WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bến đàn bà

Ảnh: Flickr

Khi chị đến bến sông thì trời đã về đêm. Lưỡng lự một chút, chị đứng lại xác định phương hướng. Bóng tối, thời gian làm cho cảnh sắc xoay vần khiến chị không đủ tự tin để tiếp tục cuộc hành trình như ý định. “Giờ thì phải kiếm một chỗ ngủ, sáng mai sẽ tiếp tục tìm”. Bao bọc không gian là đêm tối hoang mang. Ở giữa một nơi vắng vẻ thế này, hy vọng kiếm một nhà trọ chắc chắn là không được. Nén tiếng thở dài, chị đặt túi xách xuống và vặn lưng mấy cái cho đỡ mỏi rồi đưa mắt nhìn quanh. Hướng về phía có ánh sáng đèn, chị rảo bước. Hóa ra, đó là một chiếc lều vó bên sông với bà cụ già khoảng bảy mươi tuổi đang ngồi đan nan. Sau lời ngỏ ý muốn xin nghỉ lại của chị, bà cụ nhìn chị một lượt từ đầu tới chân rồi gật đầu. Sau vài câu xã giao, hai mắt chị đã ríu lại, chực sụp xuống. Chị đưa tay khẽ đấm đấm cái lưng đau như dần vì suốt một ngày, một đêm chen chúc trên xe khách chật như nêm và xin phép bà cụ đi ngủ trước. Bà cụ kéo tấm liếp. Những chấm sáng của chiếc đèn bão lọt qua khe in lên vách lều lấm tấm hệt những chấm hoa. Chị nhắm mắt lại và thiếp đi…

Không rõ chị đã ngủ được bao lâu, chỉ biết rằng khi chị thức giấc thì vẫn thấy những chấm  hoa in trên vách lều. Không thấy bà cụ đâu, kéo tấm liếp, chị bước ra ngoài. Ánh đèn hoi hóp rãi bóng chị dập dềnh trên mặt sông, với tay lấy cái thời đang đan dở, chị cầm nắm nan giộng giộng xuống đất và bắt đầu tỉ mẩn gài từng chiếc một…

“Ũm”. Chiếc thời tuột khỏi tay rồi từ từ lăn xuống nước khe khẽ vọng trong đêm. Chị đứng dậy cố nén một tiếng thở dài. Tiếng nước tóc tóc chảy khan qua mắt vó dội vào đêm buồn thấu ruột.  Một con cá chưa xuống lách ngược trên miệng đam nghe lạch xạch.

Đêm quánh lại. Tiếng côn trùng đột nhiên nín lặng rồi từ từ ri rỉ và rộ lên. Đầu chị lại ong ong. Chị bước xuống thuyền. Cảm giác lành lạnh từ mặt sông khiến chị lịm dần… Ơ kìa! Xuân, Hạ…  Lũ quỷ sứ! Hi… hi. Đông! Qua bên này kì lưng cho tao với. Da tao mịn như da trẻ con í chứ con Thu ấy à? Mới chưa đến mười tám tuổi mà lưng gì toàn mụn như bà già tám mươi! Á a! Chị Xuân dám nói xấu em hả? Em thì em lột xác chị đấy! Thôi thôi cho tôi xin, đừng có mà nói đến trẻ con mà làm tôi thèm rỏ rãi đây này. Bằng tuổi tôi á, ở nhà ối đứa chồng con đề huề rồi. Ừ, chẳng biết bao giờ mới hết chiến tranh để còn về lo chuyện chồng con nhỉ? Hưm… Nếu mai sau hòa bình, cả bốn đứa mà còn sống, bọn mình sẽ đẻ một lũ con rồi thông gia với nhau nhé! Khi ấy, con cháu chúng ta sẽ là con chung và “tứ quý – tứ quỷ” vẫn tụ với nhau như thế này thì thích nhỉ! Con Thu mông to thế kia, chắc đẻ con gái rồi, con Hạ ngực săn lắm, chắc đẻ con trai. Còn con Xuân, tao cho mày chọn đấy! Em không đẻ con gái – con Thu hét toáng lên. Con gái như u em í, vất vả lắm! Lúc nào cũng thấy mang nặng đẻ đau, chăm bẵm con cái, làm lụng cáng đáng tất công việc nhà chồng! Đẻ con trai, như bố em sướng hơn. Cứ biền biệt, mỗi lần về gửi lại mẹ em một đứa rồi lại đi! Thôi thôi! Cho mày đẻ con trai – Con Hạ cười – Báu ngọc gì, chỉ tổ nghịch như quỷ sứ! Suốt ngày rát cổ bỏng họng! Con gái xinh đẹp, hiền, ngoan…Nhìn cái mặt con Hạ đang ngất ngây kìa! Ha! Ha! Ha! Mày cứ ngất ngây đi! Rồi mai sau mày sẽ đẻ một lũ một lĩ con gái khiến cho lão chồng mày phải đi kiếm một thằng quý tử để nối dõi, khi ấy mày mới sáng mắt ra chứ cứ ở đó mà mơ màng xinh đẹp hiền ngoan à! Ôi dào, tao cho thoải mái! Cá vào ao nhà ai, người ấy được. Càng đỡ phải mang nặng đẻ đau. Xí! Mày cứ ở đấy mà to mồm “Cá vào ao nhà ai người ấy được!” chả không lồng thách lên ấy à. Ha. Ha. Thôi! Thôi! Con xin các mẹ! Tắm nhanh lên rồi còn về máy bay nó mà ập xuống đây thì cứ đứng đấy mà đẻ với đái…

