WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngõ Phất Lộc: Từ Nguyễn Hiến Lê đến Người Buôn Gió

 

Ngõ Phất Lộc

Ngõ Phất Lộc

Ngõ Phất Lộc là một con hẻm nhỏ thuộc Phường Hàng Buồm ở thành phố Hanoi, gần với chợ Bắc Qua phía bờ sông nơi có cầu Chương Dương qua bên phía Gia Lâm. Ngõ có tên này là do một ông họ Bùi từ làng Phất Lộc thuộc tỉnh Thái Bình ra Hanoi làm ăn và định cư tại đây từ rất lâu. Vì thế mà hiện còn có một nhà thờ tổ dòng họ Bùi tọa lạc trong con hẻm này.

Mới đây, qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Hà Giang từ Nhật báo Người Việt với Người Buôn Gió (NBG, tên thật là Bùi Thanh Hiếu) vừa từ bên nước Đức qua thăm viếng California, bà con độc giả mới được anh cho biết mình chính là dân cư ngụ đã lâu tại Ngõ Phất Lộc. Mà đây lại cũng là “một nơi chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khỏang vài ngàn người” (nguyên văn trích từ bài phỏng vấn).

Cái tên Phất Lộc này làm tôi nhớ lại chuyện Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã từng sống với gia đình trong suốt thời niên thiếu ở đây vào thập niên 20 – 30 của thế kỷ XX – như cụ đã ghi trong bộ Hồi Ký gồm 3 cuốn được xuất bản tại Mỹ từ cuối thập niên 80.

Lại nữa, trong cuốn sách “Việt Nam – Cội nguồn cuộc chiến” vừa được ra mắt công chúng mới đây, tác giả là Đại tá Hà Mai Việt cũng đã ghi lại chuyện của một người cư ngụ tại ngõ Phất Lộc đã đập tan cái lộc bình cổ từ thời Nhà Minh trước lúc phải di tản khỏi Hanoi vào cuối năm 1946 lúc khởi đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp.

Như vậy, cái tên Ngõ Phất Lộc càng làm cho tôi thêm chú ý đến địa danh này ở Hanoi, mặc dầu tôi đã sống tại thành phố này trong mấy năm trước năm 1954 để theo học tại Trường Chu Văn An, thì hình như mình chưa có lần nào ghé qua ngõ hẻm này.

Kể từ sau năm 1975, tôi lại có duyên gặp gỡ quen biết khá thân thiết lâu ngày với cụ Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984). Cụ Lê là một nhà văn có danh tiếng được sự mến chuộng của rất đông bà con độc giả ở miền Nam từ các thập niên 1950 , 60, 70.

Và vừa mới đây vào cuối tháng Năm 2014, nhân tham dự Tĩnh Hội của Họp Mặt Dân Chủ tại San Jose California, tôi lại có dịp sống chung mấy ngày tại cư xá sinh viên của Đại học San Jose State University với anh bạn trẻ NBG hiện đang sinh sống tại nước Đức, nên đã có nhiều thời giờ chuyện trò trao đổi với nhân vật hiện là một blogger rất được bà con tìm đọc những bài viết về các chuyện thời sự thật dí dỏm mà sâu sắc này.

Thành ra, tại cái Ngõ Phất Lộc đó ở Hanoi, tôi quen biết cả hai người là Cụ Nguyễn Hiến Lê hồi trước và bây giờ là anh bạn Người Buôn Gió – dù hai người này chưa bao giờ gặp gỡ quen biết nhau. Anh Hiếu sinh năm 1972 ở ngòai Bắc, tức là sinh sau cụ Lê đúng một con giáp 60 năm. Mà cụ Lê thì sinh sống tại miền Nam từ năm 1934 cho đến khi qua đời ở Saigon năm 1984. Nhưng giữa hai người có một sự tương đồng khác nữa mà tôi xin được trình bày với quý bạn độc giả trong bài ghi ngắn này.

I – Nhà văn Nguyễn Hiến Lê : Sự chuyển biến về nhận thức chính trị sau năm 1975.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp lớp Cán sự Công chánh, thì ông Nguyễn Hiến Lê được bổ nhiệm làm chuyên viên kỹ thuật cho Sở Công chánh tại miền Nam. Sau khi hồi cư về lại Saigon vào năm 1950, thì ông chọn nghề dậy học và viết văn để sinh sống, chứ không trở lại nghề làm công chức như thời kỳ trước năm 1945 nữa.

Tuy không hề tham gia họat động chính trị với một tổ chức nào, nhưng trong suốt mấy chục năm sinh sống trong vùng quốc gia ở miền Nam, thì ông Lê lại có thiện cảm với chế độ của Việt minh ở ngòai Bắc hơn. Ông chê bai giới lãnh đạo miền Nam vì chuyện tham nhũng thối nát mà lại tỏ ra quá lệ thuộc vào người Pháp và nhất là vào người Mỹ.

Thế nhưng, sau thời gian sống dưới chế độ cộng sản kể từ năm 1975, thì ông Lê phải trực tiếp chứng kiến quá nhiều chuyện chướng tai gai mắt và còn được nghe các người bạn từ ngòai Bắc vào cho biết bao nhiêu điều tệ hại bất nhân thất đức ở ngòai đó. Vì thế mà ông đã không thể nào mà còn giữ được cái cảm tình đối với người cộng sản như trước đây được nữa. Ông đã trung thực ghi lại khá chi tiết những sự việc này trong cuốn Hồi ký mà khi xuất bản ở trong nước, người ta đã cắt hết đi những đọan mô tả sự xấu xa tồi tệ của chế độ cộng sản ở miền Nam sau năm 1975.

