Đà Lạt hè… Đà Lạt nhớ
1. Những cánh diều, những chùm bong bóng nhiều màu sắc bay trên bầu trời chiều Hè công viên Yersin. Phía trước là Hồ xuân Hương, bên kia hồ là Đồi Cù, tít xa là đỉnh Núi Bà – Langbian mờ sương… Công viên chiều không yên tĩnh! Những em thiếu nhi tuổi hồn nhiên nhảy nhót, nô đùa theo với những cánh diều còn những bậc phụ huynh ngồi nghỉ ngơi, chuyện ngẫu, nhìn đất, trời Đà Lạt. Tiếng còi xe ồn ào, inh ỏi của thành phố đang chảy theo dòng…
Dãy núi Langbiang với đỉnh núi cao 2.064 mét. Nguồn: kientrucvietnam.org.vn
Hè – Đà Lạt không có phượng vỹ, không có tiếng ve. Hè Đà Lạt buổi chiều trời hay mưa. Mưa cả thành phố. Mưa lai rai, rả rích. Mưa ồn ào rồi chợt nắng. Mưa Đà Lạt luôn chia sẻ với các vùng miền cả nước khi có bão giông … Đà Lạt cũng lại lắm ông trời. Chổ này mưa, nơi kia nắng nên ta hay thấy có những người mặc áo mưa “lỡ đà” chạy xe dưới trời oi nắng như kẻ… hâm…
Hè! Học sinh nghỉ hè nhưng nào đâu được nghỉ! Nghỉ học ở trường nhưng phải lo học thêm ở nhà. Học để thi hết cấp, thi vào trường điểm, trường chuyên; thi tú tài, rồi cứ marathon chạy thi vào đại học… Cũng có nhiều học sinh nghỉ hè lại đi phụ việc, làm thêm; bán vé số, đánh giày, nhặt rác…. cả… quét mộ ở nghĩa trang (!)… ”Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”(!), làm bất cứ việc gì miễn …có tiền trang trải thêm cho cuộc sống…nghèo! Làm đời học sinh thật là khổ!… Con nhà giàu khổ theo kiểu giàu, nghèo khổ theo kiểu nghèo cũng vì ráng kiếm cái mảnh bằng để bon chen đi vào đời trong thời “đổi mới”, “hội nhập”. “Học, học nữa, học mãi”(!) vậy mà khi tốt nghiệp Đại học, ra trường đi tìm việc làm cũng đâu có dễ. Được đi làm thì nơi sử dụng lao động phải …đào tạo lại còn vào cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì phải có dây mơ, rễ má… Hè đi du lịch đối với người nghèo là chuyện… xa xỉ… và nếu có thời gian mà đến công viên thả diều… đâu phải ai cũng có thể… Con em lao động nếu tình cờ chỉ có thể nhìn và …mơ ước.
2. Alexandre Yersin (1863 -1943 ) – Bác sỹ, nhà vi khuẩn học người Pháp “tìm ra” Đà Lạt, người Đà Lạt nhớ ơn như là một “ân nhân” nhưng… có lúc cũng rất là …bội nghĩa. Trước năm 1975, đường mang tên Yersin là con phố dài nằm rẽ trái trên ngã ba con đường đèo Prenn – Nguyễn Tri Phương vào
Thành phố Đà Lạt chạy dài, rẻ trái nối với đường Pasteur (Lê Hồng Phong hiện nay) đến Viện Pasteur nếu chạy thẳng sẽ vòng đến Thác Cam Ly. Do cái Tên gắn với tên “Đế quốc xâm lược” nên sau tháng 4/1975 những đường phố nào tên Tây như Pasteur, Calmet, hoặc đã được Việt hóa như Bá Đa Lộc… đều bị “xóa sổ”. (mà tên của những vị Vua yêu nước triều nhà Nguyễn như Hàm Nghi, Duy Tân… còn bị “xóa sổ”, huống gì!). Con đường Yersin bị chính quyền mới “trân