WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những bản hùng ca

(Bài này không phải là tài liệu phê bình văn nghệ, không phải là điểm phim. Đơn thuần chỉ là tâm tư của một khán giả, yêu thương những bản hùng ca, đem niềm xúc động trải trên trang giấy).

Nhớ lại chuyện xưa (1975)

Những bản hùng ca đã theo chân chúng tôi suốt một đời quân ngũ. Từ Mậu Thân 68 đến mùa Hè 72. Nhưng vào tuần lễ cuối tháng 4-75 không còn nghe thấy nhịp quân hành trên đài Sài Gòn nữa. Giữa mùa hè vùng nhiệt đới, đài Mỹ chợt chơi bài Tuyết trắng. Đó chính là tiếng kèn lui quân của đồng minh. Hoa Kỳ bắt đầu di tản bằng trực thăng. Miền Nam thất thủ. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dựng lều đón tỵ nạn tại Pendleton. Cách 20 dặm về phía bắc là dinh thự của tổng thống Nixon. Bạch dinh Calle Isabella tại thị xã San Clemente từng được mệnh danh là tòa Bạch Cung của miền Tây. Vào năm 75, Isabelle nằm phơi mình buồn bã trên xa lộ số 5, cạnh bờ biển miền duyên hải California. Vào những ngày trời tốt, ông Nixon mới có thể nhìn thấy phi cơ chở tỵ nạn từ Thái Bình Dương bay về Los Angeles. Nhưng đêm nào ông cũng nghe thấy tiếng xe bus của những người đánh mất quê hương chạy trên đường số 5 từ quận Cam về Tent City. Đoàn xe chở dân di tản, theo lệnh ông thống đốc, phải đóng kín cửa và chạy ban đêm qua San Clemente thẳng đường về Pendleton. Cali thời đó là tiểu bang chống chiến tranh, không welcome dân tỵ nạn. Tiếng xe chạy ban đêm đã làm ông Nixon mất ngủ, hay tại vì nước Mỹ quay lưng lại Việt Nam.

Suốt thời gian còn lại của năm 75 đau thương đã có 50 ngàn dân tỵ nạn Đông Nam Á đến tạm trú trong thành phố lều. Trong số đó có một anh sỹ quan chiến tranh chính trị. Anh này tình cờ mang được các bản hùng ca, chính huấn ca và tình ca. Ngày đêm anh sang các bài hát bằng cassette phổ biến cho những người ra trại. Có bạn ngồi chép lại lời ca để kèm theo băng nhạc. Phần lớn khách hàng là cựu chiến binh. Có anh theo bảo trợ họ đạo nhà thờ về Wiscousin, North Carolina, hay Illinois. Các cơ quan thiện nguyện giải đều bà con ta đến 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Tên các địa phương cũng khó đọc mà còn chẳng biết nơi đến là chỗ nào. Có những anh lính gia đình kẹt ở Việt Nam , đang phân vân nửa ở nửa về. Cầm tờ giấy ra trại từ Cali mà không biết Utah là chỗ nào. Lấy một băng nhạc hùng ca bỏ vào máy mới mua trên PX, nước mắt chảy dài, nằm trên ghế bố, dưới lều vải, nghe bài ca vang vang… “Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến”.

Ở lều bên cạnh, 36 năm về trước anh sỹ quan chiến tranh chính trị vẫn tiếp tục sang băng. Bài ca bất hủ “Trên đầu súng quê hương, tổ quốc đã vươn mình”  nghe như tiếng thở than duới bầu trời trại 6.

