WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những cảm nghĩ vụn vặt

Quanh chuyện thiên tai tại Nhật Bản

Lời giới thiệu

Bài viết chúng tôi giới thiệu đến quý vị lần này từ lá thư của một chiến hữu định cư tại Pháp: Bác sĩ Hoàng cơ Lân. Ông nguyên là đại tá y sĩ trưởng của sư đoàn nhẩy dù, chỉ huy trưởng trường Quân Y QLVNCH. Kỳ trước chúng tôi có viết bài tựa đề “Nhật Bản đất nước đầu sóng ngọn gió.” Bài tiểu luận này viết về hoàn cảnh nước Nhật và dân Nhật đang đương đầu với thiên tai. Đồng thời, với sự hiểu biết về chuyện cũ, chúng tôi cũng đã nhắc đến những hành động đáng tiếc của quân đội Thiên Hoàng tại Á Châu trong kỳ đệ nhị thế chiến.

Trong một lá thư thân hữu, bác sĩ Hoàng Cơ Lân là người cùng thế hệ, đã có những kỷ niệm cũ từ thời đảo chánh Nhật nên ghi lại với nhận định khiêm tốn là những ý nghĩ vụn vặt. Thực ra đây là các dữ kiện hết sức quan trọng về lãnh vực truyền thống dân tộc cùng với ý nghĩa về nhân bản trong cuộc sống.

Nước Nhật đã từ một sắc tộc hải đảo vươn lên như thế nào và trong tinh thần tôn trọng danh dự tuyệt đối đã có những nguyên tắc hết sức quá độ coi thường sinh mạng của thiên hạ. Trong lúc cả thế giới thông cảm với các nạn nhân thiên tai, và chính cá nhân chúng tôi đang góp phần tổ chức gây quỹ cứu trợ cho nạn nhân thảm kịch tháng 3 tại Nhật Bản. Nhưng nêu lên các dữ kiện chỉ để xác định tính chất công bình của lịch sử. Mong rằng những nhận xét vụn vặt của chúng tôi không làm thương tổn đến tấm lòng nhân đạo của quý vị độc giả dành cho nạn nhân. Trước khi đọc lá thư của bác sĩ Hoàng Cơ Lân từ Paris xin sơ lược về nước Nhật.

Nhật Bản. Xứ hải đảo thành cường quốc.

Nước Nhật có dân số 123 triệu với diện tích là 150 ngàn dặm. Chỉ có 1% đất đai trồng trọt. Còn lại là toàn núi non và bãi biển. Đất nước gồm 4 hải đảo lớn gần như liền nhau. So sánh với Việt Nam có 83 triệu dân và 130,000 dặm vuông thì Việt Nam phong phú tài nguyên và đất đai trồng tỉa hơn Nhật rất nhiều. Diện tích nước Nhật so với California có 160,000 dặm và dân số chỉ có 37 triệu thì California lại càng phong phú hơn nữa.

Vào đầu thế kỷ thứ nhất, Nhật gồm chỉ có các dân hải đảo sơ khai. Chính người Trung Hoa và Triều Tiên đến Nhật đã đem theo các truyền thống văn minh từ Á Châu. Về tôn giáo, ngày xưa nước Nhật chỉ có các Thần Đạo. Sau này Trung Hoa đem đến nền văn minh Phật giáo. Tiếp theo các nước Tây Phương Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan du nhập nền văn minh Tây phương vào Nhật khoảng thế kỷ 15.

Đến thế kỷ 18 lần đầu tiên hạm đội Hoa Kỳ đến Nhật và được coi là lúc đất nước của Thiên Hoàng mở mắt ra nhìn thế giới để bắt đầu cuộc canh tân. Một trăm năm sau, Nhật trở thành cường quốc quân sự, chiếm đóng Triều Tiên, Trung Hoa và gần như thống trị Đông Nam Á. Niềm kiêu hãnh dân tộc đưa nước Nhật thành xứ mặt trời mọc sáng chói Thái Bình Dương. Rồi sau khi bị Mỹ đánh bại năm 45, Nhật lại đứng lên để trở thành cường quốc kinh tế. Đây chính là sắc dân sống chết trên miền đất khổ của nhân loại, đầu sóng ngọn gió. Chống với chính mình vì đất hẹp người đông, chống với thế giới vì thiếu tài nguyên, chống với thiên nhiên vì động đất, sóng thần và bão tố quanh năm.

