‘Anh chỉ yêu một mình em thôi’
“Anh ấy chẳng bao giờ nói chữ yêu với em cả,” cô Ly vừa cười vừa kể chuyện. “Ngay cả khi tính chuyện lấy nhau, nhà em chỉ nói cả hai đứa mình đều không có ai bên này, bây giờ nương tựa bên nhau em nhé. Nhất định không nói câu anh yêu em”.
Câu chuyện tôi sắp kể với các bạn là câu chuyện có thể bắt đầu như thế này: ngày xưa có hai người yêu nhau, ngay ngày đầu gặp nhau đã biết bằng mọi giá phải có nhau. Từ Việt Nam họ đi sang Tiệp, từ Tiệp băng rừng qua Ba Lan mong ông tơ bà nguyệt dẫn đường để họ tìm đến nhau, cuối cùng họ gặp nhau và “chỉ nhìn nhau không thôi” đã đủ biết sẽ sống với nhau bằng tình nghĩa vợ chồng.
“Anh cứ nói quá”, cậu Dương nhỏ nhẹ bảo. “Chuyện của chúng em đâu có ly kỳ cổ tích như thế”. “Sự thật chỉ đúng có năm hay mười phần trăm là cùng thôi”. Đúng ở chỗ “hai đứa chúng em từ Việt Nam sang Tiệp, sau đó từ Tiệp băng rừng trốn sang Ba Lan, chẳng biết nhau trước nhưng tình cờ gặp nhau rồi yêu nhau thế thôi”.
Dương ở Nghệ Tĩnh, Ly lớn lên ở Hải Phòng. Cũng giống như những thanh niên khác, họ quyết định rời Việt Nam để đi nước ngoài kiếm sống. “Thú thật với anh lúc đó chỉ cò một con đường duy nhất là sang Tiệp chứ không có con đường nào khác cả”. Gia đình của Dương và Ly “chấp nhận bỏ cả một núi của” để dịch vụ đưa đi, “sang bên đó rồi tính sau” chấp nhận nổi trôi của cuộc đời.
“Em sang Tiệp năm 1999, làm đủ thứ nghề anh ạ”, anh Dương kể tiếp. “Tựu chung là rất cực khổ mà cứ từ thất bại này đi đến thất bại quá, nói cho cùng là phá sản”. Chữ “phá sản” ở đây có nghĩa là tiền bỏ ra để dịch vụ đưa sang Tiệp kiếm ăn “mà kiếm miếng ăn cũng không xong”. Cuối cùng, “em bán xới đất Tiệp, bỏ gần ngàn đô cho bọn Tây nó đưa sang Ba Lan, mong lập cuộc đời mới, biết đâu thời vận khá hơn, nhưng cũng chẳng biết thời vận sẽ đưa đẩy mình đi tới đâu”.
“Em cũng đi đường giống như Dương nhà em”, cô Ly vừa đứng pha cho tôi ly cà phê vừa góp chuyện với chồng. “Em cũng sang Tiệp cách đây chỉ mới 5 năm nhưng mục đích ngay từ đầu là phải đi Ba Lan”, cũng bỏ ra cả ngàn đô để sang vùng đất mới. Đoạn đường đôi bạn trẻ này đi cũng chẳng phải là dễ: không một tí giấy tờ trong túi, họ được môi giới chở đến biến giới “sau đó phải băng rừng” từ Tiệp sang Ba Lan, “nói chung là cứ đi đã, tới đâu thì đến”, anh Dương đỡ lời vợ, vừa nói vừa ngước mắt nhìn cô vợ trẻ.