Trong 8 năm từ 1976 đến 1984, gần như tháng nào tôi cũng đến nhà của cụ Lê tại đường Kỳ Đồng Saigon để thăm hỏi và chuyện trò tâm sự với ông. Có lần vào khỏang năm 1978 – 79, tôi còn gặp cả cụ Đào Duy Anh ở nhà ông nữa. Vì là chỗ quen thuộc thân tình, nên cụ Lê trao đổi chuyện trò tâm sự với tôi rất thỏai mái. Cụ nói: “Các bạn của tôi ở ngòai Bắc vào cho biết trong chỗ riêng tư mấy anh lãnh đạo cộng sản họ ngấm ngầm kèn cựa, sử dụng đủ thứ đòn phép để kềm giữ nhau, mà còn ra mặt nói xấu lẫn nhau, chẳng còn giữ thể thống tôn ti trật tự gì cả. Họ chỉ có cái tài đóng kịch, giả dối bịp bợm đối với người dân mà thôi. Thật là một chế độ tàn tệ đồi bại nhất trong lịch sử nước mình vậy đó!”

Lần khác, cụ Lê còn nói với tôi: “Tôi thật lấy làm tiếc cho thế hệ của những người trí thức như ông đang vào lứa tuổi 45 – 50 với cái sở học chuyên môn vững chắc và kinh nghiệm họat động thực tiễn đã nhiều năm – mà lúc này không có đất dụng võ, không hề được chánh quyền cho phép làm một công việc nào cho xứng đáng với tài năng và thiện chí của mình. Đó là điều thiệt thòi không những cho từng người, mà còn là sự phí phạm cho cả tòan thể quốc gia nữa. Vì thế, tôi thành thật có lời khuyên ông là nếu có thân nhân ở nước ngòai bảo lãnh cho việc xuất ngọai định cư, thì ông nên đem cả gia đình đi ra khỏi cái xứ sở tồi tệ này, để mà có chỗ thi thố tài năng kiến thức của bản thân mình và nhất là để cho lũ con lũ cháu có được một tương lai tươi sáng bảo đảm tốt đẹp hơn …”

Rõ ràng là hồi trước năm 1975, vì không được thông tin đày đủ nên ông Nguyễn Hiến Lê đã có sự nhận định sai lạc về người cộng sản qua phong trào kháng chiến chống Pháp ở miền Nam hồi những năm 1945 – 50. Nhưng sau 1975, vì phải sống dưới chế độ cộng sản, nên ông đã “ tỉnh ngộ” mà nhận ra được cái bản chất tàn ác mọi rợ gian dối của cộng sản. Và ông đã có một thái độ dứt khóat khi viết ra những nhận định thật chính xác của mình về chế độ này. Cuốn Hồi ký của nhà văn danh tiếng này ở miền Nam đích thật là một chứng từ trung thực và khả tín – tài liệu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giới lãnh đạo cộng sản là những kẻ cực kỳ ngoan cố, cuồng tín và giả dối.

Rất tiếc là do bệnh họan, cụ Lê đã không sống lâu hơn để còn tiếp tục cống hiến cho hậu thế những công trình văn hóa tốt đẹp, vì ông đã lặng lẽ từ giả cõi đời vào cuối năm 1984, lúc mới được 72 tuổi.

II – Người Buôn Gió : Từng là “dân anh chị bụi đời” – mà nay lại trở thành người cầm bút góp phần tranh đấu cho Tự do, Dân chủ.

Tuy hòan tòan khác biệt so với ông Nguyễn Hiến Lê về hòan cảnh sinh sống, blogger Người Buôn Gió cũng đã có sự chuyển biến dứt khóat về ý thức chính trị vào lúc đứa con đầu lòng của mình được sinh ra đời. Anh đã thẳng thắn bộc bạch tâm sự của mình với ký giả Hà Giang như sau:

…”Cuộc sống của tôi cũng có lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp… Nhưng mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế, thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngòai, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy…

Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăm sóc cho vợ con tôi…Nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi, thì tôi cứ đưa tiền ra…

Tôi từng cầm dao tôi đi chém người ta để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng hòang nhận ra là có khi họ cũng giống như mình… Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có khi còn xuất sắc hơn tôi!…

Nghĩ thêm, thì thầy giáo, rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế…”

Vì có suy nghĩ như thế, nên anh đã tỉnh ngộ và từ bỏ cái xã hội của “giới lưu manh anh chị bụi đời” và tìm cách góp phần vào việc cải thiện môi trường xã hội để cho con của mình có thể sống một cuộc đời an lành tốt đẹp hơn. Và anh đã nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung quốc xâm lược và nhất là viết nhiều bài chỉ trích những biểu hiện tiêu cực tệ hại trong xã hội với một giọng văn hết sức dí dỏm trào phúng. Điển hình là trong tác phẩm “Đại Vệ Chí Dị”, NBG đã sử dụng bút pháp thật khôn khéo với nhân vật, địa danh xa xưa mà ám chỉ đến những chuyện thực tế trước mắt thời nay trong xã hội cộng sản ở nước ta – khiến cho độc giả nào cũng hiểu được và khóai trá thông cảm đến tán thưởng cái lối phê phán tinh tế của tác giả đối với chế độ tham nhũng thối nát đày dãy những bạo hành giả dối của người cộng sản.

Phát biểu trước công chúng trong khuôn khổ cuộc Họp Mặt Dân Chủ tại thành phố San Jose California vào cuối tháng Năm 2014 mới đây, blogger NBG cũng đã xác nhận rằng mình đang cố gắng để góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội – làm sao cho thế hệ của đứa con mình có thể được sống thỏai mái tự do hơn nơi quê hương đất nước mà mọi người đều có lòng nhân ái chân thật. Và anh cho biết đã nhận được sự đồng thuận và khích lệ của nhiều bà con – nhất là của giới trẻ ở trong nước và cả ở ngòai nước – đối với những bài anh viết trong vòng 7 – 8 năm nay.

Mà còn hơn thế nữa, NBG hiện đang được vị Thị trưởng thành phố Weimar ở nước Đức cấp phát cho một học bổng để theo học thêm về truyền thông báo chí tại đây trong vòng một năm. Weimar chính là một trung tâm văn hóa nổi tiếng của nước Đức và của cả Âu châu nữa – với những cư dân là trí thức nghệ sĩ lừng danh như Goethe, Schiller, Liszt v.v… Cộng Hòa Weimar thiết lập năm 1919 sau khi nước Đức bại trận trong thế chiến 1914 – 18 là một biến cố lớn trong lịch sử hiện đại của Âu châu.