Sắc dân đó và lịch sử đó đã được cả thế giới khâm phục vào tháng 3 năm nay.

Với tinh thần nhân đạo và khách quan, xin quý độc giả đọc lá thư mà chúng tôi đã xin phép bác sĩ Hoàng Cơ Lân cho phổ biến với nhận xét của ông về Nhật Bản.

Giao Chỉ, San Jose

———————————————–

Những cảm nghĩ vụn vặt

Paris, ngày 28-3-2011

Kính gửi Đại tá Vũ Văn Lộc,

Sau thiên tai vô cùng khốc liệt tại Nhật Bản mà hiện nay chưa ai biết tai hại sẽ còn biến chuyển ra sao, đại tá đã gửi cho một cái PPS rất có ý nghĩa về tinh thần kỷ luật cao độ của dân Nhật, và bài viết sau đó với tựa đề “Nhật Bản, đất nước đầu sóng ngọn gió “. Tôi xin mượn dịp này để hàn huyên góp thêm ý với đại tá cùng vài người bạn. Cho đến nay ai cũng biết là dân Nhật kỷ luật, nhưng chỉ sau vụ động đất và sóng thần vừa qua cả thế giới mới nhìn thấy tận mắt sự thật đó: không than vãn, không cướp bóc. (Trong khi đi metro ở Paris không cẩn thận là bị móc túi!) Trẻ con người lớn xếp hàng trong vòng trật tự… Tinh thần Võ sĩ Đạo (Bushido) coi thường cái chết của quân đội Nhật hồi xưa vẫn còn chảy trong huyết quản dân chúng Phù Tang! Từ ngày bại trận năm 1945 đến lúc đất nước phú cường chưa đầy 20 năm, dân Nhật đã làm cho mọi người phải cảm phục. Chúng ta đừng quên là dưới thời Minh Trị Thiên hoàng (1868-1912), nước Nhật đã biết canh tân theo văn minh Âu châu. Nhảy vọt từ thời trung cổ bế môn toả cảng, sang thế kỷ thứ 20 trong 40 năm. Hạm đội của đô đốc Togo đã đánh bại hạm đội Nga Hoàng tại eo biển Tsushima năm 1905. Nhật chiếm đóng đất đai của Nga như nửa đảo Sakhaline và hải cảng Port Arthur. Năm 1895 Nhật chiếm Đài Loan, và năm 1910 thôn tính Đại Hàn (Trong khi các vua triều Nguyễn của ta thì chỉ biết bài ngoại, nhưng tòng phục lối sống và văn hoá bất di bất dịch của Trung Hoa (Tam Tòng Tứ Đức, Nhân chi sơ tính bản thiện…)

Tôi thấy quân đội Nhật lần đầu tiên vào năm 1940 tại Hà Nội sau khi Pháp thua trận tại Lạng Sơn (Bố tôi hồi đó bị động viên làm y sĩ trung uý cho một trung đoàn của Pháp đóng tại Lạng Sơn. Phép lạ khiến ông thoát về được Hà Nội sau khi cả bộ chỉ huy trung đoàn chết trong một hang đá gần Kỳ Lừa). Tôi chưa thấy một quân đội nào kỷ luật như quân đội Nhật Hoàng. Không bao giờ thấy lính tráng đi ăn nhà hàng, sách nhiễu dân chúng hay say rượu lang thang ngoài đường. Thỉnh thoảng mới thấy sĩ quan đeo thanh kiếm dài, nhìn thấy là sợ rồi. Họ ngồi tại các quán cafe ở đường Paul Bert… Cũng được biết là sĩ quan Nhật có quyền đánh lính và nếu cần xử tử!

