WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cha và…con

(Tặng C.K)

Kim bị 2 cảnh sát áp tải vào thang máy.

Vài phút sau thang máy dừng, họ kẹp nách dẫn Kim đi trên hành lang nằm ở giữa ngôi nhà. Hai bên trái phải có các khung cửa cánh đóng im ỉm khoảng cách vị tri của chúng lại khá xa nhau. Đến trước phòng nằm áp cuối, họ dừng lại. Một người mở khóa, đứng dạt sang bên, người kia đưa Kim vào, mở còng tay, chỉ chiếc ghế băng dài, rộng – bảo: Anh phải ở lại đây 24 giờ. 4 giờ nữa mới tới bữa chiều, sẽ có người mang xuất ăn đến, nếu khát, có thể uống nước trong chiếc chai nhựa này. Muốn đi vệ sinh thì vào kia – anh ta chỉ vào chiếc Cupol đối diện với ghế băng. Chờ một chút anh ta tiếp – Anh có còn hỏi gì không. Kim lắc đầu. viên cảnh sát quay gót đi ra, cửa tự động đóng lại.

Không gian trở nên tĩnh lặng.

Khi chỉ còn một mình, Kim tiến đến chăm chú quan sát chiếc cửa sổ: Nó giống như mọi chiếc khác nhưng trong lòng khuôn có 2 lớp ngăn – chấn song thép tròn to cỡ ngón tay cái, cách nhau chừng 10 phân, nằm chính giữa phân thành 2 phần. Ở sát lớp kính có lưới mắt vuông bằng thép tròn nhỏ hơn song cửa. Nhìn qua kính, tầm nhìn bị căn nhà đối diện bên kia đường chặn lại. ”Chắc tầng này phải nằm ở trên cao” – Kim nghĩ – Chợt lia mắt sang trái, nhìn thấy căn nhà kiến trúc cổ nằm ở góc đường, luc ở ngoài, khi đi qua – vẫn thường dừng lại ngắm nhìn. Thì ra phố này anh cũng quen nhưng không hề biêt đây là khu nhà tạm giam.

Kim kết thúc dòng suy nghĩ, xoay người, thất thểu trở về ghế băng, khó nhọc ngồi xuống. Mặt ghế rộng chừng 70 phân, cấu tạo bằng những nan gỗ cách đều nhau chừng 1 phân. Do khe hở, khi ngồi thấy mông hơi cồm cộm…

Sau khi đã tạm thoả mãn trí tò mò, vấn đề nổi cộm trước đây ít phút lại trở về xáo động tâm trí. Anh cay cú bật ra thành lời: Sao lại đến nông nỗi này? Đây là lần thứ hai trong đời bị tạm giam. Lần trước – cách đây hơn 20 năm – mới vừa qua tuổi vị thành niên ít lâu, bồng bột, hiếu thắng – đến nhà văn hóa Thanh Niên nhẩy nhót, ”Ra oai trước Đĩa” – đánh nhau, gây rối, bị công an quận Hoàn Kiếm bắt đưa về nhà giam ”Bốt” Hàng Trống. Tuy mới chỉ bị nhốt 48 tiếng rồi được bố cho người đến bảo lĩnh nhưng thời gian đó đã hằn sâu trong tâm khảm. Đến nay hình ảnh căn buồng nhốt tù ”tạm giam” của bốt Hàng Trống năm xưa vẫn hiện ra rõ như đang đứng trong đó. Lời hứa khi ra khỏi cửa bốt, bước trên đường Tràng Thi – lại văng vẳng bên tai – ”sẽ không bao giờ để bị trở lại”. Sự thật kinh khủng của kiếp tù tội đã hằn sâu trong tiềm thức. Và cũng lần đó Kim thực sự biết thế nào là ‘‘dưới đáy đầy cặn bã của cuộc đời‘‘…”Đại bàng”… Câu nói của người xưa, trước chỉ nghe loáng thóang – ”Nhật nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” – khi vào ”Kho”, tự nhiên vang lên khiến xương tủy nhức nhối. Nó như vết rãnh được chạm khắc vào da thịt của cơ thể.

Thế mà bây giờ – tại đây, hơn 20 năm sau – lại tái diễn. Cho dù hai nhà tạm giam khác xa nhau nhưng vẫn cùng một mục đích. Tại sao? – Kim gào lên trong đầu. Đang cơn xúc động, không thể ghìm giữ, lẩm bẩm bật ra thành lời, vừa hỏi nhưng như có tiếng ai đó đáp lại – ‘’Vì phạm luật’’! ”Tôi dậy con, liên quan gì đến qúy vị mà lại bắt giam?

- Luật pháp Đức không cho phép đánh người với bất cứ li do gì!

- Bố bực mình vì con trai hỗn láo, không kìm được bạt tai con thì có sao? Mà có ”thằng bố” Việt nào lại không dậy con theo kiểu cha ông, cụ kị nó vẫn làm: ”Yêu cho vọt – Ghét cho ăn, chơi”?

Đằng này, tôi sinh ra nó, vất vả, hi sinh nhiều thứ để chỉ mới 3 tuổi đã lôi nó sang đây, cho nó được hưởng mọi sự quan tâm của xã hôi, nhà trường, gia đình… đến bây giờ…. Nó làm sai, dậy dỗ , nó dám cãi lại bằng cái giọng khiến người nghe chói tai: Lục cục… oăng oẳng như chó sủa:

‘Mày” sinh ra ”Tao” (1) trong một cơn sướng. Đó là lẽ tự nhiên. Mày nuôi tao lớn, cũng là lẽ tự nhiên – cũng như ông Tao – bố Mày – sinh ra, nuôi Mày. Nhưng không thể vì vậy mà bắt tao răm rắp làm theo… Tao có suy nghĩ của Tao bởi vì tao đã lớn…”. Cứ như thế nó nói với bố n như nói với thằng bạn bằng vai phải lứa, dậy bạn phải làm ”bố” như trong trò chơi gia đình của lũ trẻ.

Đối với thằng nhãi ranh mới nứt mắt, có chút kiến thức, ti toe biết chút ít luật pháp do người ta nhồi vào óc từ lúc nói còn chưa sõi, bước chưa vững, giờ khi được bố dậy dỗ… liền phản ứng’’phun’’ ra những lời mà theo truyền thống của dân Việt – Ngỗ nghịch! Thử hỏi ” bố thằng nào” nào chịu được?

Kim ngập chìm trong dòng tự sự với những ẩn ức, những bất mãn. Thằng ”Bất hiếu” đã đang tâm cho anh vào tù là vì sao? Có bao nhiều ‘‘thằng Việt con‘‘ hành động như nó nữa? Mà có gì đâu, mình chỉ muốn cho nó nên người, chỉ muốn nó đừng quên nó là ai? Thế mà ai ngờ… Nghĩ đến đây tự nhiên nước mắt Kim ứa ra.

- ”Nhưng bọn trẻ sinh ra, bú sữa, ăn cháo HIP (2)… hít thở không khí của xứ người nên mắu chúng đã trộn lẫn giòng mắu của dân bản xứ – đó là điều tất yếu, là quy luật tự nhiên – ”Cây sinh ở đâu, trái hút chất vi lượng ở đấy”!

- Nó có là gì thì cũng vẫn da vàng, đầu đen, mắt đen, mũi tẹt. Dân bản xứ vẫn chỉ coi nó là thằng ngụ cư, cho dù nó có học hành đến nơi đến chốn, làm ra vẻ giống hệt người ta … Mà… mà…

- Luật của xứ này cấm ngược đãi trẻ con.

- Hừ… hừ – luật …luật…‘‘.