Rồi 5 năm sau (1980)

Cuối năm 75 người Việt tại Hoa kỳ có được 150.000 nhưng đến cuối năm 1980 thì con số lên gần gấp đôi. Bà con từ các quốc gia Tây Âu kéo về Mỹ đoàn tụ. Thuyền nhân ra đi trong đợt đầu đã bắt đầu vào Mỹ. Sau 5 năm thôn tính miền Nam , giấc mộng vàng của thiên đường cộng sản sụp đổ. Đất nước lầm than và lùi lại hơn 15 năm chậm tiến. Người đi càng ngày càng đông dù năm ăn năm thua. Người về không có là bao. Nam Lộc vào  làm social worker cho cơ quan tỵ nạn. Việt Dzũng viết bài ca gửi quà về quê hương qua tiếng khóc than. Thanh niên Trúc Hồ vượt biên đường bộ. Thầy giáo Trầm tử Thiêng đi đường biển. Người Việt hải ngoại bắt đầu bàn chuyện giải phóng quê hương. Muốn đấu tranh võ trang phải tìm về ba biên giới. Phần còn lại tham dự vào công cuộc đấu tranh chính trị. Có người nói rằng phải chăng bây giờ thành lập được một tổng cục chiến tranh chính trị. Ý kiến này làm tôi nhớ lại các bản hùng ca từ trong trại tỵ nan năm 1975. Chiến đấu bằng văn hóa và chính trị, được lắm, nhưng vũ khí ở đâu ?

Mong sao có được tờ báo phổ biến khắp thế giới. Có được đài phát thanh gửi về cho cả 2 miền Nam Bắc, Việt Nam . Làm sao có TV, có bản nhạc, có movie, có video đưa ngọn lửa đấu tranh, đưa tin tức đến toàn cầu. Và tìm đâu những bản hùng ca.

Con đường chinh phục lòng người, phát huy chính nghĩa mạnh mẽ và trực tiếp nhất là văn nghệ, với lời ca tiếng nhạc. Phải phổ biến rộng rãi, liên tục và bền bỉ. Phải có một thứ gì tương tự như tổng cục chiến tranh chính trị của Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại. Nghe hợp lý đấy, nhưng thực sự chỉ là ước mơ vô vọng vào thời kỳ 80.

Trung Tâm Asia ra đời

Đó là năm 1981 do nhạc sĩ Anh Bằng thành lập. Ông là một nhạc sĩ tình ca rất hiền lành. Anh Bằng đã viết một bài nhạc với lời ca tưởng chừng dành riêng cho anh em chúng tôi khóa Cương quyết Đà Lạt 1954. Lời ca như vận vào đời các tân sinh viên sỹ quan giã từ miền Bắc vào Nam . “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”. Đó là câu thứ nhất của 1954. “Bao nhiêu mộng đẹp tan ra thành khói, bay theo mây chiều”. Đó là câu thứ hai của tháng 4-1975, 21 năm sau.

Vâng, chính cái ông Anh Bằng làm lời ca như thế đã thành lập Trung tâm Asia 1981. Trong suốt 10 năm đầu Asia cũng chỉ là một trung tâm sản xuất băng nhạc như thường lệ. Qua thập niên 90 nhạc sĩ Anh Bằng lui vào hậu trường để cho cô con gái Thy Vân quản trị. Ở quận Cam có đôi bạn tỵ nạn vong niên, một già một trẻ, người đường bộ, người đường biển, gặp nhau qua cà phê thuốc lá bắt đầu hợp tác với Asia. Chàng thanh niên Trương Anh Hùng tức nhạc sĩ Trúc Hồ trong lớp tuổi 20 của trại tỵ nạn Thái Lan bước vào Asia cùng với sự hỗ trợ tinh thần của Trầm Tử Thiêng, người viết Kinh Khổ với ca từ trầm luân của một đời Việt Nam. Người đã cùng soạn với Trúc Hồ bài ca bất hủ Bên em đang có ta.

Tiếp theo giữa thập niên 90 Nam Lộc và Việt Dzũng vào cộng tác với Asia . Từ đó Trung tâm Asia đã tìm thấy đường đi tới và mở ra một chân trời mới. Mười năm đầu chỉ là trung tâm băng nhạc. 20 năm sau trở thành một trung tâm đấu tranh. Lấy công việc thương mại làm nền móng, Asia mở mặt trận phát huy chính nghĩa bằng văn hóa, lời ca tiếng nhạc.  Chỉ với 5 người, một thứ tổng cục chiến tranh chính trị của VNCH hải ngoại đã hình thành.

