WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tìm con đường mới để cứu nước: Giai đoạn đầu tiên

Đoàn Viết Hoạt

Vào đầu thế kỷ 20, trong khi toàn bộ Việt Nam đã hoàn toàn nằm dưới sự đô hộ của người Pháp, phong trào đấu tranh giành độc lập chuyển hướng, từ bỏ những phương pháp thuần túy quân sự của Phan Đình Phùng, Đề Thám. Những biến chuyển tại Nhật bản và Trung Hoa đã tác động đến sự suy nghĩ của nhiều trí thức yêu nước trong việc tìm kiếm con đường mới để cứu nước giành độc lập.

Cũng vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia phát triển, chứng tỏ qua 2 trận chiến thắng, với Trung Hoa (1894-1895) và với Nga (1904-1905). Trung Hoa cũng đã thực hiện những cải tổ trong văn hóa, giáo dục, bãi bỏ các kỳ thi quan trường cũ, thiết lập hệ thống giáo dục và chương trình giáo dục mới, gửi sinh viên du học Nhật Bản và Âu Mỹ, mở đại học theo mô hình của đại học Tokyo – trường đại học loại này, đến đầu thế kỷ 20, đã hoạt động được hơn 3 thập niên, với 5 ngành học, luật, khoa học, văn học, y khoa và sư phạm. Đến 1900, tại Nhật bản đã có 2 viện đại học hoàng gia và hơn 10 trường đại học tư trên toàn quốc.

Tại Trung Hoa cũng đã xuất hiện những cuộc vận động chính trị và cách mạng theo hai đường hướng, cải cách chế độ quân chủ thành chế độ quân chủ lập hiến, và cách mạng triệt để nhằm lật độ chế độ quân chủ để xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa. Đến năm 1911, với cuộc cách mạng Tân Hợi, con đường thứ hai đã thành công.

Những biến chuyển quan trọng đó về văn hóa, giáo dục và chính trị tại Nhật Bản và Trung Hoa đã gây phấn chấn cho giới trí thức yêu nước Việt Nam trên đường tìm phương thức đấu tranh mới chống lại sự đô hộ của người Pháp. Các sĩ phu-trí thức yêu nước đều đồng ý là không thể tiếp tục cuộc đấu tranh thuần vũ trang chống Pháp như Phan Đình Phùng, Đề Thám. Họ đều thấy cần phải tìm một con đường mới thích hợp hơn, con đường vừa giúp canh tân đất nước vừa tạo được sức mạnh mới để giành độc lập cho dân tộc.

Phan Bội Châu (ngồi) và Cường Để

Phan Bội Châu (ngồi) và Cường Để

Người đi tiên phong trong cuộc vận động văn hóa chính trị mới này là Phan Bội Châu. Ông ra đời năm 1867, đúng vào lúc 1/3 đất nước bị người Pháp chiếm đóng. Bẩy tuổi học hết Luận ngữ của Khổng Tử, ông tự mình biên soạn “Phan Bội Châu Luận Ngữ” tỏ rõ thiên tư và ý chí sáng tạo của mình. Năm 17 tuổi ông đã viết truyền đơn chống Pháp, tham gia vào các phong trào cần vương và văn thân do triều đình và các sĩ phu yêu nước phát động. Như Khang Hữu Vi bên Trung quốc, Phan Bội Châu hiểu rằng để có uy tín trong cuộc vận động chính trị ông cần đậu cao trong các kỳ thi Hán học lúc đó hãy còn vị trí quan trọng trong giới sĩ phu Bắc kỳ và Trung kỳ. Sau nhiều năm trắc trở do các nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn, năm 1900 ông đậu Giải Nguyên nhưng không ra làm quan mà chu du khắp nơi để tìm người đồng chí hướng gây dựng công cuộc kháng Pháp.