Có thể qúa căng thẳng vì suy nghĩ, Kim mệt mỏi mà vẫn không ngăn được cơn xúc động: ”Rút cục, nó có còn là con mình nữa không”? Mới chỉ cho nó một bạt tai, ngần nấy tuổi – đã biết gọi cảnh sát tới băt giam, để người ngoài ghép tội ”ngược đãi trẻ con”. Nếu lớn chút nữa trong trường hợp tương tự rất có thể nó đánh lại… Trời ơi! Nghĩ đến đây Kim gục đầu, người rã rời, đổ kềnh ra ghề băng. Anh không còn tiêp tục lý giải, biện báo để phản đối luật pháp Đức vì trong này chẳng có ai đại diện, đối thoại. Mà càng đối thoại lí lẽ của Kim càng đuối dần khi liên hệ với thực tế xã hội đang trú ngụ, khi người ta chỉ nói gọn lỏn một điều – Đó là Luật – Chấm hết – Stop! Nếu lúc này có người nào đó chịu nghe, chịu tranh luận, chắc Kim cũng không thể tiếp tục bào chữa cho hành động của mình trước cái lí của người… Đức!

Bi kịch của gia đình anh đã xẩy ra xung quanh chuyện bất đồng chính kiến giữa anh và thằng Long khi nó bỏ học đến sống với con bé gốc châu Phi cùng lớp, cùng tuổi, cả hai đều mang thân phận ngụ cư. Anh khuyên giải, thằng Long cãi lại, nó phản ứng kịch liệt. Điều qua tiếng lại, mâu thuẫn của hai bố con cứ ngày một lớn dần, căng lên, cuối cùng bật ra ”lời phản nghịch” – kia.

Điều tệ hại – cũng do bị thằng con kích động – Kim trở nên nóng nảy quá mức, đẩy nội dung lời nói của con lên tới sự tức giận, bất chấp ngữ cảnh rồi suy diễn theo chiều ngược lại. Hai đại từ nhân xưng Tao – Mày nếu nó dùng ở trường hợp khác, lúc khác có lẽ chẳng sao. Nhưng lúc này khi mà cả hai cái đầu đều đang bốc lửa, đều khăng khăng bảo vệ lí lẽ của riêng mình. Cộng với thái độ, hình hài khi thằng con lần đầu tiên không được bố chiều như mọi lần.

Kim – cũng lần đầu tiên bị con phản kháng dữ dội. Hai từ ‘‘Tao – Mày‘‘ từ mồm thằng Long phát ra, lặp đi lặp lại, lập tức trở về ý nghĩa nguyên thủy của tiếng Việt… Sẵn đang bực vì có vài chuyện trong công việc làm ăn không được như ý… Kim đã đi tới giới hạn cuối cùng của phương pháp giáo dục cổ truyền: Tát tai!

Thằng Long đứng nhìn bố như thể nhìn kẻ thù. Lát sau nó đưa tay lên xoa má rồi lẳng lặng đi vào phòng riêng đóng cửa. Ở ngoài Kim nghe loáng thoáng tiếng đối đáp… Cũng vào lúc đó anh kịp ghìm cảm xúc, dần lây lại bình tĩnh, suy nghĩ… chợt thấy ân hận về hành động của mình.

Đột nhiên có người bấm chuông.

Kim ra mở cửa: 2 Cảnh sát hiện ra, lịch sự chào, dơ thẻ, tiến vào. Long từ trong phòng của nó bước ra. Viên hạ sĩ hất đầu hỏi: Anh vừa đánh con phải không?

Kim ấp úng…

Hạ sĩ không chú ý đến thái độ của Kim, tiếp: Tôi nhận được điện, con anh tố cáo như vậy, yêu cầu anh hãy trả lời rõ – Đúng không?

Người cảnh sát khác tiến lại sát mặt Long, nhìn chăm chú đoạn quay sang bảo: Đúng là anh ta đánh thằng bé! Trên má vẫn còn lằn vết bàn tay. Viên hạ sĩ nhìn Kim nghiêm khắc, không hỏi thêm, lẳng lặng rút từ trong cặp ra tờ giấy đã in sẵn, ghi, điền… đoạn bảo: Anh hãy xác nhận điều này rồi kí vào đây. Cơn nóng giận với con đã qua, Kim đọc tờ Biên bản. Thấy trên đó ghi rõ như sự việc đã xẩy ra. Không thể trốn tránh trước sự thật nên ngần ngừ chút ít rồi kí.

Hạ sĩ đut tờ giấy vào cặp, đứng dậy, nghiêm nghị nói: Anh đã bị bắt vì đánh người, dứt lời người cảnh sát cùng đi tiến tới còng vào tay Kim chiếc còng số 8… mọi việc đã diễn ra chớp nhoáng.

Chị Ngoan – Vợ Kim cuống cuồng lo sợ,.

”Thằng nhãi” mặt tỉnh bơ, mắt trân trân nhìn bố nó bị cảnh sát dẫn đi…

Và bây giờ ngồi đây, Kim có thời gian điểm lại mọi việc đã qua. Anh không còn ân hận về việc đánh con mà trong lòng tái tê đau xót. Chính con anh đã cho anh vào tù ư?. Chợt trong đầu có tiếng ai đó khẽ khàng vang lên: ”Nhưng anh cũng phải tự kiểm điểm mình xem đã? Sống đâu âu đấy. Bọn trẻ từ lúc còn ở lơp mẫu giáo bập bẹ tiếng Đức, đã được học Luật pháp thông qua các trò chơi của chúng. Mọi trò chơi đã lồng vào ý nghĩa phải tôn trọng luật pháp. Các bé luôn được gíao dục rằng, trong mọi trường hợp, nếu lẽ phải thuộc về mình, sẽ được luật pháp bảo vệ. Anh đánh nó, nó không thể làm gì được thì phải nhờ luật pháp chế ngư anh”!

Những cuộc đối thoại trong đầu cứ ào ạt tuôn trào. Kim bật ngồi dậy, nhìn chăm chăm vào khung cửa sổ, tiếp tục phản ứng: Bây giờ nó mới 16. Cứ tình hình này chắc chắn sẽ gay. Mà không phải chỉ có thằng Long. Lũ em trai em gái sẽ theo gương anh nó và thế là gia đình anh đâu còn là gia đình nữa!

Điều chủ yếu anh không dám nghĩ đến chính là chuyện Long đi yêu con bé da đen. Hai đứa công khai trốn gia đình đến với nhau. Tất nhiên anh không phải hạng người trong mắu có Gien phân biệt chủng tộc. Nhưng bảo anh làm thông gia với chủng tộc da mầu, có một đứa con gái da đen len vào nhà, rồi ít lậu sau mấy đứa bé da vàng chẳng ra vàng, đen chẳng ra đen, đầu tóc như một tổ rắn (3) gọi anh là ông, là Bố, thử hỏi nhà anh sẽ ra sao?…

Cái quan trọng nhất: Vợ chồng anh phải đối mặt với người thân, họ hàng làng xóm – nhất là khi chúng nó về quê hương. Cái gì sẽ xẩy ra?

Tuy nước Đức cũng ngăn cấm trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành quan hệ như vợ chồng. Nếu bố mẹ con bé kia cùng anh đều lên tiếng đề nghị, cơ quan gíam sát, thi hành luật sẽ can thiệp, ngăn cản, vấn đề sẽ được giải quyết.

Ác cái bố mẹ nó không phản ứng gì, lại như có vẻ đồng tình…hai đứa được thể… vợ chồng anh không có bằng chứng, thế thì làm gì được nó. Chính vì vậy mà tấn bi kịch đã xẩy ra.