Oẵng…Oẵng…Tiếng con cá vật đẻ phía đám trà làm chị chợt tỉnh. Giật mình ngơ ngác, hóa ra, chị vẫn đang ngồi ở dưới thuyền. Những hình ảnh vừa rồi chỉ là những kí ức gặp không gian và tâm trạng thì ùa ra vây bủa mà thôi. Dạo này, những hình ảnh như thế xuất hiện thường xuyên trong cái bộ óc vốn đã u u, mê mê của chị…

Chị vừa bơi, vừa thò cả bàn tay đang cầm dầm xuống nước.

Br…r…rừ…Gao!…Gao! Tiếng gao vọng từ con đường dẫn vào làng. Đêm tình yêu của hai con mèo đã kết thúc. Mấy giờ đêm? Chị không rõ. Từ ngày nghỉ làm ở bệnh viện phụ sản đến giờ, hầu như chị ít để ý đến thời gian. Thời gian của chị bây giờ là thời gian quay ngược…Quay về phà Gù của bốn cô gái thanh niên xung phong Xuân, Hạ, Thu, Đông – Bốn cô gái nổi tiếng xinh đẹp mang cái tên của bốn mùa ngẫu nhiên ở với nhau nên cánh lái xe vẫn gọi là tứ tuý. Quay về với hài nhi không rõ hình hài…Quay về với nỗi ám ảnh của thai nhi bầm nát…

Khi người hộ lý ngập ngừng bế đứa con đến trước mặt, chị không dám tin vào mắt mình. Chị đã nhéo vào đùi mình đến thâm tím để mong đó chỉ là một ảo giác. Không phải một thằng bé kháu khỉnh nghịch như quỷ sứ. Không phải một đứa con gái xinh đẹp, hiền ngoan. Trước mắt, chỉ là một khối thịt đỏ hỏn. Con trai. Cái chi thứ năm, chính là dấu hiệu con trai của nó! Mặc cho chị chăm bẵm, mặc chị cưng nựng, hài nhi, cái khối thịt đỏ ấy cuối cùng cũng bỏ ra đi… Những ngày sau đó, sữa ở hai bầu vú lúc nào cũng căng tức, chảy tràn. Nó tiết ra nhưng không biết để làm gì, không còn biết chảy vào đâu. Nó làm cho nỗi đau trong lòng chị càng thêm nhói buốt. Chưa hết thời gian nghỉ theo chế độ, chị đã xin đi làm sớm mong công việc sẽ giúp vợi quên nỗi đau trong lòng.

