WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sơn Nam & Cách mạng tháng Tám ở U Minh

Ảnh Duy Anh. Nguồn: Người Lao Động

Mấy năm trước, sau khi ghé thăm giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Văn Lục đã có nhận xét như sau về người bạn đồng nghiệp cũ:

… sau 1975 … có mấy mấy nhà văn, nhà báo trong Nam được cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay… Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay”

 

Tôi có ngồi học với giáo sư Lý Chánh Trung đâu chừng cỡ… nửa giờ, ở trường Văn Khoa Đà Lạt. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Tôi không dám bàn luận lôi thôi gì (thêm) về chuyện viết lách của một người thầy học cũ.

Nhận xét dẫn thượng, chả hiểu sao, bỗng khiến tôi nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Ông cũng là một trong những người may mắn hiếm hoi của miền Nam (trong “con số đếm chưa hết một bàn tay”) vẫn được phép cầm viết, sau 1975, và là một trong những nhà văn mà tôi vô cùng mến mộ.

Tác phẩm (có lẽ) đắc ý nhất của Sơn Nam là cuốn Hương Rừng Cà Mau, trong đó có truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.” Tác giả kể lại chuyện một người dân ở U Minh Hạ, đặt mua báo dài hạn nhưng không trả tiền nên nhà báo phải cử người đi đòi nợ. Xin trích vài đoạn đọc chơi cho nó … đã:

- Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy?

Thầy xã trưởng đáp:

- Ở xóm Cà Bây Ngọp lận! Để tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó lên công sở…

Thầy phái viên nhà báo “Chim Trời” giựt mình:

- Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quí vị độc giả thân mến gần xa.

Thầy xã hỏi:

-Phái viên là gì vậy thầy?

- Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thu tiền.”
[(Sơn Nam. “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.” Hương Rừng Cà Mau, tr.99) (*)]

Ẩn bản 1972. Nhà xuất bản Trí Đăng: Sài Gòn.

 

Nhân vật chính trong truyện, ông Trần Văn Có, theo như lời dân cùng xóm, là một người độc thân, làm nghề giăng câu, nuôi heo, lấy tổ ong, và hơi ba hoa chút đỉnh: “Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít-le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tầu…”

Nghe nói vậy nhưng không phải vậy. Khi phái viên báo Chim Trời giáp mặt độc giả Trần Văn Có, ngay tại nơi cư trú của ông, cuộc hội kiến – rõ ràng – rất là trang trọng và (vô cùng) thắm thiết:

Ẩn bản 1972. Nhà xuất bản Trí Đăng: Sài Gòn.

“Buổi cơm chiều ngon lành làm sao! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu… Tư Có kèm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đi. Thếp đèn dầu cá kèo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.

Tư Có bỏ mùng xuống, chun vô tấn ba phía rồi mời:

- Thầy Hai vô trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngoài muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.

Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chui lẹ vào ngồi kế bên:

- Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hồi sanh bịnh chết.

Tư Có đáp:

- Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.

Thầy phái viên trố mắt:

- Vậy à? Còn mấy làng khác?

- Ðông Thái, Ðông Hồ, Ðông Hưng, Vân Khánh Ðông… không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi…

- Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi… Báo có thích hợp không anh Tư?

- Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, tứ cứ. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Ðó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?

Thầy phái viên cười:

- Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách toòng teng bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.

Tư Có nói:

- Chắc là thầy muốn nói bài ‘chốn quê hương đẹp hơn cả’ chớ gì?

Rồi chú đọc một hơi:

- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy…

- Ðó đa! Ðó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.

- Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ.

Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:

- Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…

Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim…

Giọng Tư Có nói nhỏ:

- Ngủ chưa, thầy phái viên?

- Ngủ chưa anh Tư?

- Chưa!

- Tơi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.

Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:

- Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.

- Ðâu có! Ðâu có! Mình là bạn đời với nhau…

- Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.

- Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài  hoài cho tới số chót.
Chú Tư Có vô cùng cảm động…”
(sđd 111-116).

 

Tôi đọc truyện “Tình Nghĩa Gíao Khoa Thư” khi còn ở tuổi đôi mươi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều lý tưởng. Tôi và bè bạn vẫn tâm nguyện rằng, sau cuộc chiến, thế hệ của mình sẽ cố góp hết sức để dựng xây những phần đất quê hương (bị lãng quên) như vùng U Minh Hạ.