trọng” đổi tên thành Trần Phú – tên người Tổng bí thứ đầu tiên của Đảng CSVN với câu nói cách mạng nổi tiếng “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”! Cũng may, nhân Đà Lạt kỷ niệm 100 năm hình thành – phát triển (1883-1993), chẳng lẽ vô ơn với người cắm dấu mốc cho sự hình thành của Đà Lạt nên “Yersin” mới được “phục hồi nhân phẩm”. Tên đường Yersin (mới) được đặt tên cho con đường từ ngã tư (trước Thủy Tạ) chạy dọc theo sân vận động – Hồ xuân Hương kéo dài (đường Thống nhất) đến trường Yersin ngày xưa, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện nay. Công viên Yersin cũng được “hình thành” sau đó; tượng bán thân của Yersin cũng được trang trọng “ẩn” ở công viên. Đường Yersin bây giờ cũng tấp nập xe cộ như … Yersin xưa. Trên con đường “đời tấp nập”, Hè, ngang qua Công viên, nhiều người đi xe máy trên đường nhìn thấy những cánh diều bay, thấy trẻ em, người lớn đông vui như hội cũng dừng xe lại đứng nhìn… Có lẽ, ai đó như chợt nhớ lại tuổi thơ của mình, chợt nhớ “một nét văn hóa” của Đà Lạt mộng mơ… xưa và… chắc cũng mơ theo những nụ cười hồn nhiên trên gương mặt tuổi thơ dõi theo cánh diều bay trên bầu trời xanh, phản chiếu lấp lánh trên mặt nước Hồ Xuân Hương… xanh. Buổi chiều Đà Lạt trên công viên mang tên người tìm ra Đà Lạt đầu tiên(!) êm ả, thanh bình cùng với tiếng động cơ, còi xe hầu như không ngớt…
Công viên Yersin thoai thoải rộng khoảng 11 ha gồm 6 khu vực chính: khu trung hoa viên, vườn ươm, nhà triển lãm, trung tâm thương mại quốc tế, khu vực trồng cây xanh và hồ lắng… nay mới hình thành 2, 3 khu vực. Công viên nằm cạnh sân vận động Đà Lạt …ngày xưa(!), nay có tên mới là Quảng trường Đà Lạt với nền sân cỏ tàn úa, ngả màu loang lỗ chưa được đầu tư nhưng cũng phải làm theo chức năng mới và xưa vốn có của nó ….(!) Quảng trường đang chờ thiết kế xây dựng mới. Sân vận động Đà Lạt chờ để biến thành Quảng trường cho tương lai! Sân bóng đá Đà Lạt đã không còn. Đội tuyển bóng đá Đà Lạt muốn tập luyện cũng phải thuê lại sân bóng của mình!.
Trước năm 1975, ngoài sân vận động trung tâm, mỗi trường trung học trên TP (chỉ trừ vài, ba trường) đều có sân bóng đá và tùy theo trường mà có cơ sở vật chất cho công tác giáo dục, tập luyện thể dục, thể thao. Đầy đủ, chuẩn và quy mô nhất là các trường Tây. Nay, còn sót lại một sân vận động – chưa bị xẻ đất, chia lô là sân bóng đá trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – Grand Lycée Yersin cũ với cái tháp cao nhưng đỉnh có cột thu lôi đã bị gãy nhìn chơ vơ như chú gà trống sứt mào. Tất cả những sân bóng của Đà Lạt và trong các trường học trước đây hầu như đã …biến mất. Dự án Sân vận động Đà Lạt – Khu liên hợp thể thao – Nghĩa trang số 4… cũ đang còn nằm trong… bản vẽ.