Sau vụ Lạng Sơn, Nhật bắt Pháp phải cho đóng quân trên lãnh thổ Đông Dương, sử dụng đường xe lửa Hải Phòng, Hà Nội, Vân Nam để chuyển quân và tiếp tế cho mặt trận Trung quốc. Vì nhu cầu đánh nhau với Đồng Minh, Nhật dùng Đông Dương làm bàn đạp cho chiến trường Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bắt Pháp đài thọ lúa gạo, cao xu… cho quân đội Nhật và để cho Pháp tiếp tục cai trị nội bộ 3 xứ Việt, Miên, Lào. Đây lại là cái may lớn cho dân mình được sống tương đối bình an, nền học vấn tiếp tục từ tiểu học đến đại học trong khi khói lửa đệ nhị thế chiến bùng cháy khắp Á Châu. Nếu Nhật trực tiếp cai trị nước mình thay Pháp thì tình hình sẽ ra sao? Triển vọng gần chắc là đàn ông Viêt Nam sẽ đi lao công chiến trường và chết như rạ trên các quần đảo giao tranh ở Thái Bình Dương như dân Cao Ly. Đàn bà Việt Nam thì sẽ làm “hộ lý” cho lính Nhật như biết bao nhiêu đàn bà Triều Tiên… Dân Việt Nam có muốn tòng quân vào quân đội Nhật cũng không được vì tôn chỉ của người Nhật là ” Một nước, một dân tộc ” (Le pays d’un seul peuple). Hiện nay Mỹ gốc Việt có, Pháp gốc Việt có, Canada gốc Việt có… nhưng rất hiếm người Nhật gốc Việt! Quy luật này áp dụng cho tất cả thế giới chứ không riêng gì cho ai. Tôi xin kể thêm một chi tiết: dân Nhật ưa chơi base ball, ai cũng tưởng là môn này được Mỹ mang tới dưới trào tướng Mc.Arthur với sự hiện diện của quân đội Mỹ. Thưa không phải: chính mắt tôi được thấy lính Nhật chơi môn thể thao này trên sân cỏ trước Lycée Albert Sarraut, cạnh phủ Toàn Quyền ở Hà Nội (1942-1943).

Sau khi chiếm đóng Đông Dương, đặt đại bản doanh của thống chế Terauchi chỉ huy mặt trận Thái Bình Dương ở Château Bourgery tại Đà Lạt, Nhật tung quân tấn công trong một blitzkrieg hữu hiệu hơn cả quân đội Đức bên Âu Châu. Chiếm Hawaii, Hong Kong, Indonesia, Philippines, Malaya, Singapore, Miến Điện… và chỉ bị Mỹ chặn lại ở Midway tháng 6,1942. Chính máy bay Nhật cất cánh từ Saigon và Sóc Trăng đã đánh chìm 2 thiết giáp hạm (battleship) Prince of  Wales và Repulse của Anh trong eo biển Malaya, giúp quân Nhật chiếm Singapore bắt trọn 80.000 tù binh Anh!

Nhắc đến những dã man của quân đội Nhật khi chiếm được thành phố Nam Kinh, đến nỗi sử sách phải gọi vụ đó là “The Rape of Nan Kinh”. Giết chóc, hãm hiếp nhiều đến nỗi mà ngay  đồng minh là Đức Quốc Xã cũng phải hoảng sợ và lên tiếng. Tôi được đọc một bài và xem hình ảnh thấy 2 sĩ quan Nhật đua nhau thi chém được nhiều đầu người nhất trong một ngày! Phải chăng là tinh thần Võ Sĩ Đạo cho phép họ làm như vậy vì chính mạng sống của họ, họ cũng chẳng coi ra gì. Hơi một tí là seppuku mổ bụng tự tử. Tại Tokyo biết bao là sĩ quan Nhật khi được tin thua trận đã ngồi hướng về biệt điện của Nhật Hoàng để seppuku tự tử. Trong các trận Okinawa và ngoài khơi Phi luật Tân (đầu năm 1945), hơn 4.000 phi công, đa số còn là sinh viên đã lái may bay lao xuống các tầu chiến của Mỹ ở ngoài khơi. Đô đốc Onishi, người đã chủ xướng ra chiến thuật Thần Phong (Kamikaze) sau cùng đã mổ bụng tự sát nhưng từ chối ân huệ được chặt đầu sau đó (coup de grâce) và đã chịu đau đớn 12 tiếng mới chết. Ông tin là mang trách nhiệm với oan hồn các phi công đã thi hành lệnh của ông. Trước sự cuồng tín chiến đấu như vậy, bộ tư lệnh Mỹ tính là cứ theo đà này thì Mỹ và Đồng Minh phải tốn 1 triệu binh sĩ nữa mới mong chiếm trọn vẹn nước Nhật. Và tổng thống Truman đã lấy quyết định thả bom nguyên tử…

