Nhà tôi trồng cần sa
Ở Australia, bọn tội phạm dùng đủ mọi cách thuê nhà và biến thành ‘vườn trồng cần sa’ vì loại cây này mang lại lợi nhuận ‘khủng khiếp’. Làm thế nào ngăn được việc này nếu bạn là người có nhà cho thuê?
Sau nhiều năm làm lụng vất vả, ngoài căn nhà đang ở, vợ chồng tôi đã tậu thêm được một căn nhà để cho thuê, tọa lạc phía Tây Bắc thành phố Melbourne.
Chỉ vài ngày sau khi đăng quảng cáo, trong số nhiều khách muốn thuê, tôi chấp nhận cho một cặp nam nữ người Việt ngoài 20 trông rất lịch sự, nói năng lễ phép và nhã nhặn, thuê căn nhà. Cả hai đều đồng ý với mọi điều kiện đưa ra như giá thuê là 160 đô la/tuần, giữ nhà cửa sạch sẽ, trả tiền đều đặn và đúng hẹn…
Được láng giềng cảnh báo đây là khu vực đã xảy ra tình trạng người thuê nhà trồng cần sa nên sau khi cho thuê một tháng, tôi cẩn thận tới kiểm tra nhà và không phát hiện bất cứ điều gì khả nghi.
Phải nói rằng trong tư cách chủ nhà, tôi hoàn toàn hài lòng với người thuê vì hằng tháng họ trả tiền nhà rất đúng hẹn vào tài khoản ngân hàng của tôi. Thậm chí, đến năm thứ hai, khi tôi gọi điện đề nghị tăng giá cho thuê lên 185 đô la/tuần, họ cũng vui vẻ chấp thuận ngay.
Thỉnh thoảng có việc đi ngang nhà và nhìn vào, tôi thấy nhà cửa được giữ gìn cẩn thận, vườn được xén cỏ rất tươm tất. Hàng xóm cũng không một lần than phiền về những người thuê ‘dễ mến’ này.
Thêm vào đó, không như những người thuê nhà khác đôi khi gọi chủ nhà yêu cầu sửa những trục trặc vặt vãnh như rò rỉ nước, lò sưởi hoặc máy lạnh… tôi không một lần bị than phiền những việc tương tự.
Quả là những người thuê nhà lý tưởng! Cho tới một ngày…
Bể ổ!
Chiều hôm đó, tôi nhận được điện thoại của cảnh sát yêu cầu tôi xác nhận là chủ nhà đồng thời hỏi tôi một số câu. Dù đang ở xa nhưng tôi vẫn tranh thủ trả lời mọi câu hỏi của cảnh sát và hẹn liên lạc lại khi về Melbourne.
Hai ngày sau, cảnh sát gọi lại và cho biết nhà tôi cho thuê đã bị biến thành vườn trồng cần sa. Họ cũng đề nghị tôi lên gặp họ để biết thêm chi tiết.
Sáng hôm sau, trước khi tới gặp cảnh sát, tôi ‘tạt’ qua nhà cho thuê để xem sự tình. Vì ổ khóa cửa nhà đã bị đổi, tôi bèn mượn thang của hàng xóm leo lên, trổ mái ngói để vào nhà.
Từ trên cao nhìn xuống, cảnh tượng trông khá ảm đạm. Trong nhà tối bưng vì các cửa kính đều bị bịt nylon dày màu đen để ngăn ánh sáng từ bên ngoài, đồng thời cũng để giữ độ ẩm và hơi nóng trong phòng đến mức tối đa.
Có tổng cộng khoảng 80 chậu cây màu đen xếp trong ba phòng ngủ, mỗi chậu chứa khoảng 10 kg loại ‘đất’ mềm và xốp như mùn cưa ẩm. Cảnh sát đã lấy đi toàn bộ cây cần sa, chỉ để lại chậu.
Từ trên trần nhà, dây điện tua tủa thòng xuống. Mỗi phòng được bố trí 7 bóng đèn công suất 1500 watt, thắp sáng suốt ngày đêm để ‘thúc’ cây phát triển. Như vậy, ba phòng tiêu tốn khoảng 30 kW điện.
Bọn tội phạm dùng dây điện lớn, loại 100 ampere, để ‘câu’ lậu điện từ cáp chính nối trực tiếp vào nhà mà không qua đồng hồ điện nhằm tránh bị phát hiện dùng điện quá mức bình thường.
Ít lâu sau đó, tại nhà cho thuê, tôi nhận được hóa đơn tiền điện lên tới 50.000 đô-la mà công ty điện lực yêu cầu người thuê phải trả cho số điện năng đã dùng trong 3 năm.