Thật trớ trêu, ca trực hôm đầu tiên đi làm ấy lại là một ca hút thai. Chị đã định xin bác sĩ thay người nhưng hôm ấy y sĩ trực chỉ còn mỗi chị. Người mẹ thai nhi ấy, chỉ mới khoảng mười bảy, mười tám tuổi, nét mặt ngây thơ, ngơ ngác. Nó nhìn quanh sợ sệt, nem nép tựa vào tường. “Qua bên kia!” – Tiếng quát của cô y tá khiến đôi chân nó ríu lại chỉ chực sụm xuống. Con bé líu ríu vòng sang phía bên kia bàn, đôi mắt cụp xuống, hai tay luống cuống không biết để vào đâu, chân di di trên nền nhà. “Không biết lối mà trèo lên bàn à!”. Bây giờ thì con bé hoảng thật sự, nó lập cập trèo lên rồi nằm xuống, hai bàn tay đan chéo vào nhau, mắt nhắm nghiền lại. “Dạng chân ra! Cái lúc ấy, ai bảo đâu sao mà dạng nhanh thế!”.

Trong phòng chỉ còn thi thoảng là tiếng gắt gỏng của y tá, tiếng lách cách chuẩn bị dụng cụ và tiếng u u của máy điều hòa nhiệt độ. “Thai mấy tuần?”. Nó giật mình mở choàng mắt vì câu hỏi bất ngờ của bác sĩ. “Dạ… Cháu… Cháu… Cháu  không biết…”. “Sao lại không biết! Nếu không biết thì về! Thế có biết tắt kinh từ khi nào không?”. Con bé sợ hãi, nước mắt chực sẵn ở mí mắt: “Hình như ba bốn tháng gì đấy ạ…”. Chị khẽ thở dài, trên màn hình chiếu, thai nhi nằm ngủ một cách bình yên trong tư thế của một thiên thần.

Không biết có phải ảo giác không, nhưng trong một tích tắc, chị nhìn thấy hình như thai nhi kia chớp mắt rồi nhoẻn miệng cười với chị. Hạ ơi! Đó là một thai nhi gái! Một thai nhi gái lành lặn, xinh đẹp, hiền ngoan… Con bé nằm trên bàn bỗng liếc nhanh một lượt như muốn tìm kiếm người thân, như muốn bấu víu vào một ánh nhìn an ủi. Ánh mắt của nó dừng lại trên khuôn mặt chị. Con bé bỗng òa khóc, nó bíu lấy tay chị nức nở: Hu…hu… Mẹ ơi! Con sợ lắm! Con sợ lắm! Nhìn đôi mắt ngơ ngác thất thần giàn giụa nước mắt của đứa con gái, lòng chị thắt quặn.

Hạ ơi! Con gái xinh đẹp, hiền ngoan. Trong đầu chị bỗng lóe lên một ý nghĩ. Chị vuốt tóc nó khẽ nựng nựng vỗ về: “Con gái ơi… Hay là đừng phá nữa… Cứ để lại, nếu con không muốn, đẻ xong cô sẽ nuôi cho…”. “Không!” Đứa con gái thét lên sợ hãi. “Cháu van bác sĩ! Cháu xin bác sĩ…”.  “Bây giờ thì nó chỉ muốn tống khứ cái của nợ ấy ra ngoài càng nhanh càng tốt để rồi còn tiếp tục lại đú đởn nữa chứ!” Ông bác sĩ khẽ lầm bầm rồi lại gắt lên: “Há mồm ra mà thở cho đều. Lúc sướng thì sao không thấy kêu với khóc”.