”Thà rằng ở bên nhà lại đi một nhẽ” – một ý nghĩ vụt xuất hiện – ừ… bên nhà… bên nhà… Kim lẩm bẩm… câu nói như khơi gợi, mơ hồ thúc ép…

Bỗng ngoài hành lang có tiếng động cắt đứt dòng suy tưởng. Kim đưa mắt nhìn ra: Trên chiếc bàn vuông đặt áp sát tường, miếng thép hình chữ nhất cỡ 15×25 cm nằm chìm trong tường- từ từ dạt sang bên, lộ ra lỗ hổng, một bàn tay từ bên ngoài, qua lỗ hổng đùn vào chiếc khay, khi bàn tay rút ra, miếng sắt tự động đóng lại. Anh thấy tò mò, tiến đến nhìn vào, trong lòng khay bằng nhựa có 4 ngăn, bên trong từng mỗi ngăn đều có một thứ : 4 lát bánh mì, chai nước Táo ép loại 0,250, hai khoanh Würt (giò), tròn to bằng miệng chiếc bát ăn cơm, dầy chừng vài ba li, 1 qủa táo. Cạnh mép khay đặt con dao, cái dĩa – cả hai cũng bằng nhựa. Suốt 4 tiếng vật lộn với suy nghĩ nên vừa thấy xuất ăn, bụng dạ cồn cào. Anh ngồi ăn ngốn ngấu. Xong bữa trong khoảng vài chục phút. Khi tu chai nước táo, như được tiếp thêm nghị lực dòng suy nghĩ trước khi ăn lại ập đến. Kim thầm đi đến quyết định dứt khoát… và thấy lòng dịu, nhẹ đi. Anh từ từ ngả lưng.

Đang sắp vào Hè, trên ghế băng chỉ có chiếc chăn dạ mỏng, Kim vơ lấy gấp nhỏ làm gối để kê cao đầu. Mùi của nước thơm lẫn trong xà phòng giặt ảm vào chăn – tỏa ra khiến tinh thần Kim thoải mái. Cơn buồn ngủ ập đến. Anh cố tự nhủ đừng ngủ… đừng ngủ… nhưng không cưỡng lại được nhu cầu của cơ thể sau hơn 4 tiếng lao động tri óc cật lực.

Mi mắt sụp xuống… Kim thiêp đi…

Tỉnh lại, nhìn đồng hồ đã hơn 12 giờ đêm. Anh trở dậy đi lại trong buồng từ góc này sang góc kia rồi tiếp tục suy nghĩ, toan tính. Giòng suy nghĩ khắc khoải, triền miên khiến Kim thức luôn cho tới chiều hôm sau.

Khoảng 14 gìờ, cửa phòng mở, viên cảnh sát hôm qua dẫn Kim vào giờ lại xuất hiện, yêu cầu anh xuống gặp Sếp. Kim đi theo. Đến nơi đã thấy trong phòng có người đàn ông mặc thường phục, tuổi cỡ trên dưới 40, vợ anh và người luật sư ngồi đối diện. Ngưới kia nhìn Kim bằng cặp mắt thân thiện, nói nhỏ nhẹ: Ông được trả tự do. Hi vọng chúng tôi sẽ không được ”mời” ông tới đây lần nữa.

Ông ta ngừng lại đoạn chậm rãi tiếp: Trước khi chia tay, tôi nhắc lại – Trong mọi trưởng hợp, với bất cứ lí do gì – trừ trường hợp tự vệ – không được dùng vũ lực với đối tượng, nhất là với trẻ em. Ông có thể giáo dục con cái theo truyền thống của chủng tộc mình, nhưng đó là nơi khác, còn ở đây thì không được. Ngừng lại nhìn Kim chăm chú, tiêp – hãy ki vào biên bản rồi có thể đi.

Ông ta đưa cho Luật sư tờ giấy.

Luật sư đọc, đẩy tờ giấy tới trước mặt Kim, gật đầu ra hiệu. 24 giờ qua đã làm Kim thay đổi suy nghĩ. ”Nhập gia tùy tục”. Mọi người đều phải nhớ đạo lí này. Anh nói từ tốn: Rất cám ơn sự nhắc nhở của ngài. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ trở lại gặp ngài trong trường hợp tương tự – đoạn cầm but kí..

- Tốt lắm! Tôi biết! Luật pháp của chúng tôi chưa được các vị đến đây cư ngụ – hoàn toàn chấp nhận. Nhưng đó là luật, bắt buộc ai hiện diện ở Đức cũng phải tuyệt đối tôn trọng, chấp hành – (nói mà mắt ông ta long sòng sọc) . Vị đại diện cảnh sát đứng dậy bắt tay luật sư và vợ anh và anh. Luật sư chào, quay người đi ra, Kim và vợ lụt cụt theo sau.

Rời khỏi cổng nhà tạm giam, Kim chợt thấy thèm li rượu mạnh, bước lên xe của mình (do vợ mang đến). Chị Ngoan định giành tay lái, Kim không nghe bảo vợ ngồi bên, mở máy cho xe chạy. Khi đã rẽ quặt vào một phố khác, đến trước Restaurant Cửu Long, anh cho xe dừng, hai vợ chồng tiến vào. Sau khi Ngoan gọi món mà chồng thích, Kim quay sang hỏi vợ: Thằng Long ra sao?

- Nó ra khỏi nhà khoảng 1 giờ sau khi cảnh sát dẫn anh đi. Từ hôm qua đến giờ vẫn chưa về. Trước khi nó đi, em đã ”cho một trận”!

- Cho một trận như thế nào – Kim nhương mắt nhìn vợ, hỏi.

- Em nói cho nó biết: Người Việt Nam không bao giờ gọi cảnh sát đến bắt bố mình cho dù ông ấy thực sự có tội. Đứa con mà làm vậy, sẽ bị dư luận lên án. Đó là hành động mà người Việt gọi một cách chê trách là ”Bất hiếu”, ‘‘Trời không dung, Đất không tha‘‘.

- Thế nó phản ứng ra sao?

- Nó nhún vai… gật gù rồi rồn rập hỏi lại khiến em sửng sốt – Thế ở Việt Nam không có luật chống hành hạ trẻ em à? Người Việt không được học về luật pháp à? Bố đánh con, con tự vệ gọi là bất hiếu à?

Vợ anh ngừng lại ngẫm nghĩ, lát sau mới dè dặt, tiếp: ”Chất Đức” nhiễm khá sâu vào tim óc nó rồi.

- Không hẳn như em nghĩ. Thằng này bị bệnh thì có. Đâu phải tất cả trẻ con Đức đều hành động như nó. Ngồi trong tù 24 giờ, anh nghĩ nhiều về thằng con. Em có nhớ chuyện hôm đưa nó đi nhà trẻ, về nhà, câu đầu tiên học được, nói với anh và em là câu gì không? Đó là câu Của tao ! Hừ… của tao – Xuất ăn, trang phục, đồ chơi… cái gì nó cũng vơ vào lòng rồi nói – Của tao. Bây giờ là sở thích của cá nhân nó – tất tần tật cái gì cũng phải là ”của Tao” – Của Nó – trước đã. Bất chấp ai – kể cả bố mẹ – mà xâm phạm cái ”Của tao” – là nó nổi khùng!

Kim như được dịp xả hơi, tuôn ra lời cay cú.

Chị Ngoan vôn dịu dàng đằm tính – khẽ nắn tay chồng an ủi: Thôi anh! Dù sao con nó cũng còn trẻ. Đến nông nỗi này, thực sự chúng ta cũng có trách nhiệm. Chúng ta mải kiếm sống, mải ki cóp từng EU với mục đích lo cho tương lai của các con. Tương lai chưa thấy đâu đã thấy hậu qủa tai hại. Từ nay mình phải thay đổi cách suy nghĩ cổ hủ. Phải quan tâm đến bọn trẻ nhiều hơn. Dậy con phải thường xuyên, từ từ chứ không thể nôn nóng, nếu không – Dục tốc bất đạt – chị dẫn một câu chữ Hán, nhập tâm từ các nhân vật trong phim Hồng Công – thường hay nói.

- Em hãy thử đi. Anh thì hết cách rồi. Quá chậm rồi. Câu nói mà nó nói ra để bào chữa hành động của mình là câu nói thực lòng nó nghĩ vậy, đúng nó là thằng láu cá, ma lanh. Nó suy nghĩ trong đầu rồi cố tình ”chơi chữ”, mượn hoàn cảnh lập lờ của ngôn ngữ Đức – để bày tỏ ý của mình hòng che đậy tâm địa…

Thấy chồng tỏ ra hậm hực, Ngoan im. Chị đang nghĩ cách cứu con trai. Trong tận đáy sâu cõi lòng, chị không tán thành chồng giáo dục con theo cách này. Nhưng hoàn toàn thông cảm trước cú sốc mà những người bố có cá tính mạnh cũng có phản ứng như chồng mình.

