WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khải Đơn: Trao tự do cho người giữ cửa tự do

Tối qua, tôi có 1 trò chuyện với bạn tôi, và dẫn đến ý: Tờ Charlie Hebdo lẽ ra không nên đăng các hình biếm họa đó làm gì. Chỉ là một hình vẽ vớ vẩn mà khiến chừng đó người chết.

ap295624264691

Sẽ có người nói: “Tại sao một tờ báo lại xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác? Họ đáng phải chịu trừng phạt”. Nhưng niềm tin tôn giáo là gì, đó là ý tưởng của một người, khi họ dành sự tập trung, hành động, sự thờ phượng hướng tới một hình ảnh hoặc một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó. Niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng, không bao hàm hành động hãm hại, giết người – ở hầu hết mọi tôn giáo . Kẻ “thay trời hành đạo” như giết người, cướp của, hãm hại… đều đã trở thành một đảng phái, và hình ảnh thờ phượng từ dạng thức tâm linh đã chuyển thành dạng thức vật chất. Sau đó ta có thể có băng cướp, đảng Phát Xít…

Những kẻ xách súng đi bắn người khác liệu có được coi là có “niềm tin tôn giáo” hay “tín ngưỡng” không? – Hành vi của chúng có tổ chức, súng có tiền mua ra, hành động lớp lang, bài bản… vậy thì đó chỉ đơn giản là hành vi của một nhóm coi tôn giáo là biểu thị, còn hành vi là đảng phái. Nếu một người Hồi Giáo bình thường đọc báo thấy giận quá, liệu có tìm ra chỗ bán súng đi mua về giết mấy ông viết báo không? – Người Hồi Giáo bình thường, đang phải mưu sinh cực khổ, liệu có biết và bỏ công sức truy ra hết chừng đó ông nhà báo, tổng biên tập, người vẽ biếm họa, để bắn cho chết hết không? – E rằng hành vi này chẳng có liên quan gì đến niềm tin tôn giáo cả, nó chỉ là hành động khủng bố – được biểu hiện dưới lớp vỏ của niềm tin – và đó cũng là “tiêu chí bán hàng” đắt giá để có thể đi tuyển mộ thêm fan hâm mộ đánh bom tự sát và làm sát thủ.

charlie-hebdo-coverNgười nào nói câu “ai bảo xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác” đã đánh tráo và nhập nhằng 2 thứ niềm tin – cuồng tín kiểu đảng phái. Nếu xem lại 1 loạt các tạp chí của tờ Charlie Hebdo sẽ thấy họ không nhằm tấn công niềm tin Hồi Giáo nào cả, họ biếm họa cả Chúa Jesus, biếm họa cả tổng thống, cả Martin Luther King, tất tần tật, đó là tất cả công việc của người làm báo biếm họa: là tiếng cười. Nếu nói rằng “xúc phạm niềm tin”, lẽ ra các tín đồ Thiên Chúa Giáo nên đánh bom luôn cái tòa soạn đó là vừa, hoặc các fan hâm mộ Martin Luther King có thể tới giết lun mấy ông vẽ tranh đó, hoặc ông tổng thống đóng cửa luôn tờ báo đó cho rồi. Niềm tin không liên quan gì tới việc giết người cả.

Năm 3 đại học báo chí, có 1 thầy giáo đã giảng cho chúng tôi về việc phải suy nghĩ về hậu quả của bài báo mình viết ra. Ông dẫn chứng về chuyện viết 1 bài báo để nhân vật tự tử, báo đăng xong người mẹ không chịu nổi nhập viện, chụp ảnh quá cận tội phạm khiến người đó không làm lại được cuộc đời. Ông cũng nhắc tới: Chỉ 1 bức tranh biếm họa, có thể làm hàng loạt người bị chết. Đó là 12 bức họa của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten – trong đó có 1 bức nhà tiên tri giấu quả bom trong cái khăn đóng của ổng. Vụ ở Đan Mạch xảy ra tháng 9/2005, kéo theo sự kiện hàng loạt đại sứ quán Đan Mạch và Châu Âu bị tấn công ở trung Đông. Sau đó thì báo Charlie Hebdo có thêm 1 series hình trong số báo “Muhammad overwhelmed by fundamentalists, và khiến xung đột này âm ỉ đến giờ.

Người thầy dạy chúng tôi đã lấy các bức biếm họa đó để minh họa cho tình huống: 1 bài báo có thể hại người khác như thế nào và phải suy nghĩ trước khi đăng bài, và tòa soạn sẽ cân nhắc để gác những bài có nguy cơ “gây hại”. Hồi đó, tôi không tranh luận vì nghĩ thầy đã đúng.

le-pape-nabilla-ise

Khi nào bài báo nên bị cắt? Và ai có quyền cắt? – Tôi từng xem một phim, trong đó chính phủ tự bày đặt ra các cuộc cướp, giết, khủng bố, xong tuyên bố trên TV: “Vì tình trạng an ninh của các bạn, từ ngày mai, cảnh sát sẽ có quyền khám nhà bất cứ giờ nào không cần trát của tòa án, để tìm ra kẻ khủng bố”. Dễ hiểu hơn, sau đó là hàng loạt bản tin: “ Vì an toàn của các bạn, chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối” (nghĩa là từ giờ miễn ra ngoài sau 8 giờ tối). Sau đó: “Vì an toàn của các bạn, chúng tôi sẽ yêu cầu các thông tin tội ác trên báo chí phải thông qua ban kiểm tra trước khi lên bản tin hàng ngày” (Kiểm duyệt).

Khi bị nguy hiểm, nhân danh cái chết, nỗi sợ, những con người dù tỉnh táo và yêu tự do nhất, cũng sẽ sẵn sàng dâng tự do của mình lên cho kẻ nào hứa mang lại sự an toàn cho họ. Khi ấy, người mất tự do đã quên mất họ có gì, họ chỉ cần được đổi lại bằng sự an toàn. Kiểm duyệt cũng được, khám nhà cũng được, giới nghiêm cũng được, miễn sao xin hãy cho tôi được sống. Đó là cách thức hình thành sự trói buộc. Sự chịu đựng chuyên cần này đầu tiên được nhà cầm quyền tiến hành như một campaign quảng cáo, nhưng về sau, nó thành công là nhờ sự hợp tác của từng con người trong xã hội. Người ta mất tự do vì chính họ thích thế – không ai ép cả.