“Lấy cho tôi iốt”. Sau tiếng nhắc của ông bác sĩ, như linh cảm thấy điều chẳng lành, thai nhi khẽ rúc cái đầu vào hai cánh tay nhỏ bé yếu ớt của mình. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của thai nhi trên màn hình mà chị bắt gặp. “Nào! Ráng chịu nhé em ơi!”. Chị đã thì thầm những tiếng như thế vào tai con bé trước khi sự tước đoạt mầm sống kia sắp sửa bắt đầu. Con bé đã nhoẻn miệng cười đầy vẻ hàm ơn. Ngày xưa, khi Thu đang cong mình chịu đựng những cơn đau dữ dội của mảnh bom nằm trong ổ bụng trên chiếc giường tạm của bệnh xá dã chiến để cho bác sĩ chuẩn bị mổ, chị cũng đã ghé vào tai Thu thì thầm như thế. “Nào, ráng chịu nhé em ơi!”. Hôm ấy, Thu đã nắm chặt lấy tay chị, gương mặt nhợt nhạt cố chịu đựng sự đau đớn, nhoẻn cười. Nụ cười nhợt nhạt ấy biết rằng mình chỉ có một phần trăm sự sống nhưng vẫn lóe lên tia hy vọng, lóe lên khao khát về một sự thần kì. Trong cái nhoẻn cười ấy, Thu đã gửi gắm bao điều nhắn nhủ. Và chị, cứ đinh ninh rằng, trong đó có một lời nhắn nhủ về một đứa con. Con bé nằm trên chiếc bàn kia cũng nhoẻn miệng cười, một nụ cười cầu thị. “Cô ơi, cháu sợ lắm! Cô làm nhanh nhanh cho cháu với!”. “Hay là thôi…?”.

Cái ý định ban đầu mong cứu vớt thai nhi kia lại trở lại trong chị khi bắt gặp cái cười ngơ ngác của con bé. Lướt qua trong đầu chị là một đứa trẻ bụ bẫm chập chững cười toe toét rồi bập bẹ: mẹ, mẹ … “Cháu sẽ về ở với cô đến khi nào sinh xong thì để đứa bé lại cho cô nuôi rồi cháu trở về với bố mẹ? Cô sẽ đến nói chuyện với bố mẹ cháu và giữ kín chuyện này cho”. Chị ngập ngừng nhắc lại ý muốn lúc nãy cố vớt vát tia hy vọng mong manh. “Không! Không! Cháu van cô. Hãy giúp cháu ngay bây giờ! Hãy giúp cháu ngay đi!”

… Những que inox tiệt trùng lạnh tanh bắt đầu được ấn vào để nong rộng cổ tử cung. Con bé đau quá. Nó gồng mình, ưỡn mông nhưng không dám hét. Gương mặt con bé nhợt nhạt, trắng bệch ra, miệng xệch xạc. Ngày xưa, trên chiếc bàn mổ dã chiến, Thu cũng trẻ như thế. Cũng mười tám tuổi, cũng cong người chịu đựng đau đớn khi chiếc dao mổ bằng kim loại lạnh tanh chạm vào da thịt mình. Gương mặt Thu cũng trắng bệch ra, nhợt nhạt, cố gắng chịu đựng để tống khứ mảnh bom tử thần đang trú ngụ trong ổ bụng mình mong tìm đến một sự sống mỏng manh. Bây giờ, con bé kia cũng đang đau đớn như thế, cũng muốn tống khứ một vật trong ổ bụng mình ra như thế. Nhưng cái sự tống khứ kia là sự tống khứ sự sống, tống khứ một sinh linh bé bỏng. Nỗi buốt xót bỗng dội ngược lên đỉnh đầu. Nước mắt chị ứa ra…

“Bật công tắc máy lên Đông ơi!”. Tiếng ông bác sĩ khẽ gằn. Hoảng hốt. Tai chị ù đặc. Đôi tay trở nên luống cuống, vụng về. Thay vì đưa tay bật công tắc điện ở chiếc máy ngay trước mặt, chị lại quơ quơ lên bàn khiến mấy chiếc banh, kéo, kìm rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Ông bác sĩ nổi tiếng nóng tính ở bệnh viện trừng mắt định gắt câu gì đó nhưng kịp dừng lại. Ánh mắt dịu xuống, không nói gì, ông lặng lẽ nhoài người với tay ấn vào công tắc. Tiếng máy hút thai nổ sình sịch. Tất cả trước mắt bỗng tối sầm. Sình sịch. Sình sịch. Âm thanh kia không phải là tiếng động cơ nổ trong phòng máy lạnh im ắng mà là tiếng nổ của chiếc ca nô cao tốc ở phà Gù gió phần phật thổi. Nước sông đỏ sậm bởi ráng chiều tà đang tắt dần hắt lên từ phía đằng Tây, người Hạ và Xuân cũng nhuốm sậm một màu đồng hun như thế. Cả đại đội lặng đi trong giây phút truy điệu sống cho đội cảm tử trước khi họ bước xuống chiếc ca nô cao tốc để phóng hết tốc lực phá những quả thủy lôi đang nằm im dưới lòng sông, đảm bảo an toàn cho một đoàn gần ba mươi cháu nhỏ chuẩn bị qua phà gấp.  Không ai khóc. Lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật. Bài Quốc ca trầm lan trên những cuộn nước…