Trong dịp trao đổi với NBG ở San Jose, tôi có nói với anh đại khái như sau : “Qua những bài viết của anh, tôi nhận thấy là tác giả đã tìm thấy một con đường xây dựng xã hội theo chiều hướng rất tiến bộ và tích cực – và rõ rệt là cái lối viết phê phán xã hội thật cụ thể, dí dỏm mà sâu sắc của NBG đã được đa số bà con ưa chuộng đánh giá cao. Vì thế, tôi khuyên anh bạn trẻ nên tìm cách kéo dài thời gian nghiên cứu học tập bên nước Đức là nơi có nền văn hóa học thuật tư tưởng phát triển vào bậc nhất trên thế giới – để mà bồi dưỡng thêm cho cái vốn liếng sở học của mình hầu nâng cao giá trị trong sáng tác văn học sau này…” Nghe vậy, NBG tỏ vẻ đăm chiêu và tuy anh không nói sẽ quyết định thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận được là có khả năng là anh sẽ tiếp tục ở lại nước Đức để mà học hỏi và luyện tập thêm hầu trau dồi kiến thức và tay nghề viết văn viết báo của mình.

Cũng như đối với nhiều blogger khác, nhà cầm quyền cộng sản Hanoi đã mở cả một chiến dịch bôi nhọ NBG, đưa ra những “tiền án, tiền sự” của một dân “giang hồ bụi đời” như anh – nhằm hạ uy tín của con người đang được số đông quần chúng ưa chuộng theo dõi các bài viết được phổ biến rộng rãi trên internet. Nhưng bà con ta vẫn có lòng bao dung thông cảm, xuất phát từ lời khuyên dậy trong đạo Phật rằng : “người đồ tể buông đao thì lập tức trở thành Phật”. Mà Bùi Thanh Hiếu đã dứt khóat từ bỏ giới “giang hồ lưu manh bụi đời” từ nhiều năm nay rồi – vì thế không một con người lương thiện nào mà lại cứ đi moi móc cái quá khứ đã bị chôn vùi đó của anh nữa. Do đó mà chẳng còn ai đếm xỉa đến những chuyện thêu dệt tung hỏa mù của cái đám “dư luận viên” tay sai của công an cộng sản nữa đâu.

* Tóm tắt lại, chỉ với hai nhân vật điển hình là “Nguyễn Hiến Lê và Người Buôn Gió” của Ngõ Phất Lộc ở Hanoi, thì khu vực Xã hội Dân sự của nước ta rõ ràng đã tạo ra được một thành tích thật nổi bật quý báu cho công cuộc xây dựng xã hội liên tục từ thế kỷ XX qua thế kỷ XXI hiện nay vậy./

Thành phố Westminster California, ngày 9 tháng Sáu 2014

Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

48 Phản hồi cho “Ngõ Phất Lộc: Từ Nguyễn Hiến Lê đến Người Buôn Gió”

  1. NHL đứng núi này trông núi kia says:

    Nguyễn Hiến Lê là một tác giả của hơn một trăm cuốn sách, một nhà biên khảo có nhiều công trình to lớn, một dịch giả chuyển ngữ được những tinh túy văn chương ra Việt ngữ, một học giả được nhiều nể trọng của văn giới.

    Tác giả Nguyễn Ngu Ý trong ‘Sống và Viết“ đã có nhận định về Nguyễn Hiến Lê:

    “Trong làng văn nước nhà, chưa có tác giả nào viết, dịch đều và có sách xuất bản nhiều như anh”.
    Sống ở miền Nam nhưng lòng Nguyễn Hiến Lê lại hướng về miền Bắc. Trong hồi ký, ông viết :

    “Cho tới năm 1974 tôi đã được biết ba xã hội : xã hội nông nghiệp của ông cha chúng ta, xã hội tư bản của Tây phương do ảnh hưởng của Pháp và vài nét xã hội tiêu thụ (societé de consommation) ở thời hậu kỹ nghệ (post-industriel) của Mỹ. Từ năm 1975 tôi lại được biết thêm một xã hội nữa mà người ta gọi là xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa.

    Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với Cộng Sản, ghét thực dân Pháp, Mỹ, nhất là từ 1965 khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mỹ. Tôi phục tinh thần hy sinh có kỷ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp..”
    Nguyễn Hiến Lê đã viết thẳng thắn ra như vậy. Ông vẫn còn bị chiêu bài kháng chiến chống thực dân lôi cuốn mà không nhìn ra cái nguyên do của cuộc chiến ủy nhiệm của các thế lực cường quốc trên thế giới gây ra cuộc nội chiến tương tàn nối da xáo thịt.

    Một hành động chống đối bất hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà là ông đã từ chối Giải Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn học Nghệ Thuật năm 1973 của Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa. Cũng như trước đó ông đã từ chối Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1967 khi ông được giải cùng với ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn.

    Trước 1975, Nguyễn Hiến Lê hy vọng rằng sau hiệp ước Paris sẽ có hòa bình và sẽ có chính phủ ba thành phần. Nhưng, từ sau năm 1975, sau khi đã sống với chế độ Cộng sản, Nguyễn Hiến Lê nhận ra được sự thực, và trong cuốn hồi ký đã dành ra một phần khá quan trọng nhận xét về thực trạng xã hội Việt Nam.

    Năm 1981, Nguyễn Hiến Lê viết xong bộ hồi ký. Ở hải ngoại, nhà xuất bản Văn Nghệ của ông từ mẫn Võ Thắng Tiết in ra làm ba tập. Tập 1 xuất bản năm 1990, tập 2 xuất bản năm 1990, và tập 3 xuất bản năm 1988.

    Đọc Hồi ký Tập 3 của Nguyễn Hiến Lê, người ta có cảm giác như đang đọc một bản cáo trạng buộc tội chế độ Cộng sản một cách rất nặng nề. Trong hơn 200 trang giấy, ông viết thật chân thành, nêu lên những sự thực và gửi theo những nỗi niềm đau lòng của một người đã thức tỉnh dù hơi muộn màng. Dù được kể vào hạng “ nhà văn tiến bộ”, và được chế độ Cộng sản dành cho nhiều ưu đãi cũng như mời mọc để tham dự các buổi lễ cũng như các sinh hoạt văn hóa nhưng ông tránh né và luôn luôn làm người đứng ngoài.