Ông dùng văn thơ chữ Hán kêu gọi tinh thần yêu nước của sĩ phu. Trong giai đoạn đầu của cuộc vận động chính trị, ông đưa ra 3 mục tiêu: soi sáng nhân tâm, tăng cường tinh thần và phát triển khả năng của người dân. Năm 1904 ông cùng khoảng 20 người đồng chí hướng thành lập Duy Tân Hội để thực hiện cuộc vận động văn hóa chính trị này.
Về chính trị, Phan Bội Châu chịu ảnh hưởng của Khang Hữu Vi, chủ trương thiết lập chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật Bản.

Ông tìm gặp Cường Để, cháu đích tôn đời thứ 6 của vua Gia Long, người có thể duy trì tính chính thống lịch sử cho chế độ quân chủ lập hiến khi cuộc vận động của ông thành công. Ông cũng gặp Phan Chu Trinh nhưng quan điểm của hai người khác nhau. Phan Chu Trinh không chấp nhận trở lại chế độ quân chủ, dù là quân chủ lập hiến. Ông chủ trương tập trung canh tân xứ sở trước, đòi hỏi chính quyền thực dân tiến hành các cải cách văn hóa, giáo dục, kể cả chính trị, để mở mang dân trí. Và từ đó thiết lập nền dân chủ và đòi hỏi độc lập.

Trong số những người mà Phan Bội Châu gặp, có lẽ người có ảnh hưởng quyết định nhất cho cuộc vận động của ông trong giai đoạn đầu là Tăng Bạt Hổ, đã từng tham gia phong trào cần vương. Khi các phong trào này thất bại, để tránh không bị Pháp bắt, Tăng Bạt Hổ phải chạy ra nước ngoài và cuối cùng đến Nhật. Ông học nói tiếng Nhật và gia nhập hải quân Nhật. Ông được chính giới Nhật biết đến vì nổi tiếng can trường trong trận chiến Nga-Nhật, do đó thường được mời dự các yến tiệc hoàng gia. Ông thường xuyên yêu cầu chính giới Nhật giúp cho phong trào yêu nước của Việt Nam và đã nhận được lời hứa giúp sinh viên du học tại Nhật. Năm 1904, với lời hứa đó, ông trở về Việt Nam và gặp được Phan Bội Châu. Năm 1905 chính Phan Bội Châu đi Nhật, trực tiếp tiếp xúc với các chính khách Nhật và chính thức nhận được sự ủng hộ cho chương trình gửi thanh niên du học Nhật bản. Ông trở về Việt Nam và Phong trào Đông Du ra đời. Ngay trong tháng 7 năm 1905 ông trở lại Nhật đem theo 3 thanh niên, trong đó có 1 người sau này tiếp tục du học tại Đức. Cũng năm đó thêm 6 thanh niên nữa được gửi đến Nhật du học. Đến năm 1908 đã có 200 du học sinh Việt Nam tại Nhật.

Thời gian đầu của cuộc vận động, Phan Bội Châu còn chủ trương và tập trung vào việc vũ trang lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Khi còn hoạt động ở Nghệ An, ông đã cho người tàng trữ vũ khí để chuẩn bị nổi dậy vũ trang. Ngay khi đã ở Nhật, ông còn viết Hải ngoại huyết thư gửi về nước kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Nhưng rồi ông gặp Lương Khải Siêu, thảo luận về tình hình Trung quốc và Việt Nam, rồi được đọc một số tác phẩm Tây phương, tiếp thu một số quan điểm đấu tranh của Tây phương, trong đó có chủ trương của Giuseppe Mazzini (1805 – 1872), một chính khách nổi tiếng của Ý, về việc phải tiến hành giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng cứu nước đồng thời với việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Từ đó, Phan Bội Châu tập trung vào việc đưa thanh niên sang Nhật học. Ông viết Khuyến Quốc Dân Du Học Thư gửi về nước để vận động tài chánh cho chương trình Đông Du. Thư vận động nêu rõ mục đích của phong trào Đông Du là nhằm đào tạo nhân tài cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập từ tay người Pháp. Dù chưa nói rõ sẽ giành lại độc lập bằng cách nào nhưng ông tin rằng chỉ trong thời gian chưa đầy 10 năm, với một lực lượng nhân lực mạnh hơn và hiểu biết hơn, cuộc vận động chắc chắn sẽ có điều kiện để thành công. Như vậy, đối với Phan Bội Châu, và chắc chắn cũng là quan điểm chung của các sĩ phu yêu nước lúc đó, giáo dục là chìa khóa mở ra cánh cửa độc lập và tự cường, là điều kiện cần có cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mở mang dân trí là chủ trương chung của giới sĩ phu-trí thức yêu nước đầu thế kỷ 20. Con đường đấu tranh mới bắt đầu từ đó.