“Ối! Chết mất mẹ ơi!”. Tiếng rên đau đớn của con bé làm chị sực tỉnh. Sình sịch… Trước mặt chị, chiếc máy hút thai vẫn đang làm việc. Tràn ngập căn phòng là cảm giác lạnh lẽo. Sình sịch… Rùng mình. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống. Trước mắt chị, từng mảnh thân thể đỏ hồng của thai nhi đang trôi trôi trong ống hút. Chị loạng choạng bíu vội lấy cạnh bàn. Tất cả bỗng tối sầm. Chị hét lên một tiếng rồi đổ ập xuống bất tỉnh…

Chiếc dầm bơi cứng ngắc trong tay, thuyền từ từ dừng lại rồi bắt đầu xoay tròn. Đêm cuối tháng, trăng mờ mờ phía đằng Tây như một mảnh sành vỡ. Chân trời xuất hiện những đụn mây hình người quấn xiết lấy nhau. Cái miệng con Hạ kìa! Cười mới xinh làm sao khi cùng Xuân bước xuống ca nô máy để phá thủy lôi. Tao cao số lắm! Không chết được đâu. Mà giả dụ tao có chết, đứa nào còn sống thì cho tao gửi một đứa để mai sau nó nhang khói cho tao nhé! Đừng có mà gở cái mồm! Về mà đẻ chứ ai hộ mày được hử! Chị đã quát lên với nó như thế rồi ba đứa ôm chặt lấy nhau. Hôm ấy, chị đã phải cố ghìm những giọt nước mắt cứ trực trào ra. Ngồi vào khoang lái, như sực nhớ ra, Xuân vội vã tháo chiếc cặp tóc có hình những chấm hoa trắng trên nền đen rất đẹp mà người yêu mới tặng xoay đi xoay lại ngắm nghía rồi đưa cho chị, nháy mắt: “Nói dại nếu tao có làm sao, mày mà đẻ con gái hãy đưa cho nó cái này. Coi như tín ước nhận nó làm con của tao nhé”.

Chiếc ca nô từ từ tăng tốc lao vùn vụt trên sông. Uỳnh! Uỳnh!…Từng cột nước đỏ ngầu lẫn cả bùn đất đuổi theo sau đuôi chiếc ca nô đang phóng hết tốc lực. Vòng thứ nhất. Vòng thứ hai… Uỳnh! Uỳnh!… Đôi bàn tay của tử thần với những cú chụp giật sống sít như đã bắt đầu thấm mệt, đã bắt đầu rã rời, đã bắt đầu chán nản. Trên mặt sông, không còn những tiếng nổ, không còn những cột nước đục ngầu bùn đất. Những cuộn sóng tung bọt trắng bắt đầu đuổi nhau phía sau ca nô. Trên bờ đã có vài tiếng thở phào. Cố lên Xuân ơi! Hạ ơi! Vòng cuối rồi! Ba mươi mét… Hai mươi lăm… Hai mươi… Chị đã nhắm mắt cầu trời khấn phật. Nhưng rồi một tiếng nổ kinh hoàng. Một cột nước đỏ ngầu cuộn trùm nuốt chửng lấy chiếc ca nô, hất tung nó lên cao khi nó chỉ còn cách bờ chưa đến mười lăm mét. Tất cả lặng đi đau đớn. Mấy ngày sau, đồng đội và bà con hai bên bờ sông mới tìm được xác của hai người trôi dạt cách bến phà hai cây số. Chị đã khóc rất nhiều. Hồi ấy, đêm nào chị cũng thấy họ hiện về trò chuyện cùng chị. Có một đêm, họ cười và bảo với chị rằng: Ba đứa chúng tao đã hy sinh hết rồi. Chỉ còn mày! Phải cố mà sống. Sống để mai sau còn đẻ hộ chúng tao mỗi đứa một đứa con nhé!