    Hãy đọc thử vài đoạn ông viết :

    ”Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam.Trước ngày 30 – 4 -1975, miền Nam rất chia rẽ, nhiều giáo phái đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc.., cả về đạo đức nữa, vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham ( tôi nói số đông), ít chịu làm cái công việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói tới người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau …….”

    hoặc “Tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng miền Nam theo chế độ dân chủ, trung lập, rồi một năm sau đã thống nhất quốc gia, hủy bỏ chế độ đó, bắt miền Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa như miền Bắc; báo chí, các đài phát thanh chỉ thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính các cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng báo chí nói láo hết, như vậy làm sao dân tin chính quyền được..”

    Và rất nhiều những đoạn tương tự như thế trong tập hồi ký.

    ( Ngưng trích)

    • vb says:

      Thêm vài đoạn “tương tự” :

      “Tháng 5/1975 có ÍT NHẤT 90% người miền Nam HƯỚNG VỀ MIỀN BẮC, MANG ƠN MIỀN BẮC ĐÃ ĐUỔI ĐƯỢC MỸ ĐI, LẬP LẠI HOÀ BÌNH” !!!

      “Tương tự” nữa nhé:

      ” Đại đa số người trong Nam ghét Mỹ, ghét văn minh Mỹ, có thể nói gia đình nào cũng có người có cảm tình với “kháng chiến”, giúp “kháng chiến” cách này hay cách khác”
      ( Thời chống Mỹ mà vẫn còn “kháng chiến”- nghĩa là CS vẫn…yêu nước ?)

      Tiếp “tương tự” này:

      ” Đi lính cho miền Nam không phải là để bảo vệ tự do hay tổ quốc gì cả, mà chỉ để ĐỠ ĐẠN CHO MỸ”!
      (Hàng triệu binh lính miền Nam đâu rồi mà để cho ông học giả nhục mạ thế?)

      Này thì “tương tự” này:

      ” Ông Hồ Chí Minh RẤT SÁNG SUỐT, từ 1962 đã thấy sự thống nhất VN KHÔNG CÓ LỢI CHO MIỀN BẮC, mà gây rất nhiều khó khăn, CHỈ TẠO THÊM GÁNH NẶNG cho miền Bắc. Nếu ông Hồ còn sống thì chắc Ông để cho miền Nam TRUNG LẬP…”
      ( hehehe, ông Hồ làm sao SÁNG SUỐT bằng ông “học giả”!)

      Mả bà cái thứ “tương tự” nữa:

      Xin mời nghe ngài “học thiệt” kết luận về người miền Nam qua biến cố Tết Mậu Thân:

      ” Khắp thế giới ngạc nhiên và phục VC tổ chức cách nào mà c/p miền Nam không hay biết, họ đã lén chở vũ khí, đưa cán bộ vào SG, Huế…CHẮC CHẮN DÂN CHÚNG ĐÃ CHE CHỞ HỌ không tố cáo với c/q miền Nam. Trái lại, mỗi cuộc hành quân dù lớn dù nhỏ cuả miền Nam họ(vc) đều biết trước để kịp thời đối phó. NỘI ĐIỀU ĐÓ THÔI CŨNG ĐỂ THẾ GIỚI BIẾT HỌ, ĐƯỢC LÒNG DÂN MIỀN NAM RA SAO!”.

      Hehehe, trí thức, học giả hay “con”…dư LỢN viên?

      (Bà con nào muốn nghe tiếp không?)!!!