Đặc biệt, phòng nào cũng có hệ thống tưới nước tự động khép kín, với máy bơm dẫn nước trộn hóa chất từ một thùng lớn qua ống dẫn chạy vào từng chậu cây.
Để tránh việc bị các đội đặc nhiệm bài trừ ma túy sử dụng máy bay hoặc xe chuyên dụng gắn ăng ten dò tìm hơi nóng trong những nhà trồng cần sa, bọn tội phạm có nhiều cách.
Trong nhà tôi, chúng đục tan nát trần và sàn nhà rồi dùng máy hút hơi nóng và mùi thơm đặc biệt của cây cần sa đưa vào hệ thống máy lọc trên trần. Hơi nóng và không khí đã được khử mùi và làm nguội được chuyền theo hệ thống ống dẫn xuống sàn nhà và tỏa dần ra ngoài.
Ngang nhiên coi thường luật pháp
Chỉ vài ngày sau vụ phát hiện cần sa, trong khi đang sửa chữa hư hại, tôi lại gặp một đôi người Việt khác, cũng trong độ tuổi ngoài 20 tới xin thuê nhà.
Thật bất ngờ, người thuê chủ động đề xuất nâng giá thuê nhà lên 2.500 đô-la/tháng, gấp hơn 3 lần giá tôi đưa ra. Ngoài ra, họ cũng đề nghị trả tôi thêm 6.000 đô-la, dù tôi không yêu cầu, để “sửa chữa những hư hại do người thuê trước để lại”. Họ chỉ xin được kiểm tra nhà 6 tháng/lần thay vì 3 tháng/lần như tôi yêu cầu.
Mặc dù có những đề nghị ‘hậu hĩnh’ như vậy nhưng tôi dứt khoát không cho thuê vì theo tôi nhận định, chắc chắn họ sẽ lại sử dụng căn nhà để trồng ma túy.
Một người bạn của tôi cho rằng sự coi thường luật pháp của bọn tội phạm lên tới tột đỉnh có lẽ vì luật pháp Australia xử tội này quá nhẹ trong khi lợi nhuận do việc trồng cần sa lại quá lớn.
Theo lời người bạn này, chỉ một vụ thu hoạch dài từ 3 tới 6 tháng, mỗi cây cần sa có thể đem lại khoảng 5.000 đô-la. Như vậy, với 80 cây cần sa, bọn tội phạm đã kiếm được khoảng 400.000 đô–la/tháng và 3 triệu đô-la trong suốt 3 năm.
Nỗ lực đối phó với tội phạm của chính quyền
Theo Phúc trình Dữ liệu Ma túy do Ủy ban Phòng chống Tội phạm Australia công bố, tội phạm liên quan tới cần sa chiếm tới 2/3 tổng số tội phạm ma túy.
Trong thời gian 2008-09, số vụ phát hiện cần sa trên toàn lãnh thổ Australia tăng 60%, cao nhất trong thập niên vừa qua, nhưng tổng trọng lượng cần sa bị thu giữ giảm gần 40%, từ 8.909 kg trong 2007-08 xuống còn 5.573 kg.
Trong khi đó, Học viện Tội phạm Australia cho biết, thời gian gần đây các nhóm tội phạm người Việt gia tăng các hoạt động liên quan tới cần sa, đặc biệt là mua bán và phân phối loại ma túy này với số lượng lớn.
Ông Lưu Trung, một cảnh sát người Việt chịu trách nhiệm an ninh trật tự ở những vùng đông người Việt như Richmond, Fitzroy, Collingwood tại bang Victoria, cho hay theo luật mới được quy định gần đây, chủ nhà cũng có thể bị liên đới trách nhiệm nếu nhà cho thuê bị sử dụng vào việc trồng cần sa. Luật mới yêu cầu chủ nhà phải thường xuyên kiểm tra nhà để ngăn tài sản của mình bị dùng vào các hành vi phạm pháp.
Quỳnh Tiên (Bay Vút)
* Ghi theo lời kể của anh Phạm Vũ, cư dân thành phố Melbourne.
Chính sách 100 năm trồng người của ” bác” đã đào tạo ra những con người đi trồng cần sa khắp nơi trên thế giới! Từ Anh Quốc, các nước Đông Âu, Canada, một số tiểu bang miền Bắc Hoa kỳ và nay là Úc!!! Trong nước là Xã Hội Cướp Ngày ( XHCN) ở hải ngoại thì trồng cần sa!
Chính xác 100%. Câu phản hồi chính xác nhất trong tuần.
Hoan hô bạn Tuyên
Luc xua toi co di lam thong dich cho So Canh Sat trong nhung truong hop tuong tu tren. Cac anh chi em o HaI Phong bao toi la ” Anh lam nhiem vu cua anh di. Day la cai nghe cua toi day, Vang dung day ,, Con cai Bac la the day