Việc ông thầy nhân danh sự “gây hại” để bảo rằng “không nên đăng” 1 bài báo cũng là một lý luận kiểu như vậy. Ông đã dùng trò ngụy biện (giữa việc bài báo làm nhân vật tự tử – với bức biếm họa gây phẫn nộ) để khiến cho đám sinh viên báo chí hồi đó 100% tin rằng việc đăng các bức biếm họa cần được kiểm duyệt. Tiền đề “các lãnh sự quán bị đánh bom” đã là viễn cảnh đủ sợ hãi và kinh hoàng để khiến bất cứ ai cũng rúm ró vào và nhận thấy việc đăng bài lung tung là không nên. Chúng tôi gật đầu đồng ý: nên kiểm duyệt.

Chúng ta đã sống trong niềm tin giống như vậy về kiểm duyệt. Chúng ta tin rằng khi cần an toàn thì nên kiểm duyệt, khi cần “thế lực thù địch” không biết ta có gì, thì bịt miệng người viết những điều rõ ràng. Thực ra bọn đi viết chưa bao giờ gặp “thế lực thù địch” nên cũng chưa biết nó có đẹp trai không. Mỗi khi cần cắt bài, xóa bài, kiểm duyệt, hệ thống luôn nói rằng bài viết đó “gây hại”, “ảnh hưởng tới an ninh xã hội” hay “khiến dân chúng hoang mang”. Và người dân cũng tạm hài lòng với sự an toàn tinh thần mà dịch vụ kiểm duyệt đem lại, nên họ trao tự do cho nó.

Người ta không hề biết rằng, sau “các thế lực thù địch”, “gây hại”, hay “ảnh hưởng tới an ninh xã hội”, có thể nạn nhân được rào đón sẵn là… chính họ. Ai sẽ đảm bảo rằng nếu cho cảnh sát quyền khám nhà không cần trát tòa, thì một ngày nào đó kẻ bị khám không phải là chính bạn? – Vậy lúc đó ai sẽ vì an toàn của bạn? Ai sẽ đảm bảo rằng giới nghiêm sẽ an toàn cho bạn – nếu 1 ngày nào đó bạn vô tình có việc phải ra ngoài sau 8 giờ tối? Ai sẽ đảm bảo bạn có tự do, nếu có 1 kẻ nhân danh người gác cổng tự do đang suy nghĩ xem có nên ban tự do cho bạn không?

capa-jesus

Tờ báo Charlie Hebdo cũng vậy. Họ có thể đã “nhúng mũi” vào một bọn thanh niên cứng là khủng bố – và họ chết vì xung đột đó. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cả nước Pháp và nền báo chí nên CÓ QUYỀN kiểm duyệt tất cả những gì biếm họa về Hồi Giáo hay người cực đoan. Ai biết được sau khi được trao quyền kiểm duyệt, những kẻ kiểm duyệt sẽ làm gì? – Một ngày nào đó, chúng sẽ trói tất cả bọn ngu đã dâng tự do lên cho chúng kiểm soát, nổi lửa thiêu hết cả lũ, thế là xong, tự do vẫn được đảm bảo.

Giống như thầy trong trường đã dạy chúng tôi, ông nhân danh cụm từ “gây hại” để giáo dục chúng tôi tin rằng thông tin nên được kiểm duyệt để ít gây hại hơn. Vậy ai sẽ là những người kiểm duyệt, những kẻ vô hại à? – Lúc xảy ra vụ công nhân tấn công nhà máy ở Bình Dương, tôi theo dõi Facebook và kinh ngạc khi thấy rất nhiều người cho rằng nên ép các tòa soạn báo không được đưa tin về vụ tấn công nữa, vì “đưa tin như vậy, công nhân nơi khác thấy lại làm theo, gây hại vô cùng”. Tín đồ của kiểm duyệt là vậy đấy, mà họ cứ đòi tự do, không biết để làm gì nữa.

Chưa biết ranh giới của “gây hại” hay “có lợi” ra sao, việc đầu tiên là hãy đặt tự do của bạn lên tay, và trao chúng cho kẻ khác giữ giùm, những kẻ cam kết bạn không “gây hại” được. Còn bọn chúng tôi, thừa sợ hãi và thiếu suy nghĩ, thì cũng không nên có tự do, vì chúng tôi đã dâng hết cho mấy thằng hù dọa rồi.

Vào lúc tự do tinh thần cũng cần người gác cổng, thì ai được ban phát tự do?

——————–

Ảnh: Stephane Charbonnier (BTV của Charlie Hebd) và 1 số hình bìa của tạp chí này.

© Khải Đơn

53 Phản hồi cho “Khải Đơn: Trao tự do cho người giữ cửa tự do”

  1. tonydo says:

    Bài Thuyết Trình của Đức Giáo Hoàng Benedict 16 tại đại học Regenburg (Đức Quốc), ngày thứ Bẩy 16/9/2006 có đoạn:

    ( Người Ki Tô Giáo có bổn phận phải nói lên sự sai lầm của các tín đồ Hồi Giáo khi những tín đồ này nhân danh Allah để gieo rắc bạo lực.)

    Sau đó Đức Giáo Hoàng đã xin lỗi người Hồi Giáo.
    Tuy nhiên không ít người cho là Ngài nói đúng. Chẳng hạn:

    David Brooks (nhà bình luận của tờ Newyork Times) đã viết ” Hàng triệu người Mỹ nghĩ rằng Giáo Hoàng Benedict đã đúng khi đăt vần đề với người Hồi Giáo.(………..). Họ tin rằng Giáo Hoàng không có gì phải xin lỗi.

    Nhưng phản ứng của người Hồi Giáo sau khi Đức Thánh Cha xin lỗi Tôn Giáo của họ là rất tích cực. Một Tín Đồ Hồi Giáo ở Pháp đã nói:

    Giáo Hoàng Benedict 16 đã có cử chỉ tuyệt đẹp, khi lên tiếng xin lỗi Hồi Giáo. Đó không phải là một vấn đề thần học, cũng không phải là một hành vi chính trị. Mà là một cử chỉ tình thuơng giữa nguời với người, trong vòng tay bao la của Thuợng Đế.

