WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tổ chức xã thôn Việt Nam

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến tổ chức xóm làng vì xã thôn đóng một vai trò rất quan trọng -  như một thành lũy  -  trong việc chống ngoại xâm, bảo tồn Văn hóa và nuôi dưỡng tâm tình người Việt.

Có thể nói từ một gia đình nhỏ  người Việt mở rộng ra một “gia đình” lớn hơn là làng xã, trong đó mọi người chung sống như một gia đình, cũng có bàn thờ trang trọng chung thờ thành hoàng, có tài sản chung, phong tục tập quán chung, ai đáng cha kêu cha, ai đáng chú kêu chú, ai lớn tuổi hơn là anh là chị… Ngược lại, những người đáng tuổi cha chú, anh chị phải coi người dưới như con, em mình.  Mọi người sống trong một  cộng đồng  có tôn ti trật tự, tình yêu thương, tương thân tương ái, đùm bọc che chở khi có người gặp hoạn nạn.  Những tiếng bác Hai, bác Ba, thím Tư, thím Bảy để kêu người trên trong làng xóm một cách kính trọng như cha chú mình,  hay con  Sáu, con Tám, thằng Tư… để những người có tuổi  kêu người dưới một cách thân mật như con cháu mình.

Xã hội  và làng xã Việt Nam không có giai cấp quí tộc và thứ dân, không có địa chủ và nông nô như xã hội Tây phương trước kia. Nếu người nghèo không có ruộng đất riêng thì cũng được làng xã chia công điền, công thổ để làm ăn. Mọi người có cơ hội đồng đều trong cuộc sống. Do  đó người nghèo không bị miệt thị vì  “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời “.  Nếu khoẻ mạnh, biết tính toán, chăm chỉ làm ăn sẽ có cơ hội trở nên giàu có;  nếu có chí học hành sẽ thi đỗ làm quan.  Những kẻ hống hách, kiêu kỳ bị  khinh dể, không có chỗ đứng trong xã thôn  do tính khinh bạc không coi trọng  chức tước, danh vọng, mà coi trọng những điều nhân nghĩa của người mình.  Câu nói  “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ” có ý mỉa mai  những người có học mà kiêu căng và ngay cả những người  khoa bảng hách dịch.

Ngày xưa có những ông cử nhân, tiến sĩ  hay tuần phủ, tổng đốc được vua ban sắc chỉ, võng lọng về làng  nhưng không có đức độ  vẫn bị  coi thường.  Trong tiệc khao dân làng của họ,  mọi người  đến vì trọng bằng cấp, mũ áo của nhà vua nhưng chỉ ăn qua loa hoặc chống đũa ngồi đó  làm gia chủ phải đem rượu, thịt ế đổ đi.  Dưới đây là đôi câu đối của ông đồ Phan Điện  viết dán ngoài cổng nhà ông Nghè  Dương Lâm  đang ăn khao  cháu đỗ Tiến sĩ  dưới thời Pháp thuộc:

- Sung sướng thay! Quan Thiều làng Vân, con đỗ cống, cháu đỗ nghè, sắc chỉ vua ban, mề đay Tây gắn, giời riêng một nhà tú dua nhiều vận tốt. (Toujours: luôn luôn)

- Đau đớn nhẽ! ông Hoàng họ Nguyễn, chồng một nơi, vợ một nẻo, ngày thì lội suối, tối lại qua đèo, đất chung cả nước, một mình gánh vác có ai khen?  (trích trong Văn Minh VN trang 207 của Học giả  Lê văn Siêu).

Trong tập tục xưa, người Việt không bao giờ lấy vợ kém mình nhiều tuổi:  kém năm, bảy tuổi đó là em mình;  kém  mười lăm, hai mươi tuổi đó là con cháu mình.  Những người già lấy vợ trẻ bị người ta chê cười là ham muốn nhục dục, “già đời còn chơi trống bỏi “.  Cái cảnh  “theo sau đủng đỉnh một đôi dì” của  nhà nho Nguyễn công Trứ  bị người ta chê trách, không phải là điều vinh dự  trong xã hội Việt Nam.

