Một thoáng Pleiku
Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa -thực sự vĩnh viễn xa- Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi.
Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.
Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ sẽ không có dấu chân nào của tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến. Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô danh. Thống thuộc một đại đơn vị có bản doanh tại Ban Mê Thuột, nhưng đơn vị tôi có hậu cứ tại Sông Mao (Phan Thiêt) và đảm trách một vùng hành quân khá rộng lớn dọc theo miền duyên hải. Đúng ngày cuối năm âm lịch 1972, khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho quân sĩ ăn Tết tại doanh trại Lý Thường Kiệt – Sông Mao, chúng tôi nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên An Khê, thay thế cho một đơn vị của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước, và tăng cường cho mặt trận Bình Định, khi một số đơn vị của Sư Đoàn 22BB hoạt động ở đây, vừa di chuyển lên mặt trận Dakto, Tân Cảnh.
Loanh quanh ở An Khê chưa được hai tháng, cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, đánh vài trận, giải tỏa một số căn cứ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm dọc trên đèo An Khê bị Cộng quân tạo nhiều vòng đai vây hãm, đơn vị chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để được không vận lên Kontum. Bộ Tư Lênh HQ Sư Đoàn 22BB vừa bị tràn ngập tại căn cứ Tân Cảnh và vị Tư Lệnh đã ở lại để vùi thây nơi chiến địa cùng với quân sĩ dưới quyền. Địch quân đang trên đà tràn xuống trong ý đồ chiếm lấy Kontum.
Tôi đến Pleiku như vậy đó. Thời gian chưa đủ nhìn một dãy phố và núi đồi chạy dọc theo con đường dẫn ra phi trường Cù Hanh. Tôi có cảm giác chưa đến thì đã rời khỏi Pleiku. Hơn tám tháng sống chết với chiến trường và giữ vững Kontum, chúng tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt cho một đơn vị tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẩm máu để có một “Kontum Kiêu Hùng”. Một tháng đóng quân trên Đồi Đức Mẹ. Lại là một tháng “gió lạnh mưa mùa”. Cả núi đồi và thành phố Pleiku mờ mịt và lầy lội trong mưa. Hình ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa mới hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những nhát chém còn rỉ máu trong lòng. Muốn tạm quên chốc lác đã là một điều không dễ. Bọn tôi cần được say. Mỗi ngày chỉ ra phố để uống rượu. Thỉnh thoảng đi nhận đám lính bị Quân Cảnh của ông đại úy Hiển bắt. Khi đó tôi đâu có biết ông đồn trưởng Quân Cảnh này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, cũng chịu chơi, nhậu nhẹt, lãng mạn (và vi phạm quân phong quân kỷ?) như ai.
Pleiku có nhiều quán cà phê và nhiều khuôn mặt mỹ nhân, nhưng chúng tôi chỉ chọn các quán rượu. Dường như cà phê không đủ ấm, không đủ để quên, và cái say của rượu cũng chóng phôi pha hơn cái say đàn bà, con gái. Hơn nữa chỉ được có một tháng, mà trước mặt là những trận chiến đẫm máu đang chờ. Chẳng ai muốn vương vấn nợ tình.
Riêng tôi còn có một anh bạn, Liên Đoàn Trưởng BĐQ trú đóng ở Biển Hồ. Vợ và hai đứa con chết thảm tại Quảng Đức vì xe bị VC giật mìn, nên bây giờ anh chỉ làm người tình với rượu. Tôi bị anh kéo theo cái vòng “tục lụy” này.
Lúc trước anh là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong BĐQ, thời gian binh chủng này mới thành lập. Nhưng sau đó do ảnh hưởng từ các phe nhóm chính trị, anh đã bị bắt đi tù một thời gian, ngưng thăng cấp và sau đó chuyển đến đơn vị tôi, với cái lệnh “không được giữ chức vụ chỉ huy nào.” Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ an ủi anh. Thời gian sau anh bỗng dưng được “vô tội”, trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một Liên Đoàn BĐQ tại QK2.