Trong khoảng thời gian 20 năm từ 1991 đến 2011 Asia đã cho ra đời 80 Video và DVD. Trong đó chen lẫn vào tình ca là những đề tài hết sức tâm lý chiến và chính huấn. Xin nhắc lại một số tiêu biểu: Saigon, Nỗi Nhớ, Lá Thư Từ Chiến Trường, Cánh Hoa Thời Loạn, Xuân Chinh Chiến, Tình Khúc Sau Cuộc Chiến, Hành Trình 30 năm, Người Lính, Hành Trình Tìm Tự Do, Tình Khúc Thời Chinh Chiến, Chiến Tran h và Hòa Bình…

Sau cùng bây giờ là những bản Hùng ca.

Qua 20 năm sản xuất 80 bộ phim, trung bình một năm 4 cuốn Asia đã xây dựng nền móng cho tổ chức, quy tụ một đội ngũ nghệ sĩ xuất sắc và bắt đầu mở rộng qua lãnh vực truyền hình với SBTN có mặt toàn thế giới, kể cả ở VN và 24 giờ một ngày liên tục.

Tổng cục 5 người

Cô Thy Vân giám đốc sản xuất, hậu duệ của bác Anh Bằng là người cầm cân nẩy mực giữa nghệ thuật và thương mại. Nhạc sĩ Trúc Hồ, người viết 100 bản nhạc, nhiệt thành giữa đấu tranh và nghệ thuật, làm giám đốc điều hành. Nghệ sĩ Việt Dzũng vừa là MC bốc lửa, vừa là nhạc sĩ và ca sĩ, với một ý chí đấu tranh quyết liệt. Nam Lộc, người viết kịch bản, và cũng là gạch nối giữa hai thế hệ. Nhịp cầu giữa bên trong và bên ngoài, đồng thời là niên trưởng trung niên của trung tâm. Đó là 4 thành viên cột trụ của Asia. Sau cùng linh hồn của Asia là bàn thờ ông thầy dạy triết Trầm Tử Thiêng đặt trong trung tâm cùng với một chương mục dành tài khoản tựa đề “Bên Em Đang Có Ta”. Khi Asia dùng những bản nhạc của ông thì trích ra một khoản tác quyền bỏ vào đây. Dùng tiền này đây để dành cho việc xã hội.Với ý nghĩa này, Trầm Tử Thiêng luôn luôn là cây cột trụ thứ 5 của Asia. Bên các em “luôn luôn có ta”. Với tinh thần đó và từ ý nghĩa đó, Asia phát hành DVD lần thứ 80 với các bản hùng ca.

Hùng Ca Sử Việt

Một ban nhạc đại hòa tấu Hoa Kỳ. Ban hợp xướng Ngàn Khơi, Việt Nam. 20 ca sĩ Asia, 4 Mcs. Đó là tập hợp trình diễn 20 bản hùng ca của một thời Việt Nam Cộng Hòa và một số sáng tác tại hải ngoại. Quay ngay tại phim trường của Asia và SBTN.

Sau cùng DVD đã phát hành, một bản dành cho Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose. DVD này cùng với bích chương của nó, với Flyer lời ca của 20 bài nhạc sẽ được đặt cạnh những băng nhạc cassete phát hành năm 1975 tại trại 6 Camp Pendleton.

Đó là lịch sử con đường của những bản hùng ca VNCH. Khởi đi từ những thập niên 50, lưu lạc qua trại tỵ nạn, đi khắp thế giới. Nhưng rồi những lời ca tiếng mất tiếng còn. Ngày nay được ghi lại trọn vẹn với âm thanh hùng tráng, kèn trống tưng bừng. Cả một ban hợp xướng Ngàn Khơi nhiệt thành và điêu luyện, các ca sĩ trẻ trung và nổi tiếng của làng nghệ thuật Việt Nam hải ngoại. Hình ảnh của các nghệ sĩ nghiêm túc cất tiếng mạnh mẽ. Những ánh mắt vui tươi nhưng không một giây phút cười đùa làm hỏng ý nghĩa của hùng ca.