Không ai biết làng xã được tổ chức từ bao giờ,  dấu vết còn ghi lại ít nhất từ thời các vua Hùng dưới hình thức giống như các buôn, bản của đồng bào Mường hay những đồng bào thiểu số khác gần cận với chúng ta. Những tiếng cổ xưa để chỉ thôn xóm thời ấy  là làng chạ, làng mạc.

Thời Vua Hùng dựng nước đã có Lạc Hầu, Lạc Tướng coi một vùng thuộc quyền của mình (như các tù trưởng hay quan lang của đồng bào thiểu số bây giờ).  Như vậy là có nhiều thôn xóm, làng mạc qui tụ dưới quyền các vị Lạc hầu, Lạc Tướng và các vị này qui tụ lại thành quốc gia do các Vua Hùng kế tiếp nhau ngự trị.

Nhưng trước khi có quốc gia thì người Việt  đã tổ chức làng xóm vững vàng từ lâu  rồi, bằng chứng là phong tục, tập quán, luật lệ, cơ cấu chính quyền Xã, tín ngưỡng đã ăn xâu vào đầu óc người dân  và đã trở thành như những nguyên tắc bất di, bất dịch nên khi thành lập quốc gia các vị Vua, Chúa phải tôn trọng: “Phép vua cũng thua  lệ làng”.

Đời Trần (Trần thái Tông) đời  Lê (Lê thánh Tông), nhà vua muốn bổ viên chức Xã Quan (hay Lý Trưởng) là người của chính quyền về cai trị thay cho viên chức từ trước vẫn do  dân chúng bầu ra đều thất bại phải  bãi bỏ    Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân biết làng xã là nguyên nhân chính gây trở ngại cho chính sách đồng hóa của họ nên ra Nghị Định  dưới danh nghĩa “Cải Lương Hương Chính” ở Miền Bắc năm 1904 và miền Nam năm 1921 cũng đưa đến thất bại vì không được dân chúng tiếp nhận.

Ngay sau khi người Pháp chiếm 6 Tỉnh miền Nam (1864), năm 1874  Luro  đã thấy rằng  làng xã tự trị (commune automone)  là một tổ chức có truyền thống ổn định rất xa xưa và khuyến cáo nhà cầm quyền thực dân  thời ấy không nên  đụng chạm đến  vì có thể ” làm dân chúng bất bình đưa đến  rối loạn “.

Nguyên nhân từ đâu?

Trước hết, đó là tinh thần dân chủ đã ăn xâu vào nếp sống của người dân, nếu bị tước đoạt họ sẽ đoàn kết chống đối dưới mọi hình thức, mà hình thức thông thường là toàn dân trong xã bảo nhau tẩy cha, không hợp tác, tránh né không thi hành mệnh lệnh.

Có thể so sánh Làng Xã của ta với những “Quốc gia Đô thị ” của Hy Lạp thời xưa hay những Tiểu bang, những nước Cộng Hoà tự trị ngày nay.    Nhưng Làng Xã Việt Nam  kết hợp lại thành quốc gia không phải bởi luật pháp, hiến pháp ràng buộc như những nước khác mà bởi tinh thần dân tộc do cùng một dòng máu, cùng một Tổ Tiên  nên sự liên hệ giữa hai bên được giải quyết  êm đẹp bằng cả tình lẫn lý,  gần như không có sự xung đột  nào qúa đáng.

Làng xã của ta từ xưa đã có cơ cấu tổ chức gần giống với cơ cấu tổ chức của các quốc gia dân chủ tân tiến ngày nay, đó là chia chính quyền  thành cơ quan Lập Pháp (tương đương Quốc Hội) do Hội Đồng Kỳ Mục phụ trách và cơ quan Hành Pháp (tương đương Tổng Thống) do Xã Trưởng đứng đầu.  Thời ấy chỉ không có cơ quan Tư Pháp tức Tòa án  coi việc xét xử mà do Vị Tiên Chỉ đứng đầu HĐ Kỳ Mục hay Lý Trưởng phục trách. Xã (Làng) có Hiến Pháp là bản Hương Ước (qui định luật lệ về quyền lợi và nghĩa vụ cho người dân trong Xã) do HĐ Kỳ Mục thành lập.  Hội Đồng này còn có quyền thay đổi những tập tục lỗi thời hay ban hành những luật lệ mới.  Lý Trưởng (hay Xã Trưởng) phụ trách việc thi hành Hương Ước  tổ chức việc tế  lễ, thu thuế, bảo đảm an ninh, liên lạc với các cấp chính quyền thuộc quốc gia…