Do cái ân tình đó, nên những ngày không hành quân, anh đến kéo tôi ra quán rượu. Tôi chỉ nhìn Pleiku qua những cơn say. Vì vậy Pleiku với tôi càng nhỏ hẹp hơn, chỉ là không gian của một quán rượu trong khu Chợ Mới. Một tháng, tôi chưa hề biết tên một con đường, thì làm sao biết được tên của một mỹ nhân , để “may mà có em đời con dễ thương !”
Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột vừa lọt vào tay giặc. Sáng ngày 13.3.75, theo những toán quân đầu tiên của đơn vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách BMT khoảng 30 cây số trên QL 21 về hướng Nha Trang. Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân trên Tỉnh Lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm nhất trong chiến tranh. Nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội đã chết trong đớn đau tức tưởi.
Hình ảnh cuối cùng của Pleiku trong mắt tôi là dãy núi Hàm Rồng, nhưng trong trí óc tôi chỉ còn đọng lại những cái chết bi tráng của đám bạn bè đồng đội cùng với những người Pleiku mà tôi chưa kịp biết mặt, làm quen. Và trong lòng tôi, dường như Pleiku chỉ có thế. Không phải là những con đường, góc phố, là rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, hội quán Phượng Hoàng, quán cà phê Dinh Điền, cà phê Văn, cà phê Lính, Bắc Hương, Thiên Lý, và lại càng xa lạ với những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề..mà những cô học trò ngày ấy bây giờ đang mang theo cái hồn Phố Núi đi khắp muôn phương. (Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình khờ khạo biết bao nhiêu!)
Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét”, chỉ có khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Được chút thời gian không đủ cho một cơn say, thì đâu còn biết gì tới thơ với thẩn (mặc dù tôi vốn mê thơ – nhưng rất dốt về thơ). Ngoài bài hát nổi danh được phổ từ thơ Vũ Hữu Định, tôi chưa hề được đọc thơ các thi nhân nổi tiếng một thời của Pleiku hay viết về Pleiku. Sau này đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khời Phong…, tôi thấy hối tiếc quá chừng. Pleiku đẹp quá, dễ thương, thơ mộng quá.
Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ một thời hành quân đánh giặc ở Mật khu Lê Hồng Phong, Sông Mao, nơi đơn vị tôi trú đóng, từng viết những câu thơ hào sảng;
Ngày mai đánh giặc may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
….
cũng từng bị “đày” lên Phố Núi, nhưng giờ thì đắm say ánh mắt của một nàng thiếu nữ Pleiku:
Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó
….
Vậy mà hơn một tháng ở Pleiku tôi đã ngu ngơ, lãng phí. Không nhìn ngắm, mơ mộng với Pleiku mà chỉ biết say với rượu. “Ta say, trời đất cũng say.” Tôi đã bắt Pleiku say với tôi, mà đáng lý ra tôi phải say đắm với Pleiku mới phải. Đôi khi tôi cũng tự gạt để an ủi mình “Có thể chính mấy ông nhà thơ này đã làm cho Phố Núi đẹp hơn, thơ mộng và lãng mạn hơn những gì nó có?” Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, sau này được dịp làm quen với những người Phố Núi, tôi chợt nhận ra rằng Pleiku đâu chỉ có những ông thi sĩ tài danh ấy, mà dường như cứ mỗi người Pleiku đã là một nhà thơ, hay ít nhất cũng là một bài thơ chưa được viết thành lời. Dẫu gì, tôi cũng có tội với Pleiku.
Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Đỗ Bê … những tiểu đoàn trưởng nổi danh, những người anh, người bạn thân thiết như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh viễn ở lại với Kontum, với Pleiku. Khi tất cả -có lẽ cũng như tôi- chưa biết rõ mặt Pleiku cùng những vần thơ tuyệt vời ca tụng phố núi thơ mộng một thời.