Dương đến Ba Lan lúc 3 giờ sáng, “bọn Tây chúng nó đưa em đến ngay trung tâm thương mãi Việt Nam, bỏ đấy sống chết mặc mày”. Tiếng không biết một chữ, người cũng chẳng quen ai, một mình đến xứ người với bộ quần áo mặc trên người “chẳng biết tương lai sẽ như thế nào”. Đợi vài giờ đồng hồ khi các cửa hàng của người đồng hương mở cửa, “em cứ bước vào trình bày cho họ biết hoàn cảnh của mình, xin việc làm”. Làm gì? “Làm gì cũng làm, anh ạ, đâu có dám đặt điều kiện đòi hỏi gì. Họ gật đầu cho mình làm là mừng lắm rồi, xem như sống đi chết lại chứ anh”. Nghề nghiệp đầu tiên của 2 người bạn trẻ tôi vừa quen: anh khuân vác, giao hàng, chị làm bồi bàn cho một cửa hàng ăn.
“Chúng em quen nhau trong khung cảnh thật mùi, nhưng không phải là mùi mẫn tình yêu đâu anh nhé”, cô Ly tủm tỉm cười kể lại ngày đầu gặp gỡ. “Hôm ấy em vừa ở trong bếp ra thì Dương nhà em bước vào gọi món ăn. Ở dưới bếp cả ngày nên quần áo em toàn mùi thức ăn, tóc tai cũng bù xù trông dị hợm lắm”. Nghe vợ kể đến đấy, anh Dương khẽ bảo: “em à, sao em cứ nói thế. Hôm đó anh đói bụng quá, mắt hoa cả lên, vào quán vừa thấy em anh tỉnh người ngay”. Anh nhìn tôi, bảo tiếp “em nói thật với bác, trông thấy Ly là em tỉnh cả người thật đấy, trong đầu ghi lại hình ảnh của cô ấy ngay. Đến giờ em vẫn chưa thể quên được hình ảnh tuyệt diệu ấy. Lạ lắm bác ạ, không thể nào quên được”.
Và như thế, họ yêu nhau.
“Nói chung là kinh tế khó khăn lắm anh ạ”, anh Dương trả lời khi tôi hỏi lúc lập gia đình có biết sẽ phải đối phó với hoàn cảnh khó như bây giờ không. “Chúng em bắt đầu sự nghiệp bằng con số không to tướng, nhưng cũng chẳng sao. Giời sinh voi, sinh cỏ, hai đứa em bảo với nhau từ trước ngày cưới”. Vẫn với giọng thật tự tin, anh ví von “bên Tiệp người mình gọi là xù, bên này người mình gọi là cộng. Chúng em xù đất Tiệp, hai cộng gặp nhau ở xứ này, chúng em tin cộng với cộng gộp lại thì chắc chắn bao giờ cũng phải hơn”.
“Mấy năm trước làm ăn dễ hơn bây giờ nhiều lắm, chẳng riêng gì chúng em mà cộng đồng người Việt ở Ba Lan sờ đâu cũng ra tiền”, cô Ly vừa nhìn chồng vừa bảo với tôi. “Chừng hai ba năm trở lại đây mỗi ngày một khó hơn trước, khó người khó ta anh ạ. Em cứ bảo với Dương là chẳng có gì phải lo, người ta một mình còn lập được nghiệp, chẳng lẽ mình có đôi có cặp mà không làm được hay sao? Chúng em bây giờ cứ túc tắc sống qua ngày, biết đâu chừng lần sau gặp lại anh chuyện sẽ khá hơn”. Nghe vợ bảo thế, anh Dương gật đầu, tiếp lời: “nhà em nói đúng anh ạ”, nói xong anh đưa mắt nhìn vợ, vang tiếng cười thật to và thật sung sướng bảo thêm “nhà em nói gì cũng đúng cả anh ạ”.
“Nhưng anh vẫn chưa nói yêu em”, trước mặt khách, cô Ly mặt đỏ bừng nói với chồng. “Từ ngày biết nhau đến giờ anh vẫn chưa nói yêu em”. Đây là lần thứ nhì trong câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ tôi thấy cô Ly nhắc đến chuyện “Dương nhà em” không nói lời tình yêu. Tại sao cậu lạ thế, tôi hỏi. “Em có nói chứ anh”. “Anh nói lúc nào sao em không nghe thấy?”, cô Ly hỏi vặn chồng. “Anh nói mỗi buổi tối trước khi ngủ và mỗi buổi sáng khi thức giấc”. “Anh nói gì, kể cho em nghe với được không.” Cô vợ nhất định bắt chồng phải khai báo. “Anh bảo thầm với mình là anh chỉ yêu mỗi mình em thôi”.