  2. NGÀN TRÙNG says:

    NHÂN TỐ CON NGƯỜI

    Mỗi cá nhân con người trong mọi trường hợp đều luôn là nhân tố của xã hội, tạo nên xã hội nói chung. Chính thành phần chất lượng hay phẩm chất của cá nhân góp phần vào chất lượng hay phẩm chất của toàn xã hội. Nhưng chính số lượng hay số đông của chất lượng mới là ý nghĩa quan trọng nhất. Vài con én khó làm thành mùa xuân là thế. Một xã hội nếu phần lớn chỉ là bần cố nông cũng khó mà tạo nên xã hội phát triển. Bất cứ chất lượng của tập thể nào cũng do chất lượng của số đông thành phần tạo nên nó là lẽ đương nhiên.
    Còn nói về ý nghĩa hay thước đo của mỗi cá nhân luôn tính đến : nhận thức, năng lực, bản chất, và ý thức hay đạo đức. Nhận thức là trình độ hiểu biết, do học vấn, do kết quả rèn luyện, đào tạo về mặt giáo dục nói chung. Năng lực là năng khiếu, hay khả năng bẩm sinh nào đó, có thể không ai giống ai, có khi sai số rất nhỏ giữa các cá nhân với nhau, nhưng nó lại phân biệt tính hiệu quả khác nhau giữa người này và người khác. Nói bẩm sinh nhưng nền tảng quyết định vẫn do đào tạo, rèn luyện mới phát huy đầy đủ. Không thầy đố mày làm nên, không học thì cũng chỉ ngu dốt khó bề mà tạo nên kết quả được, đó là yêu cầu của việc đào tạo, của quá trình trau luyện. Nhưng nói gì thì nói, sự di truyền về gien qua các thế hệ, hay do sự đột biến nào đó nhờ chọn lọc tự nhiên, nhờ hoàn cảnh tác động, nhờ ngẫu nhiên, đó là điều không thể nào phủ nhận. Cũng chỉ là chuyện con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nói tóm trong cuộc đời không có điều gì từ trời rơi xuống cả mà đều có mọi nguyên nhân và ý nghĩa khách quan của nó hết.
    Do vậy quan niệm đấu tranh giai cấp của Mác chỉ là quan niệm mê hoặc, nhảm nhí, mê tín, vì giai cấp chỉ là khái niệm mơ hồ, nó chỉ là sự khái quát hóa hoàn cảnh con người trong các tương quan xã hội nào đó tạo ra trong những điều kiện cụ thể nhất định mà thôi. Nghĩ tới một xã hội không giai cấp chỉ là sự phỉnh gạt hay sự ngu dốt của Các Mác. Bởi hoàn cảnh kinh tế chỉ là một hiện tượng biến động luôn thay đổi qua không gian, thời gian, lịch sử, không phải một cơ chế bất biến, một cấu trúc xác định vĩnh cửu nào đó cả. Các Mác thực chất chỉ là một tay tưởng tượng điên loạn, càn dở, phi thực tế, phản khoa học, cho dù làm ra bộ thực tế, khoa học. Bởi vậy quan niệm đề cao ba đời bần cố nông đích thực là quan niệm dốt nát, phản tiến hóa, phản phát triển, phản xã hội, vì nó đi ngược lại mọi yêu cầu phát triển, vì nó chỉ mang chất phá hoại và kéo ngược lịch sử xã hội lại. Những sự đấu tố dã man phi nhân bản trong cải cách ruộng đất chỉ nói lên bản năng dã thú trong con người. Vì mọi điều gì cá nhân làm là do điều kiện xã hội tạo thành, không hoàn toàn hay tuyệt đối do họ chủ động mà được. Nên lỗi là lỗi của xã hội đã qua trong quá khứ, không phải lỗi hoàn toàn do chính cá nhân của họ. Bởi vậy trả thù họ trong hiện tại chỉ là bản năng ăn thịt sống trỗi dậy, lấy lý lịch ba đời ra mà quản lý xã hội cũng chỉ nói lên sự ngu dốt, sự thấp kém, sự tàn bạo và kể cả sự ngu xuẩn.
    Trong bài viết cho thấy ông Nguyễn Hiến Lê là người có hiểu biết văn chương chữ nghĩa, nhưng cũng chỉ trong vòng trực quan, cảm tính, không đạt đến nhận thức khoa học đúng mức, sâu xa, nên có thể bị tuyên truyền hay sự cảm quan nhất thời, đặc thù nào đó đánh lừa. Do vậy chỉ sau khi có kinh nghiệm hoàn toàn ngược lại thì mới sáng ra mọi ý nghĩa cần thiết. Trường hợp như Nguyễn Hiến Lê là trường hợp khá phổ biến toàn trong xã hội mien Nam cũ. Đó cũng là điều rất đáng nên nói tới.
    Trong khi đó trường hợp của Người Buôn Gió hay Bùi Thanh Hiếu là trường hợp rất đáng trân trọng. Đó chính là ý nghĩa của việc buông đao thành Phật như trong kinh Phật có nói. Đó chính là ý nghĩa của đóa hoa sen vẫn có thể mọc lên từ trong bùn. Nó nói lên ý nghĩa giai cấp không phải là điều quyết định mà chính nhân tố con người trong giai cấp mới là quyết định. Chẳng phải giai cấp giàu mới tốt hay giai cấp nghèo mới tốt, chỉ có người xấu hay người tốt trong giai cấp mà thôi. Ý nghĩa nhân văn chính là như thế. Và không phải tiêu diệt giai cấp là xóa vĩnh viễn được giai cấp như sự ngu xuẩn của Mác. Bởi vì cánh rừng không phải là bải rong rêu. Cho nên có phạt nhẵn cánh rừng thì nó vẫn mọc lại như cũ, loài nào ra loài đó. Vấn đề cải thiện rừng là làm cho nó trật tự, thong thoáng, không phải diệt đi hết mọi cái cũ để trồng nên mọi cái mới. Đó chỉ toàn rừng cây so đũa để thay cho rừng gỗ quý đã có từ hàng ngàn năm. Cái ngu ngốc hay sự điên loạn của học thuyết của Mác quả chẳng khác gì như thế. Cho nên chỉ lấy câu chuyện Ngõ Phất Lộc thôi cũng đủ nói lên vấn đề muôn đời hay một khía cạnh riêng của toàn cảnh xã hội. Chính sự sai trái, sự ngược ngạo về nguyên lý khách quan, cộng vào với mọi sự tuyền truyền lấy được, chủ quan, mọi sự nô lệ mà không cần nhận thức sang suốt hay không có khả năng nhận thức sáng suốt đó chính là đàu mối của mọi sự tàn phá và hủy hoại xã hội.

    PHIẾM NGÀN
    (12/6/14)

    • Nguoi quan sat says:

      Tuyệt ! Phân tích quá rõ ràng, minh bạch đầy sức thuyết phục. Xin cảm ơn Ngàn Trùng !

  3. Trực Ngôn says:

    Sự chuyển biến về nhận thức chính trị của “kẻ bụi đời” NBG (Bùi Thanh Hiếu) hoàn toàn khác hẳn với “trí thức” Nguyễn Hiến Lê, theo nhận xét của tôi, Nguyễn Hiến Lê kém xa NBG một trời một vực.

    Tại sao ư?

    Nguyễn Hiến Lê tốt nghiệp lớp Cán sự Công chánh, là công chức, là nhà giáo sống ở miền Nam, được thở không khí trong lành dưới bầu trời tự do dân chủ của chế độ VNCH, vậy mà vẫn “có thiện cảm với chế độ của Việt minh ở ngòai Bắc hơn! (trí thức sống trong ảo mộng, mơ màng)?

    Ông (Lê) chê bai giới lãnh đạo miền Nam “vì chuyện tham nhũng thối nát mà lại tỏ ra quá lệ thuộc vào người Pháp và nhất là vào người Mỹ” (sic). Nhưng ông lại không biết rằng CSVN không chỉ lệ thuộc mà còn là tay sai của Nga-Tầu, bán nước cho TQ, tàn bạo dã man, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy, thối nát hơn miền Nam cả trăm lần!

    Còn NBG xuất thân từ giới bụi đời, đâm thuê chém mướn, sống trong ngục tù CSVN, bị nhồi sọ và bị che tai bịt mắt. Nhưng ông đã giác ngộ, chuyển biến dứt khóat về ý thức chính trị vào lúc đứa con đầu lòng của mình được sinh ra đời khi nhìn ra bộ mặt thật của chế độ CSVN khiến ông đã thức tỉnh, trở nên một Blogger nổi tiếng mà ngay cả tác giả Đoàn Thanh Liêm lẫn bạn đọc đều phải ngưỡng mộ!