Để thực hiện một chương trình như vậy, Asia phải dựa vào uy tín của 30 năm thành lập và 20 năm tên tuổi với 80 tác phẩm đã phát hành. Một trong các ưu điểm là với thành quả của nhiều năm hoạt động mới có thể được sự cộng tác của các danh ca nam nữ lên sân khấu hát hùng ca, ngàn cánh tay giơ lên và kêu gọi công dân đáp lời sông núi.

Thêm vào đó phải có đủ nhiệt tâm với lý tưởng đấu tranh mới vượt qua yếu tố thương mại để phát hành hùng ca trên một thị trường bao năm chỉ quen nghe tình ca đi đôi với từng ca sĩ tên tuổi.

Hùng Ca Sử Việt là một thử thách của Asia, đồng thời cũng là một thử thách của lòng người Việt hải ngoại còn nghĩ đến chuyện non sông. Dù là trung tâm thương mại, nhưng đôi khi lợi nhuận không phải nhiên liệu cho lý tưởng.

Với Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang gợi nhớ cho người Việt cái họa Bắc Phương trong quá khứ lịch sử và ngay cả trong thế kỷ 21 hiện tại.

Bản Con Rồng Cháu Tiên, Một Ngày Việt Nam, Việt Nam Việt Nam nhắc nhở nguồn gốc của tiền nhân trong niềm hãnh diện dân tộc.

Trên Đầu Sóng, Đáp Lời Sông Núi, Chiến Sĩ Vô Danh, Anh Về Thủ Đô, Gót Chinh Nhân, Xuất Quân… ghi dấu một thời chinh chiến với biết bao hy sinh của quân dân miền Nam trong thế kỷ 20.

Hòn Vọng Phu là bài ca lịch sử nhắc đến sự hy sinh của chiến binh ngàn năm trước.

Với Bài Ca Tuổi Trẻ, Hận Vong Quốc, Thiên Thần Trong Bóng Tối là những hùng ca của thế hệ hiện nay.

Phải nói đến tác phẩm Cám ơn anh cùng với sự đóng góp hết sức hữu hiệu của Asia trong các chương trình cứu trợ Thương Phế Binh tại Việt Nam nhiều năm qua.

Những hình ảnh sau cùng của DVD Hùng ca ghi dấu cuộc đấu tranh ngay tại Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước của người dân Việt chống sự gây hấn của Bắc Phương.

Bài ca mở đầu của DVD đã được Nam Lộc nhắc đến hoàn cảnh ngày xưa của triều đình nhà Trần trước nguy cơ giặc xâm lược phương Bắc nên đã tổ chức Hội Nghị Diên Hồng để trưng cầu dân ý.

Phải nói một cách đơn giản là hoàn cảnh Việt Nam hiện nay rõ ràng là lúc cần có một Hội Nghị Diên Hồng và Hùng Ca Sử Việt chính là thông điệp số 1 của Asia nhắn gửi về quê hương.

Bài ca kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam đừng sợ hãi đã được soạn ra không phải là lời kêu gọi từ hải ngoại. Hải ngoại làm sao có tư thế kêu gọi trong nước đừng sợ hãi. Đừng sợ hãi chính là lời kêu gọi của các nhà đấu tranh trong nước nhắn nhủ với chính thế hệ tuổi trẻ ngay tại Việt Nam.

Ý nghĩa của lời kêu gọi hào hùng này phát xuất từ quê hương đang bị cai trị bởi độc tài độc đảng mới đòi hỏi tuổi trẻ đừng sợ hãi. Tôi hiểu rằng Asia hải ngoại chỉ làm công việc chuyển tải lời kêu gọi từ quê hương để gửi trở lại cho chính tuổi trẻ tại quê hương Việt Nam.

Dùng bài quốc ca VNCH để kết thúc là một sáng kiến can đảm đáp ứng được nhu cầu mở và đóng của nghệ thuật trình diễn.

