngừng, vướng vất ý cha, trán cao khiết, nương hồn rất nhẹ, tay măng non, tríu mến chan hòa, môi hồng chúm chím, thay tim thành tiếng, thẹn vu vơ, chẳng nhớ lâu dài, tuổi thần tiên, không thể lại hai lần, thời gian có bao giờ trở lại, thấy bước bâng khuâng, lần độc nhất, chẳng tiếc, dường chẳng biết, chi để thấy tàn phai. Mộ hình tượng vô cùng thần tiên, một ý thơ hoàn toàn trong sáng, một kết thúc vô cùng thanh thoát và lãng mạn. Theo tôi nghĩ đó là tất cả những gì tinh túy nhất của thi tứ bài thơ đó. Nhất là các điệp từ chủ ý nhấn mạnh với tiếng còn, càng tăng thêm nghệ thuật về bút pháp và nhạc tính trong bài thơ của tác giả.
    Song quan trọng nhất, là qua so sánh hai bài thơ này, người đọc sẽ thấy ngay được tầm quan trọng của bút pháp hay thi pháp trong thơ ca, đó là nhạc tính, hình tượng, tứ thơ, và ý thơ. Bài viết này tất nhiên chỉ để nhằm vào các thế hệ trẻ, những người sẽ làm thơ, đang tập làm thơ, để hiểu thế nào là nghệ thuật bút pháp thi ca, hầu hi vọng họ sẽ có được những tác tác phẩm thi ca lớn có thể để lại cho đời được sau này. Bởi thi ca là nghệ thuật của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chính là đặc điểm, là sắc thái, là thuộc tính sang trọng, cao với nhất, mà cho đến nay chỉ thấy loài người mới có, ít ra cũng là trong chốn trần gian này mà tất cả mọi người chúng ta đang tồn tại.

    VÕ HƯNG THANH
    (Sg, 05/4/2011)

    • Jackie Pam says:

      The 14 year old girl who you see in the restaurant it remind me of my mother !
      She once told me about this when I grow up , a silly teenage girl !

      • Võ Hưng Thanh says:

        CUỘC ĐỜI LUÔN BÍ ẨN

        Cuộc đời luôn bí ẩn
        Như bọt sóng đại dương
        Tan xong rồi hợp lại
        Giống mây trôi nền trời
        Cây nào chẳng có lá
        Cây nào chẳng có hoa
        Đèn nào không thắp sáng
        Tình nào không chan hòa
        Cuộc đời đầy bí ẩn
        Có nói vẫn khôn cùng
        Hãy cùng nhau suy tưởng
        Hãy cùng nhau thương chung

        VHT

  3. nguoinhanai says:

    CHHV se luon song trong tinh than dau tranh doi DAN CHU chinh thong cua nhung nguoi Viet yeu nuoc.
    Hay chung tay co vu cho tinh than dau tranh khong khoan nhuong nhu CHHV.

  4. kenny says:

    Cu huy Can la ke choi voi lua ,som hay muon cung chay nha.Bay gio thi da bi chay nha roi ,sap toi se loi ra nhung mat chuot

  5. Đồng Tâm says:

    kính gửi bác Trần Gia- Bác còn viết thâm hơn bác Hảo đấy.Không biết bác đang ở trong nước hay nước ngoài. Dân cấp 3 Nghĩa Hưng NĐ; sao giống nhau thế.

  6. Mai Anh says:

    Ông HÀ VŨ không chết. Ông là linh hồn của cuộc đấu tranh DÂN CHỦ.

  7. Tran Gia says:

    Cù Huy Cận làm thơ hay, nhưng lại mắc sai lầm chết người là để thằng con trai của mình Cù Huy Hà Vũ đi học luật ở Pháp.

    Đáng lẽ ông Cù Huy Cận nên để con trai Hà Vũ của mình đi học luật ở Trung Quốc, Campuchia, Lào, Cuba, hay Bắc Triều Tiên thì mới đúng. Những bộ luật rừng của những quốc gia này này sẽ được trọng dụng ở Việt Nam.

    Pháp là một quốc gia văn minh phương Tây, với những bộ luật tiến bộ, và những tư tưởng cởi mở, phóng khoáng mang về Việt Nam thì ngồi ngồi tù là cái chắc.

    Ông Cù Huy Cận và ông Cù Huy Chử là những người dựng lên chế độ biết rõ điều này hơn ai hết. Vậy mà lại xúi thằng con ruột của mình vào cõi chết.