    Chuyển biến chính trị theo chiều hướng tốt của Người Buôn Gió, Tạ Phong Tần, Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Bùi Tín, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Vi Đức Hồi, Trần Anh Kim và hàng ngàn người khác nữa là một tín hiệu tốt cho quê hương VN, vì dân trí đang được nâng cao?

  4. Trần Quang Thái says:

    Kính chào ông Đoàn Thanh Liêm

    Tôi đã đọc đâu đó một vài bài của tác giả Đoàn Thanh Liêm nhưng không biết có phải của Ông hay chỉ là trùng tên. Sau khi đọc bài viết này (Ngõ Phất Lộc: Từ Nguyễn Hiến Lê đến Người Buôn Gió) tôi vào Google để tìm hiểu rõ về Ông hơn thì thấy có nhiều tên Đoàn Thanh Liêm, và có cả LS Đoàn Thanh Liêm nữa.

    Nhưng tôi đoán chừng bài viết trên Dân Luận Đoàn Thanh Liêm – Căn bệnh “Kiêu ngạo cộng sản” (The Communist Arrogance) là của Ông?

    Đọc bài viết của Ông, tôi tiếc cho cụ Nguyễn Hiến Lê một nhà giáo và là một trí thức mà lại ngu ngơ về CS đến thế, sống ở miền Nam mà vẫn “mơ” về thiên đường CS ở miền Bắc! Không những thế “lời khuyên” của cụ Lê như dưới đây thì thật là đáng tiếc;

    Trích: “Lần khác, cụ Lê còn nói với tôi: “Tôi thật lấy làm tiếc cho thế hệ của những người trí thức như ông đang vào lứa tuổi 45 – 50 với cái sở học chuyên môn vững chắc và kinh nghiệm họat động thực tiễn đã nhiều năm – mà lúc này không có đất dụng võ, không hề được chánh quyền cho phép làm một công việc nào cho xứng đáng với tài năng và thiện chí của mình. Đó là điều thiệt thòi không những cho từng người, mà còn là sự phí phạm cho cả tòan thể quốc gia nữa. Vì thế, tôi thành thật có lời khuyên ông là nếu có thân nhân ở nước ngòai bảo lãnh cho việc xuất ngọai định cư, thì ông nên đem cả gia đình đi ra khỏi cái xứ sở tồi tệ này, để mà có chỗ thi thố tài năng kiến thức của bản thân mình và nhất là để cho lũ con lũ cháu có được một tương lai tươi sáng bảo đảm tốt đẹp hơn …

    Có lẽ Ông sẽ hỏi tôi, “sao lại đáng tiếc ?”. Xin lỗi, tời giờ làm việc rồi, sẽ viết tiếp khi có thời giờ (mong Ông và bạn đọc thông cảm) còn tiếp………

    • Phạm Quang Thái says:

      tiếp theo…..

      Trong khi Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu ngoi lên từ “nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp… Nhưng mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế, thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngòai, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy” trong xã hội CSVN để trở thành một người tử tế, thành một Blogger nổi tiếng, cảnh giác xã hội về những điều, tiêu cực, xấu xa do chế độ XHCN gây ra, khiến cho không chỉ CSVN phải lo sợ, “kiêng nể”, mà còn được nhiều người (không cộng sản) quý mến, thì ngược lại;

      Nguyễn Hiến Lê là một “trí thức”, thay vì khuyến khích người khác phải cố gắng ngoi lên, đóng góp công sức, tài năng làm đẹp xã hội, thì lại đi khuyên ông Đoàn Thanh Liêm (?)

      tôi thành thật có lời khuyên ông là nếu có thân nhân ở nước ngòai bảo lãnh cho việc xuất ngọai định cư, thì ông nên đem cả gia đình đi ra khỏi cái xứ sở tồi tệ này, để mà có chỗ thi thố tài năng kiến thức của bản thân mình và nhất là để cho lũ con lũ cháu có được một tương lai tươi sáng bảo đảm tốt đẹp hơn …“!

      Một con người như thế mà vẫn có nhiều ca ngợi ông NHL là “nhân cách lớn” nghe mà phát oải!

      Nhiều cho rằng Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tường Tam và thành phần thứ ba đều là những trí ngủ, đóng góp công sức xây dựng xã hội cũng nhiều, mà phá hoại, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho CSVN và gây nhiễm xạ tư tưởng xấu trong dân chúng chống lại chính quyền miền Nam cũng không phải là ít!

  5. Sigma says:

    “Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăm sóc cho vợ con tôi…Nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi, thì tôi cứ đưa tiền ra…
    Tôi từng cầm dao tôi đi chém người ta để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng hòang nhận ra là có khi họ cũng giống như mình… Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có khi còn xuất sắc hơn tôi!…
    Nghĩ thêm, thì thầy giáo, rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế…”

    Tài thật đúng là “Giời sinh”
    M. Khối thằng học hành lắm vào mà trong đầu toàn “cứt”

    ***
    Cảm ơn Bác Đoàn Thanh Liêm

  6. dai nguyen says:

    I agreed with Van Quang on this issue. Please be brave Bac Tin va anh Vu

  7. Đăng Trình says:

    Hãy để ý rằng một số người như cô Huỳnh Thục Vy ,Nguyễn Hoàng Vy,…được trao các giải thưởng quốc tế về các mặt hoạt động xã hội nhưng lại bị nhà nước cấm xuất cảnh,trong khi lúc đầu ông Gió cũng bị cấm xuất cảnh,tịch thu hộ chiếu (ông kể ông phản ứng trước các quyế dịnh này-xem lại các bài viết của ông trích đăng trên ĐVC ,DLB,DL) nhưng thời gian sau lại được đích thân giám đốc công an Hà Nội trao hộ chiếu tận tay với lời nhắn nhũ tiến cử !(cũng theo lời ông kể đăng trên ĐCV)…Dĩ nhiên không phải quá khứ đầu trộm đuôi cướp luồn lách mánh mun tính toán rồi suốt đời vẫn như vậy ,hoặc thậm chí người ta vẫn có thể dựa vào kinh nghiệm lõi đời từ cuộc đời có quá khứ đầy biến động để tính toán từng bước luồn lách đi lên để sống,hoặc tướng tá dân giang hồ,chơi xì ke buôn ma túy không có nghĩa là lòng sẽ không thể nào thành người tốt,…Tuy nhiên ở đây khi nói về viết để đấu tranh cải cách xã hội,có nghĩa là xã hội xấu do cách cai trị ngu xuẩn ,bán nước do cộng sản gây ra thì phải nhìn ra chân tướng mọi vấn đề là từ Hồ chí Minh,một kẻ làm đất nước từ từ lụn bại,làm một bộ phận dân điên điên khùng khùng(do mãi nhắm mắt ,do bị buộc hay vô tình tự nguyện bắt chước vì bách mắt sinh ra đã nghe ,thấy”lãnh tụ vĩ đại”,ca ngợi tâng bốc trời xanh kẻ thật sự làm hại đất nước bằng cách này hay cách khác) chứ không né tránh,lại càng không thể dùng chữ “vĩ nhân” để nói về Hồ,mà nhìn mặt quái dị đã biết ngay tính tình, như ông Gió đã từng viết trong một số bài đã đăng -coi lại ĐCV trước đây(chắc chỉ do tình đồng hương Nghệ An chăng ?!).Ở đây không có ý xâu ghim lại các bài tranh cãi tố cáo qua lại giữa ông Gió và một số bloggers khác(Mẹ Nấm) đăng trên ĐCV,DLB,…trước đây và cũng chấp nhận phong cách viết nhè nhẹ, móc lò chung chung trong kiểu trong ĐVCD bởi mỗi người mổi phong cách riêng và đây là phong cách của ông Gió.Tuy nhiên nếu thật sự muốn cải cách xã hội để vì tương lai cho con cháu(nghĩ chuyện lớn) thì nên dứt khoát bỏ tánh thủ đoạn cơ hội bởi cộng sản hay gài khoản cơ hội kèm bổng lộc để đổi lại điều gì đó và phải nhận ra chân dạng của vấn đề ,còn nếu không rốt cuộc cũng sống lê kiếp để rồi chết

  8. nguenha says:

    Câu chuyện của Ông DTL làm tôi nhớ đến một Nhân -cách-lớn của nền văn học nước nhà : đó là nhà thơ Hửu Loan. Nhiều lần HCM mời nhà thơ ra cộng tác,nhưng Ông đả từ chối. Nhà thơ đả nói với Vợ
    như sau : ” Mình và các con chịu khó,nếu tôi nhận lời “Nó’, thì gia đình chắc hẳn là sung sướng. Nhưng tiếng để đời “. Củng từ đó, sau vụ nhân văn giai phẩm, cuộc đời Ông bị bầm dập ,làm nghề đập đá cho đến khi chết. Mặc dù Ông đổ Tú tài Tây vào cái thời,mà đa phần chỉ học đến yếu lược ,như HCM,là bỏ cuôc.

    • Tudo.com says:

      Đúng đó, đúng đó nguenha.
      Anh hùng là ở chổ đó, nhân cách là ở chổ đó! Phải dứt khoát.

      Chứ lờ mờ, lập lờ là gian hùng, chứ đã có học mà không thấy không hiểu còn viện lẻ lòng vòng là thuộc nhân. . .bánh bao!

  9. vybui says:

    Xin có vài lời với ông Đoàn Thanh Liêm và những người vẫn bị “hào quang” về các trước tác văn học, nghiên cứu …mà bỏ qua những ấu trĩ, định kiến cuả ông Nguyễn Hiến Lê về các lãnh vực chính trị, xã hội.

    1) Ông Nguyễn Hiến Lê thiếu tin tức hay ông có sẵn định kiến(tốt) với “những người kháng chiến cũ” (chữ ông Lê dùng để mập mờ đánh lận thay vì dùng cho chính xác là những người CS) mà bỏ qua các biến cố xảy ra dưới chế độ CS ở miền Bắc:
    *** Cuộc nổi dậy vô cùng bi tráng cuả đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956.
    ***Cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất ở miền Bắc gây ra những tác hại trên mọi mặt cho xã hội VN.
    ***Cuộc đàn áp Văn Nghệ Sỉ trong phong trào Nhân Văn&Giai Phẩm, những “đồng nghiệp” cuả ông Lê.
    Ông NHL không biết gì về những “biến cố’ đó hay vì sẵn có “hảo ý” với “ngững người kháng chiến cũ” mà tự bịt mắt?

    2) Chỉ sau khi được những người bạn từ miền Bắc vào nói về những cái xấu xa cuả chế độ CS, chỉ sau khi đã sống vài năm trong chế độ CS ở VN, ông mới nhận ra bản chất cuả những con người CS, (những người “kháng chiến cũ”), thế còn bao nhiêu những việc xảy ra trên thế giới ở Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, CM Văn Hoá ở Trung Hoa v.v… thì không cần đếm xiả, thế thì “trí thức”, “học giả” ở chỗ nào? Rồi, sau đó đã bao giờ ông có những lời “công đạo” cho các chính thể miền Nam mà ông hết lời ruả xả? Ông đã làm gì để cho các thề hệ sau, những người coi ông như ngọn hải đăng, hiểu lịch sử một cách đúng đắn như nó diễn ra?

    Tôn trọng những đóng góp về văn học, khảo cứu, nhưng không nên bỏ qua những thiếu sót, những thiên kiến xấu tốt lẫn lộn, những ấu trĩ về chính trị cuả ông.

    Có nên tiếp tục xưng tụng ông như một HỌC GIẢ, một khuôn mặt TRÍ THỨC mẫu mực?

    • Việt Tiến says:

      Bạn vybui đã đọc tác phẩm nào của ông Nguyễn Hiến Lê chưa mà lại có nhận xét như vậy?

  10. Văn Quang says:

    Thật tình thì tôi thấy sự “tỉnh ngộ” của Nguyễn Hiến Lê cũng như Người Buôn Gió có một điểm chung: cả hai đều không được chế độ VC ưu đãi, bị bỏ quên và có khi bị ngược đãi nữa là đàng khác!

