Vietnamese International Film Festival (ViFF), tháng Tư 2011
Năm nay Liên hoan Phim Việt-Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival/ViFF) được tổ chức trong tháng Tư, từ ngày 7-10 và 14-17 (tuần lễ bế mạc). Tình cờ viếng thăm quận Cam trong tuần lễ khai mạc April 7-10, tôi xem được hai phim: Saigon Electric (ở Việt-Nam gọi là Saigon Yo) và 14 Ngày Phép (14 Days).
Thứ Năm, ngày 7 tháng Tư, ngày khai mạc, được tổ chức trong khu U.C. Irvine Town Center, Edwards Cinéma 6, tiếp giáp với khuôn viên Đại học UCI. Đúng là một dịp dập dìu tài tử giai nhân, một cơ hội cho trai tài gái sắc gặp gỡ, phô trương và thi đua tài nghệ trên màn bạc. Được thành lập từ 2003, Liên hoan Phim Việt-Nam Quốc tế/ViFF tổ chức cách một năm một lần. Năm nay là năm thứ năm, ViFF được tổ chức dưới chủ đề Reel Momentum: Cuộn Phim Chuyển Hướng. Trong số 100 phim được gởi đến, 67 phim đủ các thể loại được chọn để trình chiếu.
So với nhóm Mực và Máu/Ink and Blood [là tổ chức Việt Nam đầu tiên ở vùng Vịnh San Francisco khoảng 20 năm trước đây đã cùng hợp tác với hiệp hội NAATA (National Asian American in Telecommunication Association) đã khai sáng và trình làng (Mỹ) những phim đầu tay của các đạo diễn Việt Nam trên màn bạc Hoa Kỳ và thế giới với các phim như: Mùi Đu Đủ Xanh, Cyclo của Trần Anh Hùng, Yellow Lotus của Tony Bùi…] tổ chức ViFF, dưới sự điều khiển của nhóm cô Lê Đình Isa và Eileen Trương, đồng sáng lập viên, thì cơ cấu ViFF có phần trưởng thành và chặt chẽ hơn. Hơn nữa ViFF là một Liên hoan Phim thuần túy Việt-Nam, không nằm dưới một tổ chức Á châu hay ngoại quốc nào.
Saigon Electric/Saigon Yo
Ngày khai mạc, phim Saigon Electric đã thu hút đến gần 600 khán giả được chiếu một lúc trong hai rạp. Đây là phim thứ hai của đạo diễn Stephane Gauger, phim đầu (Owl and the Sparrow) đã được ra mắt khán giả cách đây gần 4 năm và được nhiều người hâm mộ. Năm 2008, anh Stephane Gauger (mẹ Việt – cha Mỹ, sinh ở Sàigòn năm 70) đã thực hiện một phim tài liệu về nhạc Cổ điển – Vietnam Overtures – Tháng Tư năm 2009, anh cùng hợp tác viết kịch bản với Timothy Bùi trong Powder Blue, một Indie phim hoàn toàn thuộc dòng chính do Timothy Linh Bùi đạo diễn (không phải là một phim Việt Nam) do các tài tử Mỹ Jessca Biel, Ray Liotta, Forest Whitaker, Kris Kristofferson đóng.
Saigon Electric/Saigon Yo là một phim nói về một cuộc sống ‘bụi đời’ của những đứa trẻ nhảy Hip-Hop (break dancing) trong đoàn Saigon Fresh, họ thao dợt nghề vũ trong một trung tâm văn hóa của Sàigòn (có nguy cơ bị đập phá nhường chỗ cho một khách sạn) mong đợi một dịp may để thi thố tài năng, nếu đoạt giải nhất sẽ được đi Nam Hàn dự thi hip-hop quốc tế. Mai (Vân Trang), một cô gái múa Lụa ở Bạc Liêu lên Sàigòn mong được tuyển chọn vào trường dạy múa. Tình cờ cuộc sống của cô lại giao nhau với đám trẻ hip-hop trên đường phố. Làm quen với Kim (Quỳnh Hoa), một cô bé cá tính mạnh bạo, dày dạn với cuộc đời, Mai rủ Kim về sống với mình trong một căn nhà trọ thuê mà chủ nhân (Phan Tấn Thi) là một ông già đơn độc, khó tính, một giáo sư dạy dương cầm thuở trước, có một quá khứ mà ông cố vùi chôn vào quên lãng.