    Trần Gia

  8. Vó Hưng Thanh says:

    NHẬN ĐỊNH NHỎ VỀ NHÀ THƠ HUY CẬN

    Tâm hồn thơ của tôi, nếu nói được như vậy, vẫn luôn luôn ám ảnh bởi thơ Nguyến Du và thơ Đoàn Thị Điểm. Đó là sự thật mà tôi không thể nào phủ nhận được. Có lẽ tôi mê hai nhà thơ lớn nhất trong lịch sử (theo tôi) này kể từ khi bắt đầu tiếp cận với thơ trong trường học lúc còn nhỏ. Sỡ dĩ tôi mê như thế, chủ yếu là do cái đẹp như tranh, và chất thơ bay bổng của hai nam và nữ thi hào này.
    Rồi đến thơ mới, người mà tôi trân trọng duy nhất, hay cao nhất, vẫn là nhà thơ Huy Cận.
    Nhìn ảnh bề ngoài, có lẽ không ai nghĩ Huy Cận là nhà thơ, nhưng nếu đọc thơ ông, không ai phủ nhận được ông là nhà thơ có thực tài, thậm chí là nhà thơ lớn.
    Tho Nguyễn Du, Đoàn Điểm là dòng thơ truyền thống dân tộc. Ở đây muốn nói là dòng thơ lục bát và song thất lục bát.
    Nhưng đến Huy Cận, đã mở ra chân trời của thi ca mới, trong dòng thi ca tiền chiến, tức là thơ 7 chữ, 8 chữ, ngoài thơ lục bát. Với Huy Cận, biệt tài của ông là hay cả đối với ba loại thơ cột trụ này. Có nghĩa ông là nhà thơ đích thực, tâm hồn thơ đích thực, nên thơ loại gì cũng làm hay cả.
    Thơ hay thể thơ, hình thức, vốn chỉ như công cụ, như phương tiện, để chuyên chỡ, phát huy, phát tiết hồn thơ của ông ra thôi. Đây không phải trường hợp riêng của ông, mà của mọi nhà thơ có chân tài đều thế cả.
    Tất nhiên, thơ lục bát, thơ bảy chữ, tám chữ tự do, đều có nét đặc trưng, hay cái hay riêng của nó.
    Theo tôi, thơ tám chữ gần với tiết điều âm nhạc nhất. Thơ bảy chữ gần với ý thơ bay bổng nhất. Còn thơ lục bát lại gần với tình tự dân tộc, với ca dao, với sự dễ dàng, thoải mái, tự nhiên, tức gần với hồn thơ bàng bạc và sâu lắng nhất. Như thế có thể nói không hình thức thơ hay thể thơ nào lấn lướt, áp đảo, hoặc có thể được các hình thức thơ nào. Nha thơ giỏi cũng như họa sĩ, như nhạc sĩ, như võ sĩ, hoàn toàn có thể chấm phá tự do, phối âm tự do, ra quyền cước, chiêu pháp tự do, chẳng hề bận lòng đắn đo hay ắt tị điệu vần gì cả.
    Không hề có chuyện nhà thơ giỏi làm thơ, mà thơ tự kết tinh, thể hiện, hóa thân mình thành vần điệu, hình ảnh, nhạc tính, ngay trong tâm hồn, hồn thơ của nhà thơ giỏi. Có nghĩa nếu gia công làm thơ, khổ nhọc làm thơ, đó chỉ là thợ thơ, chưa đạt đến năng lực sáng tạo thật sự đúng nghĩa về thơ.
    Trở lại Huy Cận, tôi đánh giá rất cao thơ của Huy Cận. có lẽ tập thơ Lửa Thiêng của ông ăn đứt hết tất cả mọi tập thơ tiền chiến khác. Có nhiều bài thơ trong tập thơ đó luôn luôn gây ấn tượng sâu sắc đến mọi người, kể cả các thi nhân.
    Nói cách cụ thể ra, bài thơ của Huy Cận gây ấn tượng và sâu lắng nhất trong tôi chính là bài Tựu Trường. Một tác phẩm thi ca rất đẹp, hoàn chỉnh, tuyệt hảo, không có chỗ nào chê vào đâu được, từ nội dung đến hình thức, từ chất thơ cho đến hình ảnh, nghệ thuật bút pháp của thơ.
    Tất nhiên bài Tựu Ttrường không phải bài thơ duy nhất đạt đỉnh cao nghệ thuật thi cả, mà Huy Cận còn khá nhiều bài thơ khác cũng hết sức hoàn hảo như vậy. Thơ Huy Cận không dài, chỉ thường một trang hay chưa tới một trang, song nhiều bài rất hoàn chỉnh, không thể chê bai vào đâu được.
    Nói chung lại, theo tôi sở dĩ Huy Cận có thể gọi được là nhà thơ lớn của VN, đó là nhờ bản chất thơ của ông, hình thức thơ của ông, nghệ thuật thơ của ông, và hồn thơ của ông, quả thật đã vươn tới những đình cao.