Sống với nhau nhiều năm, chị hiểu chồng rõ hơn ai hết. Vốn gốc gác là nông dân, lại mang nặng đạo li Á đông nên trước hoàn cảnh trớ trêu không thể kìm giữ… Cũng là lần đâu tiên anh đánh con… Thằng Long của chị phản ứng hoàn toàn theo bản năng – Tìm chỗ dựa hiệu qủa nhất để bảo vệ mình. Nó mới chỉ 16 tuổi, được hai vợ chồng thương yêu, được sống trong mội trường đầy đủ tiện nghi, lớn lên trong sự quan tâm đặc biệt của xã hội rồi tiếp nhận nền văn hóa Đức qúa nhiệt thành. Nó đâu có hiểu đạo làm con đối với bố mẹ – truyền thống ngàn năm của dân Việt!

Hai vợ chồng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ… lát sau Kim lên tiếng: Thôi được, anh đồng ý với em chúng ta đừng nhắc lại chuyện này nữa. Cho qua… từ nay anh sẽ chú ý hơn hành động của mình trước con trai.

Ngoan vui mừng hết sức, nhìn vào mắt chồng thú nhận: Trách nhiệm này em phải gánh phần lớn. Chúng ta hãy cùng nhau níu giữ đứa con rứt ruột đẻ ra, nếu không… chẳng những mất nó mà lũ em nó chúng ta cũng sẽ mất luôn…

- Đúng thế! Nhưng níu giữ… níu giữ… xem ra khó lắm!

- Phải kiên trì dậy con anh ạ!- Ngoan nói dịu dàng, đầy vẻ cảm thông nhưng cũng gợn lên sự ngạc nhiên. Đây là điều chị chưa thấy trong việc xử thế trước các vân đề tương tự mà chồng đối diện – ”Sao anh ấy lại dễ tha thứ cho lỗi lầm của con vậy”?

Kim vẫn trầm ngâm…

Hai vợ chồng về đến nhà khoảng 15 phút thì Long cũng về theo. Nó lẳng lặng vào nhà, đi thẳng vào buồng mình. Kim đưa mắt ra hiệu cho vợ, Ngoan theo vào thấy con đang ngồi bên bàn máy vi tính. Chị tiến đến đứng sát cạnh con kéo đầu con ấp vào ngực mình. Long nép trong lòng mẹ im lặng, chị Ngoan khẽ khàng: Con ra xin lỗi bố đi – Vừa nói vừa kéo con đứng dậy. Long làm theo. Đến trước mặt bố cậu đứng nguyên nhưng vẫn im lặng. Chị Ngoan giục – Con nói đi!

Kim nhìn xoáy vào mặt con, dơ tay ngăn vợ lại – Để anh nói: Bố xin lỗi con. Bố không nên đánh con. Sau 24 giờ ngồi trong nhà tạm giam suy ngẫm và đã vỡ ra nhiều điều – Kim dừng lại như ngẫm nghĩ…

Hai mẹ con Long lắng nghe, chờ đợi.

Lát sau anh tiếp: Chỉ có 1 điều quan trọng nhất mà bố muốn – Con phải đảm bảo đi học đều, học tốt như con đã từng học trước đây. Bố cũng không phản đối con quan hệ với đứa bạn gái, thậm chí con có thể đưa nó tới thăm nhà!

- Cám ơn bố – Long nói bằng tiếng Việt phải nói là rất sõi!

Kim và vợ nhìn nhau. Hai người cố giấu đi sự kinh ngạc…

Từ sau khi mối quan hệ của hai bố con được chính thức xác lập trên cơ sở mới, chị Ngoan chẳng những không vui mừng mà thấy căng thẳng hơn trước. Chị biết tính chồng. Đó là sự biến đổi kì lạ nếu không muốn nói rằng chị khó tin là sự thật. Chị nêu ra mấy giả thuyết, tựu trung không thể tìm được niềm tin vững chắc dù sự thật đó đang hiển nhiên trong không gian nhỏ hẹp của căn hộ 4 buồng này. Cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi sự ám ảnh về một trận giông bão sắp nổ ra, giáng xuống gia đình chị. Nhưng bao giờ thì chị không thể nào đoán được.

Ngay sau hôm nói với con những điều khó khăn lắm mới nói ra, Kim như co mình lại. Sự trăn trở cứ lớn dần. Thằng Long như vậy sẽ làm thằng Quy, con Li, con Phượng theo gương, bắt chước. Nếu cả bốn đứa đều như thế, gia đình của anh đâu còn nữa? Tất mọi người trong gia đình chung sống trong cùng một mái nhà, mục đích để gia đình đoàn tụ, vui vẻ, hạnh phúc. Thế mà bây giờ xẩy ra như vậy, có thể chấp nhận được không? Suy nghĩ triền miên, mối ưu phiền cứ ngày một gia tăng. ý nghĩ bột phát lúc đang ngồi trong nhà tạm giam lại tiếp tục trở về dằn vặt Kim…

Hàng ngày sau giờ làm việc ở xí nghiệp, về đến nhà Kim không còn sảng khoái sống với khung cảnh êm ấm của gia đình như trước nữa. Sau cú sốc lớn kia, anh âm thầm chịu đựng, sự bất mãn cứ ngày một sâu đậm rồi dần phình ra che lấn một phần cuộc sống của mình. Tuy cũng có một thay đổi làm anh thấy thú vị: Ba đứa em của Long tỏ ra gần gũi bố hơn trước. Con Phượng 8 tuổi thì quẩn quanh bên bố hỏi này hỏi nọ… Con Li – 12 tuổi, thấy bố từ xưởng về, tắm rửa xong, em săn đón, hỏi bố có uống Bia hay Cà phê, Trà rồi hăng hái làm theo lời yêu cầu của bố. Sợ con chưa quen công việc của mẹ, anh chỉ làm vừa lòng con bằng cách sai đi lấy bia, rượu hay li, cốc. Thằng Quy – 10 tuổi thì tíu tít kể cho bố nghe về chuyện của lớp nó học… lòng Kim thấy ấm lại. Anh thầm cảm ơn vợ hiểu mình, bảo các con gần gũi khi anh đang khủng hoảng tinh thần …

Long thì khác.

Từ sau lúc bố nói ”Xin lỗi”, cậu thấy thoải mái, vẫn là bản chất con trẻ, Long không giận bố nữa, thực sự chuyển biến trong đời sống, học tập. Cậu chỉ đến với bạn gái vào 2 ngày cuối tuần, rồi thứ 2 trở về, dành tất cả thời gian còn lại cho học tập. Long vốn là học sinh giỏi nên sự sút kém trong thời gian qua vì lơ là – đã được khắc phục và khắc phục có hiệu qủa. Cậu lây lại phong độ của người học giỏi nhất lớp! Rồi hứng chí, Long đưa cô bạn gái về trình diện bố mẹ và các em.

Có lẽ theo bản năng nữ tính, và cái chính đã quen tiếp xúc vơi các bạn khác mầu da, khác chủng tộc ở trong nhà trẻ nên khi Jenker xuất hiện, các em đón nhận nồng nhiệt. Jenker tự tin, chan hoà với các em của người yêu. Điều quan trọng làm cô yên tâm hơn: Mẹ của Long rất tinh tế, dịu dàng thậm chi còn hiểu tâm lí cô còn hơn cà mẹ đẻ mình. Do vậy khoảng cách do mầu da, phong tục – đã nhanh chóng bị xóa bỏ. Cô cảm thấy thoải mái như ở nhà mình…

Riêng đối vơi ông Kim – Jenker đã được Long dặn, ”gà cho” trước khi đến – cô thực hiện đúng: Lúc tiếp xúc, không quá bộc lộ nhiệt thành như ở nhà. Cô trả lời tất cả những câu hỏi có tính chất thử thách của ”ông gìa” – một cách dè dặt, thận trọng nhưng chân tình. Cô dùng trí tuệ của một học sinh giỏi, bản năng của cô gái bắt đầu, đang yêu, vì tình yêu – để giao tiếp với ”người cha khó tính”, vẫn coi hai đứa là ”trẻ con”. Tất nhiên, do hiểu rõ nguyên nhân, Jenker vượt qua mọi thử thách để không gây cho ông ‘’Khốt’’sự khó chịu – làm đà, phụ họa cùng với ý nghĩ ”định kiến” của ông.