Hòa bình, tiếc thay, đã không mang lại cuộc sống an bình như mọi người mong muốn. Không những thế, nó còn khiến cho hàng triệu kẻ đã phải liều mạng rời bỏ quê hương, để mưu cầu một cuộc sống khả kham hơn – nơi đất lạ quê người.

Tôi là một trong những kẻ đã (đành đoạn) bỏ đi như thế. Vài chục năm sau, khi tóc đã điểm sương, ở một góc trời xa, tình cờ đọc được bài báo (“Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ”) của phóng viên Hoàng Trí Dũng mà không khỏi băn khoăn nhớ về quê cũ:

Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tơi bị ‘sốc’ như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất…”

“Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương – những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hịa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.”

“Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện. ..”

“Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt – một lão nông có uy tín trong vùng – vào chuyện: ‘Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó…’
Chú Ba Vinh thì kêu:“Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc…”

Chú Ba Vinh (nào đó) tuổi đời – ngó bộ – còn hơi ít nên không biết rõ cảnh sống của dân chúng ở U Minh Hạ vào thời Pháp thuộc. Chớ hồi đó, cứ theo như lời kể của ông già Nam Bộ Sơn Nam, nơi đây đã có người đặt mua dài hạn báo Chim Trời ở tận Sài Gòn, có kẻ giữa bữa giỗ (dám) bàn chuyện quốc sự và lớn tiếng chê bai tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang sa.

Những chuyện “tầm ruồng” như thế, xem ra, có vẻ như một giấc mơ (đã) xa xôi lắm đối với người dân ở U Minh Hạ – bây giờ. Trong bài phóng sự (thượng dẫn) không nghe phóng viên báo Tuổi Trẻ kể lại chuyện có bữa nhậu lai rai mấy con cá lóc nướng trui với người dân địa phương, và dùng chung với họ một bữa cơm chiều (“ngon làm sao”) như đặc phái viên của báo Chim Trời – hồi đó. Chuyện người ta ăn ở cư xử tử tế với nhau, theo kiểu “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” (ngó bộ) cũng miễn có luôn.

Ở U Minh Hạ, ngày nay, theo như nguyên văn tường thuật nhà báo Hoàng Trí Dũng:“30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất.” Có chăng chỉ là tiếng kêu gào ai oán, của những người dân khốn cùng và uất hận, vì bị cướp bóc trắng trợn mà thôi.

Sơn Nam, có lẽ, vì tuổi đời đã cao nên không còn nghe và thấy được những tiếng kêu thương và cảnh đời vô vọng (đến thế) từ nơi sinh trưởng của ông. Ngày 18 tháng 8 năm 2008, trên diễn đàn talawas, tôi nghe nhà văn Lê Phú Khải kể chuyện này:

Có lần tôi nhờ ông viết một bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Mấy ngày sau, cũng tại quán café ở Gò Vấp, ông đưa tôi bài: ‘Nhớ ngày Cách mạng tháng Tám ở U Minh’, đánh máy bằng cái máy chữ, chữ nhỏ li ti như con kiến. Ðài phát xong tôi thấy ‘tiếc’ quá! Vì chữ nghĩa phát lên trời rồi gió bay đi… Tôi bèn gửi bài đó cho báo Cà Mau. Khi bài báo đó được in trên giấy trắng mực đen ở Cà Mau thì bạn đọc, cán bộ, đồng bào và các nhà nghiên cứu của vùng đất này đều kinh ngạc về trí nhớ của Sơn Nam. Bài báo đó là một tư liệu lịch sử sống động về Cách mạng tháng Tám ở U Minh, chưa từng được ai ghi chép lại sinh động như thế. Thư gửi về toà soạn tới tấp… Xin trích đăng lại đoạn cuối của bài báo đó:

“Tại dinh chủ quận trước kia, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Từ những thôn xóm hẻo lánh, đồng bào đến dự ngày lịch sử trọng đại. Ðã có ban trật tự sắp xếp chỗ đậu xuồng ghe. Ðồng bào người Khmer cũng đến dự với các sãi áo vàng. Xuồng ghe đậu dài hàng kilômét. Nhiều người trung niên ‘quần bao áo bố’ cõng con trên vai để nó trông lên khán đài. Tiếng loa phát ra vang vang, báo tin đại diện của tỉnh bộ Việt Minh đã đến. Có múa lân. Vài ông lão tụ tập lại, dạy võ thuật cho thanh niên. Loa lại vang lên, khuyên đồng bào yên tâm, cứ chịu đói buổi sáng, sau đó sẽ có phân phát bánh tét, ăn thay cơm. Trời chuyển mưa. Ðồng bào vẫn đứng chịu mưa tại chỗ.”