    Nếu xét mặt từng câu thơ ra, thơ Huy Cận có thể so sánh được phần nào với thơ Nguyễn Du và thơ Đoàn Thị Điểm. Tất nhiên, nếu xét về sự nghiệp quy mô, dài hơi, quả tình Huy Cận vẫn còn hạn chế so với hai nhà thơ lớn nhất đã nói. Họ đã thuộc về chiếu trên, chiếu lịch sử muôn đời, chiếu trưởng thượng, chiếu kinh điển.
    Trong khi đó Huy Cận hãy còn thuộc chiếu mới, chiếu hiện đại, chiếu tân thời, giống như chàng thanh niên tài hoa, đầy sức sống, như hoàn toàn mới lớn.
    Cho nên người nào muốn làm thơ mới, không thể không quan triệt nhuần nhuyễn hồn thơ và nghệ thuật thơ rất trôi chảy, tự nhiên, đầy sức sáng tạo và vương giả của nhà thơ Huy Cận.
    Tôi chịu Huy Cận bởi vì thấy ông làm thơ như chơi, thơ như nghệ thuật mà không hề như một kỹ thuật giống nhiều người khác. Nghệ thuật thơ của Huy Cận đã đến chỗ tuyệt diệu hay tuyệt đỉnh, đó là vì bản chất tài thơ tự nhiên của ông. Không phải ông làm thơ mà tự bản thân thơ làm ra tác phẩm của ông.
    Có nghĩa thơ quan trọng nhất ở hơi thơ, tứ thơ, hồn thơ, bút pháp hay nghệ thuật thơ. Đó là những gì vốn như là bản chất tự nhiên của nhà thơ Huy Cận. Thơ Huy Cận bởi vậy luôn mượt mà, tươi tắn, lưu chảy, cho dù thơ buồn hay thơ vui cũng vậy. Thơ mà bồng bềnh, lưu hoạt như mây bay, nước chảy, gió cuốn không ngừng, đó mới thật là bản chất hay ý nghĩa tuyệt diệu của thơ.
    Chính vì thế mà từ không còn quan trọng trong thơ Huy Cận, câu thơ không còn quan trọng trong thơ Huy Cận, bởi vì nó luôn là thể thống nhất tuyệt diệu trong toàn thể bài thơ của ông. Cái chung quyết định cái riêng ở đây mà không hề ngược lại. Nói khác đi, nghệ thuật sử dụng từ ngữ, cấu tạo câu thơ, hoàn toàn phong phú, tự nhiên, sinh động và rất giàu hình tượng trong thơ Huy Cận. Đó là điều mà phần lớn các nhà thơ khác không có. Thơ các nhà thơ khác giống như ngôi vườn cỏ dại, có khi đây đó rải rác các đóa hoa mỹ miều, xinh đẹp. Trong khi đó thơ Huy Cận thật sự là những bông hoa, những khóm hoa, hoặc từng vườn hoa nhỏ.
    Thơ nói cho cùng là nghề thuật sang trọng của ngôn từ, của nhạc tính, của hình ảnh. Đó chính là điều làm tôi mến mộ Huy Cận, coi ông là nhà thơ lớn nhất trong chiếu thơ mới, kể cả cho đến ngay nay, tức thời hiện đại. Thó hay của Huy Cận đã có nhiều người dẫn chứng, không cần phải nói thêm. Chỉ khi nào cần biên khảo riêng về thơ ông tôi thật sự mới cần đi vào sự cụ thể bó buộc như thế.
    Cho nên nói chung là Huy Cận là nhà thơ lớn, có công với văn học nghệ thuật dân tộc. Đó là điểm son đáng ghi nhớ về ông.
    Chỉ có cái khác là người con trai của ông, Cù Hà Huy Vũ, riêng tôi chưa thấy có các tác phẩm thi ca nào để nối nghiệp cha, dù nghe đâu ông có tiến sĩ văn chương, nhưng học thuật và sáng tạo lại là chuyện khác. Và cái đáng nói hơn nữa là ông Vũ lại có khuynh hướng thực tiển cuộc đời, tức băn khoăn xã hội, chính trị nhiều hơn, và đó cũng là ý nghĩa hay lý do mà ông sắp phải chờ ngày đến tòa để nghe xét xử.
    Tất nhiên, ông Vũ có cần được quan tâm chiếu cố hay không là chuyện khác.
    Còn riêng suy nghĩ của tôi, mặc dầu ông Vũ chịu trách nhiệm cá nhân về mọi khía cạnh đối với chính các hoạt động chính trị đã có của mình. Song ông là con trai của một nhà thơ lớn, nếu các vị thẩm phán ngồi xét xử cũng có tâm hồn thơ, thì chắc chắn cũng phải nên cân nhắc khi luận tội và kết án.

    VHT

Leave a Reply to Ninh Lê