Tôi vẫn mãi đau đớn khi hình dung cuôc di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ 7B vào những ngày giữa tháng 3. Cùng với những đổng đội của tôi, còn có biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi hết đoạn đường kinh hoàng đẫm máu ấy. Trong đó chắc chắn có rất nhiều “em Pleiku má đỏ môi hồng” của nhà thơ Vũ Hữu Định, những bông hoa dại đã làm cho những thằng lính “bị đày” lên phố núi thấy đời dễ thương hơn. Thiếu những bông hoa ấy, Phố núi sẽ không còn đẹp, không còn lãng mạn, để cho bao thi nhân cảm xúc, để cho nhà thơ Không Quân Võ Ý vẫn mãi còn tiếc nhớ khôn nguôi một thời “Xưa Trên Đó″:
Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền
…
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
đồi như vương cây như vấn chân nàng
phố cũng xưa và tim thì đau nhói
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn…”
Chúng tôi ra đi, cũng (rất vô tình) bỏ lại các cô gái Thượng. Những cô gái chân chất hồn nhiên mà đẹp đẽ như những cánh lan rừng. Họ mới thực sự là những người chủ Phố Núi, nên không đành bỏ núi đồi, buôn bản. Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Tuyệt vời!
Thuở ra đi, lòng dạ rối bời, chưa kịp nhận ra những điều gắn bó, giờ hồi tưởng, trong lòng bỗng chợt dấy lên bao nỗi bâng khuâng.
Thì ra, tôi đã mắc nợ phố núi quá nhiều. Nợ những người đã ở lại với Pleiku trong cơn đổi đời khốn khó, nợ người Pleiku nằm lại đâu đó trên tỉnh lộ 7B kinh hoàng, và nợ cả những người Pleiku ra đi mang theo bóng dáng mờ ảo mù sương và cả cái hồn Phố Núi.
Nợ ân tình thì không thể nào trả cho hết được. Đành viết mấy dòng này xin tạ lỗi Pleiku.
© Phạm Tín An Ninh
Tác giả PTAN viết ” Một Thoáng Pleiku” một thoáng thôi mà lắng sâu vào lòng người đọc. Tôi còn nhớ cả hai Ban 3 của Tr/Đ 44 va ThĐ3 KB cùng làm việc chung trong căn hầm làm TTHQ của Tr/Đ 1/10 Thiết Giáp Hoa Kỳ để lại nằm cạnh Phi trường An Khê. Những ngày tháng Bình yên hiếm hoi trước khi xông vào các trận đánh lớn ở Pleiku-Kontum. Tôi theo niên trưởng Xuân, con chim đầu đàn của 44 ,đi uống cà phê ở đầu cầu sông An Khê và thỉnh thoảng gặp các đàn Anh Võ Anh Tài và Đặng Trung Đức, hai TĐT của 44, một trong hai người có chiếc nón bo rộng vành thật đặc biệt. Vậy mà mấy tháng sau tôi tình cờ đọc trên một tờ Nhật báo thấy tên cả ba vị Tiểu -Đoàn-Trưởng, có thêm Anh Trần Công Lâm, Vô Cùng Thương Tiếc Cố Trung Tá…Không thể tưởng tượng nỗi sự khốc liệt của chiến trường Tây nguyên. Và Trung Đoàn 44 BB đứng mũi chịu sào có tác giả PTAN trong đó…
Nhớ lần đầu tiên nghe bài nhạc ” …Đi năm phút đã về chốn cũ..” Tôi cùng ngồi với nha Thơ Kim Tuấn, Vũ Hoàng và Lâm Hão Dũng, ở quán cà phê Văn gần Chợ Mới, Kim Tuấn chặc lười nói :” Mình ở đây gần cả một đời mà chẳng làm được gì, vậy mà một tay Giang Hồ nào đó tạt ngang đây chỉ mấy phút lại làm được một bài thơ để đời. Đau thật ! ” . Suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi là ở Pleiku, đàn Anh PTAN chỉ một thoáng qua thành phố của chiến tranh nầy . Hôm nay, đọc xong bài viết của đàn anh ,tôi xin mượn câu nói của cố thi sĩ KIM TUẤN để nói với đàn Anh như thế với tấm lòng khám phục…
Xin cãm ơn tác giả đã cho bạn đọc tường lãm bài viết về “phố núi cao, phố núi đầy sương…” thật đẹp, thật ấm áp, đầy tình người…
“Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Đã đời!”