Hội Đồng Kỳ Mục gồm những người có tuổi, có tư cách được  kính trọng, hoặc những người có học thức  những người đã từng có địa vị trong xã hội(cựu quan lại) do dân chúng tín nhiệm bầu ra.

Về Văn hóa, mỗi Xã có phong tục tập quán riêng ấn định việc cưới hỏi, lễ hội, ma chay, bầu cử, thuế má, phân chia công điền, công thổ…  Những tập tục ấy mọi người bắt buộc phải tôn trọng kể cả những người  ngoài làng tới làm ăn sinh sống, hay tới để làm lễ cưới hỏi cho con cái mình.   Những cách sinh hoạt khác lạ, dù trong nước, cũng bị chận lại ngay ở cổng làng không cho len vào  nói gì đến lối ăn mặc, lối sống mà thực dân phương Bắc hay phương Tây đem tới  bắt dân ta phải theo để  đồng hoá!

Người ta còn nhớ vào thời Minh Mạng, một ông vua nhà Nguyễn triệt để theo Tàu  (giống vua cha là Gia Long). Năm 1828 vua Minh Mạng ban chiếu chỉ cấm dân mặc váy, đã bị dân chúng phản đối không tuân theo và đả kích kịch liệt qua câu ca dao sau đây:

Tháng Tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy (váy), người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì  phải  mượn  quần  chồng  sao  đang.
Có quần ra quán bán  hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.

Những lời đả kích cay nghiệt  nhất là câu thơ cuối cùng, đối với mệnh lệnh của một ông vua khi làm trái với tập quán của dân chúng  (đàn bà cởi truồng ra đứng ở đầu làng…  cho vua quan xem).

Kết quả là hơn 100 năm sau, khi ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại rời khỏi ngôi báu vào giữa thập niên 1950 thì đàn bà ở miền Bắc vẫn còn mặc váy.

Cho nên không có gì khó hiểu khi chúng ta thấy 2  làng ở cách nhau một con đường mòn mà lễ cưới hỏi hay cách thức tổ chức hội hè, tế lễ, cách nói năng và có khi  giọng nói khác nhau    Người làng này sang làng khác sinh sống không được hưởng các quyền lợi như chia công điền, công thổ, không được tham gia việc làng trong khi vẫn phải thi hành các nghĩa vụ.  Họ sống như người ở nhờ, sống ngoài lề dù đã ở đó bao nhiêu đời.  Do đó làng xã Việt Nam, nhất là ngoài Bắc (miền Nam do bối cảnh lịch sử có khác đôi chút) không có người Trung Hoa nào len lỏi vào được.  Họ ở ngoài phố thị buôn bán, làm thầy thuốc bắc hay thợ thuyền sinh sống.

Nói đến Văn Hoá, phải nói đến cái Đình mà làng nào cũng có.  Ngôi đình  – thường được xây rất lớn theo lối nhà sàn, cột một người ôm, có mái cong, có cầu thang lên xuống – mang dấu tích sinh hoạt Văn hoá và kiểu giáng từ thời xa xưa mà ngày nay đồng bào thiểu số gần cận với người Việt kêu là nhà Làng hay nhà Rông.    Đình  là nơi trang trọng vừa dùng để thờ Thần Làng (Thành Hoàng), vừa là nơi tế tự, tổ chức lễ hội, hát xướng, nơi hội họp toàn dân để bàn về những việc quan trọng, nơi Hội Đồng Kỳ Mục và Lý trưởng làm việc, nơi xét sử những người vi phạm thuần phong, xúc phạm thần làng, bất hiếu với cha mẹ…