    Trở lại vụ Charlie Hebdo.
    Những người không sinh sống ở Pháp chắc chắn chẳng hiểu Luật Lệ, Văn Hóa Pháp một cách chỉnh chu. Càng không hiểu phong tục, tập quán, cũng như cách nhìn và suy nghĩ sự việc của họ.

    Tuy nhiên dù là người gì đi chăng nữa thì chẳng có người lương thiện nào muốn nhìn thấy hơn chục mạng người phải chết một cách dã man, tức tưởi như vậy.

    Câu hỏi làm tôi suy nghĩ mấy ngày nay là, nếu có một lời xin lỗi trước khi sự việc đau lòng đó xẩy ra như Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đã làm 8 năm về trước với người Hồi Giáo thì, vụ giết người tàn nhẫn đó có xẩy ra không?

    Xin Thiên Chúa dẫn đưa linh hồn những người xấu số về Cõi Đời Đời.

    • LỖI VÀ XIN LỖI

      Không lỗi mà xin mới quả hay
      Lỗi đầy mà giấu mới vô nghì
      Con người tốt chính người lương thiện
      Kẻ xấu hầu toàn quân lưu manh
      Hành vi xin lỗi người quân tử
      Với bọn lưu manh xin vẫn hoài
      Người tốt cảm thông lòng cao quý
      Kẻ tồi thì chỉ hại người thôi
      Bao giờ cỏ hết trên đời nhỉ
      Nhưng trái cây đời vẫn mọc ra
      Bởi thế muốn cây đời chóng lớn
      Đốt nhiều rác rến ủ phân tro

      ĐẠI NGÀN
      (18/01/15)

      • tonydo says:

        Ở mãi trong Làng đâu có biết
        Ra Đường chạm mặt vẫn chửa tin

        Mấy người không lỗi mà xin
        Đàn anh sao khéo bới tìm làm chi
        Ví như đứng ở bên ni
        Nhìn sang bên nớ biết gì gió bay
        Ở bên Đông sáng ban ngày
        Bên Tây họ vẫn ngủ say trên giường
        Đời ai chẳng có vấn vương
        Bà con rồi sẽ bốn phương một nhà
        Ghét người đối mặt vẫn xa
        Yêu nhau Vàng Đỏ cũng là anh em
        Quảng Đà thì khoái ăn Nem
        Băc Kỳ lại thích liếm kem Cẩm Bình
        Ở sao có nghĩa có tình
        Có ai sống được một mình mãi đâu
        Kính.

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        @TonyDo

        Thơ ai lưu loát quá hè
        Tony họ Đổ làm vè hay GHÊ !
        Dân chơi vốn đã có nghề
        Bao năm lão luyện bề bề kém ai?

        Nay Ki’nh

    • Trực Ngôn says:

      tonydo says: “Tuy nhiên dù là người gì đi chăng nữa thì chẳng có người lương thiện nào muốn nhìn thấy hơn chục mạng người phải chết một cách dã man, tức tưởi như vậy.
      Câu hỏi làm tôi suy nghĩ mấy ngày nay là, nếu có một lời xin lỗi trước khi sự việc đau lòng đó xẩy ra như Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đã làm 8 năm về trước với người Hồi Giáo thì, vụ giết người tàn nhẫn đó có xẩy ra không?

      Ai phải lên tiếng xin lỗi đây?

      1) Những người theo Hồi Giáo đã phải cay đắng cắn răng chịu đựng khi nhìn những biếm hoạ của Charlie Hebdo báng bổ đấng tiên tri giáo chủ của họ suốt bao năm qua. Dĩ nhiên họ không muốn máu đổ thịt rơi như đã xảy ra vừa rồi.

      2) Những người tấn công là do nhóm người Hồi giáo quá khích, họ muốn xoá bỏ Charlie Hebdo để không phải nhìn những bức biếm hoạ chướng mắt.

      Vậy bây giờ ai phải đứng ra xin lỗi?

      Người Hồi Giáo bình thường thì không rồi, nhóm Hồi giáo quá khích lại càng không thể mong chờ, vì cuộc tấn công để xoá bỏ những kẻ khiêu khích chọc giận là mục đích của họ, vì thế họ sẽ không bao giờ xin lỗi.

      Tôi nghĩ, nếu Tổng Thống Pháp đứng ra xin lỗi, vì đã để cho Charlie Hebdo vẽ những biếm hoạ báng bổ tôn giáo từ nhiều năm qua và yêu cầu chấm dứt, không để cho tái diễn như vậy nữa, thì không những người Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, và cả nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ tâm phục khẩu phục?

      • tonydo says:

        Em đồng ý với bác Trực Ngôn. Cám ơn bác.

        Chúng ta đều biết là tờ báo Charlie Hebdo đã bị người Hồi Giáo cảnh cáo, doạ đánh bom nhiều lần và đặc biệt họ đã phải hầu toà năm 2011 vì những bức hý họa đụng chạm tới Hồi Giáo. (Tòa xử vô tội)

        Có cái lạ là mỗi lần tờ báo này bị phản ứng của người Hồi Giáo thì số báo phát hành lại tăng vọt lên. Điều này có nghĩa là dân Pháp lại thích như thế chăng?

        (Theo Reuters, phát biểu ngày 17/1, một ngày sau khi bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi xuất hiện trên trang bìa tạp chí Charlie Hebdo làm dấy lên những cuộc biểu tình tại nhiều quốc gia Hồi giáo khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương.

        Thay vì xin lỗi hoặc ép tờ báo Charlie Hebdo làm một cử chỉ nào đó để xoa dịu tình hình thì :

        (Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, những người biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo không hiểu gì về quyền tự do ngôn luận tại Pháp.)

        Em sinh sống ở Mỹ Quốc, nên bó tay với cách phản ứng của người Pháp.
        Kính!