    Do đó, tôi cảm thấy quí mến vô cùng cái nhân cách của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ và bác Bùi Tín. Họ mới là những người làm theo gương những kẻ sĩ chân chính nước ta xưa nay. Bổng lộc đầy mình, thành tích cha ông để lại, ăn mấy đời không hết, nhưng họ vẫn nhất mực rũ áo từ quan vì thấy không thể tiếp tục phục vụ cho những kẻ lãnh đạo bất xứng, bất tài, bất nhân, bất nghĩa !

    Xin TS Cù Huy Hà Vũ và Bác Bùi Tín đừng để tai đến những lời xuên tạc và bôi nhọ của một vài cá nhân trên mang. Chúng chỉ là thiểu số vài DLV bồi bút hoặc những kẻ thiển cận,hẹp hòi!

    • ABC says:

      Anh nhận xét sai rồi! Học giả Nguyễn hiến Lê là một nhân cách quá lớn, ông sống như một người quân tử đúng nghĩa :”Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, dù là trước hay sau 1975, nếu bảo ông vì không được chế độ CS ưu đãi ( nên quay sang nói xấu), đó là một sự dèm pha đáng bị lên án.
      Còn NBG, nếu anh ta gật đầu, thì ông tướng giám đốc sở công an Hà Nội đã cất nhắc anh ta vào làm việc ở một chổ chỉ dành cho quí tộc- với điều kiện anh ta phải bỏ cái việc chửi khéo chế độ- nhưng anh ta đã từ chối !
      Tóm lại, anh sai ngay từ đầu rồi, Văn Quang ạ !

      • Văn Quang says:

        Cám ơn bác. Tôi chỉ nói đúng với tâm tư của chính mình, không đại diện cho ai và cũng không bắt ai phải đồng í với mình cả.

      • Tien Ngu says:

        Thưa,

        Những anh nhân cách…lớn, mà…mắt hí, thì mang hại đến cho dân tộc càng nhiều…

        Ngày nay, ai có ngu như….Tiên Ngu, cũng nhận ra rằng cái thãm hoạ cs mang đến cho dân tộc VN về mọi mặt, là…kinh hoàng nhất trong lịch sử của loài người Việt Nam.

        Các anh…mắt hí năm xưa, có danh có vọng, chửi bới các chế độ VNCH, mang lại ảnh hưỡng rất lớn trong lòng fans của các ảnh.

        Nguyễn hiến Lê, Sơn Nam, Ớt, Kim Cương, Trinh công Sơn, Dương quỳnh Hoa, Lý quí Chung, Ngô bá Thành…

        Fans của các…danh vọng, nhân cách này, có thể nói là trên..triệu người. Triệu người này cũng trỡ thành…mắt hí trước cái hoạ cộng sản, vì lây cái ghét chế độ VNCH của các danh vọng mắt hí, ra mặt chống đố, vô tình tiếp tay cho cs thanh toán sự tự do của dân tộc. Dốt, láo, ác có dịp lớn để tung hoành…

        Và nhân cách người Việt Nam…xuống cấp. Đây là cái hoạ lớn nhất hơn cả các cái hoạ lệ thuộc Tàu Cộng, mất đất đai biển đảo.

        Xưa mất nước về tay Tàu, Tây lâu thật lâu, nhưng nhân cách của người VN chưa hề xuống cấp theo diện rộng như dưới thời giặc Cộng…

        Xã hội VNCH, dưới sự tấn công phá hoại hàng ngày cùa giặc Cộng, không có khuyết điểm từ trên xuống dưới, mới là chuyện lạ. Các…mắt hí không thấy, chỉ thấy Diệm Thiệu…tồi tệ, hành xử kém…văn minh. Kết luận VNCH…xấu!…

        Cộng có sự…tiếp viện của các loại mắt hí này, mừng rơn. Một vẽ thêm…mười.

        Lũ Giáo điếm ngày nay cũng thế, từng niều lần tung Nguyễn hiến Lê ra kê tủ đứng vào họng các…con chiên. Với các em ngây thơ, đòn này vô cùng…hiệu quả, độc hại.
        Thông Luận cùng….thầy lang mắt hí, y chang,lắm phen mang nhân sỉ, nhân cách miền Nam, làm thuốc súng bắn…Tiên Ngu, chửi bới Diệm Thiệu…

        Thiệt…chán mớ đời.

        Tuy nhiên, nhân cách Nguyễn hiến Lê, theo lời tác giả, về già cũng đã biết…ngậm ngùi. Đáng được tha thứ..
        (Tuy còn thiếu miền Nam tự do một lời xin lỗi trước khi đi tìm bác, thanh toán nợ nần…)

      • Dân Quê VN says:

        ABC says: “Còn NBG, nếu anh ta gật đầu, thì ông tướng giám đốc sở công an Hà Nội đã cất nhắc anh ta vào làm việc ở một chổ chỉ dành cho quí tộc- với điều kiện anh ta phải bỏ cái việc chửi khéo chế độ- nhưng anh ta đã từ chối !”

        Như vậy thì NBG cũng là một nhân cách lớn, sống như một người quân tử đúng nghĩa?

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Vậy là một thằng Dân bị ngược đãi bất công có đấu tranh cho lắm cũng không bằng một ông quan bỏ áo xoay lưng ….

      Quá dữ, hết y’ kiến luôn !

      • Thẳng Ruột Ngựa says:

        Cây lớn thì tàn của nó phải lớn, tỏa bóng mát hơn.
        Còn cây nhỏ thì tàn lá của nó cũng nhỏ!

        Con voi kéo gỗ lớn, con bò kéo xe
        Con chó giữ nhà, mỗi con mỗi việc.

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Ui da , làm bộ tài khôn Ly’ Luận bậy không à

        Người KHÔNG PHẢI là cây , là voi , là chó để rồi so sánh như thế

        Giá trị & hữu dụng của mổi con người ngang nhau, bình đẳng, nhất là trong lãnh vực chính trị cách mạng.

        Hơn nhau chỉ là tấm lòng & quyết tâm

Leave a Reply to NGÀN TRÙNG