Nhóm tứ quý giờ chỉ còn lại Đông. Chỉ còn lại một mùa Đông cô đơn,  lạnh giá.

Cơn gió mồ côi trong đêm vuốt nhẹ theo sống lưng, chị bỗng thấy lành lạnh. Hóa ra, người chị đã đẫm mồ hôi từ lúc nào mà không hề biết. Cái cảm giác lành lạnh ấy, chính là do cơn gió đang lau khô dần giúp chị. Con thuyền bấp bênh nhẹ trôi trên dòng. Không có sự điều khiển, nó quay dần mũi theo quỹ đạo tròn. Kịch… Những gợn sóng lăn tăn do thuyền vừa va phải làm gọng vó duềnh chúi xuống ánh lên màu bạc xỉn. Kịch. Kịch… Hai cú va liên tiếp. Nhưng lần này là cái đầu của chị va phải tóp vó. Những đàn đom đóm thi nhau túa ra nhảy múa. Nước từ ngoài sông ào vào thuyền lênh láng. Gập thấp người, chị vội vã quạt nước bơi ra xa bởi sau cú nẩy ra, thuyền sẽ trôi lại và cái tóp vó sẽ tiếp tục nện vào gáy chị những cú chí tử khác. Cầm lấy chiếc bát tát nước, chị cúi xuống lòng thuyền. Trong ánh trăng mờ mờ, bóng chị nhệch nhạc dưới đáy thuyền lênh loang rồi vỡ vụn. Trong đầu chị lại hiện lên hình ảnh thai nhi tan vụn trôi trôi…Suốt một thời gian dài, chỉ cần bắt gặp mùi hăng hắc của cồn hay nhìn thấy chiếc áo blouse trắng, chiếc bàn mổ, panh, gạc, xi lanh, cái hình ảnh ấy lại trở về hành hạ chị một cách dữ dội. Chị đã phải xin nghỉ hưu sớm và trở về quê với mong muốn sự yên bình của kí ức tuổi thơ sẽ làm dịu đi những ám ảnh ấy.

Chợt nhớ đến những tiếng kẹt kẹt của cây vó, chị bơi lại dùng tay té té nước lên nạnh. Tóc…tóc…rào. Tóc…tóc…rào. Những giọt nước nhỏ li ti rơi xuống tạo một màn mỏng trắng mờ mềm như bông. Trong những giấc mơ, chị cũng hay bắt gặp trong cái màn mỏng mờ ấy hai đóa sen. Hai ấu hồn nhẹ như sương khói. Chị tắm cho chúng bằng hương của những loài hoa dại, cho chúng ăn những giọt sương tinh khôi đọng trên cành lá. Chúng nhảy nhót, vui đùa. Chúng hát. Chúng gọi chị là mẹ và kể chuyện cho chị nghe, hỏi chị những câu làm lòng chị như quặn lại. Mẹ ơi! Sao chúng con lại không có hình hài con người hả mẹ? Ôi! Những ấu hồn đáng thương! Chị biết trả lời chúng ra sao bây giờ?