- ”Nó có nét hao hao giống như Naomi Campel, thảo nào mà thằng nhãi nhà mình chết mê chết mệt? Ngữ ấy, chắc chúng sẽ sinh con đẻ cai ào ào như truyền thống của chủng tộc nó, cộng với sự đam mê tột cùng của con mình, chắc chắn chúng sẽ cho ra đời đàn đàn lũ lũ như Gà. Thế thì chỉ có thể sống ở nước ngoài chứ làm sao sống được ở Việt Nam . Nếu vướng vào cuộc tình này, rồi cuối cùng cũng sẽ đi đến tan vỡ, lúc ấy sẽ rất khổ…”. Cứ dòng suy tưởng ấy Kim triền miên trong tâm trạng của người cha thương con, nghĩ rằng con cố tình lao vào đường cụt mà không thể thuyết phục được con từ bỏ ý nghĩ rồ dại. Kim không thể gỡ được rối rắm đang rồn rập trong lòng. Suy nghĩ, dự kiến – khi nằm trên chiếc ghế băng trong căn phòng tạm giam kia, đã chìm đi, giờ khi đứa bạn gái của con hiện diện trong nhà – lại trở về, đẩy quyết tâm của Kim lên nấc thang mới… Anh trầm ngâm rồi thầm thốt lên – Đành vậy! Không còn cách nào khác…

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến kì nghỉ hè.

Trong bữa ăn tươi cuối tuần của gia đình, Kim hỏi: Hè năm nay nhà mình muốn đi nghỉ mát ở đâu?

Nghe thấy bố nói vậy, con Li, thằng Quy, con Phượng đồng thanh nêu ý kiến muốn về Việt Nam . Chị Ngoan cũng hùa theo các con. Long ngồi nguyên chưa lên tiếng. Kim nhìn con trai, hỏi: Long thế nào? Việt Nam mình có nhiều bãi biển đẹp lắm.

- Thế có gần quê mình không – Cậu hỏi dè dặt.

- Cũng không xa lắm chừng hơn trăm vây số. Con sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp không kém so vơi những nơi được ngành du lịch Đức quảng cáo nếu không muốn nói hơn hẳn: Đó là Vịnh Ha Long! Nghe bố nói, mắt Long sáng lên. Địa danh đã được Unesco hai lần tôn vinh, cậu đã nhìn thây nhiều lần trên phim ảnh, sách báo, truyền hình.

- Vậy thì con cũng đồng ý theo bố mẹ và các em về nghỉ hè nhân tiện thăm quê.

Con trai quyết định, vợ chồng Kim vội bắt tay chuẩn bị để sau nghỉ hè 1 tuần, kế hoạch chuyến đi được bắt đầu thực hiện.

Chú bác, cô dì, anh em – thuê hẳn một chuyến Taxi 12 chỗ ra sân bay Nội Bài đón gia đình Kim về quê. Do đã điện báo trước, cả họ tới chúc mừng con, cháu. Giờ phút đầu tiên đặt chân tới nơi mà bố mẹ thường nhắc – gây cho cậu ấn tượng rất mạnh! Ăn mặc của những người đi đón chưa đẹp so với dân Đức, nhưng tấm lòng của mọi người biểu lộ bằng thái độ bên ngoài làm cho Long ngạc nhiên: ”Ở bên Đức hoàn toàn không có cảnh chung vui ồn ào như thế này” – Cậu khẳng định!

Sau một tuần, nghỉ ngơi, giữ lời hứa, Kim đưa vợ và các con đi tắm biển Bải Cháy. Toàn cảnh bãi biển, mặt biển lúc hoàng hôn, khi bình minh thật diệu kì, hùng vĩ. Thiên nhiên làm Long choáng ngợp. Ngày thứ hai, cậu tự thuê thuyền ra tận nơi, đi xung quanh chân hòn Gà chọi, vào hang Đầu gỗ – côt để tìm xem nó có gì đặc biệt… rồi hôm sau, hôm sau nữa lại đi thăm các hòn núi khác hoặc dạo trên biển. Các chuyến đi làm Long đắm chìm trong niềm vui tột cùng. Nhìn trên phim ảnh, Hạ Long đã đẹp, nhưng so với cảnh thực thì ảnh còn kém xa. Em nằm dài trên sàn boong tầu cùng nhiều du khách, hai tay làm gối, ngước mắt nhìn trời mây rồi nhắm lại, lắng nghe tiếng gió thổi vù vù, tiếng sóng ì oạp, xô đập vào mạn tầu đang bồng bềnh lắc lư, làm tăng thêm cảm giác lâng lâng… Lần đầu tiên hai tiếng quê hương mà em đã nghe bố mẹ nói rất nhiều lần – song chỉ thoáng qua trước cuộc sống ồn ào của đô thị hiện đại – bây giờ đã len lỏi, lắng đọng, khơi gợi đến xao động lòng người.

Mấy hôm sau, cả nhà từ gĩa biển, lên rừng, leo núi thăm chùa Yên Tử, Côn Sơn, về Thái Bình – đồng bằng, vựa lúa – xem chùa Keo, vào Huế thăm cung điện, lăng tẩm các triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, rồi tiếp tục cuộc hành trình xuyên Việt. Đến Thành phố HCM, Long đột ngột đề nghị bố cho đi thăm đất Mũi, Rừng Chàm. Cảnh sống trên ghe thuyền, sông nước mà bộ phim Đất Phương Nam đã nói đến, bây giờ lại thúc giục cậu đi. Kim bảo Ngoan cùng 3 con ở lại thăm bà cô ruột, tham quan thành phố, rồi cho Long toại nguyện. Chính anh cũng bị nhân vật An, ”Võ Tòng” cùng cuộc săn bắt cá Sãu… phong cảnh sông nước phương Nam thu hút! Chuyến đi đã tác dụng mạnh vào tâm tư tình cảm của cậu con trai. Dù Long sinh ra ở Việt Nam nhưng khi đó còn qúa bé, không có khái niệm gì về quê hương. 13 năm sau, hôm nay trở về, Long đã đủ khả năng nhận biết, cảm xúc được tình cảm của mình về mảnh đất quê cha đất tổ.

Trên đường từ TP Hồ Chí Minh ra Bắc bằng máy bay, nhìn qua khung cửa thấy bên dưới dải đất nằm bên bờ Thai Binh Dương, phía trong rừng núi, thảo nguyên, sông ngòi, đồng ruộng, bải cát trắng trải dài. Phía ngoài đại dương sóng nước mênh mông… Hình ảnh từ trên cao nhìn xuống đã gieo vào lòng Long ấn tượng không phai mờ…

Một tháng rưỡi qua đi nhanh.

Trước hôm lên đường về Đức, Kim tổ chức bữa liên hoan chia tay với gia đình. Bữa ăn thật thịnh sọan. Khi chuyển sang ăn hoa quả tráng miệng, uống chè, Kim đứng dậy nói lời cám ơn Nhạc phụ, Bác, Cô dì, anh em – đọan cao gịong: Con có một việc cần phải nói trước họ hàng: Muốn để thằng Long ở lại quê nhà, trước hết nhờ ông Ngoại, ông Bác, bà Dì cùng anh cả, các em – giúp chăm sóc giáo dục cháu, dậy cho cháu làm việc, tự lập!

Cả bàn tiệc hơn 20 người đang ồn ào, nghe tiếng Kim bỗng lặng đi.

Ngoan tái mặt không cất lên lời.

Long đang ngồi đứng phắt dậy, dương mắt nhìn bố.