Câu chuyện này cũng lại khiến tôi liên tưởng đến nhận xét của giáo sư Nguyễn Văn Lục về một vị thầy học cũ của mình:

“Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.”

Sơn Nam qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008 nhưng ông đã chết (trong tôi) hơi lâu, trước đó.
© Tưởng Năng Tiến

© Đàn Chim Việt
——————————————–
(*) Sách được in lại (và in “lậu”) tại Hoa Kỳ, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm tái bản.

4 Phản hồi cho “Sơn Nam & Cách mạng tháng Tám ở U Minh”

  1. ĐẠI HẢI says:

    HAI ÔNG GIÀ

    Saigòn cũ, hai ông già
    Ông tên Bùi Giáng, ông là Sơn Nam
    Ông đầu, đố thấy mà ham
    Ông sau, đố thấy muốn làm thân chi
    Ông này, như cái chi chi
    Từ ngoài thế giới đến, thì biết sao
    Ông kia, lạ lẫm thế nào
    Chuyện qua lời lại, như vào mê cung
    Nhiều người ác miệng, bảo khùng
    Người nào tốt bụng, bảo chung dị tài
    Hai ông, đúng một, mà hai
    Một ông, đúng cả hai, tài y chang
    Ông chê cờ đỏ sao vàng
    Ông mê cờ đỏ sao vàng hơn ai
    Không sao, đều quả có tài
    Ông làm thơ khá, ông tài viết văn
    Tài thơ, chẳng hiểu mần răng
    Thấy toàn hình ảnh, dữ … dằn nhiêu khê
    Ông kia, văn khó thể chê
    Thung thăng, thủng thẳng, lề mề … như ông
    Saigòn xưa, bộn phố phường
    Hai ông dạo khắp mọi đường, bằng … chân
    Dẫu ai từng gặp một lần
    Nửa lần cũng đủ, khỏi cần quên đâu !

    NGÀN KHƠI
    (06/8/11)

  2. conhi says:

    Nói tới Sơn Nam là nói cái tâm thế mâu thuẫn, đầy chất bi – hài trong tư tưởng của khá nhiều tri thức, văn nghệ sĩ miền Nam, và sau này, thấp thóang lộ diện dần ở miền Bắc nữa. Người ta bảo : văn là người, người là văn. Thực tế lắm khi không phải vậy, nhất là vào thời cuộc bắt bí sự sinh tồn con người mà đa phần không vùng vẫy thoát khỏi được, từ đó manh nha rồi lan truyền trạng thái bạc nhược, gọi đích danh là sự đớn hèn của tinh thần. Cái bạc nhược ấy, cái đớn hèn ấy, bây giờ đã trở thành cái bình thường được số đông chấp nhận như là “đức tính” không có gì xấu. Và nguồn cội bi – hài bắt đầu từ đó .
    Tôi gặp Sơn Nam lần đầu tại phòng trọ của ông nằm trên đường Nguyên Hồng. Căn phòng nhỏ xíu nhưng có đến 2 cửa ra vô, bề dài chừng 3m, bề ngang khiêm tốn tới nỗi muốn đi từ cửa phòng này sang cửa phòng kia, phải nghiêng người lách cẩn thận qua một lối đi hẹp còn sót lại giữa cái giường chiếc và cái tủ sách kê đối diện nhau. Ấn tượng ở nơi nghĩ ngơi và làm việc này của Sơn Nam chính là sách. Sách chất đầy trên dưới cái tủ 3,4 tầng gì đó. vương vãi trên giường, trên một chiếc bàn nhỏ, trên cả lối đi vốn đã như con đường mòn. Hỏi đi đâu về, ông bảo vừa ghé nhà hàng xóm lo đóng tiền học cho một thằng nhóc, nhà nó nghèo quá. Chuyện này tôi vừa nghe chị chủ nhà trọ kể khi chờ ông ngoài cổng.
    Ông thích sáng sáng ngồi uống cà phê ở trung tâm văn hóa Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi. Không biết quán có truyền thống từ lâu, hay tại có ông Sơn Nam chầu rìa mỗi ngày mà nhà báo, văn nghệ sĩ cũng lác đác xuất hiện. Uống cà phê cũng là dịp ông gặp gỡ mấy người đó. Tán dóc, bàn chuyện thiên hạ một chút, rồi ông về phòng trọ bằng dáng đi liêu xiêu, chậm rãi của mình, nhưng thường thì có người chở ông đi đâu đó luôn. Vụ “đi đâu đó” này tìm hiểu ra cũng lắm thú vị…
    Khi đã gặp thường xuyên hơn, thân nhau hơn, tin nhau hơn qua những câu chuyện đầu Ngô mình Sở song ráp lại sẽ ra thời chiến quốc, ông bắt đầu thổ lộ một vài tâm tư mà nếu đưa ra thông tin đại chúng, có khi không chỉ bị cấm vận ngòi bút mà còn bị liệt vào dạng “diễn biến hòa bình” nữa. Chính những lúc như thế, một Sơn Nam khác, không còn bình dị, an phận, lấp lánh trí tuệ bách khoa về các hồi ức văn hóa khiến người ta ồ lên khâm phục một cách hết sức đời thường nữa, mà ló dạng một Sơn Nam u uẩn, đau xót, đầy dằn vặt lạ thường.
    Tôi gặp cụ lần cuối vào năm trước lúc cụ mất, tại một buổi giao lưu giới thiệu sách do nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Cụ vừa qua một cơn bạo bệnh, thậm chí không thể đến gần bạn đọc hâm mộ được mà chỉ ngồi xa xa, đối diện với dãy ghế dành cho khán giả tham dự. Tôi ngại trước đám đông, nên không dám lại gần hỏi thăm cụ, rồi sau đó ít lâu cụ đi, điều ngại ngần ấy trở thành day dứt, ân hận mãi trong tôi…Hôm đó, có một vài ý kiến bàn luận rằng, tại sao đến bây giờ nhà nước ta vẫn chưa trao tặng cho cụ bất kỳ một danh hiệu, hay giải thưởng tầm cỡ nào. Những ý kiến hay đấy chứ, nhưng rốt cuộc chỉ để “tám” với nhau là chính, như tôi đang “tám” bây giờ vậy thôi …