Phía bờ bên kia, những lùm cây in vào màn đêm tạo nên vô vàn những hình thù bất động như đám người đang lô nhô đứng ngồi. “Đông ơi!”, tiếng gọi cất lên nghe nhẹ như tiếng chiếc dầm trong một  khoảnh khắc ngắn ngủi khẽ va nhẹ xuống mặt nước. Thuyền vẫn dập dềnh. Đêm lễnh loãng trôi. “Đông ơi!”. Nước lóc bóc. Những bóng trắng chênh chao. Tròng trành. Nghiêng ngả. Hơi thở con gái hầm hập. “Đông ơi! Sao bây giờ mày mới đến thăm chúng tao?” “Thì tao bận quá!”. Câu trả lời của chị như một hạt nước đọng ở mũi thuyền rơi xuống mặt sông. Chị bỗng cảm thấy ân hận bởi câu trả lời vừa tuột ra của mình. Câu trả lời biện minh thói quen vô cảm, bàng quan với mọi sự ở đời mà lâu nay chị vẫn quen dùng. “Bận. Bây giờ có ai mà không bận. Nếu mày bận thì chúng tao đi đây”. “Kìa! Xuân ơi! Hạ ơi! Thu ơi! Tao xin lỗi! Tại tao quen mồm! Ở lại với tao đã chứ!”. “Bận…Bọn tao cũng bận”. Chị đưa tay chới với, những bóng trắng cứ mờ dần cho đến khi chỉ còn lại những hình ảnh mơ hồ, chập chờn trong ánh sáng liêu trai…

“Bà ơi! Hôm nay có cá ngon không vậy?”. “Có mớ cá trong giỏ ấy, đổ ra xem có lấy được không, tôi bán cho”. “Trông thì ngon thật đấy, nhưng mà toàn cá có trứng thế này, gầy giơ xương khó bán lắm!  Ba chục nhé!”. “Trả thêm cho tôi năm nghìn nữa. Được thì lấy”. Thoảng qua tiếng của người mua cá và bà lão kéo vó bè vọng vào lều. Hóa ra, những gì mà chị đã trải qua chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ pha trộn rất nhiều những hình ảnh thật và những điều tưởng tượng của quá khứ, hiện tại. “Bận. Tao bận quá!”. Chị vẫn còn nhớ câu nói ấy trong giấc mơ. Cái sự bận ấy của chị đã diễn ra mấy chục năm nay, và  nếu những cú sốc kia không giáng xuống cuộc đời chị, thì đến khi nào, cái sự bận kia mới hết để chị có thể nằm ở đây, ở cái lều vó này của bà cụ già – chỗ mà ngày xưa, rất gần nơi bốn chị em đã từng sống để mơ về những người đồng đội cũ?

Chị nằm im, nhìn trân trân lên khoảng không mờ trên nóc lều như muốn tìm ở đó sự giải thoát cho nỗi đau đang dội ngược. Chẳng có sự giải thoát nào ở trên đấy cả. Trái lại, cái khoảng không mờ mờ ấy càng dẫn chị đi xa hơn trong cái thế giới u u, mê mê mà chị đang phải chịu đựng. Cái thế giới nhờ nhờ tối ấy đè cứng lấy chị, làm chị không thể nào cựa quậy, không thể nào vùng vẫy. Có ai không? Hãy động vào tôi đi! Hãy gọi tôi một tiếng! Có ai không? Chị muốn hét thật to lên, kêu toáng lên nhưng kết quả chỉ là những tiếng ú ớ không sao thoát ra khỏi lồng ngực…