Xin mạn phép dùng “Đã đời” thay cho “Tuyệt vời”. Đa tạ.
PHỐ NÚI
Ai lên phố núi băng ngàn
Ai về duyên hải phố ngang biển trời
Những ai theo lối đồng bằng
Phố phường xen giữa ruộng đồng bao la
Kontum rừng núi chan hòa
Pleiku đó mặn mà bao nhiêu
Lên Buôn Mê Thuột mà coi
Cà phê đất đỏ đi hoài còn ham
Ai lên Đà Lạt bạt ngàn
Ngàn hoa hương sắc rỡ ràng là đây
Nào ai về tới Sapa
Nào ai đến với Bà Nà cho vui
Này danh phố mát Nha Trang
Kìa danh phố cổ Hội An thầm thì
Biển xô con sóng đi về
Những thành phố núi mây mờ giăng giăng
Rồi ai hướng tới Sàigòn
Rồi ai hướng tới Biên Hòa, Bạc Liêu
Cà Mau phố biển thân yêu
Một thành phố mũi bao nhiêu chuyện lòng
Những ai còn nhớ Nam Quan
Lạng sơn còn đó mây ngàn còn kia
Chiến tranh giờ đã tàn rồi
Bao năm khói lửa ai hoài ưu tư
Chuyện đời những lúc nắng mưa
Ai người quên hết mọi điều trần gian
Mây bay phố núi bạt ngàn
Hồn người lắm lúc non sông ngậm ngùi
Chỉ ai vô tứ trên đời
Mới thành như kẻ lạc loài quê hương
Trăng lên trăng dãi phố phường
Nắng lên nắng dãi bốn phương quê mình
Xuân tàn rồi đến thu đông
Đông tàn rồi đến mùa xuân lại về
Đường đời bao nỗi nhiêu khê
Lòng người bao nỗi lê thê tháng ngày
Mong rồi mưa gió thuận hòa
Người mình cũng biết ra mình là ai
Võ Hưng Thanh
(13/4/13)
Tui là lính kèn ở tĐ, nên có biết tác giả dường như học khóa 18 thì phải,
mà ra trường với cấp Chuẩn úy năm 1965,
mà đến 1972 ( bảy năm sau ) đã lên tới cấp trung tá trung đòn chưởng
thì phải là ngài Phù đổng tân thời.
Chúc mầng cựu trung tá trung đòn trưởng.
Đọc trong bài viết, tôi không hề thấy tác giả tự xưng mỉnh là trung hay tiểu đoàn trưởng gì hết. Ông chỉ bảo ông là một người lính bộ binh. Những suy diễn có thể không đúng..
Tôi chưa có ý-định viết phản-hồi cho bài viết này, dù tác-giả bài viết và bài viết không ít gây cho tôi niềm phấn-khởi. Tôi chỉ vắn-tắt 3 ý-kiến ngắn :
(1) – Phản-hồi này của Y B’ Hum không nói rõ tác-giả bài viết học khóa 18 nào. Nếu ra trường VBQG Dalat thì chắc-chắn là Thiếu-úy chứ không phải Chuẩn-úy.
(2) – Bài viết có nhắc đến Võ Anh Tài, vốn đồng-khóa với tôi. Chúng tôi năm 1 ở cùng Đại-đội 1 với nhau, còn hơn 2 năm sau thì khác. Chúng tôi cùng ra trình-diện Sư-đoàn 2 (BTL bấy giờ còn đóng ở Đà-nẳng mà Tư-lệnh là Đại-tá Lâm văn Phát) vào tháng 1/1963, sau khi ra trường 22/12/1962 với 2 tuần phép. Chúng tôi có nhiều kỷ-niệm với nhau. VAT binh-nghiệp thăng-trầm vì bản-tính ngay-thẳng không luồn-cúi, hay uống rượu…Tác-giả nhắc đến Pleiku, Ban-me-thuột, Kon-tum …Tôi vốn không có duyên nợ với Vùng 2 CT, nhưng nơi này là đất dụng võ của không ít bạn đồng-khóa với tôi. Một số đã nằm xuống trong danh-dự như Võ Anh Tài, Nguyễn hữu Thông, …và số khác còn sống như Thiều, Mễ (Đinh văn Mễ) thuộc SĐ 22, Chuy, Thắng thuộc SĐ 23 thì phải. Họ sống, chiến-đấu và có ai nằm xuống thì cũng đều làm vinh-danh khóa chúng tôi nói riêng, và cho QLVNCH nói chung. Tôi không vẻ-vang như họ – tuy đã chưa từng làm điều gì tệ – nhưng cũng được hãnh-diện lây.