  3. Phan hà Đan says:

    Mời các độc giả nghe kết hợp tuyệt vời sau đây,lời thơ cuả Sơn Nam,nhạc Phạm Duy .
    Cả 2 đều đã được Miền Nam nuôi dưỡng,bảo bọc,bất kể khuynh hướng chính trị cuả họ
    lúc bấy giờ,và tài năng cuả họ đã được thăng hoa tuyệt đỉnh.

  4. Dao Cong Khai says:

    Ai cũng biết dân U Minh toàn là chí cốt cách mạng. Quần chúng đã góp công xương máu nuôi cách mạng đến thành công thì hôm nay thêm một bước nữa, quần chúng U Minh hãy cố gắng hy sinh để xây dựng tổ quốc đi. Tại sao quần chúng cứ ngồi mà than với thở. Thành Phố Hồ Chí Minh người ta đã gắng công xây dựng hơn 30 năm nay nên người ta có đường xá đầy đủ, nhờ vậy nước ngoài họ mới vào đầu tư đổ đô la vào cho quần chúng trên đó họ hưởng.

    Thôi quần chúng U Minh hãy cố gắng tin tưởng vào Cách Mạng, mai mốt cách mạng mang Đế Quốc Mỹ với Thực Dân Pháp vào đó đầu tư thì tha hồ mà lượm đô la của tụi nó. Lúc đó tha hồ quần chúng mở tiệm mát-xa với cà phê ôm. Các đồng chí đoàn viên gái cũng tha hồ mà lấy Mỹ với lấy Pháp, khỏi cần tìm mấy thằng Đài Loan và Hàn Quốc làm chi cho uổng cuộc đời. Cứ tin tưởng vào cách mạng đi, nơi nào hoang vu nhất sẽ là những tụ điểm du lịch tốt nhất cho Đế Quốc Mỹ và Thực Dân Pháp. Đuổi Đế Quốc Mỹ và Thực Dân Pháp đi hết thì quần chúng sẽ đói như thế đó. Để cho cách mạng cai trị thì quan chức cách mạng sẽ giầu sang và kinh miệt quần chúng như thế đó. Cố chờ vài năm nữa, cách mạng nó hợp đồng tư bản Mỹ, Tây vào thì quần chúng tha hồ mà làm giầu nhá! Đánh cho Mỹ cút, rồi bây giờ lại thèm được có tụi nó đến!!!!!

Leave a Reply to Dao Cong Khai