Cùng trong một chiều hướng, tại sao một dân tộc văn minh như dân tộc Đức Áo, đã có những danh nhân như Goethe, Freud, Martin Luther… những nhạc sĩ như Beethoven, J.S. Bach, Mozart… lại có thể dã man soạn thảo một chương trình diệt chủng 6 triệu dân Do Thái, Gypsy, Homosex..? Tôi nghĩ là mỗi người chúng ta đều có trong thâm tâm cái xấu và cái tốt. Tùy giáo dục cá nhân, tùy cái tuyên truyền được hấp thụ trong một bối cảnh nào đó, chúng ta có thể trở nên lang sói đối với đồng chủng hay hiền lành đi làm việc thiện. Tất cả chỉ là vấn đề phối hợp tốt xấu, nhiều ít, trong tâm linh của mỗi người trong một thời gian nhất định. Chả thế mà các sĩ quan SS của Đức Quốc Xã, sau trận mạc giết người không gớm tay, đều ưa thích âm nhạc cổ điển Tây phương. Tướng SS Reinhard Heydrich, trùm công an, phụ trách Final Solution diệt chủng Do Thái, xuất thân từ một gia đình công giáo, bố là giáo sư âm nhạc (Kapel meister) trong một chủng viện. Heydrich tóc blond, đẹp trai (nickname: l’ange du mal) kéo vĩ cầm rất giỏi! Những tướng tá Nhật trách nhiệm những vụ giết chóc tại Nam Kinh đều đã mặc kimono, uống rượu và ngâm thơ dưới những cây hoa đào nở trong mùa Xuân tại quê hương! Dân Bắc kỳ thế hệ chúng mình không thể nào quên được nạn đói chết 2 triệu người năm 1945. Tôi hồi đó 13 tuổi đi hướng đạo, mỗi buổi trưa là vác 1 cái bị đi khất thực trong khu vực gia đình tôi ở tại Thái Hà Ấp, huyện Hoàn Long. Gõ cửa mỗi gia đình cho 1 bát cơm, đầy vơi tuỳ theo khả năng, và chúng tôi ngay chiều hôm đó phát cho đồng bào đói rách ở khu Nam Đồng. Họ xin từng thìa cơm một, vì đã ăn cả vỏ cây chuối, rễ cây…”Xin anh cho tôi một vài hạt cơm ăn cho nó mát ruột…” Câu xin thê thảm của một phụ nữ từ vùng Thái Bình lết lên tới Hà Nội, không bao giờ tôi quên! Xác chết đầy đường, sáng sớm là xe bò đi nhặt xác như nhặt củi. Thêm vào đó còn bệnh chấy rận (typhus) bộc phát khi cơ thể kiệt sức và điều kiện vệ sinh xuống mức tối thiểu. Nạn đói 1945 do vài nguyên nhân. Ngoài Bắc đất chật người đông, được mùa lúa thì đủ ăn, đây lại mất mùa liên tiếp 2 lần. Nhật bắt trồng đay để làm quần áo cho binh sĩ và vật dụng quân trang. Pháp phải cung cấp cho quân đội Nhật số lương thực hàng năm theo thoả ước đã ký. Kế hoạch của nhà cầm quyền bảo hộ tiếp tế gạo dư thừa trong Nam ra Bắc bằng xe lửa hay tầu thủy đều thất bại vì không quân Hoa Kỳ bắn phá. Những điều này tôi được ông Jacques de Folin, Tổng lãnh Sự Pháp ở Saigon trong thời gian tướng Nguyễn cao Kỳ làm thủ tướng cho biết. Xin kể một chi tiết: Vào “một ngày đẹp trời ” Nguyễn cao Kỳ nổi hứng dùng riêng một máy bay Air Viet Nam chở tuỳ tùng sang Paris. Để làm gì tôi không nhớ, chỉ biết là Kỳ có mang bà vợ mới cưới đi khoe, shopping… Rồi không hiểu tuyên bố tuyên con với báo chí ra sao mà bị tướng De Gaulle hạ một câu “Qui est Ky?” (Ky là ai?) Chàng phi công nổi giận về Saigon bèn đoạn giao với Pháp, và trong một thời gian, Pháp và VNCH trên phương diện ngoại giao không có đại sứ nữa, mà chỉ còn lãnh sự mà thôi (J.de Folin nắm chức vụ này). Báo hại cho các bác sĩ Viêt Nam di cư sang Pháp sau 1975, ai ra trường trước 1965 thì bằng cấp được Pháp công nhận, ra sau 1965 (thời NCKỳ chấm dứt cả liên lạc văn hoá với Đại học Paris) thì phải đi học lại toàn phần hay một phần chương trình Y khoa mới được phát bằng tương đương để hành nghề.