Thấy thái độ của thằng bé, mọi người đổ dồn chăm chú nhìn. Kim vẫn bình tĩnh, nhìn con bằng cặp mắt lãnh đạm. Long không để cho bố kịp tiếp mà vội cườp lời, nói bằng tiếng việt rất sõi: Con không muốn ở lại quê nhà. Con phải trở lại Đức để chuẩn bị vào niên học mới!

- Không! Con cần phải ở lại. Bố suy nghĩ mãi rồi. Ở lại sẽ tốt cho con… Khi nào con thực sự trưởng thành, lúc đó bố sẽ cho con sang du học.

- Anh, xin anh – Ngoan run rẩy lên tiếng.

Kim không chú ý lời khẩn cầu của vợ, mà vẫn nhìn con, thản nhiên, tiếp – Em chưa quên chuyện xẩy ra mới mấy tháng trươc sao? Nếu em thương con, không sợ mất con thì hãy tán thành quyết định của anh.

- ”Tao” không thể nghe theo lời ”Mày”. ”Tao” phải đi, dù ”Mày” có làm gì để ngăn cản thì ”Tao” vẫn cứ đi! – Lần này Long nói bằng tiếng Đức.

Kim vẫn không thay đổi thái độ quay sang nhìn ông bố vợ, ông bác, bà cô bà dì – thanh minh: Nó nói bằng tiếng Đức đã học được trong 13 năm qua – Anh dịch lại nguyên văn trần trụi câu nói của con trai mà không theo ngữ cảnh. Tiếp theo Kim kể những chuyện đã xẩy ra…

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

Ông bố vợ vốn nông dân chân chất chỉ nhìn con rể, nhìn cháu ngoại chăm chắm mà không thể lên tiếng. Ông bác, bà cô, bà dì ruột của Kim – nhìn hai bố con ”thằng cháu – có văn bằng, trình độ cao nhất dòng họ‘‘ – đầy thắc mắc. Tại sao lại đến nông nỗi hai bố con nó xung khắc một mất một còn như vậy?

Kim quay sang bảo con: 13 năm trước bố mẹ đã đưa con từ đây sang Đức, nuôi con ăn, học. Bây giờ con tự coi là đã lớn, không cần sự chăm sóc của bố mẹ, tự quyết định lấy tương lai của mình… như vậy bố mẹ không còn lí do gì để giữ con bên cạnh. Hãy bằng khả năng trí tuệ, tự khẳng định mình để làm theo ý mình, đó là điều rất tốt! 13 năm con nhờ hơi bố mẹ để được ăn mặc, học hành và con đã tiếp thu được nhiều thứ… Bắt đầu từ bây giờ, việc ăn nhờ, ăn theo sẽ chấm dứt. Con không có quyền đòi hỏi mà phải bằng chính sức của con để có cơ sở tự quyết định những điều mà con thích. Bố mẹ sẽ tiếp tục giúp con theo khả năng nếu con muốn. Đây là căn nhà bố mẹ xây dựng bằng chính mồ hội, sức lực của mình. Mẹ con sinh con ở trong căn buồng kia, con sẽ tiếp tục sống ở đó. Bố mẹ đã chuẩn bị cho con lương thực, tiền bạc đủ dùng trong 6 tháng rồi con phải tự tìm lương thực mà sống. Nhưng cần nhất phải học làm việc. Ông, Bà, Bác, Chú… không có cơm gạo để nuôi người ngồi rỗi, mơ mộng, lêu lổng. Bố Mẹ còn phải lo cho 3 em còn bé, chúng nó chưa thể tự kiếm sống. Cũng ở đây, nếu con không nên người thì sẽ bị đạp xuống bùn đen. Lúc đó không thể trách ai!

Kim chuyển thái độ quay sang nói với mọi người đang chăm chú nghe từng lời của anh dậy con: Thưa Bố! Thưa Chú, Bác, Cô, Dì: Cháu không muốn mất con. Bây giờ nó mới 16 tuổi đã dám cho cháu vào tù thì lớn chút nữa, điều gì mà nó muốn – cháu ngăn cản – nó cũng sẽ bất chấp, làm cho kì được để đạt mục đich. Cho nên cháu tuyên bố: Con cháu sẽ ở lại đây, chính cái gian nhà này nó đã sinh ra và bây giờ trở về tiếp tục sống… Nếu nó học được cách làm việc để sống thì đó là may cho nó. Còn nếu không – thì đó là con đường nó chọn, phải chịu trách nhiện trước quyết định của mình! Chúng cháu cũng hết cách!

- Anh ới! Đừng – Chị Ngoan chỉ thốt ra được ngần ấy lời rồi cứ ôm mặt khóc rưng rức…

Thấy thằng cháu ”tuyên bố xanh rờn”, thái độ kiên quyết trước một quyết định ”kì quái”, ông bác ruột – vốn là một cán bộ cao cấp đã về hưu – lúc này mới lên tiếng: Cháu phải suy nghĩ cho chín trước quyết đînh này. Làm vậy liệu có được không? Có nên không? Đành rằng… đành rằng – ông không nói tiếp hết ý mình…

- Cháu giải quyết vấn đề như vậy đối với thằng con liệu có qúa khắt khe, không? – Bà Dì dè dặt.

- Một thằng bé mới 16 tuổi chỉ quen ăn học, sinh hoạt đầy đủ, sung sướng, giờ chú vất nó vào cuộc sống tự lập, lam lũ đầy khó khăn… liệu nó có chịu được không? – Ông anh cả can ngăn.

- Thưa Bác, thưa Dì. Để đi đến quyết định này cháu đã phải trăn trở, suy nghĩ hơn 3 tháng trời. Thưa anh! Em đã phải nhiều đêm dằn vặt, rốt cuộc không còn cách nào khác. Cháu không muốn mất một đứa con, lại càng không muốn mất tất cả những đứa còn lại mà cháu kì vọng ở chúng nó rất nhiều. Đây là quyết định, theo cháu hoàn toàn đúng. Đúng trong đạo lí, nguyên tắc, truyền thống của gia tộc!

- Cháu cám ơn các Ông các Bà, Chú, Bác – Long đột ngột lên tiếng khi tiếng bố vừa dứt – rành rọt bằng tiếng Việt – Bố cháu đã quyết định như vậy cháu không còn gì để nói. Bởi vì bố cháu là Bố, đã, đang nuôi cháu. Bởi vì cháu mang dòng máu Việt… Bây giờ cháu mới hiểu rành rõ về luật lệ, phong tục của quê hương. Bố yên tâm, con đã nghĩ lại – Long quay sang hướng vào bố – Con sẽ không phá phách hoặc còn có thể lấy luật pháp làm chỗ dựa như ở bên Đức. Có điều này con phải nói để bố hiểu: Bố vẫn là bố của con. Nhưng nhất định những gì bố quyết định hôm nay sẽ không làm con thay đổi suy nghĩ. Nhất định con sẽ… con sẽ… làm… con tin rằng con sẽ làm được!

Long dứt lời đứng dậy đi ra khỏi cửa.

Chị Ngoan lật đật theo con.

Thằng Dũng cùng tuổi – anh con ông bác – thấy vậy cũng lao ra theo. Nó cũng tỏ ra bất bình trước quyết định của Chú.

Dũng nhìn chú bằng ánh mắt xa lạ…

Lời thách thức của thằng con làm Kim giận sôi máu nhưng chỉ đành ngơ ngác bất lực, quay sang nói với mọi người: Cháu cám ơn các ông các bà cùng các anh em. Đây là hậu qủa do cháu gây ra phải tự giải quyết. Không còn cách nào khác tốt hơn cách này. Rất mong cả nhà ủng hộ! Giờ xin phép cho cháu chuẩn bị để sáng mai ra sân bay sớm, kịp chuyến!

Tất cả im lặng, lục tục kéo nhau ra về.