Thường mỗi làng một năm có vài dịp  lễ hội, nhiều nhất vào ba tháng đầu năm:

Tháng Giêng ăn tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Nhưng ngày quan trọng nhất là lễ tế Thành Hoàng  để nhớ ơn, để cầu cho dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.  Lễ này thường được tổ chức kèm theo những sinh hoạt văn hoá khác như hát chèo, hát nhà trò, đánh vật, thi nấu cơm, thi bơi thuyền, thi thả diều…  và người dân trong làng nhân dịp này cùng nhau vui chơi  ăn uống.

Những dịp như thế tạo tinh thần trách nhiệm – qua việc đóng góp tiền bạc, công sức – và gây tình yêu thương, đoàn kết cũng như tinh thần gắn bó với bà con, xóm làng.  Vì vậy người ta không ai muốn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn và nếu cực chẳng đã phải đi nơi khác làm ăn, họ rất buồn tủi cho là đi “tha phương cầu thực”, tức đi kiếm miếng ăn nơi xứ người!

Một  đặc điểm văn hoá khác phát xuất từ thôn xóm nhưng đã vượt lên tầm mức quốc gia và đi vào lịch sử, đó là Văn Hoá Cây Tre được người Việt Nam tạo nên.   Một huyền thoại từ thời  xưa kể lại rằng khi Đức Thánh Gióng được Vua Hùng cấp cho ngựa sắt, kiếm sắt đi đánh giặc Ân, Ngài cưỡi ngựa ra trận dùng kiếm tả xung hữu đột chém giặc;  khi kiếm sắt gãy,  Ngài nhổ gốc tre mà đánh khiến quân giặc tan tành!    Nếu không có gốc tre mọc bên đường hẳn lịch sử của chúng ta đã đổi khác.

Tre là một loại cây dễ mọc ở vùng nhiệt đới, có chỗ mọc thành rừng.   Thân tre thường cao  bảy, tám mét, cành lá xum xuê  lại mọc sát nhau nên cho nhiều bóng mát.  Tre có nhiều loại:  Tre gai, tre bương, (tre) nứa,  (tre) tầm vông… riêng tre ngà và(tre) trúc trồng làm cảnh.  Tre hiện diện trong mọi sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi từ cây tăm nhỏ bé, đôi đũa ăn hàng ngà, rổ, rá rửa rau; cái giỏ, cái giậm, cái thuyền, cái bè vó để đánh bắt cá; đòn gánh, đòn sóc, quang, bắp cày, cán cuốc, cán mai, cán thuỗng để gồng gánh hay đào bới đất;  cái thúng, cái mủng, cái nong, cái nia, cái bồ, cái cót để đựng lúa, đựng ngô; cái phên, cái liếp dựng trước nhà che nắng, mưa và gió; đến cả cái giường nằm, cái nhà cũng làm bằng tre …  .  Cao cấp hơn và mang rõ nét văn hoá là cái đàn tre thánh thót, cái sáo diều vi vu,  ống sáo trúc đã làm rung động bao tâm hồn người nghe khi trao vào tay những nghệ sĩ tài ba (Tô kiều Ngân, Nguyễn đình Nghĩa…).

Cây tre, cây trúc đã đi sâu vào tâm hồn người Việt:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Và:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre vắt vẻo gập  ghềnh  khó  đi.
Khó đi thì mặc khó đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường  đời.

Tre còn được dùng làm vũ khí  chẳng những vào thời thánh Gióng mà cả vào thời cận đại và hiện đại ; đó là cung, tên, cán đòng, cán giáo  gậy gộc.

Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói vai trò  quan trọng như những thành lũy của cây tre trong việc bảo tồn văn hoá  và an ninh của người Việt.