Trong thời gian ở Nhật, Phan Bội Châu tiếp xúc với những chính khách và học giả nổi tiếng của Nhật, kể cả Thủ tướng đương nhiệm là ông Inukai Tsuyoshi thuộc đảng Tiến Bộ. Những người này đều khuyến khích ông gửi du học sinh sang Nhật. Ông cũng có dịp nghiên cứu các tác phẩm chính trị, xã hội của Tây phương đã được dịch sang chữ Hán. Vốn là người sớm có tư tưởng tiến bộ, ông đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm tập họp nhiều thành phần người Việt yêu nước khác nhau. Một trong những chủ trương tiến bộ này liên quan đến những người công giáo. Người Pháp lúc đó tìm cách chia rẽ lương-giáo, và nhiều người yêu nước không công giáo vẫn nghi ngờ người công giáo theo Pháp. Phan Bội Châu đã viết bài đề cao lòng yêu nước của người theo đạo Gia tô, kêu gọi đoàn kết lương giáo, không kỳ thị và mặc cảm người Gia tô giáo là theo Tây. Trong thực tế nhiều người công giáo yêu nước đã đi theo đường lối của ông và tích cực giúp ông hoạt động.

Song song với phong trào Đông Du, các sĩ phu yêu nước kêu gọi hoặc tự đứng ra mở các trường tư thục miễn phí, gọi là nghĩa thục. Đông Kinh nghĩa thục mở ra năm 1907 tại Hà Nội. Các sĩ phu yêu nước hưởng ứng phong trào nghĩa thục cũng tự động mở các nghĩa thục tại nhiều địa phương, cả trong các thôn làng, dạy quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, và các kiến thức phổ thông.

Phong trào Duy Tân phát triển mạnh không phải chỉ trong giáo dục mà cả trong kinh doanh. Nhiều cửa hàng buôn bán được mở ra, do các sĩ phu, trước đây chỉ biết đi học và dạy học, làm quan, nay theo tinh thần duy tân, chủ động tham gia vào công việc kinh doanh.

Người Pháp lúc đầu còn cho phép các nghĩa thục hoạt động, nhưng sau thấy phong trào nở rộ, lại do nhiều nho sĩ nổi tiếng chủ trương, nên tháng 11 năm 1907 đã ra lệnh đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục sau khi nghĩa thục chỉ mới hoạt động được 8 tháng. Chính quyền thực dân cũng ra lệnh đóng cửa tất cả các nghĩa thục, và cấm mọi hoạt động diễn thuyết nơi công cộng.

Những hoạt động văn hóa giáo dục và xã hội theo hướng canh tân do các sĩ phu yêu nước chủ động thực hiện gần như bị tê liệt tại Bắc và Trung kỳ sau chỉ vài năm tiến hành. Người Pháp muốn triệt tiêu mọi cơ hội để giới sĩ phu, trí thức và thanh niên yêu nước và tiến bộ có thể tập họp, triệt phá mọi manh nha hoạt động mà họ biết chắc mục đích sau cùng là nổi dậy chống lại họ. Chính quyền thực dân muốn chủ động tiến hành các chương trình văn hóa giáo dục và xã hội nhằm củng cố quyền thống trị của họ trên nhân dân Việt Nam.