3. Đà Lạt – Công viên phát triển cũng nhờ từ ngày có “Bí thư công viên” lãnh đạo muốn phát triển mạnh du lịch… Hoa, Festival Hoa… Công viên hoa Đà Lạt, công viên lớn nhất của thành phố nằm quanh trên bờ phía Bắc của hồ Xuân Hương, cạnh thung lũng Đồi Cù, chếch bên phải phía trước ven hồ trước đây là Vườn Bích Câu. Hiện nay diện tích của công viên hoa được mở rộng tới 7000 m², với cách bố trí thoáng đãng, hoa sắc bốn mùa. Sát cạnh Công viên kèm thêm một khoảng đồi nhỏ được rào chắn, có một ít tượng đài, “ghế đá công viên” chắc làm để cho người Đà Lạt…”kỷ niệm”, vơi nhớ Đồi Cù xưa… Quanh Hồ Xuân Hương nay có nhiều công viên nhỏ với những ghế đá nằm rải rác. Khu Công viên Ánh Sáng đã qua thời gian nan giải tỏa, đền bù… đang hình thành nằm dưới con đập Hồ Xuân Hương – Cầu Ông Đạo. Con Suối Cam Ly đang được sửa sang, tô vẻ đẹp… như một con Kênh với dòng nước đục màu. Những công viên nhỏ với những cây xanh, cây cảnh, cụm hoa dành cho những cặp tình nhân và những ai thích ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh đất trời, ngẫm cái sự đời, con người, phố thị…Trẻ em “như búp trên cành”…chẳng có chỗ chơi đang “hội nhập” với thế giới… ảo trong những quán “nét” có mặt hầu khắp mọi con đường thành phố. Những nơi sinh hoạt, vui chơi của trẻ em như Nhà thiếu nhi tỉnh, hiện nay, hoạt động chủ yếu là những sinh hoạt, học tập của các đội, lớp năng khiếu, có một Hội trường 500 chổ, một hội trường (thay Rạp hát) duy nhất còn lại của Đà Lạt có thể biểu diễn được văn nghệ. Hàng năm đã có nhiều đơn vị thuê để tổ chức những Hội nghị, những cuộc biểu diễn Văn nghệ, Liên hoan, Hội diễn cho các Bác, các Chú …đến sinh hoạt. Rạp Hòa Bình (nay là rạp ¾ ) ở trung tâm thành phố đã không đầu tư, nâng cấp từ lâu đang chờ… dự án mới.
Cổng công viên hoa Đà Lạt. Nguồn: kientrucvietnam.org.vn
Khu “Đà lạt vui chơi, giải trí” dành cho thiếu nhi, khuôn viên hẹp, trước đây là Biệt thự tư nhân rộng non ngàn m2, nằm cạnh Tòa giám mục Đà Lạt với những trò chơi có từ khi thành lập hơn 10 năm nay, ngày càng cũ kỹ, không sửa chữa, đầu tư, chẵng có thêm gì mới so từ ngày đầu. Một vài khu du lịch có thêm một số hoạt động vui chơi giải trí cho khách du lịch có “kèm” thêm cho…trẻ em. Đà Lạt hình như là thành phố của người lớn. Thiếu nhi dường như là con em của mỗi gia đình chứ không phải của xã hội, đất nước…!.
Sau ngày người Đà Lạt “mất” công viên của mình, những khu đất trống khách sạn, nhà hàng, cơ quan, chung cư …mỗi ngày cứ mọc lên. Mỗi khi Hè về, những ngày cuối tuần, Lễ, Tết phụ huynh tìm chỗ cho con em mình chơi cũng rất là vất vả. Thiếu nhi nếu thích có thể tự do chơi đá banh, patin, đá cầu …ở đường “phố câm xe” vào các đêm thứ bảy, chủ nhật; hoặc ngoan ngoãn thì theo phụ huynh đến chơi ở khoảng đường, lúc ấy còn ít xe, cạnh Nhà Hướng Đạo xưa hoặc Công viên Yersin ngày nay nhưng cũng rất nguy hiểm vì đó là những trục lộ giao thông chính của thành phố lại nằm sát ven Hồ. Công viên Yersin không lớn nhưng dù sao cũng có khoảng trống, có mặt nước Xuân Hương như mở rộng thêm không gian nhưng cũng rất là nguy hiểm khi nó thành nơi vui chơi, giải trí của thiếu nhi … Các em dường như cũng đã tự biết nên đã tự kìm mình lại, không tự do nô đùa, chạy nhảy thả hồn theo cánh diều bay. Có lẽ, các em phải rút ngắn tuổi thơ thôi, phảI vươn đôi vai bé bỏng của mình lên sao cho nhanh lớn để nhanh làm người lớn để có thể sống “hội nhập” trọn vẹn vào cuộc sống thành phố … tình yêu(!).
Ước mơ của tuổi thơ đã có… lãnh đạo tỉnh, thành phố… mơ ước giúp rồI!
Đà Lạt Hè về trời cứ đổ mưa…