Long đi nhanh. Dũng đã đuổi kịp, nắm lấy tay em, bước sóng đôi. Chị Ngoan phải chạy vội mới theo kịp 2 đứa, tới nơi chị giữ con lại. Long miễn cưỡng dừng, quay sang nắm lấy tay mẹ, nhìn mẹ trong mắt ầng ậc nước. Chị Ngoan thấy con đang xúc động nên nhẹ nhàng: Con hãy thông cảm cho Bố đang bực bội. Bố rất thương con…

- Thương – mà bố lại quyết định như vậy à? Bố cậy quyền làm bố, cậy thế nuôi con… và bây giờ nắm giữ sinh mạng của con là chiếc hộ chiếu Việt (chỉ dán tem quyền cư trú có thời hạn vì chưa nhập quốc tịch Đức) để bắt con phải ở lạị, nghe lời. Được rồi. Mẹ yên tâm. Con sẽ đứng vững và sẽ không gục ngã… Mẹ hãy trở về để chuẩn bị sáng mai lên đường, thơm các em hộ con. Long rời khỏi tay mẹ.

Chị Ngoan hốt hoảng: Giờ con định đi đâu?

- Về nhà cháu rồi tính sau – Dũng nói nhanh.

Chị Ngoan nhìn cháu tin cậy gật đầu- Phải đấy! Con sang lánh tạm ở chỗ anh Dũng cũng tốt. Lúc này bố con đang nóng. Chiều mai phải trở về nhà. Tuy đây không bằng ở bên Đức, dù sao cũng là nhà của con. Anh Dũng xin với bố sang ở cùng em, giúp em quen dần với cuộc sống mới. Chị nhìn con ái ngại – con hãy bình tĩnh, mẹ tin và ủng hộ con, nhất định con sẽ thực hiện được mục đích. Nhưng muốn vậy con phải dũng cảm đối diện với hoàn cảnh. Điều trước tiên – con phải tiếp tục học và học lên đại học.

Chị Ngoan ngừng lại, móc túi đưa cho con 10 tờ 100 EU, tiếp: Con hãy cầm lấy số tiền này mua sắm thêm những thứ cần thiết để học tập, sinh sống. Con nhớ: Dù thế nào cũng phải học tập tốt. Trước hết là học tiếng Việt để vào đại học, khi vào được ĐH, mẹ sẽ gửi tiền sinh hoạt, học phí cho con. Anh Dũng cố giúp em, hộ thím nhé. Mẹ sẽ dần khuyên giải bố… tin rằng bố sẽ bình tĩnh, nguôi giận và mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

- Nếu Jenker đến tìm, mẹ bảo với cô ấy rằng con sẽ ở lại Việt Nam học, trong thời gian dài sẽ không trở về Đức. Ngừng lại một chút ngẫm nghĩ, Long tiếp giọng nhỏ dần- Nhưng nếu cô ấy hỏi địa chỉ của con thì mẹ đưa, bảo cô ấy duy trì liên lạc với con qua hộp thư điện tử… Dứt lời cậu ôm hôn mẹ.

Hai mẹ con bịn rịn phút chia li…

Lát sau Long rời mẹ, kéo Dũng đi.

Chị Ngoan đứng nguyên nhìn bóng con trai xa dần, khi tới ngã 3 đầu xóm, hai đứa rẽ quặt khuất hẳn – mới mếu máo, thất thểu quay lại…

Sáng sớm hôm sau họ hàng nội ngoại tiễn đưa vợ chồng con cái Kim lên đường (Long và Dũng không có mặt). Trong không khí thân tình nhưng không thể giấu được sự gượng gạo. Các bậc bề trên, anh, em – ai cũng không tán thành quyết định ”cực đoan” của con rể – thằng cháu – câụ em – ông anh. Nhưng họ giấu đi sự bất đồng nhằm cho vợ chồng Kim vui trước lúc lên đường. Kim hiểu tâm trạng của mọi người, cố tạo ra không khí bình thường, chào từ biệt từng người rồi mới lên xe.

Khi chiếc xe đã chạy trên quốc lộ – xa làng mình – Kim mới trở về trạng thái đăm chiêu…

Cho tới lúc máy bay cất cánh rồi hạ cánh, lên Taxi về nhà – 17 tiếng sau – Kim vẫn không nói thêm một lời nào…

Berlin Tháng 4 năm 2005 – 5.2011

© Lê Xuân Quang

© Đàn Chim Việt
——————————————
(Rút trong tập truyện ngắn NHỮNG MẢNH ĐỜI PHIÊU BẠT III , Nhà xuất bản VĂN HỌC Hà Nội tháng 8.2011)

(1) – Ngôi thứ nhất (ich), ngôi thứ hai (Du) – trong tiếng Đức nguyên thể là Tao, Mày (Tôi- Anh…). hiểu, dịch tùy theo từng ngữ cảnh. Trong trường hợp hai bố con xưng hô với nhau, lẽ ra ông bố phải hiểu con mình đang xưng hô – Bố! Nhưng vì tức giận… Nhân vật cố tình hiểu : ‘’Tao – Mày’’ theo nghĩa thuần túy tiếng Việt…

(2) Thức ăn sản xuất cho trẻ em, có nhiều dinh dưỡng, dùng cho trẻ tới 3 tuổi.

(3) – Có một chủng tộc Châu Phi, các bé gái trang điểm, tóc trên đầu tết thành những đuôi Sam nhỏ, trông như chùm những con rắn, rêt…

15 Phản hồi cho “Cha và…con”

  1. Nói tóm lại, là đã được giời cho làm bố, làm mẹ trẻ con và nhất là lúc bọn trẻ còn đang ở lứa tuổi phát triển- dạy thì là rất khó khăn và phức tạp. Không ai có thể nói mạnh, hay “dạy khôn” ai được. Mà nên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hay tham khảo sách vở, internet… Bất cứ ở xã hội nào!

    Trong câu chuyện mà Tác giả nêu trên nó nổi cộm một sự vô lý thế này,
    Một đứa trẻ “phải” theo bố mẹ xa quê hương từ tấm bé, sang sống giữa xã hội văn minh, dân chủ. Thỉnh thoảng qua fim, ảnh, bố mẹ kể chuyện về VN….
    Dựa trên cơ sở đó, ông bố bắt con sống phải có “hiếu”, phải theo đạo lý, gia phong gia đình.v.v. nếu sống theo kiểu xã hội mà gia đình đang sống là không được.(bắt con phải hiểu điều đó).
    Ngược lại, ông bố mặc dù đã sống mấy chục năm ở châu Âu, nhưng không hề mảy may hấp thụ luật pháp của nước mà gia đình mình đang cư ngụ!

    Do dòng “máu đỏ”, hay là gen di chuyền thì tôi cũng không biết. Nhưng nhân vật trong chuyện đã dựa trên vị thế, tao là bố mày, mày nứt mắt ra mà không chịu hiểu thuần phong mỹ tục VN nhà tao. Còn tao nửa đời người rồi sống ở Đức vẫn không hiểu được thế nào là xã hội văn minh và trách nhiệm của mỗi người trong xã hội. Nhưng từ nay tao quyết định đày ải mày về… quê hương. Cho mày biết thế nào là lễ độ!

    Luật bất thành văn VN.
    - Trẻ con, đẻ ra là có trách nhiệm phải hiểu biết về đạo lý làm người theo kiểu châu Á.
    - Bố mẹ, mặc dù sống trong xã hội văn minh, dân chủ. Không nhất thiết phải học hỏi những cái tốt của người ta để mà tiến bộ. Vì đã có quyền làm bố, làm mẹ, được miễn các kiểu kiện tụng-bất khả xâm phạm!!!

    Đến đây, mình chợt nhớ ra, hay là thấm nhuần nền giáo giục văn minh sớm nhất trái đất, nên dân mình thà chịu chết chứ quyết không đứng lên phản đối chhính quyền bất cứ điều gì.
    Dân ta có hiếu thật!