Hai cô gái là hai bức tranh tương phản: Mai là một cô gái hiền lành, xinh tươi, yêu đời; Kim là một cô gái li lợm, lăn lộn với đời sớm, tuy nhiên đúng như Mai nói về Kim, bạn mình: bên ngoài là cái vỏ cứng che dấu một tâm hồn cô đơn và yếu mềm. Thú thật tuy Sàigòn Electric là phim đầu của Quỳnh Hoa (một người đã đoạt nhiều giải hip-hop ngoài đời) vì diễn xuất quá tài tình và tự nhiên của Kim, khán giả rất khó nói rằng cô đóng vai phụ (supporting actress) hay Vân Trang (Mai) thủ vai chính.
Trong khi Mai làm bạn với anh trưởng nhóm nhảy hip-hop Do-Boy (Hà Phạm Anh Hiền-Zen 04), thì Kim bắt bồ với Hải (Khương Ngọc) một công tử, con trai của chính ông đại gia đang lăm le xây khách sạn trên mặt bằng hoạt động của trung tâm văn hoá cộng đồng nơi nhóm Saigon Fresh tập dợt.
Tình tiết éo le giữa Kim và Hải có lý tưởng quá không: một cô bé lọ lem và một anh chàng bảnh trai con nhà giàu thề non hẹn biển với nhau, rồi sau sẽ ra sao? Cũng như sự thi đấu tài nghệ giữa nhóm Saigon Fresh miền Nam và North Killaz (một lối chơi chữ đã làm cho khán giả tinh ý phá lên cười!) của miền Bắc sẽ kết thúc thế nào? Chưa nói đến trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi tập luyện và giảỉ trí của trẻ em nhà nghèo kết cuộc sẽ vào tay các đại gia hay không? Người ta phải đón xem phim mới có lời giải đáp.
Chỉ biết rằng trong nỗi lòng của Stephane Gauger với Sàigòn, nơi anh sinh ra, khán giả đã cảm nhận được một mối tình (love affair) của người đạo diễn tài ba này đối với những trẻ em nghèo của thành phố Sàigòn qua hai phim Owl and the Sparrow và Saigon Yo của anh và có lẽ vẫn chưa được diễn tả hết. Tôi hỏi anh có phải trong tận cùng của sự nghèo hèn, yếm thế hiện nay, lòng hy vọng tích cực của anh cho một ngày mai tươi sáng vẫn mãnh liệt và sáng lạn không suy xuyển, anh chỉ mĩm cười gật gù không trả lời trực tiếp. Có khác chăng ở ngoài đời khi mức tuyệt vọng đang xuống dần cùng với mức độ trầm cảm của con người thì trong phim của anh niềm hy vọng lúc nào cũng dâng cao đến mức khả quan.
14 Ngày Phép/14 Days
Đây là cuốn phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa, một người con của San José hiện đang sống và lấy vợ ở Sàigòn. Ý trung nhân của anh là Kim Phượng, một nữ diễn viên đóng vai người vợ của Bình Minh trong phim. Anh-Mỹ có câu Art imitates Life: Nghệ thuật bắt chước cuộc đời. Trong 14 Ngày Phép, Thảo, người yêu của Dũng (Trịnh Hội)đến từ Sóc Trăng lên Sàigòn dự tính theo học Luật, ở ngoài đời Kim Phượng (vợ của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa) và mẹ cũng xuất xứ từ Sóc trăng lên Sàigòn học Luật và lập nghiệp. 14 Ngày Phép cũng là cuốn phim đầu tiên của Trịnh Hội.