Như chúng ta đã biết, ở thôn quê mỗi nhà có lũy tre dày đặc vây quanh làm hàng rào và chỉ có một cổng ra vào.  Đó là thế giới riêng của một gia đình với cha mẹ là người điều khiển và dạy bảo con cái. Tất nhiên mỗi gia đình ở đâu cũng có lối sống riêng nhưng  – với hàng rào bao bọc -  không sợ người khác nhòm ngó tạo cho người ta tâm lý riêng tư hoàn toàn nên mỗi gia đình tự tạo ra nề nếp  cho mình về lối sống, cách làm việc, trật tự trong gia đình (tuy vẫn tôn trọng tập quán của địa phương), do đó người ta có câu: nhập gia tùy tục. Những gì trái với lối sống trong nhà đều bị cấm đoán hay ít ra không được chấp nhận.  Những người mới gia nhập như con dâu, con rể đều phải tuân theo nề nếp có sẵn.

Lũy tre nối liền từ nhà nọ đến nhà kia vây bọc khắp làng và chung quanh làng.     Loại tre làng xã Việt Nam  trồng làm rào lũy là loại tre gai, gốc đặc, từ gốc đến ngọn mỗi đốt đều có nhánh đầy lá và mọc gai tua tủa, chui vào bị gai đâm, leo lên cao cũng bị gai đâm, đào  lỗ chui vào thì bị lớp rễ dày đặc ngăn cản.  Thường thì mỗi làng chỉ có 2 hay 3 lối ra vào, ban đêm cổng làng được đóng chặt có tuần phiên canh gác chống trộm cướp.

Từ ngoài nhìn vào, làng xã Việt Nam  trông tựa một đồn ấp với thành lũy bao bọc kiên cố. Qủa thực nơi đó là đồn ấp chẳng những để vảo đảm an ninh  chống trộm cướp mà còn là nơi chống lại  sự đồng hóa thâm độc của của kẻ thù xâm lăng qua chiều dài hơn ngàn năm Bắc thuộc và 80 năm Pháp thuộc nhờ vào tổ chức chặt chẽ, có tôn ti trật tự, sự thân thiết  xóm làng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lại có tôn giáo riêng (thờ thành hoàng), luật lệ, phong tục tập quán riêng không nhân nhượng bất cứ  phong tục, tập quán nào dù là của làng bên cạnh, của vua chúa ban ra (như đã nói về chiếu chỉ cấm mặc váy của vua Minh Mệnh), nói chi đến phong tục tập quán của kẻ xâm lăng.

Cũng như trong một gia đình, những  phong tục, tập quán xa lạ đều phải để lại bên ngoài trước khi bước chân vào làng vì  “đất có lề quê có thói “, đó là nguyên tắc mọi người phải tôn trọng.

Nói như thế không có nghĩa là người Việt Nam không chấp nhận sự tiến bộ, sự đổi mới.  Chủ đích của người Việt  là gạn lọc:  chỉ có những phong tục, tập quán, lối sống nào có hại  hoặc trái ngược với văn hoá dân tộc mới bị ngăn chặn, bài bác.

Trong lịch sử,  làng xóm còn là những chiến lũy chống xâm lăng trong chiến thuật du kích.  Đời nhà Trần khi quân Nguyên sang xâm lăng, quân nhà Trần một mặt đem đại quân ngăn chặn, một mặt dùng chiến thuật du kích quấy phá.  Thời nhà Lê,  Bình Định Vương cũng khởi binh từ  nơi thôn xóm.  Thôn xóm là nơi che chở, ẩn nấp và tiếp tế lương thực cho nghĩa quân.  Quân thù muốn hành quân  nơi thôn xóm không bao giờ dám đi lẻ loi mà phải đem ít nhất hàng tiểu hay trung đội, vì vậy khi người Việt đã vùng lên đấu tranh  thì quân giặc phải phân tán thành  hàng ngàn đơn vị nhỏ  về làng xã để giữ an ninh, quân Việt nhờ đó tìm cách  đánh tỉa dần  làm cho địch suy yếu trong khi  nghĩa quân  càng ngày càng lớn mạnh  chờ cơ hội  phá tan quân địch đem lại độc lập cho đất nước.

© Đàn Chim Việt Online

Phản hồi