So sánh trật tự bên Nhật sau vụ động đất với nạn cướp bóc bên Hoa Kỳ sau trận bão Katrina, đại tá đi đến kết luận là sự khác biệt về chủng tộc trong một nước và sự “khoan dung” của chính quyền nước đó trước những bê bối vô kỷ luật của đám dân, có lẽ làm cho đời sống nó “đỡ khổ” hơn, trong một xã hội có nhân bản hơn… Nước Mỹ thì đầy dân da đen, dân Mễ, mở cửa đón nhận cả triệu dân da vàng trong đó có biết bao là người VN sau 1975. Một số còn lợi dụng lòng tốt của chính quyền ăn welfare vô tội vạ… Nước Pháp thì khổ với dân Phi Châu và Ả Rập, chính trị gia báo chí luôn than phiền “chúng ta không thể nào chứa nổi tất cả sự nghèo khổ của thế gian” (la France ne peut pas accueillir toute la misère du monde) nhưng vẫn mở tay cứu trợ. Homeless, Jobless, Illegals đầy dẫy, được trợ cấp và trị bệnh miễn phí… Hàng năm tốn không biết bao nhiêu tiền… trong khi các bộ Quốc gia Giáo Dục và  Quốc Phòng bị cắt xén ngân sách. Ví dụ Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, Pháp chỉ có 1 cái, chiếc Charles de Gaulle, hiện đang yểm trợ quân nổi dậy Lybia. Một vị tướng hải quân nói với tôi: Hoa Kỳ có 11 hàng không mẫu hạm, Pháp chỉ có 1, đâu phải Hoa Kỳ giầu gấp 11 lần nước Pháp! Ngân sách xã hội của Pháp là 600 tỷ Euros một năm, giá tương đương cho 200 chiếc  hàng không mẫu hạm. Chỉ cần trích ra một phần nhỏ tiền trợ cấp nuôi bọn “vô công rỗi nghề” là chúng ta sẽ có thêm 2 hàng không mẫu hạm ngay!

Nhưng có lẽ những nước ăn ở có hậu như Mỹ, Pháp, Canada, Úc… đã được Trời thương, tránh cho không bị “sao quả tạ chiếu”! Trong giờ phút này, chúng ta chỉ nên cầu khấn cho nước Nhật thoát khỏi tai ương, nhất là mối nguy phóng xạ nguyên tử có vẻ còn nguy hiểm lắm. Bằng không có thể cả thế giới sẽ lãnh đủ!

Mong đại tá và quý bạn không quá sốt ruột khi đọc những cảm nghĩ vụn vặt của một cựu quân nhân già nua, đã một thời nếm mùi chiến tranh bên quê nhà.

© Hoàng cơ Lân

 

1 Phản hồi cho “Những cảm nghĩ vụn vặt”

  1. lucle says:

    Dai ca Hoang co lan .Em nghi la Harakiri la Tu sat tieng Nhat.Con seppuku khg hieu nhu nao?hay la tieng Phap?hy vong nhu vay.

Phản hồi