  2. ” có thể đấy là theo truyền thống của dân tộc chúng tôi”. Bố thằng nguỵ thủ tướng mất dậy. VN làm gì có thứ truyền thống độc tài toàn trị kiểu Marxist, Leninist, Stalinist, Maoist, Hoist… du nhập từ nước ngoài vào mà hiện thế giới văn minh đã vứt vào sọt rác thế. Trước 1975 miền Nam VN hoàn toàn có truyền thống Tự Do Dân Chủ thật sự và đúng nghĩa. Tuy rằng sau đó bị những thằng Tướng (sĩ tượng) phản trắc và tranh dành địa vị làm cho miền Nam nát bét và cuối cùng đem dâng cho cs.

  3. Việt linh says:

    Bên Tây này 16 tuổi chúng nó yêu nhau là bình thường. chẳng cứ ở Tây, bên vn bây giờ cũng thế, miễn là các con no vẫn học giỏi là được rồi. chuyện ông Kim bị con đưa vào đồn, ông nên nói chuyện cho con hiểu, nhân chuyến về Vn ông nên dùng họ hàng để nói, giảng cho con hiểu thêm, chau đi từ lúc tuỗi chưa hiểu phong tục đạo hiếu đất nước là thường. Việc ông cắt tình máu mủ vứt đứa con ở nhà là không chap nhận được. Vừa độc tài, vừa vô đạo. Xét về mặt lý, ông không có quyền bỏ đưa con khi nó mới 16

  4. Phan Long says:

    Thằng con mất dạy đến thế thì người cha hành xử như thế là thông minh và thoả đáng. Theo tôi, không nên cho nó một xu nào. Hãy để nó đi bươu rác ở ngoài bãi rác. Hoặc đi làm thuê kiếm lấy mà ăn. Hãy cho nó biết thế nào là lễ độ.
    Đã mang dòng máu Việt, không thể có những hành động bất hiếu với đấng sinh thành. Kẻ nào bất hiếu, phải tử hình. Nếu không được phép cho nó chết bằng thể xác, cũng nên cho nó chết mặt linh hồn…
    Ở đây không phải là tự do, dân chủ, nhân quyền mà là Đạo lý.
    Sống không có đạo lý thì không phải là người.
    Tôi ở Canada hơn ba mươi năm, nhưng trong cộng đồng Canadian gốc Việt không có những thằng con hành xử với bố, mẹ mình như vậy. Dấu chúng có thể nghịch ngợm, hoang đàng, hoặc bỏ nhà đi bụi…
    Chỉ có một số người vợ bị chồng bạo hành ” Hoặc số ít, chồng bị̣ vợ bạo hành” thì có cư xử như vậy thôi. Nhưng đó lại là vấn đề khác

  5. Trùng Dương says:

    Có lẽ những ý kiến của các bạn vừa nêu tôi nghĩ là các bạn chưa có gia đình và dĩ nhiên là chưa có con nên chỉ có suy nghĩ 1 chiều ko tốt về người bố Kim. Có ai thấy cái ý ẩn trong đó chưa? bao giờ các bạn có con đi rồi trong hoàn cảnh con mình như thế thì lúc đó hãy nói.
    Tôi đã là người bố nhưng chưa bất hạnh như bố Kim và tôi hiểu được cái ý của bố Kim.
    Những lời phê phán như câu: “Thằng bố qủa là thằng độc tài hơn cả …” tôi nghĩ bạn đang có vấn đề với bố mình.

  6. 1/86 tr. con chim says:

    Cái “trò đời” của dân “Cộng mình” nó thường phi lí thế đấy!
    Cái mâu thuẫn trong đầu óc một số ít người vẫn tồn tại mà không chịu khó nhìn thẳng vào sự thật, để sửa chữa. (mặc dù đã qua đi vài chục năm).
    Phi lí thứ nhất, đa số “ông cộng” nào cũng muốn sống và phát triển gia đình trong xã hội tự do, dân chủ, tiến bộ và thịnh vượng. Nhưng rất ít các “ông cộng” chấp nhận luật pháp và thể chế chính trị của nước sở tại là đúng đắn.
    Rễ thường tất cả những thành tựu mà xã hội dân chủ người ta đạt được là từ trên giời rơi xuống. Hay là do họ có luật pháp và thể chế chính trị đúng đắn hả các “ông cộng”?

    Ở trong trường hợp này, các cụ ta xưa có câu “của cải của người ta thì yêu, nhưng bản thân “người ta” thì mình lại ghét”!!!
    Ích kỷ, thiển cận, vô lý dành dành!… suy luận đến đây thì “cộng ta” lại quay ra, ra đều đầu óc dân chủ: kệ tôi, đấy là lối suy nghĩ và cách sống riêng của tôi, ai cũng có quyền sống tự do theo cách riêng của mình… sao cứ phải có pháp luật!

    “Nẫu ruột” lắm!

  7. Ban Mai says:

    Góp ý chỉ theo nội dung truyện.

    “Bố” Kim đã sai. Sai vì dùng đầu óc gia trưởng khi sống ở Đức! Nếu luật Đức sai thì tại sao xã hội Đức được kính nể trên thế giới? Về cá nhân, tính theo tỉ lệ dân số, thì có thể số người Đức nổi tiếng đang chiếm hàng số một trên thế giới! Căn bản giáo dục Đức sai, như mô tả trong truyện, thì liệu có thể đào tạo nên một Phó Thủ tướng Đức gốc Việt như hiện tại?

    Câu hỏi: Người VN có thèm đời sống ở Đức ko? Nếu ko, thì tại sao gia đình Kim định cư? Theo bối cảnh truyện, có thể gia đình Kim thuộc loại lao động ở Đông Đức tìm cách ”tị nạn”! Đầu óc Kim có thể là đầu óc bị tiêm nhiễm máu độc tài nên mới quyết định ngang ngược bắt Long ở lại VN! Người nên ở lại VN chính là Kim!

    Chỉ có xã hội VN hiện tại mới thích hợp cho những người có đầu óc như Kim.

    • Đồng ý says:

      Đúng vậy, chỉ có xã hội VN hiện tại mới thích hợp cho những người có đầu óc như Kim.
      Nói chung, người VN tìm cách ” tỵ nạn” ở Đức nhưng hòa nhập và chưa hiểu hết văn hóa của họ, kể cả cái đơn giản nhất là cách xưng hô.
      Đại từ nhân xưng “Ich” trong tiếng Đức là có thể dịch sang tiếng Việt là tôi, là tao…, thế nào cũng được, vì tiếng Đức đại từ số ít ngôi thứ nhất này chì có …một chữ duy nhất!!! Cho nên cái chuyện mày-tao là do suy diễn của ông bố không biết dạy con này.
      (Khi học sinh đã đủ 16 tuổi, ở trường học Đức thày cô giáo sẽ báo cho học sinh, sẽ gọi học sinh là ông, bà kèm theo họ (Lý, Lê, Trần, Nguyễn…),mà không gọi tên riêng nữa, rất lịch sự, bình đẳng)

  8. Gà con says:

    Ác quá. Đã sang tây sống trong lòng xã hội văn minh lâu thế rồi mà hành xử ác độc quá. Dân thường tép riu với máu mủ của mình còn nhẫn tâm thế thảo nào đẻ ra toàn lãnh đạo cộng sản ác ôn. Bạn Mất Nước Rồi còm hay tuyệt!

  9. độc giả Đức says:

    Truyện hay, rất thực đúng với cuộc sống của người việt ở đức. Mong đọc tiếp các bài khác của tác giả, chắc ác gỉa phải sống ở đức?

  10. Mất Nước Rồi says:

    Tuyệt. Tha hồ mà tự hào làm người Việt.
    Thằng bố qủa là thằng độc tài hơn cả …thằng độc tài D. condom.
    Sao cả nhà không về VN mà sinh sống nhẩy?
    Truyện này làm người ta liên tưởng đến tin báo chí Đức vừa đăng, bà TT Đức Merkel hỏi TT Dũng, tại sao nước ông chỉ có 1 đảng, sau phút ngượng ngùng, Dũng nói: “có thể đấy là theo truyền thống của dân tộc chúng tôi”.

Leave a Reply to Mất Nước Rồi

Loading...