Nói xong anh Dương nhìn tôi bảo thêm: “nhà em bây giờ có giấy tờ cư trú rồi, còn em thì cũng sắp xong anh ạ”. Sao cậu không kiếm một cô Ba Lan để làm giấy tờ cho chắc? Tôi thấy các cô Ba Lan xinh lắm mà. “Em chẳng khi nào nghĩ đến chuyện đấy. Có lần em bảo với nhà em là ‘khoai tây’ xinh đẹp đến đâu anh cũng chẳng thèm, chỉ yêu ‘củ khoai lang’ này thôi”. Vừa nói, Dương vừa ngước mắt nhìn vợ, miệng nói “củ khoai lang của em dù có là củ ‘khoai lang hà’ thì em vẫn yêu, mãi mãi vẫn là của em”. Nói đến đây, anh còn đùa: “ông bà mình dậy con cháu là ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục vẫn là…ao ta. Em áp dụng đúng câu này, không thể sai vào đâu được”.
Và mỗi tối trước khi đi ngủ cũng như mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, anh bạn trẻ tôi mới quen sẽ nhìn vợ, bảo thầm “anh chỉ yêu một mình em thôi”.
Viết từ Warsaw
Hổng biết tại sao dân miền Nam trốn ra nước ngoài nhiều đến thế thật à! Tui kể cho nghe:
Đó là hồi năm 1975, Việt cộng tràn vô miền nam. Gia đình tui thành gia đình ngụy vì có ông anh đi lính. May là ông chỉ là thằng binh nhứt Sư đoàn 18, nên chưa bị liệt vô thành phần ác ôn. Còn tui bị bắt bỏ tù ngay ngày 1.5.1975 vì tội gì không biết. Mỗi ngày hai lần, có một ông cán bộ đi vô trại giam đưa tui tờ giấy, biểu thành thật khai báo tội ác. Tui không biết khai cái gì, đành lếu láo rằng không nghe lời cha mẹ, trốn học vài lần. Nó bảo đó không phải tội, mà phải cái gì đó thật là khủng khiếp. Tui ấm ớ cố nhớ lại xem mình có giết ai chưa, hoặc là trộm cắp , phá hoại cái gì đó để khai.
Nhốt tui được mấy ngày, mấy thằng cán bộ nhìn tui thao láo, sao không thấy nó lên cơn. Tui hết hồn, trả lời: Tui đâu có điên. Nó nói, không, cơn nghiện xì ke. À thì ra, có ai tố cáo tui là dân hút, chích. Ngày hôm sau nó thả tui ra, không một tờ giấy. Thấy mặt tui mẹ tui mừng quá, làm bữa tiệc nhỏ cho tui ăn sau mấy ngày ốm đói. Trong khi chờ ăn, tui buồn xách chiếc xe honda dame đi một vòng. Bỗng “r.e.é.ét”, tui dừng xe lại và bị bắt về tội chạy xe không treo cờ nheo giải phóng… Nói chung, năm đó là người miền Nam thì có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bất kể có tội, hay không có tội.
Thế là vài năm sau đó, tui bị bắt đâm ghiền. Bởi vì, hồi đó phong trào hippi ở Sài Gòn vẫn còn, thanh niên để tóc dài, quần loe, áo vạt bầu… là mốt thời thượng. Nhưng mấy ổng Việt Cộng thì cho đó là “ảnh hưởng văn hóa đồi trụy, phản động của đế quốc”. Một lần, du kích đón đường tui lại, thấy mái tóc thằng nào dài thấy ghét là nó hốt vô, lấy tông đơ đẩy một đường từ đỉnh đầu ra tới sau ót. Lần đó, tui buộc thành nhà sư mấy tháng.