(3) – Hình như tác-giả bài viết này cũng là một anh em cùng trường mẹ với những người tôi vừa nhắc đến chăng ?
(4) – Sản phản-hồi đáp lời bạn Y B’ Hum, tôi có lời hỏi thăm Dâm Tiên. Những bài thơ của ông (cũng là Ý Yên) thật lãng-mạn, tình-tứ và gây xúc-động. Giá niên-trưởng cứ phát-huy ở lãnh-vực này thì hay biết mấy, hơn là đấu-đá vô-bổ trong nhiều phản-hồi ở nhiều bài viết khác nhau. Tiện đây xin gởi lời thăm hỏi nhà thơ, cũng là niên-trưởng của tôi, Phạm Hậu. PHC có thường gặp Bùi Quyền nữa không ? San Jose chắc mùa này nắng ấm ?
Chào THẮC MẮC :
Cảm ơn đã nhắn tin Y B’Hum, tài xế cũ cùa Dâm tại PLK.
Thắc Mắc ơi, hình như mình là …sq. cán bộ của khối ông
nhà văn cơ đấy. Nhiều lắm. Nên mềnh hiểu rõ tính nết
” thăng trầm” của mấy ông ấy. Các ông ý còn oai hơn cấp
Tướng là khác.
Mềnh có thơ lai rai, mà không bao giờ dám khoe mẽ hết,
bởi vì :” Consume your own smoke ” đừng phà hơi thuốc vô
người khác; hãy tự hít hà lấy…
Chào TM. Phạm Hậu Nhất Tuấn trên mềnh một khóa, tức là
XII, Mềnh cùng Phạm Huấn, XIII. À, lâu nay, không gặp BQ.
Sẽ thăm bạn ta, lẽ ra phải là…Tướng, mà bị ông Big Minh
dìm mất!
Cuối cùng, cảm ơn Thắc Mắc , Nhớ Lâm Viên quá trời…
QUÁ PHAỈ !
“(4) – Sản phản-hồi đáp lời bạn Y B’ Hum, tôi có lời hỏi thăm Dâm Tiên. Những bài thơ của ông (cũng là Ý Yên) thật lãng-mạn, tình-tứ và gây xúc-động. Giá niên-trưởng cứ phát-huy ở lãnh-vực này thì hay biết mấy, hơn là đấu-đá vô-bổ trong nhiều phản-hồi ở nhiều bài viết khác nhau. …….”
Khôn ngoan- LỜI PHẢI- lắng nghe
Chút THƠM, “Dư lơn”, DÂM KHOE ….
” Nhớ Lâm Viên quá trời…”
LỘ HÀNG :” láo bịp … vừa thôi ! ”
Dâm ơi ! có nhớ những lời MỆ khuyên !!! Điên !
PLEIKU CỦA ANH.
( Cảm tác từ bài viết “Pleiku nắng bụi mưa bùn” của Nguyễn Dân và những hình ảnh về Pleiku của Hoa Pham)
Pleiku của anh những ngày nắng bụi,
Trên con đường dài vắng chuyến xe qua,
Đường đất hoang sơ không phố, không nhà,
Chỉ có trời mây, hàng cây rất thấp.
Bụi Pleiku, bụi một màu đỏ gạch,
Anh đi qua thị trấn buồn ngẩn ngơ,
Chiều chơi vơi sương mù mịt biển hồ,
Hồ không đáy? nước không bao giờ cạn.