      • UncleFox says:

        Chính những giáo chủ, giáo sĩ đạo Hồi mới phải cần xin lỗi vì đã để cho tình trạng quá khích xảy ra do các tín đồ của họ gây nên . Chính cái lối giảng dạy nhồi sọ, diễn dịch kinh Koran theo kiểu kích động bạo lực đã gây chia rẽ, hận thù giữa các sắc tộc, tôn giáo, hệ phái với nhau . Chính cái lối xem mọi người không phải là Hồi giáo đều là kẻ thù đã làm cho người theo đạo Hồi không ngừng gây “Thánh chiến” .
        Đâu phải họ chỉ giết các người vẽ biếm hoạ ở tờ Charlie Hebdo vì tội “báng bổ đấng tiên tri” thôi đâu . Chắc ai cũng còn nhớ mấy năm trước họ cũng giết mấy đứa trẻ ở Iraq vì chúng xé vài tờ kinh Koran chúng tình cờ nhặt được kia mà .
        Một tôn giáo mà dạy tín đồ “một tay cầm kinh Koran, còn tay kia phải cầm gươm” thì làm sao có thể xưng là “tôn giáo hoà bình” cho được ?

      • Trực Ngôn says:

        UncleFox says: “Chắc ai cũng còn nhớ mấy năm trước họ cũng giết mấy đứa trẻ ở Iraq vì chúng xé vài tờ kinh Koran chúng tình cờ nhặt được kia mà .

        Nghĩ cũng lạ?

        Khi mấy đứa trẻ “vô tri” (ngây thơ) xé vài tờ kinh Koran mà bị “nhóm Hồi Giáo cực đoan” giết chết, thế mà thế giới không chịu biểu tình lên án và yêu cầu “Hồi giáo” phải xin lỗi và bồi thường cho gia đình nạn nhân?

        Còn khi những kẻ có những hành động khiêu khích, vẽ tranh biếm hoạ báng bổ tiên tri Mohammed của Hồi Giáo, xúc xiểm TCG, nên bị nhóm khủng bố sát hại, thì cả hàng triệu người biểu tình rầm rộ tỏ ý thương tiếc và tự xưng mình là “je suis Charlie” thì có điên không? Có phải là cố tình khiêu khích, đổ thêm dầu vào lửa không?

        Xin hỏi UncleFox:

        Ví dụ nhà ông nuôi một con chó dữ, không may mấy đưá trẻ vô tội lọt vào sân nhà ông và bị con chó cắn chết! Chắc là ông sẽ hết lòng xin lỗi và bồi thường?

        Ngược lại, có những kẻ “cố tình” chọc phá, đem tranh biếm hoạ múa may trước mặt nó để khiêu khích chọc giận, khiến con chó nổi khùng cắn chết bọn này, vậy liệu ông có phải xin lỗi không?

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Nói theo Nguyễn Chí Thiện :

        LỖI LẦM TẠI AI ? XÉT RA TẤT CẢ
        (tout le monde / the whole world)

        Chính chúng ta thụ động không phản ứng, hay phản ứng yếu ớt, cho nên mới có những cái gọi là BẠO LỰC VÔ NGHĨA (NON-SENSE VIOLENCE), từ verbal violence (báng bổ tôn giáo dưới cớ tự do ngôn luận) cho đến physical violence (khủng bố dã man qua nhân danh tôn giáo) …

        Phải tỏ thái độ tích cực hơn nữa, để mọi người Ý THỨC hơn bao giờ hết về quyền căn bản con người, trong đó có tự do báo chí và tự do tôn giáo .. cần phải được dung hoà sao cho thật hài hoà, không chỏi nhau, chống báng nhau như đã xảy ra.

        Con người dân chủ đa nguyên phải biết rõ, KHÔNG CÓ CÁI GÌ CHÍNH THỨC kể cả tôn giáo, sắc hay chủng tộc … ;để trở thành quốc giáo; hoặc quốc dân duy nhất; hay đảng duy nhất nắm quyền …
        Cũng như KHÔNG CÓ TỰ DO TUYỆT ĐỐI ! Tất cả đêu TƯƠNG ĐỐI và cần phải biết cách đối thoại sao cho đạt đến những ĐỒNG THUẬN DÂN TỘC (national consensus/agreement), bởi xã hội hay quốc gia hiện nay không còn thuần nhất như xưa, mà là sự pha trộn của nhiều sắc dân, văn hóa văn minh, tôn giáo … để tạo nên sự đa dạng muôn màu muôn sắc muôn hương !
        Xã hội đa văn hóa (multiculturel society) không phải chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng mị dân, mà phải có trọng lượng xứng hợp với nội dung đích thực.

        Lão Ngoan Đồng

        VÌ ẦU TRĨ
        Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối
        Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
        Cả nước đã quy về một mối
        Một mối hận thù, một mối đau thương!
        Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường
        Đảng tới là tan nát cả!
        Lịch sử sang trang, phủ phàng, tai họa
        Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà?
        Đau đớn này không chỉ riêng ta
        Mà tất cả!
        Cả những kẻ đã nằm trong mả
        Và những bào thai trong bụng mẹ chót sinh ra
        Chúng sẽ có quyền nguyền rủa lũ ông cha
        Đã đẩy chúng sa xuống hầm tai vạ
        Lỗi lầm tại ai? Xét ra tất cả
        Mấy ai người đem hết tâm can?
        Trước hung thù hung hiểm gian ngoan
        Biết bao kẻ mơ hồ mong hưởng lạc!
        Nghĩ tới ngày mai lòng ta tan tác
        Đến bao giờ lấy lại được giang san
        Chế độ này trâu ngựa sống không an
        Sài lang đã dựng xong nền thống trị
        Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỷ?
        Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn?
        Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
        Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!

        NCT, 1975

    • DoTony says:

      Cõi nào mới cõi đờiđời?
      Chơ cõi này là sanhtử luânhồi mù khơi?!,
      Đờiđời, sự sống đờiđời
      Cứ liêntu, bấttận, và mútmùa mâymưa!!!
      Chuá nào là thiên chuá? Đồ chùa?
      Rõràng ngoài đó là chốn lùa hưkhông!?,
      Hưkhông, trốngvắng, mônglung…
      Có không? Không có! Giống CôngDãTràng!!!