Mấy năm đó, đói gạo, bà con ở dưới quê gửi lên vài kg gạo. Dù mấy lon gạo nhét trong háng, nó vẫn lôi ra tịch thu.
Chưa hết, rồi bọn nó đày bọn tui lên rừng gọi là đi kinh tế mới. Sốt rét rừng: không thuốc uống; vào rừng đào củ mài, mìn nổ từ chết cho tới bị thương. Nhiều người trốn khỏi vùng kinh tế mới, mò về nhà thì con mẹ nó! Nhà bị bọn cán bộ nó cướp rồi. Vậy là đành phải lang thang vỉa hè, sống vất vưởng với mấy công việc lặt vặt, hoặc là đu xe lửa lên Trảng Bom chặt củi về bán.
Chuyện vậy đó, sống trong một đất nước “rừng vàng biển bạc” mà không chốn nương thân thì bỏ đi quách cho rồi. Mà chuyện này đâu chỉ xảy ra một mình cá nhơn tui. Hồi đó, nếu lực lượng lính ngụy có hơn 1 triệu người thì có nghĩa là có khoảng 1 triệu hộ ngụy “ăn theo” ở cái miền Nam xấu số.
Bởi vậy theo bạn, đi hay ở, tùy. Nhưng có người nói rằng “cây cột điện nếu có chưn, nó cũng tìm cách vượt biên”. Nói ngay, nhờ có ông Võ Văn Kiệt lên, mấy cái từ ngụy tạc gác qua một bên. Nếu không thì tui thành “Việt kiều yêu nước, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc rồi”.
Có “chiến hữu” nào cùng thời với tui hông, góp chuyện thời bao cấp cho con cháu nó nghe với. Nếu không, tui đây e rằng cái thế hệ 5x của mình lần hồi theo ông bà ông vãi. Rồi báo chí, văn nghệ văn gừng bị bịt mồm. Cái lịch sử đầy “uất hận” của một nửa dân tộc có khi bị chìm vào quên lãng.
Ở trong miền Nam trước 75, có nghèo có cực khổ gì người dân cũng chỉ muốn sống ở quê hương, không ai thích sống nổi trôi, làm cu li lạc loài nơi xứ người.
Nhưng sau 75 thì mọi người ai ai cũng tuốt chạy ra nước ngoài, dù có phải làm những việc quá tệ hại, sống đời cầu thực tha hương người ta cũng ùn ùn túa đi. Tại sao?
Tay này viết truyện yêu nhau của đời thường dí dỏm ra phết bà con ạ. Không màu mè văn hoa trong chữ nghĩa, nhưng chân quê rất mực lại hoá hay như hai nhân vật chính trong truyện ký này.
Dứt khoát không chịu “ngôn” chữ Yêu rõ ràng như các “thường nhân”, Dương, nhân vật nam chính, lại rất “tròn trịa” khi củ mỉ cù mì tâm tình:
“Có lần em bảo với nhà em là ‘khoai tây’ xinh đẹp đến đâu anh cũng chẳng thèm, chỉ yêu ‘củ khoai lang’ này thôi.
(…) Củ khoai lang của em dù có là củ ‘khoai lang hà’ thì em vẫn yêu, mãi mãi vẫn là của em”.
Cũng như lời thành thật khai báo này của Dương còn hơn chán vạn câu chữ Yêu đầu môi chót lưỡi:
“em nói thật với bác, trông thấy Ly là em tỉnh cả người thật đấy, trong đầu ghi lại hình ảnh của cô ấy ngay. Đến giờ em vẫn chưa thể quên được hình ảnh tuyệt diệu ấy. Lạ lắm bác ạ, không thể nào quên được”.
Viết thế này hơi bị siêu đấy nhé. Chúc mừng, chúc mừng, chúc mừng.
Cũng hy vọng qua đây đánh tan ít nhiều tin đồn lan rộng rằng, “xù” với “cộng” đi Tây chỉ có mỗi nghề trồng cỏ thôi ! Hay toàn là thứ “trốn chúa lộn chồng” bla bla bla
Lão Ngoan