Anh lính mới, vừa về vùng lửa đạn,
Đóng quân ở đây phố lạ, người dưng,
Thành Pleime heo hút gío xa xăm,
Phi trường Cù Hanh, ai đi ai đến?
Những ngày Pleiku mưa dầm rả rích,
Thị trấn buồn ảm đạm ngủ trong mưa,
Mới hôm qua nắng gío cuốn bụi mờ,
Hôm nay đường phố mưa bùn tội nghiệp.
Anh lính trẻ lang thang trong phố ướt,
Qua mái hiên che, qua vũng nước bùn,
Chiếc xe nhà binh đậu ở ven đường,
Người ta sống giữa chiến tranh và chết chóc.
Pleiku phố nhỏ, những con đường ngắn,
Đầu đường cuối đường không đủ mỏi chân,
Đường Hoàng Diệu anh qua đã bao lần?
Bụi đất đỏ theo anh về quen thuộc.
Bụi theo anh đường hành quân xuôi ngược,
Thôn xóm xác xơ hay những buôn làng,
Cô gái Ê Đê thấp thóang nhà sàn,
Anh mơ một đêm rượu cần chếnh chóang.
Pleiku của anh một thời chinh chiến,
Đi đâu về đâu vẫn nhớ nơi này,
Ai trách Pleiku tẻ nhạt, lưu đầy?
Ai lưu luyến khi chia tay phố núi?
Đầu sóng ngọn gío anh còn ở lại,
Trận địa Pleiku có lúc kinh hoàng,
Vẫn yếu lòng ngơ ngẩn một dáng em,
Sống và chết, tình yêu và nỗi nhớ.
Bao nhiêu năm, bao mùa rừng thay lá,
Bụi thời gian không che khuất bụi đường,
Vẫn còn trong anh nắng bụi mưa bùn,
Thành phố núi một góc đời trai trẻ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( April, 2011)
tôi hết sức xúc động khi đọc bài này, xin cám ơn tác giả
“Một thoáng pleiku” thiệt hay! Bây giờ thì Pleiku lại đến với tôi,không phải chỉ có bài ca phổ thơ của Phạm Duy;” phố núi xa,phố núi mờ sương–đi dăm phút trở về chon củ”,mà cả tấm lòng của người lính Miền Nam (VNCH) với quê-hương..Ở đó ta thấy một Pleiku thật lảng-mạn và khổ đau với chiến tranh.!
Cám ơn tác giả.Hẹn với lòng có dịp về thăm Pleiku,lần nửa.
Khen ngợi nhà văn Phạm Tin An Ninh.
Thời buổi kỹ thuật và thời gian và cuộc sống chạy nhanh như điện hiện nay (theo đúng nghĩa đen) it người có thì giờ và bình tâm hang ngày để đọc tiểu thuyết. Ngay cả những truyện ngắn muốn được độc giả đón nhận cũng phải “that thu hút ngay từ mấy going đầu và cho tới cuối”. Cho nên những tác tác giả truyện ngắn thành công hiện nay that hiếm. Thế mà Phạm Tín An Ninh là một. Với tư cách một độc giả, tôi xin có lời ngợi khen.
Nhưng hôm nay tôi viết mấy going ngợi khen này vì một ngạc nhiên. Qua bài viết Môt Thoáng Pleiku của tác giả, tôi mới biết tác giả là một sĩ quan cao cấp “có lẽ trung đoàn trưởng” chỉ huy một đơn vị tác chiến oai hung. Các người viết hiện nay từ Miền Nam Việt Nam dĩ nhiên thường là cựu quân nhân (vì chỉ nhũng thanh niên đui què mẻ sứt hay con 1 có anh em đi tác chiến mới được mien dịch). Nhưng thường là các cựu quân nhân cấp úy, vì là lứa tuổi còn tương đối trẻ và nếu hơn lớn tuổi hơn thì thường là gốc Linh Văn Phòng. Tôi chưa được biết có tác giả nào là cấp chỉ huy đại đơn vị (từ tiểu đoàn trưởng trở lên) hiên nay là nhà văn đúng nghĩa. Thường các người viết đó chỉ viết hôi ký.