Qua những thành quả công tác như chiến dịch Cám Ơn Anh và Hùng Ca Sử Việt, vỏn vẹn có 4 nhân vật điều hợp và 1 niên trưởng đã ra đi, với sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ, và hàng ngàn khán giả bốn phương Asia chính là một tổng cục chiến tranh chính trị VNCH hải ngoại mà chúng ta trông đợi. Xin gửi tặng các bạn huy chương dân sự vụ bội tinh dành cho 30 năm hoạt động. Xã hội bội tinh hạng nhất cho chương trình Cám Ơn Anh và sau cùng một đệ nhất tâm lý chiến bội tinh dành cho Hùng Ca Sử Việt. Xin nói lại cho rõ, chỉ gửi tặng thôi. Ngày nay còn đâu các giới chức thẩm quyền để gắn huy chương trên quân kỳ của đơn vị.

Cảm ơn bác Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng và các bạn trẻ. Thy Vân, Trúc Hồ , Nam Lộc, Việt Dzũng, các bạn đã làm đẹp trang sử tỵ nạn, đem di sản trân quí của trăm năm trước để lại ngàn năm sau. Đem quá khứ huy hoàng, gửi tương lai vĩnh cửu.

Tác phẩm của các bạn bây giờ lại trở thành một bản Hùng Ca.

© Giao Chỉ

© Đàn Chim Việt

 

6 Phản hồi cho “Những bản hùng ca”

  1. Ái Quyên says:

    Bác Giao Chị có công hay lắm, ba Quyên biểu thế,
    Ba Quyên cũng khóa Cương Quyết cùng bác
    Lộc, nhưng sao lại là Cương Quyết Thủ Đức,
    chứ không phải là Đà Lạt?

    Ba Quyên là sĩ quan Trung Tâm Hành quân/ TTM,
    nói bác Lộc , là trung tá,đi theo Tướng Quang
    từ ngày 23/4/75. Mừng cho bác Lộc Giao chỉ.

  2. Bich Phuong says:

    Du+’ng o+? bat ky vi tri, lanh vuc, & cuong vi na`o trong xa hoi, chu’ng ta cu~ng co’ the^? do’ng go’p cho tie^’n tri`nh da^n chu? ho’a Viet Nam. Lich su se~ ghi o+n ca’c ba.n trong do’ co’ Asia.

  3. ND-Saigon says:

    Vì ở trong nước, từ lâu tôi rất ngưỡng mộ Asia qua các cuốn DVD mà tác giả đã đề cập và khi hay tin là Asia đã phát hành HCSV, tôi lao vào mạng internet tìm ngay “bản lậu”. Xin lỗi Asia nhé vì có vài lần tôi mua ngoài tiệm (cũng lậu tuốt) vài cuốn DVD bị cắt rất nhiều. Thật tình, không thể diễn tả hết tâm trạng riêng mình khi nghe 20 bài hùng ca. Asia đã làm nên điều tuyệt vời!. Sinh ra khi đất nước vừa rơi vào tay cncs, đây là lần đầu tiên tôi được hoà quyện tâm trí của mình vào các bài hát để đời!

  4. NVYN says:

    Xin cám ơn Trung Tâm Asia đã có sáng kiến này. Tất cả những bài hát trong DVD Hùng Ca Sử Việt đem lại một nỗi buồn mất nước khó quên. Sau hơn 36 năm, tôi mới có cơ hội nghe lại những giòng nhạc oai hùng, tràn đầy kỷ niệm ngày xưa. Buồn cho đất nước vẫn còn đang điêu đứng dưới sự cai trị của bọn quỷ đỏ. Dân tộc Việt vẫn còn lầm than dù cuộc chiến đã chấm dứt.

  5. Thuy Duong says:

    Hung Ca Su Viet qua’ tuye^.t! To^i mong muon chuong trinh na`y duoc thuc hien ba(`ng live show va`o dip to+’i. Chuc Asia tha`nh co^ng.

  6. Chiến Nguyễn says:

    Ngoài ASIA nếu các trung tâm băng nhạc còn lại thỉnh thoảng cũng có những chương trình tương tự như những chương trình đặc biệt mà ASIA đã thực hiện thì nghị quyết 36, 37 gì của của ác đảng VN cũng sẽ vất vào sọt rác. Ủng hộ trung tâm băng nhạc ASIA là nuôi dưỡng chính nghĩa tỵ nạn của chính mình. Trân trọng ghi ơn những những đóng góp của gia đình Asia .
    CN

Leave a Reply to NVYN