WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Điều 79 Bộ LHS, sự thay đổi luật sư và một vài nhận định

Theo tin tức mấy ngày qua, luật sư Lê Công Định và thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung sẽ sớm được đưa ra xét xử. Tội danh cũng bị chuyển từ “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” (Điều 88) sang “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79), một tội danh được xem là nặng hơn. Bản thân các anh cũng từ chối luật sư mà gia đình đã thuê. Xung quanh việc này, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra:

1. Về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”

Điều 79, khoản 1, Bộ Luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả ngiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Theo điều luật mô tả thì người bị xem là phạm tội này, điều kiện cần là phải có một trong hai hành vi: thành lập hoặc tham gia, điều kiện đủ là tổ chức đó phải có “âm mưu lật đổ”. Hiện nay, cũng như trước kia các giáo trình được giảng dạy tại các trường đại học luật ở Việt Nam không đi sâu phân tích các khái niệm trong tội danh này. Bản thân Tòa án Tối cao cũng chưa bao giờ giải thích. Rất khó cho thẩm phán cũng như luật sư khi nhận định về tội danh này. Theo điều luật thì chỉ cần dừng lại ở mức độ “âm mưu” cũng đã phạm vào tội này. Điều này mâu thuẫn với với Điều 8 BLHS: “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…” Nếu chỉ dừng lại ở mức độ “âm mưu” thì rõ ràng chưa có hành vi được biểu hiện ra ngoài thế giới khách quan của các tổ chức, và do đó chưa thể nói là các tổ chức này gây nguy hiểm cho xã hội được, như vậy không thể xem hành vi thành lập hoặc tham gia là hành vi phạm tội được.

Mặt khác để chứng minh các tổ chức này có “âm mưu lật đổ” là rất khó. Các tổ chức được thành lập với mục đích đấu tranh cho các giá trị dân chủ và nhân quyền không thể bị xem là có “âm mưu lật đổ” vì mục đích của loài người là hướng đến các giá trị này. Các tổ chức này nếu lấy “bất bạo động” làm phương pháp đấu tranh cũng không thể bị xem là có “âm mưu lật đổ” vì bản thân phương pháp bất bạo động không chứa đựng sự lật đổ. Các hoạt động nhằm thay thế sự lãnh đạo của một đảng phái cũng không thể bị xem là có “âm mưu lật đổ”. Hoạt động thay thế sự lãnh đạo của một đảng phái là hoạt động hết sức bình thường trong đời sống chính trị của các nước dân chủ đa nguyên. Ngay cả ở các nước độc đảng thì việc thay thế sự lãnh đạo cũng không thể xem là tội phạm vì đơn giản hành vi đó không nguy hiểm cho xã hội và tổ chức đảng không thể đồng nhất với chính quyền nhân dân.

Vấn đề tiếp tục được đặt ra là: chính quyền như thế nào thì được gọi là “chính quyền nhân dân”? Dựa trên ngữ nghĩa của các từ, có thể tạm hiểu chính quyền nhân dân là chính quyền của dân, ở đó quền lực thực sự thuộc về nhân dân. Một chính quyền được gọi là của nhân dân khi và chỉ khi cơ chế bầu cử thực sự dân chủ, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu phải được tôn trọng triệt để. Bản thân các chế độ độc đảng, không có sự lựa chọn thứ hai thì không thể nói cơ chế bầu cử là dân chủ và quyền lực thực sự đã thuộc về nhân dân.

Còn rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra trong nôi tại của điều luật này mà lẽ ra Tòa án Tối cao phải giải thích. Ví dụ như: việc gây hậu quả nghiêm trọng được định lượng như thế nào? Đồng phạm là người nước ngoài được xử lý ra sao? V.v…

2. Về sự thay đổi luật sư

Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) cho bị can, bị cáo quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc bị khởi tố về tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải cử luật sư cho bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo không tự nhờ luật sư (Điều 56, 57 BLTTHS). Việc tiến hành tố tụng trong các trường hợp nêu trên, nếu không có luật sư tham gia là vi phạm nghiên trọng pháp luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp bị can, bị cao không nhờ luật sư, đồng thời từ chối luôn luật sư chỉ định thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải thích. Trong trường hợp bị can, bị cáo vẫn kiên quyết từ chối thì các cơ quan này phải lập biên bản ghi nhận sự từ chối và tiến hành quá trình tố tụng mà không cần có sự tham gia của luật sư.

Theo hướng dẫn của Tòa án Tối cao và Bộ Công an thì việc chỉ định luật sư phải tiến hành trong giai đoạn điều tra, từ khi khởi tố vụ án. Hồ sơ tiến hành điều tra bị xem là vi phạm nghiên trọng về tố tụng nếu không có sự tham gia của luật sư. Quy định này xung đột với Điều 58 BLTTHS: “trong trường hợp giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện Kiểm sát  quyết định để luật sư tham gia sau khi kết thúc điều tra”.

Bị can, bị cáo có thể thay đổi hoặc từ chối luật sư trong bất cứ giai đoạn nào và cơ quan tiến hành tố tụng của giai đoạn đó phải chỉ định luật sư khác trong các trường hợp của Điều 57 BLTTHS nêu trên.

3. Một vài nhận định

Theo thông tin gia đình anh Định cung cấp thì anh đã từ chối luật sư, hiện nay Tòa án đang chờ ý kiến của anh để chỉ định luật sư. Nếu anh bị xét xử ở Điều 88 BLHS thì rõ ràng Tòa án không phải chỉ định luật sư. Kết hợp thông tin từ gia đình anh Trung, có thể khẳng định các anh sẽ bị xét xử ở Điều 79 BLHS. Việc thay đổi tội danh cho thấy sự thiếu chắc chắn của cơ quan an ninh, và đặt biệt cho thấy sự mâu thuẫn trong “lời nhận tội và xin khoan hồng” trước đây với các tình tiết khác và với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo lập luận này thì rõ ràng tại thời điểm đó, bản thân các cơ quan tố tụng chưa xác định được chính xác tội danh thì làm sao các anh lại biết mình có tội để nhận và xin khoan hồng? Nếu công nhận mình có tội thì các anh phải nhận rằng: “tôi đã có âm mưu lật đổ chính quyền”, có như vậy mới phù hợp với tội danh hiện nay. Sự mâu thuẫn này cho thấy có cơ sở để tin rằng: “lời nhận tội và xin khoan hồng” trước đây là không đúng sự thật hoặc không xuất phát từ nhận thức của các anh mà từ sự tác động bên ngoài. Nếu không đúng sự thật hoặc không xuất phát từ nhận thức thì không còn ý nghĩa, kể cả khi Tòa án phán quyết rằng có tội.

Hãy tin rằng mình vô tội và đừng nghĩ “lời nhận tội và xin khoan hồng” là một tình tiết giảm nhẹ. Đó là cách thức chúng ta vượt qua thử thách.

Bài do tác giả gửi tới

Phản hồi