Có tiếng hắng giọng. Rồi tiếng chuông ngân và vang xa. Chậm rãi và thật nhẹ, chị thấy gương mặt phúc hậu của bà cụ đang ghé sát mặt mình. Đôi bàn tay nhăn nheo lay nhẹ người chị. “Dậy… Dậy cô ơi!”. Chị chồm dậy. Ôi may quá. Dậy được rồi. Chị ngượng nghịu dụi mắt cười. “Tối hôm qua cô sảng ghê quá! Cả đêm cứ ú ớ suốt. Gần sáng lại bị bóng đè nữa”. “Vâng. Cảm ơn bà. Hôm qua con đi đường xa mệt nên đặt lưng xuống là ngủ như chết… Bà ơi! Bà kéo vó ở đây đã được lâu chưa ạ?”. “Dễ cũng có đến hơn chục năm rồi. Thì tôi cũng là ở đây vừa làm cái vó này, vừa nhang khói cho đền thờ hai cô”. “Đền hai cô?”. Câu hỏi của chị thốt ra hầu như đồng thời với câu trả lời vừa rồi của bà cụ. Chị bỗng nhớ đến tiếng chuông mơ hồ khi sáng và những gì mình đã trải qua trong giấc mơ. Bà cụ đưa tay lên bắt dây vó không nhìn chị. “Là hai cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi phá thủy lôi trên sông”. Bà cụ ngừng lại một chút rồi tiếp: “Hồi còn chiến tranh, có một cái phà ở chỗ dưới kia, nhưng rồi hòa bình, nó cũ nát, người ta không sử dụng nữa. Bến phà bị bỏ hoang, một thời gian sau người dân ở đây xây dựng đền hai cô. Bữa tối, khi cô đến, tôi đã thấy gương mặt cô rất nặng âm khí. Đêm cô lại mê sảng dữ quá nên tờ mờ sáng tôi ra đền thỉnh chuông kêu cầu hai cô phù hộ”. “Dạ con cảm ơn bà. Trước đây, con cũng đã từng chiến đấu ở đây”. “Ở cái bến sông này hả? Ừ. Tôi cũng đoán là cô có liên hệ gì đó với cái bến sông này”. “Đền hai cô có gần đây không hả bà?” “Mai là ngày rằm. Tôi đã mua hương hoa để sẵn trong thúng, chiều tối tôi xuống đó quét dọn và đón khách đến dâng hương hoa. Cô có đi cùng không?”.

Chị gật đầu và bỗng thấy trong lòng nhẹ nhõm đến kỳ lạ.

Tác giả: Hùng – Yume

1 Phản hồi cho “Bến đàn bà”

  1. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    TRONG MỌI CUỘC CHIẾN TRANH
    PHE NÀO THẮNG NHÂN DÂN ĐỀU BẠI
    (Nguyễn Duy, ĐÁ ƠI)

    GIẤY BÁO TỬ BAY ĐẦY MÁI RA
    CHỈ CÓ CÁI LOA LÀ … VUI
    (Nguyễn Chí Thiện,
    Tiếng Vọng Đáy Vực)

    TÔI BƯỚC ĐI
    KHÔNG THẤY PHỐ THẤY NHÀ
    CHỈ THẤY MƯA SA TRÊN MÀU CỜ ĐỎ !
    (Trần Dần, Nhất Định Thắng)

    ANH TRỞ VỀ DANG DỞ ĐỜI EM
    TA NHÌN NHAU ÁNH MẮT KHÔNG QUEN
    CỐ QUÊN ĐI MỘT LẦN GIAN DỐI, EM ƠI !
    (Phạm Duy, ANH HỎI EM,
    phổ thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương)

    NGƯỜI YÊU TÔI KHÓC NGẤT
    CHIỀU NGHIÃ TRANG QUÂN ĐỘI
    RẠT RÀO HƠI GIÓ NÓNG
    CHO ĐAU TÀ ÁO TANG
    (Nguyển Tất Nhiên,
    Chiều Mệnh Danh Tổ Quốc)

    NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC CHỒNG
    SAY ĐI ĐỂ THẤY … MÌNH KHÔNG LÀ MÌNH
    NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC ANH
    CUỒNG SI THUỞ ẤY … HIỂN LINH BÂY GIỜ
    CAO NGUYÊN HOANG LẠNH Ơ HỜ
    NHƯ MÔI GÓA PHỤ NHẠT MỜ VẾT SON
    TÌNH TA KHÔNG THỂ VUÔNG TRÒN
    XAY ĐI MÀ TƯỞNG … NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU !
    (Phạm Duy, Tưởng Như Còn Người Yêu,
    phổ thơ Lê Thị Ý)

    Trời ơi,
    Biết bao nàng Tô Thị bồng con hóa đá, mà chinh phu đi mãi không về !
    Biết bao BẾN KHÔNG CHỒNG với những SƯ NỮ như ở Thái Bình !!!

    LÍNH VUA LÍNH CHÚA LÍNH LÀNG
    TRỜI ƠI GIẾT BAO NHIÊU GIẶC ….
    CHO CHÀNG KHỎI ĐI !????

    Think deeply about it !

    LẠI MẠNH CƯỜNG

Phản hồi