Phạm Tín An Ninh là một cây bút truyện ngắn làm tôi thú vị. Nay lại là một cấp chỉ huy một đại đơn vị tác chiến khiến tôi ngạc nhiên và khâm phục.
Thưa anh Tường Tâm,
Có lẽ anh ko rõ chuyện đó thôi, bởi cấp càng cao càng lo “ẩn mặt” !
Nếu ló ra thì cũng dưới dạng “Zorro bịt mặt” anh ạ :-)) !!!
Tại sao ư ?
Dễ hiểu, “bút xa gà chết” !
Lỡ có viết sai, viết nhăng … là dễ bị truy nguyên “ní nịch”, để bẻ hành bẻ tỏi, để chửi như tát nước vô mặt …, mà thường là bởi những kẻ hạ tiện, ko đủ nhân cách sống & dậy đời anh ui !
Kinh nghiệm này hẳn anh đã có thừa phải ko ạ !
Tác giả có (lỡ) đề cập đến nhà thơ Võ Ý, qua trích một số câu thật cảm động, trong bài thơ “Xưa Trên Đó″:
Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền
…
Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
đồi như vương cây như vấn chân nàng
phố cũng xưa và tim thì đau nhói
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn…”
Võ Ý, chứ ko phải là võ Ta hay võ Lạ nào đó, gốc chính là trung tá phi công vận tải trên cao nguyên !
Võ Ý, thời tôi biết, lúc đang cặp với một cô cùng xóm tôi tên Điệp, rất đẹp trai & hòa hoa phong … thấp ! Hai người có hai đứa con trai, giống bố, trắng trẻo, mặt mũi sáng lán, tướng tá mạnh khoẻ !
Thực ra cô Điệp, thua tôi một tuổi, đẹp nhất nhà, mình dây, da trắng, mặt trái xoan, mũi cao, chân dài ! Chồng là trung (đại ?) úy pháo binh dù tên Thương, dân ở Đà Lạt, bị bắt làm tù binh ở trận Đường Chín Nam Lào đầu thập niên 70, cùng đại tá Thọ (& ông anh tôi là trung úy Dù Đinh Đức Chính, rồi bị giam ở Bắc). Sau 75 ít năm anh Thương được thả tự do, nhưng nghe nói theo đám Phục Quốc, nên bị VC bắt trở lại ở Đà Lạt !
Nếu tôi nhớ kô lầm, trong bài viết của anh về vụ đại úy Đường (?) được lệnh trên ném bom đánh chìm tàu chở quân phạm ra Côn Sơn thời Diệm Nhu, có anh Võ Ý góp lời cải chính hay giải thích chi đó trên diễn đàn này thì phải !
KO hiểu Phạm Tín An Ninh có họ hàng bà con chi với nhà thơ gốc Huế Phạm Tín Hương chăng ???
Lão Ngoan
Hềnh như Lão Ngoan Đồng là cái anh chàng Toubib bất mãn,
nhưng ấy a, lại thâu canh gió lạnh lo toan cho thương binh
chúng tôi. Thanh Kiêu Lại Mạnh Cường toubib nhá.
À, mà sao vừa trực đêm vừa ngà ngà hơi men nhiều thế?
Lại có lần, đề Thơ vô…lưng cô ý tá đẹp xinh nhứt, là sao ?
Gợi lại những năm tháng vô ích vì đau khổ và nhục nhã thời ấy mà làm gì , hả thằng lính hạng bét binh nhất kia ?
Kể ra bao nhiêu các cuộc di tản tháo lui , thì thấy càng thảm hại bấy nhiêu qua những thất bại của cuộc chiến , tất cả chỉ để phục vụ cho mưu đồ của bọn chóp bu mà thôi !
Cuối cùng , chúng ta đều lê cái thân tàn nơi xứ lạ này ! Hỡi ôi !
Thật khâm phục người lính VNCH! Tác giả là người có tâm hồn nặng lòng trách nhiệm. Bài hồi ký hay quá!