(26/6/2014)

© Đoàn Viết Hoạt

(còn tiếp)

Nguồn: Chuyển Hoá

1 Phản hồi cho “Tìm con đường mới để cứu nước: Giai đoạn đầu tiên”

  1. THƯỢNG NGÀN says:

    LUẬN ANH HÙNG : PHAN BỘI CHÂU, PHAN CHU TRINH

    Thực dân Pháp sở dĩ chiến thắng được quân dân ta và đặt được nền đô hộ của họ vào thế kỷ 19 đó là nhờ sức mạnh quân sự tàu thép súng đồng của họ mà ta không có. Nói chung nền văn minh kỹ thuật lúc đó của Pháp áp đảo hoàn toàn nền văn minh nông nghiệp lạc hậu của VN. Đó là chưa nói quan điểm thế giới quan của họ lúc đó hơn hẳn chúng ta về mọi mặt, tức kinh tế và chính trị họ đều có sự vượt trội hơn ta về mặt quốc tế lẫn mặt quốc phòng. Cán cân lực lượng nói chung giữa hai bên khi ấy là một trời một vực, nên không thể nào chúng ta chống lại được.
    Bởi vậy mọi cuộc khởi nghĩa võ trang từ Phan Đình Phùng tới Hoàng Hoa Thám cũng như Trương Định quả thật chẳng khác nào trứng chọi đá, và dù có oanh liệt bao nhiêu cuối cùng cũng không thể nào cứu nước thành công được. Nó chỉ nói lên tinh thần và ý nghĩa bất khuất của những bậc anh hùng, nhưng không cho thấy các triển vọng nào trong thực tế chiến thắng.
    Chính bởi thế mà ngay từ đầu đã từng có những tâm huyết sáng suốt khi giặc Pháp mới sang của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Cao Bá Quát và nhiều người khác khuyên triều đình phải sớm canh tân đất nước. Chỉ tiếc bọn vua quan triều Nguyễn lúc đó hoàn toàn thiển cận, tăm tối, chỉ bảo thủ vì tin vào sức mạnh hảo huyền của nước Tàu và tin vào nền văn minh xưa cũ đã trở nên lỗi thời của họ, khinh miệt người Pháp chỉ là Tây dương, nên không chịu canh tân theo họ.
    Sự sa lầy đó của lịch sử đất nước kéo dài mãi đến thời kỳ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mới lại một lần gắn gượng bùng dậy, khi mà nền đô hộ của thực dân Pháp đã hoàn toàn đặt chân vững chắc.
    Trong khi đó Nhật bản đã sớm canh tân ngay từ buổi đầu và sự thành công đó đã trở nên lợi điểm cho mọi chiến thắng quân sự vang dội sau này của họ cho mãi đến thế chiến thứ hai. Điều này lại một lần nữa lặp lại sau năm 1975 khi ngày nay VN hoàn toàn thua kém Hàn Quốc nhiều mặt, trong khi đó Miền Nam VN vốn đã hơn hẳn Hàn Quốc trước kia.
    Dầu sao vị anh hùng quân sự cuối cùng của VN trước kia là Nguyễn Thái Học cũng chỉ ở trong cái thế không thành công mà chỉ thành nhân khi đương đầu lại với Pháp trong tình hình đất nước hãy còn lạc hậu đó là ý nghĩa mà chắc Phan Bôi Châu hay Phan Chu Trinh đều hoàn toàn thấm thía.
    Bởi vậy ý nghĩa phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy tân của Phan Chu Trinh chứng tỏ đây là những đầu óc yêu nước sáng suốt và lớn lao thật sự. Tuy cả hai vẫn chưa thành công, vì giặc Pháp không dại gì để họ tự do hành động, nhưng chính họ là những người đã đặt những viên đá tảng đầu tiên cho mọi phát triển của các lực lượng VN mọi mặt sau này. Cả hai đều xứng đáng là hai bậc anh hùng tâm huyết lớn của dân tộc cho dầu họ không nhất thiết phải dùng đến con đường bạo lực hay quân sự như là khởi đầu duy nhất.
    Bởi thế, có lẽ trong thời kỳ cận đại, rất khó có người nào vượt qua được bầu nhiệt huyết và tinh thần yêu nước sáng suốt cũng như vĩ đại của hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh trong suốt cả cuộc đời vì dân vì nước của hai vị này.