Hội thủ vai Dũng, một nhân vật chính trong 14 Ngày Phép, một Việt kiều lần đầu tiên về thăm quê hương sau một cuộc tình tan vỡ ở Mỹ, ngoài đời thì cuộc tình của Trịnh Hội có khác đôi chút, bị đứt gánh sau khi về Việt Nam. Nhập bọn với Lâm (Thái Hòa – Để Mai Tính) một người bạn thân và thế giới ăn chơi của anh ta, Dũng tình cờ gặp và làm quen với Thảo. một cô gái nuôi mộng làm luật sư nhưng hoàn cảnh éo le không khác gì một số các cô gái Việt Nam có nhan sắc lên Sàigòn lập nghiệp, cô phải sa vào một nghề khác với dự tính của mình. Hoàn cảnh đẩy đưa, Dũng có cơ hội gặp lại Thảo trong một đêm du hí với Lâm và người bạn Hà Nội. Sau đó, qua một phen nguy ngập đầy kịch tính, tình yêu hai người lại nở rộ, khắng khít thêm lên, Dũng theo Thảo về quê thăm gia đình. Ở đây khán giả cũng như Dũng được mục kích cảnh nước non và đồng lúa hữu tình của Sóc Trăng, cũng như trong một đêm trăng với cây đàn bầu và nhịp phách gợi tình gợi cảm, Trịnh Hội bất chợt ca tiếp sáu câu Vọng Cổ Lan và Điệp rất ư là xuất sắc và ‘điêu luyện’ . Xin bật mí: Anh chưa hề biết ca Vọng Cổ cho đến khi đóng phim này.
Nhưng có phải cuộc tình đẹp nào cũng trôi chảy cả đâu! Về lại Sàigòn, Lâm, người bạn ăn chơi quỷ quái của Dũng đã rủ rê anh làm nhiều chuyện rồ đại, không kể chuyện mang về Việt Nam dùm cho Lâm món hàng quốc cấm, cái nạn gái gú mà nhiều người đàn ông trẻ (hay già) hay mắc phải khi về Việt Nam cũng làm cho Dũng mất đi mối tình chân của mình. Phim 14 Ngày Phép có lẽ là cuộn phim Cinéma Vérité đầu tiên tả chân cuộc sống hộp đêm của Sàigòn, nói lên sự ăn chơi mà nhiều người không muốn thố lộ nơi công cộng khi về Mỹ. Cuối cùng thì những cảm nghĩ của Dũng – được nói lên như thể tự thuật (narrative form). Một người Việt xa xứ có thể làm được một chuyện gì có ý nghĩa và đáng kể hơn sự ăn chơi nhất thời khi về Việt Nam không?
Nói chung, diễn xuất của các vai chính như Thái Hòa – một lần nữa Thái Hoà lại chứng tỏ tài diễn xuất thật xuất sắc của mình – Trịnh Hội, Ngọc Lan khá là thật và tự nhiên. Kể cả những mẩu đối thoại trong phim đã vượt qua được lối đối thoại như ‘trả bài’, không như những phim Việt Nam cũ trước đây. Phụ đề cũng khá ăn khớp. Không như vỡ kịch Đoạn Tuyệt mà tôi được xem mấy ngày trước đó ở Orange County Performing Arts Center, một vở kịch mà Trịnh Hội chỉ thủ một vai nhỏ (Dũng) khoảng 7 phút, trong 14 Ngày Phép, Trịnh Hội diễn xuất thực hơn và trong một vai lớn hơi: trong sáng, lành mạnh, và hồn nhiên của mình (mặc dù khi lên sân khấu sau khi phim chấm dứt anh cố bào chữa là ngoài đời mình không ngây thơ hay ‘khờ’ như vậy) Phim đáng được xem, nhất là đối với những ai ‘chưa’ biết được lối sống ăn chơi phóng túng của Việt Kiều khi về Việt Nam.
© Nguyễn-Khoa Thái Anh
© Đàn Chim Việt
ohh ! I know who’s this girl Mai Thy !
A easy going person very nice