      Chuá càtàng, đi langthang…

  2. Trần Tưởng says:

    “Vào lúc tự do tinh thần cũng cần người gác cổng, thì ai được ban phát tự do? “-Trích

    Câu hỏi nầy chắc nên để dành cho ban biên tập trả lời !!! Hy vọng từ nay ,tôi sẽ không bao giờ
    phải đọc những cái còm ,mà trong đó có lời yêu cầu BBT cho “hiển thị” !

  3. Thạch Đạt Lang says:

    @Nói Toẹt Móng Heo

    Thưa anh Nói Tọec Móng Heo!

    1. Đăng bài viết và cho hiển thị ý kiến là hai chuyện khác nhau. Khi anh gửi bài, BBT sẽ đọc rất kỹ và biên tập lại, thêm hình ảnh minh họa…nếu quyết định cho đăng. Còn ý kiến chửi bới, nhục mạ, vu khống người khác như Chưng Sơn, Ngôn Trực Kiên Trung…nhục mạ tôn giáo của nhau vẫn hiển thị vì BBT không có thì giờ để có thể kiểm duyệt hết. Điều này đã được BBT trả lời nhiều lần.

    2. Anh có biết việc tờ báo Charlie Hebdo vẽ tranh biếm họa đã bị ra tòa một lần không? Ông Tổng Thống Pháp ca ngợi những hình ảnh biếm họa của Charlie Hebdo sau khi vụ khủng bố xẩy ra để nhấn mạnh rằng nước Pháp có tự do ngôn luận. Còn hậu quả của việc tự do ngôn luận với 17 nạn nhân lại là chuyện khác.

    3. Nói lên quan điểm, nhận định của mình không phải là dạy đời. Tôi không hề muốn dạy đời, ra lệnh cho ai hết, nhưng khiêu khích thì có bởi tôi muốn biết những kẻ chỉ thấy tên tôi là chửi sẽ chửi đến đâu? Bởi tôi biết họ, một là không đọc những gì tôi viết, hai là có đọc nhưng không hiểu, ba là chỉ thích chẻ chữ để đã kích, bẻ ngoặt ý của tôi đi.
    Tôi có tình chọc cho họ chửi thêm là vì vậy, tất nhiên tôi sẵn sàng đón nhận những gì họ viết, không phản ứng. Có những người không biết tôi là ai, làm gì, ở đâu mà cứ chửi sa sả tôi là con cộng sản, cách mạng ba mươi…

    Người ta chụp mũ cho tôi, không chụp mũ cho anh vì có nhiều nguyên nhân. Sao anh không đặt câu hỏi, tại sao khủng bố tấn công tờ báo Charlie Hebdo mà không tấn công các tờ báo khác?

    Tôi chọc thẳng vào những cái xấu xa, tệ hại, chia rẽ của cộng đồng, tất nhiên tôi biết những hậu quả sẽ đến. Anh cứ thử viết bài lên án những tật xấu của người Việt hải ngoại đi, xem có đội nón CS, có bị chửi rủa, nhục mạ không?
    Không biết anh có đọc bài Đầu Năm Khai Pháo của tôi trên Dcvonline.net không, bài viết vào năm 2008, được nhiều website đăng lại. Vì tôi vạch ra những hành xử thiếu văn minh, lịch sự của người Việt hải ngoại nơi công cộng, thế là nhiều kẻ nhao nhao lên chửi bới, chụp mũ tôi là cộng sản.

    Về những hành động suy đoán, tưởng tượng nhân thân người khác rồi hung hăng chửi bới, nhục mạ một người mình không hề biết là ai, không gọi là côn đồ, mất dậy thì gọi bằng danh từ nào?

    Việc anh bênh vực tôi, tôi rất cám ơn, nhưng thiết nghĩ cũng không cần thiết. Người nào đọc bài tôi viết, hiểu thì hiểu, không cũng chẳng sao. Còn chuyện họ chụp mũ, chửi bới thì làm sao cấm được, hơn nữa đây lại là diễn đàn ảo, có ai biết ai đâu?

    Anh góp ý với tôi, lời lẽ ôn hòa, tôi chẳng có lý do gì để trả lời anh bằng thứ ngôn ngữ đầu đường, xó chợ? Qua những bài viết của tôi trên DCVonline cũng như Danchimvietinfos tôi có thêm nhiều bạn chứ không phải chỉ có kẻ thù. Bạn thì thật vì đã liên lạc tâm tình, gặp mặt nhau, còn kẻ thù thì hì hì toàn kẻ thù ảo. Tin hay không tùy anh!

    Thành thật cám ơn anh đã góp ý.

    Thạch Đạt Lang

  4. Thạch Đạt Lang says:

    @Ban Mai

    Thưa bạn!

    Bạn cho rằng ông Phạm Minh phê bình ôn hòa, mạnh mẽ nhưng tương kính, tôi chỉ đồng ý một nửa. Lời lẽ ôn hòa thì đúng nhưng tương kính thì không. Ông PM viết rằng chỉ nhận xét sự việc chứ không nhận xét người, nhưng chính trong ý kiến đó, ông Phạm Minh phê bình rằng tôi có cái tâm không trong sáng, nên chỉ viết một câu ngắn cũng gây hiểu lầm, lại khuyên tôi nên lùi một bước để thấy trời cao, đất rộng. Chì 2 điểm này đã thấy rõ ông Phạm Minh tự mâu thuẫn với chính mình vì đã đánh giá con người tôi.

    Ông PM không hề biết tôi là ai, làm gì, ở đâu, khi viết bài, viết ý kiến tôi nhằm mục đích gì, sao dám khẳng định tôi có cái tâm không trong sáng? Các bài viết vừa qua của tôi nhắm rõ ràng vào một thiểu số trong cộng đồng, thiểu số đó, ai cũng có thể nhận ra, không lầm lẫn đi đâu được nếu chịu khó quan sát những sinh hoạt. Những bài viết của tôi không hề thuộc loại metaphor, còn chuyện đọc một câu văn, hiểu lầm là chuyện bình thường, do đọc nhanh hoặc không suy nghĩ kỹ, có vậy mà dám kết luận tôi có cái tâm không trong sáng.

    Cùng một bài viết, có người khen, người chê, người hiểu, người không hiểu là tùy thuộc trình độ nhận thức, suy nghĩ cũng như khuynh hướng chính trị, thưởng ngoạn. Nếu các bài viết của tôi chỉ đáng vứt sọt rác hay chỉ gây hiểu lầm thì sao lại được các website khác ở hải ngoại đăng lại? Có cả những tờ báo giấy thuộc loại báo bán còn lấy cả truyện ngắn của tôi đăng lại mà không hề xin phép, tôi cũng chẳng chấp.

    Còn về câu kết trong bài của Khải Đơn, dường như bạn hiểu lầm. Theo như tôi hiểu, tác giả muốn nói:- Nếu ta sợ hãi, không dám nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình thì chính ta đã đánh mất tự do khi giao nó vào tay kẻ khác.

    Cách đây khoảng 2 tuần, một người bạn già của tôi ở trong nước ( gọi là bạn già vì anh hơn tôi gần 20 tuổi ), khi đọc các bài viết của tôi cùng những ý kiến nhục mạ, chửi bới tôi đã khuyến khích tôi với câu nói “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ” (The Fountainhead, 1943 của Ayn Rand.)

    Trao đổi với bạn ít giòng, mong rằng không làm bạn tốn thêm tiền mua chén đĩa mới.

    Thạch Đạt Lang

    • Ban Mai says:

      @ Bạn TĐL,

      Hehehe… tôi hạ bác từ chỗ “tiền bối” xuống “bạn” bác cho phép không? :) Cũng như ông bạn vong niên nào đó của bác dẫn chứng Ayn Rand í mà! :) Vâng, “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ chúng ta khinh bỉ”! Vấn đề là sức. Liệu “sức chúng ta” có đủ? Tuổi thanh niên thường nghĩ chuyện “đội đá vá trời” nhưng hơn 7 tỉ người trên trái đất mấy ai vá nổi? Vì thế câu nói cũng chỉ là câu nói, và chỉ nói mà thôi!

      Trở lại chuyện chính. Tôi hoan hô bác PM là cách dùng ngôn từ tuy gay gắt nhưng tương kính, không bổ bã, còn nội dung phải là chuyện trao đổi giữa bác í với bạn. Hiểu đúng/sai trong từng trường hợp là chuyện khác. Nhưng đã nói đến đúng/sai thì không bao giờ như toán học. Phạm trù tư tưởng là cực khó. Do đó chấp nhận cái tương đối (tôi nghĩ) sẽ dễ chinh phục và cảm hóa (tạm gọi là) đối tượng hơn là dùng cái cực đoan. Quyết giữ châm biếm để bảo vệ tư do tư tưởng thì phải đối diện với quyết bảo vệ đức tin (cho dù là đức tin cực đoan). Cực đoan và cực đoan đối nhau thì máu phải đổ, và đang tiếp tục đổ! “Chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này…” Đức Phật cũng không bỏ mặc. Đức Chúa cũng không bỏ mặc. Nhưng nhân loại đang như thế nào? cho những kẻ mà chúng ta khinh bỉ Đức Chúa bị đóng đinh! Câu hỏi: Bạn là ai? Tôi nghĩ vấn đề chính là cảm hóa. Sợi tóc của người đàn bà có thể trói chặt được anh hùng! Từ Hải ngõm. Trụ tiêu. “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”..ect.. Vì thế tôi thường nghĩ đến “lạt mềm buộc chặt”! Mục Ý Kiến trong diễn đàn nầy có rất nhiều người dùng ngôn ngữ bổ bã, đôi lúc quá trơ trẽn, sống sượng nhưng chửi lại “những kẻ mà chúng ta khinh bỉ” (theo tôi) là chính mình bị mắt mưu kẻ dữ! Bọn cộng sản sẽ vỗ tay hoan hô! Câu hỏi: Bạn có tin những kẻ chống cộng hùng hỗ nhất trên diễn đàn là người chống cộng thật sự? Họ là người Quốc Gia? P/S: Tôi bị vội nên gõ mà không có giờ đọc lại. huhuhu… canh khét rùi! Chia sẻ sự bực bội của bạn. BM.

      • Thạch Đạt Lang says:

        @Ban Mai

        Từ bác hay tiên sinh xuống bạn vui quá đi chứ, cảm thấy trẻ lại gần 20 tuổi. Mừng muốn chít lun, sao lại không cho phép?

        Trở lại vấn đề. Sức thì biết thế nào cho đủ? Nhưng thấy chuyện cần làm, chẳng lẽ không làm. thôi thì cứ làm được đến đâu hay đến đó.

        Bạn nói chính xác, vấn đề tư tưởng đúng, sai, chỉ có tính tương đối, bởi nó sẽ đúng với người này, sai với người khác. Tuy nhiên điều chính yếu là nếu mình cảm thấy việc mình làm là đúng, không hổ thẹn với lương tâm thì cứ làm, để sau này không ân hận khi nghĩ lại:- Lúc đó mình có thể làm được việc đo, sao mình không làm, để bây giờ ngồi ân hận?

        Bạn nói đúng, lạt mềm buộc chặt, sợi tóc mỹ nhân cột chân đước anh hùng nhưng hì hì tôi không là mỹ nhân mà là xú hầu tức là con khỉ xấu xa nên hay chọc phá và bị ném đá thì đúng quá rồi, phải không?

        Tất nhiên những kẻ chống cộng hung hăng trên DCV chưa hẳn là những người chống cộng thật sự, tôi ít khi trả lời những kẻ hung hăng đó, chỉ thỉnh thoảng chọc nhẹ một phát chơi thôi. Thì giờ đâu để đôi co với họ?

        Tôi mới viết một bài về vụ Charlie Hebdo, hi vọng bạn sẽ được đọc nay mai trên DCV.

        Chúc tất cả vui vẻ cuối tuần

        Thạch Đạt Lang

      • Ban Mai says:

        @ Bạn TĐL,
        (tiếp theo dòng suy nghĩ ở vài còm trước)

        Diễn đàn nầy là một diễn đàn mở vì thế có một số người tự do ngôn mà không luận nên cứ chụp mũ và chửi nhau. Việc nầy không làm ai chết cả nhưng ảnh hưởng cho đại cuộc! Đấy là công việc của bọn dư luận viên. Họ sẽ đổ thêm dầu vào lửa rồi la toán bọn hải ngoại chống cộng cực đoan(!) với mục đích để đồng bào trong nước dù có căm phẫn chế độ cũng sợ hãi không dám bắt tay cùng hải ngoại. Vì lật đổ được VC mà chế độ mới rơi vào tay “bọn cực đoan” thì huhu… họ sẽ bị tắm máu(!) Câu chuyện “Cầu cho Bạo chúa sống lâu” hẳn bạn đã biết nhưng tôi cũng vắn tắc đôi dòng.

        Có một cụ già vào nhà thờ quỳ gối cầu nguyện. Người bên cạnh nghe rõ lời cụ nguyện cầu. Ra lễ, người đó ngạc nhiên hỏi cụ: Vua đang cai trị rất hà khắc, dã man tại sao cụ cầu cho hắn sống lâu? Cụ già nhỏ nhẹ “Tôi sống đã qua 3 đời vua. Cứ vua sau luôn luôn dã man hơn vua trước(!) do đó tôi mong ông nầy sống lâu!”

        Như vậy thì việc tạo ra dư luận “chống cộng cực đoan” không phải là mục đích của VC thì là ai vào đấy nữa?

        Cám ơn bạn chịu làm quen.. hihihi. Bạn trẻ lại được 20 năm thì tôi cũng bị mệt, vì phải tốn tiền mua cái xách tay khác lớn hơn tí xíu, để có chỗ nhét thêm cái bình sữa, cho chính tôi í mà! “Năm anh 20 em mới sinh ra đời” thế thì không cần sữa là gì nhỉ? Hihihi. Calm down nghen bạn!

    • Pham Minh says:

      Cám ơn hai ông bạn Nói Toạt Móng Heo và Ban Mai đã “cứu bồ”. Không phải cứu tôi hay ông TĐL mà là cả hai; giúp chúng tôi không phải tranh luận đơn phương, có thể chủ quan hoặc nhàm chán. Có thêm hai vị tham gia tất nhiên sẽ khách quan và phong phú hơn.
      Tôi không có ý tranh luận cho tới bến vì dù sao vấn đề cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, còn một vài điểm ông TĐL chưa thỏa mãn, tôi xin được giải thích thêm.
      - Xét việc chứ không xét người: Tôi xét việc làm (kể cả viết và nói) của ông để đánh giá cái tâm, cái lòng của ông. Nếu ông đồng ý văn tức là người (có thể không đúng 100% nhưng chắc không dưới 50%) thì qua từ ngữ, văn phong, nội dung chuyên chở trong những câu, bài ông viết, tôi nhận đĩnh ông như vậy. Có thể tôi đúng, có thể tôi sai (hy vọng là tôi sai để đời còn có thêm người tốt) nhưng không có gì mâu thuẩn với điều tôi nói cả.
      Nếu tôi biết ông là ai, biết bằng cấp, địa vị, background của ông ra sao rồi dựa vào đó mà nói cái tâm, cái lòng của ông thì tôi đã xét người chứ không phải xét việc rồi. Và như vậy thì tôi mới mâu thuẩn điều tôi nói chứ?
      -Lùi một bước sẽ thấy trời cao đất rộng: Câu này chỉ muốn nói: mình giỏi, thế gian còn có nhiều người giỏi hơn. Đừng chủ quan, tự tôn, tự mãn mà xem thường người khác. Cũng đâu có gì là mâu thuẩn?
      - Câu tôi viết: “Chẳng lẽ ông thấy họ hành xử đúng, họ có quyền như vậy và người dân trong nước đã thỏa mãn?”
      Đây là câu ở thể có tính cách nghi vấn (interrogative) đâu phải câu ở thể xác định (affirmative); sao ông bảo tôi kết luận ông như vậy?
      Thôi nhé, thế đã tạm đủ. Những điểm khác đã có hai ông bạn Nói Toạt Móng Heo và Ban Mai nói giúp cho rồi.
      Trên trang mạng ảo này, hắc, bạch hai lộ khó phân nếu chẳng may có tên bay, đạn lạc trúng nhầm cũng là chuyện dễ hiểu. Tranh luận để vấn đề được thêm sáng tỏ, học hỏi nhau, biết “võ công” nhau cũng là điều tốt, chẳng lẽ vào đây chỉ “chôm” ý tưởng, kiến thức của người khác còn mình thì không trình bày quan điểm để chia sẻ lại thì cũng đâu có “fair”. Vã lại, đó cũng là dụng tâm, dụng ý của BBT/ĐCV mà.
      Xin cám ơn BBT/ĐCV và chúc tất cả một cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc.
      PM

      • Huong Nuyen says:

        Viết/lý luận rật logic!

      • Lại Mạnh Cường says:

        Thanks a lot :-) !
        Having nice weekend :-) !!
        Những thảo luận thật đáng giá :-) !!!

      • Thạch Đạt Lang says:

        Cám ơn ông Phạm Minh đã nói rõ hơn những ý kiến để tạo được sự thông cảm trong tranh luận

        Chúc ông cuối tuần vui vẻ.

        Thạch Đạt Lang

  5. UncleFox says:

    Không có “niềm tin” nào để biện luận cho việc giết người vì họ nhạo báng tín ngưỡng của mình . Nếu quý vị cho rằng người Hồi Giáo có lý do sát nhân khi đấng tiên tri của họ bị báng bổ thì sao không nhìn lại họ dùng đại pháo nã vào những pho tượng Phật cổ ở Afghanistan dạo nọ có phải là hành vi báng bổ tôn giáo và niềm tin của người khác hay chăng ?
    Mới đây thôi, những con chó điên tự nhận mình là người Hồi Giáo ấy khi không ép buộc được người dân nơi chúng chiếm đóng phải cải đạo sang thứ “niềm tin” quái gở của chúng thì chúng tàn sát tất cả đàn ông, ngay cả các thiếu niên teenagers cũng không tha . Còn phụ nữ thì bị buộc làm nô lệ tình dục cho chúng …
    Chúng ta không lạ gì sự tàn ác của Việt Cộng khi chúng dùng mọi biện pháp khả thể để trù dập mọi người “xâm hại” đến “niềm tin” Cộng Sản của chúng . Nếu xét sự việc như quý vị lên án tờ Charlie Hebdo thì hành động ném phân, tông xe, phạt tiền, bỏ tù … những người viết bài lên án, chế giễu chúng là có lý chăng ?
    Trên diễn đàn này có những thành phần vô lại như Chưng Sơn, Mắng Sĩ, Thắc Mắc Thư Sinh, Ngôn Trực Kiên Trung vv … chuyên lăng mạ những người theo Công giáo làm tất cả những người lương thiện đều phải nổi nóng . Thế nhưng tôi sẽ cực lực phản đối những ai bịt mồm bọn chó đẻ ấy bằng cách gây thương tích hay giết hại chúng .
    Cách đây vài năm, công ty thời trang Victoria Secret tnung ra sản phẩm quần lót phụ nữ có in hình Đức Phật . Sự lăng mạ cao hơn hẳn những biếm hoạ mà tờ Charlie Hebdo đăng tải rất nhiều . Thế nhưng những người Phật Tử phản ứng rất ôn hoà bằng cách gửi thư yêu cầu Victoria Secret thu hồi thứ sản phẩm cà chớn ấy và họ đã được toại nguyện với lời xin lỗi chính thức .

  6. Ban Mai says:

    @Thạch Đạt Lang says:

    ”Vào lúc tự do tinh thần cũng cần người gác cổng, thì ai được ban phát tự do? Hì hì! Hỏi chi mà móc họng vậy cha ( nội )?
    Các “còm sĩ” hung hăng, hay văng tục, chửi thề, nhục mạ, vu khống.. người khác đâu ? Viết binh luận đi chứ.
    (trích)

    (Thưa cái còm bên dưới đã dài, không muốn nối đuôi nên xin phép “tha” lên trên nầy cho rộng đất hơn ạ!)

    Hoan hô tinh thần trao đổi của bác Phạm Minh: Mạnh mẽ nhưng tương kính! Đặt vấn đề lý luận là chính và không dùng ngôn ngữ xúc xiểm, điều mà diễn đàn nầy xảy ra như cơm bữa! (xin cứ thử đọc lại các còm trong bài GM Nguyễn Văn Nhơn được phong Hồng y) Tự do ngôn luận không thể là tha hồ biểu lộ cá tính hoặc sỉ vả đối phương nơi công cộng (diễn đàn). Tôi đồng cảm với bác TĐL trong khá nhiều nhận xét nhưng cũng không tránh được (hơi) bị shock về vài nhận xét trong vài bài chủ hoặc trong còm. (hình như cũng đã trao đổi với bác TĐL rồi)

    Vấn đề bày tỏ tư tưởng một cách hoàn toàn tự do, tôi tôn trọng. Nhưng đó là tự do cá nhân không va chạm đến tự do người khác. Ngay trong gia đình khi anh Bố sử dụng ngôn ngữ bừa bãi lúc nóng giận (gia trưởng) con cái sẽ sợ hãi, tìm cách trốn, im thin thít. Chúng im vì sợ hãi chứ chắc chắn là bất phục, nếu không muốn nói là chúng coi thường! Còn trên diễn đàn cũng dùng loại ngôn ngữ đó thì, hoặc là bị chửi lại, hoặc đối phương bỏ đi, không thèm trao đổi tiếp. Trường hợp bỏ đi nầy đã hẳn không phải là “im lặng là chấp nhận” mà là sự khinh bỉ. Diễn đàn sẽ dần dà vắng bóng nhiều người lịch sự. Và mọi người đều biết sự lịch sự thường đến từ những người có căn bản tốt về giáo dục và đạo đức.

    Cứ nhìn loại ngôn ngữ bọn cộng sản sử dụng là rõ như ban ngày! Rồi thử đọc một số còm trên diễn đàn nầy để so sánh! :(

    Trở lại mấy dòng trích dẫn bên trên, bác TĐL có giới hạn khi chỉ dùng “Các còm sĩ hung hăng… “ chứ không đánh đồng nhưng cũng kẹt một chút là… “viết bình luận đi chứ.” Cho nên tôi đang còm với bác thì hehe… là tôi phải tự nhận thuộc loại “hung hăng” mất rùi, tội nghiệp không? huhuhu..

    Còn câu kết bài chủ nội dung là “ai muốn vào cửa tự do” phải qua “người gác cổng” và hỏi: Ai ban phát quyền (kiểm soát) cho người “gác cổng”! (Xin thưa, không thể hình dung như người gác cửa một công ty) Câu trả lời là không ai ban phát cả! Mà, chính là sự tự giới hạn cá nhân. Vì, trách nhiệm của cá nhân trong môi trường sống chung. Cũng như cùng ngồi trên máy bay, người bệnh hay không bệnh đều phải hít thở chung một bầu không khí, người bị ho phải vô phòng vệ sinh hay tự bit miệng!

    Do đó, theo tôi, sự Tự chủ chính là Tự do.

    • TỨ NGÀN says:

      DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC

      Thường khi trên diễn đàn
      Người tử tế thấy rõ
      Bị chưởi trước phủ đầu
      Lý đâu không chưởi lại ?

      Nên với bọn cô hồn
      Cần dĩ độc trị độc
      Đó mới điều sống còn
      Thật thà cha đứa dại ?

      Diễn đàn như cái biển
      Biển trong và biển ngoài
      Bởi sống chung với lũ
      Để lũ cuốn đi sao ?

      Nên đừng ngại dư luận
      Chỉ ngại bọn cào cào
      Phải thẳng như ruột ngựa
      Chẳng có sợ ma nào !

      Người hay thường ẩn mặt
      Bọn chó má hổn hào
      Hải nội chư quân tử
      Thấy hết ai ra sao !

      Nên vấn đề sai đúng
      Chỉ khác trước và sau
      Tấn công người hung hản
      Tự vệ thành đàng hoàng !

      Ý NGÀN
      (16/01/15)

Leave a Reply to THƯỢNG NGÀN