    Thế nhưng nói cho cùng, vận nước cũng như vận hạn của từng cá nhân con người. Sự thịnh suy luôn mang tính chất khách quan, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ thụ động đầu hàng số mệnh. Cho nên mặc dầu có những hoạt động không thành công, nhưng chí anh hùng của những người yêu nước không đầu hàng định mênh chung mới là điều đáng kính, đáng trọng và đáng khâm phục hơn cả. Bởi vì đó chính là sự tích lũy lịch sử cần thiết mà nếu không như thế cũng khó có được sự thành quả nào sau khi họ đã qua đời.
    Đó cũng chính là ý nghĩa của lời thơ “Thời lai đồ điếu thành công dị, vận khứ anh hùng ẩm hận đa” mà mọi người ai cũng đều biết. Đó cũng là lý do tại sao những người như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học tuy nghĩa cử anh hùng cứu nước của họ không thành công, nhưng muôn đời họ đều là những tấm gương sáng hoàn toàn bất diệt.
    Đó cũng là lý do tại sao chỉ sau khi thế chiến thứ 2 xảy ra, Nhật hất cảng Pháp thay cho VN, và thế chiến thứ 2 kết thúc bằng sự bại trận của Nhật, lúc đó hoàn cảnh độc lập của VN mới đủ cơ sở hiện ra thật sự. Bởi nếu chúng ta cứ tưởng tượng thế chiến thứ hai không xảy ra, thật chưa chắc gì nước ta có thể đánh đuổi được thực dân Pháp chỉ trong thời gian ngắn như thế. Sự đảo chánh của người Nhật đối với người Pháp chính là điều kiện căn bản nhất nhằm chặt chân nền đô hộ Pháp suốt cả 80 năm đối với nước ta. Đó chính là thời kỳ mà vận nước phần nào đã đến, mặc dầu vẫn chưa trọn vẹn cho nên sau đó còn biết bao các biến cố không như ý đã tiếp tục vẫn xảy ra.
    Nên tóm lại, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh chính là hai vị anh hùng lớn nhất của dân tộc trong giai đoạn lịch sử cận đại. Người đời có nói không đem thành bại luận anh hùng chính là như vậy.
    Bởi vì hai vị anh hùng này hoàn toàn tự giác, tự chủ và độc lập trong mục đích và ý nguyện yêu nước của họ. Họ hoàn toàn không bị thúc đầy bởi bất kỳ ai khác ngoại họ, họ cũng không mượn gián tiếp hay trực tiếp bất kỳ thế lực bên ngoài nào, hay để cho ai phỉnh dụ, lôi kéo hoặc điều khiển họ, kể cả dựa vào một lý thuyết huyền hoặc nào để cứu nước. Cho dù lúc đầu Phan Bội Châu có ý nhờ cậy người Nhật, nhưng không phải trong ý nghĩa nô lệ mà là ý nghĩa đồng minh thật sự. Còn việc Nhật bản trở thành cường quốc với chiêu bài Đại đông Á sau này lại là một ý nghĩa lịch sử khác. Họ chính là những người anh hùng yêu nước hoàn toàn độc lập, chủ động và có mục đích, lý tưởng yêu nước của riêng họ thật sự. Tính cách anh hùng đích thị ở đây chính là như vậy, không phải kiểu ra ngõ là gặp anh hùng của kiểu những kẻ quần chúng thường tình mà lúc nào cũng có.
    Cho nên giữa Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh tuy chính kiến có phần nào khác nhau, nhưng hai người không hề phủ nhận, chống đối hay tiêu diệt nhau, mà chỉ hoàn toàn tôn trọng và tin cậy nhau, bởi vì họ đều là hai tâm hổn yêu nước hoàn toàn trong sáng và cao cả cũng như vĩ đại thật sự.
    Đấy luận anh hùng trước hết phải luận về mục đích cao cả, ý nghĩa tinh thần, và đặc biệt nhất chính là tầm nhìn lớn lao, xa rộng của họ đối với đất nước, dân tộc, và đối với lịch sử nói chung chính là như thế. Và chính những bậc anh hùng kiểu này mới vẫn ngàn đời là xương sống, là rường cột của quốc gia chính là như vậy.

    ĐẠI NGÀN
    